Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/12/2021

Mỗi bản án chính trị là điểm nối tan vỡ của chế độ

Tuấn Khanh

Phạm Đoan Trang có phải là chương sách cuối cùng ?

Cánh Cò, RFA, 14/12/2021

Thường khi bắt một người phải biết rõ người ấy vi phạm pháp luật ở điểm nào và bằng chứng phải đủ thuyết phục mới có thể mang người ấy về tạm giam để điều tra thêm chứng cứ hay đồng phạm. Chính quyền Việt Nam nhiều năm qua đã làm khác mọi luật lệ phổ quát trên thế giới bằng cách dựa vào những điều họ tự đặt ra, vượt qua hiến pháp và luật pháp nhằm mục đích có thể bắt giữ một ai đó có thái độ chống đối chính quyền, bất kể người ấy có bạo động hay không.

chuongsach0

Người dân đã quá quen với cách hành xử vượt qua luật pháp để tạo chứng cứ nhằm bắt một ai đó có hành vi mà chính quyền lo sợ. Cả gia đình bà Cấn Thị Thêu bị giam giữ trong thời gian qua cho thấy độ dã man của chính quyền Hà Nội là đáng lên án khi chính quyền một lúc bắt cả ba mẹ con giam giữ mà không cần xét xử trong một thời gian dài. Người dân không nói ra vì nhiểu nỗi, nhưng chắc chắn trong tâm tư mỗi người đều đặt câu hỏi về tính chính danh của chính quyền có hợp pháp hay không khi mang người dân vào tù không bằng luật pháp mà bằng súng đạn và một mớ luật lệ mơ hồ, áp đặt.

Người dân không thể nổi loạn, không thể biểu tình, cũng không thể phản biện một cách triệt để trên mạng xã hội vì họ biết chính quyền này không nhượng bộ cho bất cứ ai có tư tưởng chống lại những sai trái mà chính quyền đang phạm phải. Nhưng bảo người dân hoàn toàn không chú ý tới những oan khiên mà chính quyền mang lại cho dân chúng là điều ảo tưởng. Người dân lúc nào cũng canh cánh gạo cơm một lẽ nhưng oan khuất, man trá chung quanh thì họ không thể không quan tâm. Chính quyền không thể đe nẹt làm cho lương tâm của họ bất động, ít nhất họ bàn bạc, lên án và biểu tỏ sự bất mãn trong phạm vi mà họ có thể. Một ngày nào đó khi phạm vi bất bạo động này lan ra, lúc ấy không một sức mạnh của chính quyền nào chống lại nỗi. Thế giới đã có quá nhiều bài học nhưng xem ra Việt Nam vẫn xem thường và ngủ quên trên bạo lực cách mạng, vốn chỉ áp dụng cho quân thù chứ không thể áp dụng cho chính người dân, những người từng bảo vệ bao che cách mạng những ngày đầu của bạo lực.

Vì ngủ quên và tưởng rằng súng đạn luôn luôn đúng khi dùng để áp chế những tư tưởng tự do nên Hà Nội không ngại ngùng gì đáp trả những yêu cầu của mọi tổ chức nhân quyền trên thế giới về hành xử bất công mà chính quyền áp dụng vào con dân của mình. Hà Nội tiếp tục theo đuổi chính sách im lặng trước mọi yêu sách và im lặng thực hiện hành vi đàn áp người bất đồng chính kiến bất kể sự đàn áp ấy bị lên án, tố cáo trước dư luận quốc tế. Việt Nam tin rằng không một đất nước nào bỏ thời giờ tiển bạc ra cho một tù nhân, bất kể tù nhân ấy nổi tiếng như thế nào trước dư luận quốc tế.

Từ chính sách ấy, hàng chục tù nhân đã bị giam giữ một cách trái với pháp luật, thứ mà chính quyền luôn đưa ra bao che cho hành động phản pháp luật của mình. Cách mà Hà nội trả lời báo chí ngoại quốc cho thấy Hà Nội không hề nhân nhượng bất cứ ai đe dọa nền tảng cai trị của họ, một nền tảng dựa trên sức mạnh và đàn áp dân chủ, tự do. Mọi nỗ lực tuyên truyền vể dân chủ chỉ là tấm khiên che đậy mánh lới chính trị mà nhà nước Việt Nam luôn theo đuổi.

Phạm Đoan Trang là một người đang bị nhà nước Việt Nam trả thù, đúng, trả thù vì bà đã ngang nhiên thách thức sức mạnh mà Đảng cộng sản Việt Nam luôn tự hào.

Bà không im lặng như 90 triệu người dân Việt Nam. Bà lên tiếng bằng ngòi bút qua những tác phẩm khai sáng trí tuệ dân chúng về vấn đề chính trị. Bà biến chữ viết trở thành vũ khí để trang bị cho người dân, mặc dù chưa ai cảm thấy rằng đọc sách của bà là một cách tiến gần đến quyền lợi mà thượng đế giao phó cho con người. Quyền lợi đó bao gồm quyền được sống, được lên tiếng phản biện những phép tắc có hại cho dân chúng, được bày tỏ ý kiến cá nhân một cách ôn hòa và được chống lại những gì mà chính phủ sai trái.

Tác phẩm "Chính trị bình dân" mà bà viết ra không nhằm bán kiếm tiền, không nhằm đánh bóng tên tuổi cũng không nhằm làm một tấm thông hành giúp bà thỏa mãn ước vọng sang một nước khác tỵ nạn chính trị. Phạm Đoan Trang viết cuốn sách này trong nhiều năm, nhiều chỗ và dĩ nhiên rất nhiều hạn chế từ phía chính quyền. Cuốn sách được in chui và nó làm chính quyền sợ hãi hơn là bực bội.

Sự sợ hãi gắn liền với lòng tự tôn đã đẩy Hà Nội vào chỗ không còn lựa chọn nào khác là bắt Phạm Đoan Trang vào tù cho thỏa mãn tự ái, nhưng sau vài tuần lễ giam giữ bà, chính quyền đối diện với sự sợ hãi đang quay trở lại. Lần này, sợ hãi đến từ dư luận, từ những bài viết đanh thép bào chữa cho bản thân người bị bắt và ngay cả trong chính quyền đã không ít người tỏ ra bực mình khi Hà Nội cương quyết giam giữ Phạm Đoan Trang mà không phân biệt tính cách nguy hiểm của bà và cuốn sách mà bà đã xuất bản.

Chính sự bắt bớ tác giả đã làm cho cuốn sách nổi tiếng hơn vì những gì bà Đoan Trang chứng minh trong đó hiện rõ lên hành vi bắt người trái phép của Hà Nội. Nó như một minh chứng khách quan, một sự thật không thể che giấu và nhất là hành trình của cuốn sách từ lúc bà Trang bị bắt đã đi xa hơn, lan tỏa rộng hơn, và nhất là nhiều người tìm xem hơn.

Tác động của việc bắt giữ tác giả một cuốn sách làm cho chính quyền ngày càng khó đối phó với dư luận hơn mặc dù chưa bao giờ họ tỏ ra sợ dư luận cả. Nhưng chính trị cũng như thời tiết, chưa bao giờ nó đứng yên một chỗ cho nhà cầm quyền an hưởng thái bình trên nỗi đau của nhân dân. Khi thời tiết thay đổi, lúc nhân dân tìm nơi trú ẩn cũng là lúc chính quyền đối diện với bão tố đến từ tác động trong hay ngoài nước tùy thuộc vào khuynh hướng thay đổi của chính trị thế giới.

Mới đây nước Mỹ tổ chức ngày thảo luận về nhân quyền của các nước khắp thế giới mà trong đó những nước có thành tích chà đạp nhân quyền như Trung Quốc, Nga và Việt Nam bị cạch mặt.

Hà Nội sẽ cho rằng đây là một hội nghị thiếu khách quan, nhưng cả thế giới lại hiểu ngược lại, Việt Nam bị đạp ra khỏi ngày thảo luận vì một lẽ rất đơn giản, họ xem dân chúng của họ là những con thú, muốn giam giữ, đầy đọa hay thậm chí giết thịt lúc nào cũng được miễn sao chế độ vững bền.

Không có gì vững bền trong đời sống chính trị cả. Hôm nay Hà Nội bắt giam dân chúng thì một lúc nào đó dân chúng sẽ quay lại bắt giam họ mà thôi.

Cái ngày mà người cầm quyền hôm nay phải đứng trong vành móng ngựa không xa như họ nghĩ. Thế giới thu hẹp dần và mọi diễn biến xảy ra chớp nhoáng không thể ngờ tới, nhất là lịch sử, không có gì cản được vết xe của nó, kể cả bạo lực cách mạng.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 14/12/2021

*********************

Mỗi bản án chính trị là điểm nối tan vỡ của chế độ

Tuấn Khanh, SaigonnhoNews, 14/12/2021

Bản án chín năm của nhà báo Phạm Đoan Trang không khác gì những tiếng chuông cuối, báo sự rã rời của chế độ về sự mâu thuẫn khôn cùng : Sự khao khát chính danh trên trường quốc tế và cách kiểm soát quốc gia theo kiểu bàn tay sắt của thời Xô-viết cũ.

trang1

Suốt trong nhiều năm nay, Hà Nội đã làm mọi cách để chứng minh tính chính danh của mình, đặc biệt sau 1995, khi người Mỹ bỏ cấm vận. Chính danh để xóa mờ ý nghĩa khác của sự kiện thống nhất Việt Nam sau năm 1975 – mà Hà Nội gọi là "giải phóng", còn dư luận thế giới thì gọi là "cưỡng chiếm".

Để được tính chính danh, ung dung đối diện với thế giới, và kể cả cựu thù là nước Mỹ, nhà nước Việt Nam đã âm thầm nỗ lực rất nhiều thứ, kể cả việc nhận trả luôn 140 triệu USD phần nợ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã mượn chính phủ Hoa Kỳ để xây dựng các hệ thống hạ tầng quốc gia. Xin tham gia vào WTO, Hà Nội đã phải bước qua các tranh cãi về tính lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản, chấp nhận mở lại các không gian tự do tôn giáo, thả bớt tù chính trị…

Hiểu rõ chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là tấm bình phong mong manh trước thời đại mới, và không thể cứ là phần nối dài của anh cả Trung Quốc, nhiều năm nay Việt Nam cố gắng ra mặt trong các vai trò của khối Asean, tổ chức hội nghị quốc tế, xuất hiện nhiều trong các chương trình của Liên Hiệp Quốc. Đỉnh điểm mới, là việc ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Nhưng với những điều luật mơ hồ và ngớ ngẩn như điều 117, 331… và vô số các chi tiết khác để kềm hãm con người và đất nước Việt Nam trong sự kiểm soát bằng công an, quân đội và hệ thống tòaán giả hình, chính Hà Nội đang tự hủy diệt tính chính danh của mình từng ngày, hay nói đúng hơn là qua các phiên tòanhư sân khấu hiện nay. Việc tổ chức làm khó, ngăn cản người bào chữa với thân chủ, hành hạ người bị giam giữ… và cuối cùng là tổ chức những phiên xử như phường tuồng với những mức án nặng, mỗi ngày càng làm nhơ nhuốc bộ mặt của chế độ trước quốc tế.

Hà Nội hiểu điều đó không ? Chắc chắn là có, vì trong các cuộc đánh nhau ở tầng lãnh đạo cấp cao, Tháng Ba 2007, bức hình linh mục Nguyễn Văn Lý bị mật vụ thường phục bịt miệng trước tòa đột ngột xuất hiện trước thế giới – điều mà không có báo nào của nhà nước Việt Nam dám đăng – từ chỗ mà không có một thường dân nào có thể giơ máy lên chụp như vậy, cho thấy chỉ có trò cố ý làm bẽ mặt nhau vào lúc chủ tịch nhà nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đi công du Hoa Kỳ và đến Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Khi báo chí quốc tế nhân dịp đó, cụ thể là đài CNN, đã phỏng vấn ông Triết về bức hình này. Sau đó, ông Triết đã tự giải thích rằng "cho rằng trong lúc xét xử ông Lý có những lời lẽ thô bạo, chửi bới chính tòa nên đã xảy ra chuyện bịt miệng nhưng hành động này là không tốt, không đúng, là sai sót của một nhân viên bình thường không phải là chủ trương của nhà nước và việc này sẽ bị xử lý". Trong ngôn luận, có thể thấy ông Triết đang làm mọi cách để bảo vệ cho tính chính danh của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang lao ra thế giới phương Tây để tìm một chỗ đứng.

Nên nhớ, sau khi cuộc chiến kết thúc năm 1975, Hà Nội không cần thể hiện tính chính danh với phương Tây. Dựa lưng vào khối chủ nghĩa xã hội, những người cộng sản cầm súng có ngôn luận riêng của mình. Trong cuộc họp báo ở Paris cuối Tháng Tư năm 1977, khi được báo chí phỏng vấn chuyện lùa hàng trăm ngàn người của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ra "học tập ngắn ngày" rồi đưa đi giam giữ không án, Thủ tướng lúc ấy là ông Phạm Văn Đồng quả quyết những trại cải tạo là "sự thể hiện cực kỳ nghiêm túc quan niệm nhân quyền" của Việt Nam và có mục đích giúp những người "phạm tội ác tày trời" trở về với cuộc sống bình thường. Chỉ tay vào giới phóng viên quốc tế, ông Phạm Văn Đồng trợn mắt, kết luận rằng "các người còn muốn gì nữa ?".

Nhưng sau 1990, mọi thứ đã khác. Tính chính danh là sự phấn đấu miệt mài của chính quyền Việt Nam, bao gồm luôn cả các quan chức cộng sản cũng tìm cách thể hiện sự gần gũi của mình với thế giới bằng cách thỉnh thoảng cho thấy việc nói đôi chút tiếng Anh, chứ không hề giới thiệu mình sành sõi tiếng Nga hoặc tiếng Trung.

Nhưng chỉ ít thời gian sau, cái gọi là "không phải chủ trương của nhà nước" của chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã không còn ở tư thế bào chữa cho bộ mặt một chế độ. Căn tính độc tài cùng sự chiếm lĩnh quyền lực quốc gia của Bộ Công an, được hậu thuẫn phe lý thuyết cộng sản bảo thủ, đã biến những điều như trò bịt miệng bằng luật. Mọi thứ đã tiến dần từ chuyện bảo vệ an ninh quốc gia đến bảo vệ danh tính của các nhà lãnh đạo cao, thấp.

Nhà báo Phạm Đoan Trang đã phạm những tội quốc gia lớn đến mức nào, mà phải bị biệt giam điều tra cả năm trời, không cho gặp luật sư hay người thân ? Hay đó là cách luật hóa chuyện tra tấn tinh thần, cô lập và hành hạ để dẫn dắt người bị khởi tố vào chỗ dễ dàng thỏa hiệp hay nhận tội ? Trò biệt giam rồi bỏ mặc các tình trạng khó khăn thể chất, liệu có là một loại "luật" của nhà nước Việt Nam ?

Dù có luật định là phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi sẽ được hoãn thi hành án hoặc không bị giam giữ điều tra, nhưng Việt Nam đã từng có cô Đoàn Thị Hồng, có con nhỏ vẫn bị biệt giam – không thông báo gì cho gia đình – cho đến ngày ra án. Mới đây, cô Huỳnh Thục Vy cũng bị ép thi hành án, dù còn đến nửa năm nữa tại ngoại theo đúng luật của chính nhà nước Việt Nam ban hành.

Nhà tranh đấu Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực, chỉ đòi được trả lời việc thi hành luật đúng như đã ghi trong sách, nhưng cả một hệ thống chọn im lặng vì không đủ khả năng trả lời bằng luật. Trại giam thì tìm cách giữ lại thư gửi cho các cơ quan, như kiểu bịt miệng linh mục Nguyễn Văn Lý.

Chẳng phải những bản án quyết tuyên, và gần đây là Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Lê Trọng Hùng, Đỗ Nam Trung… là những điểm tan vỡ rất rõ của bộ mặt chính danh, mà chế độ đã và đang cố gắng nỗ lực sao ? Tất cả những lời cam kết với quốc tế, tất cả những khát vọng đưa Việt Nam vào thế giới văn minh của nhiều thế hệ quan chức thầm lặng của Hà Nội đã bị phản bội không ít khi mọi thứ hôm nay hỗn loạn hơn, rừng rú hơn. Và đặc biệt khi tráo trở hơn với thế giới : Lớp son phấn chính danh của một chế độ có phải đang trôi tuột ?

Nói với điều tra viên, Phạm Đoan Trang nhấn mạnh từng chữ "Bắt giam một người viết đã là một tội ác. Bắt giam một người viết tàn tật là một trọng tội". Nhân dân như vậy đó, vẫn đứng cao hơn một bậc, vẫn cao quý hơn một chế độ, họ vẫn nói để cảnh báo về những tội ác của nhà cầm quyền, và sẵn sàng đi tù để dành thời gian chứng nghiệm sự rơi rụng của phần trang điểm chính danh và bước ra, sống mãi trong lòng dân tộc.

Dĩ nhiên, với cái cách liên tục và điên cuồng tự hủy diệt mình như hiện nay, với các phiên tòa vô nghĩa, Viện Kiểm sát, Bộ Công an toa rập với nhau, ngày tính chính danh của chế độ không còn chắc cũng không còn xa.

Tuấn Khanh

Nguồn : SaigonnhoNews, 14/12/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tuấn Khanh
Read 386 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)