Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/12/2021

Trung Quốc muốn gia nhập Hiệp ước chống vũ khí hạt nhân của ASEAN

Lê Đông Hải

Thấy gì qua việc Trung Quốc đề nghị gia nhập Hiệp ước chống vũ khí hạt nhân của ASEAN

Trung Quốc sốt sắng đề nghị tham gia SEANWFZ

Tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Trung Quốc diễn ra vào ngày 22 tháng 11 năm 2021, để kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẵn sàng ký Nghị định thư về Khu vực Đông Nam Á Không Vũ khí Hạt nhân (Southeast Asia Nuclear Weapon Free Zone - SEANWFZ) (1).

gianhap1

Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc ở Thanh Đảo hôm 23/4/2019 - Photo : RFA

SEANWFZ, còn được gọi là Hiệp ước Bangkok, được ký kết vào ngày 15 tháng 12 năm 1995 và có hiệu lực vào ngày 28 tháng 3 năm 1997. Theo Hiệp ước này, 10 quốc gia ASEAN từ bỏ quyền sở hữu vũ khí hạt nhân dưới mọi hình thức trong khu vực. Nếu tham gia hiệp ước này, Trung Quốc sẽ đồng ý không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong khu vực hoặc nhắm vào các nước thành viên. Điều này sẽ khiến Trung Quốc trở thành quốc gia có vũ khí hạt nhân đầu tiên tuân thủ Hiệp ước Bangkok.

Thái độ số sắng này của Trung Quốc thật đáng ngờ vực. Từ khi SEANWFZ ra đời, Trung Quốc đã nhiều lần tỏ ý muốn tham gia Hiệp ước này, nhưng thực tế là vẫn chưa tham gia. Lần gần đây nhất, vào năm 2012, Trung Quốc đã tuyên bố công khai ý định tham gia Hiệp ước này, nhưng rồi lại thay đổi ý định vào phút chót (2).

Hiệp ước SEANWFZ bao gồm hai yếu tố đặc biệt, khác hẳn với các hiệp định khác về Khu vực Không vũ khí hạt nhân (NWFZ) hiện có trên thế giới, bao gồm : 1) khu vực địa lý áp dụng bao gồm cả thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các bên tham gia (3) ; và 2) đảm bảo an ninh, ngụ ý các nước có vũ khí hạt nhân (NWS) cam kết sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại bất kỳ Quốc gia ký kết hoặc Bên tham gia nào trong khu vực áp dụng.

Theo đó, "Hiệp ước này và Nghị định thư của nó sẽ áp dụng cho các vùng lãnh thổ, lục địa và EEZ của các Quốc gia thành viên trong Khu vực mà Hiệp ước có hiệu lực" (4).

Gần như cả thế giới đều biết tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Quốc gia này bên cạnh việc đưa ra một "yêu sách đường lưỡi bò" không có cơ sở nào trong luật quốc tế, còn diễn giải Công ước Luật biển theo cách của riêng họ. Các phát biểu của giới chức Trung Quốc về vấn đề này là một "mớ thập cẩm" gồm cả "quyền lịch sử" trong "đường lưỡi bò" với các diễn giải về EEZ và thềm lục địa theo cách "mình Trung Quốc hiểu."

Tham gia SEANWFZ, liệu Trung Quốc có bị hạn chế sức mạnh hạt nhân ?

Trước đây, lo ngại về các vấn đề liên quan đến diễn giải UNCLOS về EEZ và thềm lục địa có thể gây nên những tác hại cho tham vọng của mình ở biển Đông, Trung Quốc đã không tham gia SEANWFZ. Thế nhưng, bây giờ, mọi việc có vẻ đã khác trước.

Đầu tiên, cho đến nay, việc sử dụng vũ khí hạt nhân rất hạn chế, chỉ mang tính răn đe. Nếu khơi mào cho một cuộc chiến tranh hạt nhân thì đó sẽ là "cuộc chiến tranh tự sát" cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Do đó, việc Trung Quốc luôn khẳng định : "không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào những nước không sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc các khu vực không có vũ khí hạt nhân một cách vô điều kiện" (5). khiến điều này không có ý nghĩa nhiều trong thực tế.

Tiếp theo, nếu xét các hành động của Trung Quốc đối với luật quốc tế thì chúng ta có thể nhận thấy, Trung Quốc không phải là quốc gia giữ lời hứa. Các hành động hung hăng trên biển Đông của Trung Quốc, cùng với việc dễ dàng phá bỏ các lời hứa đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa "không quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông" (6), cộng với việc Trung Quốc phớt lờ, thậm chí tấn công lại Phán quyết của TòaTrọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc là bằng chứng. Tất cả những điều đó cho chúng ta thấy Trung Quốc dễ dàng phá bỏ các cam kết của mình như thế nào. Rất có thể Trung Quốc cũng sẽ triển khai vũ khí hạt nhân tại các đảo nhân tạo trên Biển Đông mà Trung Quốc đã quân sự hóa trước đó.

Thêm nữa, trong SEANWFZ có quy định : "Không có quy định nào trong Hiệp ước này làm phương hại đến các quyền hoặc việc thực hiện các quyền này của bất kỳ Quốc gia nào theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đặc biệt liên quan đến quyền tự do trên biển cả, quyền đi qua không gây hại, các tuyến đường biển của quần đảo hoặc lối đi quá cảnh của tàu thuyền và máy bay, và phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc" (7).

Với quy định này, các tàu thuyền hoặc máy bay có vũ khí hạt nhân vẫn có thể đi qua khu vực này mà không có bất kỳ sự cản trở, miễn phù hợp với UNCLOS. Do đó, SEANWFZ sẽ không làm ảnh hưởng gì đến sức mạnh hạt nhân của của Trung Quốc trong khu vực.

Mục đích thực sự của Trung Quốc khi muốn tham gia SEANWFZ

Việc tham gia SEANWFZ sẽ giúp đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang mở rộng nhanh chóng các năng lực hạt nhân. Một báo cáo của Lầu Năm Góc mới đây cho biết Trung Quốc đang tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình vào năm 2030 lên ít nhất 1.000 đầu đạn, gấp năm lần so với trước đây (8).

Mùa hè vừa qua, giới quan sát cũng đã phát hiện ra rằng Trung Quốc đang xây dựng hàng trăm hầm chứa tên lửa mới, qua đó có thể tăng gấp đôi quy mô kho vũ khí tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và đưa Trung Quốc rời xa học thuyết răn đe hạt nhân tối thiểu (9). Trung Quốc cũng đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng mang hạt nhân được thiết kế để né tránh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (10).

Một vấn đề lớn hơn trong tính toán của Trung Quốc đó là đối phó với liên minh AUKUS giữa Mỹ, Vương quốc Anh và Australia. Theo thoả thuận được công bố hồi tháng 9/2021 này, Mỹ và Anh đã đồng ý trang bị cho Australia một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trung Quốc coi AUKUS là đối nghịch với lợi ích của mình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, Trung Quốc đã cố gắng gieo rắc tâm lý sợ hãi trong khu vực. Ví dụ, các bài bình luận trên tờ Thời Báo Hoàn Cầu cho rằng hiệp ước AUKUS đang "đe dọa sự hình thành khu vực không có vũ khí hạt nhân trong khu vực" (11).

Thêm nữa, Trung Quốc luôn muốn đẩy các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, ra khỏi khu vực Biển Đông, để Trung Quốc sẽ làm bá chủ khu vực này. Chính vì vậy, Bắc Kinh sẽ tận dụng SEANWFZ để chia rẽ mối quan hệ giữa các nước thành viên ASEAN và Mỹ - đối tác hàng đầu của AUKUS và là nước phản đối mạnh mẽ nhất hiệp ước của Đông Nam Á trong nhóm P-5.

Chính vì vậy, các nước ASEAN cần tỉnh táo trước động thái này của Trung Quốc. Những quốc gia đang có mối quan hệ tích cực với Mỹ như Việt Nam luôn cần tới sự có mặt của Mỹ như một đối trọng để kiềm chế các hành động hung hăng của Trung Quốc tại đây, cần phải có những hoạt động cụ thể để thuyết phục các thành viên còn lại của ASEAN đối với các vấn đề này. Việt Nam và ASEAN đều thể hiện quan điểm không muốn chọn bên, nhưng như vậy không có nghĩa là đứng ngoài trong các vấn đề quan trọng sát sườn này của chính ASEAN.

Lê Đông Hải

Nguồn : RFA, 13/12/2021

Tham khảo :

1. https://www.fmprc.gov.cn/eng/zxxx_662805/202111/t20211122_10451494.html

2. https://cils.ui.ac.id/wp-content/uploads/2019/09/Southeast-Asian-Nuclear-Weapon-Free-Zone-Treaty.pdf

3. https://asean.org/treaty-on-the-southeast-asia-nuclear-weapon-free-zone/, Điều 1 (a)

4. https://asean.org/treaty-on-the-southeast-asia-nuclear-weapon-free-zone/, Điều 1 (a)

5. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3153387/china-backs-no-first-use-nuclear-policy-calls-nations-cut

6. https://ge.usembassy.gov/chinas-empty-promises-in-the-south-china-sea/

7. https://asean.org/treaty-on-the-southeast--nuclear-weapon-free-zone/

8. https://www.theguardian.com/world/2021/nov/03/china-increasing-nuclear-arsenal-much-faster-than-was-thought-pentagon-says

9. https://thanhnien.vn/trung-quoc-dang-xay-gan-300-ham-chua-ten-lua-lien-luc-dia-post1397400.html

10. https://tuoitre.vn/financial-times-trung-quoc-bi-mat-thu-nghiem-ten-lua-sieu-thanh-vao-thang-8-20211017080900783.htm

11. https://www.globaltimes.cn/page/202109/1234742.shtml

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Đông Hải
Read 419 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)