Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đức chiếm 1/5 kim ngạch xuất khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu, và hiện nay 300 doanh nghiệp Đức đang có 361 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng giá trị hơn 2 tỉ đô la.
Ông Marko Walde, trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam. © DR
Các đợt dịch Covid gần đây ở Việt Nam có ảnh hưởng những gì với các đối tác Đức ? Chúng tôi đã trao đổi với ông Marko Walde, trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam về chủ đề này.
RFI : Kính chào ông Walde, rất cảm ơn ông đã nhận trả lời RFI Việt ngữ. Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc Việt Nam phòng, chống Covid-19 khi đợt dịch thứ tư bùng phát ?
Marko Walde : Thực sự Việt Nam đã chống chọi tốt với dịch bệnh trong ba đợt đầu. Đến đợt dịch thứ tư, tình hình có đôi chút khác biệt. Biến thể Delta gây bất ngờ, hoang mang cho các cấp, các ngành. Trong tình hình rất thiếu các lý thuyết dịch tễ, phương tiện và vật liệu y tế chống dịch, tôi thấy rằng Chính phủ Việt Nam và các cơ quan khác lúc đầu có cập rập. Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia dù có kinh nghiệm chống dịch cũng đang bối rối. Nhưng may mắn là, Việt Nam đã dần "thích nghi" với tình hình mới và đưa ra những quyết định quan trọng.
RFI : Ông thấy điều gì là căn bản để Việt Nam thích ứng với Covid-19 ?
Marko Walde : Thứ nhất, Chính phủ, thủ tướng Chính phủ cũng như các lãnh đạo cấp cao khác đã thống nhất việc thúc đẩy chiến lược vac-xin, và "ngoại giao vac-xin" kịp thời đã mang lại những thành công nhất định. Tổng cộng số vac-xin đã được đặt mua cộng với các nguồn viện trợ dự kiến đạt trên 100 triệu liều trong năm 2021. Triển vọng sản xuất trong nước sẽ giúp Việt Nam tự chủ được vac-xin vào năm 2022.
Cũng phải thừa nhận rằng Covid với biến thể Delta đã tấn công vào địa bàn vốn chiếm hơn 60% GDP và thu ngân sách, bao gồm các thành phố lớn và khu công nghiệp. Biện pháp "ba tại chỗ" được thực hiện thí điểm. Thực tế là lúc đầu áp dụng biện pháp này cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có chúng tôi. Nhưng sau đó Chính phủ cũng đã lắng nghe ý kiến của chúng tôi và từng bước hoàn thiện, từng bước trao quyền cho các địa phương và doanh nghiệp để chủ động, linh hoạt kiểm soát dịch bệnh.
Sự năng nổ của thủ tướng và Chính phủ trong việc gặp gỡ, làm việc và trao đổi với hầu hết các đại sứ và hiệp hội doanh nghiệp, kể cả Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Đức, đã khiến tình hình trở nên tốt hơn.
RFI : Ông đánh giá thế nào về việc Quý III/2021 Việt Nam tăng trưởng âm, và điều này có ảnh hưởng gì đến quyết định đầu tư, kinh doanh trong tương lai của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam không ?
Marko Walde : Chúng tôi hiểu rằng mức tăng trưởng âm mà Việt Nam gặp phải là chưa từng có, vì những lý do cũng chưa từng có. Tuy chống được dịch nhưng khi đợt thứ tư bùng phát, Việt Nam chưa có vac-xin, thuốc chữa bệnh nên đành phải sử dụng biện pháp hành chính để giữ khoảng cách an toàn, cách ly nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhưng may mắn của Việt Nam là vẫn giữ được kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp, tỉ giá, ngoại hối ... ổn định, đa số ở trạng thái thăng bằng.
Điều quan trọng nhất là từ chủ tịch Quốc hội đến thủ tướng Chính phủ, chủ tịch nước đều lắng nghe doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân để đổi mới cách nghĩ, thích ứng với sự thay đổi. Thủ tướng đã gặp gỡ tất cả các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, đưa ra những cam kết cụ thể. Cần duy trì được phương châm Chính phủ liêm chính, kỷ cương, lời nói đi đôi với việc làm để đạt hiệu quả trong việc ra quyết định, và Nghị quyết 128 về việc thích ứng và kiểm soát dịch Covid cho thấy điều đó.
RFI : Các đại sứ và Hiệp hội doanh nghiệp của EU, trong đó có đại diện các doanh nghiệp Đức đã từng gặp gỡ thủ tướng, ông nhận thấy việc này có tác dụng gì không ?
Marko Walde : Không chỉ với các đại sứ, hiệp hội doanh nghiệp EU hay Đức, tôi thấy thủ tướng liên tục làm việc với tất cả các đại sứ, hiệp hội doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam… với sự chân thành, thẳng thắn. Trước tình hình hiện nay, điểm chung là các doanh nghiệp luôn cam kết hỗ trợ Chính phủ, sẵn sàng thực hiện các quy định và cũng đề xuất các giải pháp phù hợp trong tình hình chống dịch mới. Doanh nghiệp FDI cam kết duy trì sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Mỹ cũng rót vốn, mở rộng dự án, tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam. Điều này mở ra một hy vọng mới cho sự tăng trưởng GDP trong những năm tiếp theo.
RFI : Theo ông, bao giờ thì Việt Nam thực sự mở cửa trở lại nền kinh tế ?
Marko Walde : Các bạn có thể thấy rằng Việt Nam cũng đang bắt đầu mở cửa. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã công bố kế hoạch để kiểm soát Covid an toàn và hiệu quả cho toàn dân.
Công bằng mà nói, Việt Nam có thể mở cửa sớm hơn, nhưng thôi, điều đó không còn quan trọng nữa. Chúng tôi chờ đợi và hy vọng tính nhất quán của các chính sách, như trong Nghị quyết 128 mà tôi đã đề cập ở trên, được thực hiện tốt. Vì đó là cách tốt nhất để Việt Nam không bị tụt hậu so với các nước.
RFI : Yếu tố nào giúp ông "chờ đợi và hy vọng", cũng như bày tỏ kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ không chậm chân so với các nước trong việc mở cửa lại nền kinh tế ?
Marko Walde : Thay đổi chính sách ! Tôi thấy những gì nêu trong Nghị quyết 128 là rất tiến bộ, mặc dù có thể Chính phủ vẫn đang chờ số liệu từ thực tế địa phương để điều chỉnh các biện pháp. Nhưng nó cho thấy sự thích ứng của Chính phủ sẽ không đưa nền kinh tế vào tình trạng trì trệ.
Ngoài ra, một điều mà chúng tôi coi là may mắn : Việt Nam đã kịp thời tiêm đủ vac-xin cho lực lượng lao động và những người có nguy cơ cao, khống chế được đợt bùng phát này, nên có đủ điều kiện để mở cửa kinh tế trở lại.
Những điều đó, theo tôi sẽ tạo niềm tin cho doanh nghiệp, củng cố cam kết lâu dài của chúng tôi trong việc đầu tư, kinh doanh tại thị trường đầy tiềm năng này.
RFI : Xin rất cảm ơn ông Marko Walde, trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam.
Thụy My thực hiện
Nguồn : RFI, 08/11/2021