Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/10/2021

Khu thương mại tự do Hải Phòng và lệnh cấm lao động ngoại tỉnh vào Sài Gòn

Triệu Tử Long, Hà Nguyên

Khu thương mại tự do : phiên bản 2021 của dự luật đặc khu ?

Triệu Tử Long, VNTB, 13/10/021

"Nếu không quản lý tốt sẽ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng tới uy tín quốc gia".

khuthuongmai0

Chính phủ đã đề xuất cho Hải Phòng thành lập Khu thương mại tự do với cơ chế, chính sách đặc thù.

Chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ tư để cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù cho một số địa phương, trong đó có Hải Phòng.

Trình bày báo cáo tóm tắt dự thảo nghị quyết của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tính cần thiết khi Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương lớn thứ 3 cả nước, và là một cực tăng trưởng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khu thương mại tự do chưa được áp dụng ở Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng chưa đề cập đến khái niệm này. "Nhưng qua nghiên cứu một số khu thương mại tự do thành công trên thế giới, việc hình thành khu thương mại tự do là một yêu cầu tất yếu", ông Dũng nói và dẫn chứng sự phát triển mạnh mẽ của các khu thương mại tự do ở UAE, Singapore và Trung Quốc.

Báo chí cho biết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá quy định như dự thảo nghị quyết là chưa ổn. Ông cảnh báo nếu không quản lý tốt sẽ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng tới uy tín quốc gia.

Theo một tài liệu của Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang, thì trong vấn đề khu thương mại tự do mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, cần lưu ý là phía Trung Quốc đã lấy tư tưởng Tập Cận Bình về cái gọi là "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới" làm chỉ đạo cho việc việc xây dựng khu thí điểm thương mại tự do của đất nước này.

"Trong một diễn biến khác, các chuyên gia cho rằng việc thành lập Khu thí điểm thương mại tự do cũng chưa thật sự hiệu quả. Bài học ở tỉnh Đại Liên là minh chứng. Quyết tâm thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến với thành phố cảng Đại Liên miền Nam Trung Quốc được thể hiện rõ ràng qua tấm bảng "Chỉ được nói có, không được phép nói không" treo tại trung tâm dịch vụ doanh nghiệp của chính quyền địa phương.

Nhân viên được khuyến khích xử lý hồ sơ đăng ký kinh doanh nhằm đưa khu thí điểm mậu dịch tự do được nhà nước công nhận từ tháng 3/2017 trở thành một cảng quốc tế thân thiện với doanh nghiệp và nhà đầu tư, có thể đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế khu vực. Thế nhưng cho đến nay thì mọi việc không hề như kỳ vọng" – trích báo cáo "6 khu thí điểm thương mại tự do tại 6 tỉnh Trung Quốc vừa được thành lập" của Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang.

Về lý thuyết ngoại thương, thì khu thương mại tự do không phải là gì mới mẻ như lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Sinh viên chuyên ngành logistics được dạy rằng khu thương mại tự do (FTZ, free trade zone) và kho ngoại quan có sự tương đồng. FTZ là một khu vực kinh tế đặc biệt. Đây là khu vực địa lý nơi hàng có thể được đem đến, xử lý, chế biến, chia tách, đóng gói, gia công, chế biến theo quy định hải quan cụ thể. Các khu thương mại tự do thường được tổ chức xung quanh các cảng biển chính, sân bay quốc tế và biên giới quốc gia – những vùng có nhiều lợi thế về thương mại.

Theo quy định của FTZ, thuế xuất nhập khẩu là không bắt buộc đối với hàng hóa nước ngoài, trừ khi và cho đến khi nó nhập vào lãnh thổ để tiêu dùng trong nước. Tại thời điểm đó, nhà nhập khẩu nói chung có quyền chọn trả thuế ở mức nguyên liệu nước ngoài ban đầu hoặc sản phẩm hoàn chỉnh.

Một số ưu điểm nổi bật của việc sử dụng FTZ bao gồm : Trong khu vực FTZ, hàng hóa không phải chịu thuế xuất nhập khẩu. Hàng hóa chỉ phải chịu thuế khi được chuyển sang khu vực hàng hóa tiêu dùng trong nước. Miễn thuế xuất khẩu khi xuất khẩu hàng hóa ra khỏi khu vực FTZ. Cải thiện tuân thủ, theo dõi hàng tồn kho và kiểm soát chất lượng. Hàng hóa có thể được lưu trữ trong FTZ vô thời hạn, dù là có hay không phải chịu thuế.

Cái khác của khu thương mại tự do thường là một khu vực khá rộng lớn, trong đó bao gồm nhiều doanh nghiệp hoạt động với các chức năng khác nhau, trong khi đó kho ngoại quan có diện tích hạn chế hơn, và chỉ do 1 doanh nghiệp sở hữu. Còn giống nhau ở đây là hàng hóa ra vào đều chịu sự kiểm soát của lực lượng hải quan.

Trở lại với đề xuất thí điểm thành lập khu thương mại tự do ở thành phố Hải Phòng, có ý kiến ngờ vực đây chỉ là một phiên bản 2021 của Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (còn gọi là Dự luật đặc khu), dưới thời chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở năm 2018.

Triệu Tử Long

Nguồn : VNTB, 13/10/2021

*********************

Lao động ‘ngoại tỉnh’ chưa thể ‘vào lại’ Sài Gòn

Hà Nguyên, VNTB, 11/10/2021

"Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc" – Hiến pháp 2013, Điều 35.1

laodong0

Lao động ‘ngoại tỉnh’ chưa thể ‘vào lại’ Sài Gòn

Hiện tại thì quyền làm việc của công dân tạm không còn được như trước khi quyền đi lại bị hạn chế không phải từ các quy phạm pháp luật, mà là từ các quyết định hành chính riêng lẽ của nhà chức trách địa phương nào đó.

Bên cạnh dòng người ồ ạt từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê, nhiều lao động lại có nhu cầu quay trở lại thành phố để tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, việc tìm đầu mối liên hệ, đăng ký danh sách giữa doanh nghiệp với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác vẫn gặp nhiều khó khăn.

"Một số người chuẩn bị đủ giấy tờ như vậy đã vào được Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tôi đã chích 1 mũi vắc xin Covid-19 được 7 tuần, cũng phải đánh liều thôi không thể nằm chờ chết đói được mặc dù nghỉ dịch công ty vẫn hỗ trợ", ông Phan Cường ở Sóc Trăng nói, và cho biết công ty của ông ở quận 7 Sài Gòn đã hoạt động lại được nửa tháng nay.

Theo ông Cường, quan trọng nhất vẫn là xét nghiệm và tự biết bảo vệ bản thân mình. Hiện từ Mỹ Tho đến Thành phố Hồ Chí Minh, ông Cường tính toán sẽ phải đi qua 2 chốt ở 2 địa phận Long An và Tiền Giang. "Còn chốt ở cửa ngõ Sài Gòn chắc sẽ dễ hơn vì địa phương này đang cần nhân lực", ông Cường nói.

Ghi nhận ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong một thông báo vào trưa ngày 9/10/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) nói rằng sẵn sàng chích vắc xin cho người từ tỉnh, thành khác trở lại Thành phố Hồ Chí Minh mà không phân biệt lý do.

Với tin tức liên quan tới chích ngừa ở trên, mấy ngày nay, ghi nhận ở thị xã Tân Uyên (Bình Dương) cho biết hiện đang có nhiều lao động tự do hỏi thăm về cách di chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh. "Tôi còn nghe thông tin Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đón công nhân nhưng không biết làm cách nào. Hỏi phường thì được hướng dẫn liên hệ công ty lập danh sách gửi cơ quan chức năng và chờ xe đưa vào thành phố, nhưng là lao động tự do thì tôi không biết liên hệ ai ?", không ít thắc mắc và cho biết đã chích vắc xin mũi 1 được hơn 30 ngày.

Tin tức cũng cho hay đang có rất nhiều người lao động ở miền Trung, miền Tây đang gấp rút hỏi thông tin, cách thức để quay lại Thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Một số chia sẻ vẫn bị mắc kẹt ở tỉnh, chưa được chích vắc xin và không biết làm cách nào để được chích vắc xin, đủ điều kiện quay lại Thành phố Hồ Chí Minh.

Một số khác cho biết đã tự ixe máy đến Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc trở lại. Và nay với thông báo của HCDC về sẵn sàng chích vắc xin ngừa Covid cho người từ tỉnh, thành khác trở lại Thành phố Hồ Chí Minh càng tạo thêm động lực để lao động ngoại tỉnh tìm về thành phố này.

Tình cảnh lao động ‘ngoại tỉnh’ vẫn chưa thể ‘vào lại’ Sài Gòn đã nói lên thực trạng tuy là nền chính trị đơn nguyên, song lại vẫn có quá nhiều ‘sứ quân’ cát cứ.

Mở cửa kinh tế, vấn đề mà các doanh nghiệp lo lắng nhất chính là nhân lực. Hàng vạn, hàng triệu người lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An… đã về quê tránh dịch, giờ muốn trở lại nhà máy không dễ, trong khi thị trường nội địa và thế giới đều đang vào mùa cao điểm.

Những đơn hàng "nợ" từ khi giãn cách chưa trả kịp, những đơn hàng mới dù rất muốn nhưng không thể nhận vì thiếu lao động khiến các ông chủ doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa. Rất nhiều tỉnh, thành vẫn áp dụng các biện pháp cao hơn hướng dẫn của Bộ Y tế, khi yêu cầu cách ly tập trung 2 tuần, xét nghiệm 3 lần với người vào địa phương mình, bất kể đã chích mấy mũi vắc xin.

Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định Việt Nam chuyển từ mục tiêu "không có Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thiệt hại nặng nề từ các quy định vi Hiến kể trên trong chuyện "Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc" ?

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 11/10/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Triệu Tử Long, Hà Nguyên
Read 343 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)