Quanh chuyện Việt Nam tăng cường mua vắc xin Covid-19 của Trung Quốc
Diễm Thi, RFA, 30/09/2021
Dân không có lựa chọn dù hiệu quả kém
Tính đến ngày 1 tháng 9 năm 2021, Việt Nam đã nhập về tổng cộng 5.700.000 liều vắc-xin Trung Quốc, trong đó gồm 500 ngàn liều đầu tiên là do Trung Quốc tặng có điều kiện ; 200 ngàn liều do Bộ quốc phòng Trung Quốc tặng Bộ quốc phòng Việt Nam và năm triệu liều còn lại là do công ty Vạn Thịnh Phát đặt mua (số liệu theo truyền thông Nhà nước Việt Nam).
Một phụ nữ đang được tiêm vắc xin Sinopharm ngừa Covid-19 tại Hà Nội vào ngày 10 tháng 9 năm 2021. AFP
Vắc-xin Trung Quốc từ lâu bị người dân Việt Nam phản đối do hiệu quả không cao kèm tâm lý ‘bài Hoa’, không tin vào bất cứ sản phẩm nào từ Trung Quốc. Tuy vậy, người dân cũng không còn lựa chọn nào khác khi chính quyền ban hành quy định không chích vắc-xin thì không được tham gia sinh hoạt ngoài xã hội bằng các loại ‘thẻ xanh, thẻ vàng’. Tất cả đều liên quan số liều vắc-xin đã được chích, trong khi số lượng các loại vắc-xin như Pfizer, Moderna, AstraZeneca mà Việt Nam hiện có không thể đủ cho toàn dân.
Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến áp dụng ‘thẻ xanh, thẻ vàng Covid-19’ để kiểm soát mức độ tham gia xã hội của người dân, doanh nghiệp khi mở cửa, phục hồi kinh tế. Thẻ xanh sẽ cấp cho người đã khỏi bệnh hoặc người tiêm đủ hai mũi vắc-xin dưới 65 tuổi, không bệnh nền ; người đã khỏi bệnh hoặc người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin trên 65 tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Thẻ vàng được cấp cho người tiêm một mũi vắc-xin.
Chính quyền địa phương ở một số nơi ra những văn bản buộc người dân phải chích ngừa, nếu không sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu làm lây lan dịch ra cộng đồng. Một trong những văn bản nghe vô lý nhưng có thật đó được phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai - Hà Nội ban hành hôm 18 tháng 9. Nội dung ghi rõ : "Đối với những trường hợp trong độ tuổi nhưng từ chối tiêm chủng, yêu cầu người dân ký cam kết với UBND phường về việc không tiêm chủng, nêu rõ lý do và cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng".
Cuối năm 2020, trong lúc cả thế giới chạy đua với vắc-xin ngừa Covid-19 thì Trung Quốc dường như đạt bước tiến lớn khi hai loại vắc-xin của Trung Quốc được sản xuất bởi công ty Sinovac là CoronaVac và công ty Sinopharm là Vero Cell được phân phối ra nước ngoài. Nhưng sau đó thực tế cho thấy hiệu quả của hai loại này không cao.
Theo thông tin từ báo Công an Nhân dân hôm 11 tháng 4 năm 2021, ông Gao Fu, Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh (CDC) Trung Quốc xác nhận vắc-xin ngừa Covid-19 do nước này chế tạo có tỷ lệ bảo vệ không cao và các chuyên gia đang cân nhắc kết hợp các mẫu vắc-xin khác nhau để tăng hiệu quả.
Cũng trong tháng 4, báo Tuổi trẻ có bài viết "Chile bị Covid-19 'nhấn chìm' vì ỷ lại vào vắc-xin Trung Quốc". Theo đó, dù nằm trong top đầu thế giới về tỉ lệ tiêm chủng nhưng Chile vẫn bị Covid-19 nhấn chìm, do hoàn toàn ỷ lại vào vắc-xin CoronaVac của Trung Quốc.
Đầu tháng 6, bản tin của Reuters cho hay, một nghiên cứu của Peru cho thấy vắc-xin của Sinopharm chỉ có hiệu quả 50,4%. Còn các nước tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và quốc gia Bahrain đã tuyên bố sử dụng vắc-xin Pfizer để làm liều chích bổ sung cho những người đã chích vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc.
Y tá chuẩn một liều vaccine Sinopharm tại một trung tâm y tế ở Hà Nội hôm 10/9/2021. AFP
Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hồng Vũ ở Hoa Kỳ nhận định về vắc-xin Trung Quốc với RFA qua ứng dụng Facebook Messenger tối 29 tháng 9 rằng, việc sử dụng vắc-xin Trung Quốc nên là sự lựa chọn cuối cùng, vì cho đến nay, giới khoa học rất khó tiếp cận với số liệu gốc của vắc-xin Sinopharm. Mặc dù WHO đã chấp thuận danh sách hai loại vắc-xin của Trung Quốc là Sinopharm và Sinovac, nhưng các tổ chức của Châu Âu như EMA và Mỹ như FDA thì vẫn chưa chấp nhận sử dụng các vắc-xin này ở nước họ.
Bác sĩ Võ Xuân Sơn, Giám đốc phòng khám EXSON ở Thành phố Hồ Chí Minh thì khẳng định :
"Tôi không đồng ý chích vắc-xin do Trung Quốc sản xuất, vì tôi không tin vắc-xin đó, cả về khoa học và chính trị, cũng như truyền thống sản xuất hàng độc hại cho Việt Nam của chúng".
Vì sao Việt Nam vẫn mua ?
Hôm 29 tháng 9 năm 2021, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký quyết định bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để mua và tiếp nhận 20 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc. Dư luận cho rằng, chính quyền buộc phải mua vắc-xin từ Trung Quốc vì mối quan hệ "môi hở -răng lạnh" xưa nay dù biết rõ người dân phản đối loại vắc-xin này.
Tiến sĩ Bác sĩ Đinh Đinh Đức Long nêu quan điểm của ông về việc này :
"Về mặt pháp lý thì vắc-xin Trung Quốc đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận rồi. Nó cũng tương tự như các vắc-xin khác nhưng lại không được Mỹ công nhận. Như vậy, về hành lang pháp lý thì nó tương đối chặt chẽ. Chỉ tương đối thôi. Còn về hiệu quả thì chưa thể nói được, vì một sản phẩm y tế, thuốc men…có tác dụng ngắn hạn và dài hạn. Đó là cái thứ nhất.
Cái thứ hai, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc lâu nay như tuyên bố của hai đảng là quan hệ anh em, 16 chữ vàng, 4 tốt cho nên việc mua vắc-xin Trung Quốc còn có ý nghĩa về cân bằng chính trị. Bởi trong thời gian qua Việt Nam nhận tàu chiến của Nhật, của Mỹ thì cũng phải có cái gì từ Trung Quốc chứ. Một chính sách có thể tốt với người này mà không tốt với người khác là chuyện bình thường".
Một người trong giới quan sát tình hình kinh tế, chính trị trong và ngoài nước, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định :
"Vắc-xin Trung Quốc thì hiệu quả nó thấp, chỉ hơn 60% trong khi Pfizer, Morderna hiệu quả trên 90%. Thế nhưng Việt Nam không thể mua được nhiều các loại vắc-xin của Mỹ, Anh…
Trước đây Việt Nam tính tổng số vắc-xin cần là 140 triệu liều, bây giờ họ tính lại là gần 200 triệu liều. Đến nay số vắc-xin về đến Việt Nam mới chỉ khoảng 40 triệu. Như vậy cần thêm khoảng 160 triệu liều nữa. Bây giờ không mua ở đâu được cả nên đành phải mua của Trung Quốc. Tính ra tổng số vắc-xin có liên quan đến Trung Quốc ở Việt Nam hiện giờ là gần 10 triệu liều. Ký mua khoảng 40 triệu liều nữa. Nhưng nếu so với số vắc-xin Việt Nam cần thì vẫn còn thiếu khoảng 100 triệu liều nữa.
Đây là lý do Việt Nam phải mua vắc-xin Trung Quốc vì bây giờ họ cuống lên rồi. Giữa cái chết và cái sống thì thà sử dụng vắc-xin hiệu lực thấp nhưng sống còn hơn không có. Đành phải mua mà tiêm".
Ông Hà Hoàng Hợp nói thêm rằng, nếu nhìn từ bên ngoài thì nghĩ Việt Nam vì ngoại giao chính trị mà phải mua vắc-xin Trung Quốc về tiêm cho dân. Nhưng thực chất bên trong không phải như thế. Việt Nam không thể mua ở đâu khác vì các nước phương Tây sản xuất không kịp cho họ mà Việt Nam thì đến sau. Nước xếp hàng rất xa làm sao có thuốc mà mua vào lúc này.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 30/09/2021
*******************
Từ vắc xin đến nhà thầu và thương lái Trung Quốc
Trần Đông A, VOA, 27/09/2021
Một loại thuốc không thể mang 2 tên. Vero Cell của Trung Quốc khi "khoác áo" Hayat – Vax thì đã biến thành một vắc xin khác. Không thể lấy dữ liệu của Vero Cell để làm cơ sở duyệt cho Hayat – Vax. Nếu đã là một thì tại sao phải nấp dưới hai tên ? Nếu lấy được dữ liệu của vắc xin này để duyệt cho vắc xin kia thì tại sao Hayat – Vax chưa có tên trong danh sách của WHO ?
Những lọ vaccine Vero Cell của Trung Quốc. Hình minh họa.
Một tin gây sốc mới, đó là Chính phủ Việt Nam lại vừa ban hành nghị quyết về mua 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm (Trung Quốc). Tin này phát đi sau khi có tin về việc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã có quyết định phân bổ 8 triệu liều Vero Cell, vắc xin do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ, cho các tỉnh thành. VnExpress cũng đăng tải một loại thông tin y hệt : "Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương vừa có quyết định phân bổ thêm 8 triệu liều vắc xin Sinopharm cho 25 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội nhận nhiều nhất".
Đang và sẽ sử dụng gần 30 triệu liều vắc xin Trung Quốc trong các điều kiện : Chấp nhận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin, hoặc việc sử dụng vắc xin. Chấp nhận phương thức thanh toán theo các điều khoản trong hợp đồng. Chấp nhận không có nội dung về bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Việc ký kết, hiệu lực, giải thích và thực hiện, giải quyết tranh chấp của hợp đồng áp dụng theo pháp luật Trung Quốc. Trường hợp không giải quyết được,tranh chấp do Ủy ban Trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc phán quyết.
Thần tốc phê duyệt vắc xin Trung Quốc
Tất cả những điều kiện ngặt nghèo nói trên thật ra là luật bất thành văn trong mua bán vắc xin, nhưng khi bị ép mua về như thế thì nhà nước, cụ thể là Bộ Y tế phải có trách nhiệm với người dân của mình chứ ! Mọi người chắc hẳn còn nhớ, khi Thành phố Hồ Chí Minh được tặng 5 triệu liều vắc xin Sinopharm, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên bố công khai, minh bạch : Tiêm hay không tiêm là việc của dân, không ép, không nói dối dân. Nhưng rồi một số vị lãnh đạo khác từ Hà Nội lại nêu khẩu hiệu : "Vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm kịp thời". Đấy là một tuyên bố khá ẩu và thiếu chuyên nghiệp !
Trong khi đó thì Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, một nhà bình luận thời sự sắc sảo của truyền thông "lề trái" lại đánh giá, hợp đồng nói trên là một cuộc xâm chiếm thị trường thần tốc đầy nghi ngờ của vắc xin Trung Quốc. Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, không thể tin được, vừa được phê duyệt thần tốc hôm 10/9/2021, thì bây giờ còn thần tốc hơn, Bộ Y tế đã phê duyệt nhập 30 triệu liều vắc xin Hayat – Vax.
Trong lúc cả nước thiếu vắc xin, đáng ra đây phải là tin vui, nhưng thật không vui chút nào. Có mấy câu hỏi sau đây, không tài nào trả lời được. Hayat – Vax là vaccine không có trong danh mục của WHO. Đã có 6 loại vác xin trong danh mục của WHO được Việt Nam cấp phép khẩn cấp. Hayat – Vax không trải qua kiểm nghiệm lâm sàng ở Việt Nam. Vậy dựa trên số liệu nào, cơ sở nào, nhu cầu nào để Bộ Y tế cấp phép sử dụng ở Việt Nam ?
Theo cổng thông tin của Bộ Y tế thì, "Vắc xin là Hayat-Vax do Công ty trách nhiệm hữu hạn Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), Trung Quốc, sản xuất bán thành phẩm. Vắc xin này được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries), Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất". Một loại thuốc không thể mang 2 tên. Vero Cell của Trung Quốc khi khoác áo Hayat – Vax thì đã biến thành một vaccine khác. Không thể lấy dữ liệu của Vero Cell để làm cơ sở duyệt cho Hayat – Vax. Nếu đã là một thì tại sao phải mang hai tên ? Nếu lấy được dữ liệu của vắc xin này để duyệt cho vắc xin kia thì sao Hayat – Vax chưa có trong danh sách của WHO ?
Trong lúc cả thế giới khan hiếm vắc xin phòng chống Covid, Chính phủ đi xin khắp nơi, có nước chỉ được 100 000 liều, có nước được 300 000 liều. Vậy mà trong chốc lát có ngay 30 000 000 liều vắc xin Hayat – Vax về Việt Nam. Như vậy Hayat – Vax có chất lượng như thế nào mà dư thừa nhiều thế ? Sao không thúc đẩy nhập nhanh 31 triệu liều Pfizer ? Có phải đây là cách để giúp cho vắc xin Trung Quốc thần tốc chiếm thị trường Việt Nam ?Cuộc xâm chiếm thần tốc thị trường Việt Nam của vắc xin Trung Quốc khoác áo Hayat – Vax có ảnh hưởng đến quá trình phê duyệt Nanocovax và Covivax ?
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới phản ánh hiệu quả tiêm vắc xin của Trung Quốc rất thấp so với các loại vắc xin khác. Ngay cả tờ Wasington Post mới đây cũng có bài viết "Chủng Delta hoành hành, Đông Nam Á chuyển không dùng vắc xin của Trung Quốc ?",phân tích xu thế quay lưng với vắc xin Trung Quốc ở khu vực. Một số quốc gia Châu Á từng đưa vắc xin Trung Quốc thành mũi nhọn quan trọng trong các chương trình tiêm chủng, nay đã thông báo lại rằng họ sẽ sử dụng các loại vắc xin khác.Xem vậy để thấy hành công của vắc xin Trung Quốc đang lụi tàn ở Châu Á ? Những thông tin này đang làm dân tình hoang mang nhưng không thấy những người có trách nhiệm ở Bộ Y tế phản bác.
Bỏ thầu rẻ nhưng chi phí tăng vọt
Nhà thầu nào cũng muốn đạt tiến độ thi công tốt để nhận tiền cho nhanh và đạt chất lượng để lấy tiếng mà dự thầu những dự án khác. Thế mà nhà thầu Trung Quốc bỏ giá thầu với âm mưu gây chậm tiến độ và chi phí phát sinh, đến khi làm việc còn gây ra bao nhiêu sự cố đáng ngờ, không đáng có đối với nhà thầu quốc tế. Chi phí dự án tăng vọt, là những thiệt hại kinh tế thấy rõ. Thiệt hại gián tiếp nặng nề không kém do chậm nhiều năm. Mỗi ngày chậm trễ là thêm thiệt hại cho đất nước Việt Nam do các lợi ích chưa thành hiện thực,tính ra thành tiền không phải nhỏ.
Trong khi ở đất nước họ, nhiều công trình hoành tráng và khó khăn gấp nhiều lần được hoàn tất trong thời gian ngắn với chất lượng khá. Đằng này, với bao điều kiện thuận lợi, chỉ cần triển khai đầy đủ thiết bị và nhân lực phù hợp thì dự án sẽ rất suôn sẻ, như các nhà thầu quốc tịch khác từng chứng minh. Phải chăng họ sẵn lòng chịu thiệt hại cho riêng họ ? Nhưng đâu có phải vậy ! Họ gây khó khăn, đội giá lên nhiều lần, cốt làm hại cho ta.
Tương tự, khi đọc tin về các thương lái Trung Quốc "thu mua" móng chân trâu bò, đỉa, lá điều khô, lá sắn, lá khoai lang, ốc bươu vàng, mèo, rễ tiêu, cây huyết đằng, đậu bắp xanh, lá ớt v.v… Hầu hết những thứ này đều đượcthương lái Trung Quốc thu mua từng đợt và làm giá đợt sau cao hơn đợt trước, có khi gấp đôi gấp ba, để kích thích lòng tham của những người nông dân Việt Nam nghèo khổ và kém hiểu.
Hoặc là ồ ạt thu mua khoai lang, chuối, chè cổ thụ, lúa đang trổ bông rồi ngưng hẳn khiến cho nông dân ồ ạt gia tăng sản lượng rồi khốn đốn vì lượng hàng ế ẩm. Rồi việc thu mua những thứ quái đản như đĩa, cây dó liệt, cá lìm kìm biển, bọ 3 sọc, giun đất Mỗi một đợt thu mua khiến cho người Việt bỏ công ăn việc làm, tìm mọi cách chặt cây hàng loạt, tìm bắt con này, con kia đến mức tận diệt, đồng thời gây hậu quả tàn phá hệ sinh thái mà dân không biết và chính quyền địa phương không hay. Nhưng có một điểm không thấy truyền thông trong nước nêu thật rõ ra : cá nhân thương lái chân chính không làm các chiêu trò ác độc đó. Không ai bỏ ra khối tiền đặt cọc lớn và thu mua với giá khủng rồi giữa chừng lặn mất tăm mà không thu hồi vốn.
Theo Tiến sĩ Tô Văn Trường, cũng không loại trừ khả năng chính phủ Trung Quốc bỏ tiền đền bù thiệt hại cho các nhà thầu của họ để các nhà thầu này yên tâmthực hiện những mưu mô xảo quyệt gây thiệt hại cho sự phát triển của Việt Nam. Từ vài chục năm trước, nếu ai có dịp đi thăm quan vùng biên giới, được chứng kiến cùng một loại hàng hoá của Trung Quốc mà bán ở Lạng Sơn chỉ rẻ bằng 2/3 giá bán ở Bằng Tường, ai cũng bảo chắc chắn có sự trợ giá của Bắc Kinh để phá nền kinh tế Việt Nam. Và đến thời điểm này, chỉ có biên giới phía Bắc mới bắt được các vụ buôn bán tiền Việt Nam giả mà thôi.
Trần Đông A
Nguồn : VOA, 27/09/2021
********************
Vắc xin Trung Quốc có tốt hơn vắc xin Việt Nam ?
Hiền Lương, VNTB, 27/09/2021
"Chúng ta không thể so sánh đối đầu vắc xin (head-to-head) do cách tiếp cận khác nhau trong thiết kế các nghiên cứu, nhưng về tổng thể, mọi vắc xin đã có mặt trong trong Danh sách Sử dụng khẩn cấp của WHO đều hiệu quả cao trong việc phòng bệnh nặng và nhập viện do COVID-19".
Đừng nói là các vắc xin khác khó mua. Hãy nhớ là từ cuối năm 2020, một công ty tư nhân để bỏ tiền ra đặt mua đến 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca
Khuyến cáo trên là của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi đề cập về vắc xin Sinopharm của Trung Quốc.
Người Việt có câu, "tiền nào của đó". Vậy thì nếu mang giá cả ra để thử coi vắc xin nào mắc nhất sẽ là vắc xin tốt nhất ở lúc này đối với Covid-19, liệu có đúng hay không ?
Trong bài viết "Giá các loại vắc xin phòng ngừa COVID-19 được cấp phép tại Việt Nam" đăng trên trang web bệnh viện đa khoa MEDLATEC, Hà Nội, bác sĩ chuyên khoa I Vũ Thanh Tuấn cho biết giá vắc xin AstraZeneca được đánh giá là rẻ hơn so với các loại khác, 1 liều chỉ khoảng 2,4 USD. Giá bán vắc xin Sputnik V cho mỗi liều khoảng 13 USD.
Vắc xin Pfizer do Mỹ sản xuất có thể mua được với giá trung bình khoảng 19,5 USD/liều.
Báo Financial Times ngày 1/8/2021 dẫn tài liệu hợp đồng và thông tin từ một số quan chức cho biết Moderna áp dụng mức giá mới là 25,5 USD/liều thay cho giá 19 euro (22,6 USD) trong thỏa thuận ban đầu với khách hàng Châu Âu.
Một mũi vắc xin Johnson & Johnson có giá khoảng 10 USD.
Còn mỗi liều vắc xin Vero Cell của Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc Sinopharm và Beijing Institute of Biological Products, có giá khoảng 13,6 USD.
Vắc xin NanoCovax của Công ty Nanogen Việt Nam, có giá bán lẻ dự kiến 120 ngàn đồng/liều, tức tương đương 5 USD/liều.
Như vậy nếu làm phép so sánh của ‘tiền nào của nấy’, thì vắc xin ‘bét’ nhất là AstraZeneca với giá 2,4 USD/liều. Vắc xin NanoCovax xếp thứ hai với giá mắc gấp đôi là 5 USD/liều. Vắc xin Johnson & Johnson đứng thứ ba từ dưới đếm lên về giá, với 10 USD/liều và chỉ cần 1 mũi duy nhất, có nghĩa tương đương vắc xin NanoCovax phải chích 2 mũi.
Ba vắc xin đầu bảng về giá : Moderna, Pfizer, Vero Cell (SinoPharm).
Thế nhưng với giới thương mại thì các so sánh ở trên không đúng trong trường hợp các hợp đồng mua vắc xin do Trung Quốc sản xuất, bất kể đó là Vero Cell hay Sinovac/Coronavac.
"Một người bạn ở Singapore nói với tôi rằng mỗi liều vắc xin Sinovac (còn có tên Coronavac) được chích ở các phòng mạch tư của đảo quốc này, có giá dao động từ 7,5 USD đến 18,6 USD/liều.
Trung Quốc luôn có những khoản hoa hồng hậu hĩnh cho các hợp đồng thương mại. Họ sẵn sàng ghi giá trên hợp đồng với khoản chênh lệch để phía mua hàng là Việt Nam bỏ túi riêng. Thật sự thì trong làm ăn chẳng ai dại gì mua món hàng 13 USD mà dân chúng Việt Nam chẳng ai muốn được chích.
Đừng nói là các vắc xin khác khó mua. Hãy nhớ là từ cuối năm 2020, một công ty tư nhân để bỏ tiền ra đặt mua đến 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca để rồi sau đó Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nhượng lại cho chính phủ vào tháng 6-2021" – một chủ doanh nghiệp trong ngành sinh phẩm y tế ở Sài Gòn, nhận xét.
Có một câu hỏi đặt ra, đặc biệt là với lực lượng dư luận viên của Tuyên giáo Đảng : "Quan ngại về hiệu quả, vì sao nhiều nước vẫn dùng vắc xin Trung Quốc ?".
Các nhà phân tích nhận định, việc sử dụng công nghệ vắc xin truyền thống là virus bất hoạt giúp Trung Quốc nhanh chóng phát triển và đưa vào sản xuất. Dù có hiệu quả giúp giảm bệnh nặng và tử vong, song vắc xin Trung Quốc được đánh giá là kém hiệu quả bảo vệ hơn các loại vắc xin sử dụng công nghệ mRNA như của Pfizer/BioNTech và Moderna.
Vài tháng gần đây, khi bắt đầu có thêm nhiều lựa chọn vắc xin khác, một số quốc gia đang phát triển đã quay sang các nhà cung cấp vắc xin khác do lo ngại về hiệu quả của vắc xin Trung Quốc trước biến thể Delta.
Đơn cử, một số khách hàng lớn của vắc xin Trung Quốc – như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE theo tên tiếng Anh là United Arab Emirates), Bahrain – đã bắt đầu dùng loại vắc xin khác để tiêm mũi tăng cường do lo ngại vắc xin Trung Quốc kém hiệu quả bảo vệ trước biến thể Delta nguy hiểm.
Thái Lan cũng đang kết hợp vắc xin của hãng công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac với vắc xin của hãng dược Anh AstraZeneca. Trong khi đó, Nam Phi được cho là đã từ chối 2,5 triệu liều vắc xin Sinovac được phân bổ qua Covax – cơ chế đảm bảo tiếp cận vắc xin công bằng toàn cầu. Nigeria cũng chỉ xem 8 triệu liều vắc xin của Tập đoàn Y Dược Trung Quốc (Sinopharm) nhận được qua Covax là vắc xin "tiềm năng".
Indonesia đã công bố một động thái tương tự từ đầu tháng 7-2021, họ nói rằng sẽ tiêm tăng cường Moderna cho các nhân viên y tế được đã được chủng ngừa bằng Sinovac.
Trở lại với NanoCovax của Việt Nam.
Cho đến nay, vắc xin Nga, Trung, Cuba, UAE gì cũng được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép khẩn cấp hết rồi, trong đó có những vắc xin mà phương Tây lẫn Mỹ vẫn cho rằng còn tù mù dữ liệu thử nghiệm khoa học và hiệu quả thực tế.
Vậy thì, hãy hỗ trợ tối đa cho vắc xin Việt Nam ra đời. Đây không chỉ là uy tín quốc gia, lợi ích kinh tế, mà đặc biệt là vì sức khỏe quốc dân đồng bào ngay bây giờ và mai này. Việt Nam phát triển được công nghệ vắc xin hiện đại, sẽ yên tâm hơn nhiều khi tiếp tục xảy ra các đại dịch hậu Covid-19 (khó tránh khỏi), chứ không phải đi xin, ăn đong khắp nơi và xếp hàng mỏi mòn như hiện nay.
Hiền Lương
Nguồn : VNTB, 27/09/2021
*******************
Vì sao Việt Nam chịu thiệt thòi khi mua vắc-xin Trung Quốc ?
Nguyễn Y Vân, RFA, 26/09/2021
Dư luận Việt Nam hiện đang xôn xao về chuyện chính phủ Việt Nam quyết định mua 20 triệu liều vắc-xin Vero Cell từ Trung Quốc.
Reuters
Trong bối cảnh dịch bệnh với biến thể Delta lan rộng với tốc độ rất nhanh, thì giải pháp duy nhất để tháo gỡ phong tỏa đó là vắc-xin. Tuy nhiên, với việc mua 20 triệu liều vắc-xin Vero Cell lần này thì có rất nhiều điều khiến người dân thắc mắc.
Về hiệu quả của Vero Cell
Báo chí Việt Nam khẳng định về chất lượng của vắc xin này như sau : "…loại vắc-xin này trước khi nhập về Việt Nam đãđược kiểm định kỹ lưỡng độ an toàn, chứng nhận đạt hiệu quảđến hơn 80% trên con người. Nhiều nước trên thế giới đã tiêm, điển hình là UAE cũng ưu tiên tiêm vắc-xin Vero Cell cho hầu hết người dân. Campuchia cũng đã sử dụng loại vắc-xin này để tiêm cho hơn 70% dân số và cơ bản khống chếđược dịch bệnh" (1).
Tuy nhiên, phân tích của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Viện nghiên cứu Y khoa Garvan ởÚc) dựa trên các thông tin công khai, cho thấy : "…những dữ liệu thực tế mới nhứt cho thấy những nước dùng vắc xin Tàu đang trải qua một đợt dịch mới và tỉ lệ tử vong tăng khá cao dù tỉ lệ tiêm chủng vắc xin đãđạt trên 70% (Mã Lai, Chile, Seychelles, UAE). Ngược lại, hai nước dùng vắc xin phương Tây (Do Thái và Mĩ) có tỉ lệ tử vong trong đợt dịch mới suy giảm rất đáng kể so với những tháng trước đó" (2).
Giáo sứ Tuấn đã có một bài viết phân tích chất lượng vắc xin Trung Quốc thông qua trường hợp Campuchia mà báo chí Việt Nam có nêu ra, với nhận xét như sau : "Những con số trên có thể cho phép chúng ta nói rằng vắc xin Tàu đã có hiệu lực giúp Cambodia thoát dịch ? Dĩ nhiên là không, vì số ca nhiễm vẫn xảy ra và thậm chí có xu hướng tăng trong tháng qua. Hơn thế nữa, số ca tử vong vẫn xảy ra ngay cả sau khi cả dân số gần đạt miễn dịch cộng đồng… Nếu vắc-xin Tàu có hiệu lực giảm tử vong thì chúng ta kì vọng số ca và tỉ lệ tử vong sẽ giảm trong đợt bùng phát từ tháng 7. Nhưng trong thực tế thì cả hai chỉ số này đều tăng. Tôi nghĩ chỉ số này cho thấy vắc xin Tàu không có hiệu lực như nhiều người nghĩ hay tưởng" (3).
Chưa kể chất lượng không được cao nhưng giá cả của vắc-xin này lại rất đắt. Theo thông tin từ Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, vắc-xin Astra Zeneca có giá từ 2,15 đến 5,25 USD/liều. Còn vắc xin Vero Cell có giá từ 19 đến 36 USD/liều. Có lẽ sẽ có người sẽ trả lời rằng bởi vì mua vắc-xin bây giờ rất khó nên giá nào cũng phải mua. Tuy nhiên, vấn đề là gần đây Ba Lan cũng có tặng Việt Nam một số vắc xin AstraZeneca, đồng thời sẵn sàng nhượng lại ba triệu liều AstraZeneca với giá gốc cho Chính phủ Việt Nam (4), thế nhưng phía Việt Nam lại không mua số vắc xin AstraZeneca này mà đi mua vắc-xin Trung Quốc.
Chưa kể, theo báo chí Việt Nam thì hợp đồng mua vắc-xin Trung Quốc với các điều khoản vô cùng bất lợi cho phía Việt Nam. Mặc dù mới đây, trang Facebook chính thức của Chính phủ Việt Nam khẳng định : "Các hợp đồng mua vắc-xin Covid-19 đều thực hiện theo thông lệ quốc tế" (5).
Nhưng thực tế có như vậy ?
Theo thông tin từ báo chí thì :
"Việc mua 20 triệu liều vắc-xin Vero Cell thực hiện trong các điều kiện gồm : Chấp nhận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin, hoặc việc sử dụng vắc xin…
Việc ký kết, hiệu lực, giải thích và thực hiện, giải quyết tranh chấp của hợp đồng áp dụng theo pháp luật Trung Quốc. Trường hợp không giải quyết được, tranh chấp do Ủy ban Trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc phán quyết" (6).
Đối với việc miễn trừ trách nhiệm thì các hãng vắc-xin chống Covid-19 đều có quy định miễn trừ trách nhiệm tương tự (7). Giải thích về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết : "Từ năm ngoái, một số nước (như Mĩ, Canada, Úc) đã ban hành các đạo luật miễn trừ trách nhiệm cho Pfizer và Moderna. Điều này có nghĩa là 'nạn nhân' không thể kiện các nhà sản xuất vắc xin. Vậy ai trả ? Trả lời là chính phủ phải dành ra một ngân sách để trả cho những trường hợp này. Do đó, không ngạc nhiên khi điều khoản trong hợp đồng mua vắc-xin Vero Cell của Việt Nam có câu : 'miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc-xin, hoặc việc sử dụng vắc-xin’. Nói cách khác, người Việt tiêm vắc-xin Vero Cell và bị biến chứng sẽ không thể kiện Sinopharm. Nhưng ai sẽ đứ ng ra bồi thường họ thì không rõ, vì Chính phủ chưa thấy nói đến một ngân quĩ cho vấn đề này" (8).
Vậy còn vấn đề chọn cơ quan giải quyết tranh chấp (nếu có) ?
Về vấn đề này, Luật sư Lương Văn Trung, Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam có viết trên Facebook của mình như sau : "Về trọng tài : Đúng là có yếu tố lựa chọn trọng tài tại Trung Quốc (CIETAC) nên có thể gây e ngại về sự trung lập. Tuy nhiên, quy tắc của CIETAC cho phép mỗi bên lựa chọn trọng tài trong danh sách (có rất nhiều trọng tài viên giỏi từ Mỹ, Anh, Thụy Sỹ, Đức...) và cả trọng tài ngoài danh sách. Hai trọng tài viên sẽ chọn chủ tịch Hội đồng trọng tài.
Đáng lẽ, Việt Nam cần đàm phán kỹ hơn về thỏa thuận trọng tài với quy định rõ ràng rằng : Chủ tịch Hội đồng trọng tài phải là người không mang quốc tịch Việt Nam hay Trung Quốc (hay cả những nước nào đó có thiên vị cho mỗi bên) hay nói rõ luôn là người Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật... đó.
Nên lưu ý : Trung tâm trọng tài chỉ là cơ quan quản lý vụ kiện (mang tính hành chính) và không có quyền can thiệp vào sựđộc lập của trọng tài viên hay Hội đồng Trọng tài. Còn sựđộc lập của Trọng tài viên thì các bên cần cố gắng đảm bảo bằng việc thực thi tốt nhất quyền lựa chọn Trọng tài viên, thỏa thuận chặt chẽ về tiêu chuẩn, điều kiện của Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
Tốt hơn nữa là có thể chấp nhận CIETAC nhưng địa điểm xét xử và seat of abitration (địa điểm của tổ chức trọng tài) làở Singapore hay nước thứ ba nào đó có hệ thống tòa án công bằng và thân thiện với trọng tài.
Ngoài ra, có thểđàm phán về ngôn ngữ trọng tài là tiếng Anh. Nếu phải chấp nhận tiếng Trung Quốc thìđàm phán để quy định rõ : ngôn ngữ là tiếng Trung Quốc nhưng thành viên Hội đồng Trọng tài không bắt buộc phải thông thạo tiếng Trung Quốc mà có thể dùng biên dịch và phiên dịch do một bên lựa chọn hoặc do hai bên thỏa thuận lựa chọn hoặc nêu luôn tiêu chuẩn của biên dịch và phiên dịch. CẦN LƯU Ý NGUYÊN TẮC : QUYỀN TỰ QUYẾT CỦA CÁC BÊN trong tố tụng trọng tài (Autonomy of the parties).
Tốt nhất, nên cốđàm phán sử dụng một trung tâm trọng tài trung lập (nhưng có thể do thếđàm phán yếu nên phải chấp nhận CIETAC thì cốđòi cho được một số hay toàn bộ nội dung trên)" (9).
Như vậy thì rõ ràng trong việc đàm phán mua vắc-xin, phía Việt Nam gặp bất lợi đủđường. Nhưng vì sao biết bất lợi như vậy mà Chính phủ Việt Nam vẫn mua vắc-xin từ Trung Quốc ?
Để tìm câu trả lời, ta có thể lật lại tất cả những thương vụ với Trung Quốc đầy tai tiếng gần đây ở Việt Nam. Ví dụ như Dựán đường sắt Cát Linh - HàĐông, nhà máy Đạm Ninh Bình… Phía Việt Nam luôn gặp bất lợi, thậm chí rơi vào cảnh "bẫy nợ" triền miên nhưng phía Việt Nam vẫn không vì thế mà dừng lại. Điều này đãđược chuyên gia kinh tế LêĐăng Doanh lý giải là phía Trung Quốc luôn "lại quả" cho các quan chức Việt Nam bằng "tiền tươi". Thương vụ mua vắc-xin này cũng tương tự như vậy mà thôi ?
Nguyễn Y Vân
Nguồn : RFA, 26/09/2021
*******************
Chính phủ duyệt mua 20 triệu liều Vero Cell theo các điều kiện đặc biệt cho Trung Quốc
RFA, 23/09/2021
Ngày 21/9, Chính phủ Việt Nam đã có Nghị quyết cho phép áp dụng hình thức chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với việc mua 20 triệu liều vắc-xin Vero Cell của hãng Sinopharm (Trung Quốc). Truyền thông Nhà nước loan tin này hôm 22/9.
Vắc-xin của hãng Sinopharm - Reuters
Đáng chú ý là các điều kiện áp dụng cho việc mua 20 triệu liều vắc-xin này bao gồm : Chấp thuận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc-xin hoặc việc sử dụng vắc-xin ; chấp nhận phương thức thanh toán theo các điều khoản trong hợp đồng ; chấp nhận không có nội dung về bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Cũng theo Nghị quyết, việc ký kết, hiệu lực, giải thích, thực hiện và giải quyết tranh chấp của hợp đồng áp dụng theo luật pháp của Trung Quốc. Trường hợp không giải quyết được, tranh chấp do Ủy ban Trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh (Trung Quốc) phán quyết.
Cho đến lúc này, Việt Nam đã chính thức nhập về 5,7 triệu liều vắc-xin Vero Cell bao gồm năm triệu liều do Thành phố Hồ Chí Minh mua riêng và 700.000 liều là do Bắc Kinh viện trợ.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng hứa sẽ viện trợ cho Việt Nam thêm năm triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 nữa.
Ngoài nhận viện trợ vắc-xin từ Trung Quốc, Việt Nam cũng đã nhận sáu triệu liều vắc-xin từ Mỹ qua chương trình Covax của WHO, và 3,58 triệu liều vắc-xin từ Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 23/9 cam kết sẽ viện trợ 60 triệu liều vắc-xin cho các nước, gấp đôi con số cam kết đưa ra trước đó.
Nhiều người dân Việt Nam hiện không tin tưởng về hiệu quả và chất lượng của vắc-xin Vero Cell của Trung Quốc. Trên thực tế, đã có trường hợp người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh bỏ tiêm khi nghe thông báo sẽđược tiêm loại vắc-xin này.
Nguồn : RFA, 23/09/2021