Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/11/2021

Lạm phát thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Hồng Dân

10 năm chưa quyết toán xong lạm phát từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Gói kích thích dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khiến lạm phát tăng cao.

ntd1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng : đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu là biện pháp hàng đầu thực hiện kiềm chế lạm phát- Ảnh : Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Người đứng đầu Bộ Tài chính tính toán huy động khoảng 180.000 tỷ qua phương án phát hành trái phiếu Chính phủ và công trái ngoại tệ để huy động 180.000 tỷ tiền trong dân trong hai năm, theo đó mỗi năm bội chi ngân sách tăng khoảng 1%.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, nếu tính theo GDP cũ, nợ công năm 2021 là 56,8%, vẫn dưới trần 60% nhưng đã vượt ngưỡng cảnh báo 55%. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề cần cân nhắc. Dư nợ Chính phủ tính theo GDP cũ là 51,5%, còn theo GDP đánh giá lại là 40,5%.

"Chúng tôi ủng hộ các gói kích cầu để phát triển kinh tế, nhưng các gói này phải có hiệu quả để tăng thu ngân sách, giữ được bội chi ngân sách. Năm 2022, 2023 tăng bội chi nhưng các năm tiếp theo phải giảm và giúp nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững", ông Phớc nói thêm, khoản tiền khác cho gói hỗ trợ mà không làm tăng nợ công hay bội chi ngân sách, đó là nguồn đầu tư chưa phân bổ giai đoạn 2021 – 2025.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bộ ngành cần nghiên cứu tăng quy mô gói kích thích kinh tế. Bởi, theo ông Phúc, thực tế gói kích thích kinh tế ở Việt Nam còn nhỏ, mới chi 1,7% GDP, thấp hơn so với các nước trong khu vực, như Philippines là 2,7%, Trung Quốc là 4,8%.

Việt Nam không nhất thiết phải thiết kế gói hỗ trợ cao giống như một số nước, nhưng đúng là vẫn còn dư địa để tăng thêm quy mô.

Thế nhưng với hệ lụy lạm phát từ gói kích thích kinh tế hai năm 2008 – 2009 ở thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đến nay "hơn 10 năm chưa quyết toán xong".

Theo phân tích của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, gói kích thích 2008 – 2009 chủ yếu tập trung vào phát triển kinh doanh và xuất khẩu, kích cầu đầu tư tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội với quy mô 122.000 tỷ đồng (6,9 tỷ USD). Trong đó, riêng năm 2009, dành 106.600 tỷ đồng (5,7 tỷ USD), tương đương 5,6% GDP lúc đó để kích cầu kinh tế.

Gói kích thích này giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng và trở thành một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương, lần lượt là 5,7% và 5,4% trong năm 2008 và 2009.

Gói kích thích hơn chục tỷ USD khi đó "chủ yếu tập trung vào nguồn cung mà không hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ lãi suất lớn nhưng thiếu đồng bộ với các chính sách về tiền tệ và tài khóa khác, làm giảm hiệu quả dẫn tới trục lợi chính sách", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận xét.

Ông Nguyễn Chí Dũng từng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 8 năm 2008 đến tháng 4 năm 2009, nên ông am tường về hậu trường của các giải ngân từ gói kích thích kinh tế ở hai năm 2008 – 2009. Ông cho biết khi ấy về tình trạng vay vốn rẻ để gửi ngân hàng và hưởng chênh lệch lãi suất, hoặc chảy vào thị trường chứng khoán, bất động sản chứ không chảy vào sản xuất.

Về ảnh hưởng vĩ mô, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết gói kích thích dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khiến lạm phát tăng cao, năm 2010 và 2011 lần lượt là 9,2% và 18,6%. Đầu tư dàn trải gây nợ đọng lãng phí, đình hoãn, nhiều dự án dừng vào năm 2011 đến nay chưa giải quyết được hậu quả. Ông cũng cho biết một số chương trình hỗ trợ lãi suất đến nay chưa quyết toán được, gây hệ lụy lớn.

Bộ trưởng đánh giá gói kích thích này khi đó được triển khai thiếu đồng bộ với các chính sách tài khóa và tiền tệ, công tác quản lý giám sát thiếu chặt chẽ, thực hiện trên nền vĩ mô thiếu ổn định, chính sách hỗ trợ chưa sát thực tiễn, điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp chưa công khai, minh bạch.

"Bây giờ chúng ta giải ngân đầu tư công còn chưa hết, vậy sắp tới có một cái gói kích cầu đầu tư thì phải làm sao giải ngân kịp trong năm 2022 – 2023. Đây là một thách thức đang đặt ra. Nếu chúng ta xây dựng một chương trình đầu tư như vậy mà công tác chuẩn bị, công tác giải phóng mặt bằng, công tác giải ngân như vừa qua thì không thể nào hấp thụ được. Có khi còn kéo dài đến 5-10 năm sau…" – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảnh báo.

Tất cả khuyến cáo ở trên là những thách thức không dễ vượt qua đối với Thủ tướng đương nhiệm – một người chưa từng trải qua nhiệm kỳ nào trên cương vị phó thủ tướng như tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc.

Hồng Dân

Nguồn : VNTB, 16/11/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hồng Dân
Read 481 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)