Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/12/2021

Global Gateway vs Belt and Road Initiative

Thu Hằng

Dự án Global Gateway của EU khó đấu lại BRI của Trung Quốc ở Đông Nam Á

Liên Hiệp Châu Âu huy động 339 tỉ đô la cho dự án Global Gateway trên thế giới đến năm 2027, trong đó "Đông Nam Á chiếm một vị trí đặc biệt". Đối với Bruxelles, ASEAN trở thành một đối tác vững chắc và quan trọng nhằm "bảo vệ lợi ích của Liên Hiệp Châu Âu trong việc tăng cường hợp tác quân sự, thương mại, y tế, cơ sở hạ tầng và hợp tác môi trường trong khu vực" Ấn Độ - Thái Bình Dương.

ggvsbri1

Một đoàn tàu sẵn sàng vào ga trong lễ bàn giao tại thủ đô Lào dự án đường sắt cao tốc nối thành phố Côn Minh, miền tây nam Trung Quốc với Vientiane, Lào, ngày 03/12/2021. Reuters – Phoonsab Thevongsa

"Tín hiệu mạnh mẽ" này, một lần nữa được chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tái khẳng định tại Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ 13 trong hai ngày 25-26/11/2021. Việc Bruxelles thay đổi chiến lược về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cho thấy khối 27 nước "đã nhìn nhận khu vực này một cách chiến lược hơn" và "hướng tới một cuộc cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực" dù không nhắc đích danh đối thủ Trung Quốc.

Global Gateway ít tiền nhưng đặt nhiều tiêu chí

Tương tự, chiến lược Global Gateway của khối 27 nước, không nêu rõ tên Bắc Kinh, nhưng rõ ràng nhằm mục đích làm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Tuy nhiên, tham vọng của Bruxelles đối với các đối tác Đông Nam Á đã cho thấy những hạn chế về khả năng cạnh tranh ảnh hưởng với Bắc Kinh ở khu vực này, theo nhận định của trang Deutsch Welle của Đức ngày 09/12.

Thứ nhất, về tiềm lực tài chính, Liên Hiệp Châu Âu không thể "hào phóng" được như Trung Quốc. Tổng ngân sách của dự án Global Gateway là 339 tỉ đô la, chỉ bằng một nửa đầu tư của Bắc Kinh dành riêng cho BRI ở Đông Nam Á, được một nghiên cứu gần đây của đại học Oxford thẩm định là 740 tỉ đô la.

Thứ hai, chương trình đầu tư của Liên Hiệp Châu được dựa trên nhiều giá trị. Nói một cách khác, Bruxelles đặt điều kiện để cấp vốn, trong đó có tính minh bạch và tôn trọng dân chủ. Do đó, theo ông Greg Raymond, nhà nghiên cứu về quan hệ chiến lược Đông Nam Á, thuộc Đại học Quốc gia Úc, "Trung Quốc vẫn là nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng được ưu tiên vì các chính phủ Đông Nam Á không muốn minh bạch".

Ngoài ra, một số chế độ chuyên chế tại Đông Nam Á "không có ý định cởi mở về chính trị". Trung Quốc thậm chí còn hoan nghênh khía cạnh này và không đòi hỏi cải cách hay cải thiện về dân chủ, nhân quyền, trong khi Liên Hiệp Châu Âu khó có thể nhắm mắt làm ngơ.

Vốn ít hơn, cùng với khả năng một số nước Đông Nam Á từ chối các điều kiện của Bruxelles, bối cảnh này "có lẽ sẽ khiến kế hoạch Global Gateway khó thành công ở Đông Nam Á", theo nhận định của ông Joshua Kurlantzick, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations, CFR), trụ sở tại New York.

Cơ hội thành công

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là dự án Global Gateway thất bại ở Đông Nam Á. Dù Bắc Kinh hào phóng nhưng vốn vay từ Trung Quốc vẫn bị coi là "bẫy nợ" khi nước đi vay không đủ khả năng thanh toán. Tuyến đường sắt cao tốc nối Lào và Trung Quốc, vừa được khánh thành có tổng kinh phí khoảng 6 tỷ đô la, nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, là một thành công giúp cải thiện hệ thống đường sắt của quốc gia được coi là nghèo nhất trong khối, nhưng cũng đẩy Vientiane trước khoản nợ lớn từ Trung Quốc, với lãi suất từ 2-3% trong vòng 30-35 năm.

Trường hợp cảng biển Hambantota ở Sri Lanka, hiện nằm trong quyền kiểm soát của Trung Quốc trong vòng 99 năm, cũng khiến nhiều nước Đông Nam Á phải dè chừng. Do đó, dự án Global Gateway của Liên Hiệp Châu Âu có thể là một giải pháp cho những nước không muốn lệ thuộc vào Bắc Kinh.

Ngoài ra, vẫn theo trang Deutsch Welle, Liên Hiệp Châu Âu có thể "hiệp lực" với dự án của một số nước Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là kế hoạch 3BW (Buil Back Better World) của Hoa Kỳ. Tính riêng Nhật Bản, tổng vốn đầu tư vào các dự án hiện nay ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã lên đến 259 tỉ đô la, so với 157 tỉ của Trung Quốc.

Bà Francesca Ghiretti, nhà phân tích thuộc Viện Mercator của Đức, đánh giá "nếu Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản phối hợp với các nhân tố ở Đông Nam Á thì có nhiều khả năng thực hiện được những dự án tích cực". Điều quan trọng, theo bà Ghiretti, là phải "tập trung vào một số ưu tiên" và thực hiện thành công những ưu tiên đó.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 10/12/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 354 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)