Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/11/2021

Lính thợ Việt Nam trong Thế chiến I trên đất Pháp

Thu Hằng

Thế Chiến I : Lính thợ Việt Nam trong Nhà máy thuốc súng Saint-Chamas, Pháp

Chủ Nhật 07/11/1915, con tầu Latouche-Tréville chở 994 công nhân Đông Dương xuất phát từ cảng Hải Phòng cập cảng Marseille. Họ nằm trong số những người đầu tiên trên 90.000 lính tập và lính thợ đến chung tay giúp "Mẫu quốc" trong Thế Chiến I cho đến khi hồi hương vào những năm 1919-1920 sau khi thỏa thuận đình chiến được ký ngày 11/11/1918.

linhtho1

Lính thợ Đông Dương dưới sự chỉ huy của hạ sĩ quan Paoli tại Sailin-de-Giraud, miền nam Pháp, trong Thế Chiến I. Ảnh đươc đăng trên trang delcamp.net do nhà nghiên cứu Jacques Lemaire cung cấp.  © Delcamp.net

Lực lượng này được phân chia về nhiều địa phương ở vùng Provence, miền nam Pháp, trong đó Saint-Chamas là nơi đón nhiều lính thợ Đông Dương nhất, 1.287 người tính đến ngày 01/04/1918.

Saint-Chamas là một thành phố nhỏ, nằm bên bờ Ao Berre (Etang de Berre), đầm nước mặn lớn thứ hai Châu Âu, nơi có Nhà máy Thuốc súng Quốc gia (La Poudrerie de Saint-Chamas) nổi tiếng. Nhà máy không ngừng được mở rộng để sản xuất các loại bột thuốc súng và pháo. Từ diện tích 1,5 hecta khi được vua Louis XIV thành lập năm 1690, nhà máy mở rộng thành 60 hecta vào năm 1905 và tăng thêm hơn hai lần, thành 135 hecta, vào năm 1917 để phục vụ chiến tranh, do đó liên tục cần nhân lực.

Bà Brigitte Sabattini, chuyên gia về di sản, giảng viên đại học Aix-Marseille, giải thích :

"Lính thợ Đông Dương cập cảng Marseille và đến khu tập trung lao động thuộc địa. Đây là đơn vị chịu trách nhiệm lập các nhóm nhân công, gồm ít nhất là 30 người, theo binh luật. Có nghĩa là những người lính thợ này nằm trong khuôn khổ quản lý của các công chức từ thuộc địa hồi hương hoặc các cựu chiến binh không còn khả năng phục vụ quân đội vì tuổi già hoặc là thương binh".

linhtho2

Một nhân viên văn phòng người Việt thuộc đội 23 sau giờ làm việc. Bưu thiếp trong bộ sưu tập của Jacques Lemaire, Saint-Chamas, Pháp. © © Jacques Lemaire

Những công nhân cần cù

Theo báo cáo ngày 08/08/1916 của thanh tra G. du Vaure gửi đến chủ tịch Ủy ban Hỗ trợ Lao động Đông Dương, có 442 người Đông Dương làm việc ở nhà máy thuốc súng Sain-Chamas, "trong đó có 204 người Nam Kỳ, 218 người Bắc Kỳ", số còn lại là người Cam Bốt nhưng cha mẹ là người Nam Kỳ. Họ được bố trí ăn ở "trong hai khu vực tách biệt, cách nhau 5 km". Nhóm thứ nhất "gồm 302 người sống trong một tòa nhà lớn bằng gạch 4 tầng, được gọi là ‘le Moulin’ (tạm dịch : Nhà máy xay)". Nhóm thứ hai gồm "120 người sống trong khu nhà phụ của xưởng sản xuất lưu huỳnh đặc (sulfuric), được gọi là ‘Oleum’, là những dãy nhà bằng gạch lợp ngói".

Trong một báo cáo khác của thanh tra Bosc, việc biến những cơ sở có sẵn thành nơi ở cho công nhân Đông Dương cũng được nhắc đến, theo giải thích của nhà sử học Brigitte Sabattini :

"Thanh tra Bosc, công chức cấp cao từ Đông Dương trở về, nói rất nhiều đến những khu được biến thành nhà tập thể cho người lao động, như những địa điểm đã có từ trước, như trường hợp của nhà máy xay mà chỉ cần lắp thêm giường, làm nhà bếp. Báo cáo cũng nêu rất nhiều thông tin như có đủ lương thực không, có nghĩa là họ rất chú ý đến điều kiện vật chất cho lính thợ. Khi không có đủ chỗ cho khoảng 1.000 công nhân, họ bắt đầu xây những khu tập thể mới".

Tuy nhiên, những dãy nhà ở khu Moulin hiện không còn vết tích, trong khi những dấu vết cuối cùng từ những dãy nhà khu tập thể được xây sau này ở trên triền đồi nhìn xuống toàn cảnh khu nhà máy thuốc súng và Ao Berre, cũng sắp bị phá. Ông Jacques Lemaire, cựu chủ tịch Hội Những người bạn của Saint-Chamas xưa, giải thích :

"Tôi tìm thấy một số hình ảnh, tôi phóng to một ảnh cho thấy những ngôi nhà nằm ở khu vực Moulin. Nhưng hiện giờ chẳng còn vết tích gì. Còn những chỗ ở được xây để dành riêng cho lính thợ, theo báo cáo của thanh tra Bosc năm 1916, đó là những dãy nhà ở giữa hai thành phố Saint-Chamas và Miramas nhưng nằm trên đất của Miramas. Khi tôi bắt đầu nghiên cứu về lính thợ Đông Dương trong Thế Chiến I ở Saint-Chamas, tôi đã đến đây để chụp ảnh xem còn lại gì. Quả thật tôi đã làm đúng vì sắp tới họ sẽ phá hết những dãy nhà này để xây quần thể khách sạn".

linhtho3

Khu tập thể, nằm giữa Saint-Chamas và Miramas, được xây để tiếp nhận lính thợ Đông Dương làm việc tại Nhà máy thuốc súng Saint-Chamas, Pháp. Khu vực sắp bị phá để xây quần thể khách sạn. Ảnh do Jacques Lemaire cung cấp. © © Jacques Lemaire

Nhìn chung, các giám đốc nhà máy thuốc súng ở Saint-Chamas hay ở Salin-de-Giraud đều rất khen ngợi năng suất lao động của công nhân Đông Dương. Dĩ nhiên không tránh được những bất đồng về văn hóa, lối sống, theo báo cáo của thanh tra Bosc. Bà Brigitte Sabattini giải thích :

"Báo cáo cũng nêu có những sự cố giữa nhân viên quản lý và người lao động vì nhân viên quản lý không nắm được những thói quen của người Đông Dương nên không đủ khả năng quản lý họ. Chuyện này đã xảy ra ở Salin-de-Giraud, ở Sorgue, thậm chí một sự cố ở Salin-de-Giraud được so sánh như một cuộc nổi dậy. Một nhóm công nhân Đông Dương được chuyển từ Tarbes đến Salin-de-Giraud, thế nhưng điều kiện sống của họ ở Tarbes tốt hơn rất nhiều, họ sống ở trung tâm thành phố nên có thể ra ngoài gặp gỡ hẹn hò với các cô gái Pháp, trong khi Salin-de-Giraud nằm tận cuối vùng Camargue, xa xôi hẻo lánh. Ngoài ra còn có va chạm giữa lính thợ đến từ Nam Kỳ với người đến từ Bắc và Trung Kỳ. Vì thế biện pháp kiểm soát đã được tái lập để tránh các vấn đề và để kiểm tra điều kiện sinh hoạt và làm việc".

Tuy nhiên, cũng có trường hợp hãn hữu là công nhân thuộc địa bị những kẻ côn đồ người Pháp sát hại, như trường hợp của Phan Van Loi bị giết ngày 08/05/1917, được bà Sabattini thuật lại :

"Ở Sorgue đã xảy ra một vụ án rất nghiêm trọng. Phan Van Loi, người xấu số, bị một nhóm côn đồ ngoại ô sát hại. Theo biên bản ghi chép rất chi tiết của cảnh sát, có ba thanh niên, một gái, hai trai, buồn vì chẳng có gì để chơi ở Marseille, nên đã lấy tầu đi Avignon, nhưng rồi lại có mặt ở Sorgue. Họ thấy một người An Nam đi qua trại, thế là họ nổi hứng trấn lột. Họ lôi nạn nhân vào một chỗ rồi giết chết, cướp đi khoản tiền chẳng đáng là bao, chỉ có 20 francs".

Tìm lại đúng tên cho những người thợ Đông Dương "Chết vì nước Pháp"

Phan Van Loi được ghi công "Chết vì nước Pháp" như 88 người Việt Nam khác được khắc tên trên đài tưởng niệm dựng trong nghĩa trang Saint-Pierre ở Aix-en-Provence. Có 8 người thợ Đông Dương qua đời tại bệnh viện Saint-Chamas từ 1916 đến 1919, chủ yếu do sốt thương hàn, viêm phổi, theo thống kê của hai nhà nghiên cứu Brigitte Sabattini và Jacques Lemaire.

"Tôi có danh sách được ghi trên công trình tưởng niệm lính thợ Đông Dương ở Aix, bà Brigitte Sabattini giải thích, nhưng ngoài ra không có thêm thông tin gì khác. Tôi không rõ là để có được danh sách này cũng như công trình tưởng niệm, công việc được tiến hành như thế nào. Nhờ ghi lại và tìm hiểu những họ tên được ghi trên đó, tôi nhận ra rằng đó là những người Đông Dương chết không chỉ vì cúm Tây Ban Nha thời đó ở Aix trong lúc chờ hồi hương, mà còn có những người chết ở Saint-Chamas, Avignon, Sorgue, Salin, Arles.

Có những tên mà tôi tìm được tài liệu, nhưng có nhiều tên tôi không tìm được thông tin. Chính Jacques Lemaire là người gợi ý có thể tìm trong Sổ hộ tịch ở thành phố Saint-Chamas. Khi đối chứng, tôi phát hiện ra có những tên được ghi khác đi hoặc phát hiện ra nhiều trường khác. Hiện giờ tôi đã có danh sách đầy đủ những người lính thợ Đông Dương chết ở Saint-Chamas trong Thế Chiến thứ nhất".

linhtho4

Bà Brigitte Sabattini, giảng viên trường đại học Aix-Marseille và ông Jacques Lemaire, cựu chủ tịch Hội Những người bạn của Saint-Chamas xưa tra cứu họ tên của những người lính thợ Việt Nam chết tại Saint-Chamas, Pháp, trong Thế Chiến I. Ảnh chụp ngày 09/08/2021. © © RFI / Thu Hằng

Họ phát hiện một vài lỗi chính tả về tên người quá cố được khắc trên công trình tưởng niệm ở nghĩa trang Saint-Pierre ở Aix-en-Provence và cổng thông tin dữ liệu Mémoire des Hommes của bộ Quốc Phòng. Theo ông Jacques Lemaire, phải tra cứu bản gốc mới có thể nhìn được rõ hơn nhầm ở chỗ nào, vì hiện giờ các tài liệu cổ dễ hỏng, đều được chuyển sang dạng microfilm. Đề nghị được tra cứu bản gốc mà họ gửi từ lâu cuối cùng đã được chấp nhận, đúng ngày trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt 09/08/2021 :

"Điều mà chúng tôi vẫn tìm, đó là các cuốn Sổ hộ tịch của thành phố Saint-Chamas từ năm 1916, thời điểm những người lính Đông Dương đầu tiên đến cho đến năm 1919 khi họ rời đi. Dù Thế Chiến I bắt đầu năm 1914 nhưng lúc đầu chưa có lính tập cũng như lính thợ Đông Dương. Trong những cuốn sổ hộ tịch này, chúng tôi tìm thông tin khai tử những người mang tên Việt và dĩ nhiên chúng tôi tìm được số đăng kí.

Giờ chúng tôi đi đến tòa thị chính, bà thư ký sẽ cho chúng tôi tra cứu các cuốn Sổ hộ tịch từ năm 1916 đến 1919, chúng tôi hy vọng tìm thấy trong đó những thông tin phù hợp về những người xấu số qua đời ở Saint-Chamas".

Trong lúc tra cứu, họ đã tìm thêm được tên một người Việt qua đời được ghi trong Sổ hộ tịch ở Saint-Chamas. Trước đó, bà Sabattini đã tìm được rất nhiều văn bản ghi lại nghi thức tang lễ, trình tự thông tin người quá cố được ghi trên bia mộ làm sao cho phù hợp với tập tục của người Việt :

"Có rất nhiều hướng dẫn rõ ràng, cụ thể bởi vì trước đó có một thông tư nhà nước nêu mọi thông tin cần thiết để an táng những người Đông Dương qua đời theo đúng tập tục nước họ. Một điều quan trọng được đặc biệt nhấn mạnh là phải biết rõ liệu cha mẹ của người quá cố còn sống hay không, rồi tư thế người chết được đặt trong quan tài như nào… Tuy nhiên, theo những thông tin ghi lại trong Sổ hộ tịch, có những tên không thể nào đọc được, hoặc không có tên cha mẹ hoặc cha mẹ còn sống hay đã chết".

Saint-Chamas và Salin-de-Giraud hàng năm luân phiên tổ chức tưởng niệm những người lính thợ Đông Dương "Chết vì nước Pháp" trong Thế Chiến II. Trên tường nhà triển lãm trong khu bảo tồn thiên nhiên La Poudrerie de Saint-Chamas gắn một tấm bia ghi công "những lính thợ Đông Dương, phần lớn bị buộc đến Pháp, làm việc không lương ở Nhà máy thuốc súng Saint-Chamas từ 1939-1945", nhưng lại thiếu những người đã phục vụ trong những năm 1916-1919. Đây chính là mục tiêu cuối cùng của hai nhà nghiên cứu dày công bảo vệ công lao của những người lính thợ Đông Dương thời Thế Chiến I :

"Chúng tôi có nhiều thông tin về những người này. Chúng tôi muốn lập một bia tưởng niệm khác bên cạnh tấm bia tưởng niệm những người lính thợ Đông Dương chết trong Thế Chiến II đã được gắn ở nhà triển lãm trong khu bảo tồn La Poudrerie de Saint-Chamas. Có thể không phải là vào ngày 11/11/2021 mà có thể là năm 2022. Tên của những người lính thợ Việt Nam qua đời ở vùng Provence đã được tạc trên công trình kỉ niệm ở nghĩa trang Aix, sắp tới sẽ được ghi trên bia tưởng niệm ở Saint-Chamas".

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 08/11/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 357 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)