Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/05/2017

Tránh hải sản tầng đáy, ngư dân sống bằng gì ?

Lan Hương

Vừa rồi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khuyến cáo ngư dân 4 tỉnh miền Trung không nên đánh bắt hải sản ở tầng đáy ở khu vực 20 hải lý trở vào bờ, giải thích rằng vì ảnh hưởng ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra. Một số nhà khoa học nói rằng họ không đồng ý về tính an toàn của khoảng cách 20 hải lý mà Phó Thủ Tướng Việt Nam đưa ra, vì những cuộc nghiên cứu khoa học cho thấy chất độc trong nước thải của Formosa có thể ảnh hưởng tới 70 hải lý.

haisan1

Ngư dân kéo thuyền lên bờ biển Thọ Quang, Đà Nẵng ngày 29/9/2013. AFP photo

Hải sản còn độc

Từ tháng 9 năm ngoái, Bộ Y Tế Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo, nói rằng những sinh vật tầng đáy như ghẹ, tôm, ốc mực, bạch tuộc, cua đá trong phạm vi 20 hải lý trở về bờ vẫn chứa phenol, không đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Hôm 17/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhắc lại khuyến cáo này tại cuộc họp của Ban chỉ đạo khắc phục sự cố, ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh cho bốn tỉnh bị ảnh hưởng, là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Tiến Sỹ Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nói rằng theo số liệu chính thức của giới chuyên gia khoa học nghiên cứu thì những chất độc trong nước thải của Formosa có thể kéo 70 hải lý. Theo quan điểm của ông, con số 20 hải lý được đưa ra là dựa vào đặc tính nghề cá của Việt Nam :

Để nói 20 hải lý đã đủ rộng để bao quát chất độc tầng đáy hay chưa là rất khó. Nhưng nghề cá thủ công ven bờ của Việt Nam người ta không ra quá 20 hải lý, tức là khoảng 40 cây số, người ta không ra xa được. Công cụ khai thác cũng chỉ tới độ sâu 50-100m thôi.

Trong khi đó, giáo sư Lê Huy Bá, nguyên trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng con số 20 hải lý chỉ mang tính chất tương đối, các vùng biển khác nhau có thể yêu cầu con số an toàn khác nhau. Nhưng theo ông, khoảng cách an toàn nhất là :

Khoảng 25 hải lý là người dân nên tránh hải sản tầng đáy. 20 hải lý cũng được nhưng không phải là con số an toàn tuyệt đối. Rộng hay hẹp phụ thuộc vào địa hình từng nơi, rồi phụ thuộc vào song triều, hải lưu, hệ thực vật,…

Làm sao tránh cá tầng đáy ?

Năm ngoái, ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) từng nói với báo chí rằng hải sản ven bờ ở tầng nổi là an toàn do đặc tính sinh học hay di chuyển.

Tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại hải sản tầng đáy có thể di chuyển lên tầng nổi và người dân có thể nhầm lẫn dẫn đến nguy hiểm khi ăn phải.

Giáo sư Lê Huy Bá nhận định :

Tầng đáy và tầng mặt có sự phân định không rõ. Sinh vật tầng đáy nhưng ngoi lên tầng mặt là thành ở tầng mặt thôi. Thường những con cá lớn, ăn tạp và khả năng chịu áp suất lớn sống ở tầng đáy. Nhưng nói như vậy cũng chỉ mang tính tương đối thôi chứ không phân biệt được hết.

VIETNAM-CHINA-DIPLOMACY-FISHING-PARACEL

Tàu cá về cảng Đà Nẵng. Ảnh chụp ngày 23/6/2009. AFP photo

Trong khi đó ông Nguyễn Tác An lại cho rằng chuyện nhầm lẫn khó xảy ra vì sinh vật tầng đáy thường chỉ cố định ở tầng đáy :

Sinh vật nổi là loài di cư tức là sống ở ngoài khơi hoặc ở vùng khác đến theo thức ăn nổi. Còn sinh vật đáy là sinh vật ăn đáy và thường định cư ở đó. Nếu nói sinh vật tầng đáy có thể lên tầng nổi là không đúng với khái niệm phân biệt trong nghề cá.

Viện nghiên cứu hải sản trước đó cũng lập ra danh sách 154 loại hải sản thường gặp sống ở 4 tỉnh Bắc Trung Bộ này. Tuy nhiên rất nhiều ý kiến bình luận trên mạng nói rằng làm sao người dân có thể nhớ hết được danh sách dài ngoằng như vậy. Một số khác nói rằng danh sách bao phủ gần như toàn bộ các loài hải sản ngư dân thường bắt được. Như vậy người dân còn gì để ăn.

Trước đó tiến sĩ Nguyễn Tác An cũng từng nói với báo Người Lao động các chất độc từ nước thải của Formosa sẽ kết tủa, lắng xuống đáy và tồn tại ở đấy đến khi có dịp gì đó sẽ lại bùng lên. Những chất độc này tồn tại rất lâu, nguy hiểm, không đơn giản vài tháng vài năm là hết.

Trong cuộc trao đổi ngắn với đài RFA chiều 18/5, tiến sĩ Nguyễn Tác An phân tích thêm rằng để nói chính xác sẽ mất bao nhiêu thời gian các chất độc tầng đáy tiêu tan là rất khó vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố :

Nó phụ thuộc vào các chất độc bị thải ra, điều kiện động lực học ở đó và khả năng tự làm sạch của vùng biển đó. Nhưng thông thường các nước như Nhật Bản chẳng hạn họ bị ô nhiễm công nghiệp 60 năm nay họ vẫn chưa giải quyết xong.

Ông nói rằng có thể một đời người cũng không đủ thời gian để hệ sinh thái tầng đáy có thể khôi phục. Tuy nhiên, Việt Nam thuộc vùng biển nhiệt đới, lại có hệ thống cường lực chạy rất mạnh tạo ra khả năng tự làm sạch rất lớn vì nhiệt độ rất nóng, khác với các nước ở ôn đới, hàn đới. Ông đánh giá :

Những sự cố sinh thái này giống như chén nước mình đã đổ ra đất rồi, đến bao giờ mới lấy lại được. Nhưng vì thiên nhiên có cơ chế tái phục hồi, nhưng đòi hỏi thời gian lâu. Vùng biển Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi cho quá trình phục hồi nhưng cũng không thể chỉ vài năm là được. Ít nhất cũng phải chục năm, không thì 20-30 năm và thậm chí có thể lâu hơn nữa.

Tiến sĩ Nguyễn Tác An cho rằng cần khuyến cáo người dân cẩn thận khi sử dụng hải sản hay sinh hoạt trên biển những khi nguồn động lực ở tầng đáy thay đổi như mưa bão chẳng hạn. Các hiện tượng này có thể làm khuấy động các chất độc ở tầng đáy lên tầng nổi.

Thảm họa môi trường Formosa xảy ra hồi tháng 4 năm ngoái làm cá, hải sản chết hàng loạt nổi trắng bờ biển 4 tỉnh Bắc trung bộ, khiến hàng trăm ngàn người dân mất sinh kế.

Các nhà khoa học phân tích rằng hiện tượng cá chết chỉ là phần nổi của tảng băng, điều nguy hiểm hơn là hệ sinh thái tầng đáy bị hỏng. Trong khi đó, đến 90% môi trường biển là sinh vật đáy.

Lan Hương, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 18/05/2017

***************

Việt Nam 'cẩn trọng' khi yêu cầu ngưng khai thác hải sản tầng đáy (BBC, 18/05/2017)

Một chuyên gia về môi trường biển từ Thành phố Hồ Chí Minh bình luận với BBC tiếng Việt về yêu cầu "ngưng khai thác hải sản tầng đáy 4 tỉnh ảnh hưởng Formosa" của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình là "cẩn trọng" và "có cơ sở".

ca1

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo khắc phục sự cố Formosa hôm 17/5, ông Trương Hòa Bình yêu cầu các tỉnh tiếp tục vận động ngư dân không đánh bắt hải sản tầng đáy ở khu vực 20 hải lý trở vào bờ, cho đến khi Bộ Y tế có kết luận về an toàn thực phẩm đánh bắt tại khu vực này và nguồn lợi thủy sản đã được khôi phục, truyền thông trong nước đưa tin.

Bốn tỉnh chịu ảnh hưởng của thảm họa Formosa được nói đến là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Nói về tình trạng nhiễm độc đối với sinh vật biển sống ở tầng đáy, giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá cho BBC hay tầng đáy là nơi sinh sống của nhiều loại hải sản quý và có giá trị kinh tế lớn như cá trạch, cá song biển, cá đục và những loài cá ăn ở rạn san hô.

Ông nói muốn chứng minh được biển an toàn thì các nhà độc học phải dựa vào tất cả những số liệu phân tích từ tầng mặt đến tầng đáy với tọa độ, độ sâu, thời gian lấy mẫu được ghi rõ ràng.

"Phải có mẫu lấy ở tầng san hô, được coi là rừng nhiệt đới của biển. Nếu san hô bị hủy hoại sẽ trắng và mủn ra, làm hại đến cả hệ sinh thái biển," ông Bá nói.

Ông nhấn mạnh muốn cho hệ sinh thái biển khôi phục lại "cũng phải mất 7 hay 10 năm, chứ không phải chỉ vài tháng."

Để xác định được mức độ 'sạch' hay ô nhiễm của biển, ông Bá cho rằng cần có một "ủy ban độc lập không bị chi phối bởi điều gì và chỉ làm công tác khoa học phục vụ người dân".

Hồi tháng 9/2016, Bộ Y tế đã công bố một báo cáo theo đó "Cá sống ở các "tầng nổi" và "hải sản tại đầm nuôi" được cho là "đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Không có mẫu nào phát hiện có Phenol"

Bộ Y tế Việt Nam khi đó nói người dân "không sử dụng các loại hải sản" ở tầng đáy sống trong vòng 20 hải lý.

ca2

Đánh bắt cá là nguồn sống của nhiều người dân các tỉnh miền Trung

Đền bù thế nào là thỏa đáng ?

Cũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo khắc phục sự cố Formosa, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các tỉnh hoàn thành chi trả phần kinh phí đền bù đã được tạm cấp trước ngày 30-6 và có đề xuất tiếp tục để Bộ Tài chính tiếp tục chi trả, báo Tuổi trẻ tường thuật.

Ông Bình cũng cho biết chính phủ Việt Nam đồng ý rà soát lần cuối cùng về bổ sung người bị thiệt hại sẽ được đền bù, hỗ trợ.

Bình luận về việc đền bù thiệt hại, giáo sư Lê Huy Bá nói chính phủ phải dựa vào bài toán kinh tế sinh thái để tính mức thiệt hại.

"Người gây hậu quả thì phải đền bù thích đáng, tất cả đều cân đối ra tiền, xem thiệt hại bao nhiêu thì đền bù bấy nhiêu. Thiệt hại không những là về tài nguyên mà còn về môi trường, kế sinh nhai, du lịch và cả thiệt hại về tinh thần của cuộc sống nữa. Tất cả những cái đó cộng lại mới gọi là đền bù một cách thỏa đáng," ông Bá nói.

Sự kiện cá chết xảy ra tại miền Trung Việt Nam từ tháng 4/2016, khiến nhiều ngư dân trong khu vực ảnh hưởng phải ngưng đánh bắt và không bán được hải sản.

Công ty Formosa Hà Tĩnh bị kết luận là đã xả thải xuống biển gây ra thảm họa môi trường này và đồng ý bồi thường 500 triệu đô la hồi tháng 5/2016.

Thảm họa cá chết hàng loạt đã làm dấy lên các cuộc biểu tình và tuần hành phản đối trong dân chúng tại nhiều nơi ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lan Hương
Read 767 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)