Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/10/2021

Vẫn ma đưa lối, quỷ dẫn đường

JB Nguyễn Hữu Vinh

Những ngày vừa qua, dư luận xã hội đã nóng lên với một đám tang của một chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lão hòa thượng Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ viên tịch sau 105 năm trụ thế. Ông đã viên tịch sáng 21/10/2021 ở chính ngôi chùa làng - chùa Giáng (Viên Minh tự).

ma0

Ảnh minh họa đám tang Đại lão hòa thượng Pháp chủ Thích Phổ Tuệ viên tịch sau 105 năm trụ thế.

Ông là một trong những chức sắc cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – một tổ chức được gọi là Phật giáo Quốc doanh tại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng với khẩu hiệu : "Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội".

Sau khi viên tịch, lễ tang của ông đã được tiến hành trọng thể, có cả lãnh đạo nhà nước đến viếng với nhiều hoạt động rầm rộ, đông đúc được báo chí nhà nước và báo chí giáo hội quốc doanh đăng tải tràn ngập.

Lẽ ra, trước một đám tang, các Phật tử cũng như những người bình thường không phải Phật tử hoặc tôn giáo khác, đều phải có một thái độ thương tiếc, cung kính và nghiêm trang, thương tiếc trước sự mất mát của một người cả đời tu hành. Thế nhưng, đám tang đã để lại nhiều điều bàn tán, dị nghị và lắm thứ để cư dân mạng bàn bạc để rồi nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau.

Lời hay, ý đẹp và hình ảnh đơn sơ

Xem qua các bài báo mà hệ thống báo chí công cụ tuyên truyền của đảng cộng sản Việt Nam viết về vị sư tu hành này, người ta có thể thấy nhiều những lời hay, ý đẹp, nhiều hình ảnh rất đơn sơ và dễ đi vào lòng những người mến mộ những người tu hành chân chính.

Đập vào mắt nhiều người, là hình ảnh Đại đức Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam - một người gầy gò trong bộ áo tu hành khác với hình ảnh những người mang áo tu hành với bộ mặt nung núc đầy mỡ, tròn vành vạnh bóng loáng như Thích Nhật Từ, Thích Thanh Cường…

ma1

Cũng kèm theo đó là hình ảnh bữa cơm rất đơn giản gồm bát cơm, canh… rất đạm bạc. Những hình ảnh này khác hẳn với những bữa cơm của những nhà sư quốc doanh khác thịnh soạn với những món "Cỗ Chay" hoặc cả cỗ mặn, hay những bữa cơm sang trọng của Đại Đức Thích Thanh Cường là giám viện tổ đình, trưởng hạ Đống Cao, xã Tân Hưng, thành phố Hải Dương hoặc nhiều người tu hành khác.

ma2

Chúng ta cũng có thể đọc được những lời hay ý đẹp của một người tu hành. Qua đó người nghe, người đọc rất dễ hiểu rằng, đó là một bậc chân tu, hiến thân cho sự nghiệp tu hành của bản thân, dâng hiến cả đời mình cho đời, cho Phật giáo.

Nói về cuộc sống của mình sau hơn 100 năm trụ thế, ông nói : "Sống được bao nhiêu năm không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho đời, cho đạo. Ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệm thì bất khả tư nghì.

Tôi trụ thế đến nay đã hơn trăm năm, ở chùa cũng đã gần trăm năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, đồng tiền của tín thí thập phương, bao giờ chư Phật, chư Tổ cho gọi thì về thôi".

Hay là : "Chúng ta xuất gia không phải để cầu an thân cho chính chúng ta, mà xuất gia để làm những điều Phật tổ dạy chúng ta, làm những điều ích nước lợi dân, cứu khổ độ mê. Cho nên đi học phải nhớ thực hành".

Ngược lại với hình ảnh những ngôi chùa to khổng lồ như Bái Đính, Đại Nam, Tam Chúc, Ba Vàng… chiếm cả trăm, cả chục ha đất đai bờ xôi ruộng mật với những "Kỷ lục" về quy mô to lớn, rộng lớn, về chất liệu xây dựng, về ý tưởng, với hàng đoàn sư sãi to béo bệ vệ thì đó là hình ảnh một vị sư ẩn mình trong chùa Giáng (Viên Minh tự) với những ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ lâu đời.

Người ta cũng đọc thấy ý kiến của ông khi bàn về cơ sở vật chất, ông chỉ nói ngắn gọn : "Chùa to, giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện. Còn linh hồn của nó là thầy và trò trong quan hệ tu tập và hành trì".

Điều này có vẻ như ngược lại quan niệm, tiêu chí của những đồng nghiệp, những sư sãi ở những chùa chiền khác tại Việt Nam. Ở đó, điều quan trọng là quy mô chùa to lớn, bằng vật liệu quý giá, hoành tráng… nhằm thu hút khách "du lịch tâm linh" nhằm kinh doanh, kiếm tiền. Còn cái mà ông gọi là "linh hồn" ở đó, người ta có thể bắt gặp những người vẫn hành nghề sư sãi với thân hình béo tốt, với những vụ "lộ sáng" như sư chơi ma túy, sư đưa gái vào chùa, sư ăn thịt chó… và nhất là sự hư hỏng bê bối của hệ thống sư được bổ nhiệm với nhiệm vụ chính là làm công cụ, làm cái loa cho chế độ như Thích Chân Quang, Thích Nhật Từ và hàng hà sa số các sư sãi khác như Thích Tâm Vượng chùa Cổ Lễ, Thích Minh Hiền ở Chùa Hương, Thích Thái Minh chùa Ba Vàng…

Một đám tang gây nổi sóng dư luận

Sau khi những hình ảnh, những lời nói được dư luận quan tâm, đồng cảm và đồng tình về một vị "Chân tu" với những lời ca tụng chưa dứt trong dư luận cũng như trên mạng xã hội, thì đám tang của Đại lão hòa thượng Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ được hệ thống báo chí của Giáo hội Quốc doanh cũng như báo chí Quốc doanh được đưa lên bằng hình ảnh, video… đã làm choáng váng dư luận xã hội.

Một đám tang đông đúc giữa mùa dịch bệnh, với khung cảnh tràn ngập hoa và trang trí lộng lẫy đã gây ra không biết bao lời bàn tán. Người ta cho rằng với một vị sư tự nhận là "làm ruộng" và "chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, đồng tiền của tín thí thập phương" thì hàng trăm triệu tiền hoa, nến, trang trí trong lễ tang là điều ngược lại.

Đặc biệt, điều mà hầu hết cộng đồng mạng choáng thật sự là cỗ quan tài được đục từ một cây gỗ quý nguyên khối để bỏ xác ông Thích Phổ Tuệ. Cỗ quan tài được cộng đồng mạng đánh giá tiền tỷ, được chế tạo kỹ lưỡng, chạm khắc công phu.

ma3

Biết bao nhiêu lời đồn đoán và những câu hỏi đặt ra về việc tổ chức đám tang, về hoa hòe, đèn nến, về cỗ quan tài và lăng mộ của ông ta được làm theo lệnh của ai, số tiền của để làm những việc đó từ đâu ra.

Bởi, ông là người đi tu với nghề "làm ruộng" thì chắc chắn không thể có bạc tiền để tổ chức cho mình đám tang hoành tráng như vậy.

Bởi trước đó, trên báo chí của Giáo hội Quốc doanh, còn nguyên đoạn viết về ông như sau : "Trước lúc thuận thế vô thường trở về cõi Phật, đức Đại lão HT. Thích Phổ Tuệ đã căn dặn : "Sau khi tôi theo hầu Phật Tổ thì không được tổ chức tang lễ linh đình, nghi lễ hết sức giản đơn, ngắn ngày theo truyền thống đạo Phật và tổ chức tại chùa Viên Minh. Đề nghị không vòng hoa phúng điếu, không tiểu sử dài dòng, không tiêu tốn thời gian và tổn hại công đức của Tăng Ni và Phật tử. Nếu quý vị tưởng nhớ tới tôi thì niệm danh hiệu Phật và tụng thời kinh tại trụ xứ của mình hồi hướng công đức cho thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc".

Người ta đặt câu hỏi : Vậy thì với một người được ca ngợi là cả đời tu hành chân chính, không màng đến của cải, vật chất trần thế, sống đạm bạc không đam mê ăn uống và trưng diện như các đồng nghiệp của mình, ông ta có biết đám tang sẽ được các đồng nghiệp của ông tổ chức quy mô và tốn kém như vậy không ?

ma5

Liệu chiếc quan tài bằng gỗ quý, nguyên khối tiền tỷ kia, có phải là biểu tượng của sự phá rừng, phá hoại môi trường sống hay không và liệu ông có biết hay không khi nó được chế tạo chuẩn bị sẵn từ khi ông còn sống ?

Và nếu ông ta không biết những điều sẽ xảy ra ở đám tang của ông, thì với lời dặn của ông, đám tay chân, đệ tử của ông tổ chức đám tang linh đình tốn kém vậy có phải là đã đi ngược ý nguyện và lời trăn trối của ông ta ?

Và nếu vậy, với tư cách Pháp Chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông ta có chịu trách nhiệm về những suy đồi của Phật giáo hiện nay ?

Vẫn thò ra cái đuôi quốc doanh

Tìm hiểu về việc Giáo hội Quốc doanh tổ chức đám tang của Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi ngược lại với những lời dạy của chính kẻ quá cố, người ta thấy váng vất đâu đây hiện tượng Hồ Chí Minh với di chúc và đám tang của ông ta.

Ở đó, Hồ Chí Minh cũng chi chúc lại "Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân" và ông ta dặn đốt xác mình chia ra chứ không được xây lăng mộ. Thế nhưng không chỉ là lăng mộ khổng lồ tại Hà Nội mỗi năm ngốn hàng trăm, ngàn tỷ đồng tiền thuế người dân, mà còn khắp nơi nơi là tượng đài, là nhà lưu niệm, là bảo tàng… tốn kém vô hạn.

Thì ra, với người cộng sản, việc dặn dò chỉ là dặn dò và chỉ để làm phép. Còn hành động ngược lại là do đám con nhang, đệ tử thực hiện bất chấp mọi thứ chỉ nhằm xây dựng một tấm bình phong để ẩn nấp đằng sau đó mà làm loạn.

Vậy giữa một Đại lão Hòa thượng Pháp chủ và ông trùm cộng sản Hồ Chí Minh có liên hệ gì mà vẫn diễn ra sự giống nhau đến vậy trong sự ngược ngạo giữa lời nói và hành động thực tế, giữa ý nguyện của mình và cách thực hiện của đám đàn em, con nhang đệ tử ?

Đọc lại tiểu sử của Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, người ta thấy như sau : "Với nhiều công lao đóng góp cho đạo và đời, Đại lão Hòa thượng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhì ; Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bằng tuyên dương công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các phần thưởng cao quý khác".

Vâng, với chừng đó thành tích và phần thưởng, đã là lời giải thích rất cụ thể, rất rõ ràng cho những mâu thuẫn mà dư luận xã hội đã đặt ra mà chúng tôi đã nêu ở trên.

Có lẽ, cũng vì thế mà mặc dù ông đã nói : "Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho đời, cho đạo. Ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệm thì bất khả tư nghì". Thì dù ở đời đến 105 tuổi, hơn gấp đôi tuổi vua Trần Nhân Tông, nhưng chưa ai nghe ông nói một câu nào về sự hà hiếp, cưỡng ép dân lành của thế lực cai trị đất nước là Đảng cộng sản Việt Nam. Ông cũng chưa có một lời nào về việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc.

Bởi vì, dù ở nơi nào, chức vụ hoặc vị trí công tác nào, dưới sự lãnh đạo của đảng, thì vẫn là :

"Ma đưa lối, quỷ dẫn đường

Cứ lần theo bước đoạn trường mà đi"

(Kiều)

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 27/10/2021 (nguyenhuuvinh's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: JB Nguyễn Hữu Vinh
Read 517 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)