Có phải đơn giản là để "hù dọa"…
Một video được lan truyền trên mạng xã hội vào ngày 3/10 vừa qua ghi lại cảnh cán bộ công an dùng dùi cui điện dí vào người một thanh niên đang bị còng một tay vào cửa sổ. Mặc cho nạn nhân đau đớn gào xin "Con xin chú", nhưng cán bộ công an vẫn liên tục nẹt điện chích vào khắp cơ thể nam thanh niên này.
- Photo : RFA
Ngày 4/10, đại tá Lê Trung Hai, Trưởng công an thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam xác nhận với báo chí trong nước rằng vụ việc trên xảy ra tại đồn công an phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn.
Ông Hai nói vào chiều ngày 8/9, nam thanh niên trong clip tên là Hoà, cùng với nhóm bạn mang theo dao tự chế, chuẩn bị đánh nhau trên địa bàn phường Vĩnh Điện. Lúc đó, tổ tuần tra đi qua thấy khả nghi nên bắt cả nhóm về đồn. Còn người mặc sắc phục công an, đại úy Trần Đình Định, đã bị đình chỉ công tác ngay sau khi clip vụ chích điện được lan truyền trên mạng xã hội.
Cũng theo đại tá Lê Trung Hai, theo bước đầu xác minh, cả đại úy Trần Đình Định và Hòa đều xác nhận hành vi chích điện chỉ mang tính chất "hù dọa", với mục đích để nhóm thành niên này chịu "hợp tác làm việc" trong quá trình lấy lời khai mà thôi. Hiện tại, sức khoẻ và tâm lý của Hòa vẫn bình thường.
Một luật sư trong hiện đang hành nghề trong nước, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, nêu quan điểm của ông với RFA rằng rõ ràng việc chích điện người bị tạm giữ không thể nói đơn giản chỉ là để "hù dọa" được. Đó là hành vi vi phạm pháp luật và có thể sẽ bị khởi tố về tội "bức cung, dùng nhục hình" :
"Theo quan điểm của tôi, về mặt pháp luật thì không được phép sử dụng những hình thức bức cung, nhục hình hay hù dọa như là dùng roi điện để dí vào người như vậy. Trong trường hợp họ làm như vậy thì có thể cho là có hành vi trái pháp luật.
Nếu trong một môi trường pháp luật nghiêm minh thì chắc chắn những người sử dụng dùi cui điện dí vào người phạm tội chẳng hạn, thì họ đã hành xử sai với quy định của pháp luật và có thể xem xét để khởi tố hình sự được. Giả sử nếu mà không dùng điều luật bức cung nhục hình thì cũng có thể khởi tố về hành vi cố tình gây thương tích".
Ở Việt Nam hiện nay chưa có tội về hành vi "tra tấn" như Công ước Chống tra tấn, nhưng mà có hành vi khác để mình có thể xử lý được là tội dùng nhục hình, hoặc là tội bức cung. Nhưng mà những cái tội này theo tôi biết thì họ khởi tố khá hạn chế những người làm việc trong ngành công an. Vì họ muốn bảo vệ hình ảnh của ngành công an và chế độ trước mắt công chúng".
Luật sư giấu tên cũng cho biết hiện nay luật Việt Nam có quy định là phải trang bị camera trong phòng hỏi cung hoặc là những phòng làm việc với phạm nhân, nghi phạm… Nhưng cho đến bây giờ, chính quyền Việt Nam vẫn chưa bố trí đủ tiền để trang bị camera. Trong khi tiền để làm những việc khác thì họ chi rất nhiều, còn những việc làm để đảm bảo về quyền con người, quyền công dân thì dường như là họ lờ đi.
Hay là hành động "tra tấn" !
Bà Nguyễn M.H, điều phối viên của dự án Liên minh Chống tra tấn Việt Nam (Vietnam Coalition Against Torture VN-công anT) trả lời RFA rằng việc cán bộ công an chích điện người bị tạm giữ với mục đích lấy thông tin chính là hành vi "tra tấn" :
"Đó là hình thức dùng nhục hình, thì tự hình thức dùng nhục hình chưa cấu thành hành vi tra tấn, nhưng mà mục đích của hành vi nhục hình là đe dọa để lấy lời khai thì đã cấu thành hành vi tra tấn.
Rõ ràng là người này bị còng tay ở trên cửa sổ, liên tục bị dí điện trong một nơi có vẻ là đồn công an hoặc là cơ sở của Nhà nước, cái đó trên phương diện của Công ước Chống tra tấn thì đã đủ để cấu thành tội tra tấn".
Trong Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc, một trong những hành vi "tra tấn" được định nghĩa là "bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện…, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức…"
Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc vào năm 2013. Vào năm 2018, Chính phủ Hà Nội đã có hai buổi điều trần với Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc. Tại phiên trả lời các câu hỏi của thành viên Ủy Ban, chính phủ Hà Nội đã phủ nhận tất cả các thông tin cáo buộc công an tra tấn người dân.
Bà M.H đánh giá từ sau phiên điều trần hồi năm 2018, Chính quyền Hà Nội ít nhiều có giảm bớt các vụ việc tra tấn trong các cơ sở giam giữ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thực hiện theo khuyến nghị của Ủy ban Chống tra tấn, điển hình như việc làm rõ khái niệm và quy định rõ tội "tra tấn" trong Bộ luật Hình sự Việt Nam :
"Sau năm 2018, khi mà họ có buổi kiểm định về Công ước Chống tra tấn, một năm sau họ phải nộp cái báo cáo về việc họ đã thực thi những khuyến nghị của Liên Hiệp Quốc như thế nào, nhưng họ còn nợ.
Chính quyền họ cứ đối phó bằng cách đưa ra các văn bản pháp luật ra vẻ là chúng tôi cũng có sửa khung luật, có làm thế này thế kia, nhưng mà họ nói nhiều hơn làm. Cái chuyện thực hiện còn cách lời hứa còn xa lắm.
Mình vẫn phải tiếp tục, vẫn phải tác động và vận động quốc tế áp lực vô để cho họ từng bước giảm thiểu bớt, hoặc có thể thay đổi khung luật để hợp lý hơn".
Còn theo vị luật sư giấu tên, ông cho rằng Việt Nam hiện nay tham gia rất nhiều các công ước quốc tế, nhưng họ chỉ tham gia "cho có, cho vui", nhằm quảng bá với Thế giới là Việt Nam cũng đã tham gia đầy đủ công ước này để đảm bảo quyền con người. Nhưng trong thực tế, việc chính quyền thực hiện ra sao lại là vấn đề khác, và dường như họ không muốn thực thi những điều mà họ đã ký kết.
Cao Nguyên
(06/10/2021)