Tham nhũng có hệ thống
Từ đầu năm đến nay đã có tám vị lãnh đạo Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh bị bắt trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại bệnh viện này. Những người bị bắt khi đang đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo cao tại bệnh viện như giám đốc, phó giám đốc, trưởng khoa, trưởng phòng…
Ảnh minh họa các bác sĩ trong một ca phẫu thuật ở Hà Nội. Reuters
Theo cơ quan điều tra, họ - những bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh vướng vào vụ tham nhũng mua tròng mắt ngoại nhập, gây thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế và cả người bệnh với tổng số tiền hơn 14 tỉ đồng.
Cụ thể, Bảo hiểm y tế và người bệnh phải trả tiền cao hơn khi bệnh viện lựa chọn mặt hàng thủy tinh thể có giá cao hơn khi trúng thầu.
Theo khung cơ cấu chung, để thăng cấp lên hàng lãnh đạo tại các bệnh viện lớn, hầu hết họ đều là đảng viên và có bằng cấp cao trong ngành y, một ngành đòi hỏi đức độ cao với phương châm ‘Lương y như từ mẫu’ - theo lời dạy của ông Hồ Chí Minh từ năm 1955.
Một chuyên gia y tế không muốn nêu tên ở Hà Nộinhận định về sự việc này cho rằngtất cả là do thể chế độc tài mà ra. Ông phân tích với RFA vào sáng 29 tháng 11 :
"Thực tế mà nói thì ngành nào cũng có tham nhũng, hối lộ hết. Nó phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện nay, chỉ có điều chỗ nào họ khui ra, họ bắt thì mới biết. Cũng có khi họ để cho ăn, đến khi nhiều quá không giấu được hoặc ‘chơi’ nhau thì phanh phui ra.
Ngành y tế thì phổ biến là nâng giá thiết bị. Thứ nhất là ăn tiền từ ngân sách Nhà nước, thứ hai là ăn tiền từ bệnh nhân. Nó ăn theo đường dây với nhau. Thông thường các thiết bị y tế lớn được các tỉnh đấu thầu theo giá của Hà Nội. Nếu Bệnh viện Bạch Mai mua một máy với giá này thì các bệnh viện khác không dám mua với giá thấp hơn, mà cũng không công ty nào dám bán với giá thấp hơn. Không ai dám thành lập hội đồng đấu thầu để ‘đánh nhau’ cả. Cho nên tham nhũng ở Việt Nam có tính Đảng và có tính tập thể. Nó khép kín. Đã vào guồng thì không tránh được.
Tất cả là do thể chế vì quyền lực không được kiểm soát, không có tính độc lập. Tất cả các lãnh đạo đều là đảng viên. Nếu Đảng không xử thì tòa không thể xử. Thậm chí những người đi kiểm tra còn vẽ đường cho người khác làm bậy để được chia phần, để người khác phụ thuộc mình".
Không riêng thành phố Hồ Chí Minh, hồi năm ngoái, một vụ nâng khống giá thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nộicũng đã bị phanh phui khiến một loạt lãnh đạobệnh viện nàyhầu tòa.
Theo cáo trạng, năm 2016, Bệnh viện Bạch Mai có chủ trương phát triển ngoại khoa nên có kế hoạch mua robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật với giá 39 tỷ đồng và robot Mako giá 44 tỷ đồng. Thực tế, giá robot Rosa được nhập khẩu mới từ Pháp có giá chỉ 7,4 tỉ đồng, đã gồm thuế. Như vậy, thiết bị này bị nâng giá tới hơn 31 tỉ đồng.
Nhà thơ Hoàng Hưng, nhóm Văn Việt, khi nhận định về sự việc trên từng cho rằng, cả hệ thống đã làm hư hỏng con người. Ông viết trên Facebook cá nhân của mình (RFA xin được phép trích lại nguyên văn) :
"Nhưng Thủ phạm đứng sau tất cả, chính là cả Hệ thống thối nát đã tạo mọi điều kiện dễ dàng cho lòng tham của quan chức mọi ngành mọi cấp, khôngtrừ hai ngành đòi hỏi đức độ rõ rệt là y tế và giáo dục ; đã bảo đảm bao che nhau suốt nhiều thập niên mà không ai làm gì được ! Vì Hệ thống này sai về nguyên lý, cơ cấu : Không có Tự do ngôn luận, Tự do bầu cử, Tự do lập hội… để có được lực lượng đối trọng, lực lượng kiểm soát quyền lực ! Vì cả hệ thống quan liêu, coi rẻ trí thức hơn quan chức, khiến cho không ít trí thức bị cám dỗ bỏ chuyên môn chạy sang "quản lý" !
Một hệ thống tiêu diệt nhân tài, làm hư hỏng con người !".
Biến chất do cơ chế ?
Ngoài những phân tích trên, dư luận còn hoang mang khi không hiểu thực chất những tiêu cực trong đấu thầu khiến hàng loạt bác sĩ vướng vòng lao lý thời gian qua là do hành lang pháp lý không đủ mạnh hay do cán bộ thoái hóa biến chất ? Nhìn nhận từ thực tế có thể thấy, tất cả những lãnh đạo trong ngành y bị bắt với cáo buộc "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" nhưng thực chất là do tham nhũng mà ra.
Nhà báo Trần Ngọc Tuấn, hiện ở Cộng hòa Séc nêu ý kiến của ông về việc các lãnh đạo ngành y ‘móc túi’ bệnh nhân trên nỗi đau thể xác của họ :
"Những người bị bắt là những người rất giỏi về chuyên môn nếu họ chỉ làm về chuyên môn. Nhưng khi bước ra vị trí lãnh đạo thì họ có quyền lực. Có quyền lực thì sinh ra tham nhũng. Đấy là một sản phẩm của cơ chế. Họ không ‘ăn’ cũng không được vì cả guồng máy nó ‘ăn’. Nếu họ không theo họ sẽ bị nghiền nát và văng ra khỏi quỹ đạo. Chính cái cơ chế này nó làm nảy sinh bản năng tham lam của con người khi có cơ hội.
Nếu có dân chủ, có hành pháp, tư pháp, lập pháp rõ ràng, hoặc trong cơ chế có luật pháp nghiêm minh thì việc tham nhũng khó xảy ra. Ở Việt Nam thì việc tham nhũng nó liên quan hữu cơ với cơ chế. Điều đó là logic".
Từ phân tích của nhà báo Trần Ngọc Tuấn, chúng ta có thểnhận thấy điểm logic ởmột vài trường hợpcụ thể như sau :Thứ nhất là bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm về thổi giá thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội - nơi trước đó ông Tuấn cũng làm giám đốc. Bác sĩ Tuấn được coi là bàn tay vàng mổ tim. Thứ hai là trường hợp Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Thị Kim Tiến. Bà từng là Trưởng ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Bà vừa bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, đồng thời miễn nhiệm chức vụ Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương do nh ững vi phạm trong thời gian tại chức.
Tại phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, diễn ra vào ngày 5 tháng 8 năm 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố :"Phòng, chống tham nhũng thời gian tới phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, không ngừng, không nghỉ và chỉ có tiến lên".
Báo cáo tại phiên họp cho thấy chỉ trong sáu tháng đầu năm 2021, ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 70 tổ chức đảng và hơn 8.000 đảng viên ; trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.
Tuy vậy, giới quan sát cho rằng chiến dịch chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2016 đến nay thực chất là cuộc ‘đấu đá nội bộ’, khi những ‘đồng chí chưa bị lộ xét xử những đồng chí bị lộ’ không thuộc phe cánh của họ.
Dư luận còn cho rằng, còn Đảng Cộng sản thì không bao giờ hết tham nhũng vì họ vừa đá bóng vừa thổi còi. Do đó, muốn chống tham nhũng, muốn chấm dứt chuyện các lãnh đạo bị bắt do sai phạm trong đấu thầu thì phải thay đổi thể chế. Lúc đó không ai nắm quyền tuyệt đối và quyền lực được kiểm soát lẫn nhau.