Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/05/2017

Việt Nam có muốn thay đổi điều kiện về nghiệp đoàn độc lập ?

Kính Hòa

11 quốc gia còn lại của Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP họp trong hai ngày 20 và 21 tháng năm ở Hà Nội, để bàn chuyện tái lập TPP sau khi đối tác lớn nhất là nước Mỹ tuyên bố rút ra khỏi hiệp ước này vào hồi đầu năm nay.

syndicat1

Bộ trưởng Thương mại Trần Tuấn Anh phát biểu trong một cuộc họp bên lề Hội nghị Bộ trưởng APEC tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 5 năm 2017. AFP photo

Đồng thời một cuộc họp khác cũng được tổ chức ở Hà Nội để xúc tiến hoàn thành hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) gồm 10 quốc gia ASEAN và sáu quốc gia đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, và Ấn Độ.

TPP và nghiệp đoàn

Trước khi cuộc họp về TPP diễn ra, ngày 19 tháng năm, tờ báo chuyên về kinh tế là Nikkei có đoán rằng Việt Nam mong muốn thay đổi cam kết trước đây của mình về việc nới lỏng những qui định. Lý do được đưa ra là Việt Nam trước đây cam kết các vấn đề đó để đổi lại việc thâm nhập vào thị trường Mỹ, là nước có GDP chiếm khoảng hơn 60% GDP của cả 12 nước trong khối. Nay Mỹ không còn là thành viên của TPP nữa. Tờ báo không nói cụ thể những quy định mà Việt Nam muốn thay đổi là gì.

Từ đó dấy lên đồn đoán là Việt Nam muốn thay đổi việc cam kết cho nghiệp đoàn tự do hoạt động. Hiện nay ở Việt Nam chỉ có một công đoàn do nhà nước kiểm soát.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, nói với chúng tôi rằng tờ Nikkei đưa ra nhận định như thế cũng có thể là dựa trên những biểu hiện nào đấy, nhưng theo ông trong lời tuyên bố của đại diện thương mại New Zealand hôm 21 tháng năm thì không có đề cập đến những thay đổi.

Trong bản tin đánh đi từ Hà Nội ngày 21 tháng năm, hãng thông tấn AFP viết rằng 11 quốc gia tham gia hiệp định TPP đồng ý với nhau thúc đẩy thương mại đồng thời với những quyền về nghiệp đoàn và môi trường.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói :

"Với tinh thần như vậy thì tôi nghĩ không phải là một sự phủ quyết gì của Việt Nam, TPP thì không có nước nào có quyền phủ quyết cả. Có thể Việt Nam đặt vấn đề cho nó mềm hơn. Nhưng tôi không nghĩ rằng Việt Nam sẽ hoàn toàn bác bỏ điều này. Bởi vì một nghiệp đoàn có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người lao động, đấy cũng là một điều mà Việt Nam mong muốn".

Xin nhắc lại là hiệp định TPP được ký vào năm 2015 sau 8 năm dài thương lượng rất khó khăn.

Sau buổi ký kết, đại diện Việt Nam là cựu Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng phát biểu với báo chí rằng :

Tôi nghĩ vấn đề lao động là một trong những vấn đề khó khăn và nhạy cảm nhất cho Việt Nam trong quá trình đàm phán. Chúng tôi đã dành nhiều thời gian đàm phán với các đối tác. Tôi nghĩ, những điều kiện về lao động đưa ra trong thỏa thuận không phải chỉ của riêng Hoa Kỳ hay bất cứ nước nào mà là của ILO. Việt Nam là thành viên của ILO và chúng tôi cam kết thực hiện các quyền và nghĩa vụ với các điều kiện của ILO và tôi nghĩ đây là cam kết và sự sẵn sàng mà chúng tôi sẽ thực hiện liên quan đến các vấn đề về lao động.

ILO là tên tắt theo tiếng Anh của Tổ chức lao động quốc tế.

Trong các phiên họp diễn ra trong hai ngày 20 và 21 tháng năm 2017 tại Hà Nội, đại diện thương mại Mỹ hoàn toàn bác bỏ chuyện Washington sẽ quay trở lại TPP.

Khi được hỏi rằng những cam kết của Việt Nam trước đây về nghiệp đoàn tự do có phải là với mục đích nhượng bộ để xâm nhập thị trường Mỹ hay không, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành hiện đang làm việc ở Hà Nội nói với chúng tôi :

"Việt Nam trong những thương lượng về TPP cũng đã cân nhắc rất kỹ về tất cả những điều khoản đấy. Có Mỹ hay không có Mỹ thì Việt Nam vẫn tiếp tục những điều khoản đã ký kết thôi. Không có vấn đề gì cần sửa đổi. Ý chí của Việt Nam quyết tâm tiến tới trong hội nhập quốc tế. Đối với Việt Nam hội nhập quốc tế là quan trọng, từ từ từng bước, Việt Nam sẽ sửa đổi những cái gì cần phải sửa đổi để hội nhập quốc tế tốt thôi".

syndicat2

Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) phát biểu trong một cuộc họp với các nhà lãnh đạo TPP bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Manila hôm 18/11/2015. AFP photo

Khi ý tưởng thương mại gắn với quyền tự do lập nghiệp đoàn được đưa ra trong việc thương lượng hiệp định TPP, vào năm 2014, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, một nhà quan sát chính trị Việt nam từ Hawaii có nhận xét :

"Ở Việt Nam có nhiều người muốn cải cách, muốn thay đổi, thì họ hy vọng rất nhiều vào TPP để dùng áp lực từ bên ngoài để buộc Việt Nam phải thay đổi, phải cải cách thể chế".

Một trong những người như vậy là ông Nguyễn Đình Hùng, hiện là Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt, một tổ chức nghiệp đoàn lao động tư do hoạt động trong giới công nhân hợp tác lao động ở nước ngoài và công nhân trong nước, nhưng hiện không được nhà nước Việt Nam công nhận.

Sau cuộc họp ở Hà Nội ngày 21 tháng năm của 11 quốc gia đối tác còn lại của TPP, từ Australia, ông Nguyễn Đình Hùng nói với chúng tôi rằng ông cũng hy vọng TPP sẽ sống còn và điều đó giúp ích cho công nhân Việt Nam, dù ông không tin rằng chính quyền Việt Nam thực tâm cho phép nghiệp đoàn tự do hoạt động :

"Việt Nam nếu có những quyền lợi kinh tế, thì họ bắt buộc phải làm việc với thị trường quốc tế, với cộng đồng quốc tế. Mà nếu làm việc với cộng đồng quốc tế thì họ sẽ có những cơ chế kiểm soát họ. Dù sao tôi nghĩ có còn hơn không, có những cơ chế đó thì giới công nhân sẽ có những tiếng nói đưa ra ngoài, và sẽ có sự yểm trợ của bên quốc tế".

RCEP hay TPP ?

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì trong các tuyên bố của các thành viên đối tác TPP, người ta thấy có những lời mời gọi gián tiếp Trung Quốc, nước có nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương, tham gia thay chỗ cho nước Mỹ. Nhưng cho đến nay không nhận được trả lời tích cực nào từ phía Trung Quốc.

Thay vào đó Trung Quốc có vẻ tích cực đẩy mạnh Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì so với TPP, RCEP mang tính chất khu vực châu Á, chứ không mang tầm vóc quốc tế như TPP, vì TPP bao gồm cả các quốc gia châu Mỹ như Canada, Mexico.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng Trung Quốc thích RCEP hơn là TPP, vì RCEP không ràng buộc Trung Quốc phải chấp nhận cho nghiệp đoàn tự do hoạt động, cũng như một số thay đổi về thể chế mà Trung Quốc thấy không phù hợp với mình.

Hiện tại ở Trung Quốc cũng có duy nhất 1 tổ chức công đoàn của nhà nước.

Hôm 22 tháng 5, tại Hội nghị Bộ trưởng giữa kỳ lần thứ 3 RCEP khai mạc tại Hà Nội, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam ủng hộ việc kết thúc về cơ bản đàm phán hiệp định này trong năm 2017.

Nhưng theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì chuyện thúc đẩy RCEP của Trung Quốc sẽ không dễ dàng :

"Hiệp định hiệp tác khu vực RCEP, đã được đàm phán lần cuối cùng ở Nhật Bản, nhưng không đi đến thỏa thuận gì cả. Bởi vì Trung Quốc không sẳn sàng mở cửa thị trường và không sẳn sàng cam kết, về những qui định thương mại thống nhất giữa các nước. Cho đến nay, tôi thấy Trung Quốc vẫn muốn áp đặt một luật chơi riêng lên các đối tác trong quan hệ song phương. Hãy chờ xem RCEP sẽ được thúc đẩy như thế nào. Cũng cần lưu ý là trong RCEP ngoài Trung Quốc, còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, và Ấn Độ, là những nước sẽ đàm phán rất là gay gắt chứ không dễ dàng".

Ông Lê Đăng Doanh kết luận về TPP rằng trong những hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia thì TPP là hiệp định có cấu trúc hiện đại nhất, không những bao gồm thương mại mà cả những điều khoản về hành vi ứng xử của nhà nước, sự công khai minh bạch của doanh nghiệp, theo ông đó là những điều tiến bộ, và Việt Nam nên cố gắng theo đuổi.

Kính Hòa, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 22/05/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Kính Hòa
Read 981 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)