Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/05/2017

Về việc vận động thành lập Hội Chống hiểm họa Trung Quốc

Nguyễn Vũ Bình

Trước tình hình đất nước nguy nan, hiểm họa Bắc thuộc đã trở nên nóng bỏng và ngày càng hiện lên rất rõ nét, một nhóm người Việt Nam yêu nước đã mạnh dạn đứng ra vận động thành lập Hội Chống Hiểm Họa Trung Quốc hoạt động một cách công khai.

hoi1

Một nhóm người Việt Nam vận động thành lập Hội Chống Hiểm Họa Trung Quốc

Trong lời kêu gọi ngày 15 Tháng 5 năm 2017, được phổ biến rộng rãi gửi người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, cho biết "Hội Chống Hiểm Họa Trung Quốc" ra đời sẽ đảm nhận sứ mệnh cung cấp thông tin về hiểm họa mất nước rất cận kề bởi Trung Quốc, góp phần thức tỉnh nhân dân, tập hợp lực lượng thành một mặt trận rộng khắp, sẵn sàng trở thành chiến sĩ chống Tàu Cộng xâm lược, bảo vệ đất nước, cứu nguy dân tộc, chấn hưng đất nước".

 Theo nhận định của nhóm người Việt yêu nước đứng ra vận động thì nước Việt Nam hiện nay đang đứng trước hiểm họa Bắc thuộc lần thứ 3. Giặc Tàu đã và đang từng bước xâm chiếm nước ta trong một thế trận bao vây nước ta rộng khắp, từ chính trị đến kinh tế, từ thượng tầng xuống hạ tầng, từ đất liền tới biển đảo bằng các thủ đoạn sử dụng vũ lực quân sự, thủ đoạn ngoại giao, thủ đoạn về đầu tư kinh tế. Trong khi đó "lãnh đạo nước Việt Nam hiện tại gần như đã mở toang cửa ngõ biên giới, rước giặc Tàu vào nhà, được thể chúng đi lại nghênh ngang, ăn nói hung hăng trên toàn cõi Việt Nam ta như ở chốn không người". Đó là lý do người Việt trong cũng như ngoài nước cần hội tụ, cùng nhau thành lập Hội Chống Hiểm Họa Trung Quốc.

 Để tiến tới thành lập Hội Chống hiểm họa Trung Quốc, nhóm vận động cũng đưa ra nội dung hoạt động của nhóm, và cũng là cơ sở cho hoạt động của Hội sau này, đó là :

1. Thông tin sâu rộng đến toàn thể nhân dân về hiểm họa Trung Quốc tại Việt Nam. Đó là những âm mưu thôn tính, sáp nhập Việt Nam vào Trung Quốc trong tương lai gần ; cài cắm, khống chế người ở tất cả các cấp độ trong bộ máy nhà nước ở Việt Nam ; chèn ép, lấn chiếm lãnh hải, lãnh thổ ; đầu tư ở những vị trí hiểm yếu về an ninh, quốc phòng trên khắp mọi miền Tổ quốc ; các dự án gây ô nhiễm môi trường, đầu độc nguồn nước ; dùng hàng hóa giá rẻ, hàng giả, độc hại bóp chết hàng hóa Việt Nam, hủy hoại an toàn thực phẩm, và những âm mưu xâm chiếm khác với Việt Nam.
2. Chủ động phát hiện và kêu gọi mọi người dân phát hiện các văn bản, thỏa thuận, chính sách ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như các địa phương hai nước, đưa tới thiệt hại cho đất nước Việt Nam. Phát hiện các dự án, các doanh nghiệp, chủ kinh doanh Trung Quốc vi phạm pháp luật Việt Nam trên các lĩnh vực. Phát hiện và lên án những biểu hiện, những hình thức thay thế văn hóa Việt bằng văn hóa Trung Quốc trên mọi lĩnh vực đời sống. Kêu gọi người dân Việt Nam khắp nơi cung cấp thông tin cho Nhóm về tình hình Trung Quốc tại Việt Nam và ở các nước khác, đặc biệt là ở các nước lân cận.
3. Lên án, tố cáo nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tay, thỏa thuận, nhượng bộ dẫn đến sự thôn tính, lấn chiếm, chèn ép mọi mặt của Trung Quốc đối với Việt Nam.
4. Vận động nhân dân không sử dụng những hàng hóa Trung Quốc độc hại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Vận động người dân Việt dùng hàng Việt Nam.
5. Vận động những người đấu tranh, những người quan tâm đến sự tồn vong của đất nước hăng hái hoạt động, tích cực tham gia thành lập Hội Chống Hiểm Họa Trung Quốc, trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước.
 Những người đứng ra kêu gọi thành lập Hội gồm có Nhà văn, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Xuân Nghĩa ; Doanh nhân Lại Tiến Sơn ; Doanh nhân Nguyễn Sơn ; Kỹ sư kinh tế, nhà báo tự do Phạm Thanh Sơn ; Kỹ sư xây dựng Nguyễn Hà Thanh ; Nhà văn, nhà báo Phạm Thành ; Nhà báo, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Vũ Bình ; Nhà báo độc lập, kỹ sư công nghiệp Lê Dũng ; Thầy giáo, doanh nhân Nguyễn Tiến Dân ; Nhà báo, cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng ; Thầy giáo, cựu tù nhân chính trị Vũ Văn Hùng ; Giảng viên Đào Thu Huệ ; Nhà văn Mai Tú Ân.

 Trong thời điểm hiện tại, việc vận động thành lập Hội, cũng như hoạt động của nhóm vận động có những khó khăn và thuận lợi sau đây.

 Về khó khăn :

 - Thời điểm này là thời điểm đàn áp khá nặng nề của nhà cầm quyền Việt Nam, không chỉ đối với các cá nhân mà còn cả các hội, nhóm. Tuy việc vận động kêu gọi thành lập Hội nhận được sự ủng hộ của nhân dân, nhưng việc chống hiểm họa Trung Quốc lại là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Việt - Trung. Vì vậy, ngoài việc bị đàn áp vì hoạt động hội, nhóm, thì sự đàn áp còn gia tăng, khắc nghiệt hơn do áp lực của Trung Quốc lên nhà cầm quyền Việt Nam.

 - Hoạt động thực chất của các hội, nhóm hiện nay khá trầm lắng, hiệu quả chưa và không còn được cao như trước đây. Có vẻ đang có một tâm lý uể oải trong hoạt động của các hội, nhóm. Nếu không biết cách tổ chức, tìm được cơ chế hoạt động ổn thỏa, hợp lý, có thể dẫn tới hoạt động không thực chất, chỉ có hình thức.

 - Những khó khăn chung của hoạt động hội, nhóm ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay : những người tham gia chưa được đào tạo, chưa có kinh nghiệm trong hoạt động hội, nhóm nên tính chuyên nghiệp còn hạn chế ; việc tham gia hoạt động nhóm, hội cũng chỉ là một trong nhiều việc của người tham gia, hơn nữa cũng là tự nguyện, điều đó cũng là một yếu tố hạn chế hoạt động tích cực, hiệu quả ; vấn đề huy động tài chính và quản lý tài chính cho hoạt động của hội, nhóm cũng là rào cản không nhỏ, nhiều hội nhóm hoạt động cầm chừng vì không có kinh phí cho hoạt động, hoặc chưa biết cách quản lý tài chính phù hợp trong bối cảnh phức tạp ở Việt Nam...

 Những thuận lợi :

 - Thuận lợi đầu tiên, tinh thần, mục đích, ý nghĩa của nhóm, hội Chống hiểm họa Trung Quốc phù hợp với nguyện vọng đông đảo của người dân cả nước, thậm chí của cả những người trong hệ thống công quyền hiện nay.

 - Những người đứng ra vận động thành lập là những người có đã quá trình đấu tranh, một số đã từng bị tù đày nên có thể đặt niềm tin vào bản lĩnh và kinh nghiệm của họ trong việc đương đầu với sự đàn áp.

 - Quá trình chuẩn bị, bước đi khá thận trọng khi những người vận động chỉ tập hợp thành nhóm, và có thời gian để kêu gọi, vận động thành lập hội, đồng thời quy định tham gia rất mở và đơn giản. Những yếu tố này gây khó khăn cho việc đàn áp, lại khuyến khích việc tham gia của người dân vào hội, nhóm.

 - Nhóm, hội ra đời trong bối cảnh đã có nhiều hội, nhóm khác ra đời và hoạt động, vậy nên có thể rút tỉa những kinh nghiệm của các hội nhóm đi trước. Những cá nhân tham gia vận động ban đầu cũng đã và đang trong các tổ chức, hội nhóm xã hội dân sự khác nên còn có sự phối kết hợp hoạt động với các hội nhóm khác.

 Với những khó khăn và thuận lợi nêu trên, nếu nhóm, hội xác định rõ những mục tiêu cũng như tìm ra được cơ chế hoạt động thích hợp thì với sự ủng hộ nhiệt thành của người dân bức xúc trước những hiểm họa thôn tính hiển hiện của Trung Quốc ở Việt Nam, chúng ta hi vọng, nhóm hội sẽ thành công trong việc thành lập và hoạt động của nhóm, cũng như của Hội sau này.

Hà Nội, ngày 22/5/2017

Nguyễn Vũ Bình 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Vũ Bình
Read 640 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)