Phát biểu tại Hội nghị trung ương 4 khóa 13 về chống suy thoái của Đảng cộng sản vừa kết thúc đầu tháng 10 tại Hà Nội, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết : "tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường" khiến người dân lo lắng.
Người dân đi qua tấm biển cổ động của Đảng cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội hôm 22/1/2021 - AFP
Thực tế đã chỉ ra rằng người dân lo lắng, trước hết là vì họ sẽ là người hứng chịu hậu quả cuối cùng của tình trạng suy thoái của quan chức. Đảng từ nhiều năm trước đã nhận định tình trạng suy thoái của cán bộ đảng viên lãnh đạo đã gây nên "bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế", để lại hậu quả nặng nề kinh tế xã hội. Tốc độ tăng trưởng sụt giảm, lạm phát tăng cao kỷ lục, hệ thống tài chính ngân hàng trước bờ vực sụp đổ, nhiều tổng công ty phá sản, hàng loạt dự án dở dang đắp chiếu, rối loạn giáo dục, văn hóa… Tất nhiên, hậu quả cuối cùng của khủng hoảng là người dân phải hứng chịu. Công ăn việc làm và thu nhập giảm sút, không ổn định, cuộc sống khó khăn, các hiện tượng tiêu cực xã hội tràn lan, tham nhũng, hối lộ, lừa đảo nở rộ, bất bình đẳng xã hội, khoảng cách giàu nghèo tăng lên… Dân oan, dân mất đất, đơn khiếu nại tố cáo, tự phát tụ tập khắp nơi phản đối quan tham, quan hư… Vụ án Đồng Tâm ở Hà Nội là bộc lộ điển hình về việc người nông dân bị đẩy vào đường cùng và sự phẫn nộ của họ, nhưng cũng đồng thời phản ánh năng lực của chính quyền và bản chất chuyên chế của chế độ...
Cách thức và hiệu quả của việc chống suy thoái cũng khiến người dân không thể yên tâm. Đảng xác định chiến dịch chống tham nhũng, tiêu cực là "ta đánh ta" khiến cho mọi việc trở nên phức tạp, khó khăn. Cuộc chiến này đã kéo dài gần 10 năm, chính sách và sự quyết tâm được thể hiện qua ba Hội nghị trung ương 4 của ba kỳ Đại hội Đảng, khóa 11 năm 2011, khóa 12 năm 2016 và khóa 13 năm 2021, hàng chục nghìn đảng viên cán bộ vi phạm, trong đó nhiều người là lãnh đạo cấp cao từ Bộ Chính trị đến cơ sở, trong đủ các ngành từ kinh tế đến an ninh, quân đội. Tuy nhiên, phần lớn các vụ án kỷ luật xảy ra trong nhiệm kỳ 2011/2016, chủ yếu nhằm vào các quan chức hành pháp, trực tiếp điều hành nền kinh tế và những thay đổi quy định của Đảng và công tác nhân sự cấp cao cho hai Đại hội 12 và 13, tăng cường quyền hạn cho các cơ quan Nội chính… đang gây ra dư luận về thanh trừng phe phái, phá vỡ cơ cấu truyền thống về vùng miền, địa phương. Hơn thế, hiện tượng tuyệt đối hóa quyền lực Đảng xuất hiện khi các quy định giới hạn tuổi và nhiệm kỳ bị phá vỡ, các "trường hợp đặc biệt" nhiều hơn qua mỗi kỳ đại hội Đảng gần đây.
Một số hiệu ứng không tránh khỏi từ cuộc chiến chống suy thoái ngày càng rõ rệt. Hiện tượng "trên nóng dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe" đã xảy ra trong nhiệm kỳ 12 khiến bộ máy hành chính rơi vào tình trạng "ngủ đông" phải chăng là lý do Bộ Chính trị kết luận về bảo vệ cán bộ lãnh đạo dám "đột phá" ; "những quan chức chót nhúng chàm" liệu có tự gột rửa hay tạm "giấu mình chờ thời" ; vì sao những vụ án, vụ việc "phức tạp" kéo dài không thể giải quyết, nhóm lợi ích tạo rủi ro kinh tế ngầm, chi phối dòng chảy nguồn lực, gây rủi ro tăng trưởng bền vững, hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công trả lại cho ngân sách… Trong cuộc gặp của người đứng đầu Đảng với cử chi Hà Nội ngày 9/10 vừa qua đã có ý kiến rằng liệu có khả năng "trở cờ" của các quan chức suy thoái, nghĩa là cơ hội "ngóc đầu" chống lại đảng khi có cơ hội.
Nỗi lo của người dân tăng lên trong bối cảnh đại dịch Covid-19, không chỉ vì tác động tiêu cực của nó đến tăng trưởng kinh tế, GDP giảm 6,17% vào quý 3 năm 2021, mà còn cho thấy sức chịu đựng, năng lực của nền kinh tế nói chung và hệ thống y tế nói riêng, và mức sống thấp kém, sự nghèo khổ của người lao động thường trú và vãng lai. Ngoài ra, cuộc chiến phòng chống dịch còn bộ lộ năng lực điều hành lúng túng, cát cứ địa phương, né tránh trách nhiệm và nhiều sai sót khác của chính quyền trung ương và địa phương, như về tầm nhìn và chiến lược vắc xin, tỷ lệ chết cao tại vùng tâm dịch, theo đuổi biện pháp bạo lực thay vì xuất phát từ hoàn cảnh và nhu cầu sống còn cấp thiết của người dân.
Tính hiệu quả không thể cao khi người dân đứng ngoài trong cuộc chiến chống quan chức suy thoái. Đảng có nói đến người dân như thông qua vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng mà không chỉ ra một cơ chế cụ thể. Ngoài ra, việc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các vụ kỷ luật và án phạt cụ thể tên quan chức suy thoái là để thỏa mãn những bức xúc của người dân có thể kích động "bạo lực" và ngộ nhận. Những nỗ lực dẫn dắt người dân tin rằng chế độ hiện hành là một mô hình chính trị, như nhiều hệ thống chính trị khác nó có thể làm cả việc tốt lẫn việc xấu, tất cả phụ thuộc vào người đứng đầu. Và vấn đề không phải là thể chế, mà là người lãnh đạo có đủ "minh anh" hay không, có dám dũng cảm chống lại cái xấu như việc các quan chức "hư hỏng" hay không. Bởi vậy, khi "thời cơ" đến phải ủng hộ người đứng đầu, như người xứng đáng, có được quyền lực để trừng trị những kẻ xấu... Sự tuyên truyền như vậy có vẻ "hiệu nghiệm". Vụ chín viên tướng Cảnh sát biển bị kỷ luật đã thu hút được sự chú ý của công luận. Họ hoan hô quyết tâm của Đảng và, hơn thế còn cho rằng cần phải quy trách nhiệm "quản lý đơn vị có những tướng lĩnh vi phạm", thậm chí đề xuất cần tiến hành "chỉnh huấn, chỉnh quân" Bộ Quốc phòng...
Sau nữa, người dân lo lắng rằng khi nào cuộc chiến "nội bộ" căng thẳng có thể chấm dứt ? Đảng khẳng định rằng, "sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện…". Nhận định như vậy biện minh cho quan niệm và cái cách Đảng đang sử dụng để chống suy thoái, xuất phát từ bản chất theo đuổi quyền lực của chế độ, khi cố "lờ đi" sự thật đó là sự tha hóa quyền lực. Điều này khiến người ta liên tưởng tới định luật "phản xạ có điều kiện" của nhà sinh lý học nổi tiếng người Nga I. Pavlov (1849-1936). Ông được trao giải thưởng Nobel về sinh lý và y khoa năm 1904 nhờ nghiên cứu sự hình thành phản xạ của loài chó bằng cách tạo ra những điều kiện thích hợp. Các biện pháp chủ yếu được tạo ra để con chó tuân theo sự hướng dẫn là các phần thưởng khi tuân lệnh và, ngược lại, hình phạt khi bất tuân. Quy luật này sau đó được mở rộng để nghiên cứu các loại hình thần kinh của động vật và con người. Đối với cán bộ đảng viên, các quan chức lãnh đạo, cần có bổn phận học tập và tự rèn luyện theo những tấm gương đạo đức, thậm chí là tư tưởng và phong cách làm việc của lãnh tụ khi được ban phát đặc quyền đặc lợi đồng thời với các hình thức kỷ luật nghiêm khắc.
Suy cho cùng, quốc nạn tham nhũng, tiêu cực là biểu hiện đặc trưng của tình trạng suy thoái của quan chức có căn nguyên từ tha hóa quyền lực. Bởi vậy, nỗi lo lớn nhất là cái "lồng thể chế để nhốt quyền lực" sao cho quan chức không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng, mà Đảng coi là nhiệm vụ nhưng vẫn chưa hoàn thành.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 14/10/2021