Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Liệu Trung Quốc có lợi dụng tình hình Ukraine để gây chiến trong khu vực ?

Hà Hoàng Hợp, Diễm Thi, RFA, 28/02/2022

Trước khi Nga đem quân tấn công Ukraine, Tổng thống Nga đã tuyên bố với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về một mối quan hệ hợp tác chiến lược "không giới hạn" giữa hai nước. Truyền thông Trung Quốc còn nhấn mạnh hai nước "vai kề vai trong việc duy trì công lý trên thế giới". Một số chuyên gia lo ngại Trung Quốc sẽ lợi dụng tình hình chiến sự ở Ukraine hiện nay. Diễm Thi phỏng vấn Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Singapore) về việc này.

tqasean1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Brasilia, Brazil ngày 14 tháng 11 năm 2019 - Reuters

Diễm Thi :Thưa tiến sĩ, ngay sau khi Nga tấn công Ukraine, dư luận cho rằng, Trung Quốc có thể lợi dụng cơ hội này để tấn công một vài nước trong khu vực. Ông nhận định ra sao ạ ?

Hà Hoàng Hợp : Hiện nay, nhìn từ phía Trung Quốc, thì thấy mấy điểm như thế này :

Thứ nhất là họ không coi cái cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là một cuộc xâm lược. Thế thì cái điều ấy nó nói lên cái gì ? Nói lên rằng Trung Quốc và Nga đang cùng đi theo một thứ trật tự của "kẻ mạnh là nắm lẽ phải". Nó ngược lại với cái thứ trật tự giữa truyền thống và các quy tắc luật. Từ cái điểm này thì có thể thấy rằng, khi mà nước Nga tấn công xâm lược Ukraine thì Trung Quốc chắc chắn đã chuẩn bị xong việc - có thể là - tấn công Đài Loan.

Từ nhiều tháng nay thì chúng ta vẫn đưa ra cái giả thuyết rằng họ sẽ tấn công bất kỳ lúc nào nhưng cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ không tấn công Đài Loan trước khi có Đại hội Đảng của họ vào mùa thu tới. Có nghĩa là, theo cách nói này thì từ nay đến đại hội đảng vào khoảng tháng mười tới đây, tức là tám tháng nữa thì không xảy ra chuyện Trung Quốc tấn công Đài Loan hay một chỗ nào đó ở trong khu vực.

Thế nhưng, trong hoàn cảnh Nga tấn công Ukraine đã cho Trung Quốc một cơ hội có thể nói là ngàn năm có một, có thể tính toán làm sao mà nếu tấn công Đài Loan, thì phải thu hồi được Đài Loan. Tức là phải đánh sập được chính quyền của bà Thái Anh Văn và thống nhất Đài Loan về với Trung Quốc cách nhanh nhất.

Những tính toán này thì họ đã làm từ trước rồi, nhưng còn một số những khó khăn mà họ chưa xử lý được. Mà thật sự ra, cái khó khăn lớn nhất không phải là từ phía Đài Loan, mà là từ cái chính sách của Mỹ.

Chúng ta nhớ rằng nước Mỹ có một chính sách đối với Đài Loan rằng, nước Mỹ ủng hộ Đài Loan về mặt chủ quyền theo cái chính sách gọi là "Một Trung Quốc". Có nghĩa là không coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc. Trên đời này, chỉ có một Trung Quốc mà thôi. Đài Loan vì nó nhỏ cho nên nó là một phần của Trung Quốc. Nói như thế thì có nghĩa rằng Trung Quốc cũng có thể là một phần của Đài Loan !

Nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc và của các nước lớn đã đặt ra thì chỉ có dựa trên các biện pháp hòa bình mà thôi. Một khi xảy ra chiến tranh bằng bạo lực, thì Mỹ có thể can thiệp. Thế nhưng mà cái chữ "có thể can thiệp" của Mỹ thì thế giới người ta gọi là "chính sách mập mờ" của chính quyền Mỹ. Cái được của chính sách mập mờ này là nó là một thao tác răn đe, nhưng cái chỗ yếu của nó là tạo ra một cái rủi ro lớn, là Bắc Kinh có thể đánh Đài Loan bất kỳ lúc nào.

Diễm Thi : Thưa Tiến sĩ, làm thế nào để khắc phục sự ‘mập mờ’ hiện nay ?

Hà Hoàng Hợp : Để khắc phục cái sự mập mờ này thì vào chiều hôm qua, cựu Thủ tướng Nhật là ông Abe Shinzo đã tuyên bố rất rõ ràng. Ông nói rằng, ông kêu gọi chính quyền của ông Joe Biden phải bỏ cái chính sách này đi. Có nghĩa là phải tuyên bố rõ ràng rằng, một khi Đài Loan bị Trung Quốc tấn công quân sự, thì Mỹ sẽ đánh Trung Quốc để mà bảo vệ Đài Loan.

Với người Trung Quốc thì họ rất là lo ngại chuyện nếu lúc này nước Mỹ bỏ cái chính sách mập mờ đi, thì Trung Quốc sẽ khó mà có thể tấn công được Đài Loan.

Với quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật thì Nhật có một cái cầu nối như thế này : Tháng 11 năm ngoái, chính phủ Nhật ra một tuyên bố rất mạnh là rằng an ninh của Đài Loan tức là an ninh của Nhật Bản. Lý do vì cả chuỗi đảo chạy từ trên Hokkaido xuống đến đảo của Nhật gần Đài Loan nhất chỉ cách Đài Loan có 99 cây số thôi. Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan tức là nó đụng đến cái đảo đấy của Nhật, tức là tấn công Nhật. Khi đó Nhật sẽ phải đánh. Cho nên khẳng định an ninh của Đài Loan là an ninh của Nhật là một tuyên bố rất mạnh đủ để cho nước Mỹ nếu chưa đi đến một chính sách rõ ràng trong quan hệ với Đài Loan thì chính sách an ninh mới này của Nhật khắc phục cho người Mỹ sự chậm trễ đó.

Vì sao ? Vì nếu Trung Quốc đánh Đài Loan thì Nhật sẽ phải nhảy vào. Mà Mỹ lại là đồng minh của Nhật thì Mỹ bắt buộc sẽ phải nhảy vào.

Chuỗi logic của vấn đề nó nằm ở chỗ này mà chuỗi này bây giờ người Trung Quốc biết rất rõ.

Diễm Thi : Giả sử Trung Quốc tấn công Đài Loan thì theo ông, Trung Quốc phải hứng chịu hậu quả như thế nào ?

Hà Hoàng Hợp : Người Nhật đã nói rõ hơn nữa về chuyện nếu phải đánh thì họ sẽ đánh như thế nào. Người Nhật sẽ củng cố được hai sức mạnh. Thứ nhất là phòng thủ tên lửa. Thứ hai là khả năng phản công, có nghĩa, nếu bị tấn công thì Nhật sẽ đánh trả như thế nào ? Người Nhật nói luôn không giấu diếm là họ sẽ chủ động tấn công phá hủy các căn cứ quân sự của kẻ thù.

Bậy giờ quay lại vấn đề Trung Quốc. Với hoàn cảnh này thì rõ ràng Trung Quốc muốn đánh Đài Loan thì phải suy tính kỹ. Có hai khả năng Trung Quốc sẽ đánh Đài Loan ngay bây giờ : Một là tính nhầm rằng mình đang mạnh và Đài Loan đang yếu. Đánh là chết. Thứ hai, đánh mà không xong, mà để dây dưa thì cũng không thể hoãn đại hội đảng. Mà không thể hoãn đại hội đảng thì có khi nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc nó lật Tập Cận Bình. Đấy là cái Trung Quốc sợ nhất.

Bây giờ mình nói họ đang tính nhầm. Giả sự họ tính không nhầm, có nghĩa đánh và thắng luôn thì sao ?

Họ sẽ thắng trong vài chục giờ đầu tiên. Sau đó phản ứng của Đài Loan là một ; Nhật Bản là hai ; Mỹ là ba ; Úc là bốn ; Ấn Độ là năm sẽ không thể nào lường được. Do đó, kể cả Trung Quốc tính đúng thì họ cũng không có gì đảm bảo là chắc thắng. Cho nên sự vui mừng của Trung Quốc khi Nga đang xâm lược Ukraine sẽ không được lâu bởi tính kỹ ra thì đều là bất lợi cả.

Diễm Thi : Nếu Trung Quốc đánh Đài Loan thì rất có thể Trung Quốc cũng sẽ tấn công Trường Sa tại Biển Đông nơi Việt Nam đang giữ hơn 20 đảo. Vậy theo ông, Việt Nam cần phải làm gì ?

Hà Hoàng Hợp : Tóm lại, kể cả tính đúng hay tính sai thì vẫn có khả năng Trung Quốc có thể đánh Đài Loan bất kỳ lúc nào. Khi Trung Quốc đánh Đài Loan thì họ sẽ đồng thời đánh luôn Trường Sa. Trường Sa bây giờ có 27 điểm mà Việt Nam đang giữ. Họ sẽ đánh hết vì nó gần họ. 27 điểm này nó chỉ là tượng trưng thôi. Nó mấy nhà giàn bằng sắt, bằng thép dựng lên nhưng ở trên có cắm cờ Việt Nam, khẳng định chủ quyền Việt Nam ở đó. Nếu Trung Quốc tấn công, phá hủy hay giết binh lính ở đấy, có nghĩa là gây chiến thì Việt Nam bắt buộc phải đánh lại có thể bằng tên lửa và có thể gây thiệt hại rất lớn cho Trung Quốc.

Đấy là một khả năng. Còn nếu họ không đánh Việt Nam mà chỉ đánh Đài Loan thì Việt Nam lại càng phải chuẩn bị để phòng thủ tốt hơn. Phòng thủ tốt nhất vẫn là chiến lược chống xâm nhập. Đặt ra các vùng cấm mà không ai có thể vào được. Vùng cấm của Việt Nam là bờ biển, là không phận, là những chỗ có nhà giàn. Phải quây lại để họ không vào được. Đấy là cái phòng thủ quan trọng mà không tốn kém lắm. Họ đã làm, còn làm tốt đến mức nào thì không ai nói được, nhưng mà đã làm. Và sự sẵn sàng của Việt Nam đơn giản là Việt Nam không cần phải năng lời với Trung Quốc, trong khi Trung Quốc rất nặng lời và có hành động phi pháp với Việt Nam.

Điều đó Việt Nam đã có một cái gì đó. Không thể nói chính quyền Việt Nam cũng mang tên Cộng sản mà lại phải sợ chính quyền Cộng sản Trung Quốc - một chính quyền đặt việc cướp lãnh thổ của nước khác trong đó có Việt Nam cao hơn lợi ích bề chính trị cũng như lợi ích về thức hệ.

Giữa Ukraine và Đài Loan có sự khác biệt rất lớn. Trung Quốc sẵn sàng nói ‘Đài Loan không phải Ukraine’ vì nó dùng một thứ quan niệm riêng gọi là nguyên tắc ‘một Trung Quốc’ nói rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc và bằng mọi cách Trung Quốc sẽ lấy về. Đấy là thái độ bá quyền của những kẻ cậy mình có sức mạnh, và từ sức mạnh nắm lẽ phải y như Nga đối xử với Ukraine bây giờ. Mà đối xử như thế là hoàn toàn dựa trên một sức mạnh bất chấp lẽ phải.

Như vậy, cái quan trọng nhất của những nước trong khu vực là cảnh giác đối với Trung Quốc. Cảnh giác bây giờ đang ở mức độ cao. Việt Nam thì rõ ràng chưa tham gia một cái gì về mặt quân sự hay quốc phòng với những nước như Ấn Độ, Nhật Bản hay Úc. Thế nhưng khi xảy ra chiến tranh thì chắc chắn tình hình sẽ phải khác, và Việt Nam khác hẳn Ukraine.

Diễm Thi : Cảm ơn Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp đã dành thời gian cho RFA

Diễm Thi thực hiện

Nguồn : RFA, 28/02/2022

**************************

Cuộc xâm lược của Ukraine có làm Trung Quốc mạnh bạo hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ?

Sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine trên quy mô toàn diện, các con mắt đang đổ dồn vào Trung Quốc để xem liệu Bắc Kinh có động thái cơ hội nào ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay không. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang theo dõi diễn biến ở Ukraine một cách "chăm chú" trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.

tqasean2

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh tại cuộc họp báo ngày 24/2/2022. Reuters

Trong khi từ chối gọi hành động của Putin là "xâm lược", các quan chức Trung Quốc nói rằng họ "đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến mới nhất" về tình hình ở Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh cho biết : "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và ngăn ngừa tình hình vượt quá khả năng kiểm soát".

Trung Quốc đã duy trì lập trường này kể từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine.

Việt Nam - quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông - đã phát ngôn rất hạn chế về cuộc xung đột này. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam khi được hỏi đã nói giống hệt như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc : "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế".

Hà Nội từ lâu vốn nghi ngờ về những ý định của Bắc Kinh ở Biển Đông và chắc chắn đang theo dõi sát sao các động thái của Trung Quốc.

tqasean3

Lính Ukraine đang khám xét hiện trường 1 chiếc máy bay bị bắn hạ ngày 25/2/2022 tại Kiev, Ukraine. Ảnh AP

Trò chơi chờ đợi

Bắc Kinh, trong khi đó, cũng đang dõi theo tình hình ở Ukraine.

"Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng minh của Putin, đang chăm chú theo dõi tiền lệ do Putin tạo ra" - Giáo sư John Blaxland tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia nói.

"Nếu ông ta [Putin] thoát được, điều này có thể giúp Trung Quốc tự tin, hung hăng hơn ở Biển Đông hoặc gia tăng phá hoại sự ổn định và độc lập của Đài Loan - một trung tâm kinh tế tự trị đồng thời là một nền dân chủ tự do sôi động trong khu vực"- Giáo sư Blaxland nói.

Ông Grant Newsham, một đại tá thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu và trở thành nhà phân tích chính trị cũng cho rằng : "Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ và ghi chép".

"Nếu phản ứng của Mỹ và phương Tây đối với cuộc xâm lược Ukraine được coi là yếu ớt hoặc không hiệu quả và cuối cùng chấp nhận việc Nga chiếm Ukraine như một chuyện đã rồi thì Trung Quốc sẽ bạo dạn hơn để tiến tới".

 "Việc này sẽ mất vài tháng. Nhưng trong thời gian chờ đợi, Trung Quốc sẽ giữ căng thẳng với Đài Loan đồng thời thắt chặt kiểm soát Biển Đông và tiếp tục gây sức ép với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông" – ông Newsham nhận định và nói thêm rằng theo quan điểm của ông "đây là tình hình quốc tế nguy hiểm nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai".

Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington cho biết : Bắc Kinh không thích sự so sánh giữa Ukraine - một quốc gia có chủ quyền, có đại diện tại Liên Hợp Quốc - với Đài Loan, vùng lãnh thổ mà họ coi là một phần của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bà nói rằng phản ứng của Hoa Kỳ đối với cuộc xâm lược Ukraine có thể là một tham khảo cho Trung Quốc.

"Trung Quốc đang theo dõi Mỹ phản ứng như thế nào với cuộc khủng hoảng Ukraine như một phép thử sự quyết tâm và sẵn sàng của Mỹ trong việc đưa quân tham gia vào một cuộc khủng hoảng quân sự ở rất xa Mỹ" - bà Yun Sun nói.

Nếu các nhà lãnh đạo ở Việt Nam và các nước giáp Biển Đông có lo lắng về những hành động mà Trung Quốc có thể làm thì chắc chắn họ cũng không thể hiện điều đó.

Báo chí nhà nước Việt Nam không nói về bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải độc lập và tự chủ.

tqasean4

Một phụ nữ đang cầu nguyện cho hòa bình tại Quảng trường Độc lập ở Kiev, Ukraine ngày 24/2/2022. Ảnh : AFP

Quan ngại được bác bỏ

Teodoro Locsin Jr, nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines, đã tweet khá nhiều về cuộc xung đột ở Ukraine nhưng ông không đưa ra bình luận nào về cuộc xâm lược của Nga. Ông cũng không bày tỏ bất kỳ quan ngại nào về Biển Đông.

Thay vào đó, ngoại trưởng Philippines đã nói về việc đến Ba Lan để gặp "người dân của tôi" - những người Philippines đã chạy trốn khỏi Ukraine.

Philippines và Việt Nam là hai quốc gia tích cực theo đuổi các tuyên bố chủ quyền chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng là các bên tranh chấp.

Theo ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển tại Đại học Philippines, chính quyền ở Manila "không có lập trường" về tình hình đang diễn ra ở Ukraine đồng thời "đang đứng ngoài cuộc".

"Nhưng tất nhiên, có những lo lắng và các cuộc thảo luận riêng trong giới học thuật và an ninh"- ông nói.

Một số nhà phân tích khác bác bỏ lo ngại về các hành động tức thì của Bắc Kinh ở Biển Đông.

"Không có bất kỳ vụ việc lớn nào giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông kể từ năm 2019. Cả hai bên đều muốn duy trì điều đó và Trung Quốc sẽ không làm bất cứ điều gì chống lại Việt Nam trong thời điểm hiện tại " - ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Australia đồng thời là một chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam cho biết.

 "Với Philippines, Bắc Kinh đã tằng cường thể hiện sự quyết đoán và hung hăng vào năm ngoái khi Tổng thống Rodrigo Duterte quay lưng lại với lập trường thân Trung Quốc của mình" - GS Thayer nhận định.

 "Nhưng với cuộc bầu cử tổng thống sắp đến và việc ông Duterte sẽ rời nhiệm sở thì không cần thiết phải tiếp tục gây áp lực" - ông nói thêm.

Nguồn : RFA, 28/02/2022

Published in Diễn đàn

Thấy gì qua việc Trung Quốc đề nghị gia nhập Hiệp ước chống vũ khí hạt nhân của ASEAN

Trung Quốc sốt sắng đề nghị tham gia SEANWFZ

Tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Trung Quốc diễn ra vào ngày 22 tháng 11 năm 2021, để kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẵn sàng ký Nghị định thư về Khu vực Đông Nam Á Không Vũ khí Hạt nhân (Southeast Asia Nuclear Weapon Free Zone - SEANWFZ) (1).

gianhap1

Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc ở Thanh Đảo hôm 23/4/2019 - Photo : RFA

SEANWFZ, còn được gọi là Hiệp ước Bangkok, được ký kết vào ngày 15 tháng 12 năm 1995 và có hiệu lực vào ngày 28 tháng 3 năm 1997. Theo Hiệp ước này, 10 quốc gia ASEAN từ bỏ quyền sở hữu vũ khí hạt nhân dưới mọi hình thức trong khu vực. Nếu tham gia hiệp ước này, Trung Quốc sẽ đồng ý không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong khu vực hoặc nhắm vào các nước thành viên. Điều này sẽ khiến Trung Quốc trở thành quốc gia có vũ khí hạt nhân đầu tiên tuân thủ Hiệp ước Bangkok.

Thái độ số sắng này của Trung Quốc thật đáng ngờ vực. Từ khi SEANWFZ ra đời, Trung Quốc đã nhiều lần tỏ ý muốn tham gia Hiệp ước này, nhưng thực tế là vẫn chưa tham gia. Lần gần đây nhất, vào năm 2012, Trung Quốc đã tuyên bố công khai ý định tham gia Hiệp ước này, nhưng rồi lại thay đổi ý định vào phút chót (2).

Hiệp ước SEANWFZ bao gồm hai yếu tố đặc biệt, khác hẳn với các hiệp định khác về Khu vực Không vũ khí hạt nhân (NWFZ) hiện có trên thế giới, bao gồm : 1) khu vực địa lý áp dụng bao gồm cả thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các bên tham gia (3) ; và 2) đảm bảo an ninh, ngụ ý các nước có vũ khí hạt nhân (NWS) cam kết sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại bất kỳ Quốc gia ký kết hoặc Bên tham gia nào trong khu vực áp dụng.

Theo đó, "Hiệp ước này và Nghị định thư của nó sẽ áp dụng cho các vùng lãnh thổ, lục địa và EEZ của các Quốc gia thành viên trong Khu vực mà Hiệp ước có hiệu lực" (4).

Gần như cả thế giới đều biết tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Quốc gia này bên cạnh việc đưa ra một "yêu sách đường lưỡi bò" không có cơ sở nào trong luật quốc tế, còn diễn giải Công ước Luật biển theo cách của riêng họ. Các phát biểu của giới chức Trung Quốc về vấn đề này là một "mớ thập cẩm" gồm cả "quyền lịch sử" trong "đường lưỡi bò" với các diễn giải về EEZ và thềm lục địa theo cách "mình Trung Quốc hiểu."

Tham gia SEANWFZ, liệu Trung Quốc có bị hạn chế sức mạnh hạt nhân ?

Trước đây, lo ngại về các vấn đề liên quan đến diễn giải UNCLOS về EEZ và thềm lục địa có thể gây nên những tác hại cho tham vọng của mình ở biển Đông, Trung Quốc đã không tham gia SEANWFZ. Thế nhưng, bây giờ, mọi việc có vẻ đã khác trước.

Đầu tiên, cho đến nay, việc sử dụng vũ khí hạt nhân rất hạn chế, chỉ mang tính răn đe. Nếu khơi mào cho một cuộc chiến tranh hạt nhân thì đó sẽ là "cuộc chiến tranh tự sát" cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Do đó, việc Trung Quốc luôn khẳng định : "không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào những nước không sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc các khu vực không có vũ khí hạt nhân một cách vô điều kiện" (5). khiến điều này không có ý nghĩa nhiều trong thực tế.

Tiếp theo, nếu xét các hành động của Trung Quốc đối với luật quốc tế thì chúng ta có thể nhận thấy, Trung Quốc không phải là quốc gia giữ lời hứa. Các hành động hung hăng trên biển Đông của Trung Quốc, cùng với việc dễ dàng phá bỏ các lời hứa đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa "không quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông" (6), cộng với việc Trung Quốc phớt lờ, thậm chí tấn công lại Phán quyết của TòaTrọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc là bằng chứng. Tất cả những điều đó cho chúng ta thấy Trung Quốc dễ dàng phá bỏ các cam kết của mình như thế nào. Rất có thể Trung Quốc cũng sẽ triển khai vũ khí hạt nhân tại các đảo nhân tạo trên Biển Đông mà Trung Quốc đã quân sự hóa trước đó.

Thêm nữa, trong SEANWFZ có quy định : "Không có quy định nào trong Hiệp ước này làm phương hại đến các quyền hoặc việc thực hiện các quyền này của bất kỳ Quốc gia nào theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đặc biệt liên quan đến quyền tự do trên biển cả, quyền đi qua không gây hại, các tuyến đường biển của quần đảo hoặc lối đi quá cảnh của tàu thuyền và máy bay, và phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc" (7).

Với quy định này, các tàu thuyền hoặc máy bay có vũ khí hạt nhân vẫn có thể đi qua khu vực này mà không có bất kỳ sự cản trở, miễn phù hợp với UNCLOS. Do đó, SEANWFZ sẽ không làm ảnh hưởng gì đến sức mạnh hạt nhân của của Trung Quốc trong khu vực.

Mục đích thực sự của Trung Quốc khi muốn tham gia SEANWFZ

Việc tham gia SEANWFZ sẽ giúp đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang mở rộng nhanh chóng các năng lực hạt nhân. Một báo cáo của Lầu Năm Góc mới đây cho biết Trung Quốc đang tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình vào năm 2030 lên ít nhất 1.000 đầu đạn, gấp năm lần so với trước đây (8).

Mùa hè vừa qua, giới quan sát cũng đã phát hiện ra rằng Trung Quốc đang xây dựng hàng trăm hầm chứa tên lửa mới, qua đó có thể tăng gấp đôi quy mô kho vũ khí tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và đưa Trung Quốc rời xa học thuyết răn đe hạt nhân tối thiểu (9). Trung Quốc cũng đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng mang hạt nhân được thiết kế để né tránh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (10).

Một vấn đề lớn hơn trong tính toán của Trung Quốc đó là đối phó với liên minh AUKUS giữa Mỹ, Vương quốc Anh và Australia. Theo thoả thuận được công bố hồi tháng 9/2021 này, Mỹ và Anh đã đồng ý trang bị cho Australia một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trung Quốc coi AUKUS là đối nghịch với lợi ích của mình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, Trung Quốc đã cố gắng gieo rắc tâm lý sợ hãi trong khu vực. Ví dụ, các bài bình luận trên tờ Thời Báo Hoàn Cầu cho rằng hiệp ước AUKUS đang "đe dọa sự hình thành khu vực không có vũ khí hạt nhân trong khu vực" (11).

Thêm nữa, Trung Quốc luôn muốn đẩy các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, ra khỏi khu vực Biển Đông, để Trung Quốc sẽ làm bá chủ khu vực này. Chính vì vậy, Bắc Kinh sẽ tận dụng SEANWFZ để chia rẽ mối quan hệ giữa các nước thành viên ASEAN và Mỹ - đối tác hàng đầu của AUKUS và là nước phản đối mạnh mẽ nhất hiệp ước của Đông Nam Á trong nhóm P-5.

Chính vì vậy, các nước ASEAN cần tỉnh táo trước động thái này của Trung Quốc. Những quốc gia đang có mối quan hệ tích cực với Mỹ như Việt Nam luôn cần tới sự có mặt của Mỹ như một đối trọng để kiềm chế các hành động hung hăng của Trung Quốc tại đây, cần phải có những hoạt động cụ thể để thuyết phục các thành viên còn lại của ASEAN đối với các vấn đề này. Việt Nam và ASEAN đều thể hiện quan điểm không muốn chọn bên, nhưng như vậy không có nghĩa là đứng ngoài trong các vấn đề quan trọng sát sườn này của chính ASEAN.

Lê Đông Hải

Nguồn : RFA, 13/12/2021

Tham khảo :

1. https://www.fmprc.gov.cn/eng/zxxx_662805/202111/t20211122_10451494.html

2. https://cils.ui.ac.id/wp-content/uploads/2019/09/Southeast-Asian-Nuclear-Weapon-Free-Zone-Treaty.pdf

3. https://asean.org/treaty-on-the-southeast-asia-nuclear-weapon-free-zone/, Điều 1 (a)

4. https://asean.org/treaty-on-the-southeast-asia-nuclear-weapon-free-zone/, Điều 1 (a)

5. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3153387/china-backs-no-first-use-nuclear-policy-calls-nations-cut

6. https://ge.usembassy.gov/chinas-empty-promises-in-the-south-china-sea/

7. https://asean.org/treaty-on-the-southeast--nuclear-weapon-free-zone/

8. https://www.theguardian.com/world/2021/nov/03/china-increasing-nuclear-arsenal-much-faster-than-was-thought-pentagon-says

9. https://thanhnien.vn/trung-quoc-dang-xay-gan-300-ham-chua-ten-lua-lien-luc-dia-post1397400.html

10. https://tuoitre.vn/financial-times-trung-quoc-bi-mat-thu-nghiem-ten-lua-sieu-thanh-vao-thang-8-20211017080900783.htm

11. https://www.globaltimes.cn/page/202109/1234742.shtml

Published in Diễn đàn

Trung Quốc kêu gọi ASEAN tham gia "mặt trận thống nhất" chống lại chiến tranh lạnh

Chi Phương, RFI, 06/12/2021

Trong cuộc hội đàm trực tuyến với đồng nhiệm Malaysia hôm thứ Bẩy , 4/12/2021, ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị đã kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường hợp tác, phản đối các hành vi phá hoại hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

asean1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại một cuộc hợp báo sau cuộc gặp với ngoại trưởng Malaysia Dato' Saifuddin Abdullah hôm 12/09/2019, tại Bắc Kinh. AP - Andrea Verdelli

Theo ông Vương Nghị, được báo mạng The South China Morning Post ngày 05/12, trích dẫn, quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á (ASEAN) là "mặt phải của lịch sử". Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh rằng điều này "đi ngược lại với những nỗ lực chia rẽ hoặc kích động một cuộc chiến tranh lạnh mới", nhằm ám chỉ đến các can thiệp của Hoa Kỳ trong khu vực trong thời gian gần đây và nhắc lại là các nước nên tôn trọng chủ quyền của nhau và không nên can thiệp vào việc nội bộ của nước khác.

Theo nhật báo Hồng Kông, Trung Quốc đang cố gắng tăng cường quan hệ với ASEAN trong bối cảnh các cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Cụ thể là việc Mỹ cử các nhà ngoại giao đến 4 nước Đông Nam Á (Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia) vào tuần trước, sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự cuộc họp thưởng đỉnh trực tuyến của ASEAN vào tháng 11.

Cũng trong ngày 4/12, văn phòng thông tin của chính phủ Trung Quốc đã công bố "sách trắng", với tiêu đề "Trung Quốc : nền dân chủ hoạt động". Báo NKK World Japan cho biết, một trong những nội dung của "sách trắng" giải thích việc Trung Quốc không sao chép các mô hình dân chủ của phương Tây, mà tạo ra mô hình của riêng Trung Quốc. "Dân chủ là giá trị chung của nhân loại và là lý tưởng luôn được Đảng cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc tôn trọng".

Động thái này diễn ra vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ do Hoa Kỳ tổ chức, dự kiến diễn ra vào ngày 9/12-10/12/2021. Khoảng hơn 100 quốc gia được mời tham gia hội nghị, trong đó có Đài Loan. Các đối thủ chính của Mỹ, dẫn đầu là Trung Quốc và Nga, không có tên trong danh sách này.

Chi Phương

Nguồn : RFI, 06/12/2021

*************************

Mỹ đẩy mạnh chiến dịch thu phục ASEAN với Bắc Kinh trong tầm nhắm

Trọng Nghĩa, RFI, 02/12/2021

Có mặt tại Singapore vào hôm 02/12/2021, sau khi đã ghé Indonesia và Malaysia từ đầu tuần, và trước khi đi Thái Lan, trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Daniel Kritenbrink là quan chức cao cấp mới nhất của Mỹ công du các nước trong khối ASEAN, sau phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin và thứ trưởng ngoại giao Wendy Sherman.

asean02

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Daniel Kritenbrink là quan chức ngoại giao Mỹ cao cấp công du 4 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan) từ ngày 29/11 đến ngày 04/12/2021. © AFP

Chuyến thăm này là một tín hiệu mới mà chính quyền Biden tung ra nhằm chứng tỏ quyết tâm tăng cường sự hiện diện trong khu vực với mục tiêu chống lại ảnh hưởng càng lúc càng rõ nét của Trung Quốc. Một tuyên bố vào hôm nay của nhân vật chuyên trách Châu Á cao cấp nhất trong chính quyền Mỹ đã tái xác định mục tiêu của Washington.

Quan ngại về hành vi hù dọa và bức hiếp Đài Loan

Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu với báo chí, ông Kritenbrink không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc để chỉ trích khi nói thẳng : "Vào lúc các hành vi đe dọa và bức hiếp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa - tức là Trung Quốc - đối với Đài Loan gia tăng, theo tôi chúng ta cũng cần phải đáp trả một cách thích ứng", cụ thể là giúp Đài Loan duy trì một khả năng tự vệ đáng tin cậy, cũng như về mặt thương mại.

Nhà ngoại giao Mỹ đồng thời nhấn mạnh là Hoa Kỳ "sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của mình, các nghĩa vụ và cam kết vững chắc của chúng tôi".

Theo các nhà quan sát, tuyên bố nhấn mạnh quyết tâm tôn trọng các cam kết chính là một trong những trọng tâm của vòng công du lần này, đã được chính trợ lý ngoại trưởng Mỹ nêu bật nhân dịp ghé Indonesia hôm 30/11 vừa qua, với một thông điệp gởi đến toàn khối ASEAN.

Vai trò trung tâm của ASEAN trong việc bảo vệ "trật tự dựa trên luật lệ"

Theo nhật báo Indonesia The Jakarta Post, trong các cuộc tiếp xúc với các quan chức Indonesia, cũng như với tổng thư ký ASEAN, nhà ngoại giao Mỹ khẳng định rằng Hoa Kỳ muốn tăng cường sự hiện diện và nỗ lực gắn kết với các quốc gia Đông Nam Á để chứng tỏ quyết tâm hỗ trợ vai trò trung tâm của ASEAN, đặc biệt trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong toàn vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Một tin nhắn Twitter của phái bộ Mỹ bên cạnh ASEAN - mà trụ sở chính đặt tại Jakarta - đã nói rõ thêm là Hoa Kỳ và ASEAN đang "làm việc để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và giải quyết các thách thức toàn cầu như Covid-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu".

Chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 30/11, đã nhắc lại rằng khi loan báo vòng công du 4 nước Đông Nam Á của ông Kritenbrink, Bộ ngoại giao đã nêu rõ trọng tâm sẽ là tái khẳng định cam kết của Washington trong việc hợp tác với các nước Đông Nam Á "để giải quyết những thách thức toàn cầu và khu vực nghiêm trọng nhất", nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với "một trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương" - một thành ngữ ám chỉ các hành vi hung hăng gần đây của Trung Quốc trong khu vực.

Theo The Diplomat, thông điệp này đã được chính tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc lại nhận thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng trước, khi ông cam kết sát cánh cùng khối Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải.

Trước đó, hai lãnh đạo cao cấp khác của Mỹ là phó tổng thống Kamala Harris và bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin cũng không nói gì khác hơn khi nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ ủng hộ các quốc gia đang phản đối các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bổ khuyết những chỗ trống gây nên tâm lý hoài nghi Mỹ

Đối với The Diplomat, vòng công du Đông Nam Á lần này của trợ lý ngoại trưởng Mỹ còn nhằm bổ khuyết cho những "thiếu sót" mà Washington đã phạm phải khi lên chương trình cho các chuyến thăm gần đây, những thiếu sót đã tạo nên tâm lý hoài nghi về thực tâm của Mỹ khi khẳng định quan tâm đến Đông Nam Á.

Theo chuyên san Nhật Bản, trong hai vòng công du của phó tổng thống hay bộ trưởng quốc phòng Mỹ gần đây, Indonesia, quốc gia "Ấn Độ- Thái Bình Dương" điển hình nhất lại không nằm trong lộ trình, điều đã khiến nhật báo Indonesia uy tín nhất là The Jakarta Post bât bình, khi gọi việc ông Austin không ghé Indonesia là một hành động "khinh thường" nước này.

Tương tự như vậy, các quan chức Mỹ đã tránh ghé thăm Thái Lan, có thể là do quan hệ căng thẳng với chính quyền của thủ tướng Prayut Chan-o-cha bị cho là độc đoán và sự thờ ơ của Bangkok đối với nỗ lực của Washington nhằm tập hợp đồng minh và đối tác để đối phó với những thách thức khác nhau do Trung Quốc đặt ra. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Thái Lan dù sao cũng là một đồng minh kết ước hiếm hoi của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á.

Vòng công du lần này của ông Kritenbrink như vậy đã lấp đầy các khoảng trống đó.

Câu hỏi đặt ra là liệu những tuyên bố khẳng định quyết tâm hay những động thái ngoại giao có đủ để giúp Mỹ thuyết phục được khối nước Đông Nam Á hỗ trợ Washington trong chủ trương đối kháng Trung Quốc hay không. Trên vấn đề này, các nhà quan sát nêu bật ba điểm mà Mỹ cần lưu ý.

Mỹ vẫn bị đánh giá là nặng về an ninh, nhẹ về kinh tế

Điểm thứ nhất liên quan đến lãnh vực kinh tế và y tế. Theo The Diplomat, trái ngược với Mỹ, vốn tập trung vào việc củng cố các mối quan hệ an ninh, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông, chính phủ Trung Quốc đã hướng tới những thách thức kinh tế cụ thể bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 đang tàn phá khu vực, đẩy mạnh ngoại giao vac-xin và cho thấy rằng Trung Quốc là một đối tác không thể thiếu trong quá trình phục hồi kinh tế của khu vực.

Ngoài ra, bất chấp việc chính quyền Biden đẩy mạnh tốc độ trao đổi ngoại giao, kinh tế vẫn là một điểm yếu kém trong cam kết của Hoa Kỳ với Đông Nam Á, với việc Mỹ hiện đứng ngoài hai hiệp ước thương mại lớn của Châu Á.

Chính cựu tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đàm phán cẩn thận, vốn vẫn tiếp tục dưới một dạng thức khác là Hiệp Định CP-TPP. Bất chấp mong đợi của nhiều nước, chính quyền Biden cho đến nay vẫn không có dấu hiệu trở lại với Hiệp Định này, mà chủ trương đàm phán về một khuôn khổ kinh tế khu vực khác có Mỹ tham gia.

Phát biểu với hãng tin Anh Reuters, Daniel Russel, người tiền nhiệm của ông Kritenbrink trong chính quyền Obama trước đây, một khuôn khổ như vậy chắc chắn sẽ được các chính phủ Đông Nam Á hoan nghênh, những người đang mong muốn có đối trọng chống lại Trung Quốc nhưng nhìn chung không gây nguy hiểm cho các mối quan hệ kinh tế mà họ đã thiết lập với Bắc Kinh.

Đại sứ Mỹ tại bên cạnh ASEAN vẫn chưa được bổ nhiệm !

Sau cùng, như tờ The Jakarta Post đã ghi nhận, dù tuyên bố quan tâm đến vùng Đông Nam Á, nhưng chính quyền Biden cho đến nay vẫn chưa bổ nhiệm được một đại sứ Mỹ bên cạnh khối ASEAN, một vị trí vẫn để trống sau khi người phụ trách chức vụ này bị chính quyền Donald Trump cho triệu hồi sớm.

Một nhà nghiên cứu Indonesia kêu gọi : "Hoa Kỳ không nên bỏ trống vị trí này quá lâu vì như vậy sẽ rất khó để tiếp tục nói rằng họ quan tâm đến ASEAN… Tất cả các đối tác đối thoại khác và các thành viên của Thượng Đỉnh Đông Á EAS đều có đại sứ của họ tại Jakarta (nơi đặt trụ sở ASEAN), thậm chí cả Vương Quốc Anh".

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 02/12/2021

Published in Diễn đàn