Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/11/2021

Thượng đỉnh Joe Biden – Tập Cận Bình 15/11/2021 có gì mới ?

Thu Hằng - Minh Anh - BBC tiếng Việt

Quân sự, thương mại, chủ quyền : Ba chủ đề lớn trong thượng đỉnh Tập - Biden

Thu Hằng, RFI, 15/11/2021

Tuyên bố chung "tăng cường hành động vì khí hậu" của Trung Quốc và Hoa Kỳ tại COP26 ngày 10/11/2021 có lẽ là "thiện chí" duy nhất của hai cường quốc trong thời gian gần đây. Những cạnh tranh về quân sự, bất đồng về thương mại, chủ quyền và nhân quyền giữa hai cường quốc đối thủ khó có thể được xoa dịu chỉ trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 15/11 trong khi cả hai nguyên thủ Tập Cận Bình và Joe Biden đều kiên quyết đưa nước của họ đứng vị trí số 1.

summit1

Quân đội tham gia lễ diễu binh nhân dịp lễ Quốc khánh Đài Loan, tổ chức tại Đài Bắc ngày 10/10/2021. AP - Chiang Ying-ying

Trong buổi họp báo đầu tiên với tư cách tổng thống Hoa Kỳ, ông Joe Biden đã cảnh báo rằng Trung Quốc "tự đặt mục tiêu chung là trở thành nước giầu nhất và mạnh nhất thế giới. Điều này sẽ không xảy ra trong nhiệm kỳ của tôi, vì Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thịnh vượng và phát triển".

Trong khi đó, chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đến "thiên thời, địa lợi" khi phát biểu trước các lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản vào tháng 01/2021 : "Vào lúc thế giới đang trải qua một giai đoạn biến động chưa từng có, thời cơ và sự năng động đang ngả về phía Trung Quốc".

Cạnh tranh sức mạnh quân sự 

Sự cạnh tranh vị trí số 1 thế giới đã khiến mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng trở nên căng thẳng. Trong vòng 10 năm gần đây, Washington có lập trường ngày càng cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh mà đỉnh điểm là những năm cầm quyền của tổng thống Donald Trump. Cả hai lao vào cuộc chiến "trường kỳ" trên mọi mặt trận, từ quân sự đến thương mại, và "ở quy mô lớn hơn bất kỳ cuộc đối đầu quốc tế khác trong lịch sử đương đại, kể cả chiến tranh lạnh", theo trang Foreign Affairs, được Courrier International trích ngày 16/10. 

Về thương mại, các quan chức Mỹ đánh giá Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nặng ký. Theo các nhà phân tích, đến cuối năm 2021, GDP của Trung Quốc sẽ đạt gần 71% GDP của Mỹ, trong khi vào thời chiến tranh lạnh thập niên 1980, GDP của Nga chỉ tương đương 50% GDP Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng chiếm vị trí số 1 của Mỹ thu hút nhiều đầu tư nước ngoài nhất. 

Có lẽ vì thế, dưới thời chính quyền của tổng thống Joe Biden, dù lời lẽ mang tính ngoại giao hơn so với người tiền nhiệm Donald Trump nhưng lập trường cứng rắn với Trung Quốc vẫn được giữ nguyên. Trong "Hướng dẫn chiến lược tạm thời về an ninh quốc gia" (giới thiệu những đường lối đầu tiên về tầm nhìn chiến lược vào tháng 03/2021), chính quyền Biden tiếp tục coi Trung Quốc là "đối thủ tiềm năng duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thách thức một cách lâu dài hệ thống quốc tế ổn định và mở".

Trong báo cáo thường niên được công bố đầu tháng 11, bộ Quốc Phòng Mỹ nhận định Trung Quốc sẽ có lực lượng hải quân hùng hậu nhất thế giới từ nay đến năm 2030, với 460 tầu chiến các loại. Trong vòng 10 năm, Bắc Kinh đã tăng gấp đôi ngân sách quân sự, hiện lên đến 208 tỉ euro (nhưng vẫn kém ba lần so với Mỹ, 643 tỉ) và tập trung nâng cao năng lực không quân và hải quân.

Trung Quốc là cường quốc quân sự thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, và đứng đầu châu Á, bỏ xa Ấn Độ, Nga và Nhật Bản. Mục tiêu chung của Bắc Kinh là đối đầu hiệu quả hơn với Hoa Kỳ, tạo tương quan ngày càng bất lợi hơn cho chiến lược mở rộng lực lượng của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương. Mục tiêu cụ thể hơn, theo giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste Hồng Kông, được nhật báo kinh tế Bỉ L’Echo trích ngày 20/10, là "không chỉ chiếm quyền kiểm soát Đài Loan và vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền, mà còn trở thành bá chủ quyền lực ở trong vùng".

Thực vậy, vấn đề an ninh của Đài Loan, tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông nơi Trung Quốc đòi hầu hết chủ quyền hiện là những mối bận tâm lớn của Mỹ và thể hiện cho sự đối đầu Mỹ-Trung về mặt quân sự hiện nay. Và trong thời gian gần đây, nếu có một chủ đề có nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu vũ trang, đó có lẽ là Đài Loan với hậu quả khôn lường, theo nhận định trên mạng Twitter của bà Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) : "Nếu Đài Loan bị tấn công, chúng ta sẽ thấy một cuộc xung đột lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà sẽ rất khó để kiềm chế với nguy cơ leo thang hạt nhân".

Trong 10 tháng đầu năm 2021, quân đội Trung Quốc huy động tổng cộng hơn 600 máy bay thâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, so với 380 vào năm 2020, đỉnh điểm là tháng 10 với con số kỉ lục 150 chiến đấu cơ, trong đó có nhiều máy bay ném bom H-6 có khả năng mang bom hạt nhân. 

Chủ quyền, nhân quyền : Trung Quốc lên án Mỹ can thiệp chuyện nội bộ 

Chính quyền Mỹ không đổi cách tiếp cận về vấn đề Đài Loan. Lộ trình về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ còn nhằm mục đích "giúp Đài Loan phát triển một chiến lược và khả năng phòng thủ hiệu quả và giúp hòn đảo bảo đảm an ninh". Do đó Mỹ cung cấp vũ khí và ngầm huấn luyện cho quân đội Đài Loan, ít nhất từ 1 năm nay. 

Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, Washington đã can thiệp thô bạo vào chuyện nội bộ, vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Ngoài vấn đề nhân quyền, dân chủ ở Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, chủ đề Đài Loan đã thổi bùng ngọn lửa dân tộc ở Bắc Kinh. Giáo sư Jean-Pierre Cabestan cho biết : "Sự ủng hộ can thiệp quân sự vào Đài Loan được hưởng ứng mạnh trong xã hội Trung Quốc và tăng thêm kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành tổng thống Đài Loan năm 2016. Nếu như những sự ủng hộ này phản ánh cho một phần xã hội, thì chúng cũng được một số quan chức trong đảng, giới tinh hoa theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cố tình thổi bùng"

Nhìn rộng hơn, Bắc Kinh coi Washington là mối đe dọa từ bên ngoài cho an ninh quốc gia Trung Quốc. Theo tác giả bài viết trên Foreign Affairs, được tuần báo Pháp Courrier International trích dẫn, đa số các nhà quan sát Trung Quốc nhất trí rằng hành động của Hoa Kỳ được dẫn dắt bởi sự lo lắng và ý đồ kìm hãm sức mạnh Trung Quốc bằng mọi cách. Nhìn từ Bắc Kinh, chính Mỹ mới là bên khuấy động bầu không khí thù nghịch. Hơn nữa, từ lâu, Trung Quốc luôn coi việc Mỹ can thiệp vào chuyện nội bộ còn nhằm thay đổi chế độ chính trị và làm suy yếu quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nếu như Bắc Kinh áp đặt được luật an ninh quốc gia ở đặc khu hành chính Hồng Kông, bóp nghẹt mọi tiếng nói đối lập và phong trào đòi dân chủ, thì ví dụ này cho thấy thất bại về chính sách "một quốc gia, hai chế độ". Kinh nghiệm đau thương của Hồng Kông cũng đánh dấu chấm hết cho chủ trương thống nhất hòa bình hòn đảo tự trị Đài Loan, mà Bắc Kinh luôn coi là một tỉnh nổi loạn. Người dân Đài Loan không tin Bắc Kinh : chỉ có 8% người dân hòn đảo muốn thống nhất với Hoa lục, còn 63% người được Đại học Chính Trị (Chengchi) thăm dò ý kiến khẳng định họ là người Đài Loan.

Trong trường hợp Trung Quốc tấn công vũ trang Đài Loan, hòn đảo "không có phương tiện kháng cự""chỉ có sự can dự quân sự ồ ạt từ phía Mỹ mới có thể cứu được hòn đảo trong trường hợp chiến tranh", theo giáo sư Cabestan. Tuy nhiên, chuyên gia người Pháp về chính trị Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến những rủi ro lớn đối với Bắc Kinh : "khả năng chiến dịch thất bại, tiếp theo là khả năng nguyên tử hóa cuộc xung đột, cuối cùng là khó đánh giá được những hậu quả quốc tế của một cuộc tấn công như vậy và thách thức trong trường hợp kiểm soát được hòn đảo, các thể chế, nền kinh tế và người dân Đài Loan".

Trở lại với bài viết của Foreign Affairs, tác giả cho rằng nếu Mỹ và Trung Quốc hiểu rõ hơn về quan điểm lịch sử gần đây của nhau thì có lẽ hai nước tìm ra được cách xử lý cạnh tranh một cách trách nhiệm để tránh xảy ra xung đột với quy mô tàn phá mà không bên nào mong muốn. Vấn đề đặt ra là liệu hai nguyên thủ Tập Cận Bình và Joe Biden có nhân nhượng nhau trong cuộc họp thượng đỉnh lần này ?

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 15/11/2021

*********************

Joe Biden và Tập Cận Bình muốn gì từ Hội nghị Thượng đỉnh 15/11 ?

BBC, 15/11/2021

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến vào thứ Hai 15/11 khi căng thẳng giữa hai nước ngày càng trở nên sâu sắc.

summit2

Joe Biden và Tập Cận Bình gặp nhau tại Bắc Kinh năm 2013

Tuần trước, hai siêu cường trong thế cạnh tranh đã khiến nhiều người bất ngờ khi đưa ra một tuyên bố chung nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại các cuộc hội đàm ở Glasgow, Scotland.

Nhưng những quan ngại ngày càng gia tăng về một cuộc đối đầu quân sự liên quan đến vấn đề Đài Loan càng khắc họa rõ nét sự khác biệt.

Cuộc họp lần thứ 3 giữa hai vị nguyên thủ sẽ đề cập đến một số chủ đề hóc búa.

An ninh mạng, thương mại, không phổ biến vũ khí hạt nhân là những chủ đề sẽ được bàn đến, theo nguồn thạo tin về các cuộc đàm phán nói với truyền thông Mỹ.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu, Nhà Trắng cho biết "hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các cách quản lý có trách nhiệm sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và CHND Trung Hoa, cũng như các cách thức hợp tác với nhau khi lợi ích của đôi bên tương đồng".

Hai bên đã họp hai lần kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng Giêng, nhưng cả hai đều thừa nhận những va chạm trong mối quan hệ.

Viết cho Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc phi lợi nhuận vào tuần trước, ông Tập Cận Bình nói đất nước của ông sẵn sàng làm việc với Mỹ để đưa quan hệ trở lại đúng hướng. Ông nói thêm rằng hợp tác là "sự lựa chọn đúng đắn duy nhất".

Các phóng viên của chúng tôi ở Washington và Bắc Kinh đánh giá xem cuộc gặp có thể diễn tiến như thế nào.

Tổng thống Biden muốn gì ?

Phùng Triệu Âm, BBC News, Washington

Kỳ vọng vào cuộc họp là không cao nhưng việc cuộc họp diễn ra, tự thân đã là một kết quả quan trọng. Cả hai bên đều có ý định hàn gắn lại mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã lao dốc trong vài năm trở lại đây.

Vấn đề Đài Loan có khả năng đứng đầu chương trình nghị sự. Biden muốn ông Tập cam kết duy trì hòa bình trên eo biển Đài Loan, vì Bắc Kinh ngày càng thể hiện ý chí tăng cường áp lực quân sự lên hòn đảo này. Đổi lại, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải trấn an người đồng cấp Trung Quốc rằng Mỹ không có lập trường về vấn đề chủ quyền của Đài Loan.

Cuộc gặp cũng sẽ là cơ hội để Biden thuyết phục ông Tập rằng chiến lược Trung Quốc của chính quyền Mỹ có thể là một khung vững vàng cho mối quan hệ song phương. Học thuyết Trung Quốc của Biden trước đây đã được Ngoại trưởng Antony Blinken của ông tóm tắt - "cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể, và đối đầu khi bắt buộc".

Nhưng Bắc Kinh nói rõ rằng các vấn đề hợp tác, chẳng hạn như hành động khí hậu, không thể tách rời các điểm tranh chấp trong quan hệ ngoại giao. "Nếu ốc đảo bị bao quanh bởi sa mạc, thì sớm muộn gì 'ốc đảo' cũng sẽ bị sa mạc hóa", Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 9 cho biết.

Liệu các cuộc đàm phán có mang nước đến các "sa mạc" và dập tắt các đám cháy ?

Chủ tịch Tập Cận Bình muốn gì ?

Robin Brant, BBC News, Thượng Hải

Đài Loan và đối thoại - hai từ tổng hợp những mối quan tâm chính của Trung Quốc khi Tập Cận Bình chuẩn bị ngồi xuống và trò chuyện qua Zoom với Tổng thống Mỹ.

Hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía đông Trung Quốc, với tổng thống được bầu dân chủ, có vẻ như là một vấn đề còn mù mờ đối với nhiều người bên ngoài châu Á.

Nhưng đối với Bắc Kinh, Đài Loan là một tỉnh ly khai mà họ luôn mong muốn được tái thống nhất trọn vẹn với "mẫu quốc". Tập Cận Bình nói về điều đó như một lẽ tất yếu. Ông ta biết việc phong thánh đang chờ đợi nếu ông là người làm điều đó.

Nhưng chỉ vài tuần trước, Joe Biden cam kết sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công. Cam kết của Mỹ đối với những gì được xem là biểu trưng của giá trị Mỹ dường như rõ ràng.

Tập Cận Bình muốn làm rõ. (Trong khi đó, chúng tôi biết từ các hình ảnh vệ tinh trong các báo cáo truyền thông gần đây rằng quân đội Trung Quốc đang sử dụng các cấu trúc có hình dạng giống tàu sân bay Mỹ để làm mục tiêu thực hành).

Viễn cảnh về một cuộc chiến là lý do tại sao "nói chuyện" đứng đầu danh sách mong muốn của "hội nghị thượng đỉnh qua mạng".

Các mối quan hệ đang ở mức thấp - một báo cáo theo yêu cầu của Nhà Trắng do các cơ quan tình báo Mỹ thực hiện đã hai lần nhắc lại sự thiếu cởi mở của Trung Quốc trong cuộc điều tra nguồn gốc của Covid-19.

Mới tuần trước, Tổng thống Biden đã đồng ý áp thêm các hạn chế về thương mại đối với một công ty viễn thông Trung Quốc. Ông cũng đã thành công trong việc bắt đầu thiết lập lại các liên minh để thách thức sự ảnh hưởng và sức mạnh của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Như tất cả chúng ta, Bắc Kinh cũng lưu ý dòng cuối cùng của một thông báo chính thức sau cuộc điện đàm vào tháng 9 năm ngoái, cảnh báo hai bên phải có trách nhiệm đảm bảo "cạnh tranh không dẫn đến xung đột".

Việc thiết lập lại các cơ chế đa cấp để gặp gỡ, đàm phán và đối thoại có thể đảm bảo điều đó xảy ra.

*********************

Thượng đỉnh Biden – Tập Cận Bình nhằm hạ nhiệt căng thẳng, Đài Loan là tâm điểm

Minh Anh, RFI, 15/11/2021

Tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tối 15/11/2021, theo múi giờ ở Mỹ, tức sáng sớm thứ Ba 16/11, sẽ có cuộc trao đổi qua video đầu tiên sau nhiều tháng căng thẳng. Trong số những bất đồng dai dẳng giữa hai nước, Đài Loan được cho là tâm điểm của cuộc thảo luận. 

summit3

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 15/11/2021 (giờ Washington).  © DS

AFP nhắc lại đây cũng là cuộc hội đàm thứ ba giữa hai nguyên thủ, hai lần trước đôi bên trao đổi qua điện thoại. Tổng thống Mỹ Joe Biden, kể từ ngày nhậm chức, luôn có định tổ chức một cuộc gặp trực diện nhưng đã bị ông Tập Cận Bình từ chối với lý do dịch bệnh. 

Thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ, nguyên thủ hai nước sẽ "thảo luận các phương cách xử lý một cách có trách nhiệm về cuộc đối đầu này" giữa hai siêu cường và cách thức "cùng nhau hợp tác khi đôi bên có chung một lợi ích". 

Cuộc gặp thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ song phương đã xuống đến mức thấp nhất do những bất đồng mỗi lúc một nhiều, từ thương mại, công nghệ, nhân quyền cho đến những tham vọng của Trung Quốc trong khu vực, buộc Hoa Kỳ phải củng cố các mối quan hệ đồng minh ở châu Á. 

Tuy nhiên, hồ sơ Đài Loan được cho là chiếc gai "khó gỡ"" nhất, cho phép hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước, vốn dĩ đã gia tăng lên đến đỉnh điểm sau việc Trung Quốc cho chiến đấu cơ ồ ạt xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

Ngay trước thượng đỉnh, ngoại trưởng hai nước, trong cuộc họp trù bị đã đưa ra những lời cảnh cáo nhau liên quan đến số phận hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh xem như là một tỉnh nổi loạn, cần phải được đưa về với Hoa Lục, trong khi Washington thì vẫn muốn duy trì nguyên trạng. 

Theo quan sát của AFP, trong bối cảnh căng thẳng này, cuộc họp hôm nay cho thấy thiện chí của Washington muốn duy trì "những kênh đối thoại" công khai ở cấp cao nhất sau nhiều cuộc tiếp xúc ở cấp bộ trưởng diễn ra không mấy suôn sẻ thời gian đây. 

Nếu như Hoa Kỳ nhấn mạnh đến tính thiết yếu của việc hợp tác với đối thủ lớn Trung Quốc, nếu có thể, thì giới chức hai nước cũng cảnh báo là chớ nên trông đợi có những kết quả cụ thể hay những quyết định cụ thể từ cuộc họp hôm nay.

Minh Anh

******************

Thượng đỉnh Mỹ - Trung : Đài Loan, Hạt nhân và những thông điệp chính trị đối nội

Minh Anh, RFI, 15/11/2021

Hôm 15/11/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden họp trực tuyến với đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình. Bên cạnh các chủ đề gây căng thẳng giữa hai nước từ nhiều năm qua, từ thương mại, công nghệ đến nhân quyền, vấn đề Đài Loan và vũ khí hạt nhân được cho sẽ là những tâm điểm chính của cuộc thảo luận.

summit4

Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phó tổng thống Mỹ Joe Biden tại Trung tâm Đào tạo và Giáo dục Quốc tế, South Gate, bang California, Hoa Kỳ, ngày 17/02/2012.  © AP - Damian Dovarganes

Xung khắc công khai giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ kéo dài từ một thập kỷ, qua ba đời tổng thống Mỹ, bắt đầu từ thời chính quyền Obama. Căng thẳng Mỹ - Trung trở nên gay gắt khi Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Cuộc đọ sức này vẫn tiếp diễn dù Washington đã có lãnh đạo mới là Joe Biden. Danh sách những điểm bất đồng giữa hai nước mỗi lúc một dài, liên quan đến mọi lĩnh vực.

Thế nhưng, giới quan sát dự báo, Đài Loan sẽ là "điểm nóng nhất" của cuộc thảo luận. Trung Quốc hồi đầu tháng 10/2021 điều ồ ạt chiến đấu cơ đi vào vùng nhận dạng phòng không khiến Hoa Kỳ trong tình trạng báo động. Nhưng sự việc cũng phản ảnh nỗi lo sợ của Bắc Kinh : Nguy cơ Hoa Kỳ làm suy yếu chính sách "một nước Trung Hoa" mà Mỹ từng cam kết và căn cứ vào đó mà công nhận Bắc Kinh là đại diện duy nhất tại Liên Hiệp Quốc từ năm 1979.

Trước thượng đỉnh, tờ Global Times, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nhắc lại rằng Đài Loan là "lằn ranh đỏ chính yếu" của Trung Quốc. Do vậy chủ đề này sẽ được ông Tập Cận Bình đề cập đến với nguyên thủ Mỹ, rằng Trung Quốc quyết tâm hoàn thành "việc hợp nhất quốc gia trong một tương lai gần, bất kể với giá nào". Lãnh đạo Trung Quốc muốn có được lời bảo đảm từ đồng nhiệm Mỹ rằng Washington không ủng hộ "độc lập Đài Loan".

Ngoài ra, theo Financial Times, hồ sơ hạt nhân cũng có thể sẽ được chủ nhân Nhà Trắng đề cập đến trong cuộc thảo luận. Việc Trung Quốc tăng cường năng lực hạt nhân khiến Hoa Kỳ lo ngại. Một báo cáo gần đây, "China Military Power Report", do Lầu Năm Góc công bố cho biết từ đây đến năm 2030, Bắc Kinh sẽ có khoảng 1.000 đầu đạn hạt nhân, cao gấp hai lần so với con số ước tính do bộ Quốc Phòng Mỹ đưa ra năm 2020. Theo ông Danny Russel, phó chủ tịch về An ninh Quốc tế và Đối ngoại, Viện Chính sách Xã hội châu Á, trên trang mạng Foreign Affairs, thì với đà tăng tốc ngoạn mục này cùng với quy mô đầu tư trong hệ thống "bộ ba hạt nhân", rõ ràng Trung Quốc đang chuyển từ chính sách răn đe hạt nhân sang tấn công hạt nhân.

Dẫu sao thì giới chuyên gia đều có chung một nhận xét, những bất đồng dai dẳng và gay gắt này, kéo dài từ nhiều năm qua, khó thể giải quyết trong một cuộc họp thượng đỉnh. Giới chức chính phủ hai bên cũng đã cảnh báo, không nên trông đợi gì nhiều vào kết quả cuộc họp hay những quyết định quan trọng vào tối nay.

Bởi vì, những tranh chấp này giữa hai nước diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị trong nước khó khăn. Thượng đỉnh lần này còn là dịp để lãnh đạo hai nước phát đi những thông điệp chính trị. Tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình phải đối mặt với Đại hội Đảng lần thứ 20, vào lúc ông có kế hoạch kéo dài nhiệm kỳ, trở thành lãnh đạo trọn đời.

Do vậy, "Tập Cận Bình muốn tận dụng thượng đỉnh này để gởi đến người dân trong nước và các nước khác rằng quan hệ Mỹ - Trung đang được hồi phục. Một kịch bản mà chính quyền Biden muốn tránh bằng mọi giá", theo như nhận xét của Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại German Marshall Fund với tờ Financial Times.

Còn tại Washington, Joe Biden và phe Dân Chủ đang tìm cách tránh mất thêm ghế ở Quốc Hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra trong năm 2022. Trong bối cảnh có một sự đồng thuận chống Trung Quốc từ lưỡng đảng, chủ nhân Nhà Trắng khó có thể có được những đồng thuận hay tiến bộ trong quan hệ với Trung Quốc, nên buộc phải có những thái độ cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Trong tình cảnh này, rõ ràng, cả hai nhà lãnh đạo, không ai muốn tỏ ra là bên yếu thế. Liệu sau cuộc đối thoại này, đôi bên có giải quyết được các xung đột ?

Los Angeles Times khẳng định "cạnh tranh gay gắt" giữa các siêu cường về kinh tế, ngoại giao và hạt nhân sẽ không dễ gì xử lý. Cuộc họp thượng đỉnh lần này sẽ không thể chấm dứt các bất đồng, nhưng có thể cho phép bắt đầu giải quyết những tranh chấp. Ít ra, đó cũng là một bước quan trọng ! 

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng, Minh Anh, BBC tiếng Việt
Read 565 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)