Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/12/2021

Bắt bớ đe dọa bỏ tù với lý do là "pháp nhân trốn thuế"

Hà Nguyên - Hoài Nguyễn

Chính trị hóa doanh nghiệp xã hội bằng đe dọa án hình sự ?

Hà Nguyên, VNTB, 10/12/2021

"Bịt miệng" tiếng nói dân sự ?

Theo tác giả Hiểu Bá Linh của trang Việt Nam Thời Báo, thì ngày 14 tháng 7, Nhóm Tư vấn của EU (được thành lập trong khuôn khổ của Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA) đã gửi một lá thư đến ông Valdis Dombrovskis – Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu phụ trách thương mại, và ông Denis Redonnet – Phó Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Thương mại.

doanhnghiep1

Vụ việc nhà báo Mai Phan Lợi và luật gia Đặng Đình Bách bị bắt vì EVFTA là một đơn cử cho chuyện chính trị hóa doanh nghiệp xã hội bằng đe dọa tù tội hình sự.

Nội dung lá thư trình bày về trường hợp hai nhà hoạt động xã hội dân sự Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách bị công an bắt giam sau khi nộp đơn xin làm thành viên Nhóm Tư vấn của Việt Nam (được thành lập theo Chương 13 Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA).

Lá thư cũng cho biết, Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách đều là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA bao gồm 7 tổ chức xã hội dân sự thành lập ngày 16 tháng 11 năm 2020 nhằm phổ biến và thông tin về Hiệp định EVFTA, sự cấu thành xã hội dân sự ở Việt Nam, và 7 tổ chức này đã nộp đơn xin tham gia Nhóm Tư vấn của Việt Nam (VN-DAG), nhưng không nhận được sự trả lời, nay thì 2 thành viên bị bắt giam.

Trước khi Hiệp định EVFTA được Nghị viện EU thông qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và kết án tới 15 năm tù hồi tháng giêng năm 2021 chỉ vì lên tiếng kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) đặt điều kiện nhân quyền đối với Việt Nam trước khi ký kết EVFTA.

Ngờ vực nêu trên của tác giả Hiểu Bá Linh  là có căn cứ, vì theo luật, một khi đã là một doanh nghiệp xã hội, tức pháp nhân phi thương mại thì không thể có tội danh hình sự về trốn thuế.

Doanh nghiệp xã hội, trước tiên phải phục vụ theo chỉ đạo của Đảng ?

Thạc sĩ Phùng Thị Yến, giảng viên trường Đại học Ngoại thương, cho rằng mặc dù tồn tại nhiều định nghĩa khác nhau về doanh nghiệp xã hội, tuy nhiên, có thể hiểu một cách khái quát nhất, chung nhất, doanh nghiệp xã hội là những doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Nó được thành lập với mục tiêu là để giải quyết một vấn đề xã hội nào đó mà doanh nghiệp đó theo đuổi, phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ mục tiêu xã hội.

Có thể hiểu, doanh nghiệp xã hội cũng vẫn là mô hình kinh doanh, sinh lợi, cũng như các loại hình doanh nghiệp truyền thống khác, nhưng nó có đặc điểm khác biệt để nhận biết đó là đặt sứ mệnh xã hội ở vị trí trung tâm, trong đó mục tiêu lợi nhuận đóng vai trò hỗ trợ.

Khi so sánh với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với doanh nghiệp xã hội, có nhiều người thường nhầm lẫn coi doanh nghiệp xã hội là trách nhiệm xã hội. Thực tế, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Doanh nghiệp xã hội như các định nghĩa nêu trên, đó là một mô hình hoạt động của doanh nghiệp, còn trách nhiệm xã hội lại là trào lưu, vận động xã hội. Tìm hiểu một cách sâu hơn, nói đến trách nhiệm xã hội tức là nói đến trào lưu tự vận động, tự nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp để ràng buộc các hoạt động kinh doanh theo các tiêu chuẩn kinh doanh.

Trách nhiệm xã hội có thể hiểu là cách ứng xử của doanh nghiệp đối với người lao động, khách hàng, cộng đồng và môi trường, như một công dân của xã hội. Theo Ủy ban Thương mại thế giới về phát triển bền vững thì "trách nhiệm xã hội của "doanh nghiệp" là sự cam kết liên tục của doanh nghiệp thông qua hoạt động kinh doanh bằng cách cư xử có đạo đức và đóng góp và sự phát triển kinh tế trong khi cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình họ cũng như cộng đồng địa phương và toàn xã hội nói chung.

Doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là một tổ chức thu lợi nhuận mà còn cần phải trở thành một phần của cộng đồng. Họ không chỉ thúc đẩy lợi ích của các cổ đông mà còn hướng tới lợi ích của tất các những bên hữu quan".

Có thể thấy, hầu như các doanh nghiệp truyền thống hiện nay đều có cam kết trách nhiệm xã hội, đây được coi là "đạo đức sống" của doanh nghiệp mà thôi, nhưng về bản chất các doanh nghiệp này vẫn mang bản chất và mô hình thông thường, tức là tối đa hóa lợi nhuận.

Trong khi đó thì doanh nghiệp xã hội lại có thể là cầu nối đề các doanh nghiệp truyền thống thực hiện tốt các cam kết trách nhiệm xã hội. Doanh nghiệp xã hội có thể sử dụng các nguồn tài trợ, nguồn thuế cam kết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để tiến hành các hoạt động xã hội và môi trường.

Đòn roi đe dọa cho bất tuân dân sự

Với cụ thể trường hợp của hai ông Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách, thì họ là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA bao gồm 7 tổ chức xã hội dân sự, nhằm phổ biến và thông tin về Hiệp định EVFTA, sự cấu thành xã hội dân sự ở Việt Nam, và 7 tổ chức này đã nộp đơn xin tham gia Nhóm Tư vấn của Việt Nam (VN-DAG).

Bắt bớ đe dọa bỏ tù với lý do là "pháp nhân trốn thuế" đối với hai ông Lợi và Bách, thực tế nhằm đến chính trị hóa doanh nghiệp xã hội để ngăn hai tiếng nói phản biện này tiếp tục tham gia vào VNGO-EVFTA.

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 10/12/2021

***************************

Pháp nhân phi thương mại thì làm sao lại có thể trốn thuế ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 09/12/2021

Sai chủ thể của tội phạm

Ngày 6/12, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành cáo trạng truy tố bị can Mai Phan Lợi, nguyên chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) ; từng là trưởng văn phòng đại diện một cơ quan báo chí phía Nam tại Hà Nội, về tội Trốn thuế, theo khoản 3, Điều 200 Bộ luật hình sự. Bị can Bạch Hùng Dương, nguyên giám đốc MEC, cũng bị truy tố cùng tội danh.

doanhnghiep2

Các tổ chức xã hội không phải là chủ thể của tội trốn thuế.

Theo cáo trạng, Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng MEC thành lập từ năm 2012 theo quyết định của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Doanh thu của trung tâm là các khoản tiền tài trợ hoặc nhận được từ các tổ chức trong và ngoài nước thanh toán hợp đồng thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Từ năm 2012 đến tháng 3/2021, MEC đã phát sinh doanh thu nhận tổng số tiền hơn 19 tỉ đồng. Tuy nhiên, mỗi lần trung tâm nhận được tiền tài trợ của các tổ chức, ông Lợi đều chỉ đạo giám đốc là Bạch Hùng Dương ký các chứng từ rút tiền và chỉ đạo nhân viên không lập hóa đơn giá trị gia tăng các dịch vụ, công việc đã thực hiện.

Bị can Lợi cũng chỉ đạo cấp dưới không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo quy định pháp luật, không lập báo cáo tài chính, không nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Tổng số tiền ông Mai Phan Lợi cùng đồng phạm trốn thuế gần 2 tỉ đồng.

Tuy nhiên đúng như cách đặt vấn đề của bài viết "Nhà báo Mai Phan Lợi và luật gia Đặng Đình Bách bị bắt vì EVFTA ", thì ở đây các tổ chức xã hội không phải là cá nhân, không phải là pháp nhân thương mại nên Bộ luật hình sự không điều chỉnh. Các tổ chức xã hội không phải là chủ thể của tội trốn thuế.

Thông thường luật sư bào chữa cho các trường hợp này là việc truy tố sai "chủ thể của tội phạm" chứ không phải là các hành vi của pháp nhân. Nếu tình trạng này không chấm dứt thì sẽ còn nhiều oan sai, nhiều người bị kết án tuỳ tiện.

Chỉ khác nhau mỗi chữ "phi" thì luật đã khác hẳn

Nếu như đây là pháp nhân thương mại có dấu hiệu phạm tội trốn thuế, thì theo khoản 5 của Điều 200 Bộ luật hình sự tu chỉnh năm 2017, "Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau :

a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng ;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng ;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm ;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn ;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm".

Theo quy định tại Điều 13 của Luật Doanh nghiệp 2020, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên xin lưu ý, Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng MEC thành lập từ năm 2012 theo quyết định của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, là một tổ chức pháp nhân phi thương mại.

Hình sự hóa một quan hệ dân sự cho ý đồ chính trị

Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về pháp nhân phi thương mại như sau :

"Điều 76. Pháp nhân phi thương mại

1. Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận ; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan".

Khác với pháp nhân thương mại có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận thì pháp nhân phi thương mại có nhiều mục đích khác nhau tùy thuộc vào từng loại pháp nhân phi thương mại cụ thể nhưng đây là những pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc trong quá trình hoạt động của pháp nhân phi thương mại thì không có phát sinh lợi nhuận. Lợi nhuận của pháp nhân phi thương mại không được chia cho các thành viên.

Pháp nhân phi thương mại bao gồm : Các cơ quan nhà nước : Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có chức năng quản lý nhà nước thuộc Chính phủ ; ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân… ;

Đơn vị vũ trang nhân dân : Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ ; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.

Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với pháp nhân thương mại, thì luật áp dụng sẽ là Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Còn đối với pháp nhân phi thương mại thì luật áp dụng sẽ là Bộ luật dân sự, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nói ngắn gọn, các tổ chức xã hội không phải là chủ thể của tội trốn thuế.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 09/12/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hà Nguyên, Hoài Nguyễn
Read 313 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)