"Tự phát về quê" và quyền tự do đi lại
Thới Bình, VNTB, 04/10/2021
"Thương cho bà con miền Tây quá vì cuộc sống xa quê hương làm ăn. Đã chịu cầm cự hết 4 tháng trời…" – đó là cảm nhận dễ bắt gặp khi đọc tin tức trên báo chí hổm rày về những ngày qua lượng lớn công nhân, lao động tự do, lao động thất nghiệp, cũng như những người mắc kẹt lại vì dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng Đông Nam bộ đã ‘tự phát đi xe máy’ trở về đồng bằng sông Cửu Long với số lượng lên đến hàng chục ngàn người.
Bốn tháng trời bị ‘cầm tù’ trong căn phòng trọ, người miệt sông nước miền Tây ở Bình Dương và Sài Gòn muốn được trở lại nơi quê nhà.
Dường như ở hiện tại, việc được gọi là ‘tự phát về quê’ đang là một ám ảnh của hành vi có dấu hiệu chịu sự đe dọa gì đó từ các cấp chính quyền.
Bởi đến nay Việt Nam chưa hề ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, nên thảm họa nhân đạo xảy ra ở hiện tại đến từ chính sách phòng – chống dịch Covid-19 của Đảng và Nhà nước Việt Nam, về nguyên tắc là chưa thể có, nên việc hạn chế quyền đi lại bằng các mệnh lệnh hành chính từ cấp chính quyền địa phương là khó thể chấp nhận nếu như nhìn qua lăng kính của nhân quyền được ghi tại Chương II, Hiến pháp 2013, từ Điều 14 đến Điều 49.
Và nếu nói chuyện nhân quyền ở đây, sẽ thấy rằng nhân quyền đang bị xâm hại thô bạo, khi nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đề xuất ngừng tiếp nhận người dân trở về.
Báo cáo từ tỉnh Sóc Trăng cho biết, chỉ tính từ ngày 2/10 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận gần 20.000 người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam bộ ‘tự phát về quê’. Tổng cộng số người đã được tiếp nhận trên địa bàn tỉnh lên đến hàng chục ngàn người, kéo theo việc vượt khả năng ở các khu cách ly, chăm sóc y tế… dù địa phương đã cố gắng hết sức có thể để sắp xếp.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết : Trước tình hình trên, tỉnh đã quyết định tạm ngưng tiếp nhận người dân tự phát trở về quê trong 15 ngày kể từ hôm nay 3/10. Rất mong bà con đồng lòng, cùng chia sẻ khó khăn với tỉnh nhà để vượt qua đại dịch. Sau 15 ngày, tỉnh sẽ có thông báo kế hoạch tiếp nhận tiếp theo.
Đối với hàng chục ngàn người đã tiếp nhận, tỉnh Sóc Trăng phân bổ về các huyện. Bên cạnh đó, đối với những người đã chích đủ 2 mũi vắc xin, người đã điều trị khỏi Covid-19 sẽ được theo dõi y tế tại nhà nhằm giảm áp lực cách ly, chăm sóc y tế.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết : Chỉ tính trong 2 ngày, từ ngày 1/10 đến ngày 2/10, tỉnh đã tiếp hơn 2.600 người dân trở về địa phương. Tình hình hiện nay đang rất khó khăn cho tỉnh, vì đã vượt khả năng tiếp nhận cách ly.
Lượng người đã tiếp nhận hiện được phân bổ về các huyện, nhiều điểm trường học đã được tận dụng làm điểm cách ly nhưng vẫn không đáp ứng đủ. Do đó, phương án tạm ngưng tiếp nhận người dân tự phát về quê trong 15 ngày là rất cần thiết. Khi ổn định trở lại, tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể tổ chức đón người dân có nguyện vọng trở về quê.
Với tỉnh Đồng Tháp, tính đến sáng 3/10 đã có khoảng 20.000 người dân đi qua các chốt trên địa bàn tỉnh, trong đó người dân Đồng Tháp là hơn 5.000 người. Các ngành chức năng của tỉnh khi tập hợp khoảng 500 người là dân Đồng Tháp thì có lực lượng cảnh sát giao thông dẫn đường đưa về địa phương nơi người dân thường trú để nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm, sau đó cách ly tập trung.
Còn những người dân các tỉnh như Kiên Giang, An Giang… thì tập hợp khoảng 500 người sẽ cử lực lượng cảnh sát giao thông dẫn đường đưa người dân tới địa bàn giáp ranh các tỉnh, bàn giao cho lực lượng của tỉnh đó để làm các thủ tục tiếp theo.
Chính quyền tỉnh Đồng Tháp lo ngại, với số lượng hiện tại thì tỉnh đang đáp ứng được, tuy nhiên nếu người dân ‘tự phát về’ lên đến 15.000 – 20.000 người sẽ rất khó.
Trong khi đó ở An Giang từ ngày 1 đến ngày 3/10, tỉnh tiếp đón hơn 15.000 người dân ‘về quê tự phát’. Tỉnh này than rằng các ngành chức năng rất vất vả trong việc bố trí địa điểm cách ly theo quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang phải mở 700 điểm, trường học trên địa bàn tỉnh làm nơi cách ly tập trung hoặc tiếp nhận người dân về quê.
Có một ý kiến thắc mắc duy nhất cho vấn đề trên đặt trong nhân quyền hiến định : Coi tivi, thấy Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mấy tháng qua vẫn bay vào, bay ra ; hôm trước ông ở "vùng đỏ" Bình Dương, mấy hôm sau đã thấy ông ở Hà Nội, ngồi trong phòng họp với các thành viên nội các.
Rồi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đi Châu Âu, cuối tháng 9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi Cuba và Mỹ. Như trên tivi chiếu công khai, vừa trở về là các vị ấy họp hành, thăm thú ngay…
Không lẽ đó là vì ‘các đầy tớ’ đã nghiêm chỉnh tuân theo "Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất !" bằng các loại Moderna và Pfizer mà người dân hay cà rỡn rằng đó là ‘vắc xin ông ngoại, ông anh’ ?
Vậy thì vì sao các quan đầu tỉnh cứ ám ảnh việc người dân ‘tự phát về quê’ ?
Thới Bình
Nguồn : VNTB, 04/10/2021
***********************
Bi bô về ‘bình thường mới’ và sự kinh hoàng mới !
Trân Văn, VOA, 02/10/2021
Hôm 30/9/2021 nhiều người Việt lại nẫu lòng khi chứng kiến đồng bào của mình – những người từ nhiều vùng khác nhau đến Thành phố Hồ Chí Minh kiếm sống – lũ lượt dắt díu nhau rời Thành phố Hồ Chí Minh thêm một đợt nữa (1).
Hàng nghìn người lũ lượt dắt díu nhau rời Thành phố Hồ Chí Minh về quê vì mất việc làm. Hình minh họa.
Sau bốn tháng bị giam lỏng trong các phòng trọ, không việc làm, không thu nhập, không được hỗ trợ, sống nhờ cứu trợ, họ đã hoàn toàn kiệt quệ cho nên Thành phố Hồ Chí Minh vừa nới lỏng các biện pháp kiểm soát đi lại là họ lập tức lên đường.
Sau đủ loại tuyên bố, từViệt Nam đã chiến thắng dịch bệnh khiến cả thế giới thán phục, đếnphải chấp nhận sống chung với dịch bệnh, các viên chức hữu trách bắt đầu bi bô về việc thiết lập trạng thái"bình thường mới" và đã tạo ra sự kinh hoàng mới !
***
Báo chí Việt Nam gọi dòng người tháo chạy khỏi Thành phố Hồ Chí Minh là những người về quê tự phátvà bởi vài giờ trước khi chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nới lỏng các biện pháp kiểm soát đi lại, ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam – gửi công điện hỏa tốc, ra lệnh :Phảitiếp tục kiểm soát người ra- vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An (2) nên những hình ảnh video clip ghi lại cảnh nạn dân hối hả rời bỏ Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến một số người như Vinh Thuy, buột miệng rủa trên trang facebook của Nguyễn Đạo Đoàn Duy :Công sức ngườita chống dịch có thể vì bọn này mà toang, tui nó về quê lây gia đình, lây cộng đồng, dưới quê đủ sức tiếp nhận tui nó không ? Tao chưa thấy ai chết vì đói chỉ thấy chết vì Covid.
Những ý kiến kiểu như thế đã bị chỉ trích cũng ngay trên trang facebook vừa kể. Chẳng hạn Lê Khắc Tuấn vặc lại Vinh Thuy :Những đứa mở miệngchửi người ta là không có lương tâm ! Taotính sơ chi phí khi ở Sài Gòn mà không có việc làm bốn tháng nay : Với người độc thân, tiền trọ bình quân hai triệu đồng/người chưa kể điện nước, tiền ăn 100.000/ngày là 3triệu/tháng, chưakể các khoản phát sinh khácnhư thuốc men hay cho bất trắc gì đó. Hãy đặt mình vào vị trí ngườita ! Trúc Ly góp thêm : Tôi chỉmột mình mà ba tháng thất nghiệp, chi tiêu tiết kiệm cũng hết12 triệu rồi. Những người có gia đình, có con nhỏ thì bao nhiêu nữa... Cứ nghe hỗ trợmà có thấy đồng nào đâu ! Tony Phú nhận định :Nếu an sinh xã hội tốt thì dân sẽ khôngchạy như vậy. Đừng trách họ (3) !
Xem tường thuật của các cơ quan truyền thông chính thức về tình trạng dân chúng bị chặn lại ở các cửa ra, hướng về Long An, Bình Dương (4)... Công an thức trắng đêm vừa chặn nạn dân, vừa thuyết phục họ chờ địa phương lên kế hoạch đón về nhưng không thành công (5), nạn dân chấp nhận ăn bờ, ngủ bụi trước các trạm kiểm soát người ra – vào, Chanh Tam bình :Một chút niềm tin cũngkhông còn những người bé mọn ấy nên họ phải tháo chạy ngay cả khi dịch giã đã dịu bớt. Đó là thất bại kép (6) ! Chu Hồng Quý đặt vấn đề :Đến nông nỗi nào mà nhữngcha mẹ trẻ không nghe lời khuyên củacác anh công an tốt bụng, nhiệt tình, chu đáo để đưa con nhỏ vào khu cách ly tạm thời ? Vinh Nguyễn trả lời :Bị lừa nhiều rồi. Ngu gì để bị lừa tiếp.Ở lại lấy đâu ra tiền ăn, dịch thì trở đi trở lại. Nhốt lầnnữa thì c... chả có mà ăn,nói gì đến các thứ khác (7).
Trong số những video ghi lại tình trạng tắc nghẽn vì bị chặn đường về quê, có cảnh hàng trăm người quỳ xuống, lạy công an gác trạm ở phía Long An khiến thiên hạ thảng thốt. Có người như Hai Ha bảo :Nếu là công an, chứng kiến cảnh dân lạy sống mình như vậy, tôi sẽ đào ngũ dù phải đi tù (8) !
Nếu một Lê Hoài Anh ngậm ngùi :Tương lai bấp bênh. Tiền hết, bị bỏ đói trong những xóm trọ tồi tàn, sống lay lắt bằng thực phẩm cứu trợ của người hảo tâm, chẳng may dính cúm thì cả gia đình bị đưa đi cách ly mỗi người một ngả, không tin tức, có khi trởvề tronghũ đựngtro. Bảo sao họ không tìm cách bỏ về. Suốt ngày lôi ra ngoáy mũi, hở tí là chốt chặn, kéo rào kẽm gailàm sao họ kiếm sống ! Chưa mở đã hù dọa nếu ra ngoài không có lý do chính đáng thì phạt nặng...Lạy các bố, không nuôi nổi dân thì cho họ đi đi. Về quê ít nhất họcũng còn thấy mặt người thân, không phải trả tiền nhà trọ, để gia đình họ đùm bọc lẫn nhau, đỡ khổ hơn ở thànhphố rất nhiều (9) thì một Lê Anh Đủ mỉa :Long An cố lên. Chặn hết. Bít hết. Không thắng không phát lương ! Anh Trần góp thêm :Mạnh lên ! Khônglà anh Chính lại gọi tên trước lớp (10) !
***
Hoàng Tư Giang – một nhà báo - vừa tâm sự trên facebook về chuyện Phía sau những phận người cùng khổ :Nguyễn Thị Thu ôm đứa con gái 22 tháng tuổi cùng chồng ngồi vật vạ ở vỉa hè cả đêm qua ở cửa ngõ SàiGòn. Họ đã thất nghiệp ba tháng và về quê là con đường sống duy nhất. Nhưng họ,cũng như hàng ngàn người khác không thể vượt qua khỏi các trạm gác tối qua, giống như những đoàn người cố rời thànhphố trước đây.
Câu chuyện của những người khốn khổ, bơ vơ, đói khát và không được thừa nhận như Thu và con thật day dứt và ám ảnh.
Song, vượt lên trên những số phận cá nhân của họ còn là một câu chuyện lớn hơn nhiều lần của nền kinh tế : Đứt gãy chuỗi lao động – điểm mạnh nhất nền kinh tế thâm dụng lao động như ViệtNam.
Thống kê của thànhphố cho biết, chỉ "một số ít doanh nghiệp thực hiện phương án 3 tại chỗ" là hoạt động, còn lại đa số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, tạm thời cho công nhân nghỉ việc.
Chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 9 giảm 63,3% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng, lực lượng lao động giảm 22,1% so với cùng kỳ.
Một nghiên cứu của Đạihọc Kinh tế Luật cho biết, từ làn sóng dịch lần tư,tuyệt đại đa số trong số 288.333 doanh nghiệp với 3.240.000 lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh phải ngừng hoạt động. Chỉ có 715 trong tổng số 1.527 doanh nghiệp ở KhuCông nghiệp còn duy trì hoạt động với khoảng 65.000 người lao động còn đi làm trong tổng số 345.000 người lao động.
Ở quy mô toàn quốc, lực lượng lao động quý III/2021 ước tính là 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động là 44,5 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước, tương đương 2,4%.
Những số liệu khô khốc này cho thấy một thực tế kinh hoàng : số người thất nghiệp cao kỷ lục và đứt gãy chuỗi lao động đang diễn ra trên diện rộng mà khắc phục nó phải là hàng năm. Thâm dụng lao động – điểm cạnh tranh nhất của nền kinh tế - đã trở thành điểm dễ tổn thương nhất.
Không phải đơn giản mà Nikkei Covid-19 Recovery Index xếp Việt Nam ở hạng bét 121/121 liền trong haitháng qua.
Điều này đừng lấp liếm đổ lỗi chỉ cho Covid (11).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 02/10/2021
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/nguoi-ve-que-va-vat-o-cua-ngo-tp-hcm-4365543.html
(3) https://www.facebook.com/groups/2433033536765491/posts/4460511317351026/
(4) https://tuoitre.vn/dem-cho-doi-o-mot-cua-ngo-thanh-pho-20211001003520026.htm
(6) https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/3979480775491493
(7) https://www.facebook.com/ChuHongQuy/posts/4279756578806865
(8) https://www.facebook.com/dthangtt/posts/5010295518986512
(9) https://www.facebook.com/christiana.le.35/posts/4110203062422946
(10) https://www.facebook.com/leanhdudu/posts/4873331582678854
(11) https://www.facebook.com/hoang.t.giang.58/posts/10161266350508098
**********************
Covid-19 và màn chống dịch như lũ giặc
Nguyễn Hùng, VOA, 01/10/2021
Tại một đất nước mà nhiều người vẫn tin vào những sự ưu việt và huy hoàng trên TV, Covid-19 đã lột mặt nạ của những quan tham dốt nát.
Một chốt kiểm soát ở quận Long Biên. Hình minh họa.
Quan mới nhất bị lột mặt nạ chính là Võ Thanh Quan, Bí thư đảng ủy tại phường Vĩnh Phúc, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Mộtvideo được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy ông Quan dẫn đầu một toán "ào ào như sôi" vào phá khoá nhà, bẻ hai tay bà Hoàng Thị Phương Lan để dẫn đi ngoáy mũi, bất chấp chuyện bà nói bà đang dở việc và tiếng trẻ con khóc vì sợ hãi. Hồi đi học, lũ trẻ chúng tôi được dạy "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" nhưng lũ giặc lại mặc áo nhà quan ; trong khi đó "đàn bà" lại chẳng ý thức được quyền bất khả xâm phạm nơi cư trú của chính mình nên đành chịu để lũ giặc xông vào nhà lôi ra như quân Taliban.
Mặc dù các dư luận viên lên tiếng chỉ trích người phụ nữ ‘không chịu đi xét nghiệm’ nhưng họ cố tình lờ đi rằng chỉ khi có lệnh của ngành kiểm sát hoặc khi người ta phạm tội quả tang thì chính quyền mới có thể vào tư gia của họ.
Giả sử người ta đang ở trong toa-lét thì có phá nốt cửa vào kéo ra ? Người Anh nói nhà của tôi là pháo đài có nghĩa là nhà tôi là bất khả xâm phạm. Còn mấy ông quan Việt Nam nói mỗi nhà là một pháo đài có nghĩa là nhà dân thành pháo đài của công, thích vào thích ra là cứ thản nhiên như đi chợ. Đáng ngán nữa là chính họ cũng tự quay video để chứng tỏ tinh thần ‘hồng vệ binh’ của chính mình. Cấp trên của ông Quan, Bí thư thành ủy Thuận An Huỳnh Thị Thanh Phương lại cũng có vẻ ủng hộ cấp dưới. Họ đâu có hiểu họ hành xử như thể Việt Nam còn ở năm 1921.
Còn chuyện ‘ngoáy mũi’ dân thì các chuyên gia và mạng xã hội đã bình luận nhiều rồi. Người ta cáo buộc các công ty ở Việt Nam lợi dụng lúc dịch giã để mua rẻ bán đắt các bộ xét nghiệm nhằm trục lợi.
Bộ Y tế, không rõ vì lý do gì, cũng lại khống chế giá sàn của các bộ xét nghiệm ở giá cao ngất trời, gấp nhiều lần giá ở Châu Âu, vốn giàu hơn Việt Nam nhiều lần. Thực tế tại Anh, các bộ xét nghiệm được chính quyền phát miễn phí cho người dân. Dân có thể yêu cầu gửi về nhà hay ra hiệu thuốc lấy. Tôi cũng đã từng nói chính quyền Anh không hề kêu gọi dân đóng góp tiền để mua vắc-xin trong khi họ cũng phải đi vay mượn tiền tiêu nhưng không đè cổ dân giữa mùa dịch. Hàng triệu người được chính quyền trả tới 70-80% lương và công ty bù đắp phần còn lại để nhân viên ngồi nhà mà vẫn hưởng nguyên lương hơn một năm trời. Cái đất nước không biết bao giờ mới trở thành nước "xã hội chủ nghĩa" tự dưng lại gắn mấy từ đó vào tên nước làm gì cho xấu hổ. Mà các khoản dân đóng góp mua vắc-xin đã ‘sao kê’ chưa nhỉ ?
Nhìn lại qúa trình chống dịch ở Việt Nam có thể thấy chẳng phải họ chống dịch như chống giặc ; chống dịch như lũ giặc thì đúng hơn. Chỉ có lũ giặc mới giăng dây thép gai khắp hang cùng ngõ hẻm để người dân phải ép mình như con gián để bò qua. Chỉ có lũ giặc mới bảo bánh mì không phải hàng thiết yếu. Chỉ có lũ giặc mới bỏ đói người dân tới mức người ta phải chui cả vào thùng đông lạnh của xe tải để trốn về quê.
Cũng lũ giặc dương dương tự đắc đấy đã khiến cả vạn người chết vì chính sách ‘zero Covid’ khiến tình trạng lây nhiễm chéo thêm trầm trọng và người bệnh quá đông không chăm sóc nổi ; cả ngàn trẻ đã mồ côi cả cha lẫn mẹ trong có vài tháng.
Cho dù đa số người dân vẫn sợ không dám đứng lên bảo vệ quyền của chính mình và của đồng loại trong một thể chế độc đoán, dịch Covid phần nào đẩy họ về hướng đấu tranh đòi một chính quyền sạch, minh bạch và có năng lực. Người ta hiểu ra rằng sự thờ ơ về chính trị một ngày kia sẽ biến họ trở thành nạn nhân của chính thể đổ đốn mà họ chứ không ai khác đã góp phần duy trì sự tệ hại của nó.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 01/10/2021
**********************
Tầm nhìn của "Ai ở đâu ở đó" phải trở thành "Ai ở đâu thì phải được sống tốt ở chính nơi đó"
Trần Lê Minh, RFA, 01/10/2021
Thành phố Hồ Chí Minh tái mở cửa, nhưng Covid vẫn còn hoành hành ở Việt Nam. Số người chết mỗi ngày vẫn trên dưới 200, tỷ lệ tử vong cao hơn trung bình thế giới đến bốn điểm phần trăm. Lúc này liệu có là xa xôi khi nói đến tầm nhìn xây dựng những thành phố thích ứng, bền vững, kiên cường và có khả năng chống chịu với các biến cố ?
AFP
Một trong những nguyên nhân chính gây lây lan dịch Covid-19 mạnh mẽ ở Thành phố Hồ Chí Minh là điều kiện sống
Các ổ dịch hình thành nhanh chóng tại các khu dân cư nghèo, khu tạm cư, khu dân cư tự phát mới hình thành ven các khu công nghiệp, khu chế xuất, những xóm liều trên các bãi đất hoang, hoặc các khu dân cư lâu đời nhưng mật độ dân số quá cao, trong các ngõ hẻm dày đặc và sâu thăm thẳm. Ở đó người dân sống chen chúc, thiếu ánh sáng và dưỡng khí trong các ngôi nhà nhỏ kín tối tăm. Nhà vệ sinh một cái dùng cho chục người hoặc chỉ là vài ba viên gạch lót nền, vách tôn hay tranh lá quây tạm. Hàng ngày họ túa ra đường làm thuê, làm công nhật, làm thợ tay nghề thấp, buôn bán tự do, chỗ ở chỉ là nơi về ngủ qua đêm. Ở những khu tạm cư tự phát thì còn rách nát tồi tàn hơn nữa, "nhà" chỉ là các túp lều tạm bợ dựng lên gần như trên bãi r ác, điều kiện vệ sinh tối thiểu cũng không thể đạt được.
Họ là những người dân nghèo ít học, không có nghề nghiệp chuyên môn, ở quê không có ruộng hoặc ruộng đất rất ít, không đủ sinh nhai nên lên thành phố mưu sinh bằng làm công nhân, bán sạp rau hành, vài món thức ăn rẻ tiền ở ven các khu tập trung công nhân hay sinh viên, rửa chén thuê, lượm ve chai, phụ quán... Họ sống một đời sống trôi dạt và bấp bênh ở thành thị. Những người cha làm phụ hồ, thợ xây, thợ sơn,… đi theo công trình, con cái may mắn thì học lớp tình thương, ngày được ngày mất, tới đâu hay tới đó, tương lai gần như lặp lại kiếp sống của cha mẹ.
Không thể yêu cầu giãn cách, 5K với những người dân này, vì họ không có điều kiện thực hiện.
Khả năng nhận thức của bộ phận dân cư này cũng rất thấp, căn bản họ không hiểu được nguyên nhân cốt lõi của các yêu cầu dịch tễ nên chỉ thực hiện đối phó, kiểu như đeo khẩu trang khi thấy công an, còn bình thường thì tụ tập thường xuyên, thói quen sống quần cư rất náo nhiệt.
Có lẽ tiêm vắc-xin là biện pháp cuối cùng để giữ cho tỷ lệ tử vong ở nhóm dân cư này thấp nhất có thể.
Nhưng hiện trạng của Việt Nam là vác rá đi xin vắc-xin khắp nơi vẫn không đủ nhét kẽ răng nên phải ưu tiên tiêm. Chỉ khi nào Việt Nam có thể chủ động nguồn vắc-xin, lúc đó câu chuyện mới được nói tiếp.
Nhưng đấy mới chỉ là Covid-19, liệu còn những trận dịch khác nữa thì sao ?
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chống chịu ra sao với những biến cố bất thần và không thể lường được của tương lai ?
Từ khoảng 20-30 năm trước, Chính phủ Việt Nam đã đề ra những chủ trương rất hay. Ví dụ "Ly nông không ly hương", "Quy hoạch vùng đô thị"…
Ly nông không ly hương nghĩa là phát triển nông nghiệp tại chỗ thuận theo thế mạnh có sẵn của từng địa phương, chuyên nghiệp và thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp để biến nông dân thành người chủ, có thể sống no ấm bền vững trên ruộng đất của mình từ đời này sang đời khác. Con cháu của họ được nuôi dưỡng đầy đủ, được học hành và có sinh kế tốt ngay tại quê nhà. Cứ như vậy bồi đắp từng địa phương tốt lên.
Quy hoạch vùng là chủ trương lớn bao trùm. Trong đó các vùng địa lý được định hướng phát triển phù hợp với sở trường kinh tế và đặc điểm địa lý-dân cư. Mục đích cũng vẫn nhằm tạo ra nguồn tài chính chủ động và bền vững, tạm ví như lắp thật nhiều động cơ mạnh cho một bộ máy to lớn. Ví dụ vùng lõi là Thành phố Hồ Chí Minh được dành để làm trung tâm giao thương, đầu mối xuất nhập khẩu... Các vành đai bên ngoài là vùng giáo dục với hệ thống các trường đại học vừa đào tạo nhân lực cho toàn vùng và cho cả nước, đặc biệt cho vùng, đồng thời là các trung tâm nghiên cứu. Các đô thị vệ tinh trong vùng tùy thế mạnh mà làm dịch vụ cảng, du lịch, xuất nhập khẩu, cung cấp nông sản, thủy hải sản (thế mạnh là xây dựng nhà m áy ngay tại vùng nguyên liệu), khu công nghiệp, khu chế xuất phù hợp... Mỗi khu vực trong vùng đều có chức năng phù hợp với vị trí và diện tích, nhân lực, để bổ sung cho nhau và thúc đẩy nhau phát triển.
Bệnh viện của vùng có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho người dân quanh vùng với năng lực tương đương nhau, mà không phải là người dân tận Cà Mau ho sốt cũng phải nằm xe đò nguyên đêm lên Thành phố Hồ Chí Minh để chữa bệnh như hiện tại.
Nói cách khác, ly nông không ly hương hay quy hoạch vùng tức là thực hiện trên diện rộng và chiều sâu chủ trương đang được nêu cao thời Covid-"Ai ở đâu thì ở đó". Không phải ai ở đâu thì bị nhốt ở đó mà là "Ai ở đâu thì phải được sống tốt ở chính nơi đó" !
Khu nhà ổ chuột bên kênh Xuyên Tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh. AFP
Nếu những chủ trương này thực hiện hoàn chỉnh, bờ xôi ruộng mật của đất nông nghiệp phải được gìn giữ. Các thành phố phải khống chế phát triển xây dựng nhà ở theo chiều cao, để không xảy ra tình trạng thành thị hóa nông thôn một cách ngu ngốc như hiện tại. Đó không phải là thành thị hóa mà là gặm nhấm đất canh tác-nguồn tư liệu sản xuất quan trọng và quý giá theo kiểu tằm ăn rỗi lem nhem, bừa bãi, không hề có tính toán, biến chúng thành những khu dân cư lộn xộn.
Vì đất canh tác teo nhỏ và mất dần, nhiều thế hệ nông dân đã chịu cảnh đời này nghèo hơn đời trước. Khi 13 tỉnh miền tây rộng lớn và trù phú trong thâm tâm luôn bị coi là nguồn nhân lực dự trữ cho Sài Gòn thì bao nhiêu tinh hoa các lĩnh vực đều nhấp nhổm chạy về Sài Gòn sinh sống và làm việc. Nông thôn ở khắp các tỉnh đều thiếu nhân lực giỏi và gắn bó với nông nghiệp. Với nhiều gia đình, con cái trụ lại được ở Thành phố Hồ Chí Minh là hy vọng mãnh liệt, xem như đổi đời. Còn cha mẹ già ở lại vùng quê chăm sóc ruộng đất với mớ kiến thức cũ kỹ lạc hậu, căn bản là không thể đột phá.
Đó đã là những chủ trương rất hợp thời đại.
Tiếc thay, nhìn lại cho đến giờ, chỉ thấy những bước thụt lùi liên tiếp
Vì các chủ trương nói trên đi liền với nhiệm kỳ của các lãnh đạo cụ thể. Khi họ rời nhiệm sở, nó cũng chết theo.
Nhưng đó đây không chỉ là tầm nhìn cá nhân của vài vị lãnh đạo được thừa nhận nhìn xa trông rộng. Đó là xu thế tất yếu của những đất nước đang phát triển hừng hực nhưng tự phát, thiếu cả định hướng lẫn nền tảng.
Sau một thời gian bùng cháy đạt các thành tích tăng trưởng nóng, hậu quả của sự phát triển thiếu nền tảng sẽ bộc lộ không thể che giấu được.
Đó chính là giai đoạn này.
Một miền Tây rộng lớn dồi dào sản phẩm từ đất đai nhưng không được quy hoạch đúng đắn, chỉ biết kêu khóc khi tắc biên xuất khẩu hay tắc đường lưu thông hàng hóa lên Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành nơi cung cấp công nhân chưa được đào tạo cho những khu công nghiệp, khu chế xuất Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh.
Một Thành phố Hồ Chí Minh địa linh nhân kiệt nhưng không được quy hoạch đúng đắn khiến trở thành vùng trũng của cả vùng, nhận lấy tất cả cái tốt của nhân lực, chất xám… đến oằn lưng chịu tất cả gánh nặng dân cư, lao động, y tế, văn hóa, giáo dục, an ninh, giao thông, dịch bệnh... của cả vùng đổ về.
Các địa phương cắt rời, mạnh ai nấy làm, bộ máy chính quyền các cấp đều quan liêu xa dân. Chính quyền trung ương không có thực quyền, rất nhiều dự án to lớn mang danh phát triển chỉ nhằm rút lõi ngân sách hoặc chiếm đóng các tài nguyên lợi ích béo bở. Thời gian để vơ vét vỏn vẹn bốn năm năm, họ chẳng sức nào quan tâm đến đời sống người dân hoặc sự phát triển bền vững của đất nước, của địa phương.
Chẳng ai ngờ một cơn đại dịch như bão lốc thốc qua, tốc toàn bộ mái nhà mục nát nhưng được sơn son thếp vàng lấp lánh của bộ máy chính quyền các cấp và các địa phương, phơi bày không thương tiếc những bất cập, điểm yếu chí mạng của nó.
Đại dịch này đang lắng dần và có thể sẽ qua đi khi đạt được miễn dịch cộng đồng. Thành phố lại mở cửa, lại đón khách du lịch, lại làm ăn sôi động. Nhưng có lẽ sẽ không có bài học sâu sắc nào về quy hoạch được rút ra. Sâu trong nền tảng của Thành phố Hồ Chí Minh, tuy rằng đã chằng chịt vết nứt, nhưng mọi thứ sẽ vẫn như cũ. Nhiều ngàn người trong các khu ổ chuột nhiễm bệnh chết đi, nhưng những khu ổ chuột ấy vẫn kiên cường tồn tại. Miền Tây vẫn bị nhìn nhận là ít học, cảm tính, cải lương, đàn ông ham nhậu, con gái ham tiền, nghĩ ngắn. Miền Đông, Tây Nguyên thì khù khờ, kém văn minh, "trên núi xuống". Vẫn là cái nguồn tiếp tế nguồn nhân lực bậc thấp cho Thành phố Hồ Chí Minh, còn nhân lực bậc cao thì bị Thành phố Hồ Chí Minh nuốt hết.
Quy hoạch là một khoa học. Cũng như các ngành khoa học khác, mục đích tối thượng của chúng là phục vụ và tôn vinh con người.
Nhưng những phận người cùng khổ lượm ve chai dưới những pa-nô khổng lồ vẽ các khẩu hiệu vĩ đại do dân vì dân kia, sẽ không bao giờ hiểu vì sao họ lại phải trôi dạt lên Sài Gòn để sống và chết đi trong đại dịch này. Cuộc sống và cái chết của họ- tất cả đều tối tăm và vô định, dường như không có bất cứ ý nghĩa nào.
Trần Lê Minh
Nguồn : RFA, 01/10/2021