‘Có một khu phố thôi,’ mà ‘phong tỏa luôn cả xã, cả phường’
Trân Văn, VOA, 18/09/2021
Ông Phạm Minh Chính – Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam lại vừa đẩy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vào ma trận phòng, chống dịch Covid-19.
Lều được dựng để các lực lượng trú tạm làm nhiệm vụ ở khu vực phong tỏa - Ảnh Bậm Võ
Hôm 15/9/2021, tạiHội nghị Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng,ông Chính chỉ trích hệ thống chính trị, hệ thống công quyền các cấp đã tỏ ra kém cỏi trong việc thực hiện công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 :
Có một khu phố thôi, phong tỏa luôn cả xã, cả phường. Có một xã thôi, phong tỏa luôn cả huyện. Phong tỏa để làm gì thì không đặt ra, không có mục tiêu, không có lộ trình, không có biện pháp. Cứ phong tỏa 14 ngày xong thấy có F0 lang thang trong cộng đồng lại phong tỏa rồi lại tiếp tục phong tỏa
Theo lời ông Chính, thực trạng đó khiến ông phải chất vấn thuộc cấp :Tôi mới hỏi tiếp tục phong tỏa đến bao giờ ? Tôi mới nói anh em bây giờ phải làm lại. Nói phải rất rõ. Làm sao nói phải thật là giản dị. Khoa học ở chỗ giản dị, làm sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ đánh giá (1).
Nhận xét và tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam về phong tỏa – một trong những giải pháp chính trongChiến lược phòng, chống đại dịch Covid-19ở Việt Nam suốt từ đầu năm ngoái đến nay – khiến thiên hạ có cảm giác, Việt Nam vừa có "tân" Thủ tướng cũng tên là Phạm Minh Chính !
"Tân" Thủ tướng Phạm Minh Chính khác xa "cựu" Thủ tướng Phạm Minh Chính. "Tân" Thủ tướngkhông chấp nhận chỉ đạo của"cựu" Thủ tướng đối với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trong ngăn ngừa đại dịch : Đó là "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" (2), là phải biến "mỗi phường xã thành một pháo đài" (3).
Có thể vì thừa lịch sựvà dư văn hóanên "tân" Thủ tướngkhông đả động gì đến sai lầm nghiêm trọng của Thủ tướng tiền nhiệmcũng tên là Phạm Minh Chính. Ông chỉ tập trung chê trách những thuộc cấp của Thủ tướng tiền nhiệmđã răm rắp thực thi chủ trương, yêu cầu phong tỏakhông có mục tiêu, không có lộ trình, không có biện pháp !
Rồi có thể vì đối tượng trò chuyện là trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam nên "tân" Thủ tướng ứng xử cũng rất khác so với Thủ tướng tiền nhiệm ! Ông đề cao khoa học.
Thực tế cho thấy, trong vai trò lãnh đạo công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam,Thủ tướng tiền nhiệmcũng là người đưa ra những chỉ đạorất rõ, rất giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ đánh giá giống như mong muốn của "tân" Thủ tướng.Có gì rõ ràng, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ hơn đòi hỏi phải xem "dịch" như "giặc", dễ làm hơn truy lùng F0, F1 như kẻ thù của nhân dân, dễ giám sát hơn cưỡng bức cách ly, dễ kiểm tra hơn phong tỏa nghiêm ngặt trên diện rộng.
DẫuThủ tướng tiền nhiệm khác "tân" Thủ tướng ở chỗ xem thường, không bận tâm đến cảnh báo, khuyến cáo của những người có tri thức khoa học nhưng kết quả vẫn rất dễ đánh giá : Số người nhiễm, số người tử vong tăng chóng mặt, tỉ lệ tử vong vượt xa mức trung bình của thế giới (4) và chủ yếu nằm ở tầng đầu trong tháp điều trị do Bộ Y tế Việt Nam xác lập (5). Doanh nghiệp thi nhau đóng cửa ngưng hoạt động, kinh tế suy sụp, công khố trống rỗng, dân chúng thêm khốn khổ, lầm than, tuyệt vọng về tương lai
***
Diễn biến đợt dịch Covid-19 thứ tư tại Việt Nam suốt bốn tháng vừa qua khiến rất nhiều người ngậm ngùi cho thân phận thường dân : Làm dân vừa khó, vừa khổ ! Song trong vài tuần gần đây, cách hành xử của ông Phạm Minh Chính giúp thiên hạ nhận ra : Làm viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng không dễ !
Sau cuộc họp trực tuyến giữa ông Chính với lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, lãnh đạo các huyện - thị xã và phường – xã - thị trấn của hai tỉnh này hôm 13 tháng 9, nhiều người, nhiều giới đã cùng với Thủ tướng chê trách những viên chức hữu trách yếu kém, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo (6).
Một số viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Kiên Giang – nơi bị dè bỉu dữ dội nhất – than với báo giới rằnghọ cảm thấy buồn vì bị xem như học trò phải trả bài cho Thủ tướng (7). Cảm nhận và so sánh ấy không sai. Thậm chí trong cuộc họp, có một Phó chủ tịch tỉnh bị ông Chính nạt vì "nhắc bài" cho Bí thư tỉnh !..
Cuộc họp trực tuyến vừa đề cập là sự kiện thật sự hi hữu. Trước giờ tại Việt Nam, công khai phát tán nội dung những cuộc họp giữa lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trung ương với lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền địa phương để kiểm điểm việc thực thi chủ trương, chính sách nào đó cho dân chúng xem xét, chỉ trích năng lực của cả những cá nhân là lãnh đạo lẫn hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền địa phương luôn luôn là điều cấm kỵ !
Cho dù việc thông tin rộng rãi về cuộc họp trực tuyến vừa đề cập khiến công chúng thêm ngán ngẩm cả về tâm lẫn tầm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nhưng nó tạo ra những lợi ích hết sức tích cực cho Thủ tướng. Dân chúng "tận mục sở thị", Thủ tướng hơn hẳn thuộc cấp cả về ý thức trách nhiệm lẫn khả năng quản trị, điều hành. Thủ tướng rất sốt ruột, rất quyết liệt. Hậu quả dịch bệnh, kinh tế, dân sinh càng ngày càng tồi tệ chỉ vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tệ quá !
Không phải tự nhiên mà sau cuộc họp vừa kể, thay vì thu thập – tường thuật, phân tích – đề nghị - dự báo về hậu quả của Chiến lược phòng, chống đại dịch Covid-19 trong bốn tháng vừa qua do ông Chính hoạch định và chỉ huy thực hiện, hệ thống truyền thông chính thức dựa vào cuộc họp trực tuyến đã kể, để ca ngợi Thủ tướng là người… truyền dẫn phong cách làm việc mới (8). Hay loan báo thêm rằng,rạng sáng 14 tháng 9, Thủ tướng trực tiếp gọi điện thoại cho Bí thư kiêm Chủ tịch thị trấn Long Bình và Chủ tịch huyện An Phú ở An Giang để cật vấn tại sao đang là "vùng đỏ" mà không có Trạm Y tế lưu động (9) ?
Qua báo chí, dẫu Bí thư kiêm Chủ tịch thị trấn Long Bình ca ngợiThủ tướng chỉ đạo rất sát với thực tế (phải xét nghiệm hai ngày/lần, phải thành lập trạm y tế lưu động,phải tổ chức giãn dân) nhưng thú thật thị trấn không có khả năng thực hiện những chỉ đạo này ! Bí thư huyện An Phú cũng phân trần theo hướng đó ! Ngay cả khi đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào vài giờ sau khi Thủ tướng gọi điện thoại, lãnh đạo hệ thống chính trị và hệ thống công quyền của tỉnh An Giang cũng không thể làm gì khác ngoài việc yêu cầu lãnh đạo một thành phố (Châu Đốc), một thị xã (Tân Châu) và hai huyện (An Phú, Phú Tân) kiên quyết thực hiện giới nghiêm ở khu vực bịphong tỏa.
***
Thiếu chuẩn bị, thiếu từ hạ tầng y tế (cơ sở vật chất, thiết bị, trang bị) đến nhân lực, thiếu tài chính, đã vậy nguồn lực còn bị phung phí vào việc thực hiện những chỉ đạo ban đầu (chẳng hạn truy vết - cách ly - cô lập, hay xét nghiệm thần tốc, toàn diện…), đã vậy còn bị khiển trách vì thực thi thiếu nghiêm túc, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền địa phương có thể làm gì khác ngoài phong tỏa cực đoan, bất kể hậu quả. Nếu hậu quả không càng ngày càng trầm trọng, chắc chắn Thủ tướng không đổi giọng, sắm vai mới !
Có một khu phố thôi, phong tỏa luôn cả xã, cả phường. Có một xã thôi, phong tỏa luôn cả huyện. Phong tỏa để làm gì thì không đặt ra, không có mục tiêu, không có lộ trình, không có biện pháp. Cứ phong tỏa 14 ngày xong thấy có F0 lang thang trong cộng đồng lại phong tỏa rồi lại tiếp tục phong tỏa vốn đã là thực trạng phổ biến trên toàn quốc suốt bốn tháng vừa qua. Chẳng lẽ suốt thời gian đó, ông Chính chưa phải là Thủ tướng ?
Chẳng lẽ ở vị trí Thủ tướng, công việc của Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính chỉ là cật vấn lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền địa phương vì sao họ không nhớ vừa có thêm bao nhiêu ca nhiễm mới, ở những chỗ nào trên phạm vi toàn tỉnh và gọi điện thoại cho cả Bí thư thị trấn, Chủ tịch huyện, thúc giục xét nghiệm hai ngày/lần, thành lập trạm y tế lưu động, giãn dân ? Khi đòi buộc phong tỏa, ông Chính có mục tiêu, có lộ trình, có biện pháp ?
Cứ như những tuyên bố và cách hành xử của ông Chính trong vài ngày gần đây, đối tượng phải gánh trách nhiệm trước hậu quả trầm trọng về nhân mạng, dân sinh, kinh tế, sự vô vọng về khả năng hồi phục sớm của Việt Nam sau đại dịch là thuộc cấp. Riêng ông không những hoàn toàn vô can mà còn tiếp tục tỏa sáng vì đã rất sốt ruột, rất quyết liệt, thậm chí tiếp tục truyền dẫn phong cách làm việc mới ! Chẳng lẽ Thủ tướng là công việc không những dễ làm nhất mà còn dễ giương danh nhất ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/09/2021
Chú thích
(1) https://www.youtube.com/watch?v=IEU3WtBnwXE
(3) https://vnexpress.net/quan-doi-chu-tri-lo-luong-thuc-cho-tp-hcm-4343622.html
https://tuoitre.vn/cuoc-goi-luc-nua-dem-cua-thu-tuong-20210915231837202.htm
(5) https://nld.com.vn/thoi-su/keo-giam-tu-vong-o-tang-dieu-tri-thu-2-20210830224340823.htm
(7) https://tienphong.vn/buon-nhu-hoc-tro-tra-bai-sau-cuoc-hop-truc-tuyen-voi-thu-tuong-post1375943.tpo
(8) https://cand.com.vn/thoi-su/truyen-dan-phong-cach-lam-viec-moi-tu-nguoi-dung-dau-chinh-phu-i628153/
(9) https://tuoitre.vn/cuoc-goi-luc-nua-dem-cua-thu-tuong-20210915231837202.htm
*********************
Đại dịch và nghịch lý vừa dựng hàng rào, vừa hoan hô xé rào !
Trân Văn, VOA, 16/09/2021
Ngoài hệ thống truyền thông chính thức, nhiều người dùng mạng xã hội đang hoan hô bà Lê Thị Hờ Rin (Bí thư quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh), bà Phạm Thị Thanh Hiền (Chủ tịch huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) vì dám xé rào.
Bà Hờ Rin (nữ, áo xanh), báo cáo tình hình chống dịch tại Quận 6. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đứng bìa trái. (Hình : Thuận Thắng/zingnews.vn)
"Rào" mà bà Lê Thị Hờ Rin và bà Phạm Thị Thanh Hiền đã "xé" chính là những chỉ đạo, qui định, hướng dẫn liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Bà Thanh Hiền tại khu cách ly F0 ở Củ Chi. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đứng bìa trái. (Hình : VGP/Đình Nam – zingnews.vn)
Báo giới và nhiều cá nhân ca ngợi bà Lê Thị Hờ Rin vì bà yêu cầu chính quyền quận 6 phát thuốc kháng viêm, thuốc kháng đông cho những người bị nhiễm Covid-19 (F0) điều trị tại nhà, trước khi có hướng dẫn của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm ngăn chặn số lượng tử vong đang tăng. Bí thư quận 6 còn yêu cầu hệ thống chính quyền ở quận này hướng dẫn cặn kẽ về việc sử dụng cả biệt dược, thảo dược, phát thêm các loại vitamin, tổ chức tư vấn qua điện thoại cho dân chúng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, quận 6 là địa phương ưu tiên chích vaccine ngừa Covid-19 cho những khu vực bị phong tỏa vì có nhiều F0 (đa số địa phương chờ giải tỏa các khu vực bị phong tỏa mới tổ chức chích ngừa), gửi bộ xét nghiệm đến nhà, khuyến khích, hướng dẫn dân chúng tự xét nghiệm (1).
Giống như bà Lê Thị Hờ Rin, bà Phạm Thị Thanh Hiền cũng được một số người xem là nữ dũng tướng (2) bởi dám "xé rào". Chủ tịch huyện Củ Chi không xem F0 là người bệnh và tự thực hiện những biện pháp ngăn ngừa khác với chỉ đạo, qui định, hướng dẫn liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 chính thức. Theo báo giới Việt Nam, dường như nhờ vậy mà trong suốt đợt dịch này, Củ Chi không có người nào thiệt mạng vì bị nhiễm Covid-19. Ngoài bản đồ về dịch, Củ Chi còn lập bản đồ về an sinh, kết hợp giữa chăm sóc dân sinh với giải cứu nông sản - mua các loại nông sản bị ứ đọng trong huyện để phát hay bán lại cho những gia đình cần đến chúng. Nông dân Củ Chi không khốn đốn vì phải đổ bỏ nông sản như nhiều nơi khác (3).
***
Nếu hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam tường thuật đúng, không nói thách thì rõ ràng bà Lê Thị Hờ Rin, bà Phạm Thị Thanh Hiền đã hành xử khác hẳn nhiều viên chức hữu trách.
Sự hơn hẳn của bà Rin, bà Hiền nằm ở chỗ dám làm khác chỉ đạo, qui định, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19. Những quan niệm, biện pháp mà cả hai đã áp dụng trong khu vực thuộc phạm vi trách nhiệm của họ đều đã từng được các chuyên gia y tế, dịch tễ hoặc liên tục cảnh báo nên tránh, hoặc liên tục khuyến cáo nên thực thi, chúng hoàn toàn không mới ! Ca ngợi bà Rin, bà Hiền về hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh, duy trì sự ổn định nhất định về dân sinh chưa đúng và không đủ. Tại sao chỉ tri ân, bày tỏ sự cảm phục những người xé rào mà lờ đi, bỏ qua trách nhiệm của những kẻ đã dựng hàng rào – gạt bỏ những cảnh báo, khuyến cáo và làm ngược lại - để hai phụ nữ đó phải "xé" khi muốn cứu dân ?
Không có ai nghĩ tới việc truy cứu trách nhiệm, loại bỏ những kẻđang tâm dựng hàng rào, đẩy cả quốc gia lẫn dân tộc vào tuyệt lộ.
Trước, người Việt vừa ngậm ngùi trước số phận của những người xé rào để có đổi mới, vừa bày tỏ sự cảm phục họ. Gần như không có ai nghĩ tới việc truy cứu trách nhiệm, loại bỏ những kẻ đang tâm dựng hàng rào, đẩy cả quốc gia lẫn dân tộc vào tuyệt lộ.
Có lẽ chính vì vậy nên giờ mới thế và chẳng lẽ cũng thế ? Chẳng lẽ tiếp tục chấp nhận để những cá nhân ở thượng tầng muốn làm gì thì làm, thích thì xem dịch như giặc, đem những biện pháp mà nếu áp dụng đối với kẻ thù của nhân dân cũng cần cân nhắc ra đối xử với những người chẳng may nhiễm Covid-19. Thực tế cho thấy, không màng tới vaccine, chỉ chăm chăm thực hiện các biện pháp cực đoan "truy vết, cách ly, cô lập" không chỉ làm hàng chục ngàn người Việt thiệt mạng, kinh tế suy sụp mà còn đẩy nhiều triệu người đến chỗ kiệt quệ về mọi mặt. Lúc thấy không hiệu quả thì thản nhiên tuyên bố phải sống chung với đại dịch và mặc kệ dân chúng tự xoay sở.
Bao nhiêu hàng rào nữa sẽ tiếp tục được những kẻ như thế thay nhau dựng lên ? Bao nhiêu người sẽ"xé rào" và bao nhiêu thế hệ tiếp tục vừa phải trả giá bằng sinh mạng, bằng tương lai của cả mình lẫn con cháu, vừa trầm trồ khen ai đó dám xé rào ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 16/09/2021
Chú thích
(1) https://zingnews.vn/chuyen-xe-rao-dua-thuoc-dieu-tri-den-f0-cua-bi-thu-quan-6-post1261665.html
(2) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=3050275205297696&id=100009457401127