"Họp án" là khái niệm chưa có trong từ điển pháp lý của thế giới. Kết quả phiên xử Đại tá Nguyễn Duy Linh dường như cho thấy, cả 3 cơ quan Công an, Kiểm sát và Tòa án đã "họp án" để "mặc cả" về kết quả bản án. Quá trình tố tụng một vụ án phức tạp nhường ấy không thể diễn ra một cách chóng vánh như thế. Luật pháp như đùa, như có như không.
Xét xử vụ Phan Văn Anh Vũ : cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo bị đề nghị cao nhất đến 15 năm tù (Hình : Trích xuất từ Dân Việt online)
Qua vụ án xử Đại tá Nguyễn Duy Linh, giới phân tích và quan sát, kể cả trên báo chí quốc doanh lẫn mạng xã hội, đều có xu hướng kết luận như trên. Tất cả đều gián tiếp hay trực tiếp đề cập đến các tình tiết "kỳ lạ" trong quá trình tố tụng tại toà, với hàng loạt các câu hỏi "tại sao", "tại sao" mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu được một cách rành rẽ. Những lời dẫn nhập "sắc như dao cau" của Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đã hé lộ phần nào những khuất tất của một vụ án có lẽ sẽ đi vào không chỉ lịch sử pháp lý Việt Nam.
Phiên tòa kỳ quặc
Một vụ án vô cùng kỳ quặc từ các khâu điều tra ban đầu, khởi tố, bắt, khám xét, hỏi cung, cáo trạng, cho tới xét xử tại tòa. Đặc biệt có những tình tiết cực kỳ quan trọng mà Tòa đã cố tình bỏ qua một cách khó hiểu. Đó là khoản tiền 4 triệu USD, Vũ "nhôm" khai đã hối lộ Nguyễn Duy Linh, trước khi gửi khoản tiền 5 tỷ VNĐ. Một số báo trong nước có đưa chi tiết này, như VnExpress, Tiền phong, Thanh niên… Với cơ quan điều tra, không khó để xác định đúng/ sai trong lời khai đó, để tiếp tục các biện pháp nghiệp vụ, hỏi cung với Linh giúp tìm ra sự thực,nhưng tất cả như rơi vào hụt hẫng.
Có thể thấy lần đưa 5 tỷ VNĐ và các đợt đưa tổng cộng 4 triệu USD trước đó đều tương tự nhau về cách thức thực hiện, vậy tại sao Tòa "vui vẻ" chấp nhận 5 tỷ thôi ? Đây là nội dung quan trọng nhất mà cả ba cơ quan tố tụng đã cố tình bỏ qua, nhất là quá trình hỏi cung "thần tốc", chỉ trong vòng có 6 ngày. Một kỷ lục có thể ghi vào Guinness, với một vụ án đưa và nhận hối lộ khủng khiếp như thế ! Đặc biệt, với một bị cáo có quá trình hỏi cung quá ngắn, không nhận tội, thì khi phải nhận tội trước tòa, việc phải thẩm vấn để xác định diễn biến các hành vi phạm tội là vô cùng quan trọng.
Hơn nữa, với mức độ phức tạp của vụ việc, mức án cao nhất tử hình của tội danh, thì lẽ ra Tòa phải trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại. Nhưng đã không có chuyện đó. Hiện tượng này có lẽ trả lời phần nào cho lý do vì sao quá trình hỏi cung lại ngắn chưa từng thấy. Thêm nữa, sau khi Linh nhận tội, Vũ cũng lập tức nhận "theo", đồng thời cho biết "có nhiều việc khó nói, mong Hội đồng xét xử thông cảm".Đây cũng là tình tiết hết sức quan trọng, tại sao không thấy Tòa đi sâu thẩm vấn ?
Có lẽ "Tuổi Trẻ" là một trong những tờ báo quốc doanh đưa tin kết quả phiên tòa khá sớm. "Phiên tòa xét xử cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục tình báo chiều 5/11 có diễn biến bất ngờ khi ông Nguyễn Duy Linh bất ngờ khai đã nhận 5 tỉ từ Vũ "nhôm". Trước đó bị cáo Linh liên tục phủ nhận tội nhận hối lộ như cáo trạng quy kết. Như vậy, khả năng Linh sẽ lĩnh án chung thân. Đến khi thi hành án, nếu "cải tạo tốt", không vi phạm gì, nộp lại đủ tiền, sẽ được giảm,có thể chỉ phải chịu thời gian giam giữ khoảng 15 năm.
Với những gì bản cáo trạng nêu, chỉ riêng nhận hối lộ đến 5 tỷ VNĐ, khả năng bị tuyên án tử là rất có thể. "Kịch bản giải cứu" lúc này hầu như chỉ có thể là : Nhận tội + Nhận khắc phục = Kết quả sẽ chung thân. Nếu không nhận tội và đương nhiên không khắc phục hậu quả thì sẽ nhận án tử hình. Trong thời gian hỏi cung, bị cáo đã không nhận tội. Vậy việc ra tòa lại nhận tội không phải là điều dễ dàng. Diễn biến phiên tòa ngay buổi sáng 5/11 đã cho thấy, Linh vẫn chỉ công nhận là có nhận quà lặt vặt thôi, phủ nhận việc nhận hối lộ 5 tỷ.
Kinh nghiệm vụ Nguyễn Bắc Son, theo luật sư cho biết, việc phủ nhận tội nhận hối lộ, rồi cuối cùng lại phải nhận tội, gia đình nộp tiền, thoát án tử, đã diễn ra đầy kịch tính. Từ đấy đối chiếu với vụ Nguyễn Duy Linh, cấp thấp hơn Bộ trưởng Bắc Son, nhưng thế lực Duy Linh lại lớn hơn rất nhiều. Diễn tiến phiên tòa như trên tuy kỳ quặc thật nhưng lại "logic" theo trình tự : Nhận tội + Giảm nhẹ tại Phúc thẩm + Thi hành án 1/3 thời gian + Đặc xá… + Ẵm số tiền lớn (từ 4 triệu USD).
Mù mờ nhưng đúng kịch bản
"Đúng kịch bản" là đối với những người "nằm trong chăn", biết chăn "rận" đến cỡ nào, biết "rận chúa" nằm ở những đâu ? Hàng loạt các chi tiết cực kỳ quan trọng cho thấy kịch bản được duyệt trong "Họp án" hoàn hảo biết chừng nào ! Có những tình tiết cực kỳ nhậy cảm nhưng Tòa đã cố tình bỏ qua một cách khó hiểu. Thứ nhất, vẫn là khoản tiền 4 triệu USD, Vũ "nhôm" khai đã hối lộ Nguyễn Duy Linh, trước khi gửi khoản tiền 5 tỷ VNĐ. Với cơ quan điều tra, thật không khó để xác định đúng/sai, để tiếp tục các biện pháp nghiệp vụ, hỏi cung với Linh giúp tìm ra sự thực, nhưng tất cả như rơi vào hư không.
Thứ hai, liên quan đến sức khỏe bị cáo, tại sao Tòa không công bố nội dung công văn của bệnh viện, lực lượng y tế kiểm tra sức khỏe của Linh ở đâu ra, có quyền hạn trong tố tụng để giám định y tế hay không ; bệnh gì liên quan cả "truyền nhiễm" mà không sợ lây ở tòa... ? Người ta có quyền nghi ngờ câu chuyện sức khỏe chỉ là màn "câu giờ", nhưng nếu Tòa và Viện kiểm sát không làm rõ thì không thể hiện sự nghiêm minh, thậm chí không loại trừ khả năng sau phiên tòa, bị cáo tiếp tục được "tạm giam" rồi "thi hành án" tại… bệnh viện.
Thứ ba, với Nguyễn Duy Linh, vị trí công tác hoàn toàn không thể quyết định được vấn đề tội trạng của Vũ "nhôm", nên việc "chạy án" bắt buộc Linh phải liên hệ với các đối tượng khác có vị trí liên quan, thậm chí còn "cộm cán" hơn cả Nguyễn Duy Linh. Như vậy càng cho thấy yêu cầu cần biết Linh đã sử dụng số tiền ra sao, đưa cho những ai, những người ấy quan trọng tới mức nào. Không làm được những điều này,khả năng lọt tội với Linh và thoát tội với các đối tượng khác là rất có thể.
Thứ tư, bản án 14 năm tù với Nguyễn Duy Linh là quá nhẹ với một tội danh "nhận hối lộ" đã quy định khung rất rõ ràng : Chỉ từ 1 tỷ đồng trở lên là bị 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình (theo Bộ luật Hình sự 2015, Điều 354), trong khi Linh nhận (ít nhất) là 5 tỷ VNĐ. Đấy là chưa kể Linh còn thể hiện không thành khẩn khai báo và nhận tội trong suốt quá trình từ khi chưa khởi tố cho tới trước Tòa. Đó là tình tiết tăng nặng. Còn tình tiết giảm nhẹ, như báo nêu, cũng không thể giúp bị cáo được giảm nhiều tới mức đó được.
Cuối cùng lời khai, 10.000 tờ 500.000 đồng, nặng gần 9 kg, qua tay 5 người, "vượt" 23 km xuyên Thủ đô, qua 4 quận trên 2 xe biển xanh trước khi đến tay Tổng cục phó Nguyễn Duy Linh.Vậy mà Tòa chấp nhận "suôn sẻ" không cần nhân chứng. Với tính chất quan trọng của công cuộc chống tham nhũng như vẫn quảng bá, thiết nghĩ Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần chỉ đạo cơ quan thẩm quyền kháng nghị bản án này. Xét xử vụ án Nguyễn Duy Linh lại thêm một trường hợp điển hình của cách xử các quan lớn trong chính quyền, khác xa với cách xử các vụ án hình sự và dân sự khác.
Việt Hương
Nguồn : VOA, 10/11/2021