"Bình thường mới" : có thể hay không ?
Ngày 11 tháng 10, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Hà Nội hôm 6 tháng 9 năm 2021-AFP
Nghị quyết 128 được dư luận, người dân đánh giá cao vì cho rằng Nghị quyết đã giúp cuộc sống người dân cũng như các hoạt động kinh tế, xã hội tại các địa phương dần trở về trạng thái "bình thường mới", không bị "khóa chặt, đóng kín" như trước đó. Theo tinh thần trên, nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam đã áp dụng "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, cho phép người dân dần trở lại cuộc sống sinh hoạt thường nhật mặc dù dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Sau hơn một tháng Nghị quyết 128 có hiệu lực, hôm 21 tháng 11, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ra quy định người dân không được ra đường từ 8 giờ tối hôm trước đến 4 giờ hôm sau (trừ một số lực lượng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, khẩn cấp). Hẳn nhiên, qui định này đã gặp phải nhiều phản ứng trái chiều !
Được biết, theo qui định của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, mô hình cũ như phát phiếu đi chợ cho các hộ gia đình trên địa bàn ; tổ chức đi chợ hộ, đi mua hàng hóa, nhu yếu phẩm hộ cho người dân trên địa bàn khi có yêu cầu ; người đi mua hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ chỉ được tham gia tối đa hai lần/tuần đã được áp dụng trở lại, như cái cách mà nhiều tháng trước Thành phố Hồ Chí Minh và một vài tỉnh, thành đã áp dụng nhưng không thành công (!?).
Bác sĩ Võ Xuân Sơn hôm 22 tháng 11 nói với RFA rằng, quy định cấm người dân ra đường vào ban đêm của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thật khó giải thích :
"Tôi cũng không giải thích được. Chắc người ta nghĩ là ban đêm nó lan truyền mạnh nên người ta cấm (cười). Nó đã có tiền lệ rồi. Ở Sài Gòn trước đây cũng giới nghiêm từ 6 giờ tối cho nên Bạc Liêu cũng theo thế mà làm thôi dù ban ngày cũng không được đi. Tôi chỉ nghĩ chắc họ thấy trước đây Sài Gòn có làm thì giờ họ cũng làm.
Thật ra nó không hợp lý nhưng lúc bấy giờ, ngoài chuyện không hợp lý đó thì toàn bộ chuyện phong tỏa là không hợp lý. Do đó, thêm một cái không hợp lý trong tổng số các chuyện không hợp lý thì nó cũng chẳng có gì để phải lên tiếng thêm một cái nữa.
Chuyện cấm ra đường buổi tối, thực ra mà nói thì mình cũng nhìn nhận ở một góc khác, tức là họ muốn làm sao cấm mà không ảnh hưởng nhiều đến công việc của người dân. Nhưng nhìn trên góc độ mục tiêu của việc cấm là để hạn chế việc lây nhiễm thì rõ ràng việc cấm này không phù hợp tí nào cả".
Nhìn nhận về việc này, Bác sĩ Trần Sĩ Tuấn - nguyên Tổng biên tập báo Sức Khỏe & Đời Sống -thuộc Bộ Y tế viết trên trang Facebook cá nhân của ông rằng :
"Không hiểu tại sao Bạc Liêu và một số tỉnh thành khác để đối phó với dịch Covid-19 lại cấm người dân ra đường vào ban đêm ?
… Những quy định hành chính không dựa vào cơ sở khoa học, gây phiền phức cho người dân cần phải được xóa bỏ để ban hành những quyết định hợp lý, hiệu quả hơn trong phòng chống dịch Covid-19".
Tấm biển cổ động chống dịch như chống giặc trên đường phố Thành phố Hồ Chí Minh hôm 9/7/2021. AFP
Cách làm của tỉnh Bạc Liêu được cho là giống cách làm của Thành phố Hồ Chí Minh trong đợt giãn cách từ 23 tháng 8 đến 6 tháng 9 năm nay. Lúc bấy giờ, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trấn an người dân rằng, lệnh giãn cách xã hội trong hai tuần không phải là lệnh phong tỏa mà chỉ là biện pháp "nâng cao hơn các giải pháp giãn cách xã hội".
"Noi gương" hay đi theo lối mòn ?
Lúc đó, nhiều chuyên gia y tế nhận định cách chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư là phản khoa học, xâm phạm quyền con người, thậm chí vi hiến nếu xét theo lời ‘tự thú’ của Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên hôm 12 tháng 10 năm 2021, rằng :"Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp nhưng không tuyên bố !"
Luật gia HL. ở Hà Nội nói với RFA rằng, việc cấm dân ra đường vào ban đêm của chính quyền tỉnh Bạc Liêu cũng vi hiến. Ông nói với RFA sáng ngày 22 tháng 11 :
"Thứ nhất, về mặt pháp lý thì quy định này căn cứ theo điều luật nào, chỉ thị nào của Bộ y tế hay tự ông Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tạo quốc gia tự trị ? Thứ hai, nếu nói với mục đích phòng chống Covid-19 thì vô lý thì ban đêm số người ra đường ít hơn ban ngày chứ. Tại sao lại cấm ?
Không thể dùng mệnh lệnh hành chính để cấm một vấn đề liên quan đến dịch tễ. Không thể dùng mệnh lệnh hành chính để chống dịch được. Cấm như thế thực chất là ban bố tình trạng khẩn cấp tại địa phương. Thẩm quyền anh không được phép. Như vậy là vi hiến. Có thể nói một đảng viên vi hiến vì chủ tịch UBND một tỉnh phải là đảng viên.
Qua sự ‘tự thú’ của Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên, có thể thấy Thành phố Hồ Chí Minh đã đi đầu trong việc vi hiến. Phải chăng vì Thành phố Hồ Chí Minh làm sai mà thủ tướng làm ngơ, tổng bí thư làm ngơ, chủ tịch nước cũng làm ngơ nên Bạc Liêu ‘noi gương’ ?
Điều đó chứng tỏ đất nước này loạn 12 sứ quân rồi. Người dân ăn cắp con gà đi tù ba năm trong khi cả một hệ thống có tổ chức, có lãnh đạo vi phạm pháp luật mà chẳng ai bị làm sao cả !".
Cũng liên quan việc chống dịch mỗi nơi một kiểu, cách chống dịch ở một số quận trong nội thành Hà Nội bị cho là vô lý khi các ca F1 không được cách ly tại nhà mà bị đưa đi cách ly y tế tập trung.
Trong quy định ký hôm 19 tháng 11 năm 2021, thành phố Hà Nội cho phép F1 cách ly tại nhà, với các gia đình có đủ điều kiện theo hướng dẫn ngày 14 tháng 7 của Bộ Y tế và được tổ thẩm định của ban chỉ đạo chống dịch cấp phường xã thẩm định.
Tuy nhiên, các gia đình ở bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng dù có đủ điều kiện về nhà ở theo đúng hướng dẫn cũng không được áp dụng.
Cách ly tập trung F0, F1 được cho là nguyên nhân gây tử vong cao trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư, bắt đầu từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này cũng được ông Nguyễn Văn Nên thừa nhận khi chia sẻ với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố về những ngày tháng chống dịch mà theo ông, "nỗi lo lắng, ám ảnh này vẫn còn hiện hữu".
Báo Tuổi trẻ trích lời ông Nên thừa nhận : "Lúc đó chưa có thuốc điều trị, thành phố tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến để tập trung ca nhiễm F0. Nhưng tập trung xong ngồi đó ngó, ai khỏe vượt qua, ai mệt thì đi nằm bệnh viện. Việc này tạo áp lực căng thẳng rất lớn, không biết làm gì. Giữ F0 lại ngăn chặn nguồn lây nhưng tập trung họ lại xong không biết làm gì".
Tính đến hôm nay, số người chết vì Covid-19 ở Việt Nam xấp xỉ con số 24.000 người trên tổng số hơn một triệu ca nhiễm. Trong đó, riêng Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 17.000 người tử vong.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 22/11/2021