Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/09/2021

Hiệp ước San Francisco và chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa

Nguyễn Thị Lan Hương

70 năm Hiệp ước San Francisco ngày 8/9/1951 và vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa

Nhân dịp đúng 70 năm kỷ niệm Hiệp ước San Francisco, chúng ta hãy cũng nhìn lại lịch sử và xem xét nội dung của Hiệp ước lịch sử này, để khẳng định rằng chưa bao giờ Hiệp ước này khẳng định và trao lại chủ quyền cho Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

fresco01

Thủ tướng Trần Văn Hữu, trưởng phái đoàn quốc gia Việt Nam (chính quyền Sài Gòn), ký hòa ước San Francisco ngày 8/9/1951 - Ảnh Tuổi Trẻ Online

Đúng ngày này (8/9) cách đây 70 năm, Hiệp ước San Francisco đã được kí kết giữa Nhật Bản và các nước đồng minh. Trong một số văn bản chính thức, Trung Quốc thường nhắc tới Hiệp ước San Francisco ngày 8/9/1951 và chi tiết trưởng đoàn phái đoàn Liên Xô, ông Andrei Gromyko ủng hộ lập trường của Trung Quốc tại Hội nghị như là bằng chứng rằng yêu sách chủ quyền của nước này đối với Hoàng Sa và Trường Sa được cộng đồng quốc tế công nhận [1].

Nhân dịp đúng 70 năm kỷ niệm Hiệp ước San Francisco, chúng ta hãy cũng nhìn lại lịch sử và xem xét nội dung của Hiệp ước lịch sử này, để khẳng định rằng chưa bao giờ Hiệp ước này khẳng định và trao lại chủ quyền cho Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Nội dung Hiệp ước San Francisco và vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa

Hiệp ước San Francisco ngày 8/9/1951 có tên đầy đủ là Hiệp ước Hoà bình với Nhật Bản [2]. Đây là một điều ước quốc tế được ký kết giữa các nước phe đồng minh và Nhật Bản. Hiệp ước gồm 7 chương, 27 điều, có ý nghĩa quan trọng và đánh dấu một trang lịch sử quan trọng của Nhật Bản. Theo đó, Điều 1 Hiệp ước khẳng định chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa Nhật Bản và các nước phe đồng minh ; đồng thời, các nước đồng minh cũng khẳng định chủ quyền đầy đủ của Nhật Bản đối với lãnh thổ và lãnh hải Nhật Bản.

Các lãnh thổ Nhật Bản đã chiếm đóng trái phép và vì lòng tham, do đó phải tuyên bố từ bỏ được xác định trong "Điều 2 :

(a) Nhật Bản, công nhận độc lập của Triều Tiên, từ bỏ tất cả quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với Triều Tiên, bao gồm các đảo Quelpart, cảng Hamilton và Dagelet.

(b) Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với Đài Loan và Bành Hồ.

(c) Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với quần đảo Kuril và phần đảo Sakhalin, và các đảo kề cận mà Nhật Bản khẳng định chủ quyền như là một hệ quả của Hiệp ước Portsmouth ngày 5/9/1905.

(d) Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, danh nghĩa và yêu sách liên quan đến chế độ uỷ trị của Hội quốc liên và chấp nhận quyết định ngày 2/4/1947 của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc gia hạn chế độ uỷ trị đối với các đảo Thái Bình Dương trước đây dưới quyền uỷ trị của Nhật Bản.

(e) Nhật Bản từ bỏ tất cả các yêu sách về quyền, danh nghĩa hoặc lợi ích liên quan tới Nam Cực, dù đó là các hoạt động của các công dân Nhật Bản hoặc các hình thức khác.

(f) Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với Trường Sa và Hoàng Sa".

Trong số đó, Điều 2(f) là điều khoản quan trọng liên quan trực tiếp đến vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng Điều 2(f) chỉ khẳng định việc Nhật Bản từ bỏ quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với hai quần đảo. Không hề có bất cứ từ ngữ nào trong Hiệp ước thừa nhận hoặc ngầm định việc trao chủ quyền từ Nhật Bản cho Trung Quốc hay khẳng định chủ quyền của hai quần đảo thuộc về Trung Quốc. Bên cạnh đó, điều 2 (b) Hiệp ước quy định : "Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với Đài Loan (Formosa) và Pescadores (Bành Hồ)".

Việc giải thích điều khoản trong điều ước quốc tế cần xem xét thêm bối cảnh lịch sử và các tuyên bố, điều ước khác có liên quan. Bên cạnh Hiệp ước San Francisco ngày 8/9/1951, một số tuyên bố quan trọng khác góp phần làm rõ thêm bối cảnh lịch sử và ý định của các bên tham gia ký kết. Tuyên bố Cairo ngày 26/11/1943 giữa Tổng thống Mỹ Roosevelt, Tưởng Giới Thạch và Thủ tướng Anh Churchill nói rằng : "Tất cả các lãnh thổ mà Nhật Bản lấy từ tay người Trung Quốc như Mãn Châu (Manchuria), Đài Loan (Formosa) và Bành Hồ (Pescadores) sẽ được trao trả lại cho Trung Hoa Dân Quốc" [3]. Điều này cho thấy thế giới có sự phân biệt rõ ràng các đảo Trung Quốc không có chủ quyền với các đảo có thể Trung Quốc có chủ quyền.

Tuyên bố Potsdam ngày 26/7/1945, Đoạn 8 khẳng định : "Tất cả các nội dung trong Tuyên bố Cairo phải được thực hiện và chủ quyền của Nhật Bản chỉ giới hạn tới các đảo Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và một số đảo nhỏ mà các quốc gia xác định [4]. Như vậy, không một từ ngữ hay chi tiết nào trong hai Tuyên bố Cairo và Potsdam đề cập tới Hoàng Sa hay Trường Sa - với tư cách đối tượng lãnh thổ của Trung Quốc do Nhật Bản chiếm đóng.

Hiệp ước Hoà bình giữa Trung Hoa Dân quốc và Nhật Bản ngày 28/4/1952 cũng là một tham khảo có giá trị củng cố lập luận trên [5]. Điều 2 Hiệp ước Hoà bình năm 1952 tái khẳng định nội dung trong Điều 2 Hiệp ước Hoà bình San Francisco ngày 8/9/1951, theo đó cụ thể khẳng định việc Nhật Bản từ bỏ quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với Đài Loan, Bành Hồ cũng như đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Một điều đáng chú ý khác, Điều 3 Hiệp ước Hoà bình năm 1952 đề cập tới việc dàn xếp giữa hai chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và Nhật Bản về các vấn đề liên quan đến Đài Loan và Bành Hồ như tài sản, công dân và các yêu sách. Như vậy, rõ ràng các tuyên bố và hiệp ước sau Chiến tranh thế giới lần thứ II chỉ tập trung vào chi tiết Nhật Bản sẽ trao trả Đài Loan, Bành Hồ và Mãn Châu lại cho người Trung Quốc. Không hề có bất cứ điều khoản nào cho thấy ý định trao trả Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc hay khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc.

Chuyên gia nghiên cứu về lịch sử tranh chấp Biển Đông, Bill Hayton khẳng định phe đồng minh chưa bao giờ hứa trao trả các đảo ở Biển Đông cho Trung Quốc [6].

Về một số diễn biến xung quanh Hội nghị San Francisco

Khi được thông tin về dự thảo Hiệp ước San Francisco, Chu Ân Lai (khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) đã đưa ra tuyên bố đơn phương khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa ngày 15/8/1951 [7], do không có đại diện của Trung Quốc, kể cả Trung Hoa Dân quốc tham gia Hội nghị. Sách trắng năm 1980 của Trung Quốc đề cập tới chi tiết Trưởng đoàn đàm phán của Liên Xô Andrei Gromyko ủng hộ lập trường của Trung Quốc tại Hội nghị và lấy đó làm bằng chứng chứng minh cộng đồng quốc tế ủng hộ Trung Quốc. Trong Bản lập trường quan điểm ngày 13/7/2016 (một ngày sau khi có phán quyết của Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông), Trung Quốc cũng một lần nữa đề tới cập Hội nghị Hoà bình San Francisco năm 1951 làm bằng chứng cho lập luận chủ quyền Trung Quốc ở Nam Hải chư đảo được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi [8].

Tuy nhiên, theo Biên bản của Hội nghị San Francisco, tại phiên họp toàn thể hội nghị ngày 5/9/1951, trưởng phái đoàn Liên Xô Gromyko đã đề xuất 13 nội dung cần sửa đổi, trong đó, nội dung đầu tiên đề xuất Nhật Bản công nhận chủ quyền đầy đủ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với Mãn Châu, Đài Loan, Bành Hồ, Đông Sa, Hoàng Sa và Trường Sa và từ bỏ tất cả quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với các lãnh thổ nêu trên [9]. Tuy nhiên, các đề xuất sửa đổi của đoàn Liên Xô đã bị đa số các nước tham gia hội nghị phản đối, với 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận và 1 phiếu trắng [10].

Ở một diễn biến khác, cũng theo Biên bản của Hội nghị, ngày 7/9/1951, Trưởng đoàn đại biểu quốc gia Việt Nam là Trần Văn Hữu tuyên bố hùng hồn rằng từ lâu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận của Việt Nam. Không có bất cứ đại diện của các phái đoàn tham gia Hội nghị phản đối tuyên bố này của đại diện Việt Nam tại Hội nghị [11].

*****

Như vậy, Hiệp ước Hoà bình với Nhật Bản ngày 8/9/1951 có một ý nghĩa quan trọng trong việc xác lập tình trạng hoà bình giữa Nhật Bản và các nước phe đồng minh. Đối với Biển Đông, Hiệp ước đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề liên quan đến chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Với những điều khoản đã phân tích, Hiệp ước San Francisco tạo ra nghĩa vụ với Nhật bản khi nước này từ bỏ tất cả các quyền và yêu sách với Hoàng Sa và Trường Sa, như vậy, Nhật Bản sẽ không là một bên yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo này. Xem xét kỹ các điều khoản và bối cảnh lịch sử, Hiệp ước này rõ ràng không hàm chứa ý đồ quyết định số phận của Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về quốc gia nào ; càng không trao lại Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc như trường hợp Đài Loan và Bành Hồ.

Như trên đã trình bày, Biên bản Hội nghị cho thấy rõ : Thứ nhất, với 46 phiếu chống lại đề xuất của Liên Xô đối với Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy không hề có bất cứ sự ủng hộ rộng rãi nào của cộng đồng quốc tế như Trung Quốc vẫn từng lập luận. Thứ hai, không hề có bất cứ sự phản đối nào khi đại diện của Việt Nam khẳng định chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam.

Chúng ta vẫn thường nghe thấy câu : Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật. Tôn trọng sự thật là vô cùng quan trọng, nhất là khi sự thật đó liên quan đến số phận và lợi ích của một quốc gia-dân tộc. Từ góc độ luật pháp quốc tế, xác lập chủ quyền lãnh thổ phải căn cứ vào nguyên tắc chiếm hữu thực tế (effective occupation). Lịch sử đã chứng minh Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu, thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo một cách thật sự, liên tục và hoà bình.

Nguyễn Thị Lan Hương

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 08/09/2021

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.


Chú thích :

[1] Sách trắng Trung Quốc ngày 30/1/1980, trang 15.

[2] Treaty of Peace with Japan (with two declarations)

[3] November 26, 1943 The Cairo Declaration

[4] Potsdam Declaration, July, 1945

[5] Treaty of Taipei - Taiwan Documents Project

[6] Did the allies promise the sea to China?

[7]Monique Chemilier Gendreau, La souveraineté sur les archipels paracels et Spratleys, tr.44

[8] China Adheres to the Position of Settling Through Negotiation the Relevant Disputes Between China and the Philippines in the South China Sea 

[9] Conference for the Conclusion and Signature of the Treaty of Peace with Japan, tr.119-122.

[10] Conference for the Conclusion and Signature of the Treaty of Peace with Japan, tr.293.

[11] Conference for the Conclusion and Signature of the Treaty of Peace with Japan, tr.263.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Thị Lan Hương
Read 748 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)