Năm 2021, năm căng thẳng nhất tại eo biển Đài Loan
Minh Anh, RFI, 01/12/2021
Bắc Kinh không ngừng gia tăng áp lực quân sự với Đài Bắc. Trong tháng 11/2021, Trung Quốc đã tiến hành 159 vụ xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Ảnh do bộ quốc phòng Đài Loan cung cấp : Chiến đấu cơ F16 của Đài Loan (dưới) áp sát máy bay ném bom H6 của Trung Quốc xâm nhập vùng ADIZ của Đài Loan hôm 10/02/2020. © AP
AFP hôm 01/12/2021 cho biết, đây là tháng thứ ba liên tiếp Trung Quốc cho điều hơn 100 chiến đấu cơ và 6 oanh tạc cơ đời mới H6 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đi vào vùng không phận nhạy cảm này. Tuy số vụ xâm nhập quy mô lớn có ít hơn, nhưng máy bay quân sự Trung Quốc hầu như đổ vào mỗi ngày, ngoại trừ ba ngày trong tháng.
Theo dữ liệu của AFP, kể từ khi bộ quốc phòng Đài Loan hồi tháng 9/2020 quyết định cho công bố các vụ xâm nhập của chiến đấu cơ Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, trong vòng 14 tháng gần đây nhất, Bắc Kinh không ngừng gia tăng dọa dẫm Đài Bắc. Số chiến đấu cơ bay vào vùng ADIZ của Đài Loan mỗi lúc nhiều hơn với tần số dày đặc hơn.
Thứ Hai, 29/11, bộ trưởng quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính tố cáo Trung Quốc tiến hành một "cuộc chiến tiêu hao" nhắm vào Đài Loan. Ông cho rằng "tình hình đặc biệt đen tối với những cuộc xâm nhập hầu như không dứt". Bình luận này được đưa ra một ngày sau khi Trung Quốc lại cho 27 chiếc máy bay quân sự đi vào ADIZ của Đài Loan, một kỷ lục trong tháng 11 và vụ xâm nhập thường nhật thứ năm quan trọng nhất được ghi nhận.
AFP nhắc lại, tháng 10/2021 vừa qua là tháng "nóng bỏng" nhất với khoảng 196 vụ xâm nhập, trong đó có 149 vụ được thực hiện chỉ trong vòng có 4 ngày liên tiếp vào thời điểm Bắc Kinh và Đài Bắc chuẩn bị mừng Quốc Khánh. Nếu tính từ đầu năm đến nay, tổng cộng đã có gần 900 vụ xâm nhập.
Hành động leo thang căng thẳng này của Bắc Kinh tại eo biển Đài Loan khiến các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản lo ngại Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan, mà Bắc Kinh xem như một tỉnh "nổi loạn".
Trong bối cảnh này, thứ Ba, 30/11, Lầu Năm Góc tiết lộ kế hoạch mở rộng căn cứ quân sự tại đảo Guam và Úc để đối phó với Trung Quốc.
Minh Anh
Nguồn : RFI, 01/12/2021
********************
Nhiều máy bay chiến đấu Trung Quốc bay gần Đài Loan sau chuyến thăm của các nhà lập pháp Mỹ
Chi Phương, RFI, 29/11/2021
Nhiều máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, hôm Chủ nhật, 28/11/2021, sau chuyến thăm của các nhà lập pháp Hoa Kỳ bất chấp yêu cầu của Bắc Kinh đòi hủy bỏ chuyến đi. Về phía Đài Loan, tổng thống Thái Anh Văn kêu gọi tăng cường hợp tác với Châu Âu để "thoát khỏi chế độ độc tài".
Cờ Trung Quốc và Đài Loan với hình máy bay chiến đấu Trung Quốc. © Reuters/Dado Ruvic/Illustration//File Photo/File Photo - Ảnh minh họa chụp ngày 09/04/2021
Bộ quốc phòng Đài Loan, được Reuters trích dẫn, cho biết hôm 28/11, Trung Quốc đã điều 27 máy bay, bao gồm 8 máy bay chiến đấu J-16, tiến vào vùng nhận dạng phòng không ở phía tây nam của Đài Loan. Trong số này, lần đầu tiên có sự xuất hiện của máy bay tiếp dầu trên không Y-20 của Trung Quốc. Máy bay này có thể chở khoảng 60 tấn nhiên liệu.
Trong một tin nhắn đăng trên tài khoản Twitter được Bloomberg trích dẫn, ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) tố cáo hành động hăm dọa của Trung Quốc "muốn Đài Loan khuất phục và khiến chúng ta xa lánh các đối tác dân chủ". Và lãnh đạo ngoại giao Đài Loan khẳng định "sẽ không bao giờ cúi đầu trước áp lực của Đảng cộng sản Trung Quốc".
Theo Bloomberg, đây là hành động khiêu khích quân sự lớn nhất kể từ tháng 10/2021, diễn ra sau khi một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan, trong đó có bà Elissa Slotkin. Bà cho biết đã nhận được nhiều tin nhắn từ phía Đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu hủy chuyến đi này. Và ngay khi họ đến Đài Loan vào đầu tháng 11, quân đội Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan "để đáp trả những hành động sai lầm của các quốc gia" liên quan đến vấn đề Đài Loan.
Trong cuộc tiếp các nhà lập pháp đến từ Litva, Latvia và Estonia hôm nay, ngày 29/11, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, tuyên bố rằng Đài Loan và Châu Âu cần phải "cùng nhau hợp tác để chống lại chủ nghĩa độc tài và các thông tin sai lệch". Bà Thái cũng nhấn mạnh việc 3 quốc gia vùng Baltic, trước kia thuộc Liên Xô cũ, có điểm chung với Đài Loan để có thể "chia sẻ các kinh nghiêm nhằm thoát khỏi sự cai trị của chế độ độc tài và đấu tranh cho nền tự do dân chủ".
Tại cuộc họp, nhà lập pháp Litva, Matas Maldeikis được Reuters trích dẫn, cho biết,, " việc bảo vệ tự do và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp là lợi ích quan trọng đối với cả Đài Loan và Litva. Chúng tôi đến đây để bày tỏ tình đoàn kết với Đài Loan". Trên tài khoản Twitter của mình, ông nhấn mạnh việc Litva chọn "dân chủ, tự do và tình hữu nghị", với hashtag "StandwithTaiwan" – Sát cánh cùng Đài Loan
Litva đã phải đối mặt với các áp lực liên tục từ Trung Quốc khi quốc gia này tuyên bố cho phép mở cơ quan đại diện ngoại giao Đài Loan trên lãnh thổ của mình vào năm 2022. Chưa có thành viên nào của Liên Hiệp Châu Âu có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Hoa Kỳ đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho Litva, đồng minh của khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong cuộc tranh đấu với Trung Quốc.