Trong cùng một không – thời gian, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên đã "sửa lại" phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị Cấp cao giữa Trung Quốc với ASEAN. Vậy là ngay tuyên bố của người có thẩm quyền cao nhất ở Trung Quốc từ đầu đã "bị" điều chỉnh, chưa nói tới các tính toán cũ và mới của Bắc Kinh.
Lãnh đạo các nước ASEAN và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN Trung Quốc hôm 22/11/2021 - AP
Ngày 22/11/2021, tại cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã tái khẳng định quan điểm của Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), đồng thời tuyên bố rằng chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của nước này ở Biển Đông dựa trên căn cứ pháp lý và lịch sửđầy đủ. Triệu Lập Kiên tuyên bố : "Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thách thức chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc (trên Biển Đông) sẽ không thành công". Trong khi trước đó, cũng từ Bắc Kinh, vào sáng 22/11/2021, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã long trọng tuyên bố trước thế giới và tại Hội nghị Cấp cao đầu tiên với chín các quốc gia ASEAN : "Trung Quốc sẽ không tìm kiếm bá quyền ởĐông Nam Á, thậm chí càng không bắt nạt các nước láng giềng nhỏ bé hơn". Tuyên bố của ông Tập được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng đang ngày càng dâng cao, do chính sách "vùng xám" trong quan hệ giữa Trung Quốc với một số quốc gia ở khu vực liên quan đến tranh chấp Biển Đông [1].
Vậy là lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, ASEAN đã hai lần "tẩy chay", không cho phép tập đoàn quân phiệt Myanmar (đãđảo chính lật đổ chính quyền hợp pháp của bà Aung San Suu Kyi) tham gia các sinh hoạt quốc tế của khối. Lần thứ nhất (từ 26 – 28/10), hơn nửa thế kỷ nay, Hội nghị Cấp cao ASEAN 38 và 39, đã thực hiện được công thức "10-X" ; tức là chín nhà lãnh đạo của khối vẫn quyết định nhóm họp Thượng đỉnh sau khi "loại" Myanmar ra khỏi "cuộc chơi". Lần thứ hai (22/11), Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lấy quyết định cứng rắn hơn, không mời Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing tham gia Cấp cao. Sở dĩ nói cứng rắn hơn, vì đích thân Trung Quốc, quốc gia bị dư luận cho làđứng đằng sau cuộc đảo chính ngày 1/2/2021, đã tích cực vận động ASEAN để Myanmar được dự Thượng đỉnh. Cuộc gặp Cấp cao này do Bắc Kinh khởi xướng để kỷ niệm 30 năm bang giao với ASEAN, đồng thời để tuyên bố chính thức nâng quan hệ với ASEAN lên "đối tác chiến lược toàn diện" (CSP) [2].
Tuy nhiên, ASEAN đã không vì sức ép về kinh tế và an ninh nhân dịp 30 năm quan hệ với Trung Quốc, mà từ bỏ lập trường của toàn khối về vấn đề Myanmar. Trong khi đó, việc Chủ tịch nước Tập Cận Bình xuất hiện lần đầu tại một Cấp cao như thế này là một động thái lịch sử. Bởi vì các Hội nghị tới đây, về phía Trung Quốc vẫn sẽ do Thủ tướng Lý Khắc Cường đồng chủ trì. Theo giới quan sát, sau Mao Trạch Đông, cho đến nay không có một nhà lãnh đạo nào của Trung Quốc đã tập trung được nhiều quyền lực như Chủ tịch Tập Cận Bình. Nghị quyết lịch sử thứ ba được thông qua tại Hội nghị trung ương 6 Đảng cộng sản Trung Quốc mới đây, vừa nâng cao vừa khẳng định vị thế của ông Tập ở trong Đảng và Nhà nước. Trung Quốc càng trở nên cóý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết đối với thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á, thông qua các hoạt động kinh tế, thương mại và các mối ràng buộc về an ninh [3].
Không chỉ Việt Nam, các thành viên khác của ASEAN đều mong muốn Trung Quốc "thống nhất" giữa tuyên bố chính sách với các hành động trên thực địa, nhất là sau khi có CSP. Tuy nhiên, thông qua một số chủđềđộng chạm đến lễ kỷ niệm 30 năm bang giao, tiến trình từ"bất nhất" tiến đến cái "thống nhất" thật không đơn giản. Trung Quốc muốn vận động ASEAN đứng về phía mình để chống lại AUKUS và FOIP, nhưng chính các nước ASEAN lại bị chia rẽ bởi các mạng lưới "tiểu đa phương" này. Bản thân Trung Quốc tuy rất lão luyện trong vấn đề"chia để trị" nhưng không phải không có những lúc vẫn duy trì"mập mờ chiến lược" (strategic ambiguity). Một mặt, Trung Quốc lo Mỹ có thể lợi dụng một Đông Nam Á bị chia rẽđể chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực. Nhưng mặt khác, một ASEAN khi bị chia rẽ có thể lại tốt cho Bắc Kinh vì không bao giờ thống nhất thành một khối để chống lại Trung Quốc [11].
Đấy là chưa nói, lộ trình từ"bất nhất"đến "thống nhất"đòi hỏi trước hết, cả Trung Quốc lẫn ASEAN phải điều chỉnh đối với đàm phán COC trong thời kỳ tới. Sự ra đời của liên minh AUKUS có nguy cơ thúc đẩy Trung Quốc xúc tiến nhanh hơn nữa tiến trình COC trước khi Mỹ gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Tuy nhiên, cũng có quan ngại ngược lại, AUKUS sẽ làm cho cuộc đàm phán COC thêm phần phức tạp. AUKUS phản ánh rõ quyết tâm của Mỹ vàđồng minh muốn đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Quyết tâm này của Mỹ có thể khiến cho Trung Quốc cứng rắn hơn trong việc ký kết một COC mà ASEAN, nhất là những nước "tiền tuyến" muốn hạn chế Trung Quốc bằng mọi cách. Nhưng còn một lập luận theo hướng thứ ba cho rằng, AUKUS sẽ không tạo ra bất kỳ thay đổi nào về các hoạt động quân sự của nước ngoài trên Biển Đông, do đó sẽ không có tác động đáng kểđến đàm phán COC. Dù sao mặc lòng, nếu không có một đột phá về tư duy từ cả hai phía, tiến trình COC cũng như việc triển khai CSP Trung Quốc – ASEAN còn đứng trước nhiều bất định [12].