Cuộc trao đổi trực tuyến đầu tiên
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc họp trực tuyến đầu tiên để thảo luận nhiều vấn đề đang tồn tại trong quan hệ Mỹ-Trung.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh hai nước (trực tuyến) hôm 15/11/2021 - Reuters
Hội nghị bắt đầu vào khoảng 20h00 tối ngày 15/11 ở Washington, vài giờ sau khi Biden ký ban hành luật cơ sở hạ tầng, và kéo dài hơn ba giờ đồng hồ. Theo truyền thông Trung Quốc, phái đoàn Trung Quốc tham gia hội đàm trực tuyến gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong và Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Tiết Tường. Còn phái đoàn Mỹ gồm Tổng thống Joe Biden, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết hai nhà lãnh đạo đã "tiến hành trao đổi sâu rộng và toàn diện về các vấn đề mang tính chiến lược, toàn diện và nền tảng", nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Sao họ lại gặp nhau lúc này ?
Kể từ những năm 1980, tất cả các đời tổng thống Mỹ đều gặp nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc ngay trong năm đầu cầm quyền. Thông lệ này được cho là sẽ tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden. Trên thực tế, chính quyền của ông mới đây đã công bố kế hoạch tổ chức cuộc gặp trực tuyến đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước. Ngoài hai cuộc điện đàm hồi tháng 2 và tháng 9/2021, Biden và Tập Cận Bình hầu như chưa có bất kỳ cuộc đối thoại trực tiếp nào kể từ khi Nhà Trắng có chủ nhân mới - mặc dù cả hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp với những người đồng cấp ở Châu Âu, Châu Á và các khu vực khác. Trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung ngày càng gia tăng, hai nước cần tăng cường hiệu quả thông tin liên lạc, đặc biệt là ở cấp cao nhất.
Cuộc cạnh tranh giành vị trí số một thế giới đã khiến mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng trở nên căng thẳng. Trong 10 năm gần đây, Washington có lập trường ngày càng cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, mà đỉnh điểm là những năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump. Từ đó tới nay, cả hai đã lao vào cuộc chiến"trường kỳ" trên mọi mặt trận, từ quân sự đến thương mại, và "ở quy mô lớn hơn bất kỳ cuộc đối đầu quốc tế khác trong lịch sử đương đại, kể cả Chiến tranh Lạnh".
Về thương mại, các quan chức Mỹ đánh giá Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nguy hiểm. Theo các nhà phân tích, đến cuối năm 2021, GDP của Trung Quốc sẽ đạt gần 71% GDP của Mỹ (1), trong khi vào thời Chiến tranh Lạnh năm 1983, GDP của Liên Xô chỉ tương đương 55% GDP Mỹ (2). Trung Quốc cũng chiếm vị trí số một của Mỹ trong việc thu hút nhiều đầu tư nước ngoài nhất.
Chính vì vậy mà cho dù từ khi Tổng thống Joe Biden lên ngôi, dù lời lẽ của Mỹ mang tính ngoại giao hơn so với thời của người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng lập trường cứng rắn với Trung Quốc vẫn được giữ nguyên. Trong Hướng dẫn chiến lược tạm thời về an ninh quốc gia được ban hành đầu tháng 3/2021 (giới thiệu những đường lối đầu tiên về tầm nhìn chiến lược), chính quyền Biden tiếp tục coi Trung Quốc là "đối thủ tiềm năng duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thách thức một cách lâu dài hệ thống quốc tế ổn định và mở" (3).
Trong báo cáo thường niên được công bố đầu tháng 11/2021, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định Trung Quốc sẽ có lực lượng hải quân hùng hậu nhất thế giới từ nay đến năm 2030, với 460 tàu chiến các loại. Trong vòng 10 năm, Bắc Kinh đã tăng gấp đôi ngân sách quân sự, hiện lên đến 208 tỷ euro (nhưng vẫn kém ba lần ngân sách của Mỹ, hiện là 643 tỷ USD) và tập trung nâng cao năng lực không quân và hải quân(4).
Lực lượng hải quân trong một buổi lễ ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc hôm 16/4/2021. Reuters
Ngoài ra, từ đây đến năm 2030, Bắc Kinh sẽ có khoảng 1.000 đầu đạn hạt nhân, cao gấp hai lần so với con số ước tính do Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra năm 2020. Ông Danny Russel - Phó Chủ tịch về An ninh Quốc tế và Đối ngoại, Viện Chính sách Xã hội Châu Á - cho rằng với đà tăng tốc ngoạn mục này cùng với quy mô đầu tư trong hệ thống"bộ ba hạt nhân", rõ ràng Trung Quốc đang chuyển từ chính sách răn đe hạt nhân sang tấn công hạt nhân (5).
Chính sự cạnh tranh gay gắt giữa hai bên đã dẫn tới cuộc gặp này. Mỗi bên đều có những lý do chiến lược riêng để thúc đẩy cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Chính quyền Biden cho rằng việc lãnh đạo của hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới không tổ chức các cuộc hội đàm chuyên sâu trong suốt một năm là điều khó có thể chấp nhận. Mặc dù Chính quyền Mỹ tìm cách dẫn đầu bằng cạnh tranh trong mối quan hệ với Trung Quốc, như lời hai quan chức hàng đầu của Mỹ đã viết trước khi vào Nhà Trắng, nhưng họ không có ý định từ chối các cuộc đối thoại và hoạt động ngoại giao với Chính quyền Trung Quốc.
Về phần mình, Tập Cận Bình đang bước vào một năm quan trọng đối với sự nghiệp chính trị của ông, thời điểm mà ông hy vọng có thể phá vỡ quy ước để tiếp tục giữ chức chủ tịch nước trong nhiệm kỳ thứ ba tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước thềm sự kiện này, Tập Cận Bình sẽ tập trung nhiều vào việc củng cố vai trò lãnh đạo của mình ở trong nước và hạn chế những gián đoạn trong quan hệ quốc tế, kể cả những gián đoạn có thể xuất hiện trong mối quan hệ Mỹ-Trung.
Vấn đề Biển Đông và toan tính của Việt Nam
Thông báo của Nhà Trắng về cuộc gặp trực tuyến của hai nhà lãnh đạo này đã cho biết :
"Tổng thống Biden nêu quan ngại về các hoạt động của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông, cũng như nhân quyền trên phạm vi rộng hơn. Ông nói rõ về sự cần thiết phải bảo vệ người lao động và các ngành công nghiệp Mỹ khỏi các hoạt động kinh tế và thương mại không công bằng của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ông cũng thảo luận về tầm quan trọng của một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời thể hiện quyết tâm tiếp tục của Hoa Kỳ trong việc duy trì các cam kết của Hoa Kỳ trong khu vực. Tổng thống Biden nhắc lại tầm quan trọng của tự do hàng hải và an toàn hàng không đối với sự thịnh vượng của khu vực. Về Đài Loan, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ vẫn cam kết với chính sách "một Trung Quốc", được hướng dẫn bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, ba Thông cáo chung và Sáu đảm bảo, như ng Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan" (6).
Như vậy, vấn đề Biển Đông cũng đã được phía Mỹ nhắc tới, dù không trực tiếp, nhưng được thể hiện thông qua cụm từ "tự do hàng hải và an toàn hàng không".
Một học giả Campuchia trên một bài báo mới đây thì cho rằng, việc cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt giữa hai cường quốc này, đã khiến Việt Nam hưởng lợi.
"Xu hướng quan hệ kinh tế Việt - Trung dường như cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi về kinh tế từ Trung Quốc chừng nào nước này vẫn duy trì dáng vẻ không hợp lực với Mỹ. Mọi ý định chống đối Trung Quốc sẽ làm gián đoạn quan hệ kinh tế giữa hai nước, dẫn đến thiệt hại kinh tế cho Việt Nam, nước có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc" (7).
Đây cũng chính là suy nghĩ của rất nhiều nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam. Họ muốn cố gắng né tránh đối đầu với hai cường quốc này và muốn được hưởng lợi từ sự đối đầu này.
Tuy nhiên, mọi việc dường như không dễ dàng như và đơn giản như vậy. Trong quan hệ Việt - Trung thì vấn đề Biển Đông luôn là "cục xương khó gặm".
Hình chụp hôm 27/3/2021 của Lực lượng đặc biệt Philippines cho thấy tàu Trung Quốc ở Đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa. AFP
Trung Quốc không dễ gì mà từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông của họ. Trung Quốc sẵn sàng dùng sức mạnh để đe doạ việc các quốc gia khu vực Biển Đông thăm dò và khai thác dầu khí trên EEZ của họ, với lý do "nằm trong đường lưỡi bò" của họ. Cho dù, "đường lưỡi bò" này không có cơ sở nào trong luật pháp quốc tế và đã bị Toà trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc bác bỏ nó.
Trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải cho biết : "Trong vòng bốn tháng qua, các tàu Trung Quốc đã tranh giành và thách thức các hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt của Indonesia và Malaysia tại Biển Đông, những diễn biến dường như đã quá quen thuộc". (8)
Mới đây nhất, tàu Trung Quốc lại tiếp tục quấy phá hoạt động thăm dò của Malaysia trên vùng biển của họ (9), mặc dù Malaysia cố gắng thân thiết với Trung Quốc, đến mức Ngoại trưởng Malaysia còn gọi Ngoại trưởng Vương Nghị là "anh cả". Nhưng sự thân thiết đó cũng không ngăn cản được việc Trung Quốc tiếp tục lấn tới trên Biển Đông.
Chính vì vậy, nếu quốc gia nào cũng tính "khôn lỏi" như Việt Nam, chỉ mong "trục lợi" mà không có những sự đoàn kết, nhất trí với các quốc gia Biển Đông khác, thì sớm muộn gì Việt Nam cũng sẽ bị lặp lại các sự kiện như Trung Quốc đã từng làm với Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có sự kiện Giàn khoan năm 2014.
Trần Hồng Diễm
Nguồn : RFA, 16/11/2021