Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/10/2021

ASEAN : "khán giả" trên chính sân nhà ?

David Camroux

Miến Điện, cạnh tranh Mỹ - Trung : ASEAN, "khán giả" của chính sân nhà ?

Lần đầu tiên kể từ năm 1997, ASEAN họp thượng đỉnh lần thứ 38 và 39 (từ ngày 26-28/10/2021) tại Brunei mà không có Miến Điện. Nhưng thượng đỉnh năm nay còn diễn ra trong bối cảnh đặc biệt : ASEAN đang chịu nhiều áp lực từ đại dịch Covid-19 cho đến cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Thiếu gắn kết, ASEAN có nguy cơ trở thành người ngoài cuộc ngay trên chính sân nhà.

aseanaustralia1

Thượng đỉnh ASEAN trực tuyến lần thứ 38 và 39, do Brunei chủ trì nhưng không có sự tham dự của Miến Điện. Ảnh chụp ngày 26/10/2021.  AP

Trên đây là nhận định của nhà nghiên cứu David Camroux khi trả lời ban Tiếng Việt đài RFI. Là giảng viên trường Khoa Học Chính Trị - SciencesPo tại Paris, chuyên gia người Úc về Đông Nam Á từng được mời giảng dạy tại trường đại học quốc gia Hà Nội. Theo ông, đại dịch Covid-19, khủng hoảng chính trị Miến Điện cũng như là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, sự hình thành của liên minh quân sự AUKUS đang đặt khối ASEAN trước nhiều thử thách cam go. Vị thế của khối trên trường quốc tế cũng vì thế bị lung lay.

**********

RFI : Kính chào giáo sư David Camroux. Sau nhiều tháng chần chừ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN, cuối cùng đã quyết định không mời tướng Min Aung Hlaing dự thượng đỉnh năm nay. Phải chăng quyết định này được ASEAN đưa ra là do áp lực từ Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu như lời tố cáo của Miến Điện ? Hay có một ý muốn nào đó từ khối ASEAN muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại Miến Điện ?

David Camroux : Tôi nghĩ hai giải thích này đều đúng cả. Rõ ràng là có một áp lực từ Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu liên quan đến sự hiện diện của ông Min Aung Hlaing. Nhưng còn có sự bực tức từ phía ngoại trưởng hai nước Indonesia và Malaysia nữa, đối với tập đoàn quân sự Miến Điện.

Ông Min Aung Hlaing khi đến dự cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng Tư năm nay đã chấp nhận một đồng thuận 5 điểm. Vài tháng sau đó, tháng 8/2021, ASEAN đã bổ nhiệm một đặc sứ, vốn là thứ trưởng Ngoại Giao của Brunei, với một điều kiện là người này có thể đến Miến Điện, không chỉ gặp lãnh đạo Miến Điện mà còn được tiếp xúc cả với bà Aung San Suu Kyi và nhiều thành viên khác của phe đối lập dân chủ hiện đang bị cầm tù.

Tuy nhiên, tập đoàn quân sự Miến Điện không tỏ một chút thiện chí nào, họ từ chối cho gặp bà Aung San Suu Kyi. Nhưng đó còn là do thái độ ngoan cố của phe quân sự. Họ thậm chí không chấp nhận gởi một đại diện "phi chính trị" đến dự thượng đỉnh tại Brunei. Do vậy, không có một đại diện Miến Điện nào cả !

RFI : Theo ông, quyết định gạt Miến Điện chỉ mang tính tạm thời hay là vĩnh viễn ? ASEAN dự định sẽ xử lý vấn đề Miến Điện như thế nào sau kỳ thượng đỉnh này ? Liệu với quyết định này, khối ASEAN có phải lo lắng về những hệ quả trong tương lai ?

David Camroux : Tôi nghĩ là Có. Thứ nhất, với tư cách là một khối, ASEAN có rất ít công cụ để sử dụng. Ví dụ, trong hiến chương của ASEAN, khối này không có khả năng khai trừ một thành viên, do vậy, phương thức hành động của ASEAN là rất hạn chế.

Tuy nhiên, người ta cũng tự hỏi liệu giới quân sự Miến Điện có muốn ở lại trong ASEAN hay không. Đừng quên là vào năm 1997, vào lúc Miến Điện chuẩn bị gia nhập khối, có nhiều tướng lĩnh bảo thủ đã lên tiếng chống đối. Họ muốn Miến Điện giống như Bắc Triều Tiên, một nước tách biệt, không liên kết.

Dù sao đi chăng nữa, người ta có cảm giác là giới quân sự đang đi ngược lại ý kiến của ASEAN. Theo nhiều nhà quan sát, tập đoàn quân sự Miến Điện đang chuẩn bị một chiến dịch quân sự quy mô lớn, huy động gần 30.000 binh sĩ để tấn công điều mà họ cho là những phần tử khủng bố, nhưng trên thực tế là những người chống đối chính quyền quân sự, những nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số và phe đối lập ở miền bắc Miến Điện, bang Kachin và những vùng lân cận.

Người ta có cảm giác là giới quân sự Miến Điện không muốn một giải pháp chính trị, bằng mọi giá họ tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng bằng quân sự, và tình hình hiện nay ngày càng đi đến gần một cuộc nội chiến.

RFI : Về phần ASEAN, thượng đỉnh năm nay có chủ đề "Chúng ta quan tâm, Chúng ta chuẩn bị, Chúng ta thịnh vượng". Phải chăng điều này phản ảnh một nỗi lo lắng nào đó từ phía ASEAN ? Sự gắn kết của khối ngày nay liệu đang bị thách thức bởi đại dịch Covid-19, hồ sơ Miến Điện rồi đối đầu Mỹ - Trung ?

David Camroux : Đúng là ASEAN hiện đang phải đối mặt với ba thách thức. Thứ nhất, đó là điều mà người ta gọi là "ASEAN way", tức là mô hình hoạt động theo đồng thuận và rõ ràng trong hồ sơ Miến Điện, cách thức này không vận hành được.

Thách thức thứ hai được đặt ra ở đây chính là nguyên tắc "không can thiệp" vào chuyện nội bộ của các nước thành viên. Với việc hàng ngàn người chạy sang các nước láng giềng tị nạn như Thái Lan hay Ấn Độ, rõ ràng là cuộc khủng hoảng ở Miến Điện có những tác động đối với các nước láng giềng. Trong trường hợp này, nguyên tắc "không can thiệp" là có vấn đề.

Khía cạnh thứ ba bị thách thức không chỉ bởi tình hình ở Miến Điện mà còn bởi liên minh quân sự AUKUS giữa ba nước Mỹ, Anh và Úc cũng như là bởi cuộc đối đầu Mỹ - Trung. Ở đây, chính "tính trung tâm" của ASEAN đang bị thách thức.

Bởi vì, người ta trông cậy nhiều vào ASEAN để giải quyết tình hình ở Miến Điện nhưng khối này tỏ ra bất lực, không có phương tiện để xử lý vấn đề. Đây thật sự là một thách thức cho ASEAN và cho vị thế của khối trong khu vực, sau hơn 50 năm thành lập.

RFI : Nhiều nhà quan sát cho rằng ASEAN ngày càng giống như là một khán giả, ngồi quan sát các cuộc đọ sức giữa các siêu cường đến từ bên ngoài trong khu vực. Phải chăng đó là do sự thiếu gắn kết của ASEAN ?

David Camroux : Đúng vậy. Đó chính là những gì diễn ra cùng với sự ra đời của khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương, do cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi xướng với sự tham dự của Úc, Hoa Kỳ và Ấn Độ. Sự việc đặt ra một thách thức cho vị thế của ASEAN cũng như là vai trò trung tâm của khối.

Năm 2019, Indonesia đã tìm cách cho thông qua một tầm nhìn của ASEAN về vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng vấn đề cơ bản của ASEAN ở đây chính là việc thiếu sự gắn kết trong nội bộ của hiệp hội.

Ở đây người ta có những nước chuyên chế như Việt Nam chẳng hạn, những nước dân chủ cho dù là cũng có những vấn đề như Indonesia, Philippines hay còn có những nước tập đoàn quân sự độc tài cứng rắn như Thái Lan. Do vậy, chẳng có một đồng thuận về mô hình chính trị, một cơ chế chính trị cho toàn thể khối ASEAN.

Không có một sự liên kết, không một đồng thuận về một mô hình chính trị như người ta mong muốn, ASEAN mỗi lúc gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh một cuộc đối đầu Mỹ - Trung ngày một gay gắt, ASEAN đúng là đang rơi vào thế như là một khán giả.

RFI : Vậy phải chăng việc căng thẳng gia tăng trong khu vực, còn có một phần trách nhiệm của ASEAN như lời chỉ trích của một số nhà quan sát ?

David Camroux : ASEAN không có trách nhiệm gì trong việc gia tăng những căng thẳng. Chính những áp lực từ Trung Quốc đối với Hồng Kông và Đài Loan đã làm cho căng thẳng bùng lên, cũng như là những đòn trừng phạt của Trung Quốc nhắm vào Úc chẳng hạn.

Rủi thay, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình không có chút nỗ lực nào để chứng tỏ là một nước láng giềng hòa bình. Thế nên, ASEAN cảm thấy bị đe dọa bởi vì về mặt quân sự, các nước trong ASEAN như Indonesia hay Philippines không có những phương tiện hải quân để đối phó với những cuộc xâm nhập của các nhóm bán dân quân tự vệ hải quân Trung Quốc.

Hơn nữa các nước Đông Nam Á, như trường hợp Việt Nam, không muốn phải chọn phe giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trên thực tế, Mỹ được xem như là một nguồn hậu thuẫn về an ninh, còn Trung Quốc thì bảo đảm về kinh tế. Cho đến trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, các nước thành viên của ASEAN trong một vị thế rất thuận lợi, có thể tận dụng được sự cạnh tranh này.

Giờ thì mọi việc đang trở nên trầm trọng, Hoa Kỳ bắt đầu đòi hỏi khu vực phải chọn theo Mỹ hay là Trung Quốc. Điều này đúng là không có lợi cho nhiều nước như Việt Nam hay nhiều nước khác phải chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

RFI : Như vậy, điều này có nghĩa là các nước ASEAN một ngày nào đó có nguy cơ phải chọn phe ?

David Camroux : Nguy cơ ở đây chính là sự chia rẽ trong nội bộ khối. Có những chế độ như Cam Bốt, Lào thì thân Trung Quốc. Rồi có những thành viên như Việt Nam hay Indonesia, không thân với Trung Quốc và cũng không chống, nhưng tỏ ra ngờ vực Trung Quốc.

Chính vì vậy mà Nhật Bản và Hàn Quốc có một vai trò quan trọng trong khu vực. Nhật Bản luôn là nhà cung cấp hỗ trợ và phát triển, nhà đầu tư hàng đầu trong khu vực. Hàn Quốc cũng đóng góp một vai trò, hỗ trợ các nước Đông Nam Á có những phương cách hành động giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Trên thực tế, phương thức hoạt động của các nước Đông Nam Á gần giống như là một trò chơi cân bằng, sử dụng cùng lúc nhiều lá bài. Nhưng nếu cạnh tranh Mỹ - Trung thêm trầm trọng, trò chơi cân bằng này mỗi lúc trở nên khó trụ được.

RFI : Trong bối cảnh này, liệu ASEAN trong tương lai có còn là một tác nhân quan trọng trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương ?

David Camroux : Đương nhiên, ASEAN vẫn có một tương lai bởi vì thế mạnh của khối chính là luôn nỗ lực tạo ra biết cách tạo ra một sự tin tưởng. Người ta hay quên là vào năm 1967, vào thời điểm thành lập khối ASEAN, ngay giữa thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, có những cuộc đối đầu, những căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ, nhưng ASEAN đã tạo dựng thành công một bầu không khí tin tưởng giữa các nước thành viên, hoạt động theo phương thức đồng thuận.

Chính vì thế trường hợp Miến Điện là nghiêm trọng, giới tướng lĩnh quân đội không tham gia cuộc chơi, tức là tạo ra một sự tin tưởng cho các nước thành viên láng giềng.

Nhưng tôi cũng nghĩ rằng ASEAN không có giải pháp thay thế cho các nước Đông Nam Á. Việc tạo ra một không khí tin tưởng giữa các nước cho phép phát triển mạnh về kinh tế, trở nên giầu có hơn như trường hợp của Việt Nam.

Khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, sau cuộc Đổi Mới, đó là bước đi thứ hai để Việt Nam trở thành một quốc gia "bình thường", quan trọng trên trường quốc tế. Đó chính là nền tảng để tạo bầu không khí, cho phép Việt Nam giống như những nước khác của ASEAN biết đến những phép mầu kinh tế và tăng trưởng.

Tôi nghĩ rằng ASEAN vẫn luôn giữ vai trò này nhưng người ta cũng thấy có những hạn chế của mô hình khi các nước thành viên không thực hiện các quy định cuộc chơi của cả nhóm !

RFI : RFI tiếng Việt xin cảm ơn Giáo sư David Camroux, trường Khoa học Chính Trị SciencesPo Paris.

Minh Anh thực hiện

Nguồn : RFI, 28/10/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: David Camroux, Minh Anh
Read 428 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)