Nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh bỏ nghề vẫn là vấn nạn chưa có lời giải bất kể thực tế vừa mới cho thấy :Hậu quả thê thảm của đợt dịch Covid-19 thứ tư tại Việt Nam là do đầu tư cho y tế chưa thỏa đáng. Y tế - nền tảng bảo đảm sức khỏe toàn dân – thiếu đủ thứ, kể cả nhân lực, chính sách thì chắp vá (1).
Báo Pháp France24 đăng tin rằng chính phủ Việt Nam "xin" công chúng đóng góp tiền cho quỹ vắc-xin Covid-19, 8/6/2021. Hình minh họa.
Tháng trước, khi công chúng còn đang sôi sùng sục, đòi truy cứu trách nhiệm về hậu quả đợt dịch Covid-19 thứ tư đối với sức khỏe, tính mạng công dân, ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thủ tướng – dõng dạc bảo rằng :Tôi lo nhất là đào tạo nguồn nhân lực ngành y. Thời gian tới phải tập trung đào tạo nhân lực (2)...
Tháng này khi dư luận tạm lắng, chính sách đối với y tế nói chung và nhân viên y tế nói riêng vẫn như trước khi ông Chính dõng dạc bảo rằng ông "lo" về "nhân lực ngành y". Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, số nhân viên y tế bỏ việc đã xấp xỉ cả ngàn - gấp đôi năm ngoái. Những viên chức hữu trách chỉ biết hỏi : Tại sao ? Nên làm gì ? (3) rồi thôi !
***
Giống như nhiều năm vừa qua, một số cơ quan truyền thông tiếp tục đi tìm câu trả lời cho thắc mắc,tại sao nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt (?). Câu trả lời không có gì mới : Lương thấp, công việc nặng nhọc. Khi dịch bùng phát trên diện rộng, nhiều việc hơn, nguy hiểm hơn nhưng may mắn thì thu nhập mới như cũ, còn không sẽ giảm !
Rất nhiều người không thể hình dung, nhân viên y tế với thâm niên khoảng 15 năm nhưng thu nhập chỉ dao động trong khoảng sáu, bảy triệu đồng/tháng. Khi xảy ra đại dịch, cực hơn song thu nhập giảm xuống chỉ còn năm triệu/tháng ! Có những cặp vợ chồng cùng là nhân viên y tế nên không dám có thêm đứa con thứ hai (4) !
Tuần này, bên cạnh những câu chuyện về tình cảnh khốn khổ của các nhân viên y tế - những người không thể sống được bằng nghề của họ nên bỏ việc, còn có thông tin về thu nhập của quân nhân năm tới. Cho dù chưa thực hiện "cải cách tiền lương" nhưng năm tới, thu nhập quân nhân vẫn không đổi (5).
Đối chiếu bảng lương mới được giới thiệu là không đổi đối với quân nhân trong năm tới, thu nhập của một y sĩ với 15 năm thâm niên chỉ xấp xỉ thu nhập căn bản của một thượng sĩ (5,6 triệu/tháng) và thua xa lương một thiếu úy (6,2 triệu/tháng) vì ngoài thu nhập căn bản, thiếu úy còn được trả phụ cấp thâm niên ! Công an cũng y hệt như vậy (6).
Tỉ lệ nhân viên y tế tính trên 10.000 dân của Việt Nam vốn đã thấp hơn mức trung bình của các quốc gia trong nhóm thu nhập thấp và trung bình thấp (7) và vấn nạn nhân viên y tế bỏ việc sẽ khiến tính mạng công dân, sức khỏe cộng đồng trở nên bấp bênh hơn. Đợt dịch Covid-19 thứ tư chính là ví dụ minh họa mới nhất, rõ nhất.
Sau khi lật qua, lật lại, ngắm nghía một chút về nhân lực y tế, Quốc hội, chính phủ đã nín, chỉ có các viên chức hữu trách ở Thành phố Hồ Chí Minh còn bàn giải pháp bởi vấn nạn nhân viên y tế bỏ việc tại đó trầm trọng nhất. Tuy nhiên Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ van vỉ chứ không dám chắc những đề nghị củng cố chính sách y tế cơ sở sẽ được chấp thuận !
***
Không thể tính được tại Việt Nam có bao nhiêu công an trên 10.000 dân vì đó là bí mật nhà nước nhưng khi công an đông như quân Nguyên, ngoài việc được bảo đảm việc làm, được đãi ngộ bằng lương và đủ thứ phụ cấp, được trang bị đủ thứ để bảo vệ đảng thì nhân viên y tế nói riêng, nhân lực làm việc trong những lĩnh vực mang tính phúc lợi khác như giáo viên nói chung, rộng hơn là dân trí, là tính mạng công dân, sức khỏe cộng đồng phải được chăng hay chớthôi ! Không như vậy mới lạ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/12/2021
Chú thích
(2) https://www.youtube.com/watch?v=LyssveUYnCI&ab_channel=VTCNow
(4) https://vnexpress.net/vi-sao-nhan-vien-y-te-nghi-viec-hang-loat-4399667.html
(5) https://tienphong.vn/muc-luong-va-phu-cap-cua-si-quan-quan-doi-nam-2022-nhu-the-nao-post1398868.tpo
(6) https://luatlaodong.vn/bang-luong-cua-quan-doi-cong-an-theo-quy-dinh-moi-nhat/