Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/08/2021

Hùa nhau tấn công trí thức

Y Chan

Săn dê tế thần trong khi thả sói chạy rông

Khi tấn công trí thức trở thành một phản xạ có điều kiện.

huanhau1

Ảnh : Shutterstock, Getty Images.

Vài ngày qua, mạng xã hội xuất hiện một làn sóng chỉ trích gay gắt nhắm đến Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright.

Nguồn cơn đến từ dự báo mang tên "kết quả nghiên cứu nhóm Đại học Fulbright" được đăng tải  trên các tờ báo nhà nước vào đầu tháng 7/2021 [1].

Theo dự báo này, đợt dịch bệnh mới tại thành phố Hồ Chí Minh "đã gần đạt đỉnh" vào cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy và "dự kiến sẽ kết thúc" vào cuối tháng 8/2021.

Thực tế trái ngược khiến nhiều người trút giận lên trường Fulbright, đặc biệt là yêu cầu cá nhân Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, người đứng đầu tổ tư vấn chính sách cho chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, phải lên tiếng xin lỗi người dân thành phố.

Rất nhiều bình luận dè bỉu, phê phán, công kích cá nhân được tung ra nhắm đến những người có tên trong dự án nghiên cứu này. Điều đáng chú ý là phần lớn các chỉ trích này được khởi xướng từ những KOL (Key Opinion Leader, tạm dịch là "người có máu mặt trên mạng xã hội").

Đây là biểu hiện quen thuộc của một cuộc săn dê tế thần mỗi khi xuất hiện khủng hoảng.

Bản năng đổ lỗi vốn dĩ đã là điều không tốt đẹp gì trong mọi xã hội. Trong những thể chế độc tài toàn trị, hiện tượng này còn gây ra những hậu quả tồi tệ hơn.

Bắt dê tế thần : sản phẩm còn sót lại của thời mông muội

Vào đầu tháng 6/2021, Hội thánh Truyền giáo Phục hưng trở thành mục tiêu công kích của báo chí nhà nước lẫn dư luận vì bị cho là tác nhân gây ra hàng ngàn ca lây nhiễm mới của Thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ là "tác nhân", họ còn được mô tả như "ác nhân" vì các hành vi vi phạm quy định giãn cách và khai báo không trung thực – những cáo buộc đến nay vẫn không có bằng chứng nào.

Thời điểm đó, qua một bài viết trên Luật Khoa , tác giả Hiền Minh đã phân tích rằng đây là trường hợp kinh điển của bản năng đổ lỗi, tìm dê tế thần trong khủng hoảng [2]. Nó khiến tất cả thấy mình vô can và hài lòng vì tìm được địa chỉ trút giận. Nhiều góc cạnh của hiện tượng này đã được trình bày khá đầy đủ trong bài viết trên.

Tuy nhiên, vẫn cần phải nhắc thêm một cơ chế khiến cho việc săn dê tế thần trở thành thói quen khó bỏ : ảo tưởng tìm kiếm lý do đơn nhất (fallacy of the single cause ) [3].

Đây là dạng ảo tưởng/ ngụy biện phổ biến với niềm tin rằng trong mọi sự việc xảy ra, luôn luôn có một lý do duy nhất, hoặc lớn nhất, vượt xa các yếu tố khác và trực tiếp gây ra sự kiện đó.

Đó là cách mà nhiều người đổ tội cho Hitler gây ra Thế chiến II, hay phương Tây là "tội đồ" khiến khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ, hoặc như không ít người Việt Nam thường dùng con ngáo ộp Trung Quốc để giải thích cho mọi tai ương của đất nước mình.

Ảo tưởng này là hệ quả của nhu cầu tối giản mọi vấn đề mà con người phải đối mặt. Vấn đề càng phức tạp, con người càng muốn đơn giản hóa.

Ngay cả trong những mối quan hệ thường nhật, ảo tưởng tìm kiếm lý do đơn nhất xuất hiện khắp mọi nơi.

Chúng ta dễ dàng bắt gặp những tít báo về các vụ án xảy ra với lý do đơn giản đến khó tin như "giết người [4] chỉ vì hai ngàn đồng ", hay giết người "chỉ vì con gà ", [5] mà cụ thể hơn nữa là có cả giết người vì "con gà mái " [6], "con gà trống " [7] và cả "con gà chết " [8].

Những cách đưa tin đó thể hiện một thói quen ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều người, rằng mọi chuyện đều có xuất phát điểm là một lý do nào đó, bất kể nó nghe vô lý đến đâu.

Đó cũng là cách mà cộng đồng mạng hăng máu tin rằng dự báo không chính xác của "nhóm Đại học Fulbright" là nguồn cơn dẫn đến tình hình dịch bệnh tồi tệ của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Những ai tin vào điều đó rõ ràng không muốn hiểu về bản chất phức tạp của dịch bệnh lẫn cơ chế hoạt động của một chính quyền độc tài.

Bình hoa trang trí thay vì những cái cây được mọc thẳng

Trong một bài viết  đăng trên tạp chí Harvard Business Review vào năm 2019, tác giả Calvert W. Jones chia sẻ kết quả khảo sát và nghiên cứu của mình về vai trò của các chuyên gia cố vấn tại những nước Trung Đông [9].

Theo đó, các chuyên gia được mời tư vấn chính sách ở các chính quyền hoàng gia độc tài này có vai trò khá hạn chế, thường chỉ đưa ra các ý kiến mà lãnh đạo muốn nghe, ít khi dám nói thẳng nói thật vì sợ mất việc.

Ngay cả với những chuyên gia nước ngoài, càng sống lâu năm họ càng "hòa nhập" với văn hóa phục tùng tại địa phương, nhất là khi họ sống cùng gia đình và tất cả có thể dễ dàng bị trục xuất bất kỳ lúc nào. Các chuyên gia đều ý thức được rằng mình luôn có thể trở thành các con dê tế thần khi mọi chuyện diễn ra bất lợi.

Các lãnh đạo độc tài trong khi đó dùng danh tiếng của chuyên gia để thuyết phục dư luận ủng hộ cho chính sách của mình. Nói cách khác, trong rất nhiều trường hợp, và đặc biệt là ở các thể chế độc tài, các chuyên gia thường trở thành bình hoa trang trí cho lãnh đạo. Để rồi khi có vấn đề, họ trở thành những chiếc bình bị ném vỡ đầu tiên.

Không khó để liên tưởng số phận tương tự của các chuyên gia tại một thể chế như Việt Nam. Nhìn vào chính sách và cách thực thi chống dịch ở đây, người dân khó có thể nhìn thấy mặt mũi, huống chi là biết đến vai trò của các chuyên gia.

huanhau2

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang (giữa) kiểm tra công tác chống dịch tại chốt giao thông cầu Đồng Nai vào ngày 23/8/2021. Ảnh : T. Thương/ Tuổi Trẻ.

Từ việc người đứng đầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 là các quan chức chính quyền thay vì những chuyên gia y tế thực thụ, cho đến vai trò giải thích chính sách và những phát ngôn dày đặc trên báo chí của thủ tướng, phó thủ tướng, thậm chí các tướng lĩnh quân đội hay quan chức bên tuyên giáo cũng có chỗ trên sân khấu chống dịch.

Nếu muốn tìm ra chuyên gia y tế nào để hỏi về vấn đề dịch bệnh, người dân chỉ có thể lên mạng xã hội. Nếu thắc mắc về tính hợp pháp của các quy định chống dịch, họ không thể tìm ra chuyên gia pháp luật nào trên các tờ báo nhà nước. Và nếu muốn chất vấn về tính hợp lý của chiến lược chống dịch, sẽ không có chuyên gia chính sách nào giải đáp được cho họ, đơn giản vì bản thân chuyên gia cũng không được lên tiếng, hoặc có nói cũng không ai nghe.

Vào giữa tháng 7/2021, một bài phỏng vấn  Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh trên VnExpress bị gỡ xuống ngay khi vừa đăng [10]. Những bình luận thuần túy về chiến lược chống dịch từ một chuyên gia về chính sách cũng không được phép tồn tại trên các phương tiện truyền thông nhà nước.

Tổ tư vấn do ông đứng đầu cũng phải cam kết  "tuân thủ quy định về phát ngôn, bảo mật, cũng như không được cung cấp thông tin, tài liệu rộng rãi có liên quan trong quá trình tư vấn" [11].

Hay gần đây, một "Thư kiến nghị về phòng chống dịch Covid-19" được đăng trên trang web  của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng gây chú ý nhưng không thấy chính quyền có phản hồi gì [12]. Thư dài 11 trang (không tính phụ lục) tập hợp các kiến nghị của liên minh các nhóm chuyên gia về chính sách, y tế và môi trường. 

Suốt thời gian qua, không ít các chuyên gia đã lên tiếng góp ý về chính sách chống dịch của chính quyền. Tuy nhiên, người dân chưa bao giờ được nghe về các phản hồi chính thức từ phía nhà nước hay thông tin về các cuộc thảo luận có liên quan.

Vai trò của chuyên gia đối với chính sách chống dịch ở Việt Nam cho tới nay không khác gì một bình hoa sơn đầy những dấu hỏi lớn.

Săn dê theo huấn luyện, thả sói theo bản năng

Dựa theo những nội dung được báo chí đăng tải về kết quả dự báo đề cập lúc đầu, thật dễ dàng để chỉ trích cái sai của những người thực hiện nghiên cứu.

Tuy vậy, theo thông tin chia sẻ  của Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, chuyên gia trực tiếp thực hiện mô hình dự báo này, các tờ báo đã đăng tải thông tin bị cắt gọt [13]. Trong bốn kịch bản của nhóm nghiên cứu, chỉ có hai kịch bản lạc quan là được đăng báo, còn hai kịch bản dự báo dịch bùng phát mạnh lại không thấy nhắc đến. Dự báo của nhóm nghiên cứu vào thời điểm đó cũng mới chỉ là bản thảo, nhưng vì một lý do nào đó đã được tung ra cho báo chí và đăng tải theo hướng rút gọn.

Một điều đáng chú ý khác là trong các bài báo được công bố vào thời điểm trên, có hai kết quả nghiên cứu [14]. Một là của "nhóm Đại học Fulbright" (mà theo xác nhận của Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh thì ba trong bốn thành viên là chuyên gia nghiên cứu độc lập, không có liên hệ gì với Fulbright). Nghiên cứu còn lại là của nhóm Tech4Covid, thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cũng với dự báo không quá khác biệt là đến cuối tháng 8/2021 thì "dịch sẽ được kiểm soát".

Việc dư luận tập trung chĩa mũi dùi vào "nhóm Fulbright" trong khi bỏ qua dự báo tương tự là một điều khá ngạc nhiên.

Tất nhiên, người viết không có ý nhắc nhở bạn đọc phải cùng lúc chỉ trích cả hai để công bằng !

Bất kỳ ai từng làm công việc liên quan đến các mô hình dự báo đều biết rằng chất lượng của dự báo phụ thuộc rất lớn vào dữ liệu đầu vào và ngay cả với mô hình hiện đại nhất, kết quả cũng thường sai nhiều hơn đúng.

Đó là lý do các mô hình dự báo đều phải được cập nhật liên tục theo tình hình thực tế, thay vì chỉ tồn tại và được sao chép như lời phán của các thầy bói.

Một điểm quan trọng khác là những kịch bản dự báo của các nhóm chuyên gia nêu trên đều có kèm theo rất nhiều điều kiện, với kết quả phụ thuộc gần như hoàn toàn vào chính sách giãn cách, cách thực thi của chính quyền và mức độ tuân thủ của người dân.

Trên thực tế, một khi cả ba điều kiện này đều không đạt, không khó hiểu vì sao dự báo lại khác với những gì đang diễn ra.

huanhau3

Người dân tập trung đông ở các siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tuần qua, sau khi chính quyền đưa ra các thông tin trái ngược nhau về phong tỏa. Ảnh : Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Các chuyên gia dự báo hoàn toàn có thể mắc lỗi và đưa ra các kết quả lẫn kiến nghị không hợp lý. Nhưng trong khi chưa thể xác định chất lượng nghiên cứu, minh định vai trò của họ trong các chính sách cũng như trách nhiệm của họ với đợt bùng phát dịch này, người ta không thể đổ hết tất cả tội lỗi lên đầu các chuyên gia.

Việc biến các chuyên gia và trí thức thành dê tế thần trong trường hợp này không chỉ là bản năng đổ lỗi, mà nó còn là biểu hiện tệ hơn, cho thấy thói quen săn dê ở nhiều người đã trở thành thứ phản xạ được huấn luyện.

Không ít người có máu mặt trên mạng xã hội khởi xướng và lôi kéo việc chỉ trích "nhóm Fulbright" lại rất dè dặt trong việc chỉ ra lỗi của chính quyền trong công tác chống dịch, hoặc nếu có thì đều lên tiếng một cách uyển chuyển, khéo léo, không chỉ đích danh một lãnh đạo nào.

Trong khi đó, họ không nề hà gì khi lôi thẳng tên để công kích các chuyên gia và giới trí thức, những người vốn dĩ không có năng lực phản kháng, đặc biệt trong các thể chế độc tài.

Như một loại phản xạ có điều kiện, những người này học được rằng (a) chỉ trích chính quyền sẽ bị trả đũa, (b) chính quyền luôn tìm những con dê tế thần để đổ lỗi, từ đó suy ra (c) nên chọn những mục tiêu an toàn có thể chỉ trích.

Không cần phải chờ các lãnh đạo độc tài hay hệ thống tuyên giáo chủ trì việc săn dê (như trường hợp của Hội thánh Truyền giáo Phục hưng), tự bản thân họ đã được huấn luyện thuần thục để chủ động chọn dê mà tế.

***

Đối diện với các chỉ trích, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, một trong những con dê bị nhiều người bắt lỗi nhất, nhận hoàn toàn trách nhiệm cá nhân , chỉ giải thích rằng sự việc không liên quan đến trường Fulbright [15].

Về phần mình, với các chính sách chống dịch chồng chéo, mơ hồ gây hỗn loạn, chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính lại cho rằng lỗi nằm ở địa phương , khi "các chủ trương, đường lối, chính sách, quy trình rất nhất quán, rõ ràng, bám sát thực tiễn nhưng việc tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa đạt hiệu quả, thậm chí còn trì trệ" [16].

Khi tình hình bùng phát không thể kiểm soát ở phía Nam, ông thủ tướng lại lưu ý  "có lúc, có nơi người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác", từ đó ông yêu cầu "người dân cần tích cực hơn nữa" [17].

Trong khi đó, các KOL có máu mặt trên mạng xã hội vẫn hăng say dũng cảm truy tìm các con dê tế thần vừa không phải là nguồn cơn cho thảm họa, vừa không có khả năng phản kháng.

Y Chan

Nguồn : Luật Khoa, 26/08/2021

Chú thích :

1.  Tuổi Trẻ Online (2021, July 1). 2 nhóm nghiên cứu: Dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt đỉnh và kết thúc vào tháng 8–2021

2.  Minh, H. (2021, June 4). Đại dịch, bản năng đổ lỗi, và những cuộc săn dê tế thần. Luật Khoa Tạp Chí. 

3.  Fallacy of the single cause | Psychology Wiki | Fandom. (2021). Psychology Wiki.

4.  congan.com.vn. (2015, September 1). Giết người chỉ vì hai ngàn đồng. Báo Công an Thành Phố Hồ Chí Minh. 

5.  Đông P.-L. N. (2018, April 10). Đối tượng giết 2 mạng người chỉ vì con gà là người như thế nào? Báo Lao Động. 

6.  Thân, N. (2014, October 23). Giết người vì mất... con gà mái. Pháp Luật Online. 

7.  Báo Pháp luật Việt Nam điện tử. (2012, February 18). Bi kịch gã trai giết hàng xóm chỉ vì… con gà trống

8.  Không tác giả. (2014, July 5). Giết người chỉ vì con gà chết. Báo Công an Nhân dân điện tử. 

9.  What Happens When Consultants Work for Authoritarian Regimes. (2019, April 8). Harvard Business Review. 

10.  A. (2021, July 16). Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh: "Nên chấp nhận để kinh tế chịu đau ngắn hạn". Nhịp Sống Phương Nam. 

11.  Sỹ Đông. (2021). Thành phố Hồ Chí Minh lập tổ tư vấn phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Báo Thanh Niên. 

12.  Thư kiến nghị về Phòng chống dịch Covid-19. (2021, August 18). RTCCD | Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng. 

13.  Facebook ThuAnh Nguyen. (2021). 

14.  Xem [1]

15.  Vũ V. (2021, August 23). Hai trường Đại học Úc dự báo "trật lất" về tình hình dịch bệnh, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh lên tiếng. Báo Công luận. 

16.  Tuổi Trẻ Online (2021, July 30). Thủ tướng : Chống dịch quyết liệt hơn với những giải pháp đặc biệt

17.  Tuổi Trẻ Online (2021b, August 18). Chống dịch ở phía Nam chưa đạt như mong muốn, người dân cần tích cực hơn nữa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Y Chan
Read 530 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)