Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/05/2017

Đất của sân bay phải để làm sân bay !

Bạch Đằng

Ông Nguyễn Sỹ Hưng : "Theo tôi, chức năng của đất đó làm gì thì trả về như cũ để làm đúng chức năng của nó. Đất của sân bay phải để làm sân bay !".

Trong thời gian gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước ở khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cả bên trong, bên ngoài đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Năm 2016, sân bay Tân Sơn Nhất đã phục vụ 32 triệu lượt khách, trong khi hạ tầng hiện tại chỉ để phục vụ 25 triệu lượt khách.

Trước tình hình này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các cơ quan chức năng tìm phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi Bộ Quốc phòng bàn giao 21 héc-ta, sân bay này được nâng cấp dự kiến đảm bảo công suất đón 45 triệu lượt khách/năm.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh của ngành hàng không và nền kinh tế nói chung, dự báo sau năm 2020 sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục quá tải.

Đó là lý do mà gần đây nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải thu hồi diện tích đất sân golf 157 héc-ta trong khu vực đất của sân bay Tân Sơn Nhất để giải quyết các vấn đề bất cập trên.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Sỹ Hưng - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng diện tích đất ấy cần thiết để dành cho sân bay.

sanbay1

Ông Nguyễn Sỹ Hưng - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (ảnh baogiaothong.vn).

Ông Hưng nói : "Việc có thu hồi đất sân golf hay không cần thiết phải có một cuộc họp các chuyên gia, các bên, để đưa ra kết luận thế nào đó đúng nhất.

Tất nhiên, đúng nhất theo tôi là chức năng của đất đó làm gì thì trả về như cũ để làm đúng chức năng. Đất của sân bay phải để làm sân bay !

Bây giờ, đã chót làm sân golf rồi, việc xử lý như thế nào rất là phức tạp. Do đó cần một cuộc họp để bàn cách xử lý thế nào cho nó hợp lý, thuận các phía.

Mục đích cuối cùng vẫn là để làm sao giải tỏa được ách tắc sân bay Tân Sân Nhất.

Với tư cách là một người dân bình thường, tôi rất là mong muốn cần thiết phải được giải quyết xong vấn đề ách tắc sân bay.

Đây là bài toán trước mắt cần phải được xử lý, phải ưu tiên để giải quyết, vì sân bay đang tắc nghẽn nghiêm trọng".

sanbay2

Nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (ảnh : nguồn giaoduc.net.vn).

Cũng liên quan đến việc có nên thu hồi đất sân golf trong thời điểm này hay không, chia sẻ quan điểm với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bảo (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng : "Mấu chốt của sân bay Tân Sân Nhất bây giờ là vấn đề thoát nước và lưu lượng giao thông phục vụ hành khách đang quá tải nghiêm trọng.

Do đó, nếu để phục vụ giải quyết ngập nước và tắc nghẽn giao thông mà cần thiết phải giải tán sân golf thì tôi nghĩ nên làm.

Còn vì một mục đích nào khác thì tôi cho rằng nên nghiên cứu kỹ. Quan điểm của tôi là tất cả lợi ích của xã hội phải được đặt ngang bằng nhau. Lợi ích cho người dân đi lại là nhu cầu cấp thiết cho phát triển đất nước trong giai đoạn này.

Để phát triển du lịch cần có sân golf, nhưng sân golf đặt vị trí trong khu vực sân bay Tân Sân Nhất có làm ảnh hưởng đến giao thông và hệ thống thoát nước của sân bay hay không cần thiết phải được trả lời ?

Tôi nắm được rằng, có ý kiến nên đào hồ chứa nước để giải quyết vấn đề ngập nước cho mùa mưu lũ ở sân bay Tân Sân Nhất. Đó là phương án Thành phố Hồ Chí Minh tính toán đưa ra. Rõ ràng, muốn đào hồ điều hòa thì chắc chắn phải có quỹ đất.

Nếu thu hồi sân golf mà giải quyết được ùn tắc giao thông, giải quyết được vấn đề ngập lụt cho sân bay thì nên thu hồi.

Quan điểm của tôi, nếu được hỏi ý kiến trước khi đầu tư sân golf tại sân bay Tân Sơn Nhất thì tôi cho rằng không nên làm tại chỗ ấy. Nên tìm chỗ đất khác để làm sân golf thì hợp lý hơn".

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư sân golf này với thời gian thuê đất là 50 năm.

Diện tích khu đất 157 héc-ta quy hoạch dự án khu sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất nằm trong khu sân bay Tân Sơn Nhất có diện tích hơn 820 héc-ta.

Điều đáng nói dù là dự án sân golf nhưng trong 157 héc-ta ấy phần sân golf chỉ chiếm khoảng 111 héc-ta ; trong khu này đã được xây dựng cả biệt thự, chung cư, khách sạn cao cấp, trường học...

Bạch Đằng

Nguồn : GDVN, 17/05/2017

***********************

Sân golf và quyền lực quân đội (BBC, 07/05/2015)

Sân golf của quân đội gần sân bay Tân Sơn Nhất đang trở thành biểu tượng cho sự mâu thuẫn lợi ích giữa lực lượng này và công chúng.

sanbay3

Ảnh minh họa - ZING.VN

Đây là nhận định của cây bút Mike Ives, từ hãng thông tấn AP, trong bài viết ngày 3/5.

Ông Ives cho rằng việc chính phủ Việt Nam đề xuất xây dựng sân bay Long Thành thay vì sử dụng lô đất mà Bộ Quốc phòng đang dùng làm sân golf, cho thấy quyền lực của quân đội cũng như tầm ảnh hưởng của lực lượng này lên nền kinh tế Việt Nam.

BBC tiếng Việt giới thiệu với bạn đọc toàn bài viết :

Sân bay bận rộn nhất của Việt Nam, nơi từng đón hàng nghìn lính Mỹ đến tham chiến, giờ đây là tâm điểm của một vụ việc gây tranh cãi liên quan đến quyền lực của quân đội trong lĩnh vực thương mại.

Để giải quyết tình trạng quá tải tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, các lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản đã đề xuất xây một sân bay trị giá 15,8 tỷ đôla, cách đó khoảng 40km.

Tuy nhiên một số cư dân thành phố và các chuyên gia hàng không nói việc mở rộng sân bay sang khu đất kế đó, vốn do quân đội quản lý, là điều hợp lý hơn.

Dư luận cũng không khỏi thắc mắc là vì sao nơi này lại được sử dụng để xây dựng sân golf.

Sử dụng lô đất kế bên làm sân golf là "bất hợp lý", ông Lê Trọng Sanh, cựu trưởng phòng quản lý bay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, nói.

"Chúng tôi cần lấy lại sân golf".

Cuộc tranh luận làm nổi bật một vấn đề hiếm thấy ở Việt Nam : Mâu thuẫn giữa lợi ích của quân đội với lợi ích công chúng.

Quân đội Nhân dân Việt Nam, vốn vừa kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Hoa Kỳ, từ lâu là một đội quân trang bị thô sơ, nhưng gan lì.

Đội quân này đã đẩy lùi cả người Pháp và Trung Quốc vào thế kỷ trước.

Kể từ Chiến tranh Việt Nam, lực lượng này đã cho ra đời hàng loạt doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, từ xây dựng, dịch vụ sân bay, đóng tàu, may mặc, đến các lĩnh vực khác.

Hai tập đoàn được nhiều người biết đến là Viettel và Ngân hàng Quân đội.

Theo thống kê của chính phủ, các doanh nghiệp quân đội có lợi nhuận trước thuế là 46 nghìn tỷ đồng (2,14 tỷ đôla) trong năm 2014.

Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp này đôi khi hoạt động ngoài tầm kiểm soát của Đảng Cộng sản, và quy mô các hoạt động thương mại của họ vẫn chưa được làm rõ.

Phía quân đội đã từ chối đề nghị phỏng vấn và không trả lời câu hỏi qua email từ các phóng viên về hoạt động thương mại của mình.

sanbay4

Sân golf gần sân bay Tân Sơn Nhất

Nhiều quân đội trên thế giới cũng tham gia kinh doanh, và quốc gia Đông Nam Á này cũng không ngoại lệ.

Ông Andrew Wood, trưởng phân tích gia tại Châu Á của hãng tư vấn BMI Research, nói các doanh nghiệp quân đội tại Việt Nam đóng vai trò nhỏ hơn trong nền kinh tế nội địa so với Myanmar, nhưng lớn hơn so với Trung Quốc và Indonesia.

Viettel thu về gần 2 tỷ đôla lợi nhuận trước thuế hồi năm ngoái, tức 85% lợi nhuận từ cả khối doanh nghiệp quân đội, trang Zing News dẫn lời tổng giám đốc doanh nghiệp này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nói hồi tháng Một.

Viettel cũng có kế hoạch mở rộng sang các thị trường tại Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latin.

Nhiều người Việt cho rằng các công ty quân đội hoạt động minh bạch hơn một số cơ quan chính phủ khác, nhất là khối doanh nghiệp nhà nước.

Các vụ bê bối tài chính là điều thường thấy ở Việt Nam, nhưng hiếm khi dính líu đến người của quân đội.

"Ngân hàng này thuộc về quân đội, vì vậy người dân dễ tin tưởng hơn" các ngân hàng khác, một chủ doanh nghiệp bất động sản nói.

Khối ngân hàng của Việt Nam có tỷ lệ nợ xấu cao nhất Châu Á. Nhưng Ngân hàng Quân đội lại nằm trong số những ngân hàng hoạt động tốt nhất, ông Peter Sorensen, giám đốc điều hành hãng tư vấn ABB Merchant Banking, nhận định.

Việt Nam là một trong số 12 quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận do Hoa Kỳ dẫn đầu, vốn đang trong quá trình đàm phán.

Giới chức Hoa Kỳ nói TPP nhiều khả năng sẽ bao gồm các điều khoản buộc khối doanh nghiệp nhà nước phải minh bạch hóa nhiều hơn.

Ông Sorensen nói các doanh nghiệp quân đội có thể sẽ bị đặt dưới áp lực về dài hạn từ TPP cũng như các thỏa thuận thương mại mà Việt Nam đang đàm phán trong năm nay.

Tuy nhiên ông tỏ ra nghi ngờ về những tác động cụ thể trong ngắn hạn.

Năm 2007, Trung ương Đảng đã ra lệnh cho 140 doanh nghiệp quân đội đầu tư đa ngành.

Số lượng này giảm xuống còn 98 trong hai năm, theo một báo cáo của BMI Research.

"Chính phủ đang tìm cách đẩy quân đội ra khỏi các hoạt động thương mại thuần túy", giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, nói.

Bà lê Thị Thanh Hoa, hành nghề bán chim bên đường, gần sân golf cạnh sân bay, nói quân đội là chủ thuê mặt bằng của bà và nhiều người khác trong khu vực.

"Kinh doanh với quân đội khá tốt vì giá cả ổn định", bà nói, đồng thời cho biết bà đã trả tiền thuê 30 triệu đồng/tháng trong 5 năm qua.

"Quân đội rất nhiều quyền lực và họ kiểm soát toàn bộ khu vực này".

Sân golf Tân Sơn Nhất chỉ cách đó khoảng nửa cây số, với nhà nghỉ câu lạc bộ - Điện Him Lam - được lót đá cẩm thạch và đèn chùm mạ vàng tại tiền sảnh.

Him Lam, công ty tư nhân có logo đặt tại tòa nhà, có quan hệ "mật thiết" với Bộ Quốc phòng và đã tham gia vào nhiều dự án lớn tại các công trình do quân đội sở hữu, một nhà ngoại giao Hoa Kỳ viết vào năm 2006, theo tài liệu được trang Wikileaks rò rỉ.

Tài liệu này cũng nói ông Dương Công Minh, chủ tịch tập đoàn Him Lam, từng nói với các nhà ngoại giao rằng đất đai và tiền thuê bất động sản là nguồn thu "ngoài ngân sách" chính của Bộ Quốc phòng.

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đón khoảng 20 triệu lượt khách mỗi năm và được cho là sẽ đón 25 triệu khách vào năm 2017 sau khi được mở rộng.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam, ông Đinh La Thăng, nói sân bay mới là sự lựa chọn duy nhất của nước này, vì việc mở rộng sân bay hiện nay sẽ làm tăng nạn kẹt xe, ô nhiễm và khả năng gây ra tai nạn, đồng thời khiến 140.000 gia đình sống trong diện tích 541 ha gần đó phải di dời.

Nhưng ông Sanh nói việc xây dựng đường bay và bãi đỗ mới có thể nâng số lượng khách lên 45 triệu người vào năm sau.

Ông nói giá sân bay mới, gần bằng 1/10 GDP Việt Nam, sẽ tạo áp lực tài chính rất lớn.

Năm ngoái ông và một cựu phi công quân đội, ông Mai Trọng Tuấn, đã gửi một lá thư lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để kiến nghị về vấn đề này.

Cho đến nay họ vẫn chưa nhận được câu trả lời.

***********************

Sân bay Tân Sơn Nhất 100 năm trước (VnExpress, 04/09/2016)

Ban đầu sân bay Tân Sơn Nhất có một đường băng, nền đất, xung quanh trồng cỏ chỉ dùng cho quân sự, năm 1921 tuyến bay thẳng Hà Nội – Sài Gòn đầu tiên được khai trương, một lượt bay mất 8 giờ 30 phút.

Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 8 km về phía Bắc, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) là đầu mối giao thông quan trọng của cả miền Nam. Năm 2015, sân bay phục vụ hơn 26,5 triệu lượt khách, nằm trong nhóm 50 sân bay có lượng khách nhiều nhất thế giới.

sanbay4

Ảnh sân bay Tân Sơn Nhất năm 1968, khu vực trên và dưới đường băng vốn là căn cứ quân sự nay thành khu dân cư và sân golf. Ảnh : Flickr

Theo cuốn Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, Tân Sơn Nhứt (tên ngày xưa) trước năm 1919 là tên một ngôi làng nằm trên gò đất cao ráo phía Bắc Sài Gòn có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh vào khai phá, lập nên đất Sài Gòn – Gia Định. Về địa giới hành chính, làng thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định và giáp các thôn Tân Sơn Nhì, Hạnh Thông Tây, Phú Nhuận... nay đều là tên các địa danh ở thành phố.

Đến năm 1920, khi thành lập phi đội Nam kỳ, chính quyền thực dân Pháp lấy phần lớn diện tích của làng Tân Sơn Nhứt để xây dựng sân bay. Tên của làng cũng thành tên sân bay từ đó. Phần đất còn lại của ngôi làng nhỏ hẹp không đủ tiêu chuẩn lập làng riêng, nên hợp với làng Chí Hòa thành làng Tân Sơn Hòa.

Ban đầu sân bay Tân Sơn Nhứt có một đường băng, nền đất, xung quanh trồng cỏ chỉ dùng cho quân sự. Năm 1921 tuyến bay thẳng Hà Nội – Sài Gòn đầu tiên được khai trương, một lượt bay mất 8 giờ 30 phút.

Năm 1930, chính quyền Sài Gòn muốn mở rộng sân bay phục vụ mục đích dân sự nhưng giá đất xung quanh sân bay đã cao vọt lên, không đủ ngân sách để bồi thường. Người ta nghĩ tới việc tìm ở Cát Lái thuộc Thủ Đức một khu đất vuông vức, mỗi chiều 1.400 m để xây dựng sân bay khác.

Công việc chưa kịp tiến hành thì gặp lúc khủng hoảng kinh tế thế giới, nếu xây dựng lại từ đầu tốn kém nên chương trình làm sân bay mới đành hủy bỏ. Nhà chức trách lúc bấy giờ quay lại việc đền bù để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhứt.

sanbay5

Sân bay Tân Sơn Nhất năm 1938 trong lần đón Bảo Đại bị thương khi đi săn ở Đà Lạt về Sài Gòn chữa trị. Ảnh : Tư liệu

Cuối năm 1933, chuyến bay quốc tế đầu tiên của Hãng hàng không Pháp (Air France) bay tuyến Paris – Sài Gòn (hồi đó không bay đêm) mất đúng một tuần mới hạ cánh Tân Sơn Nhất. Sau đó, nhiều tuyến bay quốc tế khác được mở. Đến năm 1937, toàn quyền Đông Dương cho thành lập Sở hàng không dân dụng Đông Dương thay thế cho Sở Hàng không dân sự, để lo việc khai thác các chuyến bay.

Khi vào Việt Nam, Mỹ cho xây dựng sân bay rộng hơn, dài hơn 3.000 m bằng bêtông thay cho đường băng đất đỏ Pháp làm trước đó. Sân bay mới vừa phục vụ thương mại vừa là nơi không quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn sử dụng làm căn cứ.

Theo một chuyên gia ngành hàng không, trước năm 1975, Tân Sơn Nhất có số lượng chuyến bay mỗi ngày cao nhất tại Đông Nam Á. Quỹ đất để phát triển lâu dài sân bay lúc đó khoảng 3.600 ha, gấp ba lần quỹ đất sân bay Changi ở Singapore.

Phần đất này sau 1975 được cắt ra trong quá trình đô thị hóa, giao cho một số quận như Tân Bình, Gò Vấp quản lý. Theo đó, đoạn từ ngã tư Bảy Hiền dọc đường Trường Chinh về ngã tư An Sương hay từ Phổ Quang sang Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung... vốn nằm trong hàng rào sân bay Tân Sơn Nhất xưa.

Hiện sân bay chỉ còn khoảng 1.500 ha, trong đó 850 ha được sử dụng dân dụng, phần còn lại do Bộ Quốc phòng quản lý. Trong đất quân đội này có 160 ha để làm sân golf và dịch vụ. Cuối năm 2015, Bộ Quốc phòng cũng thông tin sẵn sàng nhường 20 ha đất ở khu vực sân bay cho Bộ Giao thông Vận tải để mở rộng Tân Sơn Nhất nhưng đến nay việc bàn giao chưa hoàn tất.

sanbay6

Không ảnh sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại. Ảnh : Panoramio

Tân Sơn Nhất hiện quá tải do tốc độ phát triển nhanh trong khi việc mở rộng bị đình trệ. Thêm nữa, sân bay phải đối diện việc ngập nước, ảnh hưởng đến hàng chục chuyến bay cũng như đe dọa an toàn bay.

Chiều tối 26/8 mưa lớn, khu vực bãi đỗ máy bay gần kênh thoát nước A41 bị ngập hơn 30 cm khiến hàng chục chuyến bay bị ảnh hưởng, nhiều chuyến phải chuyển sang đáp ở các sân bay lân cận hoặc nước ngoài.

VnExpress 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bạch Đằng
Read 996 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)