Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/07/2020

EVFTA cần tinh thần thượng tôn pháp luật, lạm phát là cần thiết

VNTB

Sân chơi EVFTA : cần tương thích pháp luật về kinh doanh (VNTB, 02/07/2020)

Thầy giáo Ngô Huy Cương, khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng Việt Nam rất cần xem lại nền tảng pháp lý, sao cho để phù hợp cả với ‘đại bàng’ lẫn ‘chim sẻ’ cùng chung sống tử tế khi ‘kiếm miếng ăn’.

evfta1

Trước hết, theo diễn giải của thầy giáo Ngô Huy Cương, các đạo luật về phá sản của Việt Nam thường được xem là bị phá sản ngay trong quá trình soạn thảo, và thông qua.

Luật Phá sản năm 2014 để tòa án xen nhiều lợi ích cục bộ vào đó. Chẳng hạn đạo luật này giúp quy định vai trò của quản tài viên như một cánh tay nối dài của thẩm phán, không đúng với vai trò thật của chế định này. Từ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của quản tài viên, quản lý quản tài viên đều có vấn đề do lợi ích cục bộ. Cơ quan thi hành án được giao những quyền hạn do vị nể nên thiếu chính xác, can thiệp quá sâu vào quy trình phá sản…

Giải quyết tranh chấp ngoài tòa án được xem là rất phù hợp với tâm lý "vô phúc đáo tụng đình" của người Việt. Nhưng trên thực tế thì đó là câu chuyện ‘xưa rồi Diễm’. Ở Việt Nam hiện nay giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại ngoài tòa án không được ưa chuộng. Hiện tượng này xảy ra có mấy lý do sau đây :

Thứ nhất, vấn đề giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại ngoài tòa án thiếu nền tảng pháp lý nghiêm trọng. Ví dụ : Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định nào về hợp đồng điều đình, do đó nền tảng pháp lý quan trọng cho thương lượng thành và hòa giải thành bị thiếu. Các Bộ luật Dân sự nào của các nước, và dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa đều có quy định về hợp đồng điều đình, hay dàn xếp.

Thứ hai, các đạo luật như Luật Thương mại, Luật Đầu tư đều đi theo chiều hướng áp đặt các hình thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, không chú ý tới quyền tự do thỏa thuận, tự định đoạt của đương sự, trong khi lại quy định rất hạn hẹp về hình thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án.

Hiện nay các hình thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án chỉ có trọng tài thương mại, hòa giải, thương lượng. Các hình thức giải quyết tranh chấp khác ngoài tòa án như : thẩm phán tư, bồi thẩm đoàn giản lược… chưa được thừa nhận.

"Tóm lại, hầu hết các đạo luật trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại đều có vấn đề rất lớn, nhất là về kỹ thuật pháp lý và tính hệ thống. Do đó khó có thể có một môi trường pháp lý kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế tư nhân như một động lực của cả nền kinh tế" – thầy giáo Ngô Huy Cương, nhận xét.

Nguyễn Nam

********************

Khi lạm phát là cần thiết (VNTB, 02/04/2020)

Với những nhà hoạch định chính sách, trường hợp bước vào nhiệm kỳ mới của đảng chính trị vào năm 2021, với những con số phần trăm về lạm phát nếu phi mã của năm 2020, chắc chắn sẽ mang đến cảm giác bực bội chung cho đảng cầm quyền ở Đại hội lần thứ 13.

evfta2

Nền kinh tế Việt Nam lâu nay mang đặc điểm kinh doanh trên vay nợ, Nhà nước muốn đầu tư phải vay trái phiếu, doanh nghiệp muốn sản xuất kinh doanh chủ yếu vay vốn từ ngân hàng. Các kênh huy động vốn khác dù cũng ghi nhận sự phát triển nhưng thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Một nhóm chuyên gia đã đề xuất có sự xem xét điều chỉnh vĩ mô, chấp nhận đánh đổi mục tiêu lạm phát để thực thi chính sách tiền tệ mở rộng hơn nữa nhằm kéo lãi vay xuống. Bởi hiện nay, dường như Ngân hàng Nhà nước vẫn đang hành động trong áp lực phải đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4% như nghị quyết được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2019 (lúc chưa có dịch Covid-19). Kết quả, lãi suất cho vay chủ chốt của các ngân hàng dù được điều chỉnh giảm, nhưng chưa đạt được sự kỳ vọng của người đi vay.

Tại cuộc họp ngày 1/7/2020 của Ban Chỉ đạo điều hành giá, phía Bộ Tài chính đưa ra 2 kịch bản điều hành giá, theo đó, kịch bản 1 thì CPI bình quân cả năm 2020 so với năm 2019 tăng khoảng 3,64%, kịch bản 2 CPI tăng khoảng 3,95%.

Ngân hàng Nhà nước dự báo CPI cả năm 2020 trong khoảng 3,7±0,5%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI cả năm 2020 theo 2 kịch bản : Kịch bản 1 tăng từ 3,5 – 3,7% và kịch bản 2 tăng từ 3,8 – 4,1%.

Kết luận cuối cùng là vẫn có khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Trong một báo cáo nội bộ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lại cho thấy có lẽ phải chấp nhận tình hình lạm phát theo thực tế. Một trong những lý do bất chấp các duy ý chí từ những chiến lược thể hiện qua các nghị quyết, đó là nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 lần hai, kèm theo các rủi ro về phong tỏa tổng cầu, và đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn đang hiện hữu ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có những đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nền tảng vĩ mô của Việt Nam còn yếu, chưa được cải thiện nhiều so với những năm trước, như môi trường thể chế, kinh doanh vẫn bộc lộ nhiều bất cập ; tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn còn. Đơn cử, theo kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 (PCI 2019) được công bố mới đây cho thấy, vẫn có đến hơn 50% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức.

Mặt khác, các dự án đầu tư công được coi là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng năm 2020, tuy nhiên dù đã có cải thiện về tốc độ giải ngân vốn các dự án đầu tư công so với cùng kỳ năm 2019, song qua gần nửa năm, tình hình giải ngân vẫn còn chậm. Tính đến hết tháng 5/2020, giải ngân vốn các dự án đầu tư công mới đạt gần 26% kế hoạch, đặc biệt năm nay lượng vốn cần giải ngân cao gấp hơn 2 lần so với năm ngoái.

Giới ngân hàng tư nhân ở miền Nam đưa ra ý kiến, hiện nay tổng dư nợ tín dụng trên tổng vốn huy động (LDR, Loan to Deposit) ở mức 85%. Với quy mô huy động vốn hiện nay, nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại tăng tỷ lệ LDR lên thêm 5%, các ngân hàng sẽ có thêm 400.000 tỷ đồng vốn đã huy động dùng để cho vay. Theo đó, áp lực huy động để cho vay sẽ giảm xuống, lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ giảm dần, lúc đó doanh nghiệp mới vay được lãi suất rẻ.

Liệu Việt Nam có thể đạt mục tiêu lạm phát trong năm nay là dưới 4% ? Câu trả lời khôn ngoan cho đánh giá để không dễ bị chụp chiếc mũ hình sự hóa : Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp. Thế giới như vậy làm sao Việt Nam miễn nhiễm được khủng hoảng ? Do vậy, tình trạng phục hồi của Việt Nam như thế nào tùy thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới trong thời gian sắp tới…

Xuân Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: VNTB
Read 703 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)