Có một tội danh trong Bộ luật Hình sự, "cố ý xúc phạm quốc kỳ, quốc huy, quốc ca" (Điều 351).
Với quốc kỳ, quốc huy thì khá dễ hiểu hành vi nào bị coi là "xúc phạm".
Nhưng với quốc ca thì có khác, có phần trừu tượng.
Cổ động viên Việt Nam cổ vũ cho đội tuyển bóng đá vòng loại World Cup 2022 Qatar trong trận gặp Thái Lan hôm 5/9/2019 - AFP
Thế nào là "xúc phạm"
Có chuyên gia luật cho đó là "viết lại những nội dung không lành mạnh liên quan đến Quốc ca, hành vi có tính chất nhạo báng, sỉ nhục hoặc có những hành động khác gây ảnh hưởng đến lời, nhạc bài hát Quốc ca."
Tuy nhiên, vẫn không có văn bản nào định nghĩa cho khái niệm đó. Nên khi đem ra tòa xử, thường lại phải dựa vào một thứ "hội đồng" được thành lập tạm thời, để "giám định" cho tài liệu/ hành vi đó, xem có phải là "xúc phạm" đến quốc ca hay không.
Ở các nước văn minh thì còn có "án lệ" giúp quan tòa dựa vào các vụ xử tương tự trước đó để ra phán quyết. Việt Nam vẫn đang lò dò áp dụng phương pháp này.
Nếu đồng ý với khái niệm trên, thì hành vi "xúc phạm" rất rộng, vì có những"hành động khác gây ảnh hưởng đến lời, nhạc …" nữa. Đó chính là khả năng mà Đài truyền hình quốc gia VTV có thể đã vi phạm.
VTV có "xúc phạm…" ?
Chiều 27/10/2021, truyền hình quốc gia VTV5 tường thuật trực tiếp trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Đài Loan. Nhiều khán giả chứng kiến "sự cố" lạ khi quốc ca Đài Loan cất lên,âm thanh bỗng bị mất hoàn toàn.
Nếu chỉ vậy thì đã không có gì phải bàn về tội danh xúc phạm quốc ca.
Nhưng không dừng lại ở đó. Xem 2 video tường thuật trận đấu được lưu trên hệ thống YouTube, củaVTV6 thì bị mất tiếng không chỉ phần quốc ca Đài Loan, mà cả quốc ca Việt Nam (nhiều khán giả phản hồi thắc mắc) và củaVTVcab thì bị cắt bỏ phần hai đội ra sân, chào cờ.
Không phải chỉ"lời, nhạc bài hát quốc ca" đơn thuần "bị gây ảnh hưởng", mà nó còn bị xóa sạch.
Người Việt chứng kiến hình ảnh dễ nghi ngại không phải do sự cố kỹ thuật, vì toàn bộ phần bình luận trước trận đấu và diễn biến trận đấu lại không bị mất tiếng.
Nghi ngại không phải không có căn cứ khi từ lâu, và cả với trận đấu này, không như hầu hết báo chí Việt Nam khác gọi Đài Loan với đúng cái tên đó của nó, VTV gọi là "Đài Bắc Trung Hoa". Người dân ngờ VTV muốn "chiều lòng" Trung Quốc.
Càng có căn cứ hơn khi từ nhiều năm rồi, việc đưa tin tức của VTV hay có những dấu hiệu khiếp nhược trước Trung Quốc mỗi khi động đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ Việt Nam bị láng giềng xấu này xâm lấn.
Như vậy, nếu không phải chỉ là một "sự cố kỹ thuật" mà là cố ý, thì người Việt, toàn bộ đội tuyển U23 và chính quốc ca Việt Nam đã bị xúc phạm. Chỉ đọc trong số hàng ngàn bình luận bức xúc trêntrang Facebook của Đài RFA về vụ này cũng đã rõ.
Họ cảm giác bị những kẻ vì những lý do thấp hèn nào đó coi thường.
Hệ lụy
Một hành động "xúc phạm…" có cấu thành tội hình sự hay không là ở mức độ tác hại của nó.
Tác hại tới tinh thần, tình cảm của người dân đối với quốc ca, lòng tự trọng dân tộc thì đã rõ.
Nhưng còn một thứ tác hại khác, đó là mối nghi ngờ, thiếu lòng tin về chế độ trong quan hệ với Trung Quốc. Người ta rất có thể suy diễn, rằng đó không phải chỉ là hành động "cầm đèn chạy trước ô tô" của đôi ba kẻ phụ trách chương trình, mà là cả một chủ trương xuyên suốt, sẵn sàng bất chấp tình cảm, lòng yêu nước của người dân chỉ vì thứ "hữu nghị viển vông".
Còn những tác hại trong đối ngoại, trong con mắt quốc tế v.v. thì chưa kể đến. Ví như với Đài Loan, đang chung chiến hào với Việt Nam đối phó Trung Quốc bành trướng, chắc chắn biết vụ việc này và buồn lòng.
Sẽ chẳng có quan tòa nhà nước nào xử vụ xúc phạm này, chỉ có quan tòa trong lòng dân thôi.
Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
Nguồn : RFA, 28/102021