Tiền nào, của nấy ?
Ngọc Lan, VNTB, 03/10/2021
"Tiền nào thì của nấy", không mấy liên quan đến chuyện thẩm định về chất lượng hàng hóa
Trung tuần tháng 9/2021, báo chí đồng loạt đưa tin Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký quyết định số 1547/QĐ-TT ngày 17/9/2021, về kinh phí để mua bổ sung 19.998.810 liều vắc xin ngừa Covid-19 BNT162 của Pfizer. Số tiền là hơn 2.652 tỉ đồng được lấy từ nguồn Quỹ vắc xin phòng Covid-19 Việt Nam.
Hạ tuần tháng 9/2021, báo chí cho hay Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 29/9/2021 về bổ sung kinh phí mua và tiếp nhận 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc.
Số tiền được duyệt chi là 3.231,698 tỉ đồng để mua 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc. Khoản chi này được sử dụng 1.237 tỉ đồng từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế đã được Quốc hội đồng ý cho chuyển nguồn để mua vắc -xin phòng Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021 theo nghị quyết của Quốc hội. Kế tiếp là quyền sử dụng 1.994,698 tỉ đồng từ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 Việt Nam.
Cũng trong ngày cuối cùng của tháng 9/2021, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký quyết định số 1644/QĐ-TTg về kinh phí mua, vận chuyển và tiếp nhận 5 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Abdala do Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba sản xuất.
Tin tức cho biết, Bộ Tài chính sẽ xuất 742,62 tỉ đồng từ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để mua, vận chuyển và tiếp nhận 5 triệu liều vắc xin Abdala.
Giả dụ từ số tiền mua 5 triệu liều vắc xin Abdala, khái toán cho số lượng gấp 4 lần, tức 20 triệu liều vắc xin Abdala, khả năng số tiền xuất mua sẽ vào khoảng 2.970,48 tỉ đồng.
Lưu ý, nếu như 20 triệu liều vắc xin của của Pfizer hay của Vero Cell có thể chích được đủ liều cho 10 triệu người, thì quy định của vắc xin Abdala là để ‘đủ mũi’ theo quy định của nhà sản xuất, cần đến 3 liều, tức là để có 10 triệu người được chích cùng loại vắc xin Abdala, buộc phải nhập khẩu đủ 30 triệu liều Abdala. Khi đó tổng số tiền cho mua vắc xin này 4.455,72 tỷ đồng.
Vậy thì nếu lựa chọn vắc xin trên tiêu chí về giá cả, ‘tiền nào của nấy’, liệu có thể sắp theo thứ tự về vắc xin có giá đắt nhất mà chính phủ Việt Nam ký hợp đồng mua về chích cho dân chúng : Abdala – Vero Cell – Pfizer.
Hôm 26/9/2021, tờ báo Vietnamnet của Bộ Thông tin truyền thông có bài viết "Hiệu quả của vắc xin Moderna và Pfizer". Bài báo nói rằng cho đến nay, khoảng 221 triệu liều vắc xin Pfizer đã được phân phối tại Mỹ, so với khoảng 150 triệu liều vắc xin Moderna. Trong nhiều nghiên cứu được công bố vài tuần qua, vắc xin Moderna có vẻ chống lại Covid-19 hiệu quả hơn vắc xin Pfizer sau khi chủng ngừa.
Vắc xin Pfizer và Moderna cùng dựa trên nền tảng mRNA. Trong các thử nghiệm lâm sàng ban đầu, cả hai có hiệu quả chống lại nhiễm Covid-19 có triệu chứng tương tự nhau : 95% đối với Pfizer và 94% đối với Moderna.
Còn về vắc xin Vero Cell, trang web của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, cập nhật ngày 2/9/2021, cho biết như sau (chuyển Việt ngữ) : Nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược của WHO (Strategic Advisory Group of Experts – SAGE đã đánh giá kỹ lưỡng dữ liệu về chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vắc xin Vero Cell và đã khuyến nghị sử dụng vắc xin cho những người từ 18 tuổi trở lên.
Dữ liệu an toàn được giới hạn cho những người trên 60 tuổi (do số lượng nhỏ người tham gia thử nghiệm lâm sàng). Mặc dù không có sự khác biệt về hồ sơ an toàn của vắc xin ở người lớn tuổi so với nhóm tuổi trẻ hơn có thể được dự đoán, các quốc gia đang cân nhắc sử dụng vắc xin này ở những người trên 60 tuổi nên duy trì giám sát an toàn tích cực.
Một thử nghiệm lớn ở nhiều quốc gia ở Giai đoạn 3 đã chỉ ra rằng 2 liều Vero Cell, được sử dụng cách nhau 21 ngày, có hiệu quả chống lại nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng là 79% từ 14 ngày trở lên sau liều thứ hai. Hiệu quả của vắc xin đối với việc nhập viện là 79%.
Thử nghiệm không được thiết kế và cung cấp để chứng minh hiệu quả chống lại bệnh nặng ở những người mắc bệnh đi kèm, đang mang thai hoặc ở những người từ 60 tuổi trở lên. Phụ nữ không được đại diện trong thử nghiệm. Thời gian theo dõi trung bình có sẵn tại thời điểm xem xét bằng chứng là 112 ngày.
Hai thử nghiệm hiệu quả khác đang được tiến hành nhưng vẫn chưa có dữ liệu. Vắc xin Vero Cell vẫn chưa được đánh giá trong bối cảnh lưu hành rộng rãi các biến thể đáng lo ngại.
Hiện không có dữ liệu thực sự nào liên quan đến tác động của vắc xin Covid-19 Vero Cell đối với việc lây truyền SARS-CoV-2, loại vi rút gây bệnh Covid-19.
Còn về vắc xin Abdala thì cho đến nay phía Tổ chức Y tế Thế giới chưa phê duyệt cho sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.
Như vậy với những gì đang diễn ra ở Việt Nam, nếu ở đây không có nghi vấn của tham nhũng chính sách công trong duyệt mua vắc xin, thì rất có thể câu dặn dò của ông bà mình rằng "Tiền nào thì của nấy", không mấy liên quan đến chuyện thẩm định về chất lượng hàng hóa.
Ngọc Lan
Nguồn : VNTB, 03/10/2021
**********************
Trấn lột dân trong đại dịch : Ai chịu trách nhiệm ?
Trần Đông A, VOA, 02/10/2021
Cứ tưởng Thủ tướng Phạm Minh Chính "lưu ý" trong cuộc họp là để nhắc nhở hay cảnh báo, ai dè tận hôm nay, 2/10/2021, các dấu hiệu trấn lột trong chống dịch phơi bày một cách công khai, giữa thanh thiên bạch nhật.
Vắc xin Vero cell của Sinopharm được cho là có hiệu quả 79% sau khi tiêm hai liều, cách nhau từ 2 đến 3 tuần. AP - Istvan Filep
Sáng ngày 13/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã chủ trì họp trực tuyến về công tác này trên cả nước. Thủ tướng Chính đặc biệt lưu ý, cùng với phòng chống dịch, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm,nhất là trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc chữa bệnh, vật tư trong phòng chống dịch Covid-19. Đọc những dòng này, cứ nghĩ là Thủ tướng nhắc nhở, cảnh báo phòng xa, ai dè, từ lúc Thủ tướng "lưu ý" đến nay đã là 2/10, các dấu hiệu tham nhũng trong chống dịch phơi bày một cách công khai, giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng tại sao vẫn chỉ là "dấu hiệu" ? Bởi vì, việc điều tra và kết luận cuối cùng về tham nhũng, trên pháp lý đấy là công việc của kiểm sát và tòa án. May thay, xã hội dân sự ở Việt Nam chỉ mới chết lâm sàng, nên vẫn "thoi thóp" các cây bút như Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, nhà văn Tạ Duy Anh, nhà báo Trân Văn. Tuy không đông đảo, nhưng những "tiếng chim hót trong bụi mận gai" ấy cũng đủ để xã hội phải rùng mình, gê tở m trước các thế lực đội lốt đảng và lực lượng vũ trang trấn lột người dân trong khốn khó và đại họa.
Ai quan tâm thời sự đều biết, Bộ Y tế là người khống chế giá sàn 10 USD (238 000 đồng) cho 1 xét nghiệm (CV số 5378/BYT-KHTC, ngày 07/07/2021). Chưa nói đến nhiều nơi nâng giá lên đến 300 000 đồng – 400 000 đồng, thậm chí có nơi là 730 000 đồng (Bệnh viện Hà Nội – Đồng Văn). Như các nguồn tin từ mạng xã hội, bộ tự xét nghiệm NasoCheck của Đức có giá bán dao động từ 10 EURO – 50 EURO cho 1 hộp gồm 25 xét nghiệm, tùy thuộc vào số lượng mua. Trong siêu thị một tự xét nghiệm NasoCheck có 0,95 EURO. Mua 7 xét nghiệm thì 5,94 EURO. Mua số lớn thì 10 EURO cho 25 xét nghiệm. Trong khi người dân Đức chỉ phải trả khoảng 1 USD cho một tự xét nghiệm, thì người Việt Nam phải trả đến 10 USD. Vậy là người Việt chịu chi phí đắt hơn người Đức đến khoảng 140 lần ! Nếu lấy giá xét nghiệm thấp nhất được biết ở Việt Nam là 170 000 đồng (7 USD) và giá cao nhất là 730 000 đồng (30,45 USD) thì người Việt chịu chi phí cho một xét nghiệm đắt hơn người Đức trong khoảng trên 100 lần.
Trong khi các nước sau khi tiêm không phải xét nghiệm thì ở Việt Nam vẫn phải xét nghiệm. Vừa xét nghiệm ở tỉnh này đến tỉnh khác lại phải xét nghiệm. Xét nghiệm liên tục, cưỡng bức.Có trường hợp như bà Lan ở Thuận An, Bình Dương, chính quyền cho phá khoá ập vào nhà, bắt bà đi xét nghiệm như là bắt một tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Giữa những tiếng khóc thét của con trẻ gào lên "Mẹ ơi" mà công an và cảnh sát cơ động vẫn bẻ quặt tay bà như vô hiệu hoá một kẻ khủng bố, lôi xềnh xệch ra ngoài chỉ để… ngoáy mũi ( !) Cho tới nay, từ lãnh đạo đến dân thường đều được mục sở thị cảnh "người nách thước, kẻ tay đao/ đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi". Vậy nhưng Bí thư tp. Thuận An Huỳnh Thị Thanh Phương vẫn già mồm : "Việc phá khóa nhà bà Lan, xông vào tư gia, cưỡng bức xét nghiệm chỉ là... hơi nóng vội và mạnh tay". Bà Bí thư chống chế : "Đã xem video ghi lại cảnh anh em cưỡng bức bà Lan xét nghiệm, nhưng xem xong vẫn thấy... cần phải nghe anh em giải trình lý do vì sao buộc phải th ực hiện biện pháp cưỡng chế như vậy". Trời đất qủy thần ơi ! Chính quyền này có còn là của dân, do dân và vì dân ?
Chuyện công khai chà đạp Hiến pháp và pháp luật, ngang nhiên xâm phạm về chỗ ở, xâm phạm thân thể của công dân, lạm quyền, làm nhục người khác với lý do đang phòng chống đại dịch không chỉ xảy ra ở thành phố Thuận An.Trong năm tháng vừa qua, những hành vi đó xảy ra hầu như ở khắp nhiều nơi. Ngoại trừ Trung Quốc, không có nước nào xét nghiệm toàn thành phố 5 – 10 triệu dân chỉ để truy vài chục ca nhiễm như Việt Nam. Trong khi các nước chỉ xét nghiệm điểm thì Việt Nam lại xét nghiệm đại trà. Được biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu đều không ủng hộ việc xét nghiệm đại trà, vì sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Mặc dầu ông Đam là Phó Thủ tướng, ông Hiếu là chuyên gia y tế đầu ngành. Mặc ! Chẳng ai chịu nghe. Thực tế cho thấy, ngay cả ưu tư mà ông Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội – nêu ra cách nay nửa tháng về việc tổ chức xét nghiệm Covid-19 cũng không ngăn được "chiến dịch" thần tốc xé t nghiệm trên diện rộng và bành trướng. Quyết đoán để dẫn dắt quốc gia, dân tộc vượt qua thảm họa là thật hay giả ? Những sai lầm mà diện mạo giờ càng ngày càng rõ chỉ là ngu dốthay nhằm hỗ trợ gian ý, kiếm bẫm nhân đại dịch ?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đã nêu bật nguyên nhân dẫn tới tình trạng xét nghiệm đại trà móc túi dân như trên. Trong số nhiều nguyên nhân, có 3 nguyên nhân chủ đạo cần nhấn mạnh. Nguyên nhân thứ nhất là nhân sự. Dịch Covid đã phơi bày sự yếu kém của nhiều nhân sự cấp cao. Nhân sự cấp cao là của Đảng. Lựa chọn nhân sự cấp cao là công việc của Bộ chính trị. Nguyên nhân thứ hai là sở hữu nhà nước. Vì ngân sách nhà nước mới dẫn đến cách tiêu tiền như vậy. Nếu là sở hữu tư nhân thì đã không có giá xét nghiệm cao và đã không mua nhiều xét nghiệm đến thế. Nguyên nhân thứ ba là do cơ chế. Cơ chế mới dẫn đến cách mua bán thiết bị Y tế và cách xét nghiệm diễn ra như thế.
Bộ Y tế không thể chối bỏ trách nhiệm về quy định giá sàn tối thiểu 238.000 đồng cho 1 xét nghiệm (CV số 5378/BYT-KHTC, ngày 07/07/2021). Đó là căn cứ để những kẻ kiếm tiền lời trên nỗi thống khổ của dân nghèo. Bộ Y tế không thể chối bỏ trách nhiệm, vì đã mua hàng triệu xét nghiệm với giá đắt hơn nhiều giá có thể mua. Bộ Y tế không thể chối bỏ trách nhiệm trong việc xác định không đúng chiến lược về xét nghiệm. Bộ trưởng Bộ Y tế là người chịu trách nhiệm lớn nhất ở Bộ Y tế dù là giao cho ai phụ trách. Lãnh đạo các tỉnh thành cũng không thể chối bỏ trách nhiệm trong việc xét nghiệm đại trà thuộc phạm vi tỉnh thành của mình. Sau đó là không xác định được đúng giá xét nghiệm. Bộ Y tế là của Chính phủ. Chính phủ đã trao quyền cho Bộ Y tế thì Chính phủ vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hoạt động của Bộ Y tế trước quốc dân đồng bào. Nhân sự thành viên Chính phủ, trong đó có Bộ trưởng Bộ Y tế là do Bộ Chính trị quyết định. Nhân sự Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh thành cũng do Bộ Chính trị quyết định. Cho nên trách nhiệm ở mức độ cao hơn nữa thuộc về Bộ chính trị.Người đứng đầu tổ chức (Tổng bí thư) chịu trách nhiệm lớn nhất.
Trong vài tháng vừa qua, đã có rất nhiều người, nhiều giới thay nhau phân tích. Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng vừa không thể đem lại hiệu quả mong muốn, gia tăng nguy cơ lây nhiễm, vừa lãng phí, tạo cơ hội cho một số cá nhân, một số doanh nghiệp trục lợi, vừa làm cho doanh giới, quốc gia thêm kiệt quệ vì chi phí quá lớn nhưng những người có trách nhiệm phớt lờ. Thậm chí ngay cả khi thiên hạ đã tính : Trong chín ngày (từ 8/9/2021 đến 16/9/2021), Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho 4.120.000 người cả bằng test nhanh (1.920.000 người), lẫn RT-PCR (2.960.000 người). Kết quả, chỉ có 21 trong số hơn 4,1 triệu người dương tính. Nếu đem tổng chi phí cho đợt xét nghiệm thần tốc trên diện rộng này chia cho 21 ca dương tính, số tiền đổ vào để tìm một ca dương tính với Covid-19 là hơn 20 tỉ đồng, và phong trào vẫn tiếp diễn.
Khi câu chuyện người mẹ đơn thân bị đủ loại lực lượng của chính quyền tấn công ngay trong căn nhà mình ở Bình Dương vẫn còn đang nóng hổi, thì một số bài báo viết tương đối đủ và đúng về sự kiện này đột nhiên mất dạng. Nhiều người thử tìm vào báo Tuổi Trẻ điện tử, nơi nổ phát pháo đầu tiên mang tên"Phá cửa cưỡng chế dân đi xét nghiệm : Vi phạm quyền con người", thì chỉ còn lại phần thông báo 404, lỗi vì không tìm thấy. Những kẻ làm kiểm duyệt và quan chức ở Thuận An, Bình Dương đang muốn che giấu với ai vậy ? Những hành động can thiệp rẻ tiền ấy, có phải đã vô hình trung biến sai lầm của một nhóm cá nhân lạm quyền và không đủ tư cách làm quan tại một thành phố nhỏ, trở thành chuyện "tòng phạm" ở tầm quốc gia, mà tất cả hệ thống đều chịu vết nhơ chung ? Việc phủ nhận mọi giá trị luật pháp, chỉ qua một lần "chọt mũi" cũng có thể thực thi dễ dàng, để bảo vệ cho chuyện quan quyền, để xô ng vào bẻ tay một phụ nữ, lôi ra khỏi nhà trước tiếng khóc thét của trẻ thơ, sự kinh hãi của dân cư. Nếu bỏ qua với hành động và tư duy của lũ "quan nha" địa phương, sớm muộn gì, cũngsẽ là tiền lệ đi đến hủy diệt mọi trật tự trên đất nước này.
Trần Đông A
Nguồn : VOA, 02/10/2021
***********************
Hơn 160 ngàn đồng cho một liều vắc xin Vero Cell
Mai Lan, VNTB, 01/10/2021
3.231,698 tỉ đồng được chuyển cho Bộ Y tế để mua và tiếp nhận 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc.
Với tỷ giá hối đoái USD/VND ngày 30/9/2021 là 22.760,00 VND, cho thấy một liều Vero Cell được mua cấp nhà nước giữa Trung Quốc và Việt Nam là 7,1 USD/ liều. Giá này được ghi nhận là mắc hơn rất nhiều so với vắc xin AstraZeneca.
Theo báo Thanh Niên số phát hành hôm 26/8/2021, thì mỗi liều vắc xin Covid-19 do Oxford/ AstraZeneca phát triển hiện chỉ có giá khoảng 3 USD. "Các nước có thể mua vắc xin của Oxford/ AstraZeneca với giá chưa đến 3 USD/liều" – báo Thanh Niên đã viết như vậy.
Giá vắc xin của Oxford/AstraZeneca được thông báo là vẫn sẽ được giữ nguyên với các nước đang phát triển, kể cả khi đại dịch kết thúc.
Theo đánh giá của Tổ chức Ngân hàng Thế giới, thì Việt Nam là quốc gia đang phát triển. Như vậy, về nguyên tắc thì nhà nước Việt Nam có thể đặt mua vắc xin của Oxford/ AstraZeneca ngay từ cuối tháng 11-2020 khi Đại học Oxford và đối tác AstraZeneca công bố thông tin quan trọng với thế giới : vắc xin ngừa Covid-19 do họ hợp tác sản xuất có hiệu quả từ 70-90%. Trước đó, hai hãng dược Pfizer và Moderna đã công bố hiệu quả của loại vắc xin họ đang phát triển lần lượt là 95% và 94,5%.
Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam – VNVC, một doanh nghiệp tư nhân có trụ sở tại Sài Gòn đã đặt mua 30 triệu liều vắc xin của Oxford/ AstraZeneca ngay sau khi có công bố trên của Đại học Oxford và đối tác AstraZeneca. Tuy nhiên đến quý 2-2021 khi dịch Covid-19 lây lan mạnh ở Việt Nam thì Thủ tướng Phạm Minh Chính ‘đề nghị’ mua lại ‘không lợi nhuận’ toàn bộ số vắc xin của Oxford/ AstraZeneca mà VNVC đã bỏ tiền ra mua, được cho là canh bạc đầy mạo hiểm vì phải đến quý 1-2021, Bộ Y tế Việt Nam mới phê duyệt đây là vắc xin được sử dụng khẩn cấp.
Rất có thể phía VNVC đã cho ra 90 triệu USD cho đơn hàng 30 triệu liều vắc xin của Oxford/ AstraZeneca. Như vậy nếu mang so sánh với đơn hàng 20 triệu liều vắc xin Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc thì xem ra chính phủ Việt Nam phải chi đến số tiền tương đương 141 triệu 990 ngàn 246 đồng Mỹ kim.
Số tiền gần 142 triệu đô la Mỹ này để mua vắc xin của Trung Quốc mà ngân sách Việt Nam phải ‘bóp bụng’ chi ra là lớn lắm.
Số bạc đó được lấy từ các nguồn sau : ngày 29/9/2021 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định 1639/QĐ-TTg. Quyết định nêu rõ bổ sung 3.231,698 tỉ đồng cho Bộ Y tế để mua và tiếp nhận 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc như đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản ngày 28-9 và Bộ Y tế tại văn bản ngày 29/9.
Trong đó, sử dụng 1.237 tỉ đồng từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế đã được Quốc hội đồng ý cho chuyển nguồn để mua vắc xin phòng Covid-19, và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021 theo nghị quyết của Quốc hội. Sử dụng 1.994,698 tỉ đồng từ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam.
Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí nêu trên thực hiện theo đúng quy định, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch. Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc sử dụng số kinh phí nêu trên theo quy định.
Trước đó, ngày 21-9, chính phủ ban hành nghị quyết về mua vắc xin Covid-19 Vero Cell của Sinopharm theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, theo Luật Đấu thầu, để mua 20 triệu liều vắc xin Vero Cell.
Ý kiến phản biện cho chuyện chọn mua vắc xin Vero Cell đã được Bộ Y tế ‘bỏ ngoài tai’, đó là vắc xin hiện nay đa số được nghiên cứu và sản xuất khi chưa có các biến thể, cho nên cần xem xét, đánh giá để chọn loại nào hiệu quả nhất hãy mua. Và vắc xin Vero Cell thì cho thấy chỉ thích hợp với chủng Vũ Hán ban đầu…
Liệu có dấu hiệu về cái gọi là "tham nhũng chính sách công" trong việc mua vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc ?
Mai Lan
Nguồn : VNTB, 01/10/2021
*****************
Vắc xin Abdala mà Việt Nam vừa mua của Cuba có gì đặc biệt ?
Ngọc Lan, VNTB, 30/09/2021
Chỉ vài ngày sau khi Cuba cho biết vắc xin Abdala đạt hiệu quả 92,28% trong ngừa Covid-19 có triệu chứng, Venezuela là quốc gia đầu tiên tiếp nhận vắc xin này. Cuba lên kế hoạch sản xuất 100 triệu liều vắc xin Abdala năm nay.
Vắc xin Abdala chưa được WHO hoặc bất kỳ cơ quan quản lý quốc tế nào chấp thuận.
Ngày 20/9/2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị quyết 109 về việc mua vắc xin phòng Covid-19 Abdala do Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba (CIGB) sản xuất.
Nghị quyết chấp thuận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin hoặc việc sử dụng vắc xin, chấp nhận giao hàng không đúng tiến độ nêu trong hợp đồng.
Chính phủ yêu cầu phải tiếp nhận đủ 10 triệu liều vắc xin, kể cả trong trường hợp Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba giao hàng chậm, đồng thời chấp nhận thanh toán theo các điều khoản trong hợp đồng.
Chỉ sau một tuần lễ Việt Nam ký hợp đồng mua vắc xin Abdala, khá bất ngờ khi Hãng tin Reuters hôm 27 tháng 9 đưa tin Học viện Y khoa của Venezuela bày tỏ lo ngại về việc nước này nhập và sử dụng vắc xin Abdala do Cuba sản xuất.
Bài báo lược dịch sang tiếng Việt, như sau :
"Chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho đến nay vẫn tin tưởng vào vắc xin Sputnik V của Nga và vắc xin Sinopharm của Trung Quốc, và trong những tháng gần đây, họ đã nhận được lô hàng liều đầu tiên thông qua chương trình COVAX toàn cầu.
"Các đặc tính của vắc xin Sputnik V đã được công bố trên các tạp chí khoa học và chất lượng của nó đã được kiểm chứng trong các thử nghiệm lâm sàng độc lập, và vắc xin Sinopharm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt", học viện cho biết trong bản tường trình.
"Abdala chưa được WHO hoặc bất kỳ cơ quan quản lý quốc tế nào chấp thuận".
Venezuela đã nhận được lô 30.000 liều Abdala đầu tiên vào tháng 6 như một phần của thử nghiệm lâm sàng và Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel hôm chủ nhật 26 tháng 9 cho biết một lô khác đã được gửi đi mà không xác nhận có bao nhiêu vắc xin đã được vận chuyển.
Học viện "bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng một sản phẩm không có thông tin khoa học về tính an toàn và hiệu quả, đang được quản lý cho người dân Venezuela", học viện cho biết thêm.
Các nhà khoa học Cuba đã phát triển ba loại vắc xin nội địa ngừa Covid-19 , tất cả đều đang chờ được công nhận chính thức sau khi WHO đánh giá, theo chính quyền Cuba. Tổng thống Nicolas Maduro cho biết khoảng 40% trong số khoảng 28 triệu dân Venezuela đã được tiêm chủng và con số này sẽ tăng lên 70% vào tháng 10. Các bác sĩ Venezuela đã đặt câu hỏi về con số này.
Tính đến chủ nhật 26/9/2021, cả nước đã báo cáo tổng cộng 363.300 ca nhiễm và 4.412 ca tử vong".
Trước đó, xuất hiện trên một chương trình truyền hình nhà nước ở Caracas ngày 28-3-2021, ông Maduro gửi đi thông điệp : "Venezuela có tàu dầu, và cũng có khách hàng sẵn sàng mua dầu. Chúng ta sẽ dùng một phần sản phẩm dầu lấy các loại vắc xin mình cần. Đổi dầu lấy vắc xin, tại sao không ?"
Nền kinh tế Venezuela đã kiệt quệ nhiều năm nay. Các lãnh đạo Venezuela, gồm bản thân Tổng thống Maduro, và các doanh nghiệp quốc doanh như hãng dầu khí PDVSA, Ngân hàng Trung ương Venezuela và ngân hàng phát triển của nước này, bị Mỹ trừng phạt. Mỹ đóng băng tài khoản của Venezuela tại Mỹ, cấm có các giao dịch trên số tài sản đó nhằm tăng áp lực để Tổng thống Nicolas Maduro phải từ chức, nhưng vẫn không thành công. Venezuela luôn lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ vì khiến kinh tế nước này kiệt quệ, thiếu thuốc men và thực phẩm.
Còn theo Hãng tin AFP, hôm 15-9, Cuba cho biết sẽ xin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép cho 2 loại vắc xin Covid-19 tự phát triển mà Cuba hy vọng sẽ được thương mại hóa rộng rãi. Đó là vắc xin Abdala và Soberana 2 – hai loại vắc xin ngừa Covid-19 mà các nhà khoa học Cuba cho biết đều có hiệu quả trên 90% trong ngăn ngừa Covid-19 có triệu chứng.
Sự thận trọng khi quyết định chấp nhận chích vắc xin Abdala của người dân Việt Nam, có lẽ cần được khuyến cáo cùng với sự tham vấn đầy đủ từ các nhà chuyên môn y tế độc lập, chứ không phải chỉ từ các chính khách của Bộ Y tế.
Ngọc Lan
Nguồn : VNTB, 30/09/2021