"…Khi có chuyện xảy ra thì bên cạnh Đảng và nhà nước, chỉ còn rõ nhất Quân đội và Công an"
Ảnh minh họa Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng công an Tô Lâm duyệt đội công an danh dự và chào thăm hỏi tướng lĩnh công an
Ông Lê Doãn Hợp (70 tuổi), nguyên ủy viên trung ương Đảng, nguyên bộ trưởng thông tin và truyền thông, nguyên bí thư tỉnh ủy Nghệ An nói trên trang Vietnamnet : " Khi diễn tập, chúng ta làm rất tốt và bài bản, nhưng khi có chuyện xảy ra thì bên cạnh Đảng và nhà nước, chỉ còn rõ nhất Quân đội và Công an". Vậy quân đội và công an trong lúc này có thể bảo vệ được Đảng của họ nếu có chuyện gì xảy ra không ? Câu trả lời là không ! (*)
Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam kể từ ngày thành lập cho đến 30 tháng 4 năm 1975 đã chiến thắng được hai kẻ thù lớn nhất là Pháp và Mỹ, tự hào là vô địch, nhưng cũng kể từ sau ngày ‘đại thắng’ đó các dấu hiệu rệu rã, mất tinh thần được thấy rõ. Càng về sau, càng rõ hơn đến mức đảng không thể che giấu được.
Sau ngạc nhiên, bàng hoàng, ngỡ ngàng như chuột vô tình sa chĩnh gạo, người lính Giải phóng, chú Công an chợt thấy mình bị đảng lừa. Càng cấp cao, càng có sự hiểu biết, càng thấy mình bị lừa ghê gớm hơn. Anh lính quèn nhìn vào những vùng quê trù mật, thành phố hoa lệ khác xa với miền Bắc thiên đường thấy mình bị lừa. Cấp chỉ huy của họ, những người có chút hiểu biết, nhìn cao hơn một chút, thấy xã hội miền Nam tự do, đạo đức hơn hẳn miền Bắc, nhận ra mình từ lâu phải sống trong kềm kẹp, ngu dân. Thấy mình bị lừa nặng, nhưng chẳng ai trong đám giải phóng quân dám hở môi nói cho đồng chí, chỉ thở ra với người bà con ruột thịt trong Nam, "Chúng tôi bị lừa". Từ quan chí lính nhận ra điều đảng thôi thúc họ mau mau giải phóng một miền Nam nghèo nàn, đói khổ, bị kềm kẹp, áp bức là không đúng. Hy sinh của họ chỉ phục vụ cho tham vọng của Đảng. Từ đó tinh thần chiến đấu của họ bốc hơi. Tinh thần xuống nhưng lòng tham của cải vật chất của người cộng sản từ lâu sống trong miền Bắc ‘vô sản’ không có gì để ham muốn bùng phát dữ dội. Lính vơ vét theo kiểu lính, quan, tướng vơ vét theo kiểu quan tướng, từ con búp bê, cái sườn xe đạp, cái đổng, cái đài giá vài chục đồng đến chiến lợi phẩm, nhà cửa, đất đai hàng ngàn tỷ đồng.
Hàng ngàn căn cứ quân sự bị chia 5, xẻ 7 bán đất, bán nền ; tiền trong ngân hàng, đồ quý hiếm trong viện bảo tàng cũng bị đánh cắp. Hàng tỷ đô la chia chác nhau từ địa phương đến trung ương, từ trung đoàn, sư đoàn, quân khu, bộ quốc phòng đến bộ chính trị.
Từ lính, đến quan, tướng, cả công an, quân đội bị thử thách trong miền Nam trù mật, phớt lờ những công điện mật từ trung ương gửi vào lấy lệ yêu cầu tránh "những viên đạn bọc đường"
Từ ngay sau cuộc chiến mù lòa, tất cả các tướng lãnh trong quân đội nhân dân lộ mặt ngu tối, tham lam, hèn hạ.
Để lấp đầy khoảng tinh thần yếu kém của quân đội, công an, từ những năm sau này, đảng cộng sản ngày càng mạnh tay rót ngân sách cho các lực lượng võ trang, tăng cường những khí tài, phương tiện ngày càng hiện đại, những kỹ thuật tối tân. Dù vậy tinh thần quận đội, công an không khá lên được. Tinh thần quân đội không phụ thuộc vào vũ khí tối tân được trang bị mà phụ thuộc vào tinh thần của cấp chỉ huy và binh lính. Cấp chỉ huy có tinh thần chiến đấu phải là người hết lòng vì dân vì nước, và tự nhiên, nếu dám hy sinh vì dân vì nước họ không thể là những kẻ tham nhũng, ăn cắp hạ cấp. Minh chứng cho sự không còn tinh thần chiến đấu của quân đội và công an Việt Nam rõ nét nhất là hàng chục tướng lãnh trong 2 lực lượng này lần lượt ra tòa vì các tội danh mà chỉ những người không có danh dự, mạt hạng mới mắc phải như tổ chức đánh bạc, buôn lậu, tham nhũng, nhận hối lộ… Những kẻ phải ra tòa nằm trong phe yếu thế trong đảng bị cách chức, ngồi tù, đuổi khỏi tổ chức, nhưng những kẻ còn lại, ở phe mạnh hơn, còn tệ hại hơn thế nhiều.
Chính phủ Việt Nam có nhiều nỗ lực muốn nâng cao uy tín của quân đội và công an trong con mắt người dân. Trong đại dịch vừa qua, họ đưa hàng sư đoàn quân Bắc Việt vào gọi là chi viện chống dịch, nhưng dân miền Nam xem đó như đoàn quân Nam Tiến vào "Chống Địch", chống lại dân chúng Miền Nam. Những ngày đầu, quân nhân mang súng đứng mọi nẻo đường cùng công an, dân phòng kiểm soát người dân, dù những ngày sau họ bỏ súng lại doanh trại, dân miền Nam vẫn nhìn họ với ánh mắt nghi ngờ. Dân Sài Gòn, vốn không ưa dân miền Bắc nhất là lính miền Bắc, hỏi nhau, "Cần quân đội giúp Sài Gòn sao không điều các sư đoàn quân miền Nam ?"
Dưới mắt người dân lực lượng công an còn xa lạ hơn nếu không muốn nói là bị dân ghét bỏ. Các video clip, hình ảnh, kèm theo các bài viết, lời bình luận cho thấy lực lượng áo vàng, áo xanh bị dân đánh giá là không tốt đủ kiểu, từ ăn hối lộ, vòi tiền lái xe, đánh dân, cướp phá các chị bán hàng rong, cho đến những tội tày đình như giết người trong trại tạm giam, đánh đập người dân oan giữ đất, người biểu tình, nhất là vụ giết người ghê tởm ở xã Đồng Tâm khiến công an trở nên như hung thần của dân.
Dự trữ của quân đội là nhân dân. Ông Lê Doãn Hợp nói, " Khi diễn tập, chúng ta làm rất tốt và bài bản, nhưng khi có chuyện xảy ra thì bên cạnh Đảng và nhà nước, chỉ còn rõ nhất Quân đội và Công an". Điều đó cho thấy dân đã quay lưng với hai lực lương này, rõ hơn, dân quay lưng lại với Đảng cộng sản Việt Nam.
Quân đội, công an mạnh có mục tiêu chiến đấu bảo vệ tổ quốc, nhân dân chứ không vì một chế độ, đảng phái nào. Nếu như thế mới được dân yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ, giáo dục, trở nên như hậu phương, là nhà của họ.
Qua lời ông cựu bộ trưởng thông tin và truyền thông, người biết rõ tinh thần quân đội, công an và tình trạng, tin tức trong nước không thể sai, thì nếu có một cuộc lộn xộn xảy ra trong nước, có chuyện đụng độ giữa người dân và đảng cộng sản, được bảo vệ bởi hai lực lượng võ trang đến tận răng là quân đội và công an này chắc chắn đảng cộng sản sẽ thua. Kể cả với 5% đảng viên, không có hậu thuẫn bởi người dân như ông Hợp nói, không có dự trữ, sớm hay chiều, dù đụng độ với người dân tay không, hay với bất cứ thế lực xâm lược nào, chắc chắn hai lực lượng võ trang của Đảng là quân đội và công an này sẽ nhanh chóng tan vỡ.
Người Tân Định
Nguồn : VNTB, 02/10/2021
Tham khảo