Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/11/2021

COP26 đã đạt được những thỏa thuận nào ?

Thanh Hà

COP26 đạt thỏa thuận nửa vời về môi trường

Thanh Hà, RFI, 14/11/2021

Trễ hơn so với dự kiến 24 giờ, đêm 13/11/2021 gần 200 nước tham dự hội nghị khí hậu COP26 Glasgow-Anh Quốc thông qua "thỏa ước Glasgow". Luân Đôn xem đây là một "bước tiến quan trọng" cho dù văn bản không bảo đảm nhiệt độ của trái đất không tăng quá 1,5 °C như mục tiêu đề ra và cũng không đi kèm những biện pháp cụ thể giúp các nước nghèo đối mặt với biển đổi khí hậu.

cop1

Ông Alok Sharma, chủ tịch COP26 trong cuộc hoạp báo kết thúc thượng đỉnh về khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotmand, ngày 13/11/2021. AP - Alastair Grant

Kết thúc hai tuần lễ đàm phán, chủ tịch hội nghị ông Alok Sharma đã chính thức khép lại hội nghị khí hậu COP26 với "thỏa ước Glasgow" nhằm "thúc đẩy tiến trình chống biến đổi khí hậu". Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cương vị chủ nhà hài lòng với đồng thuận vừa đạt được. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen "tin tưởng" văn bản này cho phép xây dựng một không gian "an toàn và thình vượng" trên cho nhân loại.

Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres kém lạc quan hơn khi cho rằng "quyết tâm chinh trị tập thể chưa đủ để vượt lên trên những mâu thuẫn sâu sắc" trong lúc tình hình càng lúc càng "cấp bách".

Về thực chất, văn bản đó ba gồm những gì và vì sao bị đánh giá là một thỏa thuận nửa vời ?

Thứ nhất các bên đồng ý về mục tiêu duy trì nhiệt độ của trái đất không tăng quá 1,5°C từ nay đến cuối thế kỷ 21 và "tiếp tục nỗ lực giảm thải khí carbon" gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên các bên để ngỏ khả năng "tùy theo hoàn cảnh của mỗi quốc gia" để đạt được mục tiêu này. Nói cách khác, chỉ tiêu 1,5°C đó không mang tính bắt buộc.

Điểm thứ nhì liên quan đến vấn đề trợ giúp các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu : Thỏa ước Glasgow không đưa ra thêm những cam kết cụ thể ngoại trừ hứa hẹn "các bên tiếp tục đàm phán cho đến năm 2024» trong lúc cam kết về khoản trợ cấp 100 tỷ đô la cho các nền kinh tế đang phát triển kể từ năm 2020, vẫn chưa được thực hiện.

Tại Glasgow, Mỹ là một trong hai quốc gia gây ô nhiễm nhất địa cầu đã dứt khoát từ chối đàm phán về các khoản "đền bù thiệt hại" cho các nền kinh tế ít gây ô nhiễm nhưng lại là những quốc gia đầu tiên hứng chịu thiên tai do thời tiết khí hậu gây nên. Đại diện của tổ chức phi chính phủ ActionAide International, Teresa Anderson, bày tỏ "thất vọng cực độ" trước thái độ vô trách nhiệm của các nền công nghiệp phát triển gây ô nhiễn nhất trên hành tinh "đối với phần còn lại của nhân loại".

Một điểm đáng chú ý thứ ba là bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Thái Lan, Lào, Miến Điện và Cam Bốt từ chối ký kết vào thỏa thuận chống nạn phá rừng. Đông Nam Á chiếm 15 % diện tích rừng nhiệt đới của nhân loại. Theo nghiên cứu của tổ chức quan sát Global Forest Watch dataset, được The Diplomat trích dẫn, trong hai thập niên qua, nạn phá rừng đã cướp đi 28% diện tích rừng của Cam Bốt. Tỷ lệ này như vậy "cao hơn cả so với nạn phá rừng tại Brazil (12%) hay Indonesia (10%)". 

Thanh Hà

*********************

Khí hậu : Hội nghị COP26 kéo dài thêm một ngày để cố đạt thỏa thuận

Thanh Phương, RFI, 13/11/2021

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland, họp từ 31/10, trên nguyên tắc kết thúc hôm qua, đã phải kéo dài thêm ít nhất một ngày. Hôm 13/11/2021, đại diện của khoảng 200 quốc gia ký kết hiệp định Paris về khí hậu sẽ cố đạt được một thỏa thuận nhằm kềm chế đà hâm nóng khí quyển Trái đất.

cop2

Bên lề các đàm phán chính thức tại COP26, xã hội dân sự tổ chức nhiều hoạt động gây áp lực. Trong ảnh : Hai đồng chủ tịch Hội nghị của Nhân dân phát biểu, bà Mary Church (tổ chức Amis de la Terre) (P) và Muhammad Adow (tổ chức PowerShift Africa) (T), Glasgow, 12/11/2021. © GBD/RFI

Tối qua, sau khi hội nghị COP26 trên nguyên tắc đã chấm dứt, nước Anh, trong cương vị chủ tịch hội nghị, đã đề nghị các đại biểu họp lại sáng nay để bàn về bản dự thảo thứ ba của thỏa thuận nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của hành tinh chúng ta ở mức 1,5°C, với hy vọng sẽ đạt được đồng thuận trong ngày hôm nay. 

Bản dự thảo thứ hai được công bố sáng hôm qua đã bị nhiều chỉ trích, nhất là về vấn đề viện trợ cho các nước nghèo nhất để giúp các nước này cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, vừa đối phó với các thiên tai xảy ra ngày càng nhiều do tác động của biến đổi khí hậu. 

Hãng tin AFP nhắc lại là vào năm 2009, "các nước phía Bắc" (tức các nước phát triển) đã hứa đến năm 2020 sẽ nâng mức viện trợ lên 100 tỷ đôla/năm. Nhưng họ đã không thực hiện lời hứa. Điều này khiến các nước đang phát triển rất bất bình, nhất là trong bối cảnh họ cũng đang phải đối phó với đại dịch Covid-19. Đại diện của các nước đang phát triển cho rằng bản dự thảo thứ hai của thỏa thuận không đáp ứng các yêu sách của họ.

Ngoài vấn đề viện trợ, các nước đang phát triển còn đề nghị một cơ chế để tính đến những thiệt hại do các thiên tai (như bão tố, hạn hán, đợt nóng) gây ra. Nhưng các nước giàu, trong đó có Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, vẫn chống lại đề nghị này.

"Các nước phía Nam" còn cáo buộc các nước phát triển là muốn ép buộc họ cắt giảm hơn nữa lượng khí phát thải, trong khi họ không có trách nhiệm chính về biến đổi khí hậu. 

Mặc dù nhiều nước đã đưa ra những cam kết mới trước và trong khi diễn ra hội nghị COP26, theo báo động của Liên Hiệp Quốc, thế giới sẽ vẫn đi đến một mức tăng nhiệt độ vô cùng nguy hiểm là 2,7°C, trong khi chỉ cần tăng 1,1°C là đủ để làm gia tăng các thiên tai dữ dội.

Một vấn đề khác cũng rất gay go, đó là các năng lượng hóa thạch, được xem là tác nhân chính hâm nóng bầu khí quyển Trái đất. Bản dự thảo thỏa thuận có nêu lên vấn đề ngưng tài trợ cho các dự án nhiệt điện dùng nhiên liệu hóa thạch, nhưng vẫn không có ai hài lòng về nội dung điều khoản này.

Hôm qua, tại hội nghị COP26, bộ trưởng Chuyển tiếp Sinh thái của Pháp, bà Barbara Pompili, thông báo Pháp đã tham gia liên minh các nước cam kết từ đây đến cuối năm 2022 sẽ ngưng tài trợ cho các dự án ở nước ngoài sử dụng các năng lượng hóa thạch mà không dùng đến kỹ thuật "thu giữ carbon".

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 378 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)