Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/11/2021

Luật An ninh mạng chỉ nhằm ‘trảm’ những nhà bất đồng chính kiến

Trần Dzạ Dzũng

"Tôi coi mạng Internet như là một dạng báo chí, báo chí là một công cụ, mà báo chí cần tự do thì Internet cũng phải cần tự do. Tức là cần phải mở ra hơn nữa để cho chính quyền, để cho nhân dân, tất cả tự do ngôn luận ở đây, để cho người ta tranh luận và qua tranh luận ấy thì sẽ thấy rõ cái gì đúng, cái gì sai. Tôi coi luật tự do Internet như luật tự do báo chí. Tự do chúng ta ứng xử với báo chí như thế nào, thì chúng ta ứng xử với Internet như vậy".

Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người và Quyền công dân ở Hà Nội, đã bình luận như vậy trong một trao đổi với BBC tiếng Việt ngày 11/6/2018.

anninhmang1

"Tôi coi luật tự do Internet như luật tự do báo chí. Tự do chúng ta ứng xử với báo chí như thế nào, thì chúng ta ứng xử với Internet như vậy".

Theo khoản 1 Điều 2 của Luật An ninh mạng quy định : "An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân".

Như vậy về lý thuyết có thể thấy Luật An ninh mạng trực tiếp bảo vệ 05 quyền con người sau đây :

1) Quyền sống, quyền tự do cá nhân ; quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ ;

2) Quyền không bị can thiệp vào đời tư, gia đình, chỗ ở hoặc thư tín ;

3) Quyền không bị xâm hại danh dự hay uy tín cá nhân ;

4) Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo của công dân ;

5) Quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của công dân.

Việc bảo vệ các quyền kể trên được thể hiện trong các điều luật của Luật An ninh mạng như sau :

Điều 8 Luật An ninh mạng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong an ninh mạng như :

1) Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội ; Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; Xuyên tạc lịch sử ; thông tin sai sự thật… ;

2) Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng ; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia… ;

3) Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin,… ;

4) Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng ; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng ;

5) Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân để trục lợi.

Thế nhưng trong một góc nhìn khác cho thấy có ít nhất là những băn khoăn như sau : Luật An ninh mạng này xâm phạm quyền tự do ngôn luận, khi nó buộc nhà cung cấp dịch vụ mạng phải xoá thông tin đăng tải trên mạng, những thông tin mà cơ quan chấp xác định là xấu và phải xoá đi trên tài khoản người dùng, theo yêu cầu của họ, nhưng cùng một lúc lại phải đưa các thông tin đó cho công an.

Trong khi đó thì các thông tin bị cho là xấu này được liệt kê rất mơ hồ. Ở tại Việt Nam này, những tội gọi là phản động, là chống lại chính quyền đều là rất mơ hồ, để nhà cầm quyền muốn diễn giải sao cũng được cả.

Tiếp nữa, Luật An ninh mạng này xâm phạm, hay nói đúng hơn cướp đi quyền sử dụng internet của người dân. Khi mà nhà cung cấp dịch vụ mạng phải không được cung cấp hay phải ngừng cung cấp dịch vụ internet cho những cá nhân đăng tải lên mạng những thông tin mà nhà chức trách cho là thông tin xấu theo luật. Như vậy thì sao ? Chỉ cần nhà chức trách cho là một cá nhân hay một tổ chức đăng những tin xấu tin độc thì họ sẽ bị mất quyền sử dụng internet.

Cả hai băn khoăn ở trên còn được củng cố khi với những gì đang diễn ra cho thấy dường chừng nhà cầm quyền khi soạn Luật An ninh mạng là chủ yếu nhằm để ‘trảm’ những ý kiến phản biện nghịch với ý chỉ của Đảng.

Dẫn chứng, giới nghệ sĩ Việt suốt nửa năm qua đang bị ảnh hưởng nặng nề từ "cơn bão mạng". Những đấu tố lời qua tiếng lại, những lùm xùm chuyện quảng cáo sản phẩm dỏm, rồi biết bao nhiêu việc làm từ thiện của nghệ sĩ bị bươi móc.

Đến hiện tại, chưa có một kết luận từ cơ quan điều tra tuyên bố nghệ sĩ nào đó ăn chặn tiền từ thiện hay sử dụng sai mục đích, thế nhưng những cuộc "phong sát" vẫn tiếp tục diễn ra, từ soi mói chuyện riêng tư đến mạt sát nghệ sĩ bất chấp đúng sai.

Và khó hiểu hơn là Luật An ninh mạng đã ‘làm lơ’…

Chẳng đặng đừng, sáng 25/10/2021 ca sĩ Vy Oanh đã nộp đơn lên Công an Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nữ doanh nhân đã dùng hàng loạt từ ngữ vu khống, nhục mạ cô như đẻ thuê, làm gái bao, giật chồng…

Vy Oanh chia sẻ, thời điểm đó là những tháng cuối cô sắp sinh con mà mỗi ngày phải chịu đựng các cuộc tổng tấn công từ Zalo, Viber, số điện thoại cá nhân tới Facebook, fanpage… với những lời nguyền rủa ác nghiệt, nặng nề.

Họ nói tôi là sẽ chết trên bàn mổ, con mày sinh ra không có não. Quả thật, trong cuộc đời làm nghệ thuật tôi cũng có một vài lần gặp sự cố nhưng chưa lần nào như lần này, với những chửi bới dồn dập đay nghiến, nặng nề mà mình không thể tin là những lời của khán giả thật ! – Vy Oanh nói.

Một nữ nghệ sĩ gạo cội từ trước 1975 chia sẻ :

"Thời trước, cũng có những tờ báo lá cải khủng khiếp lắm. Họ dựng chuyện, thêu dệt đủ thứ. Họ lấy hình khỏa thân của một cô Tây, ghép đầu nữ nghệ sĩ nổi tiếng vào đăng bìa để giật gân, rồi chủ động gọi nghệ sĩ bảo để tui đăng bán báo vài ngày rồi tui đính chính.

Cứ nghệ sĩ nào nổi tiếng là họ dựng chuyện. Họ không viết tên thật, nhưng viết những chi tiết liên quan nên ai đọc cũng biết họ ám chỉ nghệ sĩ nào. Họ ám chỉ tôi mỗi đêm không có đàn ông thì không ngủ được, họ kể như ở gầm giường nhà tôi rồi bảo tôi dâm dục ra sao. Hồi mới vô nghề, đụng mấy chuyện này, tôi đã tính tự tử mấy lần".

Bà nói thêm : "Thời đó, mạng miếc chưa phát triển. Khán giả có nghe đồn thì cũng nói sau lưng mình thôi nên ráng gồng mình chịu trận rồi cũng sẽ qua. Không như bây giờ, người ta có thể làm clip cho cả triệu triệu người nghe nên mức độ ảnh hưởng thật sự là rất khủng khiếp !".

…Vậy đó, thật khó hiểu khi Luật An ninh mạng lại không được thực thi cho điều chỉnh những hành vi như kể trên của bà doanh nhân xứ miền Đông Nam bộ.

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 05/11/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Dzạ Dzũng
Read 396 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)