Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/11/2021

Lịch sử cần phải là "sự thật đầy đủ"

Mai Lan - Phan Huy Lê

Làm sao để học sinh thích học môn lịch sử ?

Mai Lan, VNTB, 14/11/2021

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, ông Nguyễn Kim Sơn nhận định, để tăng hứng thú của học sinh với môn lịch sử, cần thay đổi cách dạy học, kiểm tra, đánh giá.

lichsu0

Lịch sử phải được viết lại cho đúng sự thật…, không vì e dè và sợ mà viết không đúng sự thật của lịch sử – kể cả lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam.

Vì sao học sinh điểm thấp môn lịch sử ?

Nêu vấn đề chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên), đề nghị ông Sơn giải thích nguyên nhân điểm thi môn lịch sử trong các kỳ thi thấp hơn các môn học khác, nhiều học sinh thờ ơ, thái độ học tập đối phó với môn lịch sử. Nữ đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập môn lịch sử.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận đến nay vẫn có thực tế là điểm thi môn lịch sử trong kỳ thi so với một số môn khác là thấp và tình trạng học sinh cũng không ham thích và học có tính chất đối phó, điểm thi thấp.

"Đây là vấn đề chúng tôi cũng rất suy nghĩ", ông Sơn nói. "Đất nước chúng ta lịch sử hào hùng, có nhiều điều mà thế hệ sau tự hào, nhưng tại sao học sinh không hứng thú, điểm thi thì thấp ?", ông Sơn nêu và cho rằng, câu trả lời nằm cả ở việc tổ chức dạy và kiểm tra đánh giá đối với môn học này.

"Việc dạy vẫn thiên về sự kiện, số liệu, theo đánh giá chưa phát huy được nhiều sáng tạo, cá tính của học sinh trong việc học. Việc kiểm tra đánh giá thi vẫn thiên về kiểm tra số liệu, ngày tháng, sự kiện, chưa chú ý nhiều về tư duy, ý nghĩa của sự kiện lịch sử", ông Sơn lý giải.

Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021, theo phổ điểm được Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, có 226 thí sinh đạt điểm 10 môn lịch sử và 331.429 thí sinh điểm dưới trung bình.

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn lịch sử năm 2021 cho thấy, cả nước có 637.005 thí sinh tham gia thi bài thi môn này. Trong đó điểm trung bình là 4,97, điểm trung vị là 4,75 ; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4. Số thí sinh có điểm <= 1 là 540 (chiếm tỷ lệ 0,08%) ; số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 331.429 (chiếm tỷ lệ 52,03%).

Lịch sử cần phải là "sự thật đầy đủ"

Nhà báo Nguyễn Thiện phản biện :

"Theo tôi nghĩ, các giải pháp như Bộ trưởng nêu chỉ là phần ngọn, điều quan trọng nhất là nội dung bài học. Nội dung phải là sự thật – sự thật đầy đủ.

Tôi vẫn hay thường nói với bạn bè : không phải vô cớ mà nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn chọn Larry Berman – một giáo sư người Mỹ – để viết hồi ký cho mình chứ không phải là các sử gia trong nước. Vì sao ? Vì phương pháp viết hồi ký của Larry Berman là phương pháp khoa học lịch sử, làm nên giá trị vĩnh cửu của tác phẩm.

Chẳng hạn, để đưa chuyện Phạm Xuân Ẩn cứu trùm mật vụ Trần Kim Tuyến thoát khỏi Sài Gòn ngày 30/4/1975 vào cuốn Điệp viên hoàn hảo, Larry Berman không chỉ dựa vào lời kể của Phạm Xuân Ẩn, mà còn liên lạc với Trần Kim Tuyến để xác minh xem chuyện đó có đúng sự thật hay không ? Khi được Trần Kim Tuyến công nhận, Larry Berman mới đưa vào hồi ký và xác định đó là sự thật. Thế nên, sách hấp dẫn vì độ tin cậy cao.

Vì vậy, tôi nghĩ sự thật lịch sử phải là cái gốc. Cách dạy, kiểm tra, đánh giá là quan trọng nhưng chưa phải là nguyên nhân của thực trạng !".

Lịch sử cuộc chiến Bắc – Nam kể trên còn nhiều sự thật vẫn chưa được ‘nói cho đúng sự thật’. Đó là có hay không một nhân vật Lê Văn Tám ?

levantam0

Trang web của trường trung học cơ sở Lê Văn Tám, viết :

"Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ hòng cướp lại nước ta một lần nữa. Năm ấy, ở gần chợ Đa Kao thành phố Sài Gòn có một em bé con nhà nghèo phải đi bán lạc rang, đánh giầy để kiếm sống. Tên em là Tám.

Lê Văn Tám thường lân la tới những nơi có quân Pháp đóng để bán hàng, đánh giầy. Tám tỏ ra hiền lành, nhút nhát nên đã được bọn lính Pháp để cho đi qua, đi lại và dần dần quen mặt em. Tại Thị Nghè, có một kho xăng, đạn lớn của địch. Hình ảnh những hòm đạn, những trái bom hiện ra trong trí nhớ của Tám cùng những cảnh tàn phá, giết chóc dã man của địch đối với đồng bào ta đã thôi thúc em tính đến một việc làm táo bạo. Tám nảy ra ý định sẽ phá kho xăng đạn này.

Sau mấy hôm dò la quan sát địch. Tám giấu dầu xăng trong người, thản nhiên khoác hòm lạc rang đến bán cho lính gác như thường lệ. Lợi dụng lúc bọn địch không để ý Tám chạy như bay vào chỗ để xăng và xèo diêm. Dầu xăng trong người Tám bốc cháy và bén luôn vào thùng xăng gần nhất. Thế là cả kho xăng bốc cháy đùng đùng rồi lan tới chỗ để bom đạn. Tiếng nổ ầm trời, khói lửa mịt mù cả thành phố.

Lê Văn Tám đã anh dũng hy sinh và để lại trong trí nhớ nhân dân Thành đồng Tổ quốc hình ảnh : Em bé đuốc sống của thành phố mang tên Bác của dân tộc Việt Nam".

Không có Lê Văn Tám nào tự tẩm xăng vào người cả !

Cuốn "Lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định kháng chiến (1945 – 1975)" được Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1994. Chỉ đạo nội dung cuốn sách này là Ban tổng kết chiến tranh của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ biên là Trần Hải Phụng – người nhiều năm làm Tư lệnh các lực lượng vũ trang của Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, và Lưu Phương Thanh, phụ trách nghiên cứu lịch sử Đảng. Theo sách này thì đánh kho đạn Thị Nghè có hai lần. Lần thứ nhất vào ngày 17/10/1945 và lần thứ hai vào ngày 8/4/1946.

Về trận thứ nhất, ở trang 63 của sách này có ghi :

"Ngày 17/10/1945, tại mặt trận phía Bắc, quân ta phục kích ở cầu Tham Lương đánh lui đoàn xe của địch gồm 8 chiếc chở lính có xe thiết giáp yểm trợ, hành quân lên Hóc Môn, ta phá hủy 5 xe và diệt một số tên. 10 giờ, kho đạn Thị Nghè nổ dữ dội. Đây là kho chứa bom đạn từ bến tàu bốc lên, đặt tại khu đường Docteur Angier (nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) cạnh vườn thú, được bố trí hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt, xung quanh kho có hào sâu, tường cao 2 mét, chăng kẽm gai và hệ thống tháp canh, có đèn quét ban đêm. Một đại đội Âu Phi thường xuyên tuần tra canh gác.

Đội viên cảm tử Lê Văn Tám mới 13 tuổi, được giao nhiệm vụ giả câu cá, cắt cỏ ở bến sông để quan sát. Đêm 17/10 (1945) Tám tự quyết định một mình đánh kho đạn, lừa bọn lính gác, lọt vào ẩn nấp bên trong với chai xăng và bao diêm.

Buổi sáng, chờ lúc sơ hở, em tưới xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa. Lửa cháy loang, một tiếng nổ long trời, kéo theo hàng loạt tiếng nổ liên tiếp, làm rung chuyển cả thành phố. Lê Văn Tám bị dính xăng bắt lửa, tự biến mình thành cây đuốc sống, đã hy sinh anh dũng. Kho bị phá hủy hoàn toàn. Đài phát thanh phía bên kia đường bị sập một phần lớn. Đại đội Âu Phi bảo vệ bị tiêu diệt.

Gương hy sinh của em bé "đuốc sống" trở thành một hình tượng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, chiến đấu quên mình của thiếu niên nhi đồng trong những ngày đầu chống Pháp".

Ngày 19/10/1945, Báo Cứu Quốc có bình luận : "Trận Thị Nghè ghi vào chiến sử Việt Nam".

Cũng theo sách "Lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định kháng chiến (1945 – 1975)", ở trang 108, thì kho đạn này còn bị đánh lần 2 vào ngày 8/4/1946 và báo Tin Điễn ra ngày 9/4/1946 đưa tin : "Một tai nạn dữ dội… Kho đạn Sài Gòn (đường Docteur Angier, tả ngạn kênh Avalanche) phát nổ. Tai nạn có thể kéo dài đến nhiều ngày".

Sự kiện trận đánh ngày 17/10/1945 với "Cây đuốc sống Lê Văn Tám" còn được nêu cụ thể hơn trong tập II bộ sách "Mùa thu rồi ngày hăm ba" của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội năm 1996", ở trang 67 :

"Đêm ngày 17/10/1945, đội viên cảm tử Lê Văn Tám dũng cảm đốt kho đạn Thị Nghè (người tổ chức cho Lê Văn Tám thực hiện chiến công này là anh Lê Văn Châu đã hy sinh năm 1946 tại Ngã ba Cây Thị). Kho đạn bị phá hủy hoàn toàn.

Đài phát thanh bên kia đường bị sập một phần lớn, đại đội Âu Phi bảo vệ bị tiêu diệt… (viết theo tư liệu của Ban Tuyên huấn Quận ủy Bình Thạnh)".

Với các tư liệu như đã nêu trên có thể thấy việc đánh kho đạn Thị Nghè có 2 lần vào ngày 17/10/1945 và ngày 8/4/1946. Trận ngày 17/10/1945 với "Cây đuốc sống Lê Văn Tám" là có thực ; Lê Văn Tám đã đốt kho đạn, không phải kho xăng ; Lê Văn Tám không phải "tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng" mà "đã lừa bọn lính gác, lọt vào ẩn nấp bên trong với chai xăng và bao diêm chờ lúc sơ hở, thì tưới xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa. Lê Văn Tám bị dính xăng bắt lửa thành "cây đuốc sống" ; người tổ chức, bày kế hoạch cho Lê Văn Tám làm là Lê Văn Châu, đã hy sinh trong trận đánh giặc Pháp ở Ngã ba Cây Thị năm 1946.

Thế nhưng vẫn không giải thích được là Lê Văn Tám giấu ‘chai xăng’ ở đâu, và ‘chai xăng’ này dung tích là bao nhiêu mà có thể đủ tưới cho ‘châm lửa’ và ‘dính xăng bắt lửa’ để Lê Văn Tám thành "cây đuốc sống" ?

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 24/11/2021

******************

Anh hùng Lê Văn Tám chỉ là một nhân vật hư cấu

Phan Huy Lê, Ohay TV, 016

Nhiều người được dạy về nhân vật Lê Văn Tám như một anh hùng có thật trong lịch sử, nhưng thực ra đây chỉ là một nhân vật hư cấu.

"Dựng" chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu tượng cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), còn việc đặt tên Lê Văn Tám là vì họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta và Tám là nghĩ đến Cách mạng tháng Tám. 

levantam2

Tranh minh họa "Anh hùng Lê Văn Tám tự tẩm xăng chạy vào đốt kho xăng dầu - TwitterPinterest

Giải thích về hình tượng nhân vật Lê Văn Tám, Giáo sư Phan Huy Lê, một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam dẫn lời kể và lời dặn của Giáo sư Trần Huy Liệu như sau :

"Nhân vụ kho xăng của địch ở Thị Nghè bị đốt cháy vào khoảng tháng 10/1945 và được loan tin rộng rãi trên báo chí trong nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của Anh, nhưng không biết ai là người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên tôi (Trần Huy Liệu) đã "dựng" lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét".

Giáo sư Trần Huy Liệu còn cho biết là sau khi ta phát tin này thì đài BBC đưa tin ngay, và hôm sau bình luận : "Một cậu bé tẩm xăng vào người rồi tự đốt cháy thì sẽ gục ngay tại chỗ, hay nhiều lắm là chỉ lảo đảo được mấy bước, không thể chạy được mấy chục mét đến kho xăng". Giáo sư đã tự trách là vì thiếu cân nhắc về khoa học nên có chỗ chưa hợp lý.

Giáo sư Trần Huy Liệu không hề "hư cấu" sự kiện kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy mà trên cơ sở sự kiện có thật đó, chỉ "dựng lên", theo cách nói của Giáo sư, chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch.

Giáo sư giải thích là thời Nam Bộ kháng chiến, có bao nhiêu tấm gương hy sinh vì Tổ quốc, nhưng "dựng" chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu tượng cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), còn việc đặt tên Lê Văn Tám là vì họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta và Tám là nghĩ đến Cách mạng tháng Tám.

Lúc bấy giờ, Giáo sư Trần Huy Liệu đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời, nên Giáo sư nói rõ là muốn tạo dựng nên một biểu tượng anh hùng để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Cũng xin lưu ý là Giáo sư Trần Huy Liệu giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời từ ngày 28/8/1945 đến ngày 1/1/1946, rồi Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền cổ động trong Chính phủ liên hiệp lâm thời từ ngày 1/1/1946 cho đến khi thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến tại kỳ họp Quốc hội ngày 2/3/1946, nghĩa là trong thời gian xảy ra sự kiện Kho xăng Thị Nghè bị đốt cháy, chứ không phải trong thời gian "1946 – 1948 ?" sau sự kiện trên.

Điều căn dặn của Giáo sư Trần Huy Liệu là : Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa. Trong câu chuyện, Giáo sư còn tiên lượng là biết đâu sau này có người đi tìm tung tích nhân vật Lê Văn Tám hay có người lại tự nhận là hậu duệ của gia đình, họ hàng người anh hùng. Đây chính là điều lắng đọng sâu nhất trong tâm trí mà tôi coi là trách nhiệm đối với Giáo sư Trần Huy Liệu đã quá cố và đối với lịch sử.

Còn sự kiện quân ta phá nổ kho đạn của địch ở Sài Gòn ngày 8/4/1946 mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đến trong hồi ký "Những năm tháng không thể nào quên" thuộc giai đoạn sau, không liên quan đến chuyện Lê Văn Tám.

Điểm lại những tư liệu đã thu thập được thì càng thấy rõ, trên cơ sở sự kiện có thật và cả dư luận về hình ảnh người chiến sĩ tẩm xăng thời đó, Giáo sư Trần Huy Liệu tạo dựng nên biểu tượng "ngọn đuốc sống" gắn với tên tuổi thiếu niên Lê Văn Tám. Vấn đề thứ hai là cách ứng xử đối với biểu tượng "ngọn đuốc sống Lê Văn Tám".

Trong bàn luận, cũng có người nghĩ rằng, "ngọn đuốc sống Lê Văn Tám" đã đi vào lòng dân rồi, các nhà sử học không cần xác minh nhân vật đó có thật hay không, làm ảnh hưởng tới một "biểu tượng", một "tượng đài" yêu nước. Đối với sử học, tôn trọng sự thật, tìm ra sự thật, xác minh sự thật là một nguyên tắc cao cả thuộc về phẩm chất và chức năng của nhà sử học, Giáo sư Phan Huy Lê nói.

Biểu tượng "ngọn đuốc sống Lê Văn Tám" thực sự đã được quảng bá rộng rãi, đi sâu vào tâm thức của nhân dân, tiêu biểu cho tinh thần hi sinh anh dũng, ý chí xả thân vì nước của quân dân ta trong buổi đầu của Nam kỳ kháng chiến. Một số đường phố, trường học, công viên hiện nay đã mang tên Lê Văn Tám.

Lời dặn của Giáo sư Trần Huy Liệu là đến lúc đất nước yên ổn, cần phải nói lên sự thật về câu chuyện Lê Văn Tám. Đó không phải là tên của nhân vật lịch sử có thật, nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hi sinh vì Tổ quốc có thật. Đó là một biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng. Trả lại nguồn gốc thật của biểu tượng này là để tạo lập một nền tảng nhận thức khoa học, khách quan về quá trình hình thành biểu tượng Lê Văn Tám. 

Giáo sư Phan Huy Lê

Nguồn : Ohay TV, 2016

************************

Trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám

Giáo sư Phan Huy Lê, Tạp chí Xưa và Nay, 03/05/2009

"Lời dặn của Giáo sư Trần Huy Liệu là đến lúc đất nước yên ổn, cần phải nói lên sự thật về câu chuyện Lê Văn Tám"

Giáo sư Phan Huy Lê

levantam1

"Theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực" – Giáo sư Phan Huy Lê nhấn mạnh sau khi giải thích về hình tượng nhân vật Lê Văn Tám.

Giáo sư Trần Huy Liệu căn dặn chúng tôi phải nói lại :

Bấy giờ là vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tôi có nhiều dịp làm việc với Giáo sư Trần Huy Liệu trong công trình khoa học do Giáo sư chủ trì và tôi được mời tham gia. Lúc đó, Giáo sư Trần Huy Liệu là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội, kiêm Viện trưởng Viện sử học. Ngoài những buổi họp ban biên soạn ở cơ quan, tôi có một số buổi làm việc với Giáo sư tại nhà riêng.

Ngoài công việc biên soạn công trình, Giáo sư thường trao đổi một cách thân tình những vấn đề thời sự sử học trong và ngoài nước, kể lại một số chuyện trong đời hoạt động cách mạng của mình. Trong những năm 1954-1956, khi tôi đang học ở trường Đại học Sư phạm/Văn khoa Hà Nội, Giáo sư Trần Huy Liệu có đến giảng một số bài về cách mạng Việt Nam.

Về câu chuyện Lê Văn Tám, tôi xin được tóm lược một cách đầy đủ lời kể và lời dặn của Giáo sư Trần Huy Liệu mà tôi đã lĩnh hội như sau: Nhân vụ kho xăng của địch ở Thị Nghè bị đốt cháy vào khoảng tháng 10 – 1945 và được loan tin rộng rãi trên báo chí trong nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của Anh ; nhưng không biết ai là người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên tôi (Giáo sư Trần Huy Liệu) đã "dựng" lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét.

Giáo sư Trần Huy Liệu còn cho biết là sau khi ta phát tin này thì đài BBC đưa tin ngay, và hôm sau bình luận : Một cậu bé tẩm xăng vào người rồi tự đốt cháy thì sẽ gục ngay tại chỗ, hay nhiều lắm là chỉ lảo đảo được mấy bước, không thể chạy được mấy chục mét đến kho xăng. Giáo sư đã tự trách là vì thiếu cân nhắc về khoa học nên có chỗ chưa hợp lý. Đây là ý kiến của Giáo sư Trần Huy Liệu mà sau này tôi có trao đổi với vài bác sĩ để xác nhận thêm.

Tôi nhấn mạnh là Giáo sư Trần Huy Liệu không hề "hư cấu" sự kiện kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy mà trên cơ sở sự kiện có thật đó, chỉ "dựng lên", theo cách nói của Giáo sư, chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch.

Giáo sư giải thích là thời Nam Bộ kháng chiến, có bao nhiêu tấm gương hy sinh vì Tổ quốc, nhưng "dựng" chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu tượng cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), còn việc đặt tên Lê Văn Tám là vì họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta và Tám là nghĩ đến Cách mạng tháng Tám.

Lúc bấy giờ, Giáo sư Trần Huy Liệu đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời, nên Giáo sư nói rõ là muốn tạo dựng nên một biểu tượng anh hùng để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta.

Cũng xin lưu ý là Giáo sư Trần Huy Liệu giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời từ ngày 28/8/1945 đến ngày 1/1/1946, rồi Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền cổ động trong Chính phủ liên hiệp lâm thời từ ngày 1/1/1946 cho đến khi thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến tại kỳ họp Quốc hội ngày 2/3/1946, nghĩa là trong thời gian xảy ra sự kiện Kho xăng Thị Nghè bị đốt cháy, chứ không phải trong thời gian "1946 – 1948 ?" sau sự kiện trên.

Điều căn dặn của Giáo sư Trần Huy Liệu là : Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa. Trong câu chuyện, Giáo sư còn tiên lượng là biết đâu sau này có người đi tìm tung tích nhân vật Lê Văn Tám hay có người lại tự nhận là hậu duệ của gia đình, họ hàng người anh hùng. Đây chính là điều lắng đọng sâu nhất trong tâm trí mà tôi coi là trách nhiệm đối với Giáo sư Trần Huy Liệu đã quá cố và đối với lịch sử.

Giáo sư Trần Huy Liệu là một con người rất trung thực, không muốn để lại một sự ngộ nhận trong lịch sử do mình tạo nên trong một bối cảnh và yêu cầu bức xúc của cuộc kháng chiến và tôi lĩnh hội lời dặn của Giáo sư như một trách nhiệm phải thực hiện một cách nghiêm túc.

Tôi kể lại câu chuyện này một cách trung thực với tất cả trách nhiệm và danh dự của một công dân, một nhà sử học.

Ngày nay, từ đầu thế kỷ XXI nhìn lại, trong hoàn cảnh chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ hơn 30 năm, đất nước đã giành lại độc lập, thống nhất, tôi xin đặt ra hai vấn đề sau đây để thế hệ chúng ta cùng bàn luận.

- Xác minh rõ sự kiện Kho xăng địch bị đốt cháy trong tháng 10/1945.

- Thái độ ứng xử đối với biểu tượng Lê Văn Tám.

Vấn đề thứ nhất là cần cố gắng sưu tầm tư liệu đáng tin cậy để xác định rõ hơn sự kiện Kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy trong tháng 10/1945 :

Tôi nói tư liệu đáng tin cậy trong trường hợp này không phải là các sách báo viết về sau này, mà là tư liệu gốc khai thác từ nhân chứng lịch sử hay những thông tin trực tiếp từ sự kiện thời bấy giờ và dĩ nhiên đều phải đối chiếu, xác minh một cách khoa học.

Nhân chứng lịch sử :

Tôi đã có dịp hỏi Giáo sư Trần Văn Giàu – lúc đó giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ, thì Giáo sư khẳng định có sự kiện Kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy và trong tình hình lúc đó là do ta đốt, nhưng không biết ai tổ chức và người nào thực hiện.

Nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông trong hồi ký viết rằng, người đốt Kho đạn Thị Nghè ngày 1/1/1946 không phải là Lê Văn Tám mà là tổ đánh mìn của công nhân nhà máy đèn Chợ Quán (tạp chí Xưa & Nay số 154).

levantam3

Bản đồ vẽ tay để chỉ kho trữ dầu của hãng Shell tại Thị Nghè với các tên đường hiện nay - Ảnh minh họa

Tư liệu báo chí :

Tư liệu báo chí lúc bấy giờ thì tại Thư viện quốc gia Hà Nội lưu giữ được rất ít, các số báo lại không đủ. Bước đầu tôi mới tìm thấy thông tin liên quan với Kho xăng Thị Nghè bị đốt cháy trong báo Quyết chiến là "cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân", tòa soạn đặt ở phố Nguyễn Tri Phương, Thuận Hóa; báo Cờ giải phóng là "cơ quan tuyên truyền cổ động trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương" và báo Thời mới do Nguyễn Văn Luận làm Chủ nhiệm; nhưng các số không liên tục, không đủ.

Báo Quyết chiến số ngày thứ sáu, ?/10/1945 đưa tin dưới tít lớn Một chiến sĩ ta tẩm dầu vào mình đốt cháy kho dầu Simon Piétri với nội dung như sau: "Một gương hi sinh vô cùng dũng cảm. Một chiến sĩ ta tẩm dầu vào mình tự làm mồi lửa đã đốt được kho dầu Simon Piétri, lửa cháy luôn hai đêm hai ngày.

Đài Sài Gòn trong buổi truyền thanh tối 17/10 công nhận rằng kho dầu này đã hoàn toàn bị thiêu ra tro, sự thiệt hại đến mấy chục triệu đồng".

Ngày phát hành số báo, in ngày "thứ sáu", số ngày không rõ và có người viết thêm bút mực con số 7, tiếp theo là tháng "10/1945". Theo lịch năm 1945, trong tháng 10 có 3 ngày thứ sáu là ngày 12, 19 và 26. Trong bản tin có nhắc đến buổi phát thanh của Đài Sài Gòn ngày 17, vậy ngày thứ sáu của tờ báo phải sau ngày đó và có thể xác định là ngày 19/10/1945.

Báo Thời mới số 6 ngày 28/10/1945, nhân lễ khai mạc Ngày Cứu quốc do Tổng hội sinh viên cứu quốc tổ chức, đăng bài Những chuyện cảm động của dân ta trong cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, có đoạn kể lại câu chuyện đốt kho xăng ở Sài Gòn theo lời kể của một người từ Nam Bộ ra Hà Nội ngày 21/10/1945 như sau : "Một người bạn tôi ở Nam Bộ vừa ra đây hôm hai mươi mốt kể cho tôi nghe nhiều điều tai nghe mắt thấy ở Nam Bộ để chứng cho cái tinh thần kháng chiến anh dũng đó. Thứ nhất là chuyện anh dân quân tẩm dầu vào người, đốt cháy kho ét-săng và cao su sống ở Sài Gòn.

Có người nói rằng nhà chiến sĩ tuẫn quốc này tự nguyện xin mặc áo bông giầy tẩm xăng rồi lấy lửa tự châm mình như một cây đinh liệu, xông vào kho cao su sống kia. Không phải thế. Làm thế thì cố nhiên giặc Pháp ngăn lại ngay từ khi chưa tới cửa kho.

Thực ra thì nhà chiến sĩ của chúng ta phải dùng mưu nhiều lắm. Trước khi vào, anh em mọi Pleiku của chúng ta đã phải lừa lúc giặc Pháp canh phòng không cẩn thận, trèo lên những cái cây to ở xung quanh kho cao su, bắn tên độc vào những người gác ở bốn bề. Nhà chiến sĩ, nhằm chính lúc cơ hội thuận tiện đã đến, tẩm dầu vào người, đeo súng liên thanh, bò qua tường vào trong kho cao su tìm bắn những người Pháp. Chúng bâu lại như đàn ruồi.

Chiến sĩ Việt Nam biết không thể làm hơn được nữa, bắn lia lịa vào những thùng ét-săng ở hai bên, ét-săng tràn ra cả nhà. Chiến sĩ ta châm một mồi riêm vào người, nhảy lên đám thùng rỗng, chửi rủa giặc Pháp tàn tệ.

Trong lúc đó, cả mình mẩy anh bừng bừng lên. Anh vẫn chửi rủa giặc Pháp cho đến khi gục nằm xuống như một đấng thiên thần hiện ra rồi mờ đi trong giấc mơ dữ dội. Những người đứng xa ngoài ba mươi cây số còn trông thấy ngọn lửa đám cháy này và trong hai ba ngày đêm liền, giặc Pháp và phái bộ Anh không thể nào rập tắt".

Báo Cờ giải phóng số ra ngày 25/10/1945, đưa lên trang đầu hình ảnh một người đang bốc cháy xông về phía trước kèm theo lời "Tinh thần anh dũng của đồng bào Nam Bộ muôn năm".

Báo Cờ giải phóng ngày 5/11/1945, trong mục Mặc niệm : "trích đăng một vài tấm gương xung phong anh dũng đã được nêu lên trên mặt báo chí miền Nam", có đoạn đưa tin : "Trước kho đạn Thị Nghè có rất đông lính Anh, Ấn, Pháp gác nghiêm ngặt, khó bề đến gần phóng hỏa.

Một em thiếu sinh 16 tuổi, nhất định không nói tên họ, làng, tình nguyện ra lấy thân mình làm mồi dẫn hỏa. Em quấn vải quanh mình, tẩm dầu xăng, sau lưng đeo một cái mồi, đứng im đốt mồi lửa, miệng tung hô "Việt Nam vạn tuế", chân chạy đâm sầm vào kho đạn. Lính Anh đứng trong bắn ra như mưa. Một lần trúng đạn, em ngã nhào xuống, nhưng rồi ngồi dậy chạy luồn vào.

Lính Anh khiếp đảm bỏ chạy ra ngoài. Một tiếng nổ. Em thiếu sinh tiêu tán cùng với kho đạn Thị Nghè của giặc".

Dưới bản tin có ghi chú "Kèn gọi lính, ngày 8/10/1945". Như vậy báo đưa tin theo tin của báo Kèn gọi lính ngày 8/10/1945 và theo đó, kho đạn bị đốt cháy phải trước ngày 8/10/1945, ít ra là ngày 7/10/1945.  

Trên đây là một số thông tin lấy từ báo chí ở thời điểm gần nhất với sự kiện liên quan đến chuyện Lê Văn Tám. Tôi hi vọng là những người quan tâm đến chuyện này có thể tìm kiếm và thu thập thêm thông tin báo chí mà tôi chưa được tiếp cận.

Còn sự kiện quân ta phá nổ kho đạn của địch ở Sài Gòn ngày 8/4/1946 mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đến trong hồi ký "Những năm tháng không thể nào quên" thuộc giai đoạn sau, không liên quan đến chuyện Lê Văn Tám.

Trong những báo trên, thông tin sớm nhất là "Kèn gọi lính" do báo Cờ giải phóng trích đăng ngày 5/11/1945. Rất tiếc là tôi không tìm thấy báo Kèn gọi lính mà căn cứ theo đoạn trích của Cờ giải phóng. Theo thông tin này thì "một em thiếu nhi 16 tuổi" đốt kho đạn Thị Nghè trước ngày 8/10/1945, chứ không phải kho xăng Thị Nghè.

Báo Quyết Chiến ngày 19?/10/1945 lại đưa tin "kho dầu Simon Piétri" bị "một chiến sĩ ta" đốt cháy vào trước ngày 17/10/1945. Kho đạn ở Sở thú và kho xăng ở Thị Nghè là hai địa điểm gần nhau. Như vậy theo những thông tin gần thời điểm xảy ra sự kiện thì vẫn còn phải tìm thêm cứ liệu để xác định là kho đạn hay kho xăng và thời điểm là ngày nào, chắc hẳn trước ngày 17/10/1945.

Rồi người thực hiện là "em thiếu nhi 16 tuổi" (Kèn gọi lính) hay "một chiến sĩ ta" (Quyết chiến) hay "anh dân quân tẩm dầu vào người" (Thời mới). Việc tẩm xăng vào người, lúc đó cũng đã gây ra sự bàn luận.

Tibet Protest to against China

Một người Tây Tạng tẩm xăng vào người chạy trên đường phố Nepal để phản đối Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng - "ngọn đuốc sống" này không thể chạy vì đã bị phỏng nặng (The Tibet Post Inetrnational, 28/03/2012)

Thời mới đã bác bỏ chuyện người chiến sĩ tẩm dầu vào người xông vào kho xăng vì "không phải thế, làm thế thì cố nhiên giặc Pháp ngăn lại ngay từ khi chưa tới cửa kho" và cho rằng người chiến sĩ phải "dùng mưu nhiều lắm" để lẻn vào gần kho xăng rồi mới "tẩm dầu vào người", dùng súng bắn thủng các thùng xăng và châm diêm vào người, nhảy vào đám thùng xăng. Không biết tác giả dựa trên căn cứ nào nhưng về khách quan, cách trình bày này hợp lý hơn.

Với những thông tin đã tập hợp, tuy chưa đủ và còn một số khía cạnh chưa xác minh được (kho xăng hay kho đạn, thời điểm, người đốt) nhưng sự kiện kho xăng (hay đạn) của địch ở Thị Nghè (hay gần Thị Nghè) bị ta đốt cháy là có thật.

Ngay lúc đó, trên báo chí đã xuất hiện những thông tin khác nhau về người đốt và cách đốt kho xăng, tuy nhiên có điểm chung là gắn với hình ảnh một chiến sĩ tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch và không có tên Lê Văn Tám hay tính danh của người chiến sĩ đã hi sinh.

Điểm lại những tư liệu đã thu thập được thì càng thấy rõ, trên cơ sở sự kiện có thật và cả dư luận về hình ảnh người chiến sĩ tẩm xăng thời đó, Giáo sư Trần Huy Liệu tạo dựng nên biểu tượng "ngọn đuốc sống" gắn với tên tuổi thiếu niên Lê Văn Tám.  

Vấn đề thứ hai là cách ứng xử đối với biểu tượng "ngọn đuốc sống Lê Văn Tám" :

Trong bàn luận, cũng có người nghĩ rằng, "ngọn đuốc sống Lê Văn Tám" đã đi vào lòng dân rồi, các nhà sử học không cần xác minh nhân vật đó có thật hay không, làm ảnh hưởng tới một "biểu tượng", một "tượng đài" yêu nước. Tôi quan niệm hoàn toàn khác.

Đối với sử học, tôn trọng sự thật, tìm ra sự thật, xác minh sự thật là một nguyên tắc cao cả thuộc về phẩm chất và chức năng của nhà sử học. Dĩ nhiên, với trách nhiệm công dân, có những sự thật trong một bối cảnh cụ thể nào đó liên quan đến bí mật quốc gia hay ảnh hưởng đến lợi ích sống còn của dân tộc, nhà sử học chưa được công bố.

Về nguyên lý, mọi kết quả nghiên cứu sử học càng khách quan và trung thực, càng có tác dụng tích cực xây dựng nhận thức lịch sử  đúng đắn và không có gì mâu thuẫn với các biểu tượng lịch sử, các tượng đài yêu nước có giá trị được nhân dân tôn vinh.

Ngay đối với những biểu tượng mang tính huyền thoại, truyền thuyết như Lạc Long Quân-Âu Cơ, Con Rồng-Cháu Tiên, Phù Đổng Thiên Vương, nỏ thần An Dương Vương, vua Lê trả Gươm thần ở hồ Hoàn Kiếm…, kết quả nghiên cứu khoa học chỉ góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học, cốt lõi lịch sử của biểu tượng.

Ví dụ những phát hiện khảo cổ học về đồ sắt trong văn hóa Đông Sơn, kho mũi tên đồng ở Cổ Loa và gần đây, hệ thống lò đúc mũi tên đồng ngay trong thành Nội của thành Cổ Loa, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn cốt lõi lịch sử của hình ảnh ngựa sắt của Thánh Gióng, vai trò của nỏ thần của An Dương Vương. Chuyện vua Lê trả Gươm thần ở hồ Hoàn Kiếm vẫn nguyên giá trị thiêng liêng, không hề bị ảnh hưởng bởi việc nghiên cứu giống rùa và tuổi thọ của rùa Hồ Gươm…

Biểu tượng "ngọn đuốc sống Lê Văn Tám" thực sự đã được quảng bá rộng rãi, đi sâu vào tâm thức của nhân dân, tiêu biểu cho tinh thần hi sinh anh dũng, ý chí xả thân vì nước của quân dân ta trong buổi đầu của Nam kỳ kháng chiến. Một số đường phố, trường học, công viên hiện nay đã mang tên Lê Văn Tám. Lời dặn của Giáo sư Trần Huy Liệu là đến lúc đất nước yên ổn, cần phải nói lên sự thật về câu chuyện Lê Văn Tám.

Đó không phải là tên của nhân vật lịch sử có thật, nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hi sinh vì Tổ quốc có thật. Đó là một biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng. Trả lại nguồn gốc thật của biểu tượng này là để tạo lập một nền tảng nhận thức khoa học, khách quan về quá trình hình thành biểu tượng Lê Văn Tám.

Tôi nghĩ rằng tất cả các đường phố, trường học, công viên… mang tên Lê Văn Tám vẫn để nguyên, vẫn được tôn trọng như một biểu tượng với nội dung giải thích đúng sự thật và ngăn chặn mọi ý đồ dựng lên lý lịch Lê Văn Tám như một nhân vật có thật rồi có người lại nhận là hậu duệ của nhân vật này.

Đến đây, tôi đã làm tròn trách nhiệm đối với lời dặn của cố Giáo sư Trần Huy Liệu, kèm thêm một số đề xuất để xử lý câu chuyện Lê Văn Tám. Tôi hoàn toàn không coi đấy là việc làm trái với phẩm chất trung thực hay lương tâm của nhà sử học, cũng không ảnh hưởng đến uy tín của Giáo sư Trần Huy Liệu và càng không làm đổ một biểu tượng hay tượng đài yêu nước. Tôi nhấn mạnh, theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực.

Giáo sư Phan Huy Lê

Nguồn : Tạp chí Xưa&Nay số ra tháng 10 năm 2009

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Lan, Phan Huy Lê,
Read 590 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)