Scandal và khủng hoảng truyền thông
Trong cuộc sống xã hội, nhất là đối với những người nổi tiếng hoặc các chính khách, các chính trị gia… rất nhiều khi họ gặp những sự cố không mong muốn trong đời sống của mình về công việc hoặc cuộc sống riêng. Đặc biệt là đối với truyền thông, nhiều khi có những cuộc khủng hoảng ngoài tầm kiểm soát.
RFA edit
Những sự cố, những scandal đó thường xuất hiện và tạo thành sự kiện được chú ý bởi những nhân vật đó là những nhân vật được công chúng biết đến rộng rãi.
Có những sự cố, những scandal nhanh chóng bùng lên rồi chìm đi nhanh chóng. Nhưng, có những sự cố không chịu qua đi, nó cứ dai dẳng và càng ngày càng trở thành vấn đề trong đời sống xã hội. Thậm chí có những sự việc trở thành những vấn đề điển hình, để bất cứ khi nào, người ta cũng có thể nhớ đến, nhắc đến nó khi gặp hoàn cảnh tương tự.
Nhiều khi, với nhiều người, những scandal đã làm thay đổi cả cuộc đời và nghiệp của họ.
Trong điều kiện mạng Internet toàn cầu phủ khắp thế gian, việc xẩy ra các scandal là chuyện không khó khăn và việc loan truyền nó càng dễ dàng, và cũng do vậy việc xử lý nó ngày càng khó khăn hơn.
Chính vì vậy, việc xử lý khủng hoảng nhất là về truyền thông do các scandal tạo ra, là một vấn đề luôn được các chính trị gia, các ngôi sao, những người nổi tiếng quan tâm cũng như trong xã hội có những đội ngũ chuyên gia để xử lý những cuộc khủng hoảng như vậy.
Khi gặp các scandal trong đời sống, người ta có nhiều cách để xử lý khác nhau tùy thuộc vào sự kiện, mức độ cũng như cách hành xử và thái độ của người trong cuộc.
Có những vụ xử lý êm gọn thực chất với các scandal để lại nhiều âm hưởng tốt đẹp và thậm chí là trở thành tích cực, khi mà các scandal đó được tạo nên bởi sự thiếu thông tin, thiếu rõ ràng về một sự kiện không xấu.
Có những vụ việc không mấy tốt đẹp, nhưng được xử lý bằng thái độ cầu tiến, chân thành và được dư luận xã hội chấp nhận.
Cũng có những vụ việc mà chủ thể cố tình thanh minh, giải thích với thái độ không cầu thị, loanh quanh không có cơ sở và khó được xã hội chấp nhận, càng làm cho sự khủng hoảng thêm trầm trọng.
Và cũng có những vụ việc, mà chủ thể của nó cố tình lờ đi như không biết, không nghe và không thấy, cố tình chây lỳ và chơi con bài "Chí Phèo", quyết "không chấp xã hội" bởi "bố mày cứ thế, làm gì được bố mày".
Chuyện miếng thịt bò nổi tiếng thế giới
Mấy tuần nay, câu chuyện miếng thịt bò dát vàng 24K nổi tiếng cả thế giới của ngài Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm – "Ngài" là điển hình của đảng, một trong hơn chục nhân vật được coi là trụ cột của đất nước, là "một tấm gương sáng" cho thiên hạ ngắm, soi mà học tập và làm theo.
Miếng thịt bò sở dĩ nổi tiếng bởi nó được chế tạo và bón cho ăn bởi một đầu bếp nổi tiếng thế giới về sự điệu nghệ được gọi là "Thánh rắc muối" từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nó được bán trong chuỗi nhà hàng nổi tiếng về độ đắt đỏ nhất thế giới và thường để phục vụ những người nổi tiếng thế giới về mức độ lắm tiền, nhiều của và xài tiền như đốt lá tre.
Nó nổi tiếng hơn, bởi nó xuất hiện trong giai đoạn mà cả đất nước Việt Nam đang lao đao trong mùa dịch Covid-19 với muôn ngàn thảm cảnh đã xảy ra trong đất nước sau nửa năm cách ly, giãn cách xã hội, đóng băng và cô lập đất nước, biến cả đất nước thành đại nhà tù và tất cả mọi người dân thành tầng lớp tù nhân bất đắc dĩ.
Và thế là cả thế giới ngạc nhiên.
Những hãng thông tấn lớn nhất thế giới như BBC, Reuter, ABC News của Australia, AFP, New York Times, rồiDaily Mail của Anh, Bangkok Post, The StraitsTimes, Yahoo News… đều lần lượt đưa tin về bữa ăn nổi tiếng này.
Họ không ngạc nhiên vì trên thế giới có những chỗ có món thức ăn dát vàng để thể hiện đẳng cấp của người ăn. Nhưng họ ngạc nhiên ở chỗ một Bộ trưởng Công an của Việt Nam với mức lương chỉ khoảng hơn 600 đô la Mỹ mỗi tháng mà dám chơi sang ăn một bữa ăn gấp đôi, gấp ba số tiền lương để thể hiện đẳng cấp.
Họ không ngạc nhiên vì chuyện cán bộ, đảng viên cộng sản lấy đâu ra tiền của để ăn, để phá, bởi với chế độ độc tài, tiền bạc, của cải của người dân đương nhiên được coi là tài sản của Đảng, Đảng đứng trên tất cả và có quyền tất cả, kể cả giang sơn, tổ quốc và dân tộc. Nhưng điều họ ngạc nhiên, là ở chỗ Tô Lâm vẫn là người luôn leo lẻo mà không hề ngượng rằng : Những đảng viên cộng sản, những cán bộ, chiến sĩ công an mà anh ta đứng đầu, luôn "không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức…" nhưng việc ăn, phá vẫn là chuyện sinh hoạt cá nhân thường ngày.
Người nông dân đã không dám so sánh miếng thịt bò kia bằng bao nhiêu tấn lúa, vì nó quá sức tưởng tượng của họ về sự sang trọng. Họ chỉ tính toán rằng mỗi miếng thịt bò dát vàng mà Tô Lâm há ra đớp kia, có giá bằng cả mấy chục tấn phân bắc họ xúc, thồ, chở đi bón ruộng cả mấy tháng trời.
Và cách xử lý truyền thông kiểu Chí Phèo
Điều cả thế giới ngạc nhiên hơn, đó là ở Việt Nam, Đảng luôn tự hào và rêu rao rằng có nền báo chí cách mạng nhất, tiên tiến nhất, vì dân nhất, nhanh chóng nhất và tự do nhất với cả gần ngàn tờ báo các loại, nhưng đã cùng nhau tự đặt vào trạng thái mù, điếc và câm. Không có bất cứ một tờ báo, hay một ai trong chính trường dám đụng đến trùm mafia của Đảng.
Bởi họ biết, đụng vào Mafia Đảng, không phải đầu cũng phải tai và điều đó đồng nghĩa với việc được hưởng những "đặc ân của Đảng" ngay lập tức, nếu cố tình vi phạm. Mà những "đặc ân" đó thì không hề dễ chịu, nhẹ thì dăm ba chục triệu, năng hơn thì đình bản báo chí, và hơn nữa là tù tội đi kèm. Đó là luật ngầm không công khai mà ai cũng biết.
Thế là Tô Lâm nghiễm nhiên báo chí, cán bộ im thin thít và mù như bị bẩm sinh, câm như bị cắt lưỡi.
Đó là cách xử lý truyền thông kiểu Chí Phèo rằng : "Bố mày cứ vậy đấy, làm gì được bố mày ?".
Thế nhưng mạng xã hội, dù có vâng lệnh Tô Lâm chặn một số bài viết, hashtag, cụm từ ngữ về Thánh rắc muối…, thì cũng chỉ ngăn chặn được một số mà không thể là tất cả mọi sự phản ứng, mọi lời nói hay thái độ của người dân. Cũng không thể ngăn được người dân tìm sự thật ở những cơ quan thông tấn, báo chí không chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Khắp nơi, dân biến ước mơ thành hành động, mọi người thi nhau học… rắc.
Vì thế mạng xã hội nóng hàng ngày. Miếng thịt bò dát vàng vẫn cứ trôi nổi, sống động và dù đắt đỏ, dù hết nhiều tiền, thì nó vẫn thể hiện rất rõ điều mà cha ông ngày xưa đã dạy : "Miếng ăn là miếng nhục".
Mà nhục thật, khi một chuyện sinh hoạt cá nhân được cả thế giới đem ra diễu cợt, xoi mói và bình phẩm với những lời lẽ chẳng lấy gì làm hay ho. Thậm chí, động tác há miệng đớp miếng thịt bò, đã bị nhiều người ví như miệng con cá tra dướn lên dưới ao cầu tõm.
Nếu đó là đứa đầu đường, xó chợ, đói khát đến mức quên cả nhân cách, được miếng ăn thì lấp mặt đã đành. Còn ở đây, khi mà người ăn lại là một biểu tượng, một điển hình của Đảng chuyên đi dạy dỗ cho người khác về tác phong, đạo đức, về mẫu mực của đám tinh hoa trong đảng, lại được đem lên làm trò cười cho thiên hạ, khi đó, sự nhục nhã lại tăng lên gấp bội.
Thế nên, cả hệ thống chính trị từ cao nhất, đến thấp nhất đều cố gắng bằng mọi cách câm, điếc và mù ở sự việc này, để mong rằng trên mặt trận thông tin, trời sớm yên, biển sớm lặng cho đất nước và cả cộng đồng trở lại trạng thái "Bình thường mới" của Đảng.
Ở đó, nếu nói đến Tô Lâm, thì ngoài những từ như AVG, Trịnh Xuân Thanh, Đồng Tâm, Lê Đình Kình, Bắt Cóc, Dân chủ, Nhân quyền… không được nhắc đến vì bị phạm húy, thì kho từ điển kỵ húy lại phải thêm : Thịt bò, rắc muối, dát vàng… Bởi nó sẽ gợi lại hình cảnh "Cú đớp thế kỷ" đi vào sử sách mà Tô Lâm thì muốn tẩy đi bằng được. Để Tô Lâm lại trở về vị trí trung tâm đầu não, sáng suốt và đạo đức, mẫu mực và là gương sáng của sự rèn luyện, tu dưỡng, dẫn đầu phong trào học tập làm theo Hồ Chí Minh mà hắn ta đang làm dở.
Cách xử lý bới lên… mà ngửi
Bỗng dưng, khi mà mọi cố gắng của Đảng dần dần có hiệu quả bằng cách che đằng này, đậy đằng kia, ngăm nghe, dọa nạt bằng đủ mọi cách với mọi thành phần xã hội. Đảng chỉ mong rằng tất cả hãy quên đi, hãy im đi, hãy đừng nhìn những "thông tin xấu độc" của các thế lực thù địch, nhưng do chính Tô Lâm tạo ra này.
Thì bỗng nhiên, tại Đà Nẵng, công an triệu tập chủ quán bún bò Ba Cô Gái chỉ vì anh ta tự xưng là "Thánh rắc hành".
Hẳn nhiên, tự xưng thì chẳng sao, bởi trong đất nước này đầy rẫy sự tự xưng thì đã ai có tội bao giờ. Biết bao nhiêu sự tự xưng như "Cha già dân tộc", "Danh nhân văn hóa thế giới", rồi thì "Tên người đẹp nhất" hoặc là những "Nhà ngoại cảm lừng danh" đã tìm mộ liệt sĩ bằng cách lừa đảo dùng xương trâu bò, chó lợn làm xương liệt sĩ đấy thôi. Chẳng sao cả.
Thậm chí Đảng còn tự xưng là lực lượng tiên phong của dân tộc, lãnh đạo đất nước với đội ngũ ưu tú, đạo đức, dù trong đảng "một bộ phận không nhỏ" là ăn cắp, là tham nhũng, suy đồi… cũng chẳng sao. Chẳng ai bỏ tù hoặc hỏi han về chuyện tự xưng.
Thế nhưng, bỗng dưng "Thánh rắc hành" bị triệu tập, không lý do, chỉ vì bắt chước "Thánh rắc muối" khi phục vụ cú đớp thế kỷ của Tô Lâm. Đó là phạm húy mà là sự phạm húy rất nghiêm trọng.
Và hẳn nhiên, đã phạm húy thì phải triệu tập, phải làm rõ, phải có tội và phải trừng trị. Nếu không bị tội "khi quân" thì ít nhất cũng là "tiết lộ bí mật quốc gia".
Và cả thế giới lại sôi động, các hãng thông tấn quốc tế dù bận rộn với cả thế giới lại vẫn phải chú ý về miếng thịt bò và hệ lụy của nó. Bởi câu chuyện không phải chỗ nào trên thế giới cũng có thể có.
Thế là công lao dập lửa của Đảng bấy lâu nay, lại thành công cốc.
Thế là Tô Lâm với cái miệng há ra tạo nên cú đớp thế kỷ lại nổi lên thông tin toàn cầu.
Và những người quan sát câu chuyện, chỉ có thể buông một câu : Đảng ta, lực lượng công an ta thật khôn ngoan, tự dưng lại bới lên mà ngửi.