Việt Nam đang có nhiều bộ lạc…
Hoài Nguyễn, VNTB, 14/10/2021
Từng tỉnh thành tự ra quy định bất chấp trung ương, mọi người cứ ví mỗi tỉnh là một quốc gia riêng là không đúng. Làm kiểu này thì mỗi tỉnh chỉ là một bộ lạc được ông tù trưởng cai quản chớ xã hội văn mình thì không có vậy.
Từng tỉnh thành tự ra quy định bất chấp trung ương, mọi người cứ ví mỗi tỉnh là một bộ lạc được ông tù trưởng cai quản.
Ngày 11/10, Tổ Đại biểu quốc hội đơn vị số 10 (thuộc Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) gồm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ và thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Tin tức báo chí thuật rằng lúc trao đổi với cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nước ta đã thay đổi chiến lược từ Zero Covid-19 sang thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn còn cứng nhắc trong vận dụng quy định phòng, chống dịch gây bức xúc dư luận, trong đó có tình trạng "ngăn sông cấm chợ".
Chủ tịch nước cho rằng, quan điểm "mỗi phường, xã là một pháo đài chống dịch" là nhằm khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở chứ không có nghĩa là biệt lập, không được đưa ra những quy định riêng biệt, trái với chỉ đạo của trung ương, dẫn đến "ngăn sông cấm chợ", cản trở các hoạt động lưu thông hàng hóa, dịch vụ. "Nếu mỗi nơi làm một kiểu thì gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, ách tắc lưu thông, đứt gãy chuỗi cung ứng", Chủ tịch nước nói.
Thế nhưng không nghe ông Nguyễn Xuân Phúc có bất kỳ ý kiến gì cho xử trí vấn đề trên, khi ông còn đồng thời giữ chức vụ là Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
Lưu ý, cho dù "mỗi phường, xã là một pháo đài chống dịch" có ra sao đi nữa thì vẫn buộc phải tuân theo Luật tổ chức chính quyền địa phương . Điều 9 của luật này cho biết việc "mỗi nơi làm một kiểu", xét đến cùng thì đó là lỗi từ cơ quan cấp trung ương, không phải lỗi địa phương như lời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
"Điều 9. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân
1. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân được tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện, là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên.
2. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực cấp trên.
3. Việc tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân phải bảo đảm phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và điều kiện, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương ; bảo đảm tinh gọn, hợp lý, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực từ trung ương đến cơ sở ; không trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cấp trên đặt tại địa bàn".
Nôm na, khi Thủ tướng Chính phủ giao cho lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm phòng, chống dịch, thì khi dịch bệnh bùng phát, nếu chính quyền địa phương đưa ra những quyết định về xử trí dịch bệnh không hiệu quả, xét cho cùng, đó là lỗi của cơ quan nhà nước chuyên trách cấp trên là Bộ trưởng Y tế, cùng với một phó thủ tướng nào đó được phân công phụ trách về lãnh vực y tế – ở đây là ông Nguyễn Thanh Long và Vũ Đức Đam.
Tương tự, "ách tắc lưu thông, đứt gãy chuỗi cung ứng", lỗi cuối cùng là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Còn để xảy ra tình trạng người dân đói khổ trong suốt thời gian dịch giã, đó là lỗi công vụ của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Và dĩ nhiên nếu ai đó viện dẫn tới Điều 4 của Hiến pháp cho toàn bộ câu chuyện ở trên, không gì bàn cãi về trách nhiệm tối cao thuộc về người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 14/10/2021
*******************
Covid : Khó gỡ phong tỏa ở các địa phương từng bị làm ‘pháo đài ?
Dường như ở một số địa phương tại Việt Nam vẫn có mâu thuẫn trung ương – địa phương về quyền hạn và cách thức quản lý quốc gia trong quá trình tháo gỡ phong tỏa.
Phạt người về từ vùng dịch, Ninh Thuận lập biên bản 1.362 trường hợp về quê, tạm giữ 679 xe máy, báo Tuổi trẻ đưa tin. Chưa có địa phương nào hành xử ghê gớm như Ninh Thuận đối với người dân trở về quê hương tìm đường sống
Việc chặn "quyết liệt" lưu thông tại các đô thị miền Nam là một trong nhiều lý do khiến hàng vạn lao động đã tháo chạy về quê ngay khi lệnh dỡ phong tỏa được ban ra.
Nhưng cho đến các ngày 10-11/10/2021, ở miền Bắc, báo chí và mạng xã hội phản ánh nhiều người dân bị cản lại, được cho qua, được xe công an dẫn đường, nhưng có nơi người dân bị kẹt trên quốc lộ, không được đi tiếp…
Ví dụ có người dân Hà Nội cho BBC hay, việc qua hơn 20 chốt ở thành phố này để về các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương là "vô cùng khó khăn".
Đặc biệt, chương trình bắt đi "cách ly tập trung" khiến xã hội Việt Nam sống trong tâm lý sợ hãi triền miên, theo nhiều ý kiến trên mạng xã hội.
Phương châm chống dịch "mỗi địa phương là một pháo đài" nay chuyển thành nỗi lo "cát cứ, chia cắt" của chính quyền, như chính lời Thủ tướng Phạm Minh Chính nói gần đây.
Cũng vẫn ông Phạm Minh Chính hồi tháng 9 đã kêu gọi "mỗi huyện, mỗi xã là một pháo đài" để ngăn Covid lây lan.
Các pháo đài trở thành lô cốt ?
Nhưng đến hôm 09/10, viết trên trang Facebook của mình, Chính phủ Việt Nam khẳng định "Tăng cường kiểm tra, không để địa phương mỗi nơi làm một kiểu".
"Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt". "Bộ Giao thông Vận tải tham khảo ý kiến các địa phương nhưng người quyết định phải là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ Giao thông Vận tải…"
Vẫn theo trang này : "Các địa phương phải nắm chắc tình hình, chia sẻ, phối hợp tổ chức thật tốt việc đưa đón người về quê và từ quê trở lại, bảo đảm kiểm soát dịch bệnh và an toàn, an ninh cho nhân dân".
Hiệu quả điều hành của chính quyền trung ương và địa phương lại nổi lên là một trong những tâm điểm chú ý của dân. Nhiều người công khai đặt câu hỏi và bình luận trên mạng xã hội.
Địa phương không thể đóng cửa ?
Ông Nguyễn Công Khế bày tỏ trên trang cá nhân : "Đây là tiêu đề rất hay trên báo Một Thế Giới hôm qua, ngày 6-10 : Không thể mở cửa nền kinh tế nếu không mở sự đi lại".
"Hôm qua, một người bạn tôi công tác cần, có xét nghiệm âm tính, có hai mũi Vaccine, có giấy đi đường cũ còn giá trị, có khai báo y tế…không thiếu một thứ gì. Cậu em phóng viên ở Bà Rịa – Vũng Tàu bảo với anh ấy : anh chớ đi ngang qua Bà Rịa – Vũng Tàu, dù không dừng lại ở đó, vì đi ngang qua địa phương này, phải có ý kiến của Chủ tịch tỉnh".
Bạn Nguyễn Hữu Thắng bình luận : "Tại sao ngành đường sắt không tạo điều kiện để đón người dân về quê. Đường Sắt có nhiều thuận lợi như chở được nhiều người và hàng hóa cùng một lúc, có hậu cần đầy đủ, tuyến đường cách biệt với đường bộ, ít xen vào khu dân cư mà cũng đảm bảo dừng được nhiều địa phương… Các lãnh đạo nên ra đường để xem người ta di chuyển về quê".
QuangHue Vo kể : "Một chủ doanh nghiệp và ba ông bạn chuyên gia người nước ngoài là lãnh đạo ba công ty lớn ở TP HCM đi ra nghỉ ở Bà Rịa – Vũng Tàu và làm việc ở nhà, điều hành công việc kinh doanh từ xa. Bây giờ hết Lockdown, đã chích ngừa xong, muốn về lại nhà ở thành phố và làm việc trực tiếp "bình thường mới" trong văn phòng, nay phải xin phép của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu".
Trương Sỏi thắc mắc : "…Sao Thủ tướng nói sống chung với dịch mà mỗi tỉnh làm mỗi kiểu vậy ? Hà Nội, Đà Nẵng vẫn chưa đồng ý cho bay ?"
Không dừng lại ở đây, My Lan thẳng thừng : "Loạn sứ quân, quan lớn nói đàng, quan nhỏ làm nẻo riết dân không biết ông mô đúng, ông mô sai".
Do Minh nói thêm : "Chúng ta đang làm đông cứng lại huyết mạch giao thông cả nước, xem ra còn nguy hiểm hơn cả con virus Covid19. "Phép vua thua lệ làng" không còn là hiện tượng cá biệt".
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược ở An Giang ?
Trong tuần qua, người dùng mạng xã hội Việt Nam chia sẻ một đoạn ghi âm được cho là cuộc trao đổi giữa ông Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công An tỉnh An Giang và cựu Bí thư tỉnh ủy.
Cũng trong đoạn băng âm thanh này, người được cho là ông Đinh Văn Nơi đã phản đối lệnh của cấp trên điều động quân đội, công an trấn áp người dân.
"Tôi nói thật với anh, làm nhiều cái tôi muốn đập bàn luôn, không phải chuyện đơn giản đâu. Ông cứ phát biểu, ông đòi kêu công an, quân đội đi ra, xách súng xách đạn ra. Tôi không làm đó. Làm cái gì tôi ! ?"
Báo chí nhà nước nói đây là một đoạn ghi âm bị "cắt ghép".
VnExpress nói : "Lãnh đạo Công an tỉnh An Giang cho biết, cơ quan điều tra đã xác định được người có liên quan đến vụ cắt ghép file ghi âm của Đại tá Đinh Văn Nơi với ý đồ xấu".
Tuy thế, tờ báo không phủ nhận giọng nói đó là của ai khác và "cắt ghép là cắt ghép như thế nào".
Nội dung video này vẫn có thể tiếp cận được trên mạng YouTube theo kiểm tra của BBC News tiếng Việt ngày 10/10.
Theo tờ Tuổi Trẻ có bài : "Khởi tố vụ án liên quan đoạn ghi âm cắt ghép của đại tá Đinh Văn Nơi", khiến vụ việc càng làm dư luận chú ý.
"Ngày 9/10, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh An Giang đã khởi tố vụ án ‘Làm, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước’ liên quan đến đoạn ghi âm bị cắt ghép của đại tá Đinh Văn Nơi".
Cùng lúc có kiến cho rằng việc khác biệt quan điểm trong bộ máy chính quyền về cách chống dịch Covid là chuyện hoàn toàn bình thường.
Có người còn chỉ ra rằng chính phủ Việt Nam cũng thường "trái ngược" với chính họ trong cách ứng xử trước đại dịch, thậm chí bị động chạy theo tình hình, theo một bài của T.K. Tran, đăng trên BBC gần đây.
Riêng tại An Giang, việc không làm theo Trung ương là tiền lệ đã có.
Sau cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tối 01/10, tỉnh này giữ vững quan điểm là không tiếp nhận người về quê theo đường "tự phát".
Chủ tịch UBND, ông Nguyễn Thanh Bình nói rằng còn có nơi dịch diễn biến phức tạp và các khu tiếp nhận cách ly tập trung đã đầy.
"Điều này đã đặt An Giang vào tình thế là không thể tiếp nhận người dân về trong thời gian tới", ông được báo Lao Động dẫn lời
Sớm ngày hôm đó 1/10, Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận tải ký công điện gửi các tỉnh phía Nam yêu cầu kiểm soát và phục vụ tốt người dân có nhu cầu về quê.
Từ những những sự việc nêu trên, một phần dư luận Việt Nam đang tiếp tục mất niềm tin vào một chiến lược thiếu tính thống nhất trong việc quản lý, vận hành đất nước từ trung ương đến địa phương.
Nhìn từ Anh Quốc, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn nói với BBC hôm 10/10 :
"Chúng ta thấy là thực tế là các tỉnh có quan điểm chống dịch khác nhau, như một số tỉnh muốn mở ra và một số muốn đóng, và điều đó cũng phản ánh vấn đề chính trị Việt Nam là hiện nay đang có rất nhiều quan điểm khác nhau, bởi bài toán cân bằng giữa dịch bệnh và kinh tế rất là khó".
Ông Tuấn, một chuyên gia tài chính, kêu gọi chính ‘Tứ trụ’ ở Việt Nam, gồm Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cần phải có quan điểm rõ ràng về phục hồi kinh tế những ngày tháng tới cho quốc gia gần 100 triệu dân.
Lan Anh (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 13/10/2021
*********************
Vì sao nhà nước nhất thể trở thành Liên bang Covid-19 ?
Trân Văn, VOA, 12/10/2021
Về lý thuyết, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là mộtnhà nước nhất thể - kiểu nhà nước mà toàn bộ quyền lực nằm trong tay chính quyền trung ương (tập quyền). Trong nhà nước nhất thể, hoạt động của chính quyền các địa phương phải tuân theo và phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của chính quyền trung ương. Khoảng 85% quốc gia trên thế giới tổ chức hệ thống công quyền theo hình thứcnhà nước nhất thể.
Một chốt kiểm soát ở Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9/2021. Photo VOA. Hình minh họa.
Tuy nhiên từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng lên rồi lan rộng tại Việt Nam, thực tế cho thấy, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tự chuyển đổi thành nhà nước liên bang mà không cần tu sửa Hiến pháp. Đặc điểm chính của kiểunhà nước liên bang là chính quyền các bang có một số quyền nhất định và chính quyền liên bang phải tôn trọng những quyền đã thỏa thuận là tự quyết ấy ! Covid-19 đã tạo ra liên bang ở Việt Nam !
Không tin ? Xin hãy cùng kiểm chứng...
***
Tại cuộc họp trực tuyến giữa các thành viên chính phủ với lãnh đạo chính quyền các địa phương trực thuộc trung ương hôm 8/10/2021, một Phó Thủ tướng thay mặt chính phủ Việt Nam xác định, phải khôi phục các tuyến bay nội địa. Bước đầu, sẽ thực hiện theo hình thức thử nghiệm trong vòng mười ngày – từ 10/10/2021 đến 20/10/2021. Tuy là thử nghiệm nhưng quyết định vừa kể là quyết định chính thức của chính phủ.
Ai cũng biết, khôi phục các tuyến bay nội địa là một trong những yếu tố đưa kinh tế và dân sinh trở lại trạng thái bình thường mới (tái lập, khôi phục các hoạt động vốn thông thường khi đại dịch chưa qua). Cuối ngày 8/10/2021, Bộ Giao thông và vận tải Việt Nam xác định sẽ mở lại 19 tuyến bay, trong mười ngày thử nghiệm, mỗi ngày ở Việt Nam sẽ có 38 chuyến bay đi và đến nhiều địa phương khác nhau (1).
Thế nhưng quyết định của chính phủ - chính quyền trung ương của nhà nước nhất thể tại Việt Nam và kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải – cơ quan thay mặt chính phủ quản trị, điều hành hoạt động giao thông, vận tải trên bình diện quốc gia, không có giá trị thực thi. Chính quyền nhiều địa phương tự tiện cộng thêm đủ loại yêu cầu vào lựa chọn đi lại bằng đường hàng không của những người khác khi muốn tới "xứ" của họ !
Dân chúng và doanh giới hoang mang, bất bình tới mức, ngày 10/10/2021, Thủ tướng Việt Nam phải gửi công điện hỏa tốc cho các cơ quan chính phủ và chính quyền các địa phương trực thuộc trung ương yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng và các hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế,không chỉ trong lĩnh vực hàng không mà cả trong hoạt động vận tải nói chung (2).
Trên thực tế, chuyến bay đầu tiên sau thời gian phong tỏa, từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội vào ngày 10/10/2021 đã bị hủy bỏ vì chính quyền Hà Nội buộc cách ly tập trung nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể.
Ngày 11/10/2021, hành khách của chuyến bay tiếp theo tiếp tục khốn khổ vì đã có vé, đã sẵn sàng di chuyển nhưng không đặt được phòng tại những khách sạn mà chính quyền Hà Nội buộc họ phải chọn để thực hiện cách ly sau khi đi từ Tân Sơn Nhất đến Nội Bài May cho họ là trước khi phi cơ thực hiện chuyến bay này đáp xuống Nội Bài, chính quyền Hà Nộiđơn phương rút lại yêu cầu họ phải cách ly tập trung bảy ngày(2).
Cần nói thêm rằng không chỉ có chính quyền thành phố Hà Nội mà chính quyền nhiều địa phương khác tại Việt Nam cũng yêu cầu người đến "xứ" của họ phải cách ly tập trung, bất kể chính quyền địa phương nơi khởi hành đã kiểm tra và chỉ cho lên phi cơ những người đã hội đủ yêu cầu chích ngừa Covid-19, đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 !
Đến giờ, ngoài chính quyền Hà Nội, còn có thêm chính quyền Hải Phòngđơn phương rút lại yêu cầu cách ly tập trung. Tuy nhiên vẫn còn ba "xứ" là Lâm Đồng, Gia Lai, Thừa Thiên - Huế vẫn duy trì yêu cầu cách ly tập trung khi đến những "xứ" đó !
Đơn phươngđặt định yêu cầu cách ly tập trung khi đến"xứ" mình, bất kể đương sự đã được chính quyền địa phương nơi đi kiểm tra và xác nhận hội đủ điều kiện đi lại bằng đường hàng không theo hướng dẫn của hai cơ quan chuyên trách thuộc chính phủ trung ương là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, chính là ví dụ hết sức sống động minh họa cho quyền tự quyếtcủa các đơn vị hành chính có quyền tự trịkhi tham gia liên bang !
Dấu hiệu tan rã của nhà nước nhất thểở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và sự hình thành Liên bang Covid-19, không chỉ như thế và chừng đó. Trong đợt dịch Covid-19 lần này, chính quyền trung ương đã làm ngơ cho chính quyền nhiều địa phương thực hiện quyền tự quyết bất kể những hành động tự quyết ấy xâm hại cả Hiến pháp lẫn luật pháp hiện hành, đang có hiệu lực thực thi trên toàn quốc củanhà nước nhất thể.
Trường hợp mới nhất là Sở Y tế của chính quyền Hà Nội thông báo cho các đơn vị hành chính và lực lượng thực thi pháp luật ở"xứ" Hà Nội rằng họ có thể treo biển – nội dung đại loại"Gia đình có người theo dõi sức khỏe PCD Covid-19" - phía trước nơi cư trú của những người mới trở về từ những"xứ" như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để cả hệ thống công quyền lẫn nhân dân cùng giám sát chặt chẽ (4).
Trước nữa thì có vô số ví dụ về chuyện ở "xứ" này thuộc Liên bang Covid-19, nhiễm Covid-19 (F0) có thể cách ly tại gia, song tại "xứ" khác cùng liên bang thì F1 (chỉ tiếp xúc với F0) đã bị săn đuổi, tống vào trại tập trung, phản kháng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (5). Hoặc chỉ cần từ chối xét nghiệm là lực lượng thực thi công vụ có quyền xâm nhập gia cư, chà đạp quyền bất khả xâm phạm về thân thể bất chấp Hiến pháp, rồi phải nộp tiền phạt vi phạm hành chính như tại Thuận An,"xứ" Bình Dương (6).
Chưa kể trong đại địch, do chính quyền trung ương tự nguyện từ bỏ nguyên tắc tập quyền nên yêu cầu chính thức của chính phủ về việc khôi phục hoạt động giao thông, vận tải đã cũng như đang được chính quyền các địa phương xem xét kỹ lưỡng đểquyết định có cộng thêm yêu cầu nào nhằmminh định cả mức độ lẫn khả năng tự trị của họ, với tư cách là một thành viên trong Liên bang Covid-19 hay không !
Cục trưởng Cục Hàng không thuộc Bộ Giao thông vận tải Việt Nam vừa than về việc thiếu thống nhất khi tái lập các tuyến bay ngay trong phạm vi Liên bang Covid-19 : Chính quyền hai nơi là Thanh Hóa và Thừa Thiên – Huế đòi cung cấp danh sách hành khách để duyệt ! Chính quyền Đà Nẵng thì không cho người mới đến "xứ" này xuất cảnh đến Quảng Nam hay Thừa Thiên – Huế nếu chưa hoàn thành cách ly và trả phí cách ly (5) !
Thậm chí đi lại bằng các phương tiện giao thông đường bộ (xe hai bánh gắn máy, xe hơi, xe vận chuyển hành khách...) chỉ giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh cũng đang rất nan giải vì qui định của mỗi "xứ", mỗi khác (6) !
Nếu so sánh các đặc điểm của Liên bang Covid-19 ở Việt Nam trong đợt dịch Covid-19 lần này với những liên bang "danh chính, ngôn thuận" khác mà nhân loại đã biết, ai cũng có thể nhận ra Liên bang Covid-19 ở Việt Nam khác hẳn và thua xa về tất cả mọi mặt bởi khả năng tự trị và quyền tự quyết không dựa trên bất kỳ nền tảng chung nào.
Trong lịch sử phát triển của nhân loại, không có liên bang "danh chính, ngôn thuận" nào mà các thành viên lại coi thường cả Hiến pháp lẫn coi thường chính quyền liên bang và coi thường nhau như ở Liên bang Covid-19 tại Việt Nam.
Trong lịch sử nhân loại, làm gì có chính quyền liên bang nào thản nhiên để các thành viên chà đạp Hiến pháp, luật pháp liên bang, công khai xâm hại nhân quyền. Chắc chắn cũng không thể tìm ra có liên bang "danh chính, ngôn thuận" nào mà các thành viên phủ nhận khả năng kiểm soát và quyết định của nhau, ép thường dân đến"xứ" của mình phải tuân theo yêu cầu riêng của mình.
Những câu chuyện như chuyện giấy phép mà chính quyền"xứ" Bến Tre cấp cho bà Trương Thị Tuyết Mai (54 tuổi, cư trú ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, vì lệnh hạn chế đi lại do dịch bị kẹt ở Bến Tre), được quay về nhà để chăm sóc chồng lâm trọng bệnh, bị lực lượng thực thi công vụ ở Thành phố Hồ Chí Minh loại bỏ, không cho bà Mai nhập cảnh vì lý do mà "xứ" Bến Tre cho bà Mai ra đi là "không chính đáng" (9) – chắc đủ để ngẫm thêm về nhiều thứ liên quan tới Liên bang Covid-19 tại Việt Nam !
Vì sao nhà nước nhất thể lại đột nhiên trở thành Liên bang Covid-19 ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 12/10/2021
Chú thích
(1) http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Thi-diem-bay-noi-dia-tu-ngay-1010-moi-ngay-co-38-chuyen/449046.vgp
(2) https://www.baogiaothong.vn/thu-tuong-hoa-toc-ra-cong-dien-yeu-cau-khoi-phuc-van-tai-d528089.html
(6) https://plo.vn/phap-luat/vu-cuong-che-test-covid19-o-binh-duong-nhung-bat-on-ve-phap-ly-1018479.html
(9) https://congluan.vn/tro-ve-nha-cham-chong-benh-nang-la-ly-do-khong-chinh-dang-post156065.html