Chịu thua Tổng thầu Trung Quốc hay chịu thua Nhóm lợi ích Đảng ?
Cánh Cò, RFA, 13/10/2021
Xưa nay người ta thường có khái niệm "Nhóm lợi ích" hay "Nhóm tư bản thân hữu" nhằm ám chỉ thế lực dùng tiền bạc, của cải móc nối với hệ thống chính trị nhằm mưu cầu những lợi ích mà cả hai bên đều có lợi. Nhóm lợi ích được biết rộng rãi qua những tập đoàn kinh doanh, đầu tư mà sự lớn mạnh của nó càng to thì sức ảnh hưởng của nó đối với hệ thống nhà nước càng lớn. Nhóm lợi ích có thể khuynh loát hệ thống một cách thành công mà không ai có khả năng lần ra manh mối sự tư lợi mà thành viên chính phủ nhúng tay vào. Những chính sách có lợi cho từng nhóm lợi ích rất khó thấy vì chúng được chuyển biến qua nhiều công đoạn, để rồi cuối cùng thì nguồn lợi lớn nhất cũng vào tay một tập đoàn nào đó trong lĩnh vực kinh doanh của nó.
Một con đường sắt chỉ dài 13 cây số trong nội thành Hà Nội mà cả một Bộ giao thông không thể nghiệm thu thì lập ra Bộ Giao thông vận tải để làm gì ?
Nhóm lợi ích có địa chỉ, khuôn mặt hay tài khoản rất khó nhận diện nếu không có một vụ án nào liên quan đến nó.
Bên cạnh đó là những hình thái chỉ xảy ra trong nội bộ Đảng và dĩ nhiên bí mật cũng cao hơn nhiều khi một dự án nào đó được một bộ nào đó đứng ra chủ trì từ dự án tới thực hiện. Có thể gọi sự vận hành của nhóm này trong Đảng là "Nhóm lợi ích Đảng" bởi nó là một vòng tròn khép kín và dĩ nhiên khi có bất cứ lổ hổng nào bị phát hiện thì nhóm đã có sẵn con dê tế thần để che chắn cho manh mối còn lại.
Nhóm lợi ích Đảng hình thành từ những chính sách, dự án mà ngân sách công được giải ngân hay nếu thiếu thì nhà nước sẽ được thuyết phục để vay mượn hay trút hầu bao ra để thực hiện. Trong vòng hai chục năm qua nhóm lợi ích Đảng đã triệt phá và thu hoạch hàng trăm công trình thua lỗ lẫn vô dụng. Hàng trăm tỉ đô la được chia nhau và sự bất lực của pháp luật đối với nhóm này đã lên tới tận đỉnh trước thế lực Đảng ngày một lớn hơn.
Nhìn đâu cũng thấy bàn tay của nhóm này, nhưng thông thường và phổ biến nhất là sự bắt tay của chúng với những nhà thầu Trung Quốc. Hàng ngàn dự án được thực hiện thì trong đó hơn phân nửa đội vốn, hư hỏng và chậm tiến độ. Sự im lặng của cơ quan trách nhiệm được che chắn bởi hệ thống một cách công khai khiến báo chí không có cái gan dò la tìm ra bằng chứng phạm pháp của cả hai bên, chủ đầu tư và nhà thầu, bởi cả hai đều bắt tay nhau thật chặt dưới gầm bàn, chia chát những đồng nhân dân tệ đã được biến hóa thành đô la, cả hai hiểu rằng không bên nào dám lớn tiếng với bên kia vì cả hai đều cùng bước chân xuống bùn.
Mới nhất và âm ỉ nhất là dự án Cát Linh – Hà Đông. Cụm từ này nhàm đến nỗi báo chí không buồn nhắc tới vì đã 13 năm, nói về nó đã lên tới hàng ngàn trang tài liệu, báo chí cũng như báo cáo của cấp dưới đối với bên trên, kể cả Quốc hội. 13 năm vẫn không làm gì được Tổng thầu Trung Quốc, không một cảnh báo nào từ chủ đầu tư, không một biện pháp, kế hoạch nào để con đường Cát linh – Hà Đông được bấm tiếng còi đầu tiên khởi hành trên con đường ngắn ngủn này.
Trả lời trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Giao Thông cho rằng "dự án Cát Linh - Hà Đông có quy mô lớn, tính chất phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam, nên quá trình hoàn thiện thủ tục nghiệm thu bàn giao kéo dài".
Một con đường sắt chỉ dài 13 cây số trong nội thành Hà Nội mà cả một Bộ giao thông không thể nghiệm thu thì lập ra Bộ Giao thông vận tải để làm gì ?
Mà phải đâu đây là lần đầu tiên câu chuyện Cát Linh - Hà Đông làm cho người dân cả nước căm phẫn, nó đã nhiều lần bị Tổng thầu Trung Quốc eo sách như Việt Nam là một tỉnh của họ, như chỉ có họ mới đủ thẩm quyền quyết định khi nào thì BGiao thông vận tải Việt Nam nên làm gì.
Nhóm lợi ích Đảng đã nhúng tay vào chàm cùng với họ và cho dù họ có thản nhiên kéo nhau về nước bỏ mặc cho Hà Nội đối phó lẫn nhau thì tên tuổi, quá trình từ khi trúng thầu cho tới hôm nay, họ không có bất cứ một trách nhiệm cụ thể gì để bất an, khó thoái thóat. Bởi bọn thầu này biết rằng sẽ không ai trong cái nhà nước này dám lên tiếng moi móc ra những gì họ và nhóm lợi ích Đảng thông đồng với nhau.
Đừng ngạc nhiên khi mới đây Tổng thầu Trung Quốc cho rằng không có nghĩa vụ phải thực hiện các kết luận của kiểm toán Nhà nước tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Chỉ một câu ngắn gọn và lạnh lùng như thế đủ để Nhóm lợi ích Đảng lạnh chân. Nhưng lạnh thì lạnh, có ai bị lôi lên bàn mổ đâu ? Ngay cái lò của ông Trọng cũng bất lực trong suốt từ ngày lập ra đến nay. Có thắc mắc gì cái lò này tại sao lại né Cát Linh - Hà Đông, hay chính ông Trọng là khuôn mặt bí mật nhất trong nhóm lợi ích Đảng ?
Một em bé chỉ cần xong Trung học phổ thông cũng đủ biết nguyên tắc đấu thầu và những gì mà hai bên cần thực hiện. Chỉ có những tai to mặt lớn trong Đảng mới ngô nghê tin rằng mình có sao thì bọn thầu Trung quốc mới láo xược đến thế. Cái "có sao" ấy chỉ duy nhất một cách giải thích : ăn dày và được bao che tới tận gốc mới bị bọn Tổng thầu Trung Quốc hành xử như thế.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 13/10/2021 (canhco's blog)
*******************
Bộ Giao thông vận tải đưa lý do đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ
RFA, 14/109/2021
Bộ Giao thông vận tải mới đây đưa ra nguyên nhân lý giải việc dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn lên hơn 9.000 tỷ đồng. Báo Nhà nước Việt Nam dẫn nội dung trong dự thảo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đưa tin ngày 14/10.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tại thủ đô Hà Nội. RFA Edited
Tin cho biết, những nguyên nhân cụ thể được Bộ Giao thông nhắc đến bao gồm việc giải phóng mặt bằng chậm ; quy định của Việt Nam về hình thức hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công) chưa rõ ràng, có nhiều khác biệt với thông lệ quốc tế nên hợp đồng EPC ký kết ban đầu chưa hoàn chỉnh, thiếu chặt chẽ ; Chính phủ Hà Nội chưa lường hết các yêu cầu về kĩ thuật công nghệ ; các đơn vị tư vấn tham gia lập, thẩm tra dự án chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn đến thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, phải điều chỉnh tại bước thiết kế kĩ thuật.
Những nguyên nhân trên đã dẫn đến hậu quả dự án phải điều chỉnh nhà ga tăng 2-3 tầng, điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox, thay đổi vị trí bãi đúc dầm… Những điều chỉnh, thay đổi như thế khiến dự án đội vốn từ hơn 8.700 tỷ lên hơn 18.000 tỷ đồng.
Riêng trong giai đoạn hiện nay, vướng mắc chủ yếu của dự án được Bộ Giao thông cho là công tác thanh toán và việc thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước, gây ảnh hưởng đến tiến độ công tác nghiệmthu, bàn giao đưa dự án vào khai thác.
Vẫn trong báo cáo vừa nêu, Chính phủ Hà Nội cho hay theo quyết định năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. Hà Nội, dự kiến sẽ xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực trung tâm với chiều dài 305 km.
Trong đó, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ được kéo dài từ Hà Đông đến Xuân Mai, với chiều dài khoảng 20 km theo hướng Quốc lộ 6.
Theo nội dung báo cáo của Chính phủ, tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều chậm so với dự kiến, tăng tổng mức đầu tư và đến nay chưa có dự án nào đi vào khai thác.
Nguồn : RFA, 14/10/2021