Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/10/2021

Chống Covid thất bại, ai đóng vai Lê Lai cứu chúa ?

Nhiều tác giả

Tàn cuộc binh đao : ai sẽ được luận anh hùng ?

Triệu Tử Long, VNTB, 05/10/2021

Rất nên ‘luận anh hùng’ để đừng tưởng lịch sử bao giờ cũng… thực dụng, viết theo ngòi bút của kẻ chiến thắng

ai1

"Phong tỏa bất tiện vô cùng, nhưng phải kiên quyết từ đầu, nếu ngại khó ngại khổ sau này dập dịch sẽ rất khó", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phát biểu tại phiên họp chiều 28/1/2021, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay có 2 lý do chính dẫn đến lây lan nhanh ở đợt dịch này. Thứ nhất, bệnh nhân nhiễm chủng virus biến thể, lây lan nhanh. Thứ hai, ổ dịch ở Hải Dương đã có trong cộng đồng từ khoảng 10 ngày trước, thông thường 5 ngày/chu kỳ lây nhưng chủng mới chỉ khoảng 3 ngày/chu kỳ lây. Trong 10 ngày có trong cộng đồng, có thể đã qua 4 chu kỳ lây.

Và hậu quả thể hiện qua kết quả xét nghiệm : mới xét nghiệm khoảng 200 mẫu tại Hải Dương đã ghi nhận 84 bệnh nhân.

Nói về mục tiêu quyết tâm dập dịch trong 10 ngày ở ổ dịch này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là mục tiêu có cơ sở. Theo ông Đam, trong đợt dịch chúng ta đã không bỏ lỡ một giây phút nào : ngay trong ngày đầu tiên đã lấy hơn 5.000 mẫu xét nghiệm, đã truy vết đến F3… ; trong khi những ngày đầu tiên dịch bùng tại Đà Nẵng, giới chức "đã có những lúng túng nhất định".

So với những đợt dịch trước, lần này phạm vi phong tỏa, giãn cách xã hội rộng hơn : giãn cách xã hội kéo dài trong 21 ngày và áp dụng toàn bộ thành phố Chí Linh với lượng dân cư rất lớn. "Phong tỏa bất tiện vô cùng, nhưng phải kiên quyết từ đầu, nếu ngại khó ngại khổ sau này dập dịch sẽ rất khó" – ông Đam nói.

Thực tế thì theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hải Dương, tâm dịch ở thành phố Chí Linh đã được khống chế vào đầu tháng 3/2021, và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương quyết định, từ 0g ngày 3/3, Hải Dương kết thúc cách ly xã hội sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ, gỡ bỏ phong tỏa đối với thành phố Chí Linh và huyện Cẩm Giàng, toàn tỉnh chuyển sang trạng thái mới.

Lời hứa "dập dịch trong 10 ngày" bất thành.

Cựu Ngoại trưởng Vũ Khoan nói rằng ‘thành bại luận anh hùng’ ở đây là khoa học quản lý – lãnh đạo cũng như thực tiễn đều đòi hỏi sự phân cấp đi kèm với nguồn lực tương ứng, nhất là nguồn nhân lực lãnh đạo – quản lý đủ khả năng gánh vác trách nhiệm, đặc biệt là trong tình huống khủng hoảng. Ở Việt Nam dường như vừa qua, điểm yếu về mặt này xuất hiện ở một số nơi.

Và nữa, quốc gia là một thể thống nhất, có những lãnh vực không thể phân cấp, phân quyền, ví dụ hệ thống hạ tầng tầm quốc gia như các quốc lộ, hệ thống chuyển tải năng lượng, các bến cảng, sân bay mang tầm quốc gia… thì không thể trao quyền cho các địa phương tự định đoạt. Thế nhưng thực tế chống dịch cho thấy hiện tượng ngăn sông cấm chợ, đủ loại giấy phép ‘con’, giấy phép ‘cháu’ đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gây ách tắc đối với sản xuất, lưu thông và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Ở góc độ an sinh từ người dân, sai lầm lớn nhất của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – người được Đảng phân công chịu trách nhiệm cao nhất về chuyện phòng chống dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh, là đã không quan tâm đến người dân. Ông đã bỏ qua yêu cầu mang tính lý thuyết của một nhà quản trị, đó là phải giữ cho được sức khỏe của tầng lớp lớn nhân dân, không để họ đói và kiệt quệ về kinh tế, không để họ suy kiệt về tinh thần, trầm cảm. Khi kiệt quệ kinh tế, sa sút tinh thần, người dân họ sẽ không có sức khỏe và tâm trí cho việc chống dịch, thiệt hại càng lớn hơn.

Trong vai trò là tư lệnh, ông vẫn giữ nguyên tâm thế chủ quan hồi nào về "dập dịch trong 10 ngày", để rồi bằng mọi cách, ông đã buộc chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định giãn cách, song vẫn tiếp tục bỏ qua ước lượng hệ quả của chính sách này. Nghĩa là yêu cầu phải đảm bảo an sinh thực tế, không phải trên giấy tờ, nghĩa là ước lượng cung – cầu thật sự. Khi giãn cách nghĩa là cắt giảm nguồn cung thì nhu cầu này sẽ bị cắt giảm bao nhiêu, diễn ra trong bao lâu ?

Lẽ ra ông Vũ Đức Đam không nên đưa ra các chỉ đạo dẫn tới ‘ép’ việc chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh buộc phải tự động "gia hạn giãn cách" như gia hạn thuê bao một số loại dịch vụ viễn thông. Vì "giãn cách" gắn liền với an sinh, sức khỏe, niềm tin, tâm lý… Trong mọi hoàn cảnh, không được làm đứt gãy nguồn cung ứng hàng hóa quan trọng cũng như vận tải hàng hóa.

Giờ thì với những gì đang diễn ra ở Hội nghị Trung ương 4 cho thấy người đứng đầu Bộ Chính trị đã không còn tâm thế đánh đồng virus corona là giặc phải tiêu diệt bằng mọi giá nữa.

Tạm coi như đã ‘tàn cuộc binh đao’. Vậy thì rất nên ‘luận anh hùng’ để đừng tưởng lịch sử bao giờ cũng… thực dụng, viết theo ngòi bút của kẻ chiến thắng. Có những dòng ghi chép… vô văn tự, như những ngày này, tại đây, những việc đang xảy ra với 4 tháng trời, Sài Gòn tả tơi bệnh, tức tưởi chết. Rồi dịch bệnh lan dần ra, Bình Dương te tua, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An cũng tan tác.

Xin đừng để mai này người đời phẫn nộ phán rằng, "dịch bệnh, mới thấy một lũ hậu sinh bạc nhược !".

Triệu Tử Long

Nguồn : VNTB, 05/10/2021

***********************

Cuối cùng thì ‘huề cả làng’ à ?

Hiền Vương, VNTB, 05/10/2021

Dân chúng Việt Nam có thể tin tưởng rằng lãnh đạo Bộ Y tế luôn có quyết định đúng đắn ?!

ai2

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định đã có nhiều quyết định mang tính chiến lược để thay đổi, chuyển hướng, đáp ứng linh hoạt với dịch Covid-19 đợt 4.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần xác định rõ kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội cho năm 2022, theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh, không bi quan nhưng cũng không tô hồng.

Đó là tóm tắt của bài phát biểu mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trình bày ở Hội nghị Trung ương 4, sáng ngày 4/10/2021.

Toàn hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc ; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được ; khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại ; và bình tĩnh, tỉnh táo đề ra nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới phát sinh do tác động bất lợi của đại dịch Covid-19 gây ra.

"Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ cuối tháng tư đến nay, với biến chủng mới – Delta, lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, khó kiểm soát đã ảnh hưởng lớn, hết sức tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta ; đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân ta và tâm lý, tâm trạng xã hội ; đặc biệt là đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn đồng bào ta, trong đó có cả cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các y, bác sĩ, nhân viên y tế và cán bộ cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch" – Tổng bí thư nhấn mạnh.

Tổng bí thư yêu cầu cần chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra, những hạn chế, yếu kém cần khắc phục ; phân tích làm rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Một ngày trước phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có một báo cáo khẳng định đã có nhiều quyết định mang tính chiến lược để thay đổi, chuyển hướng, đáp ứng linh hoạt với dịch Covid-19 đợt 4.

Ông Nguyễn Thanh Long kể công trạng như sau (tóm tắt) :

(trích)

Đã có 5 quyết định mang tính cân não được đưa ra.

Quyết định đầu tiên là phong tỏa toàn bộ vùng có dịch tại các khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh, xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, xét nghiệm nhiều vòng và lặp lại. Đây là bài học thành công nhất của Bắc Giang và Bắc Ninh trong thời điểm đó. Nếu chúng ta không thực hiện như vậy trong thời điểm đó thì tình hình sẽ rơi vào trạng thái rất căng thẳng, nghiêm trọng.

Có ý kiến cho rằng chỉ cần xét nghiệm người có triệu chứng, tuy nhiên, có đến 80% số ca nhiễm không có triệu chứng, nếu bỏ sót thì nguy cơ lây lan cộng đồng là rất lớn. Lúc đó, chúng ta đã triển khai cùng các biện pháp an sinh xã hội, lập bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực.

Quyết định thứ 2 là khi Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia quyết định giãn cách hàng chục tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đi cùng với đó, chúng ta phải chuẩn bị tất cả kịch bản từ vấn đề về an sinh xã hội, đi lại, sản xuất kinh doanh, an ninh an toàn, tất cả về sinh kế của người dân.

Chúng ta đã quyết định đúng đắn, sáng suốt trong thời điểm đó, nâng từng bước một, khi thấy không có khả năng kiểm soát do diễn biến dịch quá nhanh trong thời gian ngắn trên địa bàn hẹp, ngay lập tức, chúng ta đưa ra quyết định giãn cách tại 20 tỉnh, thành phố. Nhờ vậy, chúng ta mới kiểm soát được tình khu vực phía Nam. Quyết định đó đã góp ngăn chặn nhiều trường hợp nhiễm và tử vong trong khu vực này.

Quyết định thứ 3 cũng cần phải được quan tâm và phân tích sâu hơn, đó là điều động nguồn nhân lực, huy động một cách tổng lực. Gần 300.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ, công an, quân đội… đã được huy động cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương là điểm nóng về dịch bệnh.

Quyết định thứ 4 là chuyển hướng chiến lược, kết hợp hài hòa giữa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt và phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện, xác định xã phường là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ", là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong hoạt động phòng chống dịch, thiết lập những trạm y tế lưu động, điều động quân y vào khu vực phía Nam.

Bên cạnh đó là xét nghiệm thần tốc, để phát hiện các trường hợp nhiễm, cách ly nguồn lây nghiệmtừ đó chăm sóc, điều trị sớm, hạn chế lây nhiễm và tử vong. Đây cũng là quyết định mang tính chiến lược và hợp lý.

Quyết định thứ 5 là việc thực hiện chiến lược vắc xin rất quyết liệt. Xung quanh thực hiện chiến lược này, chúng ta đã vượt qua những rào cản rất phức tạp, nhờ có kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng chính phủ.

Chúng ta rất công khai minh bạch. Vấn đề mua sắm vắc xin cũng được quan tâm để bảo đảm tiêm chủng bao phủ ngày càng rộng. Tuy nhiên, cần làm rõ thông tin để tránh tư tưởng phân biệt nguồn vắc xin từ các nước khác nhau.

(dừng trích)

Như vậy, dân chúng Việt Nam có thể tin tưởng rằng lãnh đạo Bộ Y tế luôn có quyết định đúng đắn. Chẳng hạn như việc thiếu vắc xin chích ngừa Covid, đó không phải lỗi ‘tầm nhìn’ của Bộ Y tế, mà đó là vì "những rào cản rất phức tạp". Nếu không nhờ có kết luận của Bộ Chính trị, rồi nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ cũng như quyết định của Thủ tướng, thì xem ra ngay cả vắc xin của Trung Quốc cũng không có để mà dân chúng Việt Nam được chích ngừa.

Theo kế hoạch, Hội nghị Trung ương 4 sẽ bế mạc hôm 7/10/2021. Chưa biết bài báo cáo của Bộ trưởng Y tế có làm hài lòng các vị ở hội nghị đang diễn ra. Tin tức hành lang cho hay Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ cử các chiến binh giàu kinh nghiệm nhất thanh kiểm tra hai Bộ Y tế và Giao thông vận tải.

Chả rõ các quan nào, ngài nào của hai bộ đã và đang bị thiên hạ dòm ngó sẽ tới lượt nêu danh như 11 vị tướng của cảnh sát biển hồi tuần rồi ?

Hiền Vương

Nguồn : VNTB, 05/10/2021

*******************

Chính quyền địa phương được quyền "làm lơ" Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ?

Lê Tự Do, VNTB, 05/10/2021

Không có mợ thì chợ vẫn đông, mợ đi lấy chồng thì chợ vẫn vui.

ai3

Gần như nhiều nơi đều có bóng dáng của một chàng thư sinh luống tuổi, đeo mắt kính, chỉ trỏ địa phương phải "thế này thế kia". Trong khi người chỉ trỏ ấy, chỉ là ‘cưỡi ngựa xem hoa’.

Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang bước vào những ngày đầu gọi là "bình thường mới". Người dân được đi thoải mái trong… nội đô, mức độ ‘phủ vắc xin’ mũi 1, mũi 2 ở thành phố đã cao, song, việc đi lại giữa các tỉnh trong trục gọi là ‘vùng kinh tế trọng điểm phía Nam’, vẫn là hạn chế.

Trong suốt thời gian, tạm gọi là khó khăn (thực tế còn hơn thế rất nhiều), bên cạnh những cái tên xuất hiện gần như là liên tục như Nguyễn Thành Phong, Dương Anh Đức, Nguyễn Văn Nên, Phan Văn Mãi, Tô Thị Bích Châu… thì quả thật là không thể không nhắc đến cái tên Vũ Đức Đam. Nếu như những cái tên nói trên dốc toàn sức lực hỗ trợ, chung tay cùng bà con dập dịch ; tạo điều kiện, giúp đỡ đời sống người dân, thì cũng có cái tên góp phần gia tăng thêm gánh nặng cho không ít người dân thành phố, mỗi ngày.

Trong thời gian ông Vũ Đức Đam lưu lại ở phía Nam (không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh), có thể nói, ông rất năng nổ trong việc đi lại. Ông đi từ thành phố, lên Bình Dương, Đồng Nai rồi xuống Long An, Trà Vinh, Bến Tre… Gần như nhiều nơi đều có bóng dáng của một chàng thư sinh luống tuổi, đeo mắt kính, chỉ trỏ địa phương phải "thế này thế kia". Trong khi người chỉ trỏ ấy, chỉ là ‘cưỡi ngựa xem hoa’.

Từ đi thị sát ở một số quận, điểm chích cho người bệnh nền cho đến "cãi chày cãi cối" để buộc người dân phải ở trong nhà. Từ yêu cầu không được chủ quan, phải chủ động kiểm soát dịch cho đến làm việc, kiểm tra hoạt động, sản xuất kinh doanh tại thành phố Thủ Đức… tràn ngập hình ảnh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Có ý kiến cho rằng, là phó ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, việc làm của ông là bình thường. Không sai nhưng không đúng. Ông Vũ Đức Đam đúng là phó ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, nhưng, trách nhiệm và quyền hành của ông, không phải là như vậy.

Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã ký Quyết định số 84/QĐ-BCĐ ngày 28/8/2021 về việc ban hành Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, về nguyên tắc làm việc, Ban Chỉ đạo hoạt động thường xuyên, thống nhất chỉ đạo, điều hành hoạt động của các thành viên, các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo và cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo trên cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể và đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Ban Chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Phó Trưởng Ban chỉ đạo : Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Y tế. Trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế trong nước ; chỉ đạo việc áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch để bảo đảm tính liên tục của hoạt động giáo dục ; chỉ đạo việc ứng dụng các công cụ, nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Với sự phân công như vậy từ Thủ tướng, ông Vũ Đức Đam nên quay về đúng vai trò của mình. Điều đó cũng đồng nghĩa thay vì chỉ đạo nên phòng chống dịch như thế nào, hạn chế người dân ra đường hay đi liên tỉnh ra sao, ông nên tập trung vào vấn đề vì sao NanoCovax vẫn chưa được thông qua ? Phối hợp ra sao với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn để làm tốt giáo dục trong mùa dịch ? Hỗ trợ gia đình nghèo về học phí, phương tiện cho các em đi học.

Vì sao app PC-Covid, gọi là app thống nhất, mà lại đầy lỗi. Và đặc biệt, là người chịu trách nhiệm về trang thiết bị y tế, liệu rằng giá cả kit test có liên quan đến ông ? Thiếu phương tiện, trang thiết bị y tế, nếu nhớ không lầm, Việt Nam có thời gian đi tìm đỏ con mắt những chiếc khẩu trang y tế, có nên truy cứu trách nhiệm của ông Đam hay không ?

Vai trò trách nhiệm được phân công là vậy.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không lo hoàn thành nhiệm vụ mà lại khoái "đá bao sân", có thể nói, nếu xét trên phương diện vai trò cũng như quyền hành của ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, những lời yêu cầu hay bắt buộc của ông, nếu không liên quan, chính quyền các địa phương phía Nam được quyền bỏ lơ, nói theo kiểu bên bàn rượu dân miền Nam, xem như là "chó sủa ma", không cần phải chú ý đến.

Nếu xét trên bình diện tổng thể, với những gì đã qua, rõ ràng kiến thức chống dịch Covid-19 của cá nhân ông Vũ Đức Đam là quá kém, tình hình không những không giảm mà số ca còn tăng trong những ngày ông yêu cầu giãn cách rồi siết chặt giãn cách, nghiêm cấm người dân ra đường.

Hơn hết, nên về đúng vai trò và trách nhiệm của mình đi ông Đam ạ. Đừng có quá ôm đồm mọi chuyện. Và làm sao ông có thể hiểu được tình hình địa phương, người dân cần gì bằng chính dân địa phương ?

Dẫu biết rằng, ông Vũ Đức Đam vẫn còn là Phó Thủ tướng song có lẽ, chính quyền địa phương nên mạnh dạn hơn nữa, cái gì tốt cho dân thì mình làm thôi. Bởi đó không chỉ là ảnh hưởng người dân mà còn là cuộc sống của gia đình, của bà con, họ hàng của những lãnh đạo tại địa phương…

Lê Tự Do

Nguồn : VNTB, 05/10/2021

*********************

Quyết định chính trị tồi : dân phải trả giá

Nguyễn Nam, VNTB, 04/10/2021

Đã đến lúc Chính phủ phải nghiêm túc nhìn nhận đâu là giới hạn của quyền lực Nhà nước trong chống dịch.

Không thể chống dịch bằng các mệnh lệnh hành chính đi ngược lại đạo đức, quy luật tự nhiên, quy luật kinh tế và quy luật xã hội !

ai4

Trong đợt dịch lần thứ tư, ‘người sống ở Sài Gòn’ phải trả cái giá quá đắt cho các quyết định chính trị tồi, do đó phải truy cứu trách nhiệm của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh minh họa Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao quyết định giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho ông Nguyễn Thanh Long ngày 14/7/2020. Ảnh: VGP,

Chống dịch không thể bằng các mệnh lệnh hành chính

Nếu đã luôn tự hào có nền "pháp quyền xã hội chủ nghĩa", được ghi đầy trân trọng ở Điều 2 của Hiến pháp 2013 : "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân", thì đã đến lúc Chính phủ phải nghiêm túc nhìn nhận đâu là giới hạn của quyền lực Nhà nước trong chống dịch. Không thể chống dịch bằng các mệnh lệnh hành chính đi ngược lại đạo đức, quy luật tự nhiên, quy luật kinh tế và quy luật xã hội !

Vì sao ? Để tránh tuyệt đối sự phân rã, mỗi huyện là một lâu đài, mỗi tỉnh là một đô thành, gây đứt gãy sản xuất, chia cắt lưu thông, làm cạn kiệt sinh kế của người dân. Các con số văn bản được gọi vắn tắt là chỉ thị 15, 16, 19, và nhiều văn bản chống dịch khác cần được thống nhất vào một văn bản mang tính pháp quy của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tính đến hiện tại, tin tức báo chí cho biết Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có trong tay bản dự thảo "Thích ứng, an toàn với Covid" với yêu cầu sẽ giúp xác lập kịch bản và các khung khổ hành xử của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Về mặt kỳ vọng, thì đây là một công cụ quan trọng để cả các quan chức ‘bề trên Bộ Chính trị’, cho tới các ‘quan địa phương’ cấp phường, xã, thậm chí cả tổ dân phố, trưởng ấp có thể chủ động và kiên định "chung sống thích ứng và an toàn với dịch bệnh", tránh lúc đóng, lúc mở ; lúc siết, lúc buông ; trên nói một đằng, dưới làm một nẻo ; tỉnh A thông đường, tỉnh B rào chặn ; quận huyện bảo doanh nghiệp được vận hành, xã phường bảo người lao động "ở đâu yên đó" ; một ngõ có F0, cả vùng phong tỏa ; "ngăn sông, cấm chợ" vô lối, làm khó doanh nghiệp, làm khổ nhân dân.

Có quy định pháp lý rồi, các địa phương không phải xin phép Trung ương, doanh nghiệp và người dân không phải chờ phê duyệt của chính quyền, doanh nghiệp có thể chủ động các phương án dự phòng để duy trì sản xuất, các chủ nhãn hàng quốc tế có thể yên tâm vào khả năng thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp Việt Nam.

Cách làm đó chí ít ở lúc này sẽ gửi thông điệp quan trọng tới người dân, doanh nghiệp và thế giới : "Chúng tôi mở cửa, phục hồi nền kinh tế, và không để virus Sars-CoV-2 cầm tù như báo chí phương Tây từng ví von về nhà tù lộ thiên Hà Nội".

Đừng tự ái khi nhìn nhận về thất bại chính trị

Tại hội nghị trực tuyến "Tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19" với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức ngày 16/4/2021, theo Bộ Y tế, thành công chiến thắng đợt dịch thứ 3, bài học lớn về chính trị là sự lãnh đạo của Đảng rất sát sao, mạnh mẽ, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, huy động các bộ, ban, ngành, người dân, triển khai phương châm bốn tại chỗ, chống dịch như chống giặc…

Như vậy theo tam đoạn luận, sự thất bại liền kề sau đó khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, thì bài học lớn về chính trị là cần phải dũng cảm thừa nhận, tại sao lại có quá nhiều sự chết chóc và đau khổ ? Đó là vì các quyết định chính trị tồi !.

Thật ra thì ngay từ đợt 3, kết quả là thất bại chứ không hề "thành công chiến thắng" như Bộ Y tế đánh giá. Đơn giản thôi, với việc ‘bấm bụng’ bỏ ra số tiền lớn  để nhập khẩu vắc xin phòng Covid của Trung Quốc và Cuba ở hiện tại của Việt Nam, đủ để hình dung về mức độ tồi đến đâu của những quyết định chính trị.

Nhận xét trên có thể nặng nề, nhưng không hề ‘phản động’ của các cáo buộc về Điều 117, Bộ Luật hình sự hiện hành. Bởi chắc ai cũng thấy rằng những hồi chuông cảnh báo đầu tiên về một đại dịch tiềm ẩn mới đã bắt đầu vang lên từ cuối tháng 12/2019. Đến ngày 10/1/2020, các nhà khoa học không chỉ phân lập được loại virus gây bệnh, mà còn giải trình tự bộ gen và công bố thông tin trên mạng. Chỉ vài tháng sau đó, thế giới đã sáng tỏ việc những biện pháp nào có thể làm chậm lại và ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm.

Trong không đầy một năm, một số loại vắc xin có hiệu quả đã được đưa vào sản xuất đại trà. Thế nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không hề có quyết định nào về đặt mua vắc xin về chích cho dân chúng.

Gần hai năm trời dịch giã đã làm bộc lộ một hạn chế thậm chí còn quan trọng hơn về năng lực khoa học và công nghệ của Việt Nam. Khoa học không thể thay thế chính trị. Khi chúng ta đi đến quyết định về chính sách, chúng ta phải tính đến nhiều lợi ích và giá trị. Và vì không có phương thức khoa học nào để xác định những lợi ích và giá trị nào quan trọng hơn nên không có phương thức khoa học nào để quyết định những gì chúng ta nên làm.

Ví dụ, khi ngài Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhân danh quyền lực chính trị để đưa ra quyết định áp phong tỏa, dường như ông đã không tự thắc mắc là liệu "Có bao nhiêu người sẽ ngã bệnh vì Covid-19 nếu chúng ta không triển khai phong tỏa ?". Lẽ ra ngài Phó Thủ tướng cũng nên đặt câu hỏi : "Có bao nhiêu người sẽ trải qua trầm cảm nếu chúng ta áp phong tỏa ? Bao nhiêu người sẽ chịu đựng tình trạng dinh dưỡng tồi tệ ? Bao nhiêu người sẽ thất học hoặc mất việc làm ? Bao nhiêu người sẽ bị bạn đời của họ đánh đập hoặc sát hại ?".

Ngay cả khi tất cả dữ liệu là chính xác và đáng tin cậy, không chỉ ngài Phó Thủ tướng, mà cả ‘bề trên’ Bộ Chính trị cũng luôn nên hỏi : "Chúng ta coi trọng điều gì ? Ai quyết định việc này ? Làm thế nào để chúng ta đánh giá những con số đối chọi nhau ?".

Rõ ràng đây là một nhiệm vụ chính trị hơn là khoa học. Chính các chính trị gia phải cân bằng giữa các suy tính về y tế, kinh tế và xã hội với việc đưa ra một chính sách toàn diện.

Như vậy, không quá lời một chút nào khi kết luận rằng mấy chục ngàn nhân mạng chỉ trong đợt dịch lần thứ tư, với chủ yếu là ‘người sống ở Sài Gòn’, là cái giá quá đắt phải trả cho các quyết định chính trị tồi, mà người cần phải được truy cứu trách nhiệm là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Phải chăng vẫn còn đeo đuổi zero Covid ?

Trong một diễn biến khác, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) vừa có kiến nghị gửi lên lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về các vướng mắc cần tháo gỡ để nhanh chóng có thể từng bước mở cửa nền kinh tế.

Theo đại diện Eurocham, kiến nghị được đưa ra sau khi hiệp hội này nhận thấy các thách thức và rào cản đối với cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa tháo gỡ sau văn bản hướng dẫn của địa phương ban hành ngày 30/9.

Eurocham đề nghị tỉnh Đồng Nai cần sớm ban hành kế hoạch mở cửa rõ ràng hơn đối với các doanh nghiệp tại tỉnh này trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu nhiều tổn thất tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhiều đơn hàng và hợp đồng bị huỷ do giãn cách kéo dài. "Các chính sách cần được thực hiện nhất quán để hỗ trợ quá trình hồi phục sản xuất cho doanh nghiệp", đại diện Eurocham nhấn mạnh.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 04/10/2021

**********************

Cần phải hồi cứu trách nhiệm pháp lý của cựu quyền Bộ trưởng Y tế – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Hà Nguyên, VNTB, 02/10/2021

Thất bại nặng nề cả hai mục tiêu chống dịch và kinh tế cần phải có người chịu trách nhiệm chớ không thể cứ rút kinh nghiệm mãi.

ai5

Ngày 25/8/2021, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1438/QĐ-TTg, bổ nhiệm ông Vũ Đức Đam từ vị trí Trưởng ban xuống làm Phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Kẻ đó là ai ? Kẻ đưa Sài Gòn vào bế tắc không lối thoát và phải chịu trách nhiệm hơn 10 ngàn nhân mạng, chính là tên nửa chữ Y không biết, nhưng làm trưởng ban chống dịch quốc gia 2 năm liền.

Tên nửa chữ Y không biết đó, chính là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người từng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bổ nhiệm là quyền Bộ trưởng Bộ Y tế ngay sau khi bà Nguyễn Thị Kim Tiến được Bộ Chính trị phân công sang làm Trưởng ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương.

Thăng tiến nhờ con virus Vũ Hán

Cuối năm 2019, đầu 2020, đại dịch Covid-19 phát tán khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Trung ương Đảng và Nhà nước Việt Nam họp bàn, ra chỉ thị kiên quyết đối phó dịch bệnh, trực tiếp bởi các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, được Chính phủ chỉ đạo. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia chỉ đạo, được phân công nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo phòng chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Ngày 14/10/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định phân công ông Vũ Đức Đam tạm kiêm chức vụ Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, trực tiếp lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của bộ – tức quyền Bộ trưởng Y tế. Ngày 07/07/2020, ông Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ này, và trao quyền lại cho Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Trước tình hình dịch bệnh gia tăng tại Thành phố Hồ Chí Minh sau 36 ngày giãn cách xã hội, chiều ngày 6/7/2021 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh phải có những giải pháp dứt khoát, mạnh mẽ, triệt để hơn sớm chấm dứt dịch trong cuộc làm việc trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị "Thành phố Hồ Chí Minh phải siết chặt tay nhau chấp nhận vất vả hơn, thiệt thòi hơn trong thời hạn ngắn để sớm quay lại cuộc sống bình thường".

Ngày 25/8/2021, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1438/QĐ-TTg, bổ nhiệm ông Vũ Đức Đam từ vị trí Trưởng ban xuống làm Phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Ở trên là những tin tức dạng ‘bề mặt’ cho thấy đúng như truyền thông đưa tin, giai đoạn năm 2020 đến tháng 8/2021, khi được giao nhiệm vụ chỉ huy trực tiếp chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, ông Vũ Đức Đam được ngợi ca với các biệt danh như Người hùng không ngủ , Tướng tư lệnh , Người thuyền trưởng tài ba

Biến chủng Delta khiến tham nhũng dịch giã dần lộ diện ?

Nếu nhìn qua lăng kính pháp luật sẽ nhận ra dường như rất cần đến hồi cứu trách nhiệm pháp lý của cựu quyền Bộ trưởng Y tế – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Một dẫn chứng thời sự : thực tế giá dịch vụ test Covid-19 nhanh, từ 150 ngàn đến 300 ngàn đồng, trong khi giá nhập kit test được một doanh nhân công khai phát biểu tại phiên họp trực tuyến với Thủ tướng Phạm Minh Chính là chỉ 30 – 40 ngàn đồng, đã gây ra nhiều bức xúc trong xã hội.

Trong chương trình thời sự VTV1 vào 19 giờ ngày 30/9/2021. Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ Y tế, Nguyễn Nam Liên đã trả lời đại ý : Giá dịch vụ test Covid-19 không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá nên Bộ Y tế không chịu trách nhiệm.

Vụ trưởng Nguyễn Nam Liên có lý, bởi căn cứ Điều 19 Luật Giá 2012, đúng là giá dịch vụ test Covid-19 không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Và như vậy cho thấy đây chính là sở hở trong quá trình làm luật của Quốc hội.

Nhưng trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long là phải đề xuất với Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực y tế Vũ Đức Đam và Thủ tướng chính phủ kiến nghị với Ủy ban Thường vụ quốc hội để trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Giá 2012. Bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Trách nhiệm trực tiếp thuộc về Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Ủy ban Thường vụ quốc hội.

Dịch Covid-19 diễn ra gần 2 năm, trong khoảng thời gian này đã trải qua 2 nhiệm kỳ Chính phủ, 2 khóa Quốc hội và Quốc hội đã họp bao nhiêu lần nhưng không ai nhìn thấy vấn đề thuộc trách nhiệm của mình. Đặc biệt là ông Vũ Đức Đam đã từng trực tiếp điều hành Bộ Y tế và làm Phó thủ tướng liên tục trong thời gian này.

Liệu có ai đó sẽ vào vai… Lê Lai ?

Liên quan chuyện giá cả kit test, có liên tưởng vầy : Trong kinh tế học, câu chuyện kinh điển mà sinh viên marketing thường nghe là một công ty xuất nhập khẩu ngành giày cử 2 chuyên viên đi khảo sát thị trường mới để bán giày.

Sau khi khảo sát ở một đất nước kinh tế thị trường còn kém phát triển, một người viết báo cáo "nên mở cửa hàng giày vì thành phố này chưa có cửa hàng giầy". Người thứ hai viết báo cáo "không nên mở cửa hàng giày vì dân ở đây không đi giày, nhà giàu đi dép còn người dân đi chân đất".

Ông chủ tập đoàn đa quốc gia sau khi đọc báo cáo, bèn bay một chuyến sang quốc gia đó xin gặp lãnh đạo quốc gia.

Không biết ông chủ thuyết phục thế nào mà lãnh đạo quốc gia đó ban hành một sắc lệnh bắt mọi người dân khi ra đường, đến công sở, nơi làm việc phải đi giày. Thế là ông chủ mở hàng loạt cửa hàng giày và bán độc quyền giày với giá bán kinh khủng gọi đó là hàng hiệu.

Kết luận ở ngụ ngôn trên : Hình như có cái gì đó quen quen. Nếu chúng ta không tỉnh táo thì sẽ còn nhiều con virus sẽ đến. Từ virus máy tính, rồi bán phần mềm diệt virus máy tính, đến virus dịch bệnh để bán các kit test, thuốc men chữa bệnh… Chúng ta nên tỉnh táo, cần phải bớt tham nhũng tinh vi, bớt thủ đoạn lợi ích nhóm thì dân bớt chết oan. Chết vì bệnh là có thể, nhưng chết hàng loạt là câu hỏi cần phải làm rõ.

Nếu không làm rõ thì sẽ còn nhiều hình ảnh phản cảm khi người dân không muốn bị ngoáy mũi. Sẽ còn nhiều chủ tịch phường, xã phải xin lỗi dân. Họ làm theo lệnh cấp trên mà sao họ phải bị xin lỗi ? Hệ thống ban hành chỉ thị, văn bản ơi, ai là người chịu trách nhiệm về việc xin lỗi này ?…

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 02/10/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Triệu Tử Long, Hiền Vương, Lê Tự Do, Nguyễn Nam, Hà Nguyên
Read 939 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)