Dự đoán khó đạt mục tiêu tăng trưởng
Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam tăng lên tới 4,44% trong tháng 5, cao nhất trong vòng 16 tháng, dữ liệu chính thức cho thấy hôm thứ Tư (29/5), sát với mức trần mục tiêu 4,5% mà chính phủ đặt ra trong năm. Đây được xem là một thách thức tiềm tàng đối với nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm thúc đẩy hoạt động và có khả năng sẽ gây thêm áp lực lên ngân hàng trung ương trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ, Reuters và Bloomberg đưa tin.
Một quầy giao dịch ở một ngân hàng tại Hà Nội.
Giá tiêu dùng đã tăng lên 4,44% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, và so với mức 4,4% trong tháng 4, theo dữ liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm thứ Tư. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 1/2023.
Số liệu thống kê cho thấy trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá và một nhóm hàng giảm giá so với năm trước. Trong đó, nhóm giáo dục tăng cao nhất với mức tăng 8,14%, kế đó là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,41%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,19%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,3%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,47%...
Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là những yếu tố chính khiến lạm phát tăng cao trong tháng 5.
Lạm phát tại Việt Nam hiện vẫn ở trên mức 4% trong tháng thứ hai liên tiếp, ngay cả khi đồng nội tệ giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la trong tháng này khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng tỷ lệ mua lại đảo ngược lên 4,5% vào tuần trước, trong một động thái nhằm ổn định tiền đồng và thúc đẩy khả năng ngân hàng này có thể tăng lãi suất chuẩn để hỗ trợ đồng tiền.
Được xem là một trung tâm công nghiệp trong khu vực, những báo cáo về xuất khẩu và sản lượng công nghiệp của Việt Nam cho thấy có sự tăng trưởng mạnh trong tháng, nhưng mức lạm phát gia tăng có thể trở thành mối lo ngại đối với các cơ quan chức năng, theo đánh giá của Reuters.
Dữ liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm thứ Tư cho thấy xuất khẩu ước tính tăng 15,8% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, lên 32,81 tỷ USD, dẫn đầu là các lô hàng điện tử và điện thoại thông minh.
Tổng cục Thống kê cho biết nhập khẩu trong tháng ước tính tăng 29,9% hàng năm lên 33,81 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại một tỷ USD trong tháng 5.
Sản lượng công nghiệp trong tháng tăng 8,9% và doanh số bán lẻ tăng 9,5%, vẫn theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Tiền đồng trong tình trạng căng thẳng dữ dội
Tình trạng không chắc chắn về thời gian và mức độ cắt giảm lãi suất sắp tới của Hoa Kỳ, kết hợp với những diễn biến chính trị gần đây tại Việt Nam, chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ và chính sách tiền tệ hỗ trợ của Việt Nam đang tiếp tục đè nặng lên đồng nội tệ, theo Bloomberg.
Oxford Economics cho biết họ kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chiết khấu ở mức 3% trong thời gian còn lại của năm, nhưng nói thêm rằng "rủi ro chính đối với lãi suất chính sách nằm ở tiền đồng Việt Nam, vốn đã mất giá so với đồng đô la Mỹ ước tính khoảng 4,4% từ đầu năm đến nay", theo Reuters .
Tiền đồng giao dịch ở mức thấp kỷ lục, 25.470 đồng cho một USD vào thứ Sáu tuần trước (24/5), mất gần 5% so với đồng đô la kể từ đầu năm, theo giá từ các ngân hàng do Bloomberg tổng hợp. Thực tế này khiến tiền đồng trở thành một trong những tiền tệ có mức độ giao dịch tồi tệ nhất trong ASEAN.
Nhiều người lo ngại việc tiền đồng mất giá kéo dài có thể làm tăng chi phí nhập khẩu và lạm phát.
Để bảo vệ tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã can thiệp bằng cách bán USD từ nguồn dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất liên ngân hàng thông qua hoạt động thị trường mở.
Khó đạt mục tiêu tăng trưởng
Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6%-6,5% trong năm nay, cao hơn mức tăng trưởng 5,05% vào năm ngoái.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% để giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng, nhưng các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc tăng cho vay trong năm nay.
Truyền thông Việt Nam dẫn nguồn từ Ngân hàng Nhà nước cho biết hôm thứ Ba rằng tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng tính đến ngày 10/5 đã tăng 1,95% so với cuối năm ngoái.
Oxford Economics hôm thứ Tư nói rằng họ dự kiến xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc, nhưng mức tăng GDP có thể sẽ bị hạn chế.
"Chúng tôi dự đoán mức tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ không đạt được mục tiêu 6-6,5%", Reuters dẫn nhận định của Oxford Economics cho biết.
Công ty tư vấn kinh tế này dự đoán GDP của Việt Nam sẽ tăng 5,6% vào năm 2024, thấp hơn xu hướng trước đại dịch là 7% và mục tiêu chính thức.
Dự báo này phù hợp với mức ước tính của Ngân hàng Thế giới là 5,5% và Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 5,8%.
Nguồn : VOA, 30/05/2024
Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) hứa sẽ ngăn chặn lạm phát, đang lên cao nhất từ gần 40 năm nay, một hậu quả của bệnh dịch Covid-19. Giá sinh hoạt lên cao khi người tiêu thụ nhiều tiền quá sau nhiều đợt trợ cấp của chính phủ, trong khi hàng hóa không cung ứng kịp vì bệnh dịch gây trở ngại. Ông Jerome Powell, chủ tịch Fed, đã tăng lãi suất từ sáu tháng nay và sẽ còn tăng thêm nữa, nhắm đưa tỷ lệ lạm phát từ 8,3% xuống 2% mới an tâm. Lãi suất tăng sẽ khiến kinh tế chậm phát triển, có thể đi xuống suy thoái; nhưng mọi người phải chấp nhận vì lạm phát nguy hiểm hơn nhiều.
Khi kinh tế cả thế giới đi xuống, kinh tế Mỹ cũng sẽ bị thiệt hại. Cho nên đồng đô la lên giá không có lợi lâu dài cho nước Mỹ.
Lãi suất tăng khiến đồng Đô la Mỹ lên giá trên thế giới, vì khắp nơi nhiều người muốn mua đô la để cho Mỹ vay. Nước Mỹ vẫn được coi là nơi đầu tư an toàn nhất, vì không lo chính phủ Mỹ phá sản; thị trường tài chánh lại hoạt động mạnh, mua một trái khoán Mỹ muốn bán lúc nào cũng có người sẵn sàng mua. Thị trường Mỹ bây giờ càng đắt khách vì kinh tế các nước khác cũng bị Covid đẩy xuống. Những tiền tệ mạnh nhất, từ đồng euro, đồng bảng Anh, và đồng yen của Nhật Bản đều bị mất giá 15% đến 21% so với mỹ kim. Chính quyền tài chánh các nước từ Ấn Độ, Nhật Bản đến Trung Quốc đã đem mỹ kim dự trữ trong các ngân hàng ra bán, đổi lấy tiền nước mình, để giữ giá tiền tệ ổn định.
Không riêng gì nước Mỹ lâm cảnh lạm phát mà cả thế giới đều bị đe dọa, vì Covid-19 không tha một ai. Khi Mỹ tăng lãi suất thì các nước lớn cũng phải dần dần tăng theo, trừ Nhật Bản còn cầm cự vì mối lo kinh tế suy thoái lớn hơn. Lãi suất cao sẽ khiến kinh tế các nước bị chậm lụt, có thể cùng kéo nhau vào một cuộc suy thoái toàn cầu. Lạm phát ở Châu Âu đã lên 9%, cao hơn ở Mỹ, lại đang lo bị khủng hoảng năng lượng vì giá xăng dầu, khí đốt của Nga tăng giá. Kinh tế Trung Quốc tiến chậm vì chống Covid quá trớn, cũng đang bị khủng hoảng địa ốc vì nhiều người ngưng trả tiền mua nhà, các công ty địa ốc liên tiếp phá sản.
Đô la Mỹ tăng giá tác động trên tỷ lệ lạm phát ở các nước khác vì giá hàng nhập cảng tăng lên. Giao dịch thương mại giữa các nước thường thanh toán với nhau bằng đô la, khoảng 88% các vụ mua bán, theo BIS, Ngân hàng Thanh lý Quốc tế, Bank for International Settlements.
Khi một công ty ở Châu Âu nhập cảng món hàng trị giá 1 đô la Mỹ, trước đây họ chỉ phải trả, thí dụ, 84 xu euro. Khi giá mỹ kim lên ngang bằng đồng euro, công ty nhập cảng phải trả đủ một euro cho cùng món hàng 1 mỹ kim đó. Hàng hóa nhập cảng vào các nước, vì phải thanh toán bằng đô la Mỹ, đều tăng giá khi tính ra tiền bản xứ.
Trong khi đó, hàng nhập cảng vào nước Mỹ sẽ giảm giá, nhờ đô la Mỹ lên cao. Một món hàng mua từ Nhật Bản, giá ¥100 yen, trước đây phải trả 1 đô la Mỹ ; bây giờ khi đồng yen mất giá, người Mỹ chỉ còn phải trả 80 xu thôi. Trong mấy tháng qua, lạm phát ở Mỹ giảm bớt một phần là do giá hàng nhập cảng hạ thấp, nhờ giá trị đồng đô la cao hơn. Nạn lạm phát ở Mỹ đã được xuất cảng qua các nước khác, vì đô la Mỹ lên cao.
Nước Mỹ có thể hưởng lợi nếu giữ giá trị đồng đô la cao mãi như vầy được không ? Không chắc, vì các nước nhập cảng hàng từ nước Mỹ, khi trả bằng đô la, sẽ thấy giá quá đắt so với hàng hóa các nước cạnh tranh với Mỹ. Nếu đô la Mỹ lên giá, trong khi giá đồng euro không thay đổi so với đồng yen, thì người Nhật mua món hàng từ Châu Âu sẽ thấy rẻ hơn. Hầu hết các quốc gia đều không muốn đồng tiền của họ tăng giá, gây khó khăn cho hàng xuất cảng.
Nhưng lý do quan trọng hơn khiến Mỹ không thể giữ giá đô la lên cao mãi là vì ảnh hưởng trên kinh tế toàn cầu. Các quốc gia đi vay nợ ở nước ngoài bị khốn khổ nhất. Họ thường vay và trả nợ bằng mỹ kim. Họ vay đô la trước đây, bây giờ muốn trả tiền lãi và vốn sẽ sẽ phải mua đô la với giá đắt hơn. Thí dụ, vay 100 USD vào năm 2019, tương đương với 1.000 đồng tiền nước họ, nay muốn trả lại 100 đô la họ phải mua bằng 1.200 đồng bản xứ.
Ai làm ăn cách nào để được lời 20% trong ba năm như vậy ?
Đồng đô la lên giá khiến nhiều người muốn đầu tư bằng đô la hơn ; thí dụ được trả lãi suất 3% một năm nhưng còn được lời thêm vì đồng đô la tăng giá. Trong năm nay đô la tăng giá 18% thì người mua đô la để đầu tư cũng được lợi thêm 18% ! Nhiều quốc gia sẽ phải ngăn chặn không cho đồng tiền nước mình mất giá, họ sẽ ra lệnh kiểm soát các dòng vốn đầu tư. Khi tiền tệ bị kiểm soát, không tự do lưu hành, thì kinh tế mỗi quốc gia và cả thế giới bị trì trệ. Kinh tế trì trệ có thể gây bất ổn về chính trị trong nhiều nước, và dễ khiến các nước xung đột với nhau hơn, ảnh hưởng tai hại càng tăng lên.
Khi kinh tế cả thế giới đi xuống, kinh tế Mỹ cũng sẽ bị thiệt hại. Cho nên đồng đô la lên giá không có lợi lâu dài cho nước Mỹ.
Tuy nhiên, đối với Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, ưu tiên số một bây giờ vẫn là ngăn chặn lạm phát ; lạm phát nguy hiểm hơn kinh tế suy thoái. Cho nên ông Jerome Powell sẽ còn tăng lãi suất ở Mỹ. Lãi suất cao thì còn thu hút tiền đầu tư bên ngoài đổ vào, khiến đồng mỹ kim tiếp tục giữ giá cao. Ông Powell cho biết sẽ tăng lãi suất đến khi nào thấy dấu hiệu áp lực lạm phát giảm bớt rõ ràng. Có lẽ phải chờ đến sau năm 2023 mới thấy những dấu hiệu đó!
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 10/10/2022
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng : đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu là biện pháp hàng đầu thực hiện kiềm chế lạm phát- Ảnh : Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Người đứng đầu Bộ Tài chính tính toán huy động khoảng 180.000 tỷ qua phương án phát hành trái phiếu Chính phủ và công trái ngoại tệ để huy động 180.000 tỷ tiền trong dân trong hai năm, theo đó mỗi năm bội chi ngân sách tăng khoảng 1%.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, nếu tính theo GDP cũ, nợ công năm 2021 là 56,8%, vẫn dưới trần 60% nhưng đã vượt ngưỡng cảnh báo 55%. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề cần cân nhắc. Dư nợ Chính phủ tính theo GDP cũ là 51,5%, còn theo GDP đánh giá lại là 40,5%.
"Chúng tôi ủng hộ các gói kích cầu để phát triển kinh tế, nhưng các gói này phải có hiệu quả để tăng thu ngân sách, giữ được bội chi ngân sách. Năm 2022, 2023 tăng bội chi nhưng các năm tiếp theo phải giảm và giúp nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững", ông Phớc nói thêm, khoản tiền khác cho gói hỗ trợ mà không làm tăng nợ công hay bội chi ngân sách, đó là nguồn đầu tư chưa phân bổ giai đoạn 2021 – 2025.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bộ ngành cần nghiên cứu tăng quy mô gói kích thích kinh tế. Bởi, theo ông Phúc, thực tế gói kích thích kinh tế ở Việt Nam còn nhỏ, mới chi 1,7% GDP, thấp hơn so với các nước trong khu vực, như Philippines là 2,7%, Trung Quốc là 4,8%.
Việt Nam không nhất thiết phải thiết kế gói hỗ trợ cao giống như một số nước, nhưng đúng là vẫn còn dư địa để tăng thêm quy mô.
Thế nhưng với hệ lụy lạm phát từ gói kích thích kinh tế hai năm 2008 – 2009 ở thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đến nay "hơn 10 năm chưa quyết toán xong".
Theo phân tích của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, gói kích thích 2008 – 2009 chủ yếu tập trung vào phát triển kinh doanh và xuất khẩu, kích cầu đầu tư tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội với quy mô 122.000 tỷ đồng (6,9 tỷ USD). Trong đó, riêng năm 2009, dành 106.600 tỷ đồng (5,7 tỷ USD), tương đương 5,6% GDP lúc đó để kích cầu kinh tế.
Gói kích thích này giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng và trở thành một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương, lần lượt là 5,7% và 5,4% trong năm 2008 và 2009.
Gói kích thích hơn chục tỷ USD khi đó "chủ yếu tập trung vào nguồn cung mà không hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ lãi suất lớn nhưng thiếu đồng bộ với các chính sách về tiền tệ và tài khóa khác, làm giảm hiệu quả dẫn tới trục lợi chính sách", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận xét.
Ông Nguyễn Chí Dũng từng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 8 năm 2008 đến tháng 4 năm 2009, nên ông am tường về hậu trường của các giải ngân từ gói kích thích kinh tế ở hai năm 2008 – 2009. Ông cho biết khi ấy về tình trạng vay vốn rẻ để gửi ngân hàng và hưởng chênh lệch lãi suất, hoặc chảy vào thị trường chứng khoán, bất động sản chứ không chảy vào sản xuất.
Về ảnh hưởng vĩ mô, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết gói kích thích dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khiến lạm phát tăng cao, năm 2010 và 2011 lần lượt là 9,2% và 18,6%. Đầu tư dàn trải gây nợ đọng lãng phí, đình hoãn, nhiều dự án dừng vào năm 2011 đến nay chưa giải quyết được hậu quả. Ông cũng cho biết một số chương trình hỗ trợ lãi suất đến nay chưa quyết toán được, gây hệ lụy lớn.
Bộ trưởng đánh giá gói kích thích này khi đó được triển khai thiếu đồng bộ với các chính sách tài khóa và tiền tệ, công tác quản lý giám sát thiếu chặt chẽ, thực hiện trên nền vĩ mô thiếu ổn định, chính sách hỗ trợ chưa sát thực tiễn, điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp chưa công khai, minh bạch.
"Bây giờ chúng ta giải ngân đầu tư công còn chưa hết, vậy sắp tới có một cái gói kích cầu đầu tư thì phải làm sao giải ngân kịp trong năm 2022 – 2023. Đây là một thách thức đang đặt ra. Nếu chúng ta xây dựng một chương trình đầu tư như vậy mà công tác chuẩn bị, công tác giải phóng mặt bằng, công tác giải ngân như vừa qua thì không thể nào hấp thụ được. Có khi còn kéo dài đến 5-10 năm sau…" – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảnh báo.
Tất cả khuyến cáo ở trên là những thách thức không dễ vượt qua đối với Thủ tướng đương nhiệm – một người chưa từng trải qua nhiệm kỳ nào trên cương vị phó thủ tướng như tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc.
Hồng Dân
Nguồn : VNTB, 16/11/2021
Hàng trăm triệu người Mỹ sắp nhìn thấy trương mục ngân hàng tăng thêm 1.400 USD cho mỗi người. Người thất nghiệp sẽ tiếp tục được trợ cấp thêm. Chính quyền các địa phương sẽ có thêm 300 triệu USD. Đa số sẽ đem tiền ra tiêu, theo kinh nghiệm hai đợt cứu trợ trước. Không mấy ai để ý đến hậu quả khi số tiền này chạy qua các cửa hàng, tiệm ăn, trạm xăng vân vân. Nhiều tiền quá vật giá sẽ leo thang !
Số tiền khổng lồ 1.900 tỷ đô la không chạy đuổi nhau trong nước Mỹ mà còn tràn ra khắp thế giới vì Mỹ nhập cảng rất nhiều hàng hóa. Một số sẽ sang Trung Quốc.
Những người chỉ trích chương trình 1.900 tỷ đô la cứu cấp Covid-19 nêu lên mối lo lạm phát. Các quan chức trong chính phủ Bắc Kinh lo ảnh hưởng xấu trên nền kinh tế Trung Quốc cũng đồng ý. Trong thế giới bây giờ tiền lưu chuyển khá dễ dàng. Những người được cứu trợ cũng để tiền trong ngân hàng. Khi họ mua quần áo hay du lịch thì cửa hàng hoặc khách sạn cũng gửi trong ngân hàng. Chỉ cần mỗi người click một cái trên máy vi tính, các ngân hàng Mỹ thêm tiền ký thác, không cần chính phủ in những đồng tiền mới.
Khi khách sạn hay cửa hàng mua đồ nhâp cảng, tiền của họ trong các ngân hàng được chuyển qua trương mục các công ty nhâp cảng ở Mỹ, rồi đi thẳng ra nước ngoài, ghi thêm vào trương mục của các nhà xuất cảng cung cấp hàng, tại ngân hàng nước họ. Những đồng đô la không bao giờ nằm yên một chỗ vì nó chay qua chạy lại là sẽ đẻ ra tiền !
Số tiền khổng lồ 1.900 tỷ USD không chạy đuổi nhau trong nước Mỹ mà còn tràn ra khắp thế giới vì Mỹ nhập cảng rất nhiều hàng hóa. Một số sẽ sang Trung Quốc.
Mới nghĩ, có thể tưởng rằng người Trung Quốc sẽ được lợi, vì xuất cảng được nhiều thứ hơn. Nhưng đời sống kinh tế không đơn giản như vậy. Tiền Mỹ chạy qua các nước khác cũng kích thích kinh tế, nghĩa là rất nhiều thứ nguyên liệu như quặng mỏ, nhiên liệu như xăng dầu cũng tăng giá. Những thứ đó, Trung Quốc phải nhập cảng rất nhiều ! Các nhóm đầu tư có thêm tiền sẽ vô Trung Quốc kiếm cơ hội. Nhiều tiền quá sẽ gây lạm phát !
Mà Trung Quốc đang phải lo lạm phát rồi. Chỉ số giá hàng "xuất xưởng", tức là giá trả cho nhà sản xuất, (PPI - producer price index), đã tăng lên bất ngờ 1,7% trong tháng Hai, so với năm 2020. PPI có thể sẽ tăng 3% trong tháng Ba và tới giữa năm sẽ lên 5,8%. Các nhà kinh tế thuộc viện Nomura giải thích lý do chính là giá các quặng mỏ lên cao.
Trong mấy tháng qua, trước viễn ảnh kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục khi Covid-19 lui dần, giá dầu thô đã tăng, quặng đồng và các món kim loại cũng tăng, các xí nghiệp Trung Quốc phải trả nhiều tiền hơn khi nhập cảng. Họ phải tăng giá hàng xuất xưởng. Một dấu hiệu cho thấy mối lo lạm phát ở Trung Quốc đang tăng lên, là cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán tụt giá.
Ông Hoàng Kỳ Phàm (Huang Qifan, 黄奇帆) cựu thị trưởng Trùng Khánh, đang làm cố vấn cho Tập Cận Bình, hôm Thứ Hai vừa rồi mới nêu lên sự kiện Chỉ số Thị trường Thượng Hải mất 8% giá trị trong ba tuần lễ ; để công kích chính sách của ông Joe Biden. Ông nói rằng kế hoạch in thêm 1.900 tỷ đô la của chính phủ Mỹ là một "cơn lũ lụt dữ dội !". Lụt tiền. Ông Phàm cũng mô tả nó là một "con thú hoang dã". Cho tới nay, ông tổng kết, trước sau chính phủ Mỹ đã đổ ra 7 ngàn tỷ đô la để cứu nền kinh tế bị vi khuẩn tấn công !
Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) tỏ ra không lo lắng. Fed tiếp tục in thêm tiền ra mua các trái khoán, mỗi tháng mua 80 tỷ công trái chính phủ Mỹ và 40 tỷ USD mua các trái khoán địa ốc. Ông chủ tịch Jay Powell nói sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức zero trong năm tới. Vì ông tiên đoán phải mất mấy năm kinh tế Mỹ mới hoạt động lại bằng mức trước khi có bệnh dịch. Bà Janet Yellen, bộ trưởng tài chánh mới đồng ý.
Nhưng ở bên Trung Quốc người ta lo nhiều hơn. Giá hàng lên cao ngay khi ra khỏi xưởng sản xuất thì các công ty bán sỉ rồi tới cửa hàng bán lẻ cũng tăng giá. Muốn ngăn ngừa lạm phát, Bắc Kinh sẽ phải kìm hãm việc chi tiêu, tức là ép cho kinh tế không phát triển nhanh như họ mong muốn !
Cho nên Bắc Kinh sẽ phải giảm bớt chương trình trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước để đề phòng lạm phát. Ngân Hàng Trung Ương có thể sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay, như họ đã báo trước. Lo ngăn lạm phát trong lúc kinh tế chưa thật sự hồi phục trở lại bằng năm 2019, đó là một quyết định bất đắc dĩ.
Chính sách này có thể đưa tới tình trạng kinh tế Trung Quốc phải chịu hai thứ tai nạn cùng một lúc : Vừa lo giảm bớt hoạt động vừa lo lạm phát (stagflation). Hiện tượng này đã bắt đầu diễn ra. Trong tháng Hai, 2021, trong khi Chỉ số giá hàng xuất xưởng PPI tăng thì Chỉ số PMI, cho thấy hoạt động của các nhà sản xuất lại giảm bớt, vì giá nguyên liệu lên cao.
Nhiều người Trung Hoa ở hải ngoại dư dả đem đô la về cố quốc còn tạo thêm một mối lo khác là giá địa ốc lại lên cao, một quả bong bóng phồng lên rất nguy hiểm ; tuy chưa đến nỗi bất trị.
Nhưng muốn có 1.900 tỷ đô la đem phát, chính phủ Mỹ sẽ phải vay nợ. Bộ Tài chánh sẽ phát hành công trái. Thường người ta vẫn lo khi chính phủ vay nợ nhiều quá, sợ sau này không có tiền trả hoặc bắt thế hệ sau phải trả nợ. Ở Mỹ, mối lo đó không đáng kể. Lý do thứ nhất là hầu hết các chủ nợ, những người mua công trái Mỹ (US Treasury securities) là dân trong nước Mỹ chứ không phải người nước ngoài. Chính phủ Nhật đã sống được mấy chục năm nay bằng cách tăng số nợ liên tục, nhưng đại đa số là do dân Nhật cho vay. Chỉ khi nào một chính phủ đi vay người ngoại quốc quá nhiều thì mới đáng lo. Vì lúc đi vay nhận đô la, muốn có tiền trả nợ phải đi mua đô la Mỹ.
Nước Mỹ còn một lợi thế hơn Nhật Bản, là đồng đô la Mỹ được tất cả thế giới chuộng. Nếu chính phủ Mỹ nợ nhiều quá, họ chờ đồng đô la xuống giá thì món tiền họ nợ tự nhiên giảm bớt, việc trả nợ dễ dàng hơn ! Trong vị thế đó, nước Mỹ có một cách "trốn nợ" là gây ra lạm phát, đồng đô la sẽ xuống giá.
Giá trị của đô la Mỹ phải giảm bớt sau khi đổ vào thế giới một số tiền khổng lồ, 7 ngàn tỷ đô la trong nửa năm, như ông Hoàng Kỳ Phàm tố cáo. Trước đó, đồng đô la đã bị áp lực đẩy xuống vì ngân sách chính phủ Mỹ khiếm hụt, số khiếm hụt đã lên mức kỷ lục trước khi loài vi khuẩn đến nước Mỹ. Tới cuối năm 2020, khiếm hụt ngân sách lên hơn 3 ngàn tỷ USD, tổng số nợ của chính phủ Mỹ đã lên gần 28 ngàn tỷ mỹ kim.
Ông Hoàng Kỳ Phàm nói thẳng : "Trên đường lâu dài, đô la Mỹ xuống giá đe dọa kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc".
Bắc Kinh lưu giữ gần ba ngàn tỷ đô la Mỹ, trong đó hơn một ngàn tỷ nằm trong công trái của chính phủ Mỹ mà họ vẫn mua thêm thường xuyên. Tháng trước, giá các công trái Mỹ đi xuống, khoảng nửa phần trăm, Trung Quốc mất tiền, dù không mua bán gì. Mất nửa phần trăm của một ngàn tỷ đô la cũng là mất tiền ! Nếu giá trị của đồng đô la lại xuống thêm 1%, thì ba ngàn tỷ ngoại tệ dự trữ bị cứa mất 30 tỷ ! Ông Hoàng Kỳ Phàm có thể coi số mất mát đó không đáng kể, so với cả nền kinh tế Trung Quốc. Mối lo lớn hơn của ông là cảnh "stagflation", vừa lạm phát, vừa trì trệ.
Còn về tương lai kinh tế Mỹ, các dự đoán tư nhân đều lạc quan. Bình thường, kinh tế gia tăng trên 2 phần trăm một năm đã là khó. Nhưng sau khi bị đè xuống quá sâu vì Covid, khi hồi phục sẽ có sức đẩy lên mạnh hơn. Công ty Bloomberg thăm dò các nhà kinh tế thấy họ đoán Tổng Sản Lượng Nội Địa sẽ tăng 5.5 phần trăm trong năm nay. Ngân hàng Goldman Sachs đoán sẽ lên tới 8%. Báo Wall Street Journal dự đoán 6%. Một ngân hàng Trung Quốc, China International Capital Corporation, tiên đoán kinh tế Mỹ năm 2021 sẽ tăng 6.2 phần trăm.
Còn lạm phát thì sao ?
Trong cùng ngày Thứ Hai, khi ông Hoàng Kỳ Phàm đả kích "con thú hoang dã" do Mỹ đẩy ra cho thế giới cùng chịu, bà bộ trưởng Tài chánh Janet Yellen đã lạnh lùng bác bỏ mối lo lạm phát. Bà nhắc lại, trong hàng chục năm qua Mỹ phải chịu đựng mức lạm phát quá thấp chứ không phải quá cao. Bà vẫn trấn an : Bao giờ thấy lạm phát lên cao, chúng ta có các món võ để trị nó. Bà đã từng làm chủ tịch Fed, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ trước ông Powell, miệng bà nói có gang có thép.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 17/03/2021
Từ 1970 Việt Nam Cộng Hòa dùng lạm phát để hỗ trợ tài chính công
Cuộc chiến Việt Nam được nói đến rất nhiều từ góc độ quân sự và chính trị, nhưng có rất ít công trình được công bố về nền kinh tế của miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa) trước 1975.
Dòng giao thông ở bùng binh Diên Hồng, Sài Gòn, 1970
Bạn đọc ngày nay có thể hỏi vì sao kinh tế Việt Nam Cộng Hòa tồn tại khá vững giữa cuộc xung đột kéo dài từ 1955, nhất là với sự hiện diện của hơn nửa triệu quân Mỹ kể từ năm 1965, cho đến ngày sụp đổ với chiến thắng của miền Bắc vào tháng 4/1975.
Bài học quá khứ chỉ ra là trong khung cảnh ngắn ngủi của hai thập niên 1955-1975, với một nền dân chủ pháp trị còn phôi thai của Việt Nam Cộng Hòa, quốc gia nhỏ bé với 20 triệu dân miền Nam VN đã có được một giới chuyên gia kỹ trị biết dùng các chính sách kinh tế vĩ mô hiện đại để tạo dựng một nền kinh tế nông nghiệp trù phú trong thời gian đầu của Đệ Nhất Cộng hòa (1955-1963), rồi nền kinh tế Đệ Nhị Cộng hòa tương đối ổn định trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt (1965-1975).
Trong bài này chúng tôi xin chỉ tập trung vào các khía cạnh quan trọng của xã hội và nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa (1965-1975) để hiểu rõ hơn về hoạch định chính sách kinh tế trong thời chiến và ở một nước nghèo đang phát triển.
Tôi xin nêu ra bốn bước ngoặt trong giai đoạn này :
1. Năm 1955 là năm chấm dứt nền chính trị miền Nam VN dưới thời Cựu Hoàng Bảo Đại và thiết lập Đệ Nhất Cộng hòa với Tổng thống Ngô Đình Diệm, người sau này đã mất trong cuộc chính biến tại Sài Gòn ngày 2/11/1963
2. Nền Đệ Nhị Cộng hòa bắt đầu từ đó cho tới tháng 4/1975. Nhưng với bước ngoặt vào 1960, năm Đảng cộng sản Việt Nam cho lập Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam.
3. Bước ngoặt thứ ba vào năm 1965, năm quân đội Hoa Kỳ bắt đầu ồ ạt đổ vào miền Nam Việt Nam và là năm bắt đầu một thời kỳ mới với chiến sự quy mô lớn.
4. Năm 1972, một năm trước khi Hiệp định Hòa bình Paris đạt được vào tháng 1/1973, đánh dấu Hoa Kỳ rút quân hoàn toàn ; sau đó là lúc Việt Nam Cộng Hòa bị tấn công và sụp đổ vào tháng 4/1975.
Như các bạn đã thấy, nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa trải qua hai giai đoạn khác biệt tương ứng với hai thời kỳ khác nhau trong cuộc chiến tranh vừa qua : thời kỳ 1955-1964 với sự ổn định giá cả tương đối và đôi chút tăng trưởng kinh tế, trong khi thời kỳ 1965-1975 khác hẳn với lạm phát cao và đình trệ tăng trưởng.
Chúng ta sẽ chú ý nhiều hơn giai đoạn thứ hai với các chính sách kinh tế vĩ mô tương đối thành công của Việt Nam Cộng Hòa.
Việt Nam Cộng Hòa đã tài trợ nền tài chính công ra sao ?
Vấn đề cơ bản của nền kinh tế thời chiến miền Nam Việt Nam là việc tài trợ thâm hụt ngân sách của chính phủ trong các năm 1965-1975, đã liên tục tăng nhanh do chi tiêu quân sự, mặc dù một phần thâm hụt này được chi trả bởi viện trợ của Hoa Kỳ, phần tài trợ còn lại đến từ "các khoản tạm ứng" của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam dành cho ngân sách trung ương.
Đường phố Sài Gòn 3/1962
Nguồn cung tiền tệ để tài trợ ngân sách là nguyên do chính gây lạm phát trong giai đoạn này. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là lạm phát ở miền Nam Việt Nam đã không biến thành siêu lạm phát ("hyperinflation"), như sẽ bàn ở phần dưới.
Chúng ta thử đi sâu vào các vấn đề sau như bài học kinh tế trong thời chiến Việt Nam :
Hệ thống thuế yếu kém gây ra thâm hụt
Hiện tượng phải dùng lạm phát là kết quả của một hệ thống tài khóa yếu kém, phổ biến ở các nước đang phát triển nhưng cũng do điều kiện chiến tranh ở Nam Việt Nam.
Đặc điểm nổi bật là sự đình trệ của sản xuất trong nước, do chiến sự đã hạn chế nghiêm trọng nỗ lực phát triển của đất nước và huy động phần quan trọng của lực lượng lao động vào lực lượng vũ trang.
Hơn nữa, việc thiếu an ninh đã thu hẹp cơ sở thuế. Vì nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là nông nghiệp với 70% dân số làm nghề nông, nhưng đóng góp của ngành này vào tổng doanh thu thuế lại không đáng kể. Điều này được gây ra do có một hệ thống thuế kép ở nông thôn nơi nhân viên chính phủ và viên chức cộng sản cạnh tranh thu thuế.
Do đó, hầu hết các khoản thu của chính phủ đến từ các loại thuế gián tiếp, đặc biệt là thuế đối với hàng nhập khẩu (phụ thuộc nhiều vào viện trợ của Hoa Kỳ).
Do đó, các khoản thu của chính phủ bị hạn chế trong khi các khoản chi tiêu ngày càng tăng. Khả năng vay mượn từ công chúng là ít ỏi. Vì vậy, việc cân bằng thâm hụt tài chính bằng cách in tiền gây lạm phát dường như là không thể tránh khỏi.
Tài trợ thâm hụt ra sao ?
Tài trợ thâm hụt ngân sách của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là một nguồn gia tăng tiền tệ chính. Một nguồn khác là việc Ngân hàng bán tiền nội địa cho nhân viên quân sự và dân sự Hoa Kỳ. Hai nguồn này làm tăng cung tiền và là động lực của lạm phát.
Trong khi mối quan hệ dài hạn giữa tiền và giá cả là tất yếu, áp lực cầu lại tăng thêm bởi các yếu tố ngắn hạn như chi phí nhập khẩu tăng và tiền lương. Cái trước liên quan chủ yếu đến sự phá giá liên tục của tiền "Đồng" và cái sau là do hành động của chính phủ để bảo vệ mức lương của công chức và nhất là giới quân nhân.
Trong suốt thời kỳ, tài chính lạm phát đã tài trợ thành công thâm hụt ngân sách.
Tại sao Việt Nam Cộng Hòa tránh được siêu lạm phát ?
Kinh tế học gọi lạm phát trên mức 50% một tháng (hay 600% một năm) là siêu lạm phát (thí dụ như ở Liên Xô sau cách mạng trong thời gian 1917-1924, hay ở Brazil năm 1991).
Sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ ở miền Nam Việt Nam đã tránh được và không có siêu lạm phát. Có ba giải thích chính :
1. Viện trợ của Hoa Kỳ giúp chương trình nhập khẩu ồ ạt
Đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc ngăn chặn nền kinh tế Nam Việt Nam đi vào siêu lạm phát. Nhập khẩu chủ yếu được tài trợ bởi viện trợ của Hoa Kỳ làm tăng đáng kể khối hàng hóa và dịch vụ tiêu thụ, mặc dù sản xuất trong nước chậm chạp. Sự đóng góp của các nguồn lực bên ngoài được ước tính là bằng gần một nửa tổng sản phẩm quốc gia của Việt Nam Cộng Hòa trong thời gian 1965-72.
Ngoài ra, hỗ trợ kinh tế của Hoa Kỳ phục vụ chức năng quan trọng thứ hai, đó là, hỗ trợ ngân sách Nam Việt Nam thông qua số tiền thu được từ Quỹ đối tác, đến từ việc bán hàng nhập khẩu do viện trợ Mỹ và thuế nhập khẩu. Tổng cộng, thuế trên viện trợ Mỹ được ước tính đã chi trả khoảng một nửa chi tiêu của chính phủ Nam Việt Nam trong cùng thời gian này.
Vai trò quan trọng của chương trình nhập khẩu cũng đưa ra lời giải thích cho một số khác biệt giữa các trường hợp của Nam Việt Nam (1965-72) và Hàn Quốc (1951-53), dù cũng cùng điều kiện tương tự về thời chiến, cũng phân chia hai quốc gia trong cùng một nước và sự can thiệp quy mô lớn của quân đội nước ngoài. Thật vậy, tận dụng chương trình nhập khẩu lớn từ Hoa Kỳ, Nam Việt Nam đã có thể kiềm chế lạm phát ở mức tương đối vừa phải. Ngược lại, do chỉ có nhập khẩu hạn chế, Hàn Quốc đã trải qua kinh nghiệm siêu lạm phát nghiêm trọng hơn.
2. Tính chất tâm lý thời chiến đặc biệt của vận tốc lưu chuyển khối tiền tệ
Một quan sát thú vị khác là do một số điều kiện đặc biệt tồn tại trong bối cảnh Việt Nam thời chiến, "kỳ vọng lý thuyết về lạm phát tiếp tục" dường như không trở nên phổ biến. Do đó, chúng không dẫn đến siêu lạm phát như trong một số trường hợp của Liên Xô, Brazil và Argentine.
Mặc dù sự gia tăng của lạm phát trong giai đoạn 1965-75 đã khiến giá vàng và tỷ giá chợ đen của đồng đô la Mỹ tăng nhanh, không có sự hoảng loạn nào xảy ra cho tiền Đồng.
Vận tốc tiền tệ ("velocity of money") tương đối ổn định là điều đáng ngạc nhiên, mặc dù tỷ lệ lạm phát khá cao của Nam Việt Nam trong những năm đó. Lời giải thích là nhu cầu giữ thanh khoản ở miền Nam Việt Nam.
Thật vậy, nhu cầu giữ tiền mặt bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các nhu cầu giao dịch và phòng hờ chạy loạn hơn là động cơ đầu cơ (lo đồng tiền mất giá vì lạm phát cao).
Do cuộc di tản của hàng triệu người tị nạn chiến tranh từ vùng nông thôn đến các trung tâm đô thị, tâm lý yêu chuộng thanh khoản tăng cao, vì người ta có thể mang theo tiền mặt dễ dàng hơn khi bị buộc phải chạy trốn khỏi vùng chiến nông thôn.
Một lời giải thích khác cho sự ổn định tương đối của vận tốc tiền tệ có lẽ là do niềm tin vào sự hỗ trợ của đồng minh Hoa Kỳ từ phía người dân Nam Việt Nam trong những năm sau 1965, qua việc thấy đổ bộ quân Mỹ ồ ạt vào Đà Nẵng.
3. Tác động của chương trình cải cách kinh tế qui mô năm 1970
Nhưng đáng kể hơn nữa, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã thực hiện một loạt các biện pháp ổn định kinh tế vào đầu năm 1970, giúp kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh nỗ lực tăng thu ngân sách thông qua việc cải tiến hệ thống thu thuế, các chính sách cải cách đáng kể đã được ban hành trong lĩnh vực lãi suất, tỷ giá hối đoái, tự do hóa thương mại và kiểm soát trao đổi như sau :
- Cải cách lãi suất : Ngân hàng Trung ương đã tăng trần lãi suất tiền gửi từ 4% lên 12% trong đợt cải cách vào tháng 3/1970 ; sau đó, đã được đưa lên tới 24% vào tháng 5/1972. Kết quả là, thời gian và tiền gửi tiết kiệm vào các ngân hàng thương mại tăng nhanh, góp phần đáng kể thu hút bớt thanh khoản dư thừa.
- Chính sách tỷ giá hối đoái : Với sự hỗ trợ đến từ viện trợ Hoa Kỳ và chương trình nhập khẩu, Chính phủ Nam Việt Nam cũng đã tăng các khoản thu quan trọng từ việc lấy khoản chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái được áp dụng cho các giao dịch mua đô la bằng tiền Đồng từ nhân viên Mỹ và bán lại cho các nhà nhập khẩu địa phương.
Vì hoàn cảnh chiến tranh nên sản xuất yếu kém, xuất khẩu rất khiêm nhượng căn bản là cao su, trà, hải sản, và lông vịt chỉ trị giá khoảng $20 triệu một năm (bằng 2% - 3% nhập khẩu).
Vì ngoại tệ quá khan hiếm nên Chính phủ Việt Nam phải áp dụng chính sách tỷ giá đa phương (multiple exchange rates) với nhiều tỷ giá cùng một lúc : tỷ giá chính thức, tỷ giá tự do (hay "chợ đen"), và tỷ giá ưu đãi.
Sự cách biệt giữa tỷ giá chính thức là 118 Đồng/một đôla (1966-1970) và tỷ giá "chợ đen" (thay đổi hằng ngày, từ 200 tới trên 400 Đồng/một đôla) như vậy là rất lớn, gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế.
Nhưng từ cuối năm 1970, Chính phủ qua Ngân hàng Quốc gia đã ra tay để thu hẹp khoảng cách, thực tế là phá giá Đồng Việt Nam : từ 118 Đồng đến 275 Đồng/một đôla. Rồi từ cuối 1971 tới 1972, phá giá thêm nữa : một đôla "ăn" 410 Đồng, rồi 465 Đồng.
Thế là từ 1971, tỷ giá được tương đối ổn định, biến chuyển của cả hai tỷ giá tự do và chợ đen khá gần nhau. Tới lúc khó khăn nhất là Mùa Xuân 1975 thì tỷ giá chính thức là 700 Đồng/một đôla, tỷ giá chợ đen cũng chỉ vào khoảng dưới 1.000 Đồng.
- Tự do hóa thương mại : Những thay đổi này đã rút ngắn danh sách hàng nhập khẩu bị cấm, bãi bỏ hệ thống thuế quan cũ và thay thế bằng cách phân loại đơn giản các mặt hàng nhập khẩu và thuế suất, làm giảm trốn thuế cũng như các vấn đề về thủ tục hành chính ("red tape") và tham nhũng. Những biện pháp này có xu hướng tăng cạnh tranh giữa các nhà nhập khẩu. Mặc dù đến muộn, các biện pháp này đều theo hướng cần thiết của cuộc cải cách chính sách lớn năm 1970, kéo dài hiệu quả cho đến năm 1975.
Nhìn chung, mặc dù lạm phát đã là hậu quả tất nhiên của việc phát hành tiền tệ do tình thế dạo đó chứ không phải là mục tiêu chính sách cố ý ("inflation targeting") như trong lý thuyết hiện đại, nó mặc nhiên trở thành công cụ tài trợ tài chính công duy nhất của Việt Nam Cộng Hòa, để chuyển các nguồn lực từ sử dụng tư nhân sang khu vực chính phủ.
Tuy nhiên, việc sử dụng tài chính lạm phát ("inflationary finance") cũng bị hạn chế bởi một cân nhắc rất quan trọng : lạm phát phải được kiềm chế để khỏi trở thành "siêu lạm phát". Nếu không, sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ sẽ là một thảm họa trong bối cảnh chính trị của miền Nam VN lúc bấy giờ.
Sau hết, mặc dù lạm phát là không thể tránh khỏi trong những năm đầu của cuộc chiến leo thang, nhưng Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã không có hành động khác kịp thời cho đến năm 1970, lúc phải hành động quyết liệt hơn với những biện pháp ổn định do nhu cầu tình thế để hỗ trợ cho chương trình Việt Nam hóa chiến tranh ("Vietnamization") từ 1970, trước việc rút quân của quân đội Hoa Kỳ vào cuối năm 1972 và ký Hiệp ước đình chiến Paris vào tháng 1/1973.
Đáng kể lại nhất là biện pháp phá giá mạnh đã giúp ổn định tỷ giá, giảm bớt nhu cầu nhập cảng đáng kể - từ $853 triệu một năm (1969) xuống mức trung bình $667 triệu hàng năm (1971-1972).
Trong hai năm này, quân đội Mỹ, Đại Hàn, Úc, New Zealand đã rút đi gần hết : khi binh lính đồng minh rút đi thì chi tiêu của họ cũng giảm theo ; việc phá giá nặng như vậy là không thể tránh khỏi nhưng nó là một hành động can đảm vì đã gây ra lạm phát rất cao, làm cho đời sống trở nên hết sức khó khăn.
Thế nhưng cần phải thừa nhận rằng người dân miền Nam VN đã rất kiên cường, chấp nhận những khó khăn khôn lường ở hậu phương để hỗ trợ tiền tuyến.
Dĩ nhiên là do có tự do báo chí, cả vài chục tờ báo ở Sài Gòn tuy chỉ trích mạnh bạo chính phủ lúc đó nhưng đã không bị trừng phạt : đó cũng là chút dấu vết khác của một thời dân chủ pháp trị mà Việt Nam Cộng Hòa đã ghi lại được.
Phạm Đỗ Chí
Nguồn : BBC, 04/01/2021
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí cám ơn góp ý và tài liệu của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng cho bài viết.
Sân chơi EVFTA : cần tương thích pháp luật về kinh doanh (VNTB, 02/07/2020)
Thầy giáo Ngô Huy Cương, khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng Việt Nam rất cần xem lại nền tảng pháp lý, sao cho để phù hợp cả với ‘đại bàng’ lẫn ‘chim sẻ’ cùng chung sống tử tế khi ‘kiếm miếng ăn’.
Trước hết, theo diễn giải của thầy giáo Ngô Huy Cương, các đạo luật về phá sản của Việt Nam thường được xem là bị phá sản ngay trong quá trình soạn thảo, và thông qua.
Luật Phá sản năm 2014 để tòa án xen nhiều lợi ích cục bộ vào đó. Chẳng hạn đạo luật này giúp quy định vai trò của quản tài viên như một cánh tay nối dài của thẩm phán, không đúng với vai trò thật của chế định này. Từ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của quản tài viên, quản lý quản tài viên đều có vấn đề do lợi ích cục bộ. Cơ quan thi hành án được giao những quyền hạn do vị nể nên thiếu chính xác, can thiệp quá sâu vào quy trình phá sản…
Giải quyết tranh chấp ngoài tòa án được xem là rất phù hợp với tâm lý "vô phúc đáo tụng đình" của người Việt. Nhưng trên thực tế thì đó là câu chuyện ‘xưa rồi Diễm’. Ở Việt Nam hiện nay giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại ngoài tòa án không được ưa chuộng. Hiện tượng này xảy ra có mấy lý do sau đây :
Thứ nhất, vấn đề giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại ngoài tòa án thiếu nền tảng pháp lý nghiêm trọng. Ví dụ : Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định nào về hợp đồng điều đình, do đó nền tảng pháp lý quan trọng cho thương lượng thành và hòa giải thành bị thiếu. Các Bộ luật Dân sự nào của các nước, và dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa đều có quy định về hợp đồng điều đình, hay dàn xếp.
Thứ hai, các đạo luật như Luật Thương mại, Luật Đầu tư đều đi theo chiều hướng áp đặt các hình thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, không chú ý tới quyền tự do thỏa thuận, tự định đoạt của đương sự, trong khi lại quy định rất hạn hẹp về hình thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án.
Hiện nay các hình thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án chỉ có trọng tài thương mại, hòa giải, thương lượng. Các hình thức giải quyết tranh chấp khác ngoài tòa án như : thẩm phán tư, bồi thẩm đoàn giản lược… chưa được thừa nhận.
"Tóm lại, hầu hết các đạo luật trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại đều có vấn đề rất lớn, nhất là về kỹ thuật pháp lý và tính hệ thống. Do đó khó có thể có một môi trường pháp lý kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế tư nhân như một động lực của cả nền kinh tế" – thầy giáo Ngô Huy Cương, nhận xét.
Nguyễn Nam
********************
Khi lạm phát là cần thiết (VNTB, 02/04/2020)
Với những nhà hoạch định chính sách, trường hợp bước vào nhiệm kỳ mới của đảng chính trị vào năm 2021, với những con số phần trăm về lạm phát nếu phi mã của năm 2020, chắc chắn sẽ mang đến cảm giác bực bội chung cho đảng cầm quyền ở Đại hội lần thứ 13.
Nền kinh tế Việt Nam lâu nay mang đặc điểm kinh doanh trên vay nợ, Nhà nước muốn đầu tư phải vay trái phiếu, doanh nghiệp muốn sản xuất kinh doanh chủ yếu vay vốn từ ngân hàng. Các kênh huy động vốn khác dù cũng ghi nhận sự phát triển nhưng thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Một nhóm chuyên gia đã đề xuất có sự xem xét điều chỉnh vĩ mô, chấp nhận đánh đổi mục tiêu lạm phát để thực thi chính sách tiền tệ mở rộng hơn nữa nhằm kéo lãi vay xuống. Bởi hiện nay, dường như Ngân hàng Nhà nước vẫn đang hành động trong áp lực phải đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4% như nghị quyết được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2019 (lúc chưa có dịch Covid-19). Kết quả, lãi suất cho vay chủ chốt của các ngân hàng dù được điều chỉnh giảm, nhưng chưa đạt được sự kỳ vọng của người đi vay.
Tại cuộc họp ngày 1/7/2020 của Ban Chỉ đạo điều hành giá, phía Bộ Tài chính đưa ra 2 kịch bản điều hành giá, theo đó, kịch bản 1 thì CPI bình quân cả năm 2020 so với năm 2019 tăng khoảng 3,64%, kịch bản 2 CPI tăng khoảng 3,95%.
Ngân hàng Nhà nước dự báo CPI cả năm 2020 trong khoảng 3,7±0,5%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI cả năm 2020 theo 2 kịch bản : Kịch bản 1 tăng từ 3,5 – 3,7% và kịch bản 2 tăng từ 3,8 – 4,1%.
Kết luận cuối cùng là vẫn có khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Trong một báo cáo nội bộ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lại cho thấy có lẽ phải chấp nhận tình hình lạm phát theo thực tế. Một trong những lý do bất chấp các duy ý chí từ những chiến lược thể hiện qua các nghị quyết, đó là nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 lần hai, kèm theo các rủi ro về phong tỏa tổng cầu, và đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn đang hiện hữu ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có những đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nền tảng vĩ mô của Việt Nam còn yếu, chưa được cải thiện nhiều so với những năm trước, như môi trường thể chế, kinh doanh vẫn bộc lộ nhiều bất cập ; tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn còn. Đơn cử, theo kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 (PCI 2019) được công bố mới đây cho thấy, vẫn có đến hơn 50% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức.
Mặt khác, các dự án đầu tư công được coi là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng năm 2020, tuy nhiên dù đã có cải thiện về tốc độ giải ngân vốn các dự án đầu tư công so với cùng kỳ năm 2019, song qua gần nửa năm, tình hình giải ngân vẫn còn chậm. Tính đến hết tháng 5/2020, giải ngân vốn các dự án đầu tư công mới đạt gần 26% kế hoạch, đặc biệt năm nay lượng vốn cần giải ngân cao gấp hơn 2 lần so với năm ngoái.
Giới ngân hàng tư nhân ở miền Nam đưa ra ý kiến, hiện nay tổng dư nợ tín dụng trên tổng vốn huy động (LDR, Loan to Deposit) ở mức 85%. Với quy mô huy động vốn hiện nay, nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại tăng tỷ lệ LDR lên thêm 5%, các ngân hàng sẽ có thêm 400.000 tỷ đồng vốn đã huy động dùng để cho vay. Theo đó, áp lực huy động để cho vay sẽ giảm xuống, lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ giảm dần, lúc đó doanh nghiệp mới vay được lãi suất rẻ.
Liệu Việt Nam có thể đạt mục tiêu lạm phát trong năm nay là dưới 4% ? Câu trả lời khôn ngoan cho đánh giá để không dễ bị chụp chiếc mũ hình sự hóa : Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp. Thế giới như vậy làm sao Việt Nam miễn nhiễm được khủng hoảng ? Do vậy, tình trạng phục hồi của Việt Nam như thế nào tùy thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới trong thời gian sắp tới…
Xuân Minh
Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019, đã hiện hình một bằng chứng không thể chối cãi về nạn lạm phát thực tế ở Việt Nam và một chế độ lao vào tử lộ thu cùng diệt tận đối với dân chúng.
Vào năm 2019, dự toán thu ngân sách với số thu lên đến 1.411 ngàn tỷ đồng. Hình minh họa.
Tăng thu dã man gần gấp đôi !
Báo cáo thu ngân sách trong giai đoạn 2013 - 2018 đã phô trương thành tích : vào năm 2013, thu ngân sách là hơn 828 nghìn tỷ đồng thì 5 năm sau, thu ngân sách đã tăng lên 1,4 triệu tỷ đồng.
Theo tử lộ đó, chỉ trong khoảng thời gian 5 năm gần đây, thu ngân sách liên tục tăng mạnh, tăng ‘dã man’ gần gấp đôi !
Chưa kể vào năm 2019, dự toán thu ngân sách với số thu lên đến 1.411 ngàn tỷ đồng.
Báo cáo thu ngân sách với số thu gần gấp đôi trong giai đoạn 2013 - 2018 đã vô hình trung tiết lộ tỷ lệ lạm phát tối thiểu (chỉ tính theo số liệu trong báo cáo mà chưa phải lạm phát thực tế) đã lên gần 10% mỗi năm, chứ tuyệt đối không phải "được kềm chế dưới 5%/năm" như các báo cáo chính phủ bất cần biết dân chúng và dân sinh. Cơ sở chủ yếu của mức lạm phát này là khi lập dự toán phần thu ngân sách cho năm tiếp tới, các cơ quan của chính phủ và quốc hội luôn phải tính theo tốc độ lạm phát tối thiểu của năm cũ và chấp nhận thực tế này như một sự mặc định.
Vậy là liên tiếp trong nhiều năm qua, dự toán thu ngân sách năm sau đều được ‘quyết’ tăng hơn nhiều so với năm trước – từ 10 đến 12% vào thời kỳ kinh tế còn chưa rơi hẳn vào cơn suy thoái nhưng vẫn vống đến 8 đến 9% trong những năm gần đây, bất chấp phản ứng gay gắt của dư luận xã hội và tiếng kêu than oán ‘doanh nghiệp và sức dân đã cạn’, mà bằng chứng thảm thiết nhất là tỷ lệ doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và phá sản cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới.
Chẳng hạn vào năm 2017, trước tình trạng ngân sách cạn kiệt và đè đầu dân chúng, thuế sử dụng đất đã được âm thầm "thí điểm" tăng gấp 3-4 lần ở một số địa phương, đặc biệt tại "con bò sữa Sài Gòn" là nơi có số doanh nghiệp nhiều nhất và mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất quốc gia. Nhiều gia đình do không biết âm mưu tăng vọt thuế như vậy nên đã vẫn lầm lũi nộp tiền sử dụng đất cho đến nay, khiến kết quả thu ngân sách từ sắc thuế này lên đến hơn 80 ngàn tỷ đồng chỉ trong 10 tháng đầu năm 2017.
Nhưng chi ngân sách luôn cao hơn hẳn phần thu. Dự toán chi ngân sách năm 2019 lên đến 1.633 ngàn tỷ đồng, trrong đó hơn 70% là ‘chi thường xuyên’ để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức "còn đảng còn mình", trong khi tỷ lệ này ở các nước tiên tiến trên thế giới chỉ khoảng 50% hoặc dưới 50%. Đây chính là nguồn cơn khủng khiếp nhất khiến ngân sách luôn thu không đủ chi và luôn bị bội chi.
Vậy chính phủ ‘kiến tạo’ của ông Nguyễn Xuân Phúc đã làm được gì để tinh giảm biên chế và tinh gọn bộ máy ?
Giảm 40 ngàn chỉ là số ảo ?
Dù báo cáo của Bộ Nội vụ ngày 24/12/2018 về tình hình thực hiện ‘công tác cải cách hành chính’ năm 2018 cho biết kết quả tinh giản biên chế tính từ năm 2015 đến ngày 15/10/2018, tổng số biên chế cả nước đã được tinh giản là 40.500 người, nhưng thật ra chiếm phần lớn trong số đó vẫn là người hưởng chính sách về hưu trước tuổi với 34.948 người (chiếm gần 86,3%), còn số đương chức đương quyền thì chẳng có mấy.
Sau khi xem xét kỹ hơn sau con số báo cáo của Bộ Nội vụ, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã phải cho rằng việc tinh giản biên chế các cơ quan hành chính nhà nước, đẩy mạnh tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi ngân sách còn bất cập, cụ thể : Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách còn nhiều…
Cần nói thêm, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách đã lên tới 11 triệu, chiếm đến hơn 10% trong tổng dân số.
Trong thực tế, bài toán ‘tinh gọn bộ máy’ và ‘tinh giản biên chế’ vẫn còn lâu mới được giải quyết, hoặc chẳng bao giờ được giải quyết.
Từ sau Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017 khi đảng ra nghị quyết về giảm 10% biên chế, cho tới nay bộ máy của đảng và các cơ quan chính phủ vẫn tiếp tục phình to mà chẳng hề giảm đi chút nào. Con số tinh giản biên chế được 40 người của Bộ Nội vụ là rất đáng nghi ngờ, bởi nhiều thông tin cho biết rất nhiều trường hợp công chức nằm trong diện bị cho nghỉ việc đã tìm cách ‘chạy’ sang những cơ quan khác cùng ngạch công chức, hoặc chuyển về những đơn vị sự nghiệp để trở thành viên chức.
Có nghĩa là trong lúc chỉ hô khẩu hiệu về giảm biên chế, đảng và chính phủ lại chăm chăm tìm mọi các để ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, hoàn toàn không quan tâm gì đến số người nghèo đang tăng phi mã ở rất nhiều địa phương. Và cũng không hề biết là đến một lúc nào đó, có lẽ không còn xa nữa, hàng triệu người dân và cả công chức hưu trí sẽ phải ồ ạt xuống đường để phản kháng chính sách thu cùng diệt tận giai đoạn cuối của chính thể ‘chỉ biết ăn không biết làm’ này.
Chế độ ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’
Ngân sách nhà nước năm 2019 và những năm tới sẽ đào đâu ra tiền để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức "còn đảng còn mình" ?
Lại in tiền và in tiền ồ ạt ?
Song vào lúc này, ngay cả thao tác in tiền để "bù đắp khó khăn ngân sách" đang trở nên quá nguy hiểm trong bối cảnh lạm phát thực tế đã lên tới vài ba chục phần trăm mỗi năm. Chỉ so sánh con số tổng dư nợ tín dụng cho vay vào thời điểm năm 2008 là 2,3 triệu tỷ đồng và vào năm 2017 lên đến khoảng 7 triệu tỷ đồng - tức gấp đến 3 lần, thì trong gần một chục năm qua Bộ Chính Trị đảng và Ngân Hàng Nhà Nước rất có thể đã phải cho in tiền từ 400.000 - 500.000 tỷ đồng/năm, đặc biệt vào thời Nguyễn Tấn Dũng "tiền ra như nước Sông Đà".
Chỉ còn cách tăng thuế.
Thuế, thuế và thuế !
Giá điện, giá xăng dầu phi mã và cả ‘giặc cướp’ mang tên BOT…
Các mưu đồ và hành vi tăng thuế lại xảy ra trong bối cảnh dân tình Việt ngày càng khốn khó trong một nền kinh tế đã rơi vào thảm trạng suy thoái đến năm thứ 11 liên tiếp, một xã hội bị acid đậm đặc bởi căn bệnh tham nhũng không còn cách gì cứu chữa. Thuế chồng thuế, chồng lên đôi vai gày guộc của người nghèo.
Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Một đảng Cộng sản ‘của dân, do dân và vì dân’ nhưng đang đẩy dân chúng vào cảnh tàn mạt bởi chế độ ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 28/06/2019
Con số 47.500 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước ‘tống’ vào thị trường trong khoảng thời gian cận tết nguyên đán 2019 đã khiến dấy lên dư luận về tốc độ in tiền phi mã của cơ quan này - một nguồn cơn rất hữu hình và trực tiếp phục vụ cho cơ chế đẩy vọt tỷ lệ lạm phát thực tế, chứ không phải là tỷ lệ lạm phát báo cáo ‘chỉ 4%’, có thể lên đến vài ba chục phần trăm.
Tiền đồng Việt Nam tại một ngân hàng ở Hà Nội. Hình minh họa.
Lại in tiền mới ?
Nhưng chưa hết, và còn lâu mới hết. Câu chuyện Ngân hàng Nhà nước đẩy hàng núi tiền và thị trường không chỉ xảy ra vào những ngày cận tết nguyên đán là lúc mà ‘kiều bào ta’ thường gửi đô la về Việt Nam với tần suất dày đặc và ‘béo bở’ hơn hẳn, mà còn diễn ra đều đặn vào một số thời điểm trong năm và trong hàng chục năm trở lại đây, đặc biệt từ năm 2011 khi ngân sách trung ương bắt đầu phải thắt lưng buộc bụng và tìm kế thu gom ngoại tệ trôi nổi ở thị trường tự do và các ngân hàng thương mại để trả nợ nước ngoài - lên đến hàng chục tỷ USD hoặc hơn mỗi năm.
Hiện nay, con số nợ nước ngoài của Việt Nam (chỉ tính riêng nợ của chính phủ và do chính phủ bảo lãnh mà chưa tính đến số tự vay tự trả của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) đã lên đến 105 tỷ USD, xấp xỉ 50% GDP.
Vào dịp tết nguyên đán 2018, Ngân hàng Nhà nước cũng ‘tống’ một núi tiền ra thị trường, nhưng lên đến 93.000 tỷ đồng - nhiều một cách bất thường so với nhu cầu ‘bình ổn giá’ thông thường cần khoảng vài chục ngàn tỷ. Đó cũng là thời gian mà một chiến dịch thu vét đô la trôi nổi được cơ quan này âm thầm tiến hành, để đến gần giữa năm 2018 thì cả Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng lẫn Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc đều hào hứng khoe rằng quỹ dự trữ ngoại hối đã tăng vọt đến 63 tỷ USD.
Những lời có cánh trên lại hiện ra trong bối cảnh mà chỉ mới qua nửa đầu năm 2018, nhà máy In Tiền Quốc Gia ở Việt Nam đã đạt mức lợi nhuận sau thuế gần 60,4 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với con số 41,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái và đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018.
Khẩn cấp gom đô trả nợ nước ngoài
Ít nhất từ năm 2016 đến nay đã xảy đến một trùng hợp mà khó có thể xem là ngẫu nhiên : cùng với kế hoạch vay trả nợ được chính phủ phê duyệt hàng năm, trong đó phần trả nợ lại ít hơn nhiều phần đi vay để "bù đắp khó khăn ngân sách", mà có thể hiểu là một hình thức ‘vay đảo nợ’ - lấy nợ mới trả nợ cũ và làm cho nợ chồng nợ, luôn hiện ra thông tin Ngân hàng Nhà nước đã mua từ thị trường trong nước nhiều tỷ USD để "tăng quỹ dự trữ ngoại hối".
Cũng từ đầu năm 2016 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã phải tung ra thị trường một lượng tiền đồng khá lớn - lên đến nhiều trăm ngàn tỷ đồng - để mua vào ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại và từ các nguồn trôi nổi tự do.
Chính núi tiền đồng mà Ngân hàng Nhà nước đổ ra đã khiến trong những năm qua đã khiến xuất hiện tình trạng dư thừa tạm thời tiền đồng của các ngân hàng thương mại, do vậy nhiều ngân hàng đã phải tìm cách "đẩy" tiền ra kênh cho vay, kể cả cho vay để đầu cơ chứng khoán và bất động sản có độ rủi ro rất cao, và bất kể rủi ro thường trực khó hoặc không thể thu hồi vốn.
Nhưng sau lần khoe thành tích ‘quỹ dự trữ ngoại hối đạt đến 63 tỷ USD’ vào gần giữa năm 2018, trong nửa cuối năm đó lại có hiện tượng Ngân hàng Nhà nước bị giảm số mua đô la từ các ngân hàng thương mại cổ phần và thị trường tự do. Hiện tượng này, cộng hưởng hiện tượng giới quan chức nhà nước không dám nêu cụ thể lượng ngoại tệ của quỹ dự trữ ngoại hối, đã cho thấy lượng đô la trôi nổi không còn nhiều như trước và đang có khuynh hướng xuống thấp hơn cứ sau mỗi năm.
Vào đầu năm 2019, có thêm một hiện tượng lạ là trong cả hai báo cáo phô trương thành tích kinh tế và hoạt động ngành ngân hàng năm 2018 của Thủ tướng Phúc và Thống đốc Hưng đã không hề phát ra con số cụ thể nào về quỹ dự trữ ngoại hối.
Dấu hỏi rất lớn bật ra là thực chất quỹ dự trữ ngoại hối hiện thời là bao nhiêu ? Hoặc còn lại bao nhiêu sau khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã phải dùng một phần của quỹ này để đảo nợ nước ngoài, trả nợ nước ngoài, tiêu xài cho ngân sách chi thường xuyên của một đội ngũ công chức viên chức mà có đến "30% không làm gì cả nhưng vẫn lãnh lương", hoặc cho những nhu cầu khẩn thiết khác, kể cả chi phí quốc phòng mua vũ khí của Ấn Độ, Israel, Mỹ… để đối phó với nguy cơ Trung Quốc ?
Xét theo logic bắt buộc phải trả nợ nước ngoài hàng năm của chính phủ Việt Nam, quỹ dự trữ ngoại hối hiện thời không thể là 63 tỷ USD mà có thể chỉ vào khoảng 30 tỷ USD như cái thời bị giảm nghiêm trọng vào năm 2015 do Việt Nam phải trả nợ nước ngoài đến 20 tỷ USD cho năm đó.
Rồi đến đầu năm 2019 lại xuất hiện một hiện tượng đáng mổ xẻ khác…
Tăng vọt tỷ giá trung tâm !
Sau một thời gian bình lặng, từ đầu năm 2019 đến nay tỷ giá trung tâm bất thần tăng nhanh, tăng vọt và tăng không ngừng nghỉ, bất chấp thị trường ngoại hối trong nước và quốc tế vẫn khá ổn định và trong thực tế là chẳng có ý do xác đáng nào đẻ giải thích cho cú tăng này.
Cơ chế tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước chuyển sang áp dụng từ đầu 2016 để thay cho cơ chế tỷ giá liên ngân hàng. Tỷ giá trung tâm được xem là thước đo tham chiếu cho tỷ giá của các ngân hàng và của cả.. chợ đen.
Đến ngày 21/1/2019, tỷ giá trung tâm của VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố đã lên mốc 22.870 VND, cao nhất kể từ đầu 2016 - thời điểm tỷ giá này ra đời.
Diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND thực trên các kênh giao dịch liên ngân hàng, giữa ngân hàng với các tổ chức và dân cư, trên thị trường tự do giảm mạnh vào cuối 2018 và ổn định từ đầu 2019, chứ không hề biến động mạnh.
Diễn biến trên cũng có nét tương đồng với khoảng thời gian đầu năm 2018, khi Ngân hàng Nhà nước cũng từng bước đều đặn nâng tỷ giá trung tâm trong bối cảnh thị trường và tỷ giá USD/VND ổn định, và đặc biệt là trong điều kiện cung ngoại tệ dồi dào và nhà điều hành mua vào lượng lớn.
Diễn biến tăng vọt tỷ giá trung tâm lại trùng với một thông tin rất đáng chú ý và so sánh : vào đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào lượng khá lớn ngoại tệ, ước tính đã lên tới 4 tỷ USD từ đầu tháng 1/2019.
Đã rất rõ là chính sách cho tăng vọt tỷ giá trung tâm là nhằm vét đô, trong bối cảnh dù một lượng tiền đồng lớn đã được Ngân hàng Nhà nước tung ra nhưng vẫn khó mua USD do giá mua đô vẫn chưa hấp dẫn người bán.
Song cái gì cũng có giá của nó.
Tiền đề lạm phát của Venezuela ?
Cơ chế in tiền ồ ạt tất yếu sẽ kéo theo một danh nghĩa mới : "kiến tạo lạm phát", dẫn đến lạm phát thực tế và cơn bão giá cả trên thị trường và khiến nền kinh tế mất thăng bằng nghiêm trọng.
Tại nhiều chợ đầu mối ở Sài Gòn và Hà Nội, giá thịt thà và rau củ cứ tăng đều đặn 30-40% mỗi năm, chưa kể tăng gấp đôi vào những sự kiện tăng lương, tăng giá xăng dầu, tăng giá điện tăng giá vàng… Người nghèo và công nhân ngày càng ăn uống kham khổ, trong lúc số tỷ phú đô la và số quan chức có tài sản trên 100 triệu USD ở Việt Nam vẫn tăng tiến không ngừng và thuộc nhóm tăng mạnh nhất trên thế giới.
Một khi chủ đích của chính quyền là in tiền ồ ạt và dùng loại tiền giấy có nội lực yếu ớt ấy đổi lấy ngoại tệ mạnh là đồng đô la, sẽ chẳng mấy chốc lượng đô la trong dân và tại các ngân hàng giảm mạnh, đẩy nhanh tình trạng khan hiếm và tất yếu làm tăng mạnh lạm phát. Đó chính là tình trạng mà Venezuela đang phải đối mặt. Tuy nhiên, tại đất nước Nam Mỹ này còn tệ hơn so với Việt Nam : Thậm chí không còn tiền để in tiền và đang phải bán vàng để trả nợ.
Khúc quanh bi thảm của những mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa thị trường cũng vì thế đang hiện rõ. Không chỉ là khủng hoảng kinh tế, mà sẽ là vực thẳm xã hội !
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 05/02/2019
Trong xu hướng các nhà sản xuất thế giới đang dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á, và Việt Nam được lợi thế là "cửa ngõ" của khối ASEAN, thị trường lao động Việt trong tương lai sẽ thế nào trong bối cảnh như thế ?
Công nhân Việt Nam làm việc ở một xưởng sản xuất áo quần thể thao cho hãng Nike ở Thành phố Hồ Chí Minh. AFP
Truyền thông trong nước, vào đầu tháng 7 vừa qua, dẫn lời của Chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Mekong Economics, ông Adam McCarty cho biết các công ty nước ngoài chuyển khỏi Trung Quốc đang đẩy nhanh xu hướng đến mở nhà máy ở các nước Đông Nam Á, để tránh chi phí tăng trong bối cảnh xung đột thương mại Trung-Mỹ. Chuyên gia kinh tế Adam McCarty cho biết thêm nhiều công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong, và Trung Quốc đang đổ tới Việt Nam.
Việt Nam được xem như là "cửa ngõ" của khu vực Đông Nam Á thu hút đầu tư từ các công ty sản xuất trên toàn cầu, vì Ngân hàng Thế giới-World Bank dự đoán Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, duy trì ở mức 6,5% trong giai đoạn 2018-2020 và Việt Nam còn có sức hấp dẫn ở các yếu tố về tiền lương lao động rẻ cùng chi phí đất đai và thuế quan ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp (IVES), vào đầu tháng 10 năm 2017, phổ biến thông tin Việt Nam đang trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" với lực lượng lao động trẻ và dồi dào, trong giai đoạn 2005-2015 có tốc độ tăng bình quân 2,11%/năm, gấp hai lần tốc độ tăng dân số và có lợi thế khá lớn so với các nước trong khối ASEAN, như Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Qua cuộc trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn vào đầu tháng 7, Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Phạm Văn Đại nhấn mạnh cho dù các nước lớn có tiến hành cuộc chiến thương mại nhắm vào nhau, thì quá trình sản xuất sản phẩm vẫn cần khâu gia công ở nơi có lợi thế về lao động như Việt Nam.
Tờ manufacturingglobal.com, hồi trung tuần tháng 5, dẫn nguồn từ một khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Hoa Kỳ cho thấy tỉ lệ gia công ở Trung Quốc hiện tại chiếm từ 30 đến 50%, Việt Nam đứng thứ nhì với tỉ lệ từ 11 đến 30% và tỉ lệ còn lại từ các quốc gia khác.
Theo Quartz, một tạp chí chuyên về kinh tế toàn cầu, ghi nhận Việt Nam đang dần trở thành nơi sản xuất chính của hai tập đoàn Adidas và Nike kể từ năm 2010.
Vào trung tuần tháng 8, Reuters cho biết Samsung Electronics đã dần đóng cửa kinh doanh tại Hoa Lục và Việt Nam là một trong những thị trường mà Tập đoàn điện tử hàng đầu của Hàn Quốc này tăng cường đầu tư trong hai năm qua.
Lên tiếng với RFA về viễn cảnh thị trường lao động tại Việt Nam, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, với những thông tin vừa nêu, mặc dù công ăn việc làm có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhưng chủ yếu chỉ là lao động gia công nên lực lượng lao động Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức.
Đồng quan điểm với nhận định trên của các chuyên gia kinh tế, đại diện của Tổ chức công đoàn độc lập Phong trào Lao động Việt, ông Đoàn Huy Chương nêu lên nhận xét của ông về những khó khăn trước mắt :
"Hiện nay Luật Lao động tại Việt Nam đã sửa đổi là hợp đồng lao động không xác định thời hạn, thì khi công nhân bị những bệnh này bệnh kia có thể sẽ bị công ty sa thải bất cứ lúc nào. Cho nên, tôi chưa thấy có một điểm sáng nào cho công nhân Việt Nam hết, mà thực chất hiện nay công nhân Việt Nam vẫn đang chịu sự bóc lột".
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận có gần 300 cuộc biểu tình của công nhân nổ ra tại Việt Nam trong năm 2016 và con số này tăng lên khoảng 314 cuộc biểu tình trong năm 2017. Phần đông các công nhân tại Việt Nam, mà chúng tôi tiếp xúc, cho biết họ đình công để phản đối chính sách của công ty, như công nhân không đủ sức làm việc vì bị ép tăng sản lượng, không được nghỉ phép khi bị đau ốm, hay chính sách lương không được cải cách phù hợp… Những công nhân này nói rằng thông thường Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn đứng về phía chủ doanh nghiệp mỗi khi xảy ra xung đột, không bảo vệ công nhân, và thậm chí còn lên tiếng đe dọa những ai tổ chức biểu tình.
Gần 4000 công nhân Công ty Yamani Dynasty đình công từ ngày 21 đến ngày 26/03/2018, tại Nam Định. Courtesy : Liên đoàn Lao động Việt Tự do
Vào ngày 26 tháng 3 năm 2018, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Quang Thọ, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nói với báo giới quốc nội rằng về cơ bản Công đoàn Việt Nam vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ quan điểm chỉ đạo của Đảng và hệ thống chính trị, cơ chế không cho phép Công đoàn Việt Nam hoạt động tự do như các nước tư bản phương Tây, do đó công nhân nên hiểu rõ và chấp nhận.
Một vài chuyên gia kinh tế mà Đài RFA trao đổi, như Tiến sĩ Vũ Quang Việt nhấn mạnh Việt Nam sẽ không hưởng được lợi nhiều qua chính sách thu hút đầu tư nước ngoài bằng lao động gia công giá rẻ, như qua trường hợp của Tập đoàn Samsung Electronics Vietnam, vì không thu được bao nhiêu thuế từ lợi nhuận khổng lồ của tập đoàn này, và thậm chí trong bối cảnh Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN, thì Việt Nam còn phải đối mặt với những hậu quả khó lường khi các công ty từ Hoa Lục đưa vào trong nước những công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường sinh thái và tác hại đến sức khỏe của dân chúng tại Việt Nam.
Trong khi đó, Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng Chính phủ Hà Nội cần cân nhắc kỹ lưỡng để tìm biện pháp thu hút đầu tư lâu dài và bền vững cho thị trường lao động tại Việt Nam, mà theo đề nghị của ông là :
"Tôi nghĩ Việt Nam nên nhìn xuống cái gốc của kinh tế xã hội là giáo dục đào tạo để nâng cao tay nghề và năng suất dù việc ấy sẽ mất chục năm. Với tay nghề cao hơn thì nên khuyến khích đầu tư nước ngoài vào những khu vực có trình độ công nghệ hiện đại hơn. Nghĩa là nên nhìn từ viễn ảnh của 10 năm tới về đến hiện tại".
Đây cũng là một biện pháp quan trọng mà Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp (IVES) đề ra, bên cạnh yếu tố quan trọng không kém là nội lực hóa, tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực hội nhập quốc tế.
Thành viên của Tổ chức công đoàn độc lập Phong trào Lao động Việt, ông Đoàn Huy Chương khẳng định với RFA rằng Việt Nam cần phải nhanh chóng cho phép công đoàn độc lập hoạt động hợp pháp, theo các điều khoản ràng buộc qua những hiệp định thương mại ký kết với nước ngoài, thì thị trường lao động ở Việt Nam mới được đảm bảo phát triển đúng hướng :
"Nếu như muốn cơ cấu lại lao động Việt Nam, trước tiên là phải đào tạo cho công nhân Việt Nam có tay nghề nhất định, chớ không phải nhận vô làm những công việc gia công, rồi muốn sa thải họ lúc nào thì sa thải. Muốn thực hiện như vậy thì phải có các công đoàn độc lập giám sát, chứ không phải để Công đoàn Nhà nước muốn làm gì thì làm và cuối cùng người lao động cũng tiếp tục bị bốc lột mà thôi".
*********************
'Tôi hụt hẫng khi mất đi đứa con tinh thần' (BBC, 21/08/2018)
Một nhà văn người Việt từ Warsaw nói với BBC về kinh nghiệm bản thân khi ông một lần vì 'bị khóa trang Facebook' cá nhân, một kênh mà ông dùng để sáng tác và giao lưu.
Ông Trần Quốc Quân (ngồi) giao lưu với bạn đọc trong dịp ra mắt tiểu thuyết 'Tuyết Hoang'
Tác giả của các tác phẩm tiểu thuyết 'Tuyết Hoang' và 'Bóng Làng', nhà văn Trần Quốc Quân giải thích vì sao việc trang Faebook cá nhân của ông bị khóa gần đây là một 'cơn sốc lớn' đối với ông.
"Việc Facebook của tôi bỗng dưng bị khóa làm cho tôi rất sốc, bởi vì có Facebook thì mới có bộ hồi ký 'Em ơi Ba Lan', có bộ hồi ký này thì mới có những tác phẩm như là 'Tuyết Hoang', 'Bóng Làng'.
"Facebook là một phương tiện, cầu nối giữa tôi và bạn đọc, giữa tôi và giới hâm mộ các tác phẩm của tôi. Thế mà nay tôi không còn cầu nối ấy nữa", nhà văn chia sẻ với BBC Tiếng Việt.
Người đồng thời cũng là một doanh nhân và một nhà báo với 30 năm sinh sống và làm việc ở Ba Lan nói thêm với BBC về điều mà ông gọi là một 'tổn thương tinh thần' :
"Việc Facebook bị đóng là cái khiến tôi bị tổn thương tinh thần rất lớn.
"Tôi cũng không biết lý do vì sao Facebook của tôi bị đóng, bởi các nội dung trong Facebook của tôi không vi phạm gì so với quy định của Facebook về hình ảnh, về lời văn, cũng như là các vùng cấm khác của Facebook.
"Tôi muốn Facebook trả lời cho tôi lý do vì sao Facebook của tôi bị đóng và tôi mong rằng trong thời gian ngắn tôi sẽ lấy lại được tài sản vô hình này của tôi".
Khởi đầu cầm bút viết văn
Nhà văn Trần Quốc Quân (trái) giao lưu với nhà báo, tác giả Huy Đức trong dịp ra mắt tác phẩm.
Nhà văn Trần Quốc Quân nhân dịp này chia sẻ với BBC về tác phẩm 'Tuyết Hoang' mà ông sáng tác, bắt đầu từ cội nguồn của tên tác phẩm.
"Tôi viết tiểu thuyết này trong bối cảnh lịch sử của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan từ những năm 1988, là năm tôi đặt chân đến cho đến năm 1998, tức là mười năm, vừa là trước và sau Ba Lan chuyển đổi thể chế.
"Vào thời điểm ấy Ba Lan, không những xã hội nước này, mà cả cộng đồng người Việt Nam chưa có những bộ luật chặt chẽ khi chuyển sang thể chế mới, cho nên nó mang tính hoang dã.
"Cái từ 'hoang' ở đây chính là 'hoang dã', 'hoang dại', chưa có luật định gì cả mà sống theo bản năng, còn 'tuyết' thì nó mang một hình ảnh đặc trưng về vùng Đông Âu, Liên Xô và Ba Lan nói riêng. Tuyết Hoang có nghĩa là sự hoang dại trong một vùng tuyết. Đấy chính là tên mà tôi đặt cho cuốn tiểu thuyết của tôi".
Chia sẻ về khởi đầu của việc đến với viết văn, nhà văn, nhà báo, doanh nhân Trần Quốc Quân, người hiện là Phó Chủ tịch Tập đoàn AACC Đầu tư Trung tâm Thương mại ở Thủ đô Warsaw, nói :
"Đầu tiên là chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc tôi viết văn, khởi sự là tôi cùng với nhà báo Lê Xuân Lâm và một số người khác lập ra tờ báo 'Quê Việt', tiếng nói của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan từ những năm 1999. Tức là cũng gần 20 năm rồi.
"Trong thời gian tôi làm báo, viết báo, tôi viết một bộ hồi ký 'Em ơi Ba Lan' gồm 14 phần, chủ yếu để mua vui cho anh em trên Facebook thôi, thế nhưng có một số nhà xuất bản tiếp cận và đề nghị xuất bản.
"Có một số người, trong đó có nhà báo Nguyễn Giang của BBC, anh khuyên là đừng xuất bản dưới dạng Hồi ký, đó là một tư liệu rất quý, nếu xuất bản dưới dạng thô như thế này thì không khác gì là khai thác quặng lên mà chưa tinh chế đã xuất khẩu.
"Cho nên bây giờ thổi hồn nó, nâng giá trị nó lên bằng văn học, thì tôi nghe anh Nguyễn Giang và một số bạn bè báo chí nữa, là tôi chưa đồng ý xuất bản hồi ký 'Em ơi Ba Lan', mà tôi chuyển thể thành 'Tuyết Hoang' với 24 tháng cặm cụi viết, gần như là đều đặn các ngày, mỗi ngày năm tiếng. Tôi toàn viết vào ban đêm, ban ngày tôi vẫn phải duy trì doanh nghiệp của mình".
'Không bỏ một đồng xuất bản'
Là một doanh nhân có tác phẩm, nhưng tác giả Trần Quốc Quân cho hay ông không bỏ ra một đồng nào để tự xuất bản tiểu thuyết của mình.
Tác giả Trần Quốc Quân (ngồi) giao lưu với bạn đọc ở Ba Lan.
"Nhiều người cứ nghĩ rằng tôi là doanh nhân là bỏ tiền ra để mua danh, bỏ tiền ra để xuất bản sách, nhưng thực sự ra không phải. Cho đến tận bây giờ tôi chưa bao giờ phải bỏ tiền ra để xuất bản sách cả.
"Mà tôi viết xong thì có Nhà Xuất bản Trẻ đọc và đề nghị ký hợp đồng ngay, tôi chưa bằng lòng và tôi sửa lại trong vòng một năm trời sau đấy, bản thảo được Nhà Xuất bản Trẻ ký hợp đồng, trả tiền bản quyền cho tôi theo giá bán trên bìa.
"Hợp đồng ấy được nhà xuất bản phát hành ở Việt Nam và trong những tháng đầu tiên sau khi phát hành, nó là một trong những cuốn sách bán chạy nhất Việt Nam. Tháng 7/2014, tức là sau khi cuốn sách này được Nhà Xuất bản Trẻ phát hành tại Việt Nam thì VTV đã chọn "Tuyết Hoang" là sự kiện văn học của tháng đó".
Vừa làm ăn kinh doanh, vừa viết lách văn chương, về hai hoạt động và hai loại hình tư duy song hành này khi sáng tác, nhà văn Trần Quốc Quân nói :
"Phải nói là rất hiếm việc trong một con người vừa có chất doanh nghiệp mà lại có chất nhà văn, ít người có thể dung hòa hai cái đó, nhưng phải nói tôi đã làm được điều ấy, mà tôi lại không nghĩ rằng mình từng làm và đang làm được điều ấy.
"Thực ra về mặt bản chất, tư duy một doanh nhân rất khác tư duy của một nhà văn, thế nhưng tôi gần như hòa đồng được điều ấy trong một con người của tôi, nên nhiều người ngạc nhiên. Rất nhiều người ngạc nhiên là làm doanh nghiệp thì không thể là nhà văn và làm nhà văn thì không thể là doanh nhân.
"Tất nhiên là ở trong cuộc sống là có, nhưng mà hiếm, thực ra việc tôi viết được văn khi mà đang làm doanh nghiệp, thì khi doanh nghiệp đã ổn định rồi, chứ còn nếu tôi còn đang bươn chải, hàng ngày vật lộn với đồng tiền, thì nói thật chẳng có tâm lý đâu để mà viết cả".
'Càng lao vào càng đắm say'
Nhà văn Trần Quốc Quân xuất hiện trên truyền hình ở Việt Nam sau khi ra mắt tiểu thuyết 'Bóng Làng'
Cho rằng mình may mắn khi không phải viết văn để kiếm sống, nhà văn, doanh nhân Trần Quốc Quân nói tiếp :
"Doanh nghiệp của tôi ổn định 15 năm nay rồi, nên buổi tối thường tôi không phải suy nghĩ gì về chuyện cơm áo gạo tiền nữa. Cuộc đời tôi, tôi công nhận là có nhiều may mắn, từ lúc sinh ra t lúc bây giờ, tôi tương đối mãn nguyện với sự thành công của mình, chỉ có một chút những cuộc thăng trầm mà trong doanh nghiệp hầu như ai cũng phải trải qua, thì tôi cũng phải trải qua, nhưng rất là nhanh thôi.
"Cuộc sống mưu sinh của tôi sớm ổn định và tôi không phải lo gì về cơm áo gạo tiền nữa, thì tâm trí mới có thể dồn để viết văn. Viết văn tôi không bao giờ coi như là một nghề kiếm sống cả, mà cái nghiệp thì cũng không phải, đầu tiên là thú vui, là 'hobby', sau đó càng lao vào nó thì càng đắm say với nó và đến bây giờ không dứt ra được.
"Sau cuốn 'Tuyết Hoang' này, tôi có một cuốn gọi là tiểu thuyết nữa cũng được, nhưng mà nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi là 'Liên hoàn truyện', vì nó là chín chương mà lại có liên hệ với nhau, nhưng mỗi chương như là một câu chuyện, nhưng được liên kết với nhau bằng những nhân vật, sự kiện ở trong ấy.
"Thì đấy là cuốn tiểu thuyết thứ hai, cuốn "Bóng Làng", cũng do Nhà Xuất bản Trẻ xuất bản tại Việt Nam.
Về trao đổi giữa tác giả và nhà xuất bản trong quá trình biên tập cuốn sách trước khi cho tác phẩm ra mắt bạn đọc, về khía cạnh được cho là có sự 'kiểm duyệt' hay 'tự kiểm duyệt' nào đó hay không nếu có, ông Trần Quốc Quân nói :
"Đấy là suy nghĩ của tôi khi quyết định đưa cuốn tiểu thuyết "Tuyết Hoang" này cho Nhà Xuất bản Trẻ và đến tận bây giờ tôi vẫn không biết cơ chế về kiểm duyệt ở Việt Nam như thế nào, do Cục Xuất bản Bộ Văn hóa kiểm duyệt, rồi cho phép in hay là tự Ban Biên tập của Nhà Xuất bản Trẻ phải chịu trách nhiệm về các vấn đề nhạy cảm về quan điểm, tư tưởng, cái đấy thực sự đến bây giờ tôi không biết.
"Nhưng mà trong quá trình biên tập giữa tác giả và Nhà Xuất bản thì có những chỗ cần điều chỉnh lại cho phù hợp, thực ra mà nói cũng không nhiều, thực ra tôi viết cũng rất nhẹ nhàng mặc dù tôi là một nhân chứng sống về giai đoạn thay đổi lịch sử ở Ba Lan và Đông Âu cũng như là Liên Xô, nhưng tôi chuyển tải những vấn đề tư tưởng trong cuốn "Tuyết Hoang" rất nhẹ nhàng. Cho nên không có một sự căng thẳng nào giữa tác giả và biên tập của Nhà Xuất bản Trẻ".
'Đứa con tinh thần'
Nhà văn Trần Quốc Quân (phải) chia sẻ về biến cố xảy ra với trang FB cá nhân của ông trong dịp Hè này.
Trở lại với câu chuyện trang Facebook cá nhân bị khóa mà không được báo trước trong dịp hè này, nhà văn Trần Quốc Quân chia sẻ thêm :
"Tôi thực sự choáng, rất ngạc nhiên là không hiểu sao Facebook của mình lại bị khóa, chứ không phải là bị cướp tài khoản, mà đây là [đóng] bởi Facebook. Khi mà tôi mở ra thì có dòng chữ là 'Tài khoản Facebook của bạn đã bị vô hiệu hóa", đúng từng ấy chữ, không có một giải thích nào thêm.
"Và trong hộp thư điện tử gmail của tôi được đăng ký với Facebook cũng không có một thư nào nói lý do tại sao lại đóng Facebook của tôi, thực ra Facebook của tôi đã lập cách đây 9 năm, mà nhờ nó thì mới có các tác phẩm văn học về sau này.
"Bởi vì khi tôi đã tham gia cộng đồng mạng, thì theo động viên của rất nhiều anh chị em bạn bè là 'anh có khả năng viết và anh có trải nghiệm rất nhiều, vốn sống rất nhiều, tại sao anh lại không viết một biên niên sử gì đó về cộng đồng', thì chính từ lời khuyên ấy mà tôi đã viết 14 chương Hồi ký 'Em ơi Ba Lan'.
"Tôi chỉ mua vui cho anh em bạn bè trên Facebook thôi, sau đó như đã nói được sự động viên của bạn bè mới chuyển thành tiểu thuyết, cho nên Facebook là một tài sản vô hình mà mang giá trị vô giá đối với tôi.
"Cho nên việc mà tôi bị khóa Facebook không biết lý do, không biết tương lai của nó thế nào, phải nói là tôi cảm thấy trống rỗng, hoang mang và buồn bã kinh khủng.
"Nó là đứa con tinh thần của tôi và nó là cầu nối của tôi với bạn bè, với độc giả và với những người yêu mến các tiểu thuyết của mình, thế và bỗng dưng tôi bị hụt hẫng, tôi bị mất mối liên kết ấy", nhà văn nói với BBC Tiếng Việt từ trụ sở Tập đoàn Đầu tư Trung tâm Thương mại AACC nơi ông làm việc hàng ngày.
Nhà văn, doanh nhân Trần Quốc Quân chia sẻ với BBC câu chuyện mà ông trải nghiệm này vào trung tuần tháng 7/2018, ông cho hay đã sử dụng một tài khoản thay thế, nhưng có lúc tài khoản này cũng bị ảnh hưởng mà không rõ lý do, vẫn theo ông.
Nhà văn cũng cho biết ông là một trong ba vị Chủ tịch đầu tiên của một Câu lạc bộ những người bạn Việt Nam yêu thích Facebook tại thủ đô Warsaw của Ba Lan được thành lập từ nhiều năm trước.
***************
Việt Nam cố chặn lạm phát để đảm bảo tăng trưởng kinh tế (VOA, 20/08/2018)
Các nhà phân tích cho VOA biết Việt Nam đang cố gắng kìm chế lạm phát để tăng trưởng kinh tế không bị ảnh hưởng xấu như đã từng xảy ra cách nay một thập kỷ.
Giao dịch tại một ngân hàng tại Hà Nội.
Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 tăng 4,67% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 3,29% trong 6 tháng đầu năm 2018. Trước đó Quốc hội Việt Nam đã đặt chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 4%.
Giá các mặt hàng tăng, trong đó có giá dầu thô tăng, là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng, thêm vào đó thuế môi trường đánh trên xăng dầu được đề xuất áp dụng từ tháng 10 cũng góp phần làm tăng lạm phát, trang web VnExpress cho biết.
Đồng nội tệ đang mất giá, tầng lớp trung lưu mở rộng và thị trường tín dụng tăng cũng là các nhân nguyên làm chỉ số giá cả gia tăng.
Ông Maxfield Brown, chuyên gia cao cấp của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại Thành phố Hồ Chí Minh cho VOA biết : "Tôi nghĩ nhìn chung xu hướng này đang tăng và đó là kết quả của việc tăng chi tiêu của người Việt Nam".
Vào năm 2008, lạm phát tăng hơn 20% đã ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong ba năm sau đó. Mục tiêu lạm phát tăng dưới 4% trong năm nay là nhằm ngăn chặn điệp khúc này.
Ông Brown nói : "Chúng ta cần theo dõi chỉ số này. Rõ ràng, nếu điều đó xảy ra, tức là lạm phát tăng cao trở lại, thì đó là một vấn đề. Nhưng hiện tại thì điều đó chưa xảy ra".
Một phân xưởng sản xuất hải sản ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, người tiêu dùng nhận thấy giá xăng dầu đang cao hơn khi họ đổ xăng cho xe máy. Bà Phương Hồng, Giám đốc truyền thông của một công ty công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho VOA biết nhiều người dân cũng nhận thấy rằng giá gạo đã tăng 10% kể từ dịp tết Nguyên Đán và từ đó đến nay không hề giảm.
Bà Hồng cho biết thêm giá điện sinh hoạt mỗi năm cứ tăng lên, trong khi mức tăng tiền lương của người lao động bình thường không đủ để bù đắp cho các khoảng tăng này :
"Thông thường tỷ lệ tăng giá luôn luôn cao hơn nhiều và luôn luôn cao hơn tỷ lệ tăng lương".
Trong năm nay, Việt Nam nâng mức lương tối thiểu lên 6,5% và năm 2019 có kế hoạch tăng thêm 5,3%.
Việt Nam phải đối mặt với áp lực để duy trì chi phí lao động thấp để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như một vài công ty lớn của Mỹ.
Trong 6 tháng đầu năm nay, GDP của Việt Nam tăng khoảng 7% sau vài năm gần tăng 6%. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính mức tăng trưởng trong cả năm của Việt Nam là 7,1%.
Báo Nhân Dân cho biết các cơ quan chính phủ "cần giám sát chặt chẽ diễn biến giá", nhất là trong việc chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết, cần kiểm soát giá cả và "đặt ra các biện pháp hợp lý" để ổn định thị trường. Vào tháng trước Quốc hội đã xem xét lại đề xuất thu thuế môi trường.
Các nhà phân tích hy vọng rằng Việt Nam sẽ vượt qua mức tăng giá hiện tại mà không lặp lại mức lạm pháp như 10 năm trước, nhưng cảnh báo rằng việc đồng nội tệ mất giá do chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đã ảnh hưởng đến khu vực của Châu Á.
Bà Marie Diron, giám đốc điều hành của công ty tài chính Moody Investors Service tại Singapore cho biết : "Hiện tại, thực sự chúng tôi không nghĩ có áp lực do lạm phát", nhưng bà nói rằng "với sự suy yếu của đồng nội tệ, mức lạm phát có thể sẽ tăng thêm một chút ở Việt Nam và các nước khác".
Ralph Jennings
Kinh tế Việt Nam : Tăng đến đâu, lạm phát theo đến đó (Người Việt, 16/10/2017)
Nhà cầm quyền Việt Nam trước các con số thống kê nói tăng trưởng kinh tế nhiều phần đạt kế hoạch cho cả năm. Tuy nhiên giới chuyên viên khuyến cáo lạm phát đang chạy theo bén gót.
Người bán cá sống ngồi chờ khách hàng tại một khu chợ chồm hổm ở khu vực ngoại thành Hà Nội. (Hình : Getty Images)
Theo tờ Trí Thức Trẻ, căn cứ theo bản Báo cáo Tình hình kinh tế – tài chính 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định thì nền kinh tế của Việt Nam "tăng trưởng cả năm có thể vượt mức 6,7% – chỉ tiêu được coi là không thể đạt được vài tháng trước đây".
Nguồn tin còn thuật ý kiến của ông Dương Mạnh Hùng, phó vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài Khoản Quốc Gia (tổng cục Thống Kê) có nhận định tương tự và cho rằng "đây không phải là dự báo quá lạc quan".
"Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá tăng trưởng GDP trong Quý 3, 2017 đã đạt kết quả ấn tượng với mức tăng 7,46% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân GDP tăng mạnh trong Quý 3 là do cả 3 khu vực của nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ", theo báo Trí Thức Trẻ.
Trước những tin tức có vẻ lạc quan như thế, Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Chính Sách (gọi tắt là VEPR, một tổ chức của phân khoa kinh tế, đại học quốc gia Hà Nội) vừa công bố Báo Cáo Kinh Tế Vĩ Mô Quý 3, 2017 của Việt Nam cho rằng "lạm phát Quý 4 sẽ gia tăng lên mức 4,16%, vượt qua mức mục tiêu là 4% và cao hơn 1,97 điểm phần trăm so với dự báo của VEPR trong quý trước".
"Với đà phục hồi trong giá thực phẩm, sức ép mục tiêu về tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn, lộ trình tăng giá dịch vụ công, sự trao nhiều quyền hạn hơn cho EVN trong việc điều chỉnh giá điện cùng với đó là nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm, chúng tôi cho rằng lạm phát Quý 4 sẽ gia tăng lên mức 4,16% so với một năm trước, vượt qua mức mục tiêu là 4%", tờ Trí Thức Trẻ thuật theo bản báo cáo .
Đi vào chi tiết, tổ chức VEPR nhận thấy, sau khi giảm mạnh từ đầu năm, lạm phát toàn phần của Việt Nam đã gia tăng trở lại trong tháng Tám và tháng Chín với sự phục hồi của giá nhóm hàng thực phẩm. Sức ép gia tăng đối với lạm phát phần lớn đến từ lộ trình tăng giá dịch vụ công cùng với các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong quý.
Giữa tuần trước, tờ Tuổi Trẻ nói ra một sự thật chính yếu về lý do nhờ đâu mà nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng tốt đẹp "vượt chỉ tiêu ở nửa sau của năm 2017".
"Tăng trưởng của Việt Nam năm 2017 có thể đạt 6,7% đưa quy mô GDP lên 225 tỷ USD nhưng lại đang dựa vào các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Formosa trong khi GDP bình quân đầu người lại thấp hơn Lào", tờ Tuổi Trẻ thuật theo lời phát biểu của ông Phan Thanh Bình, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, trong buổi Ủy ban Thường vụ quốc hội "nghe và thảo luận về kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách năm 2017, kế hoạch năm 2018".
Theo ông Nguyễn Đức Thành, viện trưởng VEPR viết trong bản báo cáo, một yếu tố khác mà theo ông có thể là chỉ dấu báo hiệu lạm phát sẽ tăng lên cao hơn dù nhà cầm quyền trung ương qua ông Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ phát biểu "dứt khoát" không cho lạm phát lên hơn 4%. Ông Thành nói trong khi nhà cầm quyền trung ương muốn thúc đẩy cho tín dụng gia tăng tới 21% để đạt thành tích kinh tế, tới nay người ta mới chỉ thấy tín dụng tăng được 10% ở quý 3.
Muốn kinh tế tăng trưởng như phía nhà cầm quyền Hà Nội muốn, họ phải bơm vào nền kinh tế thêm 200 ngàn tỷ đồng (khoảng 8,88 tỷ USD). Nếu chuyện này xảy đến, không những kích thích lạm phát gia tăng mà còn kéo theo nguy cơ của những món nợ xấu trong tương lai. (TN)
************************
Ba bãi rác ở Hậu Giang sắp ‘vỡ,’ ô nhiễm nặng cả tỉnh (Người Việt, 15/10/2017)
Tỉnh Hậu Giang có ba bãi rác tập trung quy mô lớn là Kinh Cùng, Long Mỹ, Tân Tiến đang hoạt động trong tình trạng quá sức chứa, có nguy cơ vỡ, sẽ gây ô nhiễm nặng cho tỉnh này.
Một góc bãi rác Kinh Cùng. (Hình : Báo Lao Động)
Theo báo Lao Động, công ty Cấp Thoát Nước – Công Trình Đô Thị tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện tổng lượng rác thu gom và chế biến gần 6,800 tấn/tháng. Với khối lượng này, các bãi rác trên chỉ còn tiếp nhận rác được đến hết năm 2017.
Cụ thể, bãi rác Tân Tiến (thành phố Vị Thanh) hoạt động đã gần 20 năm, trung bình mỗi tháng có hơn 130 tấn rác thải sinh hoạt được vận chuyển về chôn lấp tại đây, khiến bãi rác quá sức chứa, gây ô nhiễm môi trường. Theo quy định, lẽ ra bãi rác này phải đóng cửa từ năm 2016, nhưng hiện vẫn phải gồng mình hứng rác.
Trong khi đó, bãi rác Kinh Cùng (huyện Phụng Hiệp) chỉ là nơi trung chuyển rác, nhưng hiện đã trở thành bãi tập kết rác với lượng tiếp nhận trên 1,300 tấn/tháng, cao gấp ba lần so với sức chứa hiện có. Vì vậy việc gây ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến các khu dân cư xung quanh là điều không thể tránh khỏi…
Nói với báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Điệp, tổ trưởng bãi rác Kinh Cùng, cho biết để giải quyết tạm thời việc ô nhiễm, công ty Cấp Thoát Nước – Công Trình Đô Thị tỉnh Hậu Giang chỉ còn biết thường xuyên phun hóa chất để giảm mùi hôi phát tán và diệt côn trùng ; bơm hút lượng nước rỉ từ rác đem về bãi rác Tân Tiến để chế biến. Còn bao giờ bãi rác này ngưng hoạt động thì không biết…". (Tr.N)
***********************
Hà Tĩnh bắt xe chở hơn 23 tấn nội tạng động vật thối (Người Việt, 14/10/2017)
Một xe container đang chạy trên quốc lộ 1A đoạn thị xã Kỳ Anh, bị công an chặn lại kiểm tra và phát hiện bên trong chứa hơn 23 tấn nội tạng cùng phụ phẩm động vật hôi thối đưa đi tiêu thụ.
Hơn 23 tấn nội tạng động vật thối được đưa đi tiêu hủy. (Hình : Báo điện tử Một Thế Giới)
Theo báo điện tử Một Thế Giới, ngày 14 tháng Mười, ủy ban tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định xử phạt hành chính ông Nguyễn Anh Thắng (43 tuổi, ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) số tiền 70 triệu đồng (khoảng $3,081) về tội "Kinh doanh thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc", đồng thời cho tiêu hủy hơn 23 tấn nội tạng và phụ phẩm động vật hôi thối.
Chi Cục Quản Lý Thị Trường tỉnh Hà Tĩnh cho biết, chiều tối 8 tháng Mười, lực lượng chức năng phát hiện chiếc xe container mang bảng số Bắc Giang, kéo theo rơ-moóc mang chạy trên quốc lộ 1A, thị xã Kỳ Anh, chở 504 thùng xốp không có nhãn mác, trong mỗi thùng đều chứa nội tạng, phụ phẩm động vật đã bốc mùi hôi thối, với tổng trọng lượng trên hơn 23 tấn.
Chủ xe là ông Thắng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận kiểm dịch động vật của số hàng trên mà cho biết mình chỉ chở thuê cho một người ở Sài Gòn mang ra Hà Nội để tiêu thụ.
Cơ quan chức năng cũng cho biết, sau khi hoàn tất các thủ tục xử phạt, toàn bộ số hàng thực phẩm bẩn trên đã được vận chuyển đến lò tiêu hủy tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh để tiêu hủy theo quy định. (