Trong gần hai tháng qua, luật sư Trần Kiều Ngọc đã cùng một số nhà hoạt động trong nước tổ chức khóa học kéo dài 6 tuần về nhân quyền. Nói là 6 tuần nhưng thật ra mỗi tuần chỉ học thảo một lần vào ngày Chủ Nhật, và mỗi lần dài khoảng 2 tiếng rưỡi thôi. Khóa học này đã chia sẻ các nguyên tắc, giá trị và triết lý đằng sau học thuyết nhân quyền cùng các học viên trong và ngoài Việt Nam. Ngoài lý thuyết bàn về nội dung của bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát (UDHR), Công ước về Quyền Trẻ em (CRC), Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), khóa học cũng trình bày những kỹ năng cần thiết và các phương thức vận động và đóng góp thiết thực để đề cao, bảo vệ và cải thiện nhân quyền tại Việt Nam. Cụ thể là dùng những báo cáo, bản tin, thông cáo và bình luận của các tổ chức nhân quyền hàng đầu thế giới để phân tích và học hỏi, như Amnesty International (AI) và Human Rights Watch (HRW), và đối chiếu với trường hợp tại Việt Nam.
Biểu tình ở Thái Lan đòi thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức. Hình minh họa.
Điều tích cực là trong số các học viên tham dự thì có khoảng 10 học viên, hoặc hơn, đều rất trẻ ; có bạn còn đang 15, 16 tuổi, học trung học. Ngoài ra, mỗi buổi học đều có một vài nhà hoạt động uy tín trong và ngoài nước tham dự và chia sẻ góc nhìn của mình về nhân quyền. Một số nhà hoạt động Việt Nam có kiến thức khá vững vàn, và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nên chia sẻ được nhiều điều quý giá với mọi tham dự viên.
Chúng tôi đã tham dự khóa học này đầy đủ. Trong tất cả mọi thành phần tham dự, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến giới trẻ. Tương lai của Việt Nam có thăng trầm hay thành bại ra sao, có những thay đổi lớn lao và tích cực, hay nhỏ bé và tiêu cực ra sao, đều do tư duy của giới trẻ Việt Nam hiện nay và mai sau. Nếu người trẻ Việt Nam có thể trang bị cho mình một tinh thần tương thân tương ái, nghĩa là có viễn kiến vì phúc lợi chung, chứ không phải chỉ cho cá nhân, gia đình, hay phe nhóm mình, thì lịch sử trước sau gì cũng khang trang.
Nếu có thể tóm tắt các bài học trong 6 tuần qua, thì xin được chia sẻ như sau.
Một, toàn bộ học thuyết nhân quyền nên được xem như là điểm chuẩn (benchmark), để mọi con người của mọi quốc gia có thể dùng làm chuẩn mực hầu thúc đẩy các quyền con người. Các giá trị về tự do, bình đẳng, công bằng, công lý, cũng như các quyền dân sự và chính trị v.v. đều mang tính tương đối, đều phải được ràng buộc bởi hiến pháp và pháp luật của quốc gia, để tránh bị lợi dụng hay lạm dụng, dù đó là từ phía người dân hay chính quyền. Ngoài ra, các quyền và tự do của con người có mối quan hệ mật thiết đến các nhu cầu căn bản nhất, như nhu cầu sinh lý, an toàn và thương yêu ; bậc cao hơn là sự ghi nhận, kính trọng, lòng tôn trọng và tự trọng, và các quyền tự do căn bản. Không có những điều này thì một người khó thể nào thực hiện mong muốn của mình để được tự do thật sự.
Hai, không thể học hay hành về nhân quyền nếu không có lòng tự trọng. Chính vì thế mà ở các nước văn minh, khi lòng tự trọng của con người càng cao, càng hiểu sâu về quyền con người của chính mình và, của người khác, thì sự tôn trọng nhân quyền cũng cao lên.
Nhưng làm sao để có được lòng tự trọng ? Đây là câu hỏi rất khó. Nó như con gà và trái trứng vậy. Có nhân quyền trước thì sẽ có được lòng tự trọng, hay có lòng tự trọng sẽ đưa đến nhân quyền ?
Muốn có lòng tự trọng thì phải có sự tự tin. Tin rằng chính mình, không ai khác, mới quyết định được vận mệnh, tương lai, cuộc sống của mình. Ngoài ra cần phải có sự thương yêu, cảm thông, hỗ trợ v.v. từ người khác, nhất là từ gia đình. Không có các yếu tố này, mà còn bị vùi dập, bị đối xử tồi tệ từ trong gia đình, đến nhà trường, và xã hội rộng mở, v.v. thì khó một ai có thể có sự tự tin, để có lòng tự trọng, để rồi sau đó biết tôn trọng người khác, nhất là các quyền căn bản của người khác.
Khi nói đến điều này, thì chúng ta cần hiểu rằng tôn trọng nhân quyền đối với một người khác có nghĩa là thật sự xem người đó có đủ quyền và tự do giống như mình, bất kể màu da, sắc tộc, tôn giáo, phái tính, tuổi tác v.v. Tinh thần tôn trọng đích thực là như thế, dù người đó nhỏ tuổi hơn mình, con cháu mình, hiểu biết kém hơn mình, nghèo hơn mình, hay nói chung mọi thứ đều thua kém mình. Đó mới là tôn trọng đích thực. Chứ không phải chỉ tôn trọng khi người đó ở vai vế lớn hơn mình, như cha mẹ, anh chị, thầy cô, ông này bà kia, giàu có quyền lực hơn mình v.v.
Ba, mọi điều trên sẽ vô nghĩa nếu chỉ dừng lại ở thông tin hay kiến thức. Chỉ qua thực hành thì chúng ta mới cảm nhận được các giá trị đích thực này, cũng như các giới hạn của nó. Khi có niềm tin, khi thực sự tin tưởng, chúng ta phải tìm cách áp dụng vào đời sống, vào thực tế. Nhân quyền là bao hàm gần như mọi thứ liên quan đến đời sống của chúng ta. Một số người di dân khắp nơi, trước đây cũng như sau này, không biết rằng bạo hành gia đình là vi phạm nhân quyền, với phụ nữ hay với trẻ em, tại Úc hay các nền dân chủ pháp quyền khác. Họ ngạc nhiên sau khi bị xét xử vì vi phạm. Sống đây một thời gian, họ từ từ quen và hiểu ra, và cũng thay đổi dần cung cách hành xử trước đây. Bao nhiêu các vấn đề mang tính cá nhân cũng đều là nhân quyền, hay chính trị (the personal is political), không chỉ riêng nữ quyền.
Qua khóa học này, một số bạn trẻ cho biết các em hồi trước đến nay không nghĩ nhân quyền rộng như thế. Không nghĩ rằng giáo dục gia đình, kể cả dạy dỗ, trừng phạt, đều liên quan đến nhân quyền, nhất là quyền trẻ em. Môi trường sống như không khí, thức ăn, chỗ ở, nước uống, hay biến đổi khí hậu v.v. đều liên quan trực tiếp đến đời sống con người, đến quyền làm người của tất cả chúng ta. Do đó, khóa học đề nghị nhu cầu mở rộng hoạt động nhân quyền lên toàn diện đời sống, từ người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ, phái tính/LGBTI, cho đến các quyền lao động, công đoàn, nghiệp đoàn v.v. Nếu chỉ tập trung vào quyền dân sự và chính trị thì không gian hoạt động là giới hạn, kém hiệu quả, và khả năng vận động nhiều thành phần khác nhau trong xã hội tham gia vào việc bảo vệ và phát huy nhân quyền sẽ bị giới hạn.
Bốn, khóa học này chia sẻ quan niệm rằng quyền trẻ em là nền tảng của xã hội. Tương lai của đất nước có thay đổi hay không, đến mức độ nào, theo chiều hướng nào, v.v. là do ý thức và tư duy được hình thành từ các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Nếu không đầu tư vào, nếu không tôn trọng các quyền căn bản của trẻ em, ngay từ trong gia đình và nhà trường, thì đừng mong họ sẽ có lòng tự trọng, và đừng mong sau này họ sẽ tôn trọng quyền và tự do của người khác.
Năm, khóa học đề cao nhu cầu ghi chép hồ sơ, dữ liệu như một công việc quan trọng hàng đầu. Không có dữ liệu thì không thể nói chuyện hay thuyết phục được ai cả, ngay cả khi được quan tâm và hỗ trợ. Sự thật không thể đến từ cửa miệng thôi. Cho nên mọi người cần tập thói quen ghi chép mọi thứ có thể, nếu an toàn, và làm việc cũng như giải quyết vấn đề dựa trên dữ liệu và lý luận. Hãy luôn quan niệm rằng nếu không ghi lại thì coi như chuyện đó không xảy ra. Ngàn năm bia miệng chỉ có giá trị thời xưa, chứ thời nay thì phải có bằng chứng hẳn hoi trong mọi việc mình làm.
Phải thú thật rằng khi nhìn thấy một số bạn trẻ tham gia vào khóa học này, chúng tôi cũng lấy làm vui mừng và lạc quan. Có bạn tham gia thảo luận nhóm, trình bày đề tài mình được giao phó, và trả lời các câu hỏi từ người khác. Tuy nhiên, trong diễn đàn thảo luận và trong khóa học, chúng tôi vẫn thấy sự rụt rè vẫn còn nhiều. Nhất là khi đặt câu hỏi.
Các em đã được nhắc nhở lên tiếng trong diễn đàn, và mạnh dạn phát biểu những gì mình suy nghĩ trong buổi học. Đặc biệt quan trọng nhất là chúng tôi mong các em hiểu được rằng khi hỏi thì đó chính là quyền căn bản nhất. Có thể các em không quen, nên ngại hỏi. Điều này tuy có thể hiểu được, nhưng chính các em phải vượt qua được nỗi sợ này, thì mới tiến bước vững vàng. Bởi vì nếu lỡ chúng ta có hỏi câu hỏi vớ vẩn thì cũng không sao cả. Đó cũng là cơ hội để chúng ta học từ cái sai, cái dở, hay lỗi lầm của mình. Lấy thí dụ, một trong những kỹ năng quan trọng nhất của người làm truyền thông là biết đặt câu hỏi. Nhưng không phải tự nhiên họ biết đặt câu hỏi thật đúng hoặc hay, mà phải qua quá trình luyện tập và học hỏi không ngừng. Không ai thành công mà không thất bại ; và người thành công lớn thường là người từng thất bại lớn.
Quyền trẻ em được công bố rất sớm vào năm 1924, có tên gọi là Tuyên ngôn Geneva ; rồi được tuyên dương trong Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát (điều 25, 26) năm 1948 ; rồi được Hội đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận năm 1959 ; trong ICCPR (điều 23, 24) ; trong Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR, điều 10). Nhưng mãi đến cuối tháng 11 năm 1989 mới chính thức được Đại Hội đồng LHQ thông qua, và có hiệu nghiệm vào ngày 2 tháng 9 năm 1990. Việt Nam đã ký vào phần lớn các công ước nhân quyền quốc tế, kể cả CRC, nhưng không cam kết thi hành nó. Ký nhưng không kết là vậy. Trông đợi họ tôn trọng và thực thi thì là điều không thực tế.
Nhân quyền không thể được ban phát từ phía chính quyền. Nếu có thể ban phát, thì cũng có thể bị tước đi. Vấn đề chính nằm ở niềm tin, hiểu biết và quyết tâm dành giữ, phát huy và cải thiện không ngừng để sự đối xử giữa con người với nhau ngày một văn minh hơn, và để chính quyền không can thiệp quá nhiều vào quyền lợi và tự do của người dân.
Đến khi nào người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ, có tư duy và niềm tin này, và quyết tâm thực hiện nó, thì lúc đó không ai có thể lấy đi mất vì họ đã thực sự sở hữu nhân quyền.
(viết chung cùng luật sư Trần Kiều Ngọc. Úc Châu, 03/11/2021)
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 09/11/2021