Thông điệp Bộ tứ gửi đến Trung Quốc
Phạm Ngọc Phương Đoan, RFA, 30/09/2021
Tuyên bố chung của Bộ Tứ
Trong những năm gần đây, cơ chế Đối thoại an ninh bốn bên (Bộ tứ), và khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở làm nền tảng cho cơ chế này, đã có động lực thúc đẩy để phản ứng trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc.
Nhóm Bộ tứ ở Nhà Trắng hôm 24/9/2021 : (từ trái qua) Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison - AP
Mới đây, ngày 24/9 Bộ tứ đã có cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên. Sau cuộc gặp, các bên đã ra Tuyên bố chung.
Tuyên bố chung của cuộc họp trực tiếp đầu tiên của nhóm Bộ tứ không chỉ cho thấy sức mạnh của nhóm đã được củng cố mà còn truyền tải một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc để chống lại cách tiếp cận bành trướng và cưỡng ép của họ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Các khía cạnh quan trọng trong Tuyên bố chung của nhóm Bộ tứ đều rất đáng chú ý.
Đầu tiên, tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và "không bị ép buộc". Mặc dù Trung Quốc không được nhắc tới, nhưng các thông tin truyền thông thường dẫn lời các chuyên gia để nhấn mạnh sự ám chỉ tới Trung Quốc.
Thứ hai, tuyên bố chỉ ra rằng các quốc gia "đứng về pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia". Các nước thành viên của Nhóm Bộ tứ quyết tâm tiếp tục ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt như được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), để đối phó với các thách thức đối với trật tự dựa trên quy tắc hàng hải, bao gồm cả ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Nhóm Bộ tứ cũng khẳng định hỗ trợ các quốc đảo nhỏ, đặc biệt là các quốc đảo ở Thái Bình Dương, nhằm tăng cường khả năng phục hồi về kinh tế và môi trường của họ.
Thứ ba, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ được quan tâm nhiều hơn. Nhóm Bộ tứ đã công bố một số hiệp ước mới, bao gồm một hiệp ước để tăng cường bảo mật chuỗi cung ứng cho chất bán dẫn. Nhóm cũng triển khai quan hệ đối tác 5G và quyết tâm làm việc cùng nhau để tạo thuận lợi cho hợp tác công tư và chứng minh khả năng mở rộng và đảm bảo an ninh mạng.
Thứ tư, tuyên bố chung ghi nhận "sự hợp tác mở rộng" giữa 4 quốc gia.
Thứ năm, nhóm Bộ tứ cho thấy rõ ý định lôi kéo các nước khác tham gia vào việc đạt được mục tiêu của họ. Trong khi tái khẳng định vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sự hội tụ với Triển vọng của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nhóm Bộ tứ cũng hoan nghênh chiến lược của EU đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố vào tháng 9/2021.
Thứ sáu, Nhóm Bộ tứ quyết định thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và hỗ trợ Mạng lưới Điểm Xanh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động hỗ trợ công khai, công bằng và minh bạch phù hợp với các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế đối với các quốc gia chủ nợ lớn, bao gồm cả về tính bền vững và trách nhiệm giải trình nợ, đồng thời kêu gọi tất cả các chủ nợ tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn này. Điều này sẽ giúp chống lại chính sách bẫy nợ của Trung Quốc dưới vỏ bọc của sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).
Tất cả những điều trên cho thấy các nước trong nhóm Bộ tứ đang hợp tác chặt chẽ để chống lại các xu hướng tiêu cực như cưỡng ép và chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, đồng thời quyết tâm duy trì pháp quyền ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Giờ đây, nhóm Bộ tứ đã có nền tảng vững chắc hơn và đã cụ thể hóa các kế hoạch thay vì đề cập đến chúng một cách chung chung.
Tuy nhiên, thay vì nhận ra rằng các hành vi quấy rối các quốc gia nhỏ hơn và chính sách bành trướng sẽ thúc đẩy các quốc gia khác thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ lợi ích của họ, Trung Quốc lại đang tiếp tục các hoạt động vi phạm các chuẩn mực và luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã gọi nhóm Bộ tứ là một NATO phiên bản Châu Á hay một nhóm chống Trung Quốc.
Không chỉ Bộ tứ mà Liên minh AUKUS mới thành lập gần đây cũng bị Trung Quốc liệt vào như là NATO Châu Á để chống Trung Quốc.
Mặc dù AUKUS không có liên hệ với nhóm Bộ tứ, nhưng các liên minh như vậy nhất định sẽ phát triển để chống lại các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc.
Cuộc họp của lãnh đạo Bộ tứ ở Nhà Trắng hôm 24/9/2021. AP
Đông Nam Á đón nhận về Bộ tứ ra sao ?
Bộ tứ đã tìm cách thu hút được sự chú ý ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, bằng cách nhấn mạnh chức năng hoạt động và lợi ích hữu hình, chẳng hạn như phân phối vắc-xin ngừa Covid-19, biến đổi khí hậu và các công nghệ mới nổi.
Ở Đông Nam Á, không thể xác định được một hình ảnh rõ ràng, nhất quán và gắn kết về Bộ tứ. Một số nước dường như hoài nghi về nhóm này, trong khi một số nước khác phần nào hoan nghênh. Trong cuộc khảo sát Hiện trạng Đông Nam Á năm 2021, chưa đến một nửa số người được hỏi cho rằng Bộ tứ có đóng góp tích cực hoặc rất tích cực cho an ninh khu vực (1 ). Trong một cuộc khảo sát khác do Viện chính sách chiến lược Australia tiến hành, gần 40% số người được hỏi cho rằng Bộ tứ mang nhiều giá trị ngoại giao và biểu tượng hơn là một sáng kiến trọng yếu đối với khu vực (2 ). Sự mâu thuẫn chung này phần nào là do ASEAN quan ngại rằng Bộ tứ sẽ làm suy yếu các thể chế đa phương do ASEAN dẫn dắt. Có thể nói, bằng việc công bố Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2019, ASEAN đã tìm cách "đóng dấu thông qua" các khái niệm đang phát triển về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - cụ thể là đưa khu vực vào một khuôn khổ địa lý với trọng tâm là những khái niệm cụ thể như an ninh hàng hải và tính kết nối, thay vì đưa khu vực vào một khuôn khổ địa chính trị nhằm chống lại Trung Quốc.
Việt Nam cần hợp tác với Bộ tứ
Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Bộ tứ đã có lần ngỏ ý mời Việt Nam tham gia như một "thành viên mở rộng".
Nếu Việt Nam tham gia Bộ tứ, đây sẽ là cơ hội tốt cho cả Việt Nam và Bộ tứ để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương với nhiều đối tác (FTAs).Tuy nhiên, do thiếu liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong định hướng xuất khẩu, chất lượng lao động thấp và một số lý do khác, Việt Nam chưa thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy, đây chính là cơ hội đẩy mạnh phát triển kinh tế, thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bởi vì sự phụ thuộc về kinh tế cũng sẽ dẫn đến những phụ thuộc về chính trị và chiến lược trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có các hành vi hung hăng trên biển Đông, đe doạ các quốc gia khác, mà Việt Nam là mộ t trong số đó.
Phạm Ngọc Phương Đoan
Nguồn : RFA, 30/09/2021
**********************
Khi Mỹ tăng tốc chiến lược ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc
Anh Vũ, RFI, 29/09/2021
Từ chiến lược xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương dưới thời Barack Obama đến cuộc tấn công tổng lực ngoại giao, kinh tế và công nghệ của chính quyền Donald Trump qua đến thời tổng thống Joe Biden cuộc huy động ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc, "mối đe dọa chiến lược" đối với Mỹ đang được đẩy mạnh thêm với quy mô rộng hơn.
Mỹ tìm mọi cách kềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc qua Con đường tơ lụa trên đất liền và trên biển cả
Chín tháng sau khi ông Joe Biden lên lãnh đạo nước Mỹ, quan hệ Washington và Bắc Kinh vẫn là cuộc đối đầu không khoan nhượng. Mọi ý định nhằm làm dịu căng thẳng quan hệ với Trung Quốc đều thất bại. Cuộc đối thoại ngoại giao đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden tại Anchorage kết thúc bằng cuộc đấu khẩu lên mặt dạy dỗ nhau. Các cuộc tiếp xúc lạnh nhạt của các quan chức Mỹ tại Bắc Kinh. Giới quan sát nhận thấy Trung Quốc không hề có dấu hiệu thiện chí nào để cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, đang ở mức thấp nhất kể từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ cách đây 50 năm.
Đầu tháng 9/2021, tổng thống Biden có cuộc điện đàm trực tiếp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để trao đổi các "vấn đề chiến lược", thế nhưng cuộc nói chuyện cũng không mang lại được chuyển biến nào thực chất. Tuần trước, qua diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ông Biden tiếp tục xa xôi đề cập đến quan hệ đối địch Mỹ -Trung với tuyên bố rằng "mọi cường quốc phải có nghĩa vụ xử lý thận trọng các quan hệ của mình không để cạnh tranh dẫn đến xung đột" và "chúng tôi (Mỹ) sẽ bảo vệ các đồng minh và bè bạn của chúng tôi… và chúng tôi chống lại các ý đồ của những nước lớn thống trị những nước yếu hơn".
Trong hầu hết mọi lĩnh vực – ngoại giao, quân sự, kinh tế - giờ đây Hoa Kỳ luôn sẵn sàng đối mặt với một đối thủ ngày càng tỏ ra nguy hiểm cho vị trí cường quốc số 1 thế giới của Washington.
Chuyên gia Hal Brands, giáo sư Trường nghiên cứu quốc tế John-Hopkins, được nhật báo Pháp Le Figaro trích dẫn giải thích "Từ hai hay ba năm nay ở Washington tồn tại một quan điểm chung : Trung Quốc là một mối đe dọa chính đối với Hoa Kỳ".
Điều thay đổi từ khi ông Biden lên nắm quyền, đó là với chính quyền mới, cuộc đối đầu với Trung Quốc mang đậm tính chất hệ tư tưởng, giữa nền dân chủ và toàn trị. Tổng thống Trump không nhìn sự việc như vậy mà chỉ tập trung vào thương mại. Một điểm khác nữa trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung, theo chuyên gia Hal Brands là "Biden định đối đầu với Trung Quốc theo cách đa phương hơn, bằng cách dựa vào các đồng minh", trong khi người tiền nhiệm của ông thích một mình một ngựa.
Trong những tuần vừa qua, liên minh mới giữa Hoa Kỳ, Úc, Anh (AUKUS) bất ngờ được thành lập bổ sung thêm vào mặt trận chung để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tiếp đó là cuộc gặp trực diện lãnh đạo Bộ Tứ (QUAD) gồm Hoa Kỳ-Ấn Độ-Nhật Bản và Úc, càng khẳng định ưu tiên chiến lược mới của Nhà Trắng là kiềm chế đà bành trướng của Trung Quốc. Chiến lược này dường như được tập trung và đẩy nhanh hơn sau khi Mỹ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan.
Tuy nhiên, cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới cùng với vấn đề Đài Loan đang làm cho Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trở thành vùng căng thẳng quốc tế. Chuyên gia Hal Brands được trích dẫn ở trên, nhận định, "thực sự có mối nguy hiểm khi cuộc cạnh tranh này có thể chuyển thành một cuộc đối đầu quân sự", nhất là khi Washington can dự quá sâu vào chuyện Đài Loan. Bắc Kinh đã không giấu ý định thống nhất Đài Loan, kể cả bằng vũ lực.
Ngoài ra các chuyên gia đều có chung nhận định, nguy cơ xung đột quân sự trong vùng từ sự cạnh tranh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là vô cùng thấp. Các hoạt động quân sự như tập trận, tuần tra, hợp tác quốc phòng hay liên minh cũng chỉ là các động thái tạo áp lực, cảnh tỉnh cho Bắc Kinh thấy rằng, vươn lên thành cường quốc để bành trướng ảnh hưởng là phá vỡ trật tự thế giới hiện có, điều mà ngày càng nhiều nước nhìn nhận như là một mối đe dọa thực sự cho an ninh và sự ổn định quốc tế.
Anh Vũ
Nguồn : RFI, 29/09/2021
*********************
Chiến lược cứng rắn của Mỹ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương thách thức Nhật Bản
Thanh Hà, RFI, 29/09/2021
Nhật Bản cần một chính phủ ổn định và vững chắc để đương đầu với một nước Trung Quốc càng lúc càng hung hăng và đối phó với chiến lược cứng rắn của Mỹ để kềm tỏa Trung Quốc trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tokyo tán đồng hiệp định Anh, Úc, Mỹ nhưng không hoàn toàn thoải mái với viễn cảnh bị Washington lôi kéo vào liên minh quân sự, trực diện đối đầu với Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Yoshihide Suga họp báo tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ. Ảnh tháng 4/2021. Mandel Ngan AFP
RFI xin giới thiệu bài viết : "Nhật Bản trước những sáng kiến cứng rắn của Hoa Kỳ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương" của nhà nghiên cứu Marianne Péron – Doise, đăng trên trang mạng của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Trường Quân Sự Pháp IRSEM, ngày 24/09/2021.
Sau một năm cầm quyền, ông Yoshihide Suga nhường chức chủ tịch đảng và qua đó là chiếc ghế thủ tướng cho một người khác nhằm tạo thuận lợi cho Đảng Tự Do Dân Chủ lao vào cuộc đua trước bầu cử Quốc Hội cuối tháng 11/2021. Chuyên gia Pháp, bà Péron-Doise ghi nhận : "Hơn bao giờ hết Nhật Bản cần có một chính quyền ổn định, có sức thuyết phục cả với công luận trong nước lẫn về mặt ngoại giao" bởi vì Tokyo đang phải đối mặt với một bên là một nước Trung Quốc trong tay ông Tập Cận Bình với chủ trương "dân tộc chủ nghĩa hung hăng" và bên kia là "chính sách không khoan nhượng với Trung Quốc của chính quyền Biden".
Bị chỉ trích kém cỏi trong việc ngăn chận đại dịch Covid-19 lây lan nhân Thế Vận Hội vừa rồi, ông Suga phải từ bỏ chức vụ thủ tướng Nhật Bản. Sau hơn một năm cầm quyền, di sản chính trị của Yoshihide Suga "mờ nhạt" hơn nhiều so với người tiền nhiệm là Shinzo Abe. Điểm son của cựu thủ tướng Abe trong tám năm điều hành đất nước là đã thuyết phục được nhiều đối tác "chia sẻ tầm nhìn của Nhật về một khu vực Ấn Độ–Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Yoshihide Suga đã tiếp nối chiến lược đầy tham vọng đó và ông đã dành hai chuyến xuất ngoại đầu tiên cho các đối tác ASEAN là Việt Nam và Indonesia. Cho đến tận những tuần lễ chót ở cương vị thủ tướng, ông Suga, nguyên là cánh tay phải của Shinzo Abe đã tổ chức ở Tokyo một cuộc họp cấp bộ trưởng của Bộ Tứ QUAD, một đối thoại an ninh bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ tập trung vào khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương. Tuần trước thủ tướng Suga đã đến Washington dự thượng đỉnh đầu tiên của nhóm QUAD. Tổng thống Biden mong muốn bốn nước liên quan "năng động hơn". Tầm mức quan trọng của Bộ Tứ trong mắt tổng thống Hoa Kỳ là một thành công lớn của Nhật Bản về đối ngoại.
Nhật Bản đã "quốc tế hóa" vấn đề Đài Loan
Trong chiến lược an ninh, thủ tướng Suga đã gây bất ngờ khi lên tiếng về hồ sơ Đài Loan. Chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Trường Quân Sự Pháp, Marianne Péron-Doise nhắc lại Sách trắng về quốc phòng Nhật Bản công bố tháng 7/2021 đã nhấn mạnh : sự ổn định tại eo biển Đài Loan là một phần trong vế an ninh quốc gia. "Nhật Bản lo ngại trước việc Trung Quốc gia tăng các chiến dịch phô trương sức mạnh chung quanh Đài Loan kể từ khi tổng thống Thái Anh Văn tái đắc cử hồi 2020".
Lý do, "Đài Loan chỉ cách quần đảo Senkaku chừng 100 cây số. Quần đào này do Nhật Bản quản lý nhưng Bắc Kinh lại hung hăng tuyên bố khẳng định chủ quyền" mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Bắc Kinh thường xuyên cho tàu cá hay tàu hải cảnh thâm nhập vào các vùng biển thuộc chủ quyền Nhật Bản trong khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo Tokyo, Bắc Kinh áp dụng những thủ thuật sách nhiễu Đài Loan tương tự như với các vùng hải đảo của Nhật Bản. Hơn thế nữa, nội các Suga quan niệm rằng, trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan, Nhật Bản sẽ bị rơi vào vòng xoáy khủng hoảng do vừa gần gũi với Đài Loan về mặt địa lý, lại vừa là đồng minh quân sự của Hoa Kỳ với các căn cứu quân sự và không quân đặt tại Okinawa cũng không xa eo biển Đài Loan.
Trong cuộc hội kiến lần đầu với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Nhà Trắng hồi tháng 4/2021, thủ tướng Suga đã đề cập đến lo ngại này và đôi bên "chia sẻ lo ngại về an ninh chung".
Cũng thủ tướng Suga đã áp đặt được quan điểm khi đưa vào thông cáo kết thúc thượng đỉnh G7 tại Anh Quốc hồi tháng 6/2021 một câu liên quan đến "tầm mức quan trọng của sự ổn định tại eo biển Đài Loan". Nói cách khác theo phân tích của chuyên gia Pháp Marianne Péron-Doise, chính Nhật Bản dưới thời thủ tướng Yoshihide Suga đã thu hút chú ý của cộng đồng quốc tế về vấn đề Đài Loan và điều đó không ngớt làm Bắc Kinh phẫn nộ.
Vị trí của Nhật Bản trong cuộc đọ sức chiến lược Mỹ-Trung
Nhưng câu hỏi quan trọng nhất là Nhật Bản cần có một chỗ đứng như thế nào trong bối cảnh Trung Quốc và Hoa Kỳ đang lao vào một cuộc chạy đua về mặt chiến lược ?
Nhà nghiên cứu của học viện quân sự Pháp IRSEM nhắc lại chính quyền của thủ tướng Suga trong Sách Trắng quốc phòng đã nêu ra một số hướng đi như là "mở rộng các mối đối tác phòng thủ, tăng cường khả năng nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến" và quan trọng hơn nữa là "tìm được một chỗ đứng giữa một bên là Hoa Kỳ và bên kia Trung Quốc Trung Quốc".
Giờ đây, với Joe Biden ở Nhà Trắng, yếu tố thứ ba này sẽ laf một bài toán khó bởi lâu nay Tokyo cứ ngỡ rằng có thể dung hòa được giữa một bên là những mối "quan hệ thương mại, kinh tế với Bắc Kinh" và bên kia là "vế mặt an ninh với Washington". Nhưng chính quyền Biden đang dồn Nhật Bản vào thế khó xử.
Marianne Péron-Doise giải thích : Về mặt thương mại và công nghệ, Mỹ không có ý định tham gia hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương CPTPP mà Tokyo là một trụ cột, nhưng lại muốn Nhật Bản "huy động nguồn lực để mở củng cố vai trò của nhóm QUAD. Washington cũng muốn trông cậy vào công nghệ cao của Nhật để cản đường các đối thủ Trung Quốc đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông và mạng 5G".
Còn trên phương diện quân sự Nhật Bản không thoải mái trước những sáng kiến của chính quyền Biden trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương : lực lượng phòng vệ của Nhật ngày càng đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là trên biển và qua các chương trình thao diễn quân sự càng lúc càng dồn dập với Hoa Kỳ và nhiều đối tác khác nữa. Trong khuôn khổ đối thoại bốn bên, từ 2015 Hải quân Nhật Bản đã có nhiều cơ hội tập trận thường xuyên với Hải quân của Mỹ, Úc hay Ấn Độ.
Nhưng việc Washington, Canberra và Luân Đôn thông báo thành lập liên minh quân sự AUKUS khiến Tokyo khó xử. Một mặt Nhật Bản tuyên bố "hoan nghênh" hiệp định này, nhưng mặt khác việc AUKUS cho phép Hoa Kỳ tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ-Thái Bình Dương để kềm tỏa Trung Quốc đang đẩy Nhật Bản vào một "tình huống chưa từng có".
Bởi thứ nhất theo nhà nghiên cứu Pháp Péron- Doise, AUKUS đã "thô bạo gạt Pháp ra rìa" khiến Nhật Bản "trông người lại nghĩ đến ta", nghĩa là Tokyo cũng có thể bị đẩy xuống hàng thứ yếu nếu như không răm rắp nghe theo Hoa Kỳ. Thứ hai, Nhật Bản lo ngại AUKUS đe dọa phần nào đến tầm nhìn của Tokyo về một vùng "Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở" : đó phải là một khu vực mà "trật tự trên biển căn cứ trên luật pháp quốc tế phải được tôn trọng". Nhật Bản cố gắng đóng một vai trò tích cực chống lại những tham vọng bá quyền của Trung Quốc, tham gia các liên minh với nhiều đối tác khác ngoài Hoa Kỳ. Nhưng cùng với Washington trực tiếp tham gia vào chiến lược "containment" nhắm vào Bắc Kinh thì lại là một chuyện khác.
"Tokyo hài lòng trước việc nhiều nước Châu Âu, từ Anh, Pháp, hay Đức, Hà Lan, đã điều tàu chiến đến Ấn Độ -Thái Bình Dương và Hải quân Nhật Bản đã có cơ hội diễn tập, trao đổi, cộng tác với các lực lượng này. Các hợp tác đa phương đó của Nhật Bản liệu có được duy trì trong bối cảnh liên minh quân sự AUKUS đã được hình thành hay không ?".
Nhật Bản đánh giá cao việc thắt chặt liên minh với Hoa Kỳ để làm đối trọng với Trung Quốc nhưng đồng thời cũng muốn duy trì một sự hài hòa "trong cộng đồng Ấn Độ -Thái Bình Dương". Tokyo mong muốn tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ, Pháp và Liên Hiệp Châu Âu. Đó là những đối tác mà Nhật xem là "quan trọng".
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 29/09/2021