"Học ăn, học nói, học gói, học mở"
Câu nhắc nhở của người xưa chắc không phải chỉ là dành cho bậc ông bà cha mẹ dạy con cái. Bởi đơn giản là con người ta, từ chào đời cho tới khi lìa đời, luôn phải học hỏi, tu dưỡng.
Hình chụp màn hình Bộ trưởng Công an Tô Lâm được "thánh rắc muối" Salt Bae bón cho ăn và bên cạnh là miếng thịt bò dát vàng - RFA edit
Với thời nay, với một số nhân vật có ảnh hưởng lớn tới xã hội, thiết nghĩ cái sự "học" đó càng quan trọng.
Hai hình ảnh
Tối qua, trên mạng xuất hiệnhình ảnh một số quan chức ăn uống ở một nhà hàng sang trọng bên Anh quốc,được ông "Thánh rắc muối" khét tiếng trực tiếp phục vụ, đút cho ăn.
Chợt nhớ cũng hình ảnh tương tự trên báo, từ năm kia tại Hà Nội,một cô gái trẻ chủ một khách sạn, cũng đượcông "Thánh" phục vụ tận tình như vậy.
Mới tháng trước,báo chí kể về độ đắt đỏ và tiếng tăm ở nhà hàng ông này, mà một người ăn có thể phải bỏ ra tới hơn 50 ngàn đô la, riêng tiền phục vụ tới hơn 6 ngàn.
Một nỗi buồn
Cô gái trẻ, lại là chủ khách sạn, việc chi xài tốn kém, đưa hình ảnh lên mạng không ngoài mục đích chủ yếu quảng bá cho công việc kinh doanh của mình. Chuyện thường tình.
Các quan chức dùng bữa ngon, tiện nghi như vậy, cũng đừng vội chê trách. Họ được mời, hoặc do công việc, cần hiểu cuộc sống mọi mặt, mọi giới v.v..
Thế nhưng, cô gái trẻ và các vị quan chức lại có những điểm vô cùng khác biệt.
Cô ấy không răn dạy người đời phải sống thanh cao, liêm khiết ; còn các quan chức thì có.
Cô là hàng con cháu, đáng được nhận từ các quan chức tấm gương đạo đức.
Cô ấy không có mức thu nhập khiêm tốn mỗi tháng hai chục triệu đồng như các quan chức.
Cô ấy không có quyền hành lớn lao quyết định tới cuộc sống – vật chất, tinh thần, quyền tự do - của muôn người ; còn các quan chức thì có.
Hàng triệu người dân nhìn vào hình ảnh của cô gái, có thể có chút chê bai, nhưng không hề hấn gì.
Hàng triệu người dân nhìn vào hình ảnh của các quan chức, sẽ không ít khó chịu, nhưng khó dám hé răng vì sợ … mang vạ.
Buồn ở sự giống mà khác đó. Một đằng "xây dựng hình ảnh", một đằng… thì ngược lại.
Không chút cảm thông
Không thể cảm thông với các quan chức đó không phải ở chỗ họ đã có mặt trong bữa tiệc, vì "ăn" để sống, để tận hưởng và đôi khi cũng là công việc.
Nhưng điều tai hại là họ đã không có được cái tỉnh táo của những "chính trị gia", biết khép mình trong cương vị công quyền. Họ hồn nhiên vui vẻ không khác gì cô gái kia.
Cha ông ta còn dạy"Ăn trông nồi, ngồi trông hướng" cơ mà. Sao không trông thấy những ống kính đang chĩa vào mình ?
Với đầy kinh nghiệm và đủ quyền hành, phương tiện, song họ lại không biết giữ gìn hình ảnh, để lộ ra bên ngoài … Hàng triệu người dân đang đói khổ vô cùng suốt hai năm đại dịch, đang ngóng chờ ít tiền chính phủ hỗ trợ … sẽ nhìn vào, buồn tủi và thất vọng.
Ấy là thiếu bản lĩnh. Cách hành xử đó chỉ có thể có ở những quan chức cỡ nhàng nhàng, hoặc sắp về chiều là cùng. Hiện ngoài các trang báo, mạng tiếng Việt, bài viết, video cũngđã xuất hiện trên báo và trang YouTube tiếng Anh.
Ngoài ra, họ còn thiếu một nền tảng văn hóa, lại yếu về ý thức tiếp tục học hỏi, xây dựng cho nó khá hơn lên chút nào.
Họ vẫn cần phải "học ăn" sao cho thiên hạ khỏi rủa …
"Miếng ăn … miếng nhục !"
Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
Nguồn : RFA, /1120021
********************
Người dân phẫn nộ trước bữa ăn dát vàng của Bộ trưởng Công an Tô Lâm
RFA, 05/11/2021
Nhiều người dân Việt Nam tỏ ra giận dữ với một đoạn video được đăng tải hôm 3/11 quay lại cảnh bữa ăn tối dát vàng của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, cùng với đoàn tuỳ tùng bao gồm Chánh văn phòng, Phát ngôn nhân Bộ Công an - Tô Ân Xô ở một nhà hàng sang trọng của của anh chàng Salt Be, trong lúc nhiều người khó khăn vẫn chưa nhận được hỗ trợ của chính quyền.
Bác sĩ ở Đà Nẵng ăn mì gói để chống dịch và bữa ăn dát vàng của Bộ trưởng Công an Tô Lâm - Báo Lao Động/ RFA edited
Thời điểm đăng video của "thánh rắc muối" diễn ra cùng lúc với chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Anh và chuyến thăm Pháp ngay sau đó, trong đó có sự tháp tùng của hai nhân vật kể trên.
Trong video dài 41 giây có đoạn ông Bộ trưởng được phục vụ món bò bít tết dát vàng, và được đích thân chủ của chuỗi nhà hàng nổi tiếng thế giới bón món ăn tận miệng theo đúng nghĩa đen.
Thịt bò được bọc trong bao giấy lát vàng mỏng khi nướng trên vỉ
Món thịt bò dát vàng
Xếp bếp Salt Bae, được biết dưới tên "thánh rắc muối", tận tay đút vào miệng ông Tô Lâm miếng thịt vừa cắt còn nóng hổi
Tướng Tô Lâm giơ ngón tay cái khen Thánh rắc muối vì làm món thịt ngon
Video này sau đó được người dùng mạng xã hội ở Việt Nam chia sẻ lại vào tối ngày 4 tháng 11 và nhanh chóng được lan truyền rộng rãi.
Vô vàn bình luận đã được đưa ra về bữa tối sang trọng này, trong đó nhiều người tỏ ra giận giữ trước điều mà họ cho là "xa hoa, hoang phí" của những cán bộ nhà nước. Cũng có nhiều người đưa ra những bình luận mỉa mai về "giai cấp vô sản" mà Đảng cộng sản ở Việt Nam vốn tuyên truyền mình là đại diện.
Trả lời phỏng vấn của RFA, ông Nguyễn Tiến Trung, một nhà quan sát và bình luận chính trị từ Thành phố Hồ Chí Minh lý giải nguyên nhân vì sao người dân phẫn nộ trước những hình ảnh này. Ông Trung nói :
"Thứ nhất là cái thời điểm, đó là trong cái hoàn cảnh mà cả đất nước cũng như cả thế giới này đang đau khổ và khốn khổ vì cái chuyện phong toả xã hội vì địch bệnh Covid-19, và thu nhập của người dân giảm rất là sâu vì rõ ràng là nếu không đi làm được thì không có thu nhập, và nhà nước phải cứu trợ cũng như nhiều hội nhóm xã hội dân sự phải làm thiện nguyện, từ thiện để cứu trợ. Thế nhưng mà ở đây một cái người quan chức cộng sản họ đã đi ăn một cái bữa ăn rất là mắc tiền. Đó cho nên là cái việc nó gây phẫn nộ với người dân vì tầng lớp quan chức sống rất là xa hoa còn người dân thì khổ sở vì dịch bệnh.
Thứ hai, tôi nghĩ người dân phẫn nộ là vì chính những người quan chức đó là những người mà đi giảng đạo đức cho người dân, họ nói là phải cần-kiệm-liêm-chính, chí-công-vô-tư, rồi suốt ngày giảng về đạo đức cách mạng. Thế nhưng mà khi người ta nhìn vào cái bữa ăn như vậy thì người ta thấy là họ có thực sự cần-kiệm-liêm-chính không, và chắc chắn là không có rồi. Cho nên là người dân người ta phẫn nộ vì cái thói đạo đức giả của quan chức nữa".
Người dân vạ vật bên vệ đường để lấy sức tiếp tục đi xe máy về quê hồi đầu tháng 10/2021. Ảnh : Soha
Trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên của Bộ Công an, người cũng xuất hiện trong video quay lại bữa tối sang trọng này được nhiều người sử dụng mạng xã hội bêu rếu vì chính ông này trước đây đã đấu tố cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm là "cường hào, địa chủ mới".
Sau khi hình ảnh và tin tức về bữa ăn này được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội thì một vài trang Facebook thường có bài viết "ủng hộ chính phủ và chỉ trích các tiếng nói đối lập" đã đăng bài giải thích rằng bữa ăn đó là "bữa tối tiếp khách do Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Pháp - nước chủ nhà mời đại diện Bộ Công an với vai trò là thượng khách".
Tuy nhiên, tờ báo The Evening Standard của Anh lại cho biết "thánh rắc muối" Salt Bae đang ở nhà hàng của ông Luân Đôn trong suốt 6 tuần vừa qua sau khi khai trương nhà hàng sang trọng ở đây, và sẽ rời đi vào Chủ nhật này để đến Saudi Arabia khai trương một chi nhánh khác của ông.
Nhận định về cách "chữa cháy" trên của lực lượng dư luận viên, một người dân Hà Nội giấu tên vì điều kiện an ninh, cho RFA biết :
"Tôi thấy rằng việc này là việc làm chống chế từ những người ủng hộ chính phủ, và càng chống chế thì người ta lại càng nảy sinh nghi ngờ, rằng nếu mà anh đi ăn một bữa ăn bình thường do một người đại sứ hay doanh nghiệp mời thì cứ đi bình thường và có thể thông tin công khai.
Tuy nhiên, với việc chống chế như vậy thì khiến dư luận đặt câu hỏi là càng chống chế thì càng cho thấy bữa ăn đó thực tế được chi trả bằng tiền ngân sách của Việt Nam, mà ngân sách ở đây tức là từ việc đóng thuế của người Việt Nam để phục vụ bữa ăn của Bộ trưởng.
Cái điều đó là điều khiến nhiều người bức xúc, bởi vì trong khi ở trong nước thì người dân rất khổ sau đại dịch, thậm chí Việt Nam ra nước ngoài phải xin từng đồng và từng giọt vắc-xin để chống dịch, thì tại sao Bộ trưởng lại bỏ tiền ra một cách phung phí như vậy ?!".
Hiện Bộ Công an, báo chí nhà nước và các cơ quan của chính phủ Việt Nam vẫn chưa có giải thích chính thức nào về sự việc.