Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/08/2021

Chết vì Covid – Học online giữa cái chết

Viết từ Sài Gòn

Chết vì Covid, chết vì miếng ăn ?

Viết từ Sài Gòn, RFA, 27/08/2021

Dịch bệnh, dù muốn hay không, miếng ăn (là miếng tồi tàn/Mất đi một miếng lộn gan lên đầu – Ca dao) vẫn là thứ quan trọng nhất để duy trì sự sống. Có biết bao nhiêu chuyện đau lòng do thiếu thức ăn gây ra ở Sài Gòn và những vùng tâm dịch khác. Chính phủ phải nâng cấp độ báo động, đưa quân đội vào cuộc để chống dịch và quản lý, điều tiết lương thực. Tình hình có vẻ tạm ổn, thế nhưng một số nơi tại Sài Gòn, Bình Dương, chuyện miếng ăn vẫn gây đau lòng. Do đâu ?

chet1

Các tổ dân phố, chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi…

Chuyện này, tức các tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, hình như là người ta nói đi nói lại cả ngàn lần, mà lần nói nào, lần nhắc nào về họ cũng liên quan tới miếng ăn. Từ miếng ăn lúc thiên tai lũ lụt của bà con vùng thiên tai bị ém nhẹm, ăn chặn, biển thủ… nhỏ thì gói mì tôm, gói cháo ăn liền, ký gạo, lớn thì tiền bạc, vật dụng, vật liệu xây nhà chống thiên tai… không có thứ gì là không có vấn đề. Rồi đến lúc dịch giã diễn ra, con người đối mặt với khốn khó, chết chóc, những tưởng người ta suy nghĩ lại, nhưng không, cũng ngay chỗ các trưởng thôn, tổ trưởng dân phố này là đầu mối hỏng hóc, tiếng kêu, ai oán…

Nói một cách nghiêm túc, cho đến thời điểm hiện nay, khi mà quân đội có mặt để vãn hồi trật tự và đi chợ giúp dân vùng dịch, nguyên nhân dẫn đến tình trạng báo động này vẫn là các ông bà tổ trưởng dân phố. Hình ảnh mới nhất, gần đây nhất là một bà chủ tịch phường ở Sài Gòn đứng nói chuyện với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, sau một hồi nói chuyện, bà nói mình là F0 và khoe cả bà và người mẹ cũng là F0 nữa đang tự điều trị tại nhà. Câu chuyện nghe như hài nhưng nó khiến người ta phải giật mình, kinh sợ. Bởi trong lúc nhà nước, chính phủ hết sức căng thẳng với dịch bệnh, người ta đang bằng mọi giá truy tìm F0 để cách ly và giãn cách khu vực có F0, vậy mà một bà chủ tịch phường, đồng thời là F0 lại nghênh ngang tiếp xúc lãnh đạo, đi lại tự do và không chừng bà cũng mang lương thực đến cho dân, đi động viên nhân dân… Thử hỏi, có bao nhiêu người dân phải tiếp xúc với F0 chủ tịch phường này ? Và đội ngũ cán bộ đã tiếp xúc với F0 này trong ủy ban phường là bao nhiêu người, họ lan tỏa ra bao nhiêu chỗ ? Hóa ra, cơ quan phường lại là cái ổ dịch lớn nhất trong công cuộc chống dịch, nó được hợp thức hóa để lây lan hay sao ?

Nhắc tới F0 này để nói tới vấn đề quyền tự tung tự tác, quyền tự trị địa phương theo kiểu "nhất trung ương nhì địa phương là có thật". Một mặt các cán bộ xã, phường này o ép người dân đủ các kiểu, làm những điều mà bản thân họ chẳng bao giờ xem đó là nghiêm túc, là tuân thủ bắt buộc. Bên cạnh đó, việc tự cho mình cái quyền ngồi trên đầu nhân dân để hưởng lạc là có thật, nhất là sau đợt bầu cử chức vụi trưởng thôn, tổ trưởng dân phố không giống ai năm vừa qua với một ứng cử viên duy nhất cho một chức vụ duy nhất. Cái kiểu bầu bán trò hề này càng giúp cho các trưởng thôn, trưởng ấp, tổ trưởng dân phố thấy mình là duy nhất, độc tôn ở địa phương. Và hệ quả của nó là nhà nước ngày càng xa rời nhân dân thông qua các thành phần này.

Nói quân đội vào cuộc bởi vì các trưởng ấp, tổ trưởng dân phố hay Chủ tịch phường, xã làm ăn không ra gì là có cơ sở của nó. Bởi ngay từ đầu, các cơ quan chính quyền địa phương làm việc nghiêm túc, chống dịch hiệu quả và phân chia thức ăn, giúp đỡ cho người dân tốt đẹp thì chắc chắn Sài Gòn không vỡ trận, không xảy ra tình trạng như ngày hôm nay. Và ngay cả bây giờ, khi quân đội vào cuộc, đi chợ giùm, thì cái phần phát chẩn nhà nước với nhân dân dành cho những cán bộ phường cũng chưa hết vấn đề. Nơi nào cơ quan chính quyền địa phương làm ăn tốt, đàng hoàng thì nơi đó lương thực đầy đủ, tạm ổn. Ngược lại, có nhiều nơi nhân dân vẫn kêu xiết vì chưa thấy gì, đói rã họng và đau khổ. Đó là thực chứng của không ít nhân dân, là sự thật của hiện tại. Vì đâu ?

Vì đội ngũ cán bộ địa phương vốn dĩ yếu kém và tham lam đã bằng cách này hay cách khác duy trì quyền quản lý, kéo dài quyền quản lý quá lâu, và họ càng kéo dài quyền quản lý thì nhà nước, chính phủ trong con mắt nhân dân, thông qua hệ thống chính quyền địa phương càng trở nên tệ hại, xấu xa, không đáng tin cậy. Khi họ làm cho mọi chuyện trở nên xấu xa, hết thuốc chữa thì quân đội vào cuộc, lúc này hình ảnh quân đội như một kẻ thay thế cho chính quyền địa phương vãn hồi trật tự. Rõ ràng, trong nếp nghĩ của người dân, quân đội là bước kế tiếp của chính quyền địa phương, một chính quyền tệ mạt, tham nhũng và ăn của dân không từ thứ gì.

Cuối cùng, cái chết vì dịch diễn ra khắp mọi nơi nhưng lại không đáng sợ bằng cái chết bởi miếng ăn. Vô hình trung, miếng ăn trở thành vật cản rất lớn trong mối quan hệ nhân dân với nhà nước, miếng ăn trở thành trò chơi tệ hại mà nhà nước đã ném về phía nhân dân. Cái chết của niềm tin, cái chết của danh dự cán bộ còn sót lại, cái chết của những oan khiên do miếng ăn gây ra.

Không phải tự dưng mà người dân tranh nhau từng miếng ăn, từng trái bầu trái bí trong mùa dịch. Không phải tự dưng mà người dân rên xiết, quì lạy vì miếng ăn. Không phải tự dưng mà người dân trở nên căng thẳng vì miếng ăn. Tất cả thực trạng này đều do một quá trình tương tác lâu dài giữa nhà nước với nhân dân, thông qua kênh chính quyền địa phương, dường như thói quen, căn bệnh chụp giật đã trở nên phổ biến, bởi không chụp giật thì sẽ mất miếng ăn.

Và, không biết tự bao giờ, miếng ăn, miếng tồi tàn đã thành một thứ gì đó rất khó nói, nó đã giết chết danh dự, lòng tự trọng và phẩm hạnh của dân tộc này một cách tàn khốc, không thương tiếc. Liệu Việt Nam có thể thoát được cơn bĩ cực này hay không, khi mà chưa chết vì dịch, người ta đã chết danh dự, chết vì miếng ăn trong một bầu khí quyển đau đớn, tuyệt vọng !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 27/8/2021

*******************

Học online giữa lúc chết chóc !

Viết từ Sài Gòn, RFA, 25/10/2021

Trong lúc cả nước hoang mang, mệt mỏi vì Covid-19 hoành hành, nhà nhà, người người phải đóng cửa, cách ly, giãn cách, quân đội phải xắn tay vào cuộc để người dân Sài Gòn dập dịch, vãn hồi trật tự nhằm tránh tình trạng "cướp kho thóc" khi sức chịu đựng của người dân vượt ngưỡng, các tỉnh thành khác cũng thê thảm chẳng kém, trong đó, đáng bàn nhất là hầu hết học sinh, thầy cô giáo đều vào cuộc, chung tay chống dịch. Đùng một cái, có lệnh chuẩn bị học online ở thành phố Hồ Chí Minh, và các tỉnh thành đang bị giãn cách cũng chuẩn bị tinh thần này. Câu chuyện đến hồi cao trào của khốn khổ. Khốn khổ ra sao ?

chet2

Giảng dạy trực tuyến trở nên phổ biến trong mùa dịch (Ảnh : Getty Images)

Đây là công văn Bộ Giáo dục : "Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Hữu Độ vừa ký công văn gửi các Sở Giáo dục và đào tạo về việc chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học ứng phó với dịch Covid-19.

Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, ngày 28/01/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 79/CT-BGĐT về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Để đáp ứng mục tiêu kép bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên phòng chống dịch và hoàn thành kế hoạch năm học 2020/2021, Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu Giám đốc các Sở Giáo dục và đào tạo thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ; tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo tại Công văn số 5210/BGĐT-GDTC ngày 02/12/2020 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong trường học.

Chuẩn bị các phương án điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường và chủ động triển khai tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường để thực hiện chương trình, phòng chống và ứng phó kịp thời khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn trong trường hợp phát hiện ca lây nhiễm Covid-19, F1, F2… tại địa phương, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố để quyết định cho học sinh nghỉ học ở trường, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho giáo viên, học sinh.

Chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai kịp thời hiệu quả việc dạy học trực tuyến theo Công văn số 1061/BGĐT-GDTrH ngày 25/3/2020 của Bộ Giáo dục và đào tạo và các hình thức dạy học khác phù hợp với điều kiện của địa phương trong trường hợp phải cho học sinh nghỉ học ở trường.

Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu Giám đốc các Sở Giáo dục và đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên triển khai thực hiện kịp thời. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Bộ Giáo dục và đào tạo (qua Vụ Giáo dục Trung học) để được hướng dẫn giải quyết". (Hết trích).

Công văn cho thấy rõ quyết tâm của Bộ Giáo dục Việt Nam về việc bắt đầu niên khóa 2021 – 2022, việc học online sẽ tiến hành tại một số nơi tâm dịch, trong đó, Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ là những nơi có thể thực hiện dạy – học online để đảm bảo chương trình đào tạo, đảm bảo tiến độ của năm… Kỳ thực, có cần thiết phải làm như vậy hay không ?

Có ba vấn đề cần nêu : Hiện nay, tại thành phố Sài Gòn, có bao nhiêu học sinh còn đầy đủ cha mẹ, người thân để có thể chuẩn bị hành trang bước vào năm học mới sau hàng loạt cái chết vì Covid-19 ? Có bao nhiêu gia đình còn đủ sức để chạy theo việc học của con ? Có bao nhiêu gia đình đang phải đối mặt với các tai ương phía trước bởi tương lai bằng cách này hay cách khác, người ta phải sống chung với dịch ?

Ở vấn đề thứ nhất, câu trả lời thật là khó bởi hiện nay, số lượng ca tử vong đã lên đến hàng ngàn, như vậy cũng đồng nghĩa với hàng ngàn gia đình đang lâm vào li tán, một người chết, những người còn lại đang phải cách ly, đang phải giành giật từng giây sự sống. Và hình ảnh các bé trai, bé gái ở độ tuổi tiểu học, mẫu giáo, trung học cơ sở… phải mặc kín mít bảo hộ y tế, ôm mền mùng, hành trang đến khu cách ly đã khiến không ít người xúc động, xót xa… Liệu các bé này không phải là con người, không được nhận các quyền tối thiết về học hành, vui chơi và không được phép nhận chia sẻ, đồng cảm từ cộng đồng ? Nếu cộng đồng còn lương tri, nhất định phải thông cảm, giúp các bé trở về đời sống bình thường một cách bình thường, ấm áp và tự tin với niên học mới, ở đó các bé không bị mặc cảm tụt hậu và những thứ mặc cảm khác.

Và, ngay cả những gia đình bình thường, chưa đến nỗi thiếu ăn, khốn khó, liệu trong trạng huống hiện tại, người ta có đủ sức để giúp con cái mình theo đuổi việc học online trong lúc "người cách ly người, nhà cách ly nhà, phố cách ly phố" ? Và có nhất thiết phải học online lúc này, khi mà nhà nhà đang lo chống đỡ với dịch, đang lo từng bữa ăn và lo lắng mọi thứ ?!

Vấn đề thứ hai, có bao nhiêu gia đình còn đủ sức để theo đuổi chuyện học của con ? Tôi dám nói, không riêng Sài Gòn mà cả nước đều không đủ sức lúc này. Bởi việc học không giống như in một tờ tiền hay làm một cái bánh, in tiền thì chỉ cần giấy đặc biệt, mực, cho vào máy đã cài đặt chương trình in, enter thì máy sẽ in, làm bánh thì chỉ cần bột và đường. Nhưng việc học đòi hỏi tâm thế, tâm trạng, cảm xúc và cả sự an tâm. Liệu có gia đình nào hiện nay an tâm để chăm lo việc học cho con mình ?

Một khi nhà nước, Bộ Giáo dục ra chỉ thị thì họ phải theo, vì không theo thì con em thiệt thòi, nhưng có khi theo đuổi, con em càng thiệt thòi hơn ! Đó là nói chung, nếu nói riêng Sài Gòn, việc học online lúc này chỉ phù hợp với con nhà khấm khá, giàu có, những đứa bé theo cha mẹ đi lao động, làm thuê, chỗ ở bấp bênh, phải ngủ đường, ngủ hiên mấy tháng nay, những gia đình ở các xóm nước đen, ở các con hẻm mà gọi đến khản cổ vẫn chưa thấy cứu tế thì lấy đâu ra máy tính, điện thoại thông mình để học. Mà có điện thoại hay máy tính chăng thì chắc gì chúng đã học nổi bởi không khí trì trệ, buồn thảm, đói khó của gia đình đang đè nặng lên tâm hồn của chúng. Việc học online lúc này sẽ gây tổn thương nặng nề với các em bé nhà nghèo. Chắc chắn là vậy !

Tục ngữ Việt Nam có câu : "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ". Giáo dục, chức năng và sứ mệnh đầu tiên của nó là dạy con người biết yêu thương, biết chia sẻ với đồng loại, học nhân nghĩa để có nhân cách. Thử nghĩ, trong lúc dầu sôi lửa bỏng, có bao nhiêu đứa bé đồng trang lứa không thể học hành gì được vì thảm cảnh đang phủ lên gia đình của chúng, thì những đứa bé may mắn lại phải ngồi học, chúng nghĩ gì về bạn bè chúng ? Liệu việc học, hoàn thành chỉ tiêu, hoàn tất năm học của chúng có giá trị gì chăng, hay vô hình trung làm cho tâm hồn chúng trở nên xơ cứng, chai lì và vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, bạn bè ?

Trễ nửa năm học, một năm học, thậm chí hai năm học, người ta vẫn có thể học lại, nhưng chậm một bước đạo đức, gây tổn thương tâm hồn thì cả đời trở nên què quặt. Việc cho con em đi học hoặc học online trong lúc chính chúng ta đang cảm thấy bất an về việc chúng đến lớp, thấy mình vô trách nhiệm, thiếu chia sẻ với cộng đồng khi học online là một sai lầm, là một bước lùi đạo đức để kịp chỉ tiêu năm của ngành. Và cái giá của nó không chỉ là bề nổi về kinh tế hay các hoạt động giảng dạy, mà là cả tương lai đất nước đang bị nhúng chàm, bóp méo !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 25/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Viết từ Sài Gòn
Read 437 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)