Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/12/2021

Sức mạnh Trung Quốc trước lúc hoàng hôn ?

Hiroyuki Akita - Thanh Hà

Bắc Kinh thực sự "nguy hiểm" đến mức độ nào để trở thành tâm điểm của cả ngành tình báo Anh lẫn Hoa Kỳ ? Trong bài "Trung Quốc đã qua mặt phương Tây hay đã bắt đầu xuống dốc ?" của nhà bình luận Hiroyuki Akita trên báo Nikkei Asia, ngày 10/12/2021, nêu bật nhiều yếu tố cho phép giải đáp phần nào câu hỏi này.

china1

Trình diễn xếp hình trong chương trình gala nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 28/06/2021. AP - Ng Han Guan

Lãnh đạo cơ quan tình báo Anh MI6, Richard Moore báo động : "Tình báo Trung Quốc có khả năng lợi hại và sẽ tiếp tục tiến hành những chiến dịch dọ thám ở diện rộng nhắm vào Anh Quốc và đồng minh" của Luân Đôn. Trước đó, tháng 10/2021, cơ quan tình báo Hoa Kỳ lập hẳn một đơn vị chuyên trách về Trung Quốc. Đó là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của ngành tình báo Trung Quốc đủ lớn mạnh để có thể thách thức cả MI6 lẫn CIA. Có điều giới quan sát bắt đầu đặt câu hỏi : liệu rằng bức tường thành kiên cố của Trung Quốc vững chắc tới mức độ nào ? Bắc Kinh có thể tiếp tục thực hiện giấc mơ trở thành siêu cường số 1 thế giới vào ngưỡng 2050 ?

Tác giả điểm lại hai bài viết đăng trên tạp chí Mỹ Foreign Policy trong thời gian gần đây với nội dung có vẻ mâu thuẫn. Bài thứ nhất được công bố hôm 24/09/2021 mang tựa đề "Trung Quốc là một cường quốc đang tuột dốc –và đó là một vấn đề" ? Các đồng tác giả giải thích sự "đổ dốc này bắt nguồn từ việc Trung Quốc phải đối mặt với một loạt các vấn đề, từ hiện tượng lực lượng lao động giảm sụt đến mức độ lệ thuộc càng lúc càng lớn vào nhập khẩu năng lượng và lương thực của thế giới. Chính vì ý thức được là đang đứng trước lúc hoàng hôn đó, cho nên Bắc Kinh lại càng thiên về giải pháp thôn tính Đài Loan bằng sức mạnh quân sự" trước khi Mỹ giúp Đài Bắc củng cố hệ thống phòng thủ.

Kế tới, bài tham luận thứ nhì đăng trên tạp chí này hôm 21/11/2021 có giọng điệu khác hẳn qua hàng tựa "Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn tin rằng đang làm chủ tương lai" : giới lãnh đạo Bắc Kinh vẫn cam chắc là Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ về mặt chiến lược nhờ tăng trưởng kinh tế "mạnh hơn, nhanh hơn" so với Mỹ.

Vậy biết tin ai bây giờ ?

Trong hai bài viết đăng trên cùng một tạp chí và trong thời gian khá ngắn, bài nào gần với sự thật hơn ? Hiroyuki Akita lưu ý, trước mắt, kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng dù có bị chậm lại và theo tính toán của trung tâm nghiên cứu Nhật Bản (JCER), GDP Trung Quốc vẫn có triển vọng "qua mặt" Hoa Kỳ vào ngưỡng 2028 và cũng đã bắt đầu vượt qua cả Mỹ trong một số lĩnh vực công nghệ cao, kể cả trong ngành viễn thông hay trang thiết bị theo dõi.

Tuy nhiên bên cạnh đó, Trung Quốc gặp hai trở ngại "từ bên trong" : dân số Trung Quốc đang trên đà lão hóa và bất bình đẳng giàu nghèo. Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn tin rằng sẽ duy trì được ổn định xã hội nhờ các biện pháp theo dõi càng lúc càng tối tân đã được triển khai ở diện rộng.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Nhật Bản chuyên quan sát tình hình Trung Quốc Wu Junhua thậm chí nhắc lại, "hàng chục triệu người đã chết trong những thập niên 1950-1970 vì bước Đại Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa vậy mà Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn tồn tại". Giờ đây với những công cụ kiểm duyệt và theo dõi tinh vi và lợi hại hơn, "không có lý do gì để giới lãnh đạo ở Bắc Kinh phải lo sợ".

Dù vậy tác giả bài báo đưa ra một cách giải thích khác. Hiroyuki Akita nói đến một sự "tuột dốc về lâu về dài" và ở một tiến độ rất chậm, do "không một nhà lãnh đạo nào đủ khả năng giải quyết những vấn đề thách thức Trung Quốc".

Những vấn đề đó gồm : yếu tố dân số. Theo một số dự báo, dân số Trung Quốc bắt đầu sụt giảm. Vấn đề thứ hai là hệ thống theo dõi người dân qua các công cụ kỹ thuật số khiến Trung Quốc ngày càng bị lệ thuộc vào "không gian mạng". Vụ nữ vận động viên quần vợt Bành Súy mất tích vừa qua cho thấy, Trung Quốc không còn có thể kiểm soát và bưng bút thông tin ở thời buổi công nghệ số.

Do vậy, vẫn theo tác giả bài viết, những chia rẽ trong xã hội tại Trung Quốc "không phải là không có" tuy không thể hiện một cách rõ rệt như tại Hoa Kỳ hay các nền dân chủ khác trên thế giới. Tại một quốc gia dân chủ, người dân dùng lá phiếu để buộc một chính phủ phải ra đi. Tại Trung Quốc, nếu không còn thâu phục được lòng dân, chế độ sẽ "sụp đổ" và cũng chính vì muốn tránh để xảy ra kịch bản tai hại đó, "rất có thể giới lãnh đạo Bắc Kinh đưa ra những quyết định táo bạo".

Lãnh đạo Bắc Kinh mất đi sự sáng suốt

Nói cách khác thái độ hung hăng của Bắc Kinh là dấu hiệu báo trước Trung Quốc đã bắt đầu bước vào giai đoạn "xuống dốc" như nhà chiến lược người Mỹ, Edward Luttwak (giảng dậy tại đại học Johns Hopkins) ghi nhận : "cho đến 2009 Trung Quốc tỏ ra hòa hoãn trong quan hệ với Úc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác (…) nhưng rồi những khó khăn nội bộ trở nên nghiêm trọng hơn khiến giới lãnh đạo Trung Quốc mất đi sự sáng suốt".

Nhà cựu ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan nêu lên một nghịch lý : "Đảng cộng sản Trung Quốc vừa rất tự tin vừa trong tâm trạng bất an", bởi lịch sử Trung Hoa đã cho thấy, "nếu như mọi chuyện vuột khỏi tầm kiểm soát thì đó sẽ là là hồi kết của một triều đại". Chính nghịch lý vừa "đầy tự tin và trạng thái bất an đó" khiến phân tích về thái độ của Bắc Kinh càng thêm "phức tạp".

Quá tự tin vào tương lai, Trung Quốc sẽ "thừa thắng xông lên" để áp đặt luật chơi với thế giới. Trong kịch bản ngược lại, nếu cảm thấy là "không còn gì để mất" thì Đảng cộng sản nước này sẽ sử dụng đến những lá chủ bài cuối cùng. Tác giả bài báo trên tờ Nikkei Asia, Hiroyuki Akita, kết luận : "Trong mọi trường hợp, Bắc Kinh là một thách thức đối với phần còn lại của thế giới".

Thanh Hà (tóm lược)

Nguồn : RFI, 14/12/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hiroyuki Akita, Thanh Hà,
Read 443 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)