Thỏa thuận ‘giảm phát thải’ giúp Việt Nam có thêm nguồn ngoại tệ ?
Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc năm 2021, còn được gọi là COP26, là hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 26 của Liên hiệp quốc. Hội nghị đang được tổ chức tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, từ ngày 31/10 đến ngày 12/11/2021, dưới sự đồng chủ trì của Vương quốc Anh và Ý.
Nước gây ô nhiễm nhiều sẽ mua mức thải khí chưa dùng của các nước khác để được quyền thải khí vượt hạn mức.
Giới hoạt động về môi trường ở Việt Nam đang quan tâm về các cam kết của Trung Quốc tại COP26 sẽ như thế nào. Hiện Trung Quốc là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới và có nhiều khoản đầu tư vào các nhà máy điện than trên toàn thế giới, trong đó có cả tại Việt Nam. Chính điều này nên nhiều nhà quan sát sẽ theo dõi xem Trung Quốc – và các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn khác – đang sẵn sàng giảm sự phụ thuộc vào họ nhanh như thế nào.
Người dân và chính phủ Việt Nam đều được hưởng lợi
Có mặt tại Glasgow, Vương quốc Anh từ 29/10 đến 12/10, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) Ngụy Thị Khanh chia sẻ với giới truyền thông, rằng, "nếu Việt Nam đưa ra cam kết cao hơn về giảm phát thải carbon, chúng ta sẽ bày tỏ được thiện chí, nguyện vọng và quyết tâm của mình. Khi đó, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn hơn trong việc tiếp cận được các nguồn tài chính khí hậu công lẫn tư.
Đây là một lợi ích nhìn thấy rất rõ. Khi các quốc gia phát triển có động thái đánh thuế carbon để thực hiện cam kết của chính quốc gia của mình thì các công ty, tập đoàn sẽ có trách nhiệm tương ứng. Lúc đó, việc họ đầu tư ở đâu cũng phải tính toán.
Tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế là một cuộc đua mà Việt Nam phải đua cùng các nước khác. Nếu Việt Nam đưa ra các cam kết tham vọng sẽ có lợi hơn. Ngược lại, nếu cam kết thấp thì sẽ bất lợi".
Theo Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 2009, các nước phát triển đã nhất trí huy động 100 tỷ USD hàng năm từ năm 2020. Lần này, các bên sẽ cùng thảo luận để xem xét lại cơ chế và các kế hoạch mới giai đoạn đến năm 2025.
Hơn thế, để đạt được mục tiêu giảm thiểu và trung hòa khí thải carbon, các chính phủ cần phải thay đổi cơ bản cách thức điều hành mọi mặt kinh tế – xã hội và sinh hoạt cuộc sống.
Cũng giống như nhiều chính phủ thời gian qua đã ứng phó với đại dịch Covid-19 bằng nguồn lực tài chính chưa từng có, cuộc khủng hoảng môi trường cũng đòi hỏi phải có biện pháp ứng phó khẩn cấp. Tiến trình này sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí ở hiện tại nhưng sẽ mang lại những lợi ích lâu dài, bền vững như việc làm, giảm thiểu ô nhiễm không khí, cải thiện điều kiện sống và đặc biệt là sức khỏe của người dân.
Hạ tuần tháng 10 năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký kết Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). WB là cơ quan nhận ủy thác của Quỹ Đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF).
Thông cáo báo chí cho biết, chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam được thực hiện nhằm hỗ trợ cho bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết các nguyên nhân mất rừng ở vùng Bắc Trung Bộ, qua đó giảm phát thải do mất rừng, suy thoái rừng và tăng hấp thụ do phục hồi, tái tạo rừng.
Vùng Bắc Trung Bộ được lựa chọn do có tầm quan trọng đặc biệt về đa dạng sinh học và tình hình kinh tế – xã hội, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 5,1 triệu héc-ta (chiếm 16% diện tích đất của cả nước), trong đó 80% là đồi núi, bao gồm 5 hành lang bảo tồn đã được quốc tế công nhận. Diện tích rừng của vùng Bắc Trung Bộ đạt trên 3,1 triệu ha, tỷ lệ che phủ của rừng năm 2019 đạt 57,76%.
Với thỏa thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2e giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế trong giai đoạn 2018 – 2024. FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này số tiền là 51,5 triệu USD.
Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam được thực hiện nhằm hỗ trợ cho bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết các nguyên nhân mất rừng ở vùng Bắc Trung Bộ, qua đó giảm phát thải do mất rừng, suy thoái rừng và tăng hấp thụ do phục hồi, tái tạo rừng.
…và cũng tạo cơ hội cho tham nhũng lâm nghiệp
Bình luận sự kiện trên, ông Nguyễn Ngọc Lung – Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, nhận định việc ký thỏa thuận này Việt Nam được lợi kép. Quỹ Đối thoại Các-bon trong Lâm nghiệp là quỹ chung của Thế giới, bất kỳ nước nào làm giảm được phát thải ô nhiễm CO2 thì họ đều ký. Việt Nam là nước thứ 5 ký thỏa thuận đó.
Theo giáo sư Nguyễn Ngọc Lung, chức năng CO2 là có lợi. Tất cả các cơ thể thực vật cứ tưởng lấy từ dưới đất lên làm nhưng 95% lấy CO2 từ không khí để quang hợp. Còn với đất thì chỉ là giữ chỗ để không bị trôi, không bị hỏng, song nó cũng lấy những khoáng chất mà trong không khí không có. Thế nên rừng núi, cây cỏ khi mình làm nông nghiệp thì đều cần phải dùng đến CO2.
Thế nhưng, khi lượng CO2 trong không khí vượt quá tiêu chuẩn thì sẽ gây hại, khiến không khí nóng lên. Điểm đáng lo là ngành công nghiệp quá phát triển, các nhà máy, xe cộ chạy… đều thải ra lượng lớn CO2. Thực tế hiện nay không khí đã nóng lên thêm gần 1 độ C, nên nó làm ra biến đổi khí hậu.
"Việt Nam là 1 trong 6 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Nguyên nhân cũng do khí này. Thế nên, với CO2, nếu biết dùng thì có lợi, còn không hạn chế được nó thì sẽ có hại", giáo sư Lung khẳng định, và cho biết thêm là khoảng gần 10 năm nay, FCPF đã viện trợ cho Việt Nam làm thử, lấy rừng hấp thụ CO2 nhằm giảm lượng khí này trong không khí, để lúc nào cũng ổn định ở con số khoảng 0,03%. Chương trình này gọi là chương trình REDD++.
Chương trình này đã qua giai đoạn thứ nhất, chuyển sang giai đoạn thứ 2. Ở giai đoạn 2 này khi ký thoả thuận, Việt Nam làm được thì FCPF trả tiền. Theo đó, để hoàn thành được thoả thuận, Việt Nam phải phát triển rừng, phải giữ rừng.
"Trước khi chúng ta có chương trình trồng 5 triệu ha rừng. Chúng ta phải chi ngân sách, phải vay vốn quốc tế để trồng. Giờ có thỏa thuận này, làm tốt chúng ta được trả tiền, nguồn tiền chính phủ sẽ được nhận, nông dân được nhận vì họ tham gia vào quá trình bảo vệ rừng, trồng rừng và phát triển rừng. Khi phát triển rừng, giữ được rừng, chúng ta không chỉ có gỗ, có rừng hạn chế được lũ lụt mà còn góp phần vào chống biến đổi khí hậu.
Không có thỏa thuận này chúng ta vẫn phải trồng rừng, giữ rừng. Nhưng ký thêm thỏa thuận này họ tính rừng của mình hấp thụ được bao nhiêu khí CO2 rồi trả tiền cho mình. Đây chúng ta được lợi kép" – giáo sư Nguyễn Ngọc Lung nói.
Tại sao phải trả các khoản tiền cho những chương trình giảm phát thải ?
Có thể hiểu một cách đơn giản "Cơ chế phát triển sạch" – Clean Development Mechanism (CDM) – là một trong ba cơ chế mềm dẻo để các nước thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo cam kết tại nghị định thư Kyoto về lĩnh vực này.
Khi nghị định thư Kyoto có hiệu lực đồng nghĩa với việc các nước tham gia nghị định thư này phải cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính như họ đã cam kết, cụ thể là cắt giảm khí CO2 (hoặc một số loại khí thải được qui đổi tương đương).
Một trong những con đường để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là giảm tiêu thụ năng lượng. Nhưng nếu giảm tiêu thụ năng lượng sẽ ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp cũng như nhiều ngành kinh tế, ngoài ra chi phí đầu tư cũng sẽ rất cao…
Trong khi đó, nghị định thư Kyoto mang ý nghĩa toàn cầu và có những cơ chế mềm dẻo nhằm tạo điều kiện cho các nước thực hiện cam kết. Chỉ cần có trong tay "chứng nhận giảm phát thải hiệu ứng nhà kính", bất kể chứng nhận đó có nguồn gốc hay được thực hiện tại quốc gia nào cũng được chấp nhận đã đóng góp giảm phát thải hiệu ứng nhà kính như cam kết trong nghị định thư này.
Ví dụ, quốc gia A hay tổ chức B mua được 1 triệu CER (Chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận ). CERs là các giảm phát thải được chứng nhận do Ban chấp hành quốc tế về CDM cấp cho dự án CDM. 1 CER được xác định bằng một tấn khí CO2 tương đương) tại một quốc gia nào đó, thì cũng đồng nghĩa với việc quốc gia A đã thực hiện cam kết giảm được 1 triệu tấn khí gây hiệu ứng nhà kính mà không nhất thiết phải thực hiện ngay tại quốc gia mình.
Ngoài ra, một số công ty cũng có ý tưởng kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt này. Chính vì vậy, gần đây đã xuất hiện loại hàng hóa "chứng nhận khả năng giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính", và thị trường mua bán loại hàng hóa đặc biệt này cũng ngày càng có giá hơn…
***
Tổng lượng giảm phát thải chuyển nhượng cho WB theo ERPA là 10,3 triệu tấn CO2e với đơn giá tín chỉ giảm phát thải được hai bên thống nhất : 5 USD/tấn CO2e. Theo ERPA, thời điểm tính kết quả lượng giảm phát thải được tính từ 01-02/2018 (thời điểm Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ được Quỹ Các-bon thông qua) đến 31-12/2024, được chia thành 3 kỳ báo cáo với thời gian và lượng giảm phát thải tối thiểu như sau :
– Kỳ Báo cáo thứ nhất (01/02/2018 – 31/12/2019) : 3 triệu tín chỉ giảm phát thải.
– Kỳ Báo cáo thứ hai (01/01/2020 – 31/12/2022) : 4 triệu tín chỉ giảm phát thải.
– Kỳ Báo cáo thứ ba (01/01/2023 – 31/12/2024) : 3,3 triệu tín chỉ giảm phát thải.
Sau mỗi kỳ báo cáo, WB thực hiện thẩm định/xác minh kết quả và thanh toán/chi trả kết quả giảm phát thải như sau :
– Năm 2021 : 15 triệu USD, tương ứng với 3 triệu tấn CO2e.
– Năm 2023 : 20 triệu USD, tương ứng với 4 triệu tấn CO2e.
– Năm 2025 : 16,5 triệu USD, tương ứng với 3,3 triệu tấn CO2.
Hai bên nhất trí lượng bán bổ sung (nếu có) sẽ được ưu tiên cho WB. Lượng bán bổ sung và đơn giá bán sẽ được hai bên đàm phán, thống nhất trong quá trình thực hiện ERPA.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 03/11/2021