Binh sĩ Mỹ rời Afghanistan, chuyện gì sắp xảy ra ?
VOA, 01/09/2021
Lần đầu tiên kể từ năm 2001, không có binh sĩ Mỹ tại Afghanistan sau khi Hoa Kỳ hoàn tất cuộc di tản hầu hết công dân Mỹ và hàng ngàn người Afghanistan rủi ro cao.
Chiến binh Taliban tập họp trên đường phố Kabul ngày 31/8/2021 mừng ngày Mỹ rút khỏi Afghanistan.
Hơn 114.000 người đã được không vận từ phi trường Kabul trong hai tuần qua trong khuôn khổ nỗ lực di tản của Mỹ.
Việc chấm dứt các can dự quân sự của Mỹ tại Asfghanistan đề ra một loạt các câu hỏi cho Tổng thống Joe Biden và chính quyền của ông.
Điều gì xảy ra cho người Mỹ và những người Afghanistan rủi ro cao bị bỏ lại phía sau ?
Hoa Kỳ đã di tản hơn 5.500 công dân Mỹ kể từ khi những chuyến bay di tản khởi sự vào ngày 14/8. Một số nhỏ công dân Mỹ chọn giải pháp tiếp tục ở lại Afghanistan, nhiều người làm như vậy để có thể chung sống với thân nhân trong gia đình.
Chính quyền Biden nói họ hy vọng Taliban tiếp tục mở con đường an toàn cho công dân Mỹ và những người khác rời khỏi Afghanistan sau khi Mỹ hoàn tất cuộc rút quân.
Tuy nhiên người ta quan ngại làm thế nào các công dân ấy có thể rời đi khi mà không có một phi trường trong trạng thái hoạt động.
Hàng chục ngàn người Afghanistan rủi ro cao, như những thông dịch viên làm việc cho quân đội Mỹ, các ký giả và những người bênh vực cho nữ quyền, còn ở lại.
Hiện chưa rõ số phận của họ sẽ ra sao nhưng các giới chức quan ngại rằng Taliban có thể trả thù họ.
Taliban hứa sẽ cho phép rời khỏi Afghanistan tất cả người nước ngoài và công dân Afghanistan nào có giấy phép du hành từ một nước khác, theo tuyên bố chung được Anh, Mỹ và các nước khác công bố ngày 29/8.
Chuyện gì xảy ra cho phi trường Kabul sau khi lực lượng Mỹ rút đi ?
Trong hai tuần qua, quân đội Mỹ bảo vệ và điều hành Phi trường quốc tế Hamid Kazai tại Kabul với gần 6.000 binh sĩ.
Taliban đang thảo luận với các chính phủ như Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ mưu tìm sự giúp đỡ để tiếp tục vận hành các chuyến bay dân sự từ đây, con đường duy nhất đối với nhiều người để rời khỏi Afghanistan.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 29/8 cho biết cần phải tu sửa phi trường Kabul trước khi có thể tái mở cửa cho những chuyến bay dân sự.
Thổ Nhĩ Kỳ, góp phần trong sứ mạng của NATO, chịu trách nhiệm giữ gìn an ninh phi trường trong 6 năm qua. Giữ cho phi trường này mở cửa sau khi các lực lượng nước ngoài trao lại quyền kiểm soát là điều thiết yếu không những chỉ giúp Afghanistan liên kết với thế giới mà còn giữ cho các hoạt động viện trợ được duy trì.
Quan hệ Mỹ-Taliban trong tương lai như thế nào ?
Mỹ nói không có kế hoạch để lại các nhà ngoại giao tại Afghanistan và sẽ quyết định phải làm gì trong tương lai căn cứ trên hành động của Taliban.
Tuy nhiên chính quyền Biden sẽ phải quyết định làm thế nào có thể đảm bảo không bùng phát khủng hoảng nhân đạo và kinh tế tại Afghanistan.
Liên hiệp quốc cho hay hơn 18 triệu người- trên một nửa dân số Afghanistan- cần được viện trợ và phân nửa tổng số trẻ em Afghanistan dưới 5 tuổi đã bị suy dinh dưỡng kinh niên giữa đợt hạn thứ nhì trong bốn năm nay.
Một số nước, trong đó có Anh, tuyên bố không có nước nào nên công nhận song phương Taliban là chính phủ của Afghanistan.
Nhà nước Hồi giáo đề ra đe dọa gì ?
Một lĩnh vực hợp tác giữa Mỹ và Taliban có thể xoay quanh mối đe dọa từ các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo.
Có những câu hỏi về việc làm cách nào Washington và Taliban có thể phối hợp và thậm chí là có thể chia sẻ tin tức để chống lại ISIS.
Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K) lần đầu tiên xuất hiện tại miền đông Afghanistan vào cuối năm 2014 và nhanh chóng khét tiếng là cực kỳ tàn bạo.
Tổ chức này đã nhận trách nhiệm trong vụ đánh bom tự sát hôm 26/8 bên ngoài phi trường Kabul giết chết 13 binh sĩ Mỹ và nhiều thường dân Taliban khác.
Hoa Kỳ đã thực hiện ít nhất hai cuộc không kích bằng máy bay không người lái chống lại ISIS-K kể từ đó, và Tổng thống Biden cảnh báo chính quyền ông sẽ tiếp tục trả đũa vụ tấn công.
ISIS-K là kẻ thù không đội trời chung của Taliban. Tuy nhiên, theo các giới chức tình báo Mỹ, ISIS-K lợi dụng sự bất ổn dẫn tới sự sụp đổ trong tháng này của chính phủ Afghanistan do phương Tây hỗ trợ để củng cố vị thế và tăng cường tuyển mộ các thành viên bị loại của Taliban.
Theo Reuters
Nguồn : VOA, 01/09/2021
*************************
Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, kết thúc kỷ nguyên tái thiết các nước bằng võ lực quân sự
VOA, 01/09/2021
Trước những chỉ trích gay gắt về cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ ra khỏi Afghanistan, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/8 tuyên bố đó là sự lựa chọn tốt nhất để kết thúc cuộc chiến dài nhất của Mỹ và nhiều chục năm nỗ lực tái thiết các nước bằng võ lực quân sự mà không hiệu quả.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài diễn văn tại Toà Bạch Ốc ngày 31/8/2021.
Ông Biden mô tả cuộc rút quân trong hỗn loạn như một thành công về hậu cần mà cho dù có phát động sớm hơn nhiều tuần lễ cũng sẽ hỗn loạn như thế, trong khi lưu lại Afghanistan sẽ đòi hỏi tốn thêm binh sĩ Mỹ.
‘Tôi không để cho kéo dài cuộc chiến mãi mãi này,’ ông Biden phát biểu trong bài diễn văn từ Toà Bạch Ốc.
Trước đó cùng ngày, Taliban, phe chiếm quyền kiểm soát Afghanistan chớp nhoáng trong tháng này, ăn mừng chiến thắng, bắn súng chỉ thiên, đưa quan tài quấn cờ Mỹ và NATO đi diễu phố và sửa soạn thực thi quyền cai trị sau khi binh sĩ Mỹ cuối cùng rời đi.
Trong bài diễn văn đầu tuần này, Tổng thống Biden nói 90% người Mỹ muốn rời khỏi Afghanistan đã toại nguyện, và rằng Washington đã có đòn bẩy đối với Taliban để đảm bảo 100-200 người khác cũng có thể ra khỏi Afghanistan nếu họ muốn.
Tổng thống Mỹ nói Washington sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu các phần tử chủ chiến ở Afghanistan nào đề ra mối đe dọa cho Hoa Kỳ, nhưng Mỹ sẽ không dùng quân sự để tìm cách xây dựng các xã hội dân chủ, liên kết tại những nơi chưa từng có những điều này.
"Quyết định này về vấn đề Afghanistan không chỉ liên quan tới Afghanistan mà là chấm dứt kỷ nguyên của các chiến dịch quân sự lớn nhằm tái thiết các nước".
Phe Taliban hiện kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn lần cai trị trước khi họ bị lật đổ vào năm 2001 khi cuộc chiến tranh dài nhất của Mỹ bắt đầu. Gần 2.500 binh sĩ Mỹ và khoảng 240.000 người Afghanistan thiệt mạng trong cuộc chiến. Phí tổn cho cuộc chiến này khoảng 2 ngàn tỷ đô la.
Hơn 123.000 người được di tản từ Kabul trong chiến dịch không vận khổng lồ đầy hỗn loạn do Mỹ và các đồng minh tiến hành trong hai tuần qua. Nhiều người từng hỗ trợ cho các nước Tây phương trong cuộc chiến vẫn còn bị kẹt lại ở Afghanistan.
Ông Biden nói giải pháp khác duy nhất có lẽ là tăng cường chiến đấu và tiếp tục cuộc chiến mà người Mỹ đã chán nản từ lâu. Nếu khởi sự rút quân vào tháng 6 hay tháng 7 như nhiều người đề nghị chỉ sẽ làm cho Taliban đạt thắng lợi nhanh hơn mà thôi, theo lời ông.
Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Biden không được lòng dân chúng : 51% người Mỹ không tán thành so với 38% ủng hộ cách rút quân của Tổng thống, theo cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos.
Theo Reuters
Nguồn : VOA, 01/09/2021
**********************
Taliban ăn mừng chiến thắng khi binh sĩ Mỹ cuối cùng rời Afghanistan
VOA, 31/08/2021
Tiếng súng ăn mừng đã vang lên khắp thủ đô Kabul hôm 31/8 khi các tay súng Taliban giành quyền kiểm soát sân bay trước bình minh, sau khi binh sĩ Mỹ cuối cùng rút khỏi Afghanistan, theo Reuters.
Thiếu tướng Chris Donahue, tư lệnh Sư đoàn Dù 82, người lính Mỹ cuối cùng lên máy bay C-17 rời Kabul hôm 31/8/2021.
Đoạn video được Taliban phát đi cho thấy các tay súng tiến vào sân bay sau khi các binh sĩ cuối cùng của Mỹ lên máy bay C-17 bay đi một phút trước nửa đêm.
"Đó là một ngày lịch sử và một thời khắc lịch sử", phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid nói trong một cuộc họp báo tại sân bay. "Chúng tôi tự hào về những khoảnh khắc này, rằng chúng tôi đã giải phóng đất nước mình khỏi một cường quốc".
Một bức ảnh của Lầu Năm Góc được chụp bằng kính quang học nhìn đêm cho thấy người lính Mỹ cuối cùng bước lên chuyến bay cuối cùng rời khỏi Kabul – đó là Thiếu tướng Chris Donahue, tư lệnh Sư đoàn Dù 82.
Cuộc chiến dài nhất này của Mỹ đã cướp đi sinh mạng của gần 2.500 lính Mỹ và ước khoảng 240.000 người Afghanistan, và tiêu tốn khoảng 2 nghìn tỷ đôla.
Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid.
Hàng nghìn người Afghanistan đã tháo chạy vì lo sợ bị Taliban trả đũa. Hơn 123.000 người đã được sơ tán khỏi Kabul trong một cuộc không vận khổng lồ với sự hỗn loạn của Hoa Kỳ và các đồng minh trong hai tuần qua, nhưng vẫn còn hàng chục nghìn người đã từng cộng tác làm việc cho lực lượng phương Tây trong cuộc chiến đã bị bỏ lại phía sau.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ước tính là vẫn còn từ 100 đến 200 người, hoặc ít hơn, muốn rời đi nhưng không thể lên chuyến bay cuối cùng.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết số công dân Anh còn ở lại Afghanistan khoảng một vài trăm người, sau khi khoảng 5.000 người đã sơ tán.
Vào đêm trước, quân đội Mỹ đã phá hủy hơn 70 máy bay, hàng chục xe bọc thép và vô hiệu hóa hệ thống phòng không dùng để ngăn chặn một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nhà nước Hồi giáo.
Theo Reuters
Nguồn : VOA, 31/08/2021
********************
Mỹ hoàn tất rút quân khỏi Afghanistan sau cuộc chiến 20 năm
VOA, 31/08/2021
Mỹ hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan, Ngũ Giác Đài tuyên bố ngày 30/8, sau cuộc di tản hỗn loạn hàng ngàn người Mỹ và đồng minh Afghanistan, chấm dứt sự can dự của Mỹ sau 20 năm chiến tranh.
Đại tướng Thủy quân lục chiến Kenneth F. McKenzie Jr., Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ, giới thiệu với các phóng viên về tình hình hoạt động trong khu vực CENTCOM phụ trách, tại Lầu Năm Góc, Washington, DC, ngày 13 tháng 3 năm 2020 (Lisa Ferdinando / DoD)
Chiến dịch di tản chấm dứt trước hạn chót 31/8 do Tổng thống Joe Biden ấn định. Ông Biden bị chỉ trích mạnh mẽ từ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về cách xử lý vấn đề Afghanistan kể từ khi Taliban tiến nhanh và chiếm Kabul trong tháng này.
Tin mới được Đại tướng Frank McKenzie, tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm, loan báo và cho biết nhà ngoại giao trưởng của Mỹ tại Afghanistan, ông Ross Wilson, là người trên chuyến máy bay C-17 cuối cùng rời khỏi nước này.
Washington và các đồng minh NATO khẩn trương rút quân trước thời hạn chót 31/8, để lại đằng sau hàng ngàn người Afghanistan đã giúp các nước phương Tây và có thể đủ điều kiện để được di tản.
Tướng McKenzie cho hay chuyến bay cuối cùng thiếu vài chục người Mỹ không đến được phi trường.
Hơn 122.000 người đã được không vận ra khỏi Kabul kể từ ngày 14/8, một ngày trước khi Taliban chiếm quyền kiểm soát nước này hai thập niên sau khi bị lật đổ bởi cuộc xâm chiếm do Mỹ lãnh đạo vào năm 2001.
Mỹ và đồng minh phương Tây vội vã cứu công dân của mình cũng như các thông dịch viên, nhân viên địa phương làm việc cho tòa đại sứ, các nhà hoạt động nhân quyền, các nhà báo và những người Afghanistan khác dễ bị Taliban trả thù.
Cuộc di tản trở nên nguy hiểm hơn khi một cuộc tấn công tự sát do Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm thực hiện khiến 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng và nhiều người Afghanistan chết trong khi chờ đợi tại cổng phi trường ngày 26/8. Nhà nước Hồi giáo vốn là kẻ thù của phương Tây và Taliban.
Đa số hơn 20 nước đồng minh tham gia di tản công dân của họ và những người Afghanistan ra khỏi Kabul loan báo đã hoàn tất di tản.
Hai giới chức Mỹ nói các nhân viên ngoại giao "quan trọng" nằm trong số 6.000 người Mỹ đã di tản.
Tuy nhiên, hàng ngàn người Afghanistan còn bị bỏ rơi phía sau, và cảnh tượng hỗn loạn bên ngoài phi trường Kabul trong hai tuần qua, nơi hàng ngàn người đổ xô đến mỗi ngày, là một hồi kết cay đắng đối với phương Tây sau hai thập niên can dự tại Afghanistan.
Theo Reuters
Nguồn : VOA, 31/08/2021