Quốc hội phê chuẩn, Bộ Công an nói chỉ là "công cụ chính trị"
Thông tin từ hãng thông tấn DW của Đức về việc Quốc hội Việt Nam chuẩn bị phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quyền tự do hiệp hội của người lao động, gọi tắt là quyền tự do nghiệp đoàn, được mong đợi đã làm dấy lên cả hy vọng lẫn sự hoài nghi trong những người ủng hộ quyền lao động. Mặc dù động thái này được cho là thể hiện cam kết nhằm cải thiện quyền hiệp hội của người lao động, nhưng nó cũng bộc lộ những thách thức dai dẳng mang tính chính trị đối với việc hiện thực hóa các quyền chính đáng của người lao động Việt Nam.
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Lao động, thương binh và xã hội và ILO giai đoạn 2021-2030 ngày 20/05/2021
Áp lực từ các đối tác quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Canada, đã buộc Việt Nam phải xem xét phê chuẩn Công ước 87, bề ngoài là để xoa dịu những người chỉ trích mạnh mẽ và bảo vệ quan hệ thương mại của mình. Tuy nhiên, thời điểm đưa ra quyết định này bị trì hoãn và thành tích nhân quyền ảm đạm của chính quyền Việt Nam đã làm dấy lên những lo ngại chính đáng về tính chân thành trong ý định của họ.
Trong nhiều năm, Việt Nam đã bị giám sát chặt chẽ vì thành tích tồi tệ về quyền lao động, với các báo cáo về lao động cưỡng bức, bóc lột trẻ em và đàn áp tiếng nói của người lao động và bắt bớ những nhà hoạt động nghiệp đoàn đã làm hoen ố danh tiếng của Việt Nam. Mặc dù việc ký kết các thỏa thuận thương mại quốc tế thế hệ mới hứa hẹn những cải cách, như CPTPP và EVFTA, tiến bộ hữu hình vẫn chưa xuất hiện và quyền của người lao động vẫn tiếp tục bị chà đạp.
Trong bài viết có tựa đề Cảnh giác trước cái gọi là "Công đoàn độc lập", đăng ngày 27/11/2023, trên An Ninh TV, một cơ quan truyền thông trực thuộc Bộ Công an, cam kết tôn trọng quyền tự do hiệp hội của người lao động của chính phủ Việt Nam gắn với các hiệp định thương mại quốc tế như CPTPP và EVFTA đã bị chính Bộ Công an mỉa mai. Bộ Công an bác bỏ tầm quan trọng của các công đoàn độc lập, cho rằng chúng chỉ đóng vai trò là công cụ chính trị của các thế lực thù địch.
Bài viết của Bộ Công an đưa ra lập luận kỳ khôi rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn chính thức của toàn bộ đất nước, đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình, khiến nghiệp đoàn độc lập trở nên dư thừa. Bài viết cho rằng các hoạt động kiểu "ma chay hiếu hỉ" như cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và tổ chức các sự kiện thể thao là bằng chứng về sự thành công của Tổng Liên đoàn trong việc đại diện cho lợi ích của người lao động nên không còn cần đến các tổ chức nghiệp đoàn độc lập khác nữa.
Tuy nhiên, điều bài viết không hề nhắc đến là liệu các công đoàn cơ sở của Tổng Liên đoàn Việt Nam đã từng tổ chức bất kỳ cuộc đình công nào của công nhân để đòi quyền lợi cho họ trước giới chủ hay chưa. Hay các công đoàn quốc doanh này lại tiếp tay cho giới chủ, đặc biệt là giới chủ ngoại bang, bóc lột công nhân và đàn áp khi họ dám phản kháng ?
Việc Bộ Công an coi các công đoàn độc lập chỉ là công cụ chính trị là điển hình cho cách tiếp cận độc đoán của chính quyền đối với quyền lao động đã được quốc tế công nhận. Bằng cách ngăn chặn những người bất đồng chính kiến và kiểm soát các hoạt động công đoàn, chính phủ đã duy trì một hệ thống trong đó người lao động bị từ chối các quyền cơ bản của họ là tổ chức, thương lượng tập thể và đình công. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, được coi là công đoàn hợp pháp duy nhất, đóng vai trò là cánh tay nối dài của chính quyền để kiểm soát người lao động chứ không phải là cơ quan bảo vệ thực sự cho lợi ích của người lao động.
Hơn nữa, xu hướng trì hoãn thực thi các quy định lao động của chính phủ làm dấy lên nghi ngờ về cam kết cải cách thực sự của chính phủ. Mặc dù việc phê chuẩn Công ước 87 có thể tạm thời xoa dịu áp lực quốc tế, thử thách thực sự nằm ở việc thực thi và tuân thủ các nguyên tắc của Công ước. Nếu không có những cải cách có ý nghĩa và hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống, hình ảnh Việt Nam vẫn tiếp tục hoen ố như một quốc gia bán đứng phúc lợi của người lao động vừa vì lợi ích kinh tế vừa vì những hoang tưởng an ninh chế độ.
Việc phê chuẩn Công ước ILO 87 chỉ có ý nghĩa khi đi kèm với việc dỡ bỏ các rào cản đối với việc thành lập công đoàn độc lập, đảm bảo quyền tự do hiệp hội và trao quyền cho người lao động để khẳng định quyền lợi của mình mà không sợ bị trả thù. Điều này đến lượt nó đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy từ việc coi quyền lao động là mối đe dọa đối với sự ổn định chính trị sang việc thừa nhận chúng là những thành phần thiết yếu của một xã hội dân chủ.
Tuy nhiên, đối chiếu với thái độ của Bộ Công an - siêu bộ quyền lực trong hệ thống chính trị của Việt Nam, qua bài viết nêu trên, những hi vọng này vẫn còn rất xa vời với thực tế.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 31/03/2024
Ý kiến về tuyên bố ra mắt "Nghiêp đoàn độc lập Việt Nam"
Trần Ngọc Thành, danchimviet, 09/07/2020
Ngày 01/07/2020, các nguồn tin trên mạng xã hội đưa tin về tuyên bố ra mắt "Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam".
Hội nghị Warszawa 2006 về Quyền lao động Việt Nam tổ chức tại đại sảnh Sala Kolumnowa trong Tòa Nghị viện, thủ đô Warsaw, Ba Lan trong 3 ngày (28, 29 và 30/10/2006) - Ảnh minh họa ông Trần Ngọc Thành (ngồi bàn chủ tọa gốc bìa phải)
Ngày 01/07/2020, các nguồn tin trên mạng xã hội đưa tin về tuyên bố ra mắt "Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam".
Là một người gắn bó với phong trào tranh đấu vì quyền thành lập Nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam từ hàng chục năm nay, tôi có những suy nghĩ về vấn đề này, xin được đưa ra để những ai quan tâm đến quyền lợi của người lao động nói chung và giai cấp công nhân nói riêng cùng tham khảo.
Quan điểm của tôi gồm 2 phần :
1. Quá trình tranh đấu cho quyền thành lập Công đoàn độc lập tại Việt Nam và suy nghi về bối cảnh ra mắt "Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam" ngày 01/07/2020
2. Thực chất hoạt động của "Tổng liên đoàn lao động Việt Nam"
Để những ai quan tâm có thể biết tường tận các vấn đề, bài viết của tôi dù chỉ nêu một số sự kiện chính có thể hơi dài.
-----------------
1. Quá trình tranh đấu cho quyền thành lập Công đoàn độc lập tại Việt Nam và suy nghĩ về bối cảnh ra mắt "Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam" ngày 01/07/2020.
Những ngày gần đây, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tăng cường đàn áp khốc liệt đối với những người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, quyền Nghiệp đoàn, quyền của người lao động và bất kỳ những ai bày tỏ ý kiến phê bình góp ý về những chủ trương, chính sách sai trái của Đảng cộng sản.
Ngày 23/05/2020 bắt ông Nguyễn Tường Thụy, phó chủ tịch hội nhà báo độc lập tại Hà Đông. Bắt ông Trần Đức Thạch nhà thơ, nhà báo tại Nghệ An.
Trước đó, ngày 21/11/2019 bắt ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lâp, đồng thời là chủ tịch nghiệp đoàn báo chí độc lập,
Ngày 18/04 bắt chị Đinh Thị Thu Thủy tại Hậu Giang,
Ngày 21/05 bắt ông Phạm Chí Thành cũng là nhà báo tự do tại Hà nội
Ngày 24/06 bắt ba mẹ con chị Cấn Thị Thêu, Trịnh bá Phương, Trịnh Bá Tư và chị Nguyễn Thị Tâm ở Hà Đông và Hòa Bình,
Những anh chị em khác, những người đang trong tầm ngắm của an ninh cộng sản như Phạm Đoan Trang, nhà xuất bản tự do... đang phải ẩn mình.
Nhưng, ngày 01/07/2020 những người thành lập "Nghiệp đoàn độc lâp Việt Nam" lại chủ trương công khai hoạt động, công khai danh tính đã làm cho tôi và nhiều người khác băn khoăn :
- Họ có biết nhà cầm quyền cộng sản không bao giờ chấp nhận và tìm cách triệt hạ bất cứ một tổ chức nào dù lương thiện đến mấy, nhưng không do họ lập ra ?
- Họ có biết rằng "Công đoàn Độc lập Việt Nam" và phong trào tranh đấu cho quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam đã ra đời và phát triển từ hàng chục năm nay ?
- Họ có biết những người dũng cảm, trung kiên cho phong trào tranh đấu vì quyền nghiệp đoàn độc lâp đã bị những bản án khốc liệt, đã ở tù và đang ở tù như Nguyễn văn Đài, Lê thị Công Nhân, Nguyễn Hoàng quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trương Minh Đức, Hoàng Đức Bình, Phạm văn Trội, Nguyễn Văn Đức Độ ? Những công nhân bị đánh đập dã man, bị đuổi việc vì tổ chức đình công đòi quyền lợi cho công nhân ?
- Họ có biết để tránh sự đàn áp khốc liệt hiện nay, những tổ chức tranh đấu cho quyền nghiệp đoàn đã phải chuyển sang hoạt động bí mật để bảo toàn lực lượng ?
- Phải chăng họ dũng cảm, sẵn sàng thách thức nhà cầm quyền cộng sản, sẵn sàng vào tù, chỉ cần đưa tên tuổi và tạo tiếng vang ?
- Hay họ được nhà cầm quyền cs bật đèn xanh ra tuyên bố để trưng ra cho thế giới biết nhà nước độc tài đã thay đổi ? ! Việt Nam thực hiện cam kết khi ký CPTPP và EVFTA. Việt Nam cũng có "Nghiệp đoàn độc lập"… như ai !
Đó là những băn khoăn buộc tôi phải lên tiếng !
Cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, giai cấp công nhân nói riêng và người lao động Việt Nam nói chung đều nằm trong một hệ thống "thuần nhất" dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng cộng sản.
Từ năm 1990, sau khi khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, trước cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc, nhằm cứu nguy chế độ, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt buộc phải chuyển hướng phát triển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, kêu gọi tư bản nước ngoài đầu tư ồ ạt vào Việt Nam.
Giai cấp công nhân Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Với một số lượng ít ỏi trước năm 1990, đến nay giai cấp công nhân Viêt Nam đã có trên 10 triệu người, đó là chưa kể hàng trăm ngàn lao động trẻ Việt Nam được xuất khẩu làm việc tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.
Bắt đầu từ đó, công nhân Việt Nam bị bóc lột thậm tệ, họ phải làm việc từ 10 đến 15 giờ mỗi ngày, trong môi trường làm việc và ăn ở hết sức tồi tệ nhưng chỉ được trả công với đồng lương bình quân 70 đô la Mỹ, thấp nhất khu vực Đông Nam Á (những năm 90 thế kỷ trước và đầu những năm 2000). Ngoài ra nhiều trường hợp công nhân còn bị chủ đánh đập, làm nhục.
Không chịu được tình trạng bóc lột của giới chủ, công nhân đã đứng lên tranh đấu để đòi quyền lợi. Từ năm 1995, công nhân bắt đầu phản kháng giới chủ bằng cách tổ chức các cuộc đình công, năm sau nhiều hơn năm trước. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không những không ủng hộ công nhân đình công mà còn đứng về phía chủ nhân đe dọa công nhân, chỉ điểm cho công an cộng sản bắt bớ những người tổ chức đình công.
Khi các cuộc đình công đã lan rộng trong cả nước (năm 2005 có trên 300 cuộc ; năm 2006 có 387 cuộc), nhưng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đồng tình với nhà nước cộng sản Việt Nam ngăn chặn các cuộc đình công. Chúng tôi, những người quan tâm đến tình trạng bóc lột tồi tệ của giớí chủ bắt đầu vận động để thành lập "Công đoàn độc lập".
Ngày 20/10/2006, tại Việt Nam tuyên bố thành lập "Công đoàn độc lập Việt Nam" để bênh vực và bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân. Công đoàn độc lập Việt Nam đã làm các thủ tục đăng ký pháp lý với nhà nước Việt Nam.
--------
Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2006
TUYÊN BỐ THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM
Kính gửi :
- Chủ tịch Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
- Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam,
- Các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài nước.
Đồng kính gửi :
- Tổng Liên Đoàn Lao Động Thế Giới,
- Tổng Liên Đoàn Lao Động Liên Hiệp Châu Âu,
- Tổng Liên Đoàn lao Động các nước trên thế giới
Kính thưa quý vị,
Từ 20 năm nay, khi Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa kinh tế, trên đất nước Việt Nam ngày càng có nhiều chủ tư bản nước ngoài vào đầu tư để khai thác nguồn lao động rẻ mạt của nhân dân Việt Nam. Khu vực kinh tế tư nhân do các chủ nhân người Việt quản lý cũng ngày càng phát triển. Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân của tư bản nước ngoài và tư bản nội địa đã đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển kinh tế của nước Việt Nam, chiếm hơn một nửa tổng sản phẩm của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu.
Song song với việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân là sự phát triển đội ngũ công nhân lao đông ở khu vực này. Trong 15 năm qua giai cấp công nhân Viêt Nam đã lớn mạnh không ngừng về số lượng, trình độ tay nghề cũng ngày càng được nâng cao không thua kém công nhân các nước trong khu vực.
Nhưng, một nghịch lý là cuộc sống vật chất và tinh thần của công nhân Viêt Nam vẫn rất cơ cực. Công nhân thường xuyên bị chủ ức hiếp, đe dọa sa thải, thậm chí đánh đập, làm nhục mà không có ai bênh vực, bảo vệ. Hàng hóa do công nhân sản xuất, xuất khẩu, đựợc đánh giá cao về chất lượng, nhưng mức lương của công nhân Việt Nam lại thấp nhất so với các nước trong khu vực có cùng trình độ tay nghề. Phần lớn công nhân không được bảo hiểm y tế, ốm đau không được chăm sóc thỏa đáng, thậm chí còn phải đi làm trong lúc đau ốm vì sợ chủ đuổi việc. Cuộc sống của công nhân khu vực kinh tế tư nhân không được quan tâm đúng mức.
Tổng liên đoàn lao động Viêt Nam đã bất lực trong việc bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần của công nhân trong khu vực kinh tế tư nhân.
Chính vì vậy, trong những năm qua đã có hàng ngàn cuộc đình công với hàng trăm ngàn người tham gia đòi cải thiện đời sống và điều kiện làm việc. Nhưng, những yêu sách, những đòi hỏi chính đáng của công nhân vẫn chưa được đáp ứng. Công nhân vẫn phải sống và làm việc trong vòng kiềm tỏa của giới chủ mà không được một tổ chức nào bênh vực, bảo vệ.
Điều 53 và điều 69 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nêu rõ :
- "Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân".
- "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật".
Dựa trên những điều khoản quy định của Hiến pháp, và yêu cầu cần thiết phải bảo vệ công nhân.
Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, tuyên bố thành lập
CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM
Nhằm mục đích :
- Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người công nhân Việt Nam
- Giúp đỡ những công nhân găp khó khăn trong cuộc sống, lúc ốm đau, bệnh tật
- Nâng cao tình đoàn kết của giai cấp công nhân.
Chúng tôi kêu gọi các tổ chức đảng, chính quyền nhà nước Viêt Nam, các tổ chức công đoàn do nhà nước Việt Nam lập ra và quản lý tạo điều kiện và giúp đỡ chúng tôi hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trước công nhân..
Chúng tôi kính đề nghị Tổng Liên Đoàn Lao Động Thế Giới công nhận và kết nạp chúng tôi làm thành viên. Chúng tôi hứa sẽ tuân thủ mọi quy chế do Tổng Liên Đoàn Lao Động Thế Giới quy định.
Chúng tôi kêu gọi Tổng Liên Đoàn Liên Hiệp Châu Âu, Tổng Liên Đoàn lao Động các nước giúp đỡ, ủng hộ và bảo vệ chúng tôi trong quá trình xây dựng và phát triển.
Chúng tôi kêu gọi các tổ chức công đoàn của người Việt ở nước ngoài, các tổ chức và cá nhân người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài giúp đỡ, ủng hộ chúng tôi trong bước đầu hình thành, xây dựng và phát triển.
Chúng tôi kêu gọi toàn thể anh chị em công nhân Việt Nam ở tất cả cá khu vực, nhà máy ở Việt Nam gia nhập Công Đoàn Đôc Lập Việt Nam.
Chúng ta hãy đoàn kết lại thành một khối thống nhất, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong mọi tình huống. Có như vậy, chúng ta mới tự bảo vệ được mình, bảo vệ được thành quả lao động do chính mình tạo ra.
Thay mặt ban lãnh đạo Công Đoàn Đôc Lập Việt Nam
Ban đại diện lâm thời
1/ Nguyễn Khắc Toàn
2/ Lê Trí Tuệ
3/ Trần Thiên Ân
Các ủy viên lâm thời
1/ Nguyễn Công Lý
2/ Ngô Công Quỳnh
3/ Nguyễn Thị Hương
4/ Trần Hoàng Dương
5/ Phạm Sỹ Thiện
6/ Nguyễn Xuân Đạo
7/ Trần Huyền Thanh
8/ Lương Hoài Nam
9/ Lê Chí Dũng
10/ Trần Khải Thanh Thủy
11/ Trần Quốc Thủy
Địa chỉ email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
--------
LỜI KÊU GỌI GIA NHẬP CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM
Kính gửi : Toàn thể công nhân và người lao động Việt Nam
Hôm nay, ngày 20 tháng 10 năm 2006, tại Hà Nội, Tổ chức Công đoàn độc Lập đầu tiên của Việt Nam được tuyên bố thành lập.
Công đoàn độc Lập Viêt Nam ra đời nhằm mục đích duy nhất là giúp đỡ,bảo vệ các lợi ích về vật chất và tinh thần của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam.
Bất kỳ người công nhân và người lao động Việt Nam nào cũng có quyền gia nhập Công đoàn độc lập Việt Nam. Công đoàn độc lập Việt Nam có trách nhiệm sử dụng các công cụ pháp lý, các quan hệ trong và ngoài nước để giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi về vật chất và tinh thần của các thành viên
Bởi những tiêu chí và mục đích của Công đoàn độc Lập Viêt Nam nêu trên. Chúng tôi thay mặt Ban lãnh đạo Công đoàn Độc lập Việt Nam kêu gọi công nhân và người lao động Việt Nam gia nhập Công đoàn độc Lập Viêt Nam
Công Đoàn Đôc Lập Việt Nam cam kết giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi về vật chất và tinh thần của tất cả các thành viên
Thay mặt ban lãnh đạo lâm thời của Công đoàn độc lập Việt Nam
Trưởng ban đại diên lâm thời
Nguyễn Khắc Toàn
--------
Sự ra đời của Công đoàn độc lập Việt Nam đã được công nhân hoan nghênh và hưởng ứng mạnh mẽ.
Đúng một tuần sau, từ ngày 27 đến ngày 30/10/2006, chúng tôi tổ chức một cuộc hội nghị quốc tế gồm trên 70 đại biểu từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc Châu, Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Tiệp, Hà Lan, Nga tại Warszawa, thủ đô nước Cộng hòa Ba Lan. Hội nghị mang tên "Cơm áo và Quyền lao động" được sự tài trợ của "Công Đoàn Đoàn Kết", Ba Lan, "Hiệp Hội Tự Do Ngôn Luận Ba Lan".
Hội Nghị nhằm mục đích ủng hộ về mọi mặt cho " Công đoàn độc lập Việt Nam"
Các đại biểu hội nghị được các bộ trưởng, chánh văn phòng Tổng thống Ba Lan, văn phòng Thủ tướng chào đón. Các đại biểu cũng đến chào Chủ tịch Công đoàn đoàn kết, thăm viện bảo tàng " Công đoàn đoàn kết" tại Gdansk.
Cùng điều khiển hội nghị với đại biểu Việt Nam là Phó chủ tịch Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan Tomasz Wojcik và Chủ tịch Hiệp Hội tự do ngôn luận Ba Lan Miroslaw Chojecki.
Từ thời điểm đó, UBBV và Công đoàn độc lập đã sát cánh cùng nhau trong việc tranh đấu cho quyền lợi của công nhân và người lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi được kết nạp làm thành viên " Tổ chức thương mại thế giới-WTO" và tổ chức thành công hội nghị APEC tại Hà Nội, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt đầu đàn áp dã man những thành viên sáng lập "Công đoàn độc lập" : Luật sư Lê Thị công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài (cố vấn pháp lý Công đoàn độc lập) và nhiều thành viên sáng lập khác bị vào tù ; Phó chủ tịch Lê Trí Tuệ bị bắt cóc, biệt tích từ 13 năm nay,nhiều người buộc phải trốn chạy ra nước ngoài và xin tỵ nạn tại các nước dân chủ.
Nhưng, những anh chị em tranh đấu cho quyền lợi của người lao động quyết không bỏ cuộc, tiếp tục ở lại trong nước, hoạt động bí mật, tiếp cận các công ty, xí nghiệp để xây dựng phong trào.
Ngoài việc liên kết với các cơ sở công nhân, chúng tôi đã phát hành hàng chục ngàn tờ báo tại Việt Nam với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, hướng dẫn công nhân tranh đấu bảo vệ quyền lợi, gửi tới người lao động bằng mọi hình thức.
Hàng trăm cuộc đình công lớn nhỏ mỗi năm đã xẩy ra trong phạm cả nước, có những cuộc đình công có hàng chục ngàn công nhân tham gia. Những cuộc đình công đã buộc giới chủ phải nhượng bộ một phần những đòi hỏi chính đáng của công nhân.
Cuối năm 2008, "Phong Trào Lao Động Việt" ra đời như là một sự tiếp nối cong khai để giúp đỡ công nhân không ngừng tranh đấu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Tại Hải ngoại, anh chị em trong UBBV đã tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, tiếp xúc với nghiệp đoàn các nước, chính phủ các nước để tố cáo nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam toa rập với giới chủ, tạo điều kiện cho giới chủ bóc lột thậm tệ người lao động Việt Nam.
UBBV cũng thường xuyên làm cho dư luận quốc tế thấy rõ việc xuất khẩu lao động của nhà cầm quyền Việt Nam thực chất là buôn nô lệ, với tài sản thế chấp buộc các nạn nhân phải làm việc cật lực để trả lãi tiền vay ngân hàng trong nước.
UBBV đã có mặt ở những nơi mà người lao động Việt Nam bị bóc lột và bị coi rẻ như Mã lai, nơi có nhiều công nhân xuất khẩu nhất Đông Nam Á, nơi mà năm 2007, 2008 đã có hàng trăm công nhân bị chết vì tai nạn lao động để giúp đỡ. UBBV đã gặp gỡ các giới chức Tổng Liên Đoàn Mã lai để can thiệp với giới chủ ; hướng dẫn công nhân tham gia nghiệp đoàn Mã Lai, thành lập nghiệp đoàn của mình để tự bảo vệ. Anh chị em tranh đấu cho quyền Nghiệp đoàn chấp nhận mọi gian khổ hiểm nguy.
Để hướng dẫn cách xây dựng các cơ sở nghiệp đoàn, cách giúp đỡ công nhân phương pháp thương lượng với giới chủ, trao đổi kinh nghiệm của các Nghiệp đoàn có cùng hoàn cảnh, chúng tôi đã tổ chức nhiều khóa huấn luyện tại các nước Đông Nam Á cho anh chị em từ Việt Nam bí mật đến tham dự
Giữa năm 2009, trong một khóa huấn luyện tại nước ngoài, anh Đoàn Huy Chương và anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với những nhà lãnh đạo Nghiệp Đoàn Miến Điện đang có trụ sở lưu vong tại Thái Lan
Cuộc gặp gỡ đã tăng thêm niềm tin cho những người dấn thân vì công nhân tại Việt Nam.
Đến với công nhân, chia sẽ những khó khăn với công nhân là bổn phận từng ngày, từng giờ của anh chị em hoạt động tại Việt Nam
Cuối năm 2009, UBBV tổ chức đại hội lần thứ 2 tại Kuala Lumpur, Thủ đô nước Mã Lai nhằm tạo điều kiện gần gũi hơn với công nhân Việt Nam. Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh thay mặt anh em trong nước tham dự hội nghị. Hội nghị được sự quan tâm của Tổng liên đoàn lao động Mã lai và các Nghiệp đoàn quốc tế.
Cuộc tranh đấu đòi quyền lợi bị giới chủ cướp đoạt những ngày tháng 1/2010 của trên 10 ngàn công nhân công ty giày Mỹ Phong, Trà Vinh với sự hướng dẫn giúp đỡ trực tiếp của Phong trào lao động Việt đã mang lại thắng lợi, buộc giới chủ phải thỏa mạn phần lớn đòi hỏi của công nhân.
Nhà cầm quyền Việt Nam lại thẳng tay đàn áp.
Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh bị bắt và bị kết án nặng nề : 9 năm tù cho Nguyễn Hoàng Quốc Hùng ; 7 năm tù cho Đoàn Huy Chương và Đỗ thị Minh Hạnh.
UBBV bắt đầu chiến dịch đòi tự do cho Hùng Hạnh, Chương.
Bản án mà nhà cầm quyền dành cho 3 người đã làm cho dư luận thế giới và cộng đồng người Việt hải ngoại thấy rõ hơn những khó khăn mà UBBV và anh chị em trong nước từ Công đoàn độc lập đến Phong trào lao động Việt phải vượt qua, những hy sinh to lớn mà từ lâu nay họ âm thầm chịu đựng và kiên quyết tranh đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam.
Dư luận thế giới ngày càng thấy rõ cuộc tranh đấu của anh chị em trong nước và UBBV là hoàn toàn vì quyền lợi của người lao động
Tháng 6/2012, UBBV tổ chức đại hội lần 3 tại Washington DC, nhằm tiếp cận gần hơn với chính giới Hoa Kỳ, các tổ chức NGO của Mỹ và các Nghiệp đoàn Mỹ, kêu gọi dư luận tạo sức ép buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do cho Hùng Hạnh Chương, làm cho chính giới và các Nghiệp đoàn Hoa kỳ thấy rõ hơn Tổng Liên Đoan Lao Động do Đảng cộng sản lập ra chỉ là công cụ phục vụ cho Đảng cộng sản.
UBBV cũng đã nhiều lần tiếp xúc, gặp gỡ ban lãnh đạoTổng Liên Đoàn Lao Động Thế Giới (International Trade Union Confederation - ITUC) tại Bỉ.
UBBV đã cố gắng cho ITUC và nhiều nghiệp đoàn thành viên thấy rằng, giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam cần có một tổ chức Nghiệp đoàn đúng nghĩa, do công nhân tự lập ra, đại diện quyền lợi cho mình chứ không phải là nghiệp đoàn trá hình làm vật trang sức cho Đảng cộng sản như Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Lao Động Việt đã chính thức nạp đơn để làm thành viên Tổng Liên Đoàn lao Động Thế Giới ITUC ngày 1/03/2011.
Công đoàn độc Lập, UBBV và Phong trào lao động Việt đã chính thức liên kết thành "Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do" (viết tắt là Lao động Việt) để tăng thêm sức mạnh, tăng cường sự hỗ trợ trong và ngoài nước.
Giữa tháng 1/2014, Lao động Việt đã tổ chức đại hội lần thứ1 tại Bangkok, Thủ đô Thái Lan để tạo điều kiện cho anh chi em trong nước và vùng Đông Nam Á tham gia.
Sau Đại Hội, Lao động Việt đã viết thư đến chính phủ các nước thành viên tham gia đàm phán Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, nêu rõ thực trạng của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam, đề nghị nhà cầm quyền Việt Nam phải chấp nhận tính hợp pháp của Lao động Việt.
Lao động Việt phải được hoạt động công khai tại Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam có quyền thành lập các Công Đoàn Độc lập của mình. Lao động Việt đề nghị đây là một điều kiện bắt buộc khi ký kết TPP. Nếu không, giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam tiếp tục là những nô lệ ngay trên chính quê hương mình. Hàng hóa mà họ làm ra để xuất khẩu đến các nước TPP sẽ thấm đượm nước mắt,mồ hôi và cả máu của người công nhân.
Các cuộc đình công vẫn liên tiếp nổ ra, phạm vi ngày càng lớn, đặc biệt là khu vực phía nam.
Những ngày đầu tháng 4/2015, cuộc đình công của hơn 90 ngàn công nhân công ty Poeu Yuen tai khu công nghiệp Bình Dương đã làm chấn động dư luận trong nước và thế giới.
Cuộc tranh đấu không hướng tới giới chủ mà hướng tới nhà cầm quyền, chống lại điều 60 luật bảo hiểm xã hội, điều khoản gây thiệt hại lớn cho người công nhân,đã được quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2016.
Hàng ngàn công an và lực lượng an ninh đã được điều tới nhằm uy hiếp công nhân. Nhưng sức mạnh của gần trăm ngàn người đã buộc nhà cầm quyền không dám đàn áp.
Cuộc đình công đã lan tỏa đến nhiều nơi khác trong cả nước đặc biệt là cuộc đình công của công nhân tỉnh Long an kéo dài hơn 10 ngày.
Nhà cầm quyền sau một thời gian dùng sức mạnh đe dọa, nhưng không ngăn cản được ý chí của người lao động đành phải chấp nhận điều đình với công nhân. Quốc Hội cộng sản Việt Nam buộc phải sửa lại điều 60 luật bảo hiểm xã hội.
Cuộc tranh đấu chứng tỏ sức mạnh lớn lao của người lao động khi họ đoàn kết thành một khối, tranh đấu vì quyền lợi chung.
Năm 2016, Khi công ty Formosa thải chất độc hại ra biển, làm ô nhiễm môi trường hàng trăm km biển Miền trung, Hoàng Đức Bình, phó chủ tịch Phong trào lao động Việt đã cùng những thành viên khác vận động thành lập "Hiêp hội Ngư dân Miền Trung" để đoàn kết người dân đấu tranh bảo vệ môi trường, cùng với những Tổ chức khác giúp đỡ người dân trong lúc khốn khó, tranh đấu buộc Formosa phải bồi thường thiệt hại.
Nhà cầm quyền đã dùng lực lượng quân đội, công an hùng hậu đàn áp dã man người dân. Hoàng Bình bị nhà cầm quyền bắt cóc và xử án 14 năm tù.
Tranh đấu cho quyền của người lao động, quyền được thành lập Công đoàn độc lập là mục tiêu không thay đổi của Lao động Việt từ khi thành lập
Lao động Việt cũng đã làm cho các chính phủ, các đối tác kinh tế của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không thể thờ ơ trước cuộc sống tối tăm của công nhân và người lao động Việt Nam.
Lao động Việt luôn luôn tranh đấu để quyền thành lập "Công đoàn độc Lập" trở thành một điều kiện cứng rắn trên bàn đàm phán TPP.
Ngày 8/5/2015, tại trụ sở của công ty Nike (Portland, Oregon), Tổng thống Obama đã phát biểu :
"Khi chúng ta xem xét một quốc gia như Việt Nam, vẫn đang trong quá trình đàm phán. Lần đầu tiên, Việt Nam sẽ phải thực sự thay đổi chính sách và cải thiện tiêu chuẩn cho người lao động…".
"Họ phải thiết lập được mức lương cơ bản. Họ phải thông qua luật về điều kiện an toàn lao động và bảo vệ công nhân".
"Lần đầu tiên, Việt Nam sẽ phải để cho người lao động tự do thành lập công đoàn bảo vệ quyền lợi. Điều này cũng sẽ tạo ra sự thay đổi. TPP sẽ giúp tạo ra sân chơi công bằng và mang lại lợi ích cho người lao động Việt Nam".
Lao động Việt tranh đấu để cụm từ "Công đoàn độc Lập" trở thành từ được nhắc đến thường xuyên trên các phương tiện truyền thông và dư luận tại Việt Nam, mặc dù nhà nước cộng sản luôn kiểm duyệt.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ Barack Obama nhiều lần nhắc đến "Công đoàn độc lập" trong các phát biểu của mình liên quan đến Việt Nam.
TPP có định chế nghiêm ngặt, buộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tuân thủ khi thực hiện điều 19 về lao động.
Tuy nhiên, sau khi trở thành tổng thống Mỹ, Donald Trump đã hủy bỏ TPP.
CPTPP được đàm phán lại gồm 11 nước thành viên, không có Mỹ, không có những định chế nghiêm ngặt về quyền thành lâp nghiệp đoàn độc lập của người lao động, tạo điều kiện cho nhà cầm quyền đàn áp thẳng tay các thành viên Phong trào lao động Việt.
Các thành viên Lao động Việt hoạt động công khai và bán công khai bị nhà cầm quyền bắt và tuyên án hàng chục năm tù.
Chính phủ các nước có quan hệ với Việt Nam thường coi trọng giá trị kinh tế mà không chú ý đúng mức đến quyền lợi của người lao động, không chú ý đến giá trị nhân quyền, đặc biệt là giới chủ nhân ngoại quốc.
Giai cấp công nhân Việt Nam trở thành vật hy sinh cho sự tham lam, làm giàu của quan chức cộng sản và giới tư bản nước ngoài.
Việt Nam là thành viên của Tổ chức lao động quốc tế ILO, nhưng lần lữa, không ký Công ước quan trọng nhat liên quan đến quyền lợi của người lao động là : Công ước số 87 về tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức ;
Năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO, nhưng WTO đã phớt lờ các tiêu chuẩn về Lao động cho nhà nước cộng sản Việt Nam, nên hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với các nơi khác, vì yếu tố bóc lột sức lao động chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị hàng hóa.
Việt Nam cũng là một trong những nước có số lượng tù nhân lớn nhất thế giới và nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt buộc tù nhân làm việc kể cả sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhưng không trả lương.
Phong trào lao động Việt đã bí mật làm nhiều phóng sự điều tra về lao động tù, làm cho thế giới biết được co nhiều loại sản phẩm được nhập khẩu từ Việt Nam có thấm máu của tù nhân đặc biệt là "Hạt điều máu".
Hiệp ước tự do mậu dịch của Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam FTA đã kết thúc đàm phán vào tháng 12/2015 và bát đầu các thủ tuc pháp lý để ký kết, nhưng EU đã khước từ việc đặt vấn đề về quyền của người lao động, về nhân quyền nói chung khi đàm phán về tự do mậu dịch. Vấn đề này đã bị Phân ban nhân quyền của quốc hội Châu Âu phê phán mạnh mẽ trong phiên điều trần hôm 03/03/2016.
Ngày 30/06/2019, Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA,
Ngày 30/03/2020 Hội đồng Châu Âu thông qua EVFTA,
Ngày 08/06/2020 Quốc hội cộng sản Việt Nam thông qua EFVFTA và IPA.
Cả hai hiệp định CPTTP và EVFTA đều có những yêu cầu phia Việt Nam phải tôn trọng quyền của người lao động trong đó có quyền thành lập nghiệp đoàn độc lâp, nhưng không có điều khoản chế tài nghiêm ngặt như TPP.
Nhà nước độc tài cộng sản công an trị lại tiếp tục dùng mọi thủ đoạn lừa gạt. Một mặt họ đàn áp thô bạo Lao động Việt và những ai quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân, mặt khác họ lại từng bước cho các công đoàn cơ sở do họ lập ra tuyên bố là "Công đoàn độc lâp" để che mắt các thành viên CPTPP và Liên Hiêp Châu Âu EU.
Các thủ đoạn lừa gạt, tráo trở đã trở thành bản chất của nhà cầm quyền độc tài công sản buộc chúng tôi phải nghi ngờ khi nhà cầm ở thời điểm dùng những chính sách đàn áp thô bạo nhất lại xuất hiện công khai tổ chức mà từ trước đến nay nhà cầm quyền coi là nguy hiểm nhất.
2. Thực chất của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam
Tôi hiểu rõ thực chất của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam,
Từ năm 1980, ngoài công việc chuyên môn tại cảng Nghệ Tĩnh thuộc Tổng cục đường biển Việt Nam, tôi cũng đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp công đoàn tỉnh Nghệ Tĩnh (trong Ban chấp hành thời đó có ông Trần Quốc Thại giám đốc Sở lao động Nghệ Tĩnh, sau này khi tách tỉnh Nghệ An-Hà tĩnh ông Thại về làm Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Phan Bá Nhẫn hiệu trưởng Đại học sư phạm Vinh... ông Thái Ngô Tài là chủ tịch Liên Hiệp Công đoàn Nghệ Tĩnh thời đó).
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Là một tổ chức do Đảng cộng sản lập ra và lãnh đạo từ năm 1946, sau khi cướp được chính quyền.
Tuy nhiên, Lịch sử ngày thành lâp, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hiện nay lấy ngày 28/07/1929 là ngày Ban chấp hành trung ương Đông dương cộng sản đảng tổ chức đại hội và thành lập "Công hội đỏ" do Nguyễn Đức Cảnh làm chủ tịch.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam các khóa đều là ủy viên trung ương Đảng cộng sản ; Lãnh đạo Công đoàn các cấp cơ sở cũng đều là đảng viên cộng sản.
Điều lệ của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nêu rõ :
"Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là thành viên của hệ thống chính trị và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam",
"Đảng lănh đạo Công đoàn bằng đường lối, chủ trương Nghị quyết của Đại hội, Nghị quyết của cấp ủy Đảng".
"Đảng kiểm tra Công đoàn thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng".
"Công đoàn là người tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chế độ chính sách và Nghị quyết của Đảng"
"Công đoàn có vai tṛò to lớn trong việc góp phần xây dựng và nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị - xã hội xã hội chủ nghĩa"
Theo số liệu của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hiện nay có 10,5 triệu đoàn viên.
Tất cả công nhân trong các khu công nghiệp nhà nước quản lý buộc phải gia nhập công đoàn cơ sở thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và phải đóng đoàn phí hàng tháng bằng cách trừ vào lương.
Các khu công nghiệp, với vốn đầu tư nước ngoài cũng tương tự như vậy.
Trong hoạt động thực tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chỉ là công cụ của Đảng cộng sản được lập ra nhằm kiềm tỏa và giám sát công nhân và người lao động.
Phần lớn cán bộ công đoàn cơ sở thuộc lĩnh vực tư nhân do giới chủ trả lương, nên khi có tranh chấp quyền lợi thì thường đứng về phía chủ nhân, bảo vệ quyền lợi của giới chủ.
Tính từ năm 1995 đến nay tại Việt Nam đã có trên 7000 cuộc đình công do công nhân tự tổ chức và Lao động Việt, Phong trào lao động Việt" hướng dẫn.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không những không ủng hộ công nhân tranh đấu đòi quyền lợi mà còn toa rập với chính quyền dùng công an đàn áp bắt bở bỏ tù những người tổ chức đình công.
Ngày 30/01/2008,Thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ra nghị định số 11/2008/ND-CP cấm công nhân đình công và xử phạt nặng nề những người tổ chức. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ủng hộ quyết định của thủ tướng.
Ngày 17/06/2011, chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đồng thời là Ủy viên trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Đăng Ngọc Tùng, trong buổi lam việc với Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị chính phủ chỉ đạo bộ công an các tỉnh, thành phố có các biện pháp nghiệp vụ phát hiện và xử lý những người giúp đỡ công nhân mà họ gọi là băng nhóm xã hội đen nhằm ngăn chặn các cuộc đình công của công nhân.
Tất cả các cuộc đình công của công nhân từ trước đến nay đều bị nhà cầm quyền cho công an đàn áp, truy tìm những người cầm đầu để phạt tù hoặc đuổi việc.
Sau đại hội lần thứ 12 (cuối tháng 12/2015) của Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ chính trị Đảng cộng sản đã chỉ định ông Bùi Văn Cường, Ủy viên trung ương đảng làm Chủ tịch mới của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thay thế ông Đặng Ngọc Tùng nghỉ hưu.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hiện nay là ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên trung ương Đảng cộng sản, nguyên bí thư tỉnh ủy Hà Nam, nguyên bí thư đảng ủy quân sự tỉnh Hà nam, ủy viên đảng ủy Quân khu 3.
Phải khẳng định :Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chỉ là công cụ của Đảng cộng sản Việt Nam, không thể là đại diện đúng nghĩa quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam.
Trong "Tuyên bố thành lâp" những người khởi xướng Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam (ngày 1/07/2020) hy vọng "Sẽ đồng hành với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam".
Đây là điều không thể có, trừ trường hợp Đảng cộng sản tự giải tán, buoc phải tan rã hoặc có cuộc cải tổ rất sâu rộng, thay đổi hẳn đường lối hiện nay.
Thực tế hiện thời, sức ép xã hội và cuộc tranh đấu của nhân dân Việt Nam chưa đủ manh buộc Đảng cộng sản phải thay đổi.
Đảng cộng sản hiện nay, bất chấp sự thống khổ của người dân, bất chấp họa mất nước, đang hành xử như một băng đảng Mafia, dùng mọi mưu ma, chước quỷ, mọi thủ đoạn hèn mạt, xảo trá, lưu manh để vơ vét, tham nhũng, củng cố bè phái. Người dân dù ở tầng lớp nào, nếu cản trở lòng tham và mưu đồ của họ, họ sẽ triệt hạ một cách dã man như thời trung cổ. Những vụ bắt bớ gần đây hay vụ án Đồng Tâm là một ví dụ...
Thẳng thắn đưa ra quan điểm và suy nghĩ của mình, tôi muốn mọi người chúng ta, nếu thật sự vì Đất Nước, thật sự vì quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động thì hãy cân nhắc thật kỹ trước khi hành động.
Trần Ngọc Thành
Email. Everest.tnhy@ gmail.com
*******************
Hội nghị Quyền lao động Việt Nam tại Ba Lan
Nguyễn Giang, BBC, 30/10/2006
Hội nghị Quyền Lao động tại Việt Nam do một tập hợp các nhóm chính trị đối lập người Việt tại Ba Lan, Hoa Kỳ, Việt Nam và nhiều nước khác tổ chức.
Chính phủ Việt Nam đã gửi công hàm phản đối việc tổ chức hội nghị
Thực ra, việc các tổ chức bất đồng chính kiến và đối kháng người Việt mở hội thảo, hội nghị để phản đối cách lãnh đạo chính trị của đảng Cộng sản ở trong nước không phải là điều gì mới mẻ.
Nhưng lần này, thời gian và địa điểm tổ chức của Hội nghị này tạo ra những câu hỏi về tầm vóc thực của nó, so với các cuộc hội họp ở nước ngoài từ trước tới nay.
Không ai có thể phủ nhận việc chính giới Ba Lan, cụ thể là bên lập pháp, cho tổ chức hội nghị ba ngày liền (28, 29 và 30 tháng 10/2006) ở đại sảnh Sala Kolumnowa trong Tòa Nghị viện, mang tính biểu tưởng mạnh mẽ.
Ngoài ra, chuyện một số nhân vật bất đồng chính kiến tại Việt Nam tuyên bố lập nghiệp đoàn tự do, và còn phát biểu trước hội nghị qua đường điện thoại, cho thấy thời gian này có vẻ đang đánh dấu sự chuyển biến về ý thức chính trị tại chính trong nước.
Sự ủng hộ từ Ba Lan
Trước hết cần tìm hiểu tầm vóc của hội thảo nhìn từ phía Ba Lan. Tối 27/10, tại Văn phòng Phủ Thủ tướng, bộ trưởng Adam Lipinski đã tiếp phái đoàn gồm các vị Trần Ngọc Thành, Tôn Vân Anh, Ngô Văn Tưởng (Ba Lan), Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Thanh Trang (Hoa Kỳ), Lâm Thu Vân (Canada) và một số nhân vật Ba Lan, đưa một thỉnh nguyện thư lên Thủ tướng Jaroslaw Kaczynski đề nghị có tiếng nói ủng hộ công nhân ở Việt Nam.
Bộ trưởng Lipinski nói rõ ông không can thiệp vào việc của Bộ Ngoại giao Ba Lan, và mong muốn quan hệ đang tốt đẹp giữa hai nước tiếp tục. Nhưng ông cũng phát biểu với tư cách một nhân vật có thành tích hoạt động đối lập chống cộng sản lâu năm trước đây rằng ông khuyến khích các vị khách làm việc với những tổ chức phi chính phủ chuyên về nhân quyền và dân chủ.
Chính giới Ba Lan cũng biết về chuyện ngành ngoại giao Việt Nam phản đối Hội nghị. Nhưng có vẻ như chính lời phản đối đã khiến cho Quốc hội Ba Lan cho tổ chức hội nghị lại trong trụ sở của họ dù trước đó, theo Ban tổ chức, địa điểm họp đã bị chuyển sang trụ sở Bộ Kinh tế.
Hội nghị thu hút sự chú ý từ báo chí Ba Lan
Hiện nay, dù chính phủ Kaczynski bị coi là yếu, và đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền bị nhiều tai tiếng, nhưng phản ứng của phía Việt Nam rõ ràng là một sự thiếu hiểu biết về văn hóa chính trị Ba Lan.
NgườI Ba Lan, kể cả phía gốc cộng sản, rất tự hào về cuộc chuyển đổi thể chế hòa bình của họ, giải quyết các vấn đề của Chiến tranh Lạnh và xung đột Đông Tây trong tinh thần ái quốc chung.
Họ cũng sẵn sàng giúp các nước trong vùng và trên thế giới đi theo con đường như thế.
Nói như Phó Chủ tịch Công đoàn Đoàn kết Tomasz Wojcik tại hội nghị thì Ba Lan, và CĐĐK, "có món nợ với thế giới" vì đã được trợ giúp trong cuộc đấu tranh giành quyền tự do của giai cấp công nhân, và dân tộc Ba Lan.
Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Wojcik, người từng bị tù đày thời cộng sản, và đã tham gia tất cả các đại hội của CĐĐK từ đầu tới nay, nói : "Chính quyền cộng sản ở Việt Nam cần đối thoại với nghiệp đoàn độc lập, và đối lập". Theo ông, những người bất đồng chính kiến Việt Nam cũng cần dứt khoát theo con đường đấu tranh bất bạo động và sẵn sàng đối thoại.
Ông cũng nhấn mạnh rằng việc đấu tranh cho quyền công nhân bản thân nó không phải là chính trị, vì ngay cả bây giờ, ông và CĐĐK cũng đấu tranh chống lại những điều tai hại của hệ thống kinh tế tự do quá mức kiểu tư bản ở Ba Lan hiện nay.
Nhưng theo ông, trong một chế độ toàn trị thì bất cứ việc gì cũng bị coi là chính trị.
Hội nghị được sự quan tâm của báo chí Ba Lan. Điểm qua thấy có phóng viên của cả đài truyền hình quốc gia TVP, và các đài tư nhân như TVN24, Polonia, Eko etc.
TốI 29/10, chương trình thời sự của TVP1 có đưa tin về Hội nghị.
Hội nghị Quyền Lao động Việt Nam do tập hợp chính trị đối lập người Việt tổ chức
Khó có thể tin được tại Việt Nam sẽ có một phong trào 10 triệu người như Công Đoàn Đoàn kết mà lúc đỉnh cao có cả các thành viên trong giới công nhân, nông dân, trí thức, công an Ba Lan v.v. vì tình hình nay đã khác.
Nhưng như một số diễn giả Ba Lan và Việt Nam phát biểu thì vấn đề là ở chỗ Việt Nam ngày nay cũng khác Ba Lan trước đây nên để tạo thay đổi cũng không cần một lực lượng như vậy.
Kinh tế Việt Nam nay đã khác so với thời cộng sản Thiết quân luật ở Ba Lan. Quan hệ chính trị bên ngoài cũng khác.
Điều quan trọng nhất có lẽ là cả hai phía tại Việt Nam đều đã có bài học Ba Lan để rút ra kinh nghiệm.
Nguyễn Giang
tường thuật từ Warsaw, Ba Lan
Nguồn : BBC, 30/10/2006
Tổ chức độc lập đại diện cho người lao động : "Khó thực thi theo luật vì an ninh chính trị"
Sau hàng chục năm chờ đợi, kể từ khi Bộ luật Lao động có hiệu lực vào năm 1995, lần đầu tiên người lao động Việt Nam được luật cho phép thành lập "tổ chức của người lao động" – là một tổ chức đại diện cho người lao động độc lập với Công đoàn Việt Nam và không nằm trong hệ thống chính trị hiện hành.
Hội thảo khoa học quốc gia Công đoàn Việt Nam ngày 24/7/2019 - Ảnh minh họa
Theo đó, Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc Hội thông qua vào hôm 20/11 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), tại Điều 170 quy định về quyền thành lập tổ chức đại diện cho người lao động, bên cạnh tổ chức công đoàn truyền thống, giờ được bổ sung thêm "tổ chức của người lao động".
Như vậy, theo luật mới sửa đổi này, sẽ có 2 chủ thể đại diện cho người lao động cùng tồn tại. Thứ nhất là "Công đoàn Việt Nam"- là tổ chức thuộc hệ thống chính trị, do nhà nước thành lập, trực thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam ; và thứ hai là "tổ chức của người lao động"- một tổ chức độc lập với hệ thống chính trị, do chính người lao động thành lập tại doanh nghiệp và được nhà nước cấp phép hoạt động.
Khi Bộ luật Lao động được sửa đổi lần này theo hướng trao thêm quyền cho người lao động phù hợp với tiêu chuẩn lao động trên thế giới, đã nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh từ các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói rằng cải cách pháp lý này sẽ làm tiền đề thúc đẩy hình thành các tổ chức độc lập bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong tương lai.
Bất bình đẳng giữa công đoàn và tổ chức của người lao động
Bộ luật Lao động sửa đổi đã phân định ra 2 chủ thể đại diện cho người lao động là "Công đoàn Việt Nam" và "tổ chức của người lao động". Tuy còn nhập nhèm về tên gọi, nhưng có thể phân biệt được qua đặc trưng công đoàn vẫn do nhà nước độc quyền nắm giữ, hoạt động trên phạm vi quốc gia, còn "tổ chức của người lao động" sẽ do chính người lao động lập ra và chỉ có thể hoạt động trong phạm vi tại doanh nghiệp.
Quy định này đã đặt vị thế pháp lý và khả năng hoạt động của "tổ chức của người lao động" yếu hơn nhiều so với công đoàn truyền thống được nhà nước bảo hộ. Cũng tại Khoản 3 Điều 172 của Bộ luật này quy định trường hợp tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn. Điều này cho thấy tổ chức đầu mối – trụ cột chính trong việc bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động vẫn là Công đoàn Việt Nam, còn "tổ chức của người lao động" do chính người lao động lập ra chỉ mang tính phụ họa ở cấp cơ sở.
Vấn đề đáng quan ngại được đặt ra trong điều khoản này là liệu các "tổ chức của người lao động" sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, có bị áp lực chính trị để gia nhập công đoàn nhà nước hay không ? Đây là vấn đề khó tránh khỏi vì việc thành lập tổ chức của người lao động đều phải thông qua sự phê duyệt cấp phép của chính quyền.
Việc định vị pháp lý giữ công đoàn và tổ chức của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi rõ ràng đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa 2 chủ thể có cùng chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Có thể hiểu quy định "mở" cho tổ chức của người lao động được gia nhập công đoàn như là sự dọn đường cho việc vô hiệu hóa tính độc lập của tổ chức do người lao động lập ra, và mục đích cuối cùng là đặt "tổ chức của người lao động" chịu sự lãnh đạo và kiểm soát của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam.
Sửa luật mang tính chất đối phó
Nhìn lại quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động cho phép người lao động được thành lập tổ chức đại diện cho mình cho thấy sự cải cách của luật này chỉ mang tính đối phó.
Bởi lẽ, quyền thành lập tổ chức độc lập đại diện cho người lao động chính là quyền tự do hiệp hội được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác. Chẳng hạn như quyền tự do hiệp hội, bao hàm cả quyền thành lập tổ chức của người lao động được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập từ rất lâu như Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa ; hay Các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)... Tuy nhiên dễ nhận thấy, trong suốt thời gian dài, quyền này đã không được nhà nước đảm bảo thực thi tại Việt Nam, khi các văn kiện pháp lý quốc tế này không có hình thức chế tài đối với các quốc gia không chấp hành hoặc vi phạm công ước.
Sự trao quyền cho người lao động Việt Nam được phép thành lập tổ chức đại diện độc lập chỉ thật sự thay đổi khi nhà nước Việt Nam đặt bút ký kết các Hiệp định Thương mại gần đây. Đáng kể nhất là việc EU liên tục gây sức ép Việt Nam gia nhập Công ước số 87 của ILO về quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể trong lao động, như là một điều kiện để ký Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) vào hôm 30/6/2019. Theo Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện giữa EU và Việt Nam (PCA), quốc gia có thể bị chế tài bằng cách đình chỉ hoạt động thương mại bởi đối tác nếu vi phạm các cam kết về nhân quyền của người lao động.
Do đó, khi nhìn lại quá trình luật cho phép người lao động được thành lập tổ chức đại diện độc lập, cho thấy đây không phải là một tiến trình cải cách pháp lý đến từ sự chủ động trong ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền cho người lao động của chính quyền, mà chỉ là sự thay đổi một cách thụ động do áp lực chế tài từ các hiệp định kinh tế mang lại.
Cách thức vô hiệu luật
Khi sự cải cách pháp lý không xuất phát từ ý chí chủ động của giới chức chính quyền, có thể dẫn đến tình trạng luật chỉ ở trên giấy, chỉ dùng để đối phó với cam kết về nhân quyền trong thương mại, mà không có khả năng thi hành trên thực tế.
Không quá khó để giới chức chính quyền vô hiệu hóa quyền thành lập tổ chức độc lập của người lao động bằng các công cụ là Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành luật. Chẳng hạn như Chính phủ có thể đặt ra các điều kiện khắt khe và bất hợp lý về thủ tục và điều kiện thành lập, qua đó có thể hạn chế quyền của người lao động, ngăn chặn sự ra đời của các tổ chức độc lập đại diện cho người lao động.
Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở khi Khoản 4 Điều 172 Bộ luật Lao động đã trao quyền cho Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, và cấp phép hoạt động cho "tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp". Như vậy trong thời gian tới, bất kỳ việc thành lập "tổ chức của người lao động", ngoài việc tuân thủ điều kiện do chính phủ đặt ra, còn phải thông qua sự cấp phép của cơ quan chức năng nhà nước thì mới được công nhận và được phép hoạt động.
Thực tế cho thấy Chính phủ có nhiều kinh nghiệm vô hiệu hóa đối với các quyền con người dù đã được luật hóa. Điều này thể hiện rõ qua nhiều trường hợp đăng ký thành lập tổ chức tôn giáo, hay các tổ chức xã hội dân sự đã bị từ chối, bị ngăn cản bởi cơ quan cấp phép mà không có lý do thích đáng.
Cơ chế "xin-cho" một lần nữa được áp dụng đối quyền thành lập "tổ chức của người lao động" khi Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực thi hành. Việc phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của giới chức chính quyền khi thực hiện quyền này dẫn đến việc người lao động khó có thể thiết lập nên một tổ chức độc lập đại diện và bảo vệ cho quyền lợi của mình.
Bên cạnh đó cũng cần nhắc đến sự cảnh giác cao độ của giới chức chính quyền đối với các tổ chức độc lập của người lao động, bởi trong quá khứ, Công đoàn Đoàn kết Ba Lan – một tổ chức độc lập của người lao động đã mở đầu cho quá trình đánh đổ thành trì chế độ Cộng sản ở Châu Âu.
Vì vậy, ngay cả khi luật đã cho phép, việc người lao động thực thi quyền của mình theo theo luật định cũng khó được đảm bảo trên thực tế. Vấn đề này dễ dàng nhận thấy ở quyền đình công của người lao động dù được luật cho phép, nhưng trên thực tế là bị tước đoạt, người lao động phải đình công trong tình trạng bất hợp pháp và chịu nhiều rủi ro. Điều này sẽ không bao giờ được thay đổi ở Việt Nam khi an ninh quốc gia hay an ninh chính trị vẫn còn được giới chức hiểu một cách mơ hồ và áp dụng tùy tiện như hiện nay.
Minh Luật
Nguồn : RFA, 26/11/220198 (minh-luat's blog)
Trải qua thời bị xâu xé vì những ý hệ đủ loại trong thế kỷ XX, ngày nay con người bị lo âu hơn bao giờ hết. Truy tầm cho thật sâu vì không có thể chế bảo vệ sự quân phân tài sản, quyền tự do tư duy, sáng tạo... Càng rơi vào trạng huống ấy, mỗi dân tộc càng cần nhiều nghiệp đoàn độc lập mọc ra để tái phân phối của cải, tái phân phối công ăn việc làm trong xã hội.
Quì gối xin việc làm - Ảnh minh họa
Thế giới hiện đại đang bị nô lệ cho kỹ thuật. Nước Anh là nước đầu tiên phát minh ra máy hơi nước. Phát minh này đẩy mạnh ngành công nghiệp may mặc từ cây bông của nước Anh. Thế là địa chủ, giới chủ công nghiệp Anh đuổi nông dân ra khỏi những cánh đồng trồng lúa mì để nhường chỗ cho trồng bông. Nông dân đang có đất canh tác bỗng trở thành tứ cố vô thân. Liền sau đó nông dân Anh đã liên kết với nhau thành nghiệp đoàn. Nơi nào kỹ thuật phát triển mạnh, nơi đó sớm xuất hiện nghiệp đoàn, nếu không hết thảy đều chết đói hay vất vưởng ngoài đường phố.
Chính vì không có nghiệp đoàn nên con người đối xử với nhau như cướp giật, cũng chính vì không có nghiệp đoàn nên mới có những câu nói lạnh lùng kiểu : "Đời không có ai đúng ai sai.."., "Mạnh thì sống, yếu thì chết". Còn khi có nghiệp đoàn thì khác, mọi người giúp đỡ nhau để cùng tồn tại, người mạnh giúp người yếu, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Có thời các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn chuyển đổi từ hình thức nghiệp đoàn sang hình thức hội tương thân để lánh nạn. Vào thời ấy, người dân Anh quốc ai ai cũng được nghiệp đoàn cố gắng sắp xếp cho được một việc làm, nếu gấp quá thì hỗ trợ lương ăn. Làm nghiệp đoàn là đòi lại nhân phẩm cho người lao động. Mọi khóa đào tạo nghiệp đoàn đều coi Anh quốc là quê hương của các nghiệp đoàn là vậy.
Ở Hàn Quốc từng có chuyện, có những thanh niên to khỏe đi xin việc mười một, mười hai công ty cũng không có nơi nào nhận. Cuối cùng các thanh niên này phải đầu quân cho các băng đảng xã hội để mưu sinh. Chỉ vì mặt các thanh niên này có một vết sẹo nhỏ, hay có bố mẹ làm chuyện gì đó tai tiếng trong làng mà cả làng ghét, nên không một nơi nào nhận họ, không ai cho họ một công ăn việc làm. Trong khi đó có những nơi thì thiếu người làm công lại đợi mãi không thấy có người đến xin việc. Lại có trường hợp, thanh niên gọi điện phỏng vấn thành công, ông chủ nhận vào làm, nhưng thanh niên đó lại không có tiền bắt xe đò lên thủ đô Xê-un (Seoul), nên lại lỡ hẹn với công việc.
Xét những trường hợp trên, nếu có nghiệp đoàn, nghiệp đoàn sẽ tài trợ tiền xe đò lên Xê-un cho người thanh niên, rồi sau này đi làm tháng lương đầu tiên sẽ bù lại cho công quỹ của nghiệp đoàn. Cho nên nói nghiệp đoàn rất nhân bản. Như vậy, nghiệp đoàn vừa có thêm thành viên, vừa có thêm quỹ. Quỹ giàu thêm, có thêm tiền họ lại giúp thêm một người nữa có được việc làm. Chính vì vậy có thể nói nghiệp đoàn rất đắc lực trong vai trò gây dựng tình huynh đệ phổ biến, tái phân phối của cải xã hội.
Chính phủ Hàn Quốc cũng biết điều này nhưng hơi muộn, cho nên xã hội Hàn từng tràn ngập các băng đảng xã hội đen. Được trả độc lập từ năm 1945 từ tay Nhật Bản, tuyên bố độc lập vào năm 1948, hết nội chiến năm 1953 nhưng đến năm 1995 Hàn Quốc mới có một Tổng liên đoàn lao động được kể là lớn ( Liên hội các nghiệp đoàn Hàn Quốc - Korean Confederation of Trade Unions). Sau đó nhiều nghiệp đoàn mới được mọc lên sau, càng dẫn đến sự thịnh vượng đồng đều của người dân nước này.
Một câu hỏi nhỏ, rằng các nước giàu Tây phương tặng tiền, thức ăn cho các nước nghèo châu Phi thì có phải là làm từ thiện không ? Trả lời câu hỏi này, theo quan điểm của tỷ phú Bill Gates là không, người châu Phi ngồi không chơi, người châu Âu phải mang thực phẩm đến cho người châu Phi. Bởi, các nước giàu hút dầu trong lòng đất, làm cho nước ngọt ngầm ở châu Phi khô cạn. Nghĩa là, châu Âu có cho châu Phi tiền thì chỉ là đền bù thiệt hại chứ chẳng phải ban ơn. Cũng vậy, người đi làm giàu có mà đưa chút hỗ trợ cho người nghèo thì đừng nên tự hào gọi đó là từ thiện, anh có việc làm thì anh gửi chút đền bù cho những người đã vô tình phải nhường chỗ ăn làm cho anh. Tất nhiên là cuộc đời vốn không bao giờ công bằng, theo Bill Gates. Nếu chính phủ Việt Nam trung thực như chính phủ Pháp thì phải có trợ cấp xã hội phổ biến. Chính phủ Việt Nam phải tài trợ mức sống tối thiểu cho những thanh niên không có hoặc chưa có việc làm, và đây là nghĩa vụ chứ không phải ân huệ xin-cho. Còn như tình hình Việt Nam hiện nay thì đừng mong vào chính phủ, ngược lại chúng ta có thể bỏ qua chính phủ để tự thành lập các nghiệp đoàn độc lập, hầu cho tái phân phối của cải và bảo đảm công bằng xã hội.
Kiều Phong
Nguồn : VNTB, 23/06/2019
Mô hình nào cho tổ chức công đoàn độc lập ở thể chế chính trị độc đảng ? Nhiều người cho rằng cần thử đưa ra vài giải pháp, gợi ý đề xuất, qua đó sẽ có thêm cứ liệu cho việc thực hiện chủ đề liên quan đến nghiệp đoàn độc lập. Đây là câu hỏi vừa khó vừa dễ. Khó vì Hiến pháp cho làm nhưng Luật pháp thì chưa.
EVFTA đòi hỏi Việt Nam thay đổi luật hoặc ra luật mới cho phép công nhân thành lập nghiệp đoàn độc lập - Ảnh minh họa công nhân công ty Pouchen đình công
Đấy là lý luận chung chung, còn sau đây là một giải pháp cụ thể. Chẳng hạn, chúng ta cần một tổ chức để nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Giả thuyết làm việc đặt ra là cần một nghiệp đoàn thực phẩm. Làm thế nào để có nghiệp đoàn này, trong nước ai cũng sợ lập nghiệp đoàn sẽ bị bắt. Vậy thì hãy đi tìm những người có tâm huyết ở hải ngoại. Trong số những du học sinh Việt Nam tại các nước Tây phương hay Hàn Quốc, Nhật Bản, có nhiều người tài giỏi học ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học. Trong số đó nhiều những người đạt trình độ tiến sĩ, và trong số tiến sĩ đó có không ít người đã xin được thẻ xanh, thậm chí là quốc tịch của nước người, nghĩa là đã định cư an toàn. Nếu những đồng bào đó đứng ra lập một nghiệp đoàn thực phẩm để chuyền tải các tư tưởng, kiến thức về thực phẩm qua lại với Việt Nam thì đó là một tổ chức mang lại ơn ích cho xã hội, chẳng bao lâu sẽ có đông người tham gia.
Khi đã có nghiệp đoàn thực phẩm rồi, còn có nhà hàng nào dám ép đầu bếp nấu thịt lợn bẩn cho khách ăn, trừ khi họ không sợ bêu tên lên cơ quan ngôn luận của nghiệp đoàn thực phẩm ? Những hành động nhỏ nhưng có nơi gom góp lại thì sẽ tạo ra những hiệu ứng lớn trong xã hội. Hữu xạ tự nhiên hương, từ đó sẽ có thành viên, đầu bếp trong nước sẽ bắt liên lạc với đầu bếp hải ngoại để ghi danh tham gia nghiệp đoàn thực phẩm.
Tổ chức được vài ba cuộc biểu tình son đẹt là phương tiện chứ không phải là mục đích căn cốt của một tổ chức nghề nghiệp. Chẳng cần rủ tất cả đầu bếp các nhà hàng trong thành phố đình công, chỉ cần tạo ra sân chơi cho các đầu bếp tố cáo chủ nhà hàng mua thịt lợn bẩn về cho khách ăn đã là thành công lắm rồi. Nghiệp đoàn online tỏ ra ưu thế hơn nghiệp đoàn offline tập trung cùng một khu vực địa lý. Các sinh viên Trung Quốc đã trả giá khá đắt khi tụ tập lại một nơi để cho an ninh Trung Quốc quăng một mẻ lưới là bắt được hết những người chủ chốt.
Về kinh phí, tưởng rằng lập nghiệp đoàn online chẳng là bao, nhưng không có tiền cũng khó xoay sở. Ít nhất cũng phải có một trang cơ quan ngôn luận, sau đó chỉ cần mỗi người một cái smartphone hay laptop là liên kết được với nhau. Cần thiết ban đầu, như lời giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, là phải có một website. Nhiều người lo không có tiền làm website, cũng rất dễ, có đầy những tổ chức sẵn sàng tặng website nếu có một nhóm bạn lập nghiệp đoàn đề nghị giúp đỡ. Đài Á Châu tự do là một ví dụ, họ có tổ kỹ thuật làm xong website chỉ trong một ngày cho tổ chức xã hội dân sự. Người trong ngành nào lên mạng, đi vào website, thấy có nghiệp đoàn tương ứng thì sẽ đăng ký tham gia nghiệp đoàn ấy.
Trong hoạt động cần có bảo mật, đã có một số tổ chức sẵn sàng giúp bạn về bảo mật, chẳng hạn như nhóm Que Diêm (đã có mặt tại Việt Nam), Biên giới điện tử, Phóng viên không biên giới... Dầu sao cũng phải thừa nhận rằng, sớm hay muộn an ninh cũng sẽ tìm ra danh tính của một số đoàn viên trong nước, rồi bóp chẹt đường sinh sống của người ấy. Nào là tới công ty yêu cầu sếp đuổi việc, có bạn đi gia sư cũng bị phụ huynh đuổi khéo sau khi công vụ đến nhà. Cho nên, thay cho những người còn đang ở nhà trọ bấp bênh, cần những người có kinh tế ổn định, có nhà cửa đàng hoàng đứng ra gánh trọng trách thành lập nghiệp đoàn cho đất nước.
Cho đến bây giờ, nói về "công đoàn" thì người dân đã nghe qua, chứ nói về "nghiệp đoàn" thì mọi người mới nghe lần đầu, cứ như là từ mới ở Việt Nam. Đa số nghĩ bên Tây mới có nghiệp đoàn, ta làm gì đã có. Tìm về lịch sử dân tộc, nếu gọi phường nghề là nghiệp đoàn thì Việt Nam đã có nghiệp đoàn trước cả vương quốc Anh, phố Hàng Bạc, Hàng Mã... đã là nghiệp đoàn trước cả Luân-đôn.
Tất cả những nghiệp đoàn này đều là nghiệp đoàn độc lập, các đời vua Việt Nam hết sức tạo điều kiện cho phường nghề hoạt động. Còn gì đáng tự hào hơn như vậy ? Con người tự bản năng đã có nhu cầu liên kết với nhau, nhất là trong công việc ăn làm, là thiên luật mà không một người nào có thể cấm cản. Con người đặt ra trăm ngàn thủ tục hành chính lầy lội và tình chơi chữ để cấm cản nghiệp đoàn độc lập của nhau thì cũng chỉ là luật của một vài người, trong khi luật của người thì không cao hơn luật của Trời.
Ai ở hải ngoại và ai ở trong nước sẽ làm đầu cầu để kết nối các đồng nghiệp, để thành lập nghiệp đoàn độc lập ngành nghề ? Có nhiều cơ quan báo chí đang hiện diện ngay tại Việt Nam sẵn sàng đăng tải thông tin để đồng nghiệp biết đến và tham gia nghiệp đoàn của bạn.
Ông Lê Thân, lãnh đạo phong trào sinh viên ở Đà Lạt trước 1975, nay là chủ tịch câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, ở độ tuổi bô lão vẫn khuyến khích giới trẻ hình thành các nghiệp đoàn cho Việt Nam : "Dù biết có sai sót vẫn cứ làm. Không làm thì sao biết cách để mà làm ?".
Kiều Phong
Nguồn : VNTB, 11/06/2019
Thân phận nghiệp đoàn độc lập ở Việt Nam
Phạm Trần, 02/05/2019
Dự luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội Việt Nam thảo luận để thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong khoảng thời gian từ 20/05 đến 14/06/2019, cho phép công nhân thành lập tổ chức đại diện người lao động độc lập với Công đoàn của nhà nước, nhưng liệu có hy vọng thành công ?
Dự thảo sửa đổi Luật Lao động có gì mới - Ảnh minh họa (Anh Tú - Garco10)
Sau đây là những lý do rất khó :
"Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam ; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Thứ nhất là, chức năng và nhiệm vụ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một trong 6 tổ chức tổ chức chính trị xã hội của đảng duy nhất cầm quyền và được ngân sách nhà nước nuôi ăn. Các tổ chức kia là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Cựu chiến binh.
Ngoài ra, ngân sách nhà nước còn đài thọ kinh phí cho ngót 40 tổ chức hội đoàn vệ tinh, như Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Sinh viên, Hội người cao tuổi, v.v…
Theo Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (Vietnam Institute for Economic and Policy Research-VEPR) thì tổng số người hoạt động trong lĩnh vực tổ chức quần chúng công (có biên chế và không có biên chế), ước tính vào khoảng 338.000 người. Nhưng kết quả đem lại vẫn còn là dấu hỏi lớn, không ai ở Việt Nam có câu trả lời minh bạch.
Theo tin của báo nhà nước, trong năm 2017, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được cấp khoảng 184.110 tỉ đồng. Trước đó, năm 2016 cũng được chi 273.770 tỉ đồng, đấy là chưa kể các khoản tiền liễm đóng hàng tháng của đoàn viên, tài sản khác gồm bất động sản, xe cộ, phương tiện làm việc và các phương pháp gây qũy khác.
Với một ngân sách lấy từ tiền thuế của dân chi cho tổ chức công đoàn của đảng để khuynh đảo lực lượng công nhân, công và tư, nhằm phục vụ quyền lợi đảng thì có tổ chức lao động độc lập nào ngoài đảng có cơ may sống còn ?
Thứ hai, mặc dù Điều 149 của Dự thảo viết rằng "Tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp bao gồm công đoàn cơ sở được thành lập theo quy định của Luật Công đoàn ; và tổ chức khác của người lao động (hay nghiệp đoàn độc lập)", trên cơ sở tự nguyện, nhưng thực tế không dễ dàng chút nào, theo như tình trạng lao động và hoàn cảnh chính trị của người lao động hiện nay.
Lý do vì tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, như từ xưa đến nay, được coi như đương nhiên nắm vai chủ chốt kiểm soát công nhân tại mỗi cơ sở lao động, đặc biệt tại các doanh nghiệp nhà nước và công ty lớn có đầu tư của nước ngoài.
Do đó, sự hình thành "một tổ chức khác của người lao động" tại cơ sở lao động để cạnh tranh với công đoàn nhà nước là điều rất khó khăn, như "lấy trứng chọi với đá" !
Hãy đọc vài tỷ dụ :
Theo Điều 150 "dự thảo" thì chuyện "thành lập, gia nhập và hoạt động" sẽ dễ như ăn kẹo nếu đồng ý chui vào "lồng quyền lực" của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Nguyên văn :
1. Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp.
2. Tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi gia nhập hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nếu vào tổ chức lao động nhà nước thì Khoản (a) viết rằng :
"Trường hợp gia nhập vào hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì sau khi hoàn thành việc gia nhập, công đoàn có thẩm quyền ra quyết định thành lập hoặc công nhận gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh quyết định thành lập, quyết định công nhận, số lượng đoàn viên, danh sách Ban chấp hành Công đoàn cơ sở".
Rõ ràng giản dị vì không phải chui bò qua các cửa ải. Ngược lại, nếu muốn đăng ký để đứng độc lập thì sẽ phài làm một trong hai phương án, tùy theo quyết định của Quốc hội :
Phương án 1 : "Trường hợp đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập ; thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động thực hiện theo quy định của Chính phủ".
Phương án 2 : "Trường hợp đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thực hiện theo quy định tại các điều : Điều 151, 152, 153, 154, 155, và 156 của Bộ luật này.
Trăm mưu ngàn kế
Nếu có ai can đảm dám gồng mình tổ chức Nghiệp đoàn bên ngoài tổ chức lao động của đảng thì phải làm những việc sau :
Điều 151. Hồ sơ đăng ký nghiệp đoàn
1. Văn bản đề nghị đăng ký nghiệp đoàn do người đại diện của nghiệp đoàn ký và phải bao gồm các thông tin tối thiểu sau :
a) Tên nghiệp đoàn ;
b) Địa chỉ nghiệp đoàn ;
c) Họ, tên và địa chỉ của người đứng đầu nghiệp đoàn.
2. Điều lệ của nghiệp đoàn theo quy định tại Điều 153 của Bộ luật này.
3. Biên bản bầu cử và danh sách họ tên, địa chỉ của ban lãnh đạo được bầu của nghiệp đoàn.
4. Danh sách có chữ ký của những thành viên sáng lập và những người tự nguyện tham nghiệp đoàn theo quy định tại Khoản 1, Điều 152 của Bộ luật này.
5. Bản sao có chứng thực thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện và các thành viên ban lãnh đạo nghiệp đoàn.
Điều 152. Điều kiện về số lượng đoàn viên tối thiểu, ban lãnh đạo và người đứng đầu của nghiệp đoàn để được đăng ký
1. Tại thời điểm đăng ký, nghiệp đoàn phải có tối thiểu 20 đoàn viên là người lao động làm việc tại doanh nghiệp.
2. Thành viên Ban lãnh đạo được bầu của nghiệp đoàn là người lao động Việt Nam.
3. Thành viên Ban lãnh đạo được bầu của nghiệp đoàn không phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia ; các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân ; các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Điều 153. Điều lệ của nghiệp đoàn
Điều lệ của nghiệp đoàn phải các nội dung chủ yếu sau đây :
1. Tên, địa chỉ của nghiệp đoàn.
2. Tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động của nghiệp đoàn.
Tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động của nghiệp đoàn phải đáp ứng những yêu cầu sau :
a) Tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động của nghiệp đoàn là nhằm bảo vệ và thúc đẩy các quyền và lợi ích của đoàn viên trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp ; cùng với người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
b) Nghiệp đoàn đăng ký theo quy định của Bộ luật này không được là tổ chức có mục đích chính trị hoặc chỉ thuần túy là tổ chức nhằm thực hiện các hoạt động xã hội hoặc các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên.
3. Điều kiện, thủ tục gia nhập và ra khỏi nghiệp đoàn của người lao động.
Nghiệp đoàn không được đồng thời bao gồm đoàn viên là người lao động thông thường và người lao động là người đại diện cho lợi ích của người sử dụng lao động. Người lao động là người đại diện cho lợi ích của người sử dụng lao động là người có quyền tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến việc tuyển dụng, kỷ luật lao động, thuyên chuyển, chấm dứt hợp đồng lao động và điều kiện lao động của người lao động.
4. Cơ cấu tổ chức, nhiệm kỳ, người đại diện của nghiệp đoàn.
Người đại diện của nghiệp đoàn là người đứng đầu nghiệp đoàn hoặc người khác được bầu theo quy định của điều lệ của nghiệp đoàn.
5. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động và thể thức thông qua quyết định của nghiệp đoàn.
Tổ chức và hoạt động của nghiệp đoàn thực hiện theo các nguyên tắc sau đây :
a) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ ;
b) Tự nguyện, tự quản ;
c) Dân chủ, minh bạch.
6. Những nội dung sau đây phải do đoàn viên quyết định theo đa số.
a) Thông qua, sửa đổi, bổ sung điều lệ của nghiệp đoàn ;
b) Bầu cử, miễn nhiệm người đứng đầu và ban lãnh đạo của nghiệp đoàn ;
c) Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên, giải thể nghiệp đoàn.
7. Đoàn phí, nguồn tài sản, tài chính và việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của nghiệp đoàn.
Việc thu, chi tài chính của nghiệp đoàn phải được theo dõi, lưu trữ và định kỳ hàng năm công khai cho đoàn viên nghiệp đoàn.
8. Kiến nghị và giải quyết kiến nghị của đoàn viên trong nội bộ nghiệp đoàn.
9. Các nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.
Điều 154. Trình tự, thủ tục đăng ký nghiệp đoàn
1. Người đại diện của nghiệp đoàn gửi hồ sơ đăng ký theo quy định tại Bộ luật này cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký nghiệp đoàn. Các tài liệu trong hồ sơ đăng ký nghiệp đoàn phải được lập trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày lập đến ngày nộp hồ sơ đăng ký.
2. Trong trường hợp hồ sơ đăng ký thiếu các thông tin, tài liệu theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật này thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký thông báo cho người nộp hồ sơ đăng ký trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký.
3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền đăng ký phải cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Trường hợp không cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký từ chối đăng ký trong các trường hợp sau :
a) Tài liệu và nội dung hồ sơ đăng ký không theo quy định tại các Điều 151, 152, 153 của Bộ luật này.
b) Có căn cứ cho rằng tổ chức của người lao động có hành vi gian dối trong quá trình thành lập tổ chức.
c) Tổ chức có nguồn tài chính không phù hợp với quy định của pháp luật.
Với những khó khăn và ràng buộc nêu trên, liệu có "người công nhân anh hùng" nào có gan làm Phù Đổng Thiên vương trong thời đại hễ mở mồm ra là "thù địch, phản động" dưới thời cộng sản hay không ?
Phai nhạt chính trị
Đó cũng là lý do giải thích tại sao hồi năm 2018, khi chưa được Quốc hội trao chức Chủ tịch nước, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ta thán rằng :
"Hiện nay xã hội vẫn băn khoăn trước tình trạng một bộ phận công nhân, người lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều đến những vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống cụ thể trước mắt, ít quan tâm đến những vấn đề cơ bản, lâu dài, có tính chiến lược như ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, vai trò, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm của giai cấp công nhân… ; một số bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm sai trái, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội".
Ông Trọng đã hờn dỗi như thế trong bài phát biểu tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12, nhiệm kỳ 2018- 2023, tổ chức tại Hà Nội ngày 25/09/2018. Ông còn chỉ trích :
"Chất lượng đội ngũ công nhân nước ta đang có những dấu hiệu hụt hẫng và bất cập. Xu hướng phân hoá trong đội ngũ công nhân làm cho nhiệm vụ tập hợp lực lượng và nâng cao vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với toàn thể xã hội trở nên khó khăn".
Trước tình trạng xuống cấp này, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã chỉ thị Công đoàn phải :
1. Chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho công nhân, viên chức, người lao động. Tập trung tuyên truyền, giáo dục, giúp công nhân, viên chức, người lao động nhận thức sâu sắc hơn nữa về giai cấp, về Đảng, về tổ chức công đoàn…
2. Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng vào thực tiễn công tác. Nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp tổ chức cho cán bộ, đoàn viên học tập, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị.
3. Đặc biệt, phải kiên trì, sáng tạo và thực chất trong việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm trước của cán bộ công đoàn các cấp, đồng thời coi trọng việc xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến…
4. Chú trọng giáo dục giữ vững bản lĩnh, có ý thức nhạy bén chính trị, tăng sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động để kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc".
5. Các cấp công đoàn phải tích cực đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng ; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ; góp ý với đảng viên, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ với hình thức phù hợp, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng.
Nói hăng như thế khi ông chưa bị "đột quỵ" ở Kiên Giang ngày 14/04/2019 là điều dễ hiểu. Nhưng liệu tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động đã chận đứng được trận cuồng phong chán đảng, rã đoàn của các thế hệ đảng viên chưa, hay họ sẽ nát bét thêm khi có Luật Lao động mới ?
Phạm Trần
(02/05/2019)
Hòa Ái, RFA, 01/05/2019
Bộ Lao động, thương binh và xã hội vừa công bố Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần đầu tiên bổ sung quy định về việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Hàng trăm công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạnmay Vạn Hà, Thanh Hóa liên tiếp đình công trong tháng 04/17 để đòi quyền lợi. Courtesy : Ảnh chụp màn hình baomoi.com
Có phải Việt Nam bắt đầu tiến hành sửa đổi luật để cho phép thành lập công đoàn độc lập ?
Một số công nhân ở Việt Nam chia sẻ với RFA rằng dịp lễ Ngày Lao động Quốc tế năm 2019 đặc biệt vui đối với họ trước thông tin liên quan đến Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) lần đầu tiên bổ sung quy định việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, được đăng tải trên Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 30 tháng 4 qua bài báo có tựa đề "Đề xuất người lao động có quyền thành lập công đoàn độc lập". Một công nhân cho biết :
"Đây là một tín hiệu vui, bởi vì dù sao cũng có một lối mở cho người lao động".
Nội dung bài báo vừa nêu cho biết Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở và tổ chức này được tham gia góp ý cũng như giám sát các quy định về lương bổng, nội quy lao động và các quyền lợi của người lao động là thành viên. Thêm vào đó, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở được bầu chọn phải là người lao động Việt Nam đang làm việc tại cơ sở sử dụng lao động ; có quyền thương lượng, đối thoại, tham vấn với chủ lao động tại nơi làm việc theo quy định và được tổ chức, lãnh đạo các cuộc đình công.
Điều đáng chú ý trong Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) về quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là chỉ được hoạt động hợp pháp khi gia nhập hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động.
Bộ Lao động, thương binh và xã hội, được báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời rằng dự thảo luật này nhằm nội luật hóa tiêu chuẩn lao động quốc tế, thực hiện những cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Bộ Lao động, thương binh và xã hội cũng cho biết dự thảo sẽ được lấy ý kiến đến 28/6 và được trình Quốc Hội trong kỳ họp tháng 5 và theo lộ trình sẽ đươc thông qua vào kỳ họp tháng 10.
Từ Sài Gòn, nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng lên tiếng cần lưu ý thời điểm Bộ Lao động, thương binh và xã hội công bố Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) về quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngay sau hai chuyến công du đến Châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hồi trung tuần tháng 4.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng ghi nhận Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã được chỉ đạo soạn thảo từ năm 2015, nhưng khi công bố thì nội dung quy định trong dự thảo luật này rất dễ gây hiểu lầm cho người lao động qua cụm từ được sử dụng rất mơ hồ là "tổ chức đại diện của người lao động" tại cơ sở. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhấn mạnh rằng Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) được Bộ Lao động, thương binh và xã hội tuyên bố là "nhằm thực hiện những cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia", thế nhưng nội dung dự thảo vừa được công bố có nhiều khác biệt so với các quy định trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc Hội Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ ngày 14/01/2019.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhắc lại và liệt kê các điều khoản về yêu cầu thành lập công đoàn độc lập trong Hiệp định CPTPP mà Việt Nam đã ký kết :
- Cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp được thành lập tổ chức của người lao động/công đoàn ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Để hoạt động, tổ chức này hoặc gia nhập vào Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký hoạt động độc lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (do Chính phủ quy định) tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó.
- Các tổ chức công đoàn của người lao động này được quyền không kém hơn so với Công đoàn cơ sở, thuộc hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động VN.
- Tổ chức này có thể yêu cầu và nhận sự trợ giúp kỹ thuật và đào tạo từ các tổ chức hoạt động về lao động đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
- Chậm nhất từ 5 đến 7 năm kể từ khi Hiệp định CTTPP có hiệu lực, các tổ chức người lao động/công đoàn có thể gia nhập hoặc thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như : cấp ngành, cấp vùng lãnh thổ theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định.
Ngoài ra còn có những nội dung mới liên quan đến vấn đề lao động ở Việt Nam như vấn đề đình công : hiện tại Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép đình công trong các doanh nghiệp, đình công chỉ được thực hiện với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích ; trong khi đó Hiệp định CTTPP sẽ cho phép đình công cấp ngành, đình công hưởng ứng và có thể có đình công ‘phản đối chính sách kinh tế -xã hội’…
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng so với các quy định về thành lập công đoàn trong CPTPP thì Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) về thành lập lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là quá sơ sài, không thể hiện thiện chí và thực tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện cam kết theo tinh thần Hiệp định CPTPP.
Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn đặc biệt lưu ý về quy định "cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký" là quy định chung chung vì đã không nêu rõ cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào ; do đó khi thực hiện sẽ tạo ra bức tường thành về thủ tục hành chính khi người lao động thành lập hồ sơ và đăng ký cho tổ chức của người lao động hoạt động.
Lãnh đạo ngành công thương các nước thành viên chuẩn bị ký kết hiệp CPTPP tại Chile tháng 3/2018. AFP
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, một đại diện ẩn danh của Liên đoàn Lao động Việt Tự do, tổ chức công đoàn độc lập tại Việt Nam nhận xét rằng Chính phủ Việt Nam không sẵn sàng trong việc cho phép công đoàn độc lập được thành lập và hoạt động hợp pháp :
"Cái tựa đề bài báo đã bị sửa đổi thành ‘Lấy ý kiến về Bộ luật Lao động sửa đổi đến ngày 28-6-2019’ sau khi đăng tải. Có lẽ đã được Ban Tuyên giáo hay một cơ quan nào đó nhắc nhở. Qua đó cho thấy một động thái họ phủ nhận vì trong nội dung bài báo không còn từ ‘công đoàn độc lập’ nữa".
Vị đại diện của Liên đoàn Lao động Việt Tự do còn khẳng định việc thành lập công đoàn độc lập ở Việt Nam sẽ rất khó khăn theo quy định trong dự thảo luật này :
"Dự thảo quy định thứ nhất là muốn hoạt động hợp pháp thì phải gia nhập hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản và là tổ chức của Nhà nước thì không còn là độc lập nữa. Thứ hai, Dự thảo quy định hoặc là được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký thì cũng không biết cơ quan nào có thẩm quyền để làm việc này. Quy định như thế cũng rất mập mờ. Họ ràng buộc vào quy định này thì e rằng việc người lao động đi đăng ký mà không biết thời gian chờ đợi trong bao lâu. Theo tôi được biết, Liên đoàn Lao động Việt Tự do đã hai lần nộp đơn gửi đến một số cơ quan có thẩm quyền gồm Bộ Công Thương và Bộ Lao động, thương binh và xã hội cùng một số bộ khác nhưng tất cả các cơ quan cấp bộ đó không hề trả lời cho Liên đoàn Lao động Việt Tự do liên quan việc nộp đơn này".
Còn theo nhận định của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) được gấp rút hoàn chỉnh và được Quốc Hội thông qua trong kỳ họp tháng 10 là cách để Chính phủ Việt Nam đối phó với Châu Âu trong mong muốn nhanh chóng ký kết và tham gia vào Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Châu Âu (EVFTA).
Vào hạ tuần tháng 1 năm 2019, hai thành viên Nghị viện Châu Âu chính thức thông báo về việc hoãn phê chuẩn Hiệp định EVFTA và lý do hoãn được viện dẫn là bởi vấn đề kỹ thuật. Trưởng đại diện Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, ông Bruno Angelet, trong một cuộc phỏng vấn với BBC Việt ngữ hồi trung tuần tháng 3 vừa qua, cho biết ông hy vọng đại diện của Hội đồng Châu Âu sẽ đến Hà Nội ký các hiệp định trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2019 và ông dự đoán Nghị viện Châu Âu mới sẽ xem xét và phê chuẩn EVFTA sau mùa hè hoặc đầu tháng 10 tới đây, sau khi được tổ chức bầu cử vào hạ tuần tháng 5.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu và Nghị viện Châu Âu không nên quá vội vã thông qua văn bản pháp quy liên quan quy định thành lập công đoàn độc lập của Việt Nam, mà cần phải rà soát kỹ nội dung có đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt Nam hay không rồi hẳn phê chuẩn.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong những năm vừa qua, hàng trăm cuộc đình công lớn nhỏ nổ ra một cách tự phát tại Việt Nam với sự tham gia của hàng ngàn công nhân nhằm phản đối chính sách của công ty, như công nhân không đủ sức làm việc vì bị ép tăng sản lượng, không được nghỉ phép khi bị đau ốm, hay chính sách lương được cải cách không phù hợp…Phần đông trong số công nhân tham gia đình công từ Bắc đến Nam cho RFA biết thông thường Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn đứng về phía chủ doanh nghiệp, thậm chí còn lên tiếng đe dọa những ai tổ chức đình công tập thể. Trong khi đó, một số nhà hoạt động vì quyền lợi của công nhân, kêu gọi Việt Nam cho phép công đoàn độc lập hoạt động hợp pháp nhưng lại bị chính quyền bắt bỏ tù như Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng…
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 01/05/2019
Ghi nhận hiện tại, đang có ít nhất hai tổ chức quy củ mang tên nghiệp đoàn : Nghiệp đoàn sinh viên Việt Nam ; Nghiệp đoàn báo chí Việt Nam (1). Cả hai nghiệp đoàn này tuy có tên Việt Nam, nhưng theo số điện thoại liên lạc, thì lần lượt được đặt tại Anh, và Pháp.
Trang web của Nghiệp đoàn sinh viên Việt Nam. Ảnh : chụp màn hình
Câu hỏi đặt ra, nếu nhà nước Việt Nam thực thi thỏa thuận của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương [Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP], thì các lao động Việt Nam sẽ vận dụng theo những mô hình nào cho hình thành công đoàn, hay nghiệp đoàn độc lập ? (2).
Nghiệp đoàn theo quan điểm Nho giáo
Theo tự giới thiệu, thì "Nghiệp đoàn báo chí Việt Nam là một tổ chức nghiệp đoàn độc lập của những người hành nghề báo chí nói tiếng Việt, ra đời ngày 03 tháng 05 năm 2018, trùng ngày tự do báo chí thế giới.
Trung tâm điều hành của nghiệp đoàn là các sinh viên đã và đang theo học tại đại học Văn khoa Sài Gòn, Việt Nam, hoạt động một cách hợp hiến. Nghiệp đoàn vận hành theo Cơ cấu Việt Nho và có sứ mệnh đưa Việt Nho trở lại thành triết lý chủ đạo cho văn hóa Việt Nam. Nghiệp đoàn không khuyến khích các hoạt động xuống đường biểu tình, không khuyến khích hoặc đình công hoặc bãi công" (3).
Tuy nhiên phần tự giới thiệu trên trang web này lại ghi, "Ban điều hành của Nghiệp đoàn là những nhà báo dưới 35 tuổi" [nguồn đã dẫn], cho thấy không tương ứng với phần giới thiệu "là các sinh viên đã và đang theo học tại đại học Văn khoa Sài Gòn", vì trường đại học này đã khép lại khi đang lỡ dỡ niên khóa 1974/1975.
"Nghiệp đoàn sinh viên Việt Nam" và "Nghiệp đoàn báo chí Việt Nam" dường như chung một tổ chức sáng lập, khi cùng đưa ra chủ trương "vận hành theo Cơ cấu Việt Nho và có sứ mệnh đưa Việt Nho trở lại thành triết lý chủ đạo cho văn hóa Việt Nam" (4).
Như vậy, với giới hạn trong phạm vi Nho giáo, cả hai tổ chức nghiệp đoàn này khó thể đáp ứng nhu cầu đa chiều tư tưởng của nghề báo, cũng như sự tự do lựa chọn về tín ngưỡng, học thuật, triết lý của các thế hệ
Cả hai nghiệp đoàn lại không đặt tại Việt Nam, nên cũng khó thể xem đây là những nghiệp đoàn xã hội dân sự mà người lao động Việt Nam cần quan tâm tìm hiểu cho việc xúc tiến thành lập những công đoàn/ nghiệp đoàn độc lập.
Nhìn từ báo chí Sài Gòn trước 1975 : mô hình cần có ở hiện nay
Nếu như Việt Nam thật sự có tự do ngôn luận, thì khi thực hiện CPTPP, các phóng viên làm việc chính thức lẫn cộng tác viên, hoặc nhà báo đã hưu trí có thể cùng tập họp lại với nhau để thành lập một, hay nhiều nghiệp đoàn ký giả theo tính chuyên sâu, như Nghiệp đoàn ký giả chính trị xã hội ; Nghiệp đoàn ký giả văn nghệ ; Nghiệp đoàn ký giả thể thao...
Các nghiệp đoàn này có thể cử ra một ban đại diện mang tính địa phương, như Nghiệp đoàn báo chí Sài Gòn, Nghiệp đoàn báo chí Hà Nội, Nghiệp đoàn báo chí Cần Thơ…
Các nội dung như vừa kể, gần như tương tự với hình thức của tổ chức có tên Hội Nhà báo ở hiện tại, với các chi hội nhà báo mang tính chuyên môn hẹp như chi hội nhà báo chính trị - xã hội, chi hội nhà báo văn hóa – nghệ thuật, chi hội nhà báo thể thao…
Tuy nhiên nếu như Hội Nhà báo là môt tổ chức nghề nghiệp mang tính công đoàn, nằm trong Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, là tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản Việt Nam, có nhiệm vụ quản lý các hoạt động của các đoàn thể chính trị, tôn giáo, nghề nghiệp ; thì Nghiệp đoàn ký giả sẽ là tổ chức thuần xã hội dân sự, không bắt buộc có cấp chủ quản như quy định tại các Nghị định 33/2012/NĐ-CP, 45/2010/NĐ-CP của chính phủ.
Liên quan hội, đoàn độc lập trong nghề báo ở miền Nam trước 1975, tại Sài Gòn có đến 4 tổ chức : Hội Chủ báo, Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt, Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam và Hội Ái hữu ký giả.
Báo chí Sài Gòn thời ấy khá đa dạng, từ những tờ là cơ quan ngôn luận của chính quyền, cho đến những tờ đối lập với chính quyền, rồi những tờ thiên về kinh doanh. Có những tờ báo "lá cải" chuyên khai thác những chuyện hoang đường, yêu tinh ma quỷ, tình tiền tù tội. Do đó tùy vào nhu cầu mà các ông bà chủ báo, các ký giả, các cộng tác viên báo chí có thể lựa chọn tham gia vào những tổ chức kể trên.
Việt Nam hiện tại thì chưa có báo chí tư nhân, song công việc phát hành báo đều do tư nhân thực hiện (hệ thống phát hành quốc doanh qua bưu điện hiện rất èo uột), nên có thể thành lập Hội Chủ phát hành báo. Hai tổ chức là Nghiệp đoàn ký giả Sài Gòn, và Hội Ái hữu ký giả Sài Gòn thì hoàn toàn nằm trong tầm tay về nhân sự hình thành. Đó là chưa tính đến Hội Nhà báo độc lập Việt Nam thành lập từ đầu tháng 7/2014, đang là một trong những hội đoàn nghề nghiệp thuần túy xã hội dân sự, thỏa mãn các tiêu chí về công đoàn độc lập của CPTPP.
Nghiệp đoàn độc lập báo chí sẽ mang lợi ích gì ?
Một khi pháp luật báo chí cũng như hình sự, hành chính vẫn chưa có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ phóng viên, nhà báo khỏi các cáo buộc phi lý từ một số cá nhân, nhóm lợi ích nắm quyền nhằm duy trì công cuộc phòng chống tham nhũng, nơi mà chỉ có giới này có đủ dũng khí và chuyên môn để theo đuổi, thì với việc hình thành các nghiệp đoàn báo chí độc lập sẽ góp phần giải quyết.
Uy tín của việc tập họp các hội viên của những tổ chức nghiệp đoàn báo chí sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho nền báo chí tự do, kể cả tự do trong khuôn khổ của định hướng từ cơ quan tuyên giáo đảng. Bởi khi không phải bó mình trong nỗi e dè sợ hãi bị kỷ luật thu thẻ nhà báo, đe dọa bị đình bản, đóng cửa báo chí…, thì chắc chắn báo chí sẽ trở về đúng nghĩa là những tiếng nói đa chiều, phản ánh đầy đủ các góc nhìn về bộ mặt của đời sống chính trị, xã hội.
Những đe dọa bị thu hồi thẻ, bị đình bảng, bị đóng cửa sẽ phải đối diện với làn sóng lên tiếng từ các tổ chức như Hội Chủ phát hành báo, Nghiệp đoàn ký giả, Hội Ái hữu ký giả. Sự kiện "Ngày ký giả đi mày" ngày 10/10/1974 để phản đối Sắc luật 007/72 (5) của chính quyền Sài Gòn là một ví dụ dễ thấy nhất (6).
Hồi đầu năm nay, Ban Bí thư đã ban hành Thông báo Kết luận tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20/07/2010 của Ban Bí thư khóa X về công tác nhân quyền trong tình hình mới (Chỉ thị 44). Theo đó, Ban Bí thư khẳng định rằng "Việt Nam bảo đảm tốt tự do báo chí theo luật pháp quốc tế về nhân quyền" (7).
Như vậy thì với việc Quốc hội phê chuẩn CPTPP vào cuối tháng 11 này, cho thấy đã hội đủ điều kiện để hình thành những nghiệp đoàn báo chí độc lập. Đây cũng là một quyền Hiến định, "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình" (Điều 25).
Ông tổng giám đốc Ngân khố sau khi nhận được bản án, đương nhiên khấu trừ số tiền ký quỹ. Số tiền ký quỹ phải luôn luôn đầy đủ theo luật định. Khi số tiền ký quỹ bị khấu trừ thì ngay sau khi nhận được thông báo của tổng giám đốc Ngân khố, tờ báo phải đóng thêm cho đủ số tiền ký quỹ trong thời hạn 15 ngày. Nếu không, tờ báo bị coi như tự đình bản, hoặc cơ sở phát hành bị coi như tự ý ngưng hoạt động. Nếu tiếp tục hoạt động sẽ bị truy tố.
Sắc luật 007/72 còn quy định tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn.
Một bài báo được cho là "vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng" khi được tòa mở vụ án xét xử và tuyên rõ ràng, chứ không như vụ báo Người Cao Tuổi trước đây, hay báo Tuổi Trẻ phiên bản điện tử ở thời gian vừa qua.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 08/11/2018
(1) https://nghiepdoansinhvien.org/ ; https://nghiepdoanbaochi.org
(2) http://www.vietnamthoibao.org/2018/11/vntb-cong-oan-oc-lap-co-e-doa-su-ton.html
(3) https://nghiepdoanbaochi.org/contact/
(4) https://nghiepdoanbaochi.org/contact/ ; https://nghiepdoansinhvien.org/2018/11/05/vi-sao-nghiep-doan-sinh-vien-viet-nam-van-hanh-theo-co-cau-viet-nho/
(5) Sắc luật 007/72 bắt buộc mỗi tờ nhật báo phải đóng ký quỹ 20 triệu đồng (lúc ấy tương đương 47.000 USD), còn báo định kỳ thì 10 triệu. Nếu không nạp đủ số tiền đó, thì tờ báo bị rút giấy phép. Luật có điều khoản ưu đãi đặc biệt cho những tờ báo thân chính quyền, báo của họ chỉ đóng phân nửa tiền ký quỹ, 10 triệu đồng.
Các tờ báo có đủ tiền, đóng ký quỹ tại Tổng nha Ngân khố trong một trương mục có lãi. Trương mục này do chủ nhiệm, chủ bút, hoặc quản lý đứng tên dành để bảo đảm việc thanh toán các "ngân hình án phí", và tiền bồi thường thiệt hại cho dân sự nguyên cáo định kỳ trong những bản án tuyên xử liên quan đến những vi phạm điều khoản luật này.
(6) Ở đây tạm không luận bàn về việc lợi dụng vụ việc này của lực lượng dân tộc giải phóng miền Nam
Một nhà quan sát nói với BBC rằng thử thách lớn nhất của nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam tới đây là "làm sao dung hòa được các quyền lợi đối nghịch của các bên tham gia", trong lúc một nhà hoạt động cho rằng nhiệm vụ trước mắt là giải nghĩa cho công nhân hiểu công đoàn "không làm chính trị".
Công nhân xưởng may tại Việt Nam (hình chỉ có tính minh họa)
Trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam đang xem xét thông qua CPTPP, truyền thông nói Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có "tổ chức khác cạnh tranh" và tránh đề cập đến khái niệm "công đoàn độc lập".
Ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh hôm 5/11 dẫn lời : "Công đoàn Việt Nam sẵn sàng chấp nhận, vượt qua thách thức, coi đây là cơ hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của tổ chức mình".
"Trong việc sửa đổi Bộ luật Lao động, cần thiết lập những quy định thật sự thông minh, vừa đảm bảo cam kết của Việt Nam với các đối tác nhưng vừa linh hoạt trong việc thực thi, tổ chức thực hiện".
"Đặc biệt, không để những tổ chức khác ra đời không vì lợi ích bảo vệ người lao động mà vì những động cơ chính trị, chống phá nước ta và cũng không để những tổ chức khác ra đời do giới chủ thao túng, phá hoại Công đoàn Việt Nam và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp".
'Chỉ còn trên lý thuyết'
Từ Canada, luật sư Vũ Đức Khanh nói với BBC hôm 6/11 : "Trong quá trình tham gia đàm phán TPP và sau này là CPTPP, Việt Nam thừa biết sẽ phải thay đổi rất nhiều luật lệ trong nước để phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế nhưng Việt Nam vẫn luôn chần chừ để mua thời gian không thực hiện những cam kết của mình".
"Điển hình là năm 2012, Việt Nam vẫn thông qua luật Công đoàn dù biết rằng đang trong giai đoạn chót để thông qua TPP. Ở thời điểm kết thúc đàm phán TPP, ngoài cam kết chung trong chương 19, do áp lực của Mỹ, Việt Nam buộc phải ký riêng với Hoa Kỳ một bản phụ lục để phía Mỹ có thể giám sát tiến trình tuân thủ này nhưng Việt Nam đã xin được triển hạn thi hành điều khoản này từ 3 đến 5 năm".
"Nhưng khi chính quyền Trump đã rút ra khỏi TPP cho nên, điều kiện giám sát này cũng bị mất luôn mà chỉ còn cam kết chung của tất cả mọi thành viên theo chương 19 của Hiệp định CPTPP".
"Như thế thì khả năng Chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do nghiệp đoàn chỉ còn trên lý thuyết vì trong 10 nước thành viên còn lại của CPTPP không có ai có đủ trọng lượng để áp lực Việt Nam thực thi điều này. Đó là chưa kể đến Việt Nam sẽ viện dẫn trường hợp đặc biệt để kéo dài thời gian thực hiện cam kết".
"Trong bối cảnh hiện nay, Quốc hội Việt Nam có thể thông qua Hiệp định CPTPP để có thể hưởng lợi về kinh tế trước mắt và từ từ, có thể là 3 đến 5 năm nữa, Chính phủ Việt Nam sẽ thay đổi một số luật, trong đó có luật Công đoàn 1992 để đáp ứng nhu cầu của tình hình mới".
Ông Vũ Đức Khanh, từ đảng Dân chủ Việt Nam ở hải ngoại, nói thêm : "Tôi nghĩ Đảng cộng sản Việt Nam và Chính phủ đương nhiệm không có lý do gì phải lo sợ các lực lượng nghiệp đoàn tự do, độc lập với họ".
"Thứ nhất, Đảng đã có một quá trình kinh nghiệm đấu tranh công đoàn gần 90 năm từ những năm đầu của cách mạng từ năm 1929".
"Thứ hai, một bộ máy Đảng và Nhà nước độc quyền như hiện nay thì tại sao lại phải sợ cạnh tranh với những tổ chức chỉ mới vừa được thành lập và tập tễnh bước vào sân chơi".
"Và thứ ba, việc các nghiệp đoàn này đào tạo được một lãnh đạo xứng tầm quốc gia và quốc tế cũng phải đòi hỏi ít nhất gần một thế hệ, có nghĩa là phải mất khoảng 20 năm".
"Về phần công đoàn Nhà nước, họ buộc phải thay đổi một cách toàn diện để tồn tại. Chấp nhận quy luật cạnh tranh để sinh tồn".
Công nhân Công ty Pouchen Việt Nam đình công hôm 24/3/2018
"Thử thách lớn nhất của họ là làm sao luôn là người đại diện chân chính và thiết thực đối với tầng lớp nhân dân lao động, đặc biệt trong bối cảnh khi Nhà nước lại đóng vai trò của giới chủ nhân kinh doanh trong một nền kinh tế thị trường đa thành phần".
"Quyền lợi của đảng chính trị cầm quyền, của Nhà nước trực tiếp làm kinh tế, của tầng lớp tư bản ngoại quốc và tư sản dân tộc, và của người lao động cần phải được các lãnh đạo công đoàn cân nhắc. Sự sống còn của họ đã bắt đầu nằm trong tay của người lao động khi tầng lớp này thực hiện quyền lựa chọn".
"Còn đối với các nghiệp đoàn độc lập, tự do, thử thách lớn nhất và trước mắt của họ là làm sao có thể dung hòa được các quyền lợi đối nghịch của các bên tham gia".
"Để tồn tại, lãnh đạo các nghiệp đoàn độc lập, tự do phải đạt được tính chính danh từ người lao động đã lựa chọn họ".
"Đồng thời, họ phải chứng tỏ rằng họ không nguy hại cho Đảng mà ngược lại có thể là đối tác chiến lược. Riêng đối với giới chủ doanh nghiệp dù đó là doanh nghiệp quốc doanh, tư doanh trong nước hay các nhà đầu tư nước ngoài, các vị lãnh đạo này cũng cần phải học bài học "hợp tác" mà quên đi "đấu tranh giai cấp". Vì đơn giản là nếu không có tư bản đầu tư thì sẽ không có người lao động".
Gia đình nhà hoạt động công đoàn Minh Hạnh tố bị khủng bố
'Cái nhìn lạc quan'
Cùng ngày 6/11, ông Đoàn Huy Chương, nhà hoạt động công đoàn, nói với BBC : "Việc cho lập công đoàn độc lập là tin vui cho giới hoạt động công đoàn, đem lại cái nhìn lạc quan".
"Tuy vậy, cũng có lo ngại về một dạng mang danh nghĩa là "công đoàn độc lập" nhưng thực chất là có sự điều hành của Nhà nước".
"Cần nhìn nhận thực tế là luật Lao động chưa phù hợp với công nhân Việt Nam nên cần phải sửa đổi một số điều luật".
"Tôi nghĩ thách thức trước mắt của giới hoạt động là hướng dẫn cho người lao động biết rõ quyền lập công đoàn độc lập".
"Đại đa số công nhân có thể vẫn chưa hiểu công đoàn độc lập nếu có thì giúp ích được gì cho họ và có khác gì công đoàn Nhà nước".
"Điều mấu chốt là giải nghĩa cho công nhân hiểu công đoàn "không làm chính trị" như cách họ bị tuyên truyền lâu nay".
Ông Chương, người từng thụ án 7 năm tù giam vì hoạt động đòi hỏi quyền lợi cho công nhân, cũng nói thêm với BBC : "Tôi cũng như những nhà hoạt động công đoàn khác nhận thấy có thể học hỏi mô hình công đoàn Ba Lan và Úc".
"Quan trọng là tìm hiểu cái nào thích hợp với tình hình ở Việt Nam và điều chỉnh thế nào".
"Mặt khác, giới hoạt động công đoàn cũng cần thời gian để củng cố tổ chức chặt chẽ hơn trong lúc tăng cường thay đổi nhận thức cho công nhân".
Trong một bài viết trên BBC hồi tháng 2/2016 khi có những đàm phán về TPP, nhà quan sát Nguyễn Quang Duy từ Úc nhận định : "Một cách cơ bản các công đoàn phải thực sự phát xuất từ công nhân, phải do công nhân lập ra, được công nhân nuôi dưỡng và phải đấu tranh cho quyền lợi công nhân".
"Những người lãnh đạo công đoàn phải là người được công nhân thương yêu, tin tưởng và bầu lên qua những cuộc bầu cử dân chủ".
Tuần trước, ông Lâm Thiếu Quân, một quan chức, đồng thời là một trí thức của nhà nước, đang phục vụ cho hệ thống chính quyền thành phố Hồ Chí Minh và cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong, trong một cuộc họp với Sở giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, đã đề xuất dự án thu phí đầu vào trung tâm thành phố. Đề xuất này nhanh chóng gây dư chấn trong nhân dân. Bởi hiện tại, thành phố Hồ Chí Minh có quá nhiều vấn đề trục trặc, từ vệ sinh an toàn thực phẩm đến mật độ dân cư, an ninh trật tự, tình trạng ngập lụt và mất vệ sinh vào mùa mưa, tình trạng kẹt xe… Giờ lại thêm một đề xuất thu phí vào trung tâm thành phố, chắc chắn ý tưởng này sẽ có vấn đề để bàn.
Hồ Con Rùa, một biểu tượng của Sài Gòn trước 30/4/1975 còn sót lại - TTVN
Ông Luật, một cán bộ hưu trí ở quận 1 thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ : "Cái đó trái với lương tâm, trái với chính sách. Bởi vì từ thành phố qua thành phố mà phải đóng thuế, qua trạm thì quá bất cập. Đây không phải từ một nước này qua một nước khác mà phải đóng. Cái này thì nên xin dân người ta ủng hộ chứ không nên đặt trạm, qui định như vậy. Các trạm BOT đã bỏ rồi thì các ông lại quen thói, lại dựng nó lên để tiếp tục khai thác…".
Câu hỏi mà ông Luật đặt ra xuyên suốt cuộc nói chuyện là lẽ nào ngân sách thành phố đã có vấn đề, bị thiếu hụt nên phải tìm cách thu chỗ này, buộc chỗ nọ để vá víu ? Bởi theo chỗ quan sát suốt quá trình công tác của ông Luật thì hiếm có thành phố nào trên cả nước lại có ngân sách lớn hơn thành phố Hồ Chí Minh. Bởi các nguồn thu từ thuế doanh nghiệp, Sài Gòn đứng đầu cả nước, các nguồn thu từ cho thuê đất công, nguồn thu từ viện trợ và rất nhiều nguồn thu chiết khấu từ VAT cũng như giao thông đường thủy, giao thông đường bộ, khai thác tài nguyên… Nhìn chung là rất cao.
Thế nhưng hiện tại, thành phố Hồ Chí Minh lại cần một khoản tiền mà theo ông Luật là bất hợp lý từ việc đánh phí vào những ai muốn đến trung tâm thành phố nghe ra có vẻ không ổn chút nào. Vì thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố công thương nghiệp lớn nhất trên cả nước, vấn đề di chuyển trong thành phố này càng thông thoáng, càng tự do bao nhiêu thì sức thương mại càng mạnh bấy nhiêu.
Và chặn đầu vào để đánh thuế thông qua tấm vé thu phí là một lựa chọn sai lầm nếu không muốn nói là hồ đồ. Bởi đề xuất này vô hình trung trở thành một trở ngại cho những ai muốn vào thành phố buôn bán, đầu tư. Nhất là lĩnh vực thương nghiệp, một lĩnh vực mà nhu cầu đi lại, giao thương mạnh hơn mọi lĩnh vực, đặc biệt trong phân khúc buôn bán nhỏ lẻ, người ta phải đi ra, đi vào thành phố thường xuyên, nếu như phải liên tục đóng phí mỗi khi ra vào thì người ta buộc phải suy nghĩ lại có nên tiếp tục buôn bán ở thành phố hay chọn một tỉnh khác để làm ăn.
Nhưng đây chỉ mới là một vấn đề nhỏ. Còn hàng loạt vấn đề về du lịch, người nghèo vào thành phố, người lao động thường xuyên vào ra thành phố… Tất cả sẽ gặp trở ngại khi nhà cầm quyền thành phố Hồ Chí Minh quyết định thu phí vào trung tâm thành phố. Và giả sử có thêm một trạm thu phí vào thành phố thì trạm này sẽ gọi là trạm gì ? Gọi BOT cũng không đúng vì nó sẽ được xây dựng trên tiền thuế của dân, ngay cả thành phố hình thành, hiện hữu và phát triển cũng dựa trên tiền thuế của dân, bây giờ dân phải đóng thêm một lần thuế để đi vào lần thuế thứ nhất hay sao ? !
Một cư dân thành phố Sài Gòn, không muốn nêu tên, chia sẻ : "Việc dựng trạm thu phí đi vào thành phố thì tôi thấy không hợp lý. Di chuyển là hành động tự nhiên của con người, vào Sài Gòn hay ra Hà Nội là một nhu cầu tự nhiên, không có lý do gì để áp đặt người ta phải đóng thuế. Điều này cho thấy người dân đã bị súc ruột trong lúc nhà cầm quyền đang bước chân vào một nửa của sự thất bại, sụp đổ trong kinh tế…".
Theo vị này, thành phố Sài Gòn, mà bây giờ gọi là thành phố Hồ Chí Minh đang ngày càng trở nên xấu xí, xa lạ với cư dân Sài Gòn gốc bởi có qúa nhiều thứ xa lạ ghé đến. Nạn trộm cướp gia tăng đột biến ở thành phố này, nạn kẹt xe, nhà cửa trở nên lộn xộn, các con sông bị lấn chiếm, một số con kênh biến mất, rồi thêm chuyện một hệ thống qui định nghe có vẻ trái khoáy, không hợp lòng dân đã áp đặt lên thành phố này khiến cho nó càng trở nên xấu xí, xa lạ.
Vị này muốn nhấn mạnh đến vấn đề chính sách, một chính sách tử tế rất cần thiết cho thành phố Hồ Chí Minh, bởi chỉ có một chính sách tử tế mới có thể cứu nổi thành phố này thoát khỏi những cái tệ, cái xấu không đáng có. Giải thích về cái gọi là chính sách tử tế, vị này nói rất đơn giản, đó là một chính sách giáo dục tử tế, một chính sách y tế tử tế và một chính sách an sinh xã hội tử tế. Chỉ cần ba chính sách này tử tế sẽ kéo theo các chính sách khác tử tế.
Bởi thành phố này trở nhên chộn rộn và chụp giật là do thiếu chính sách giáo dục, chính sách y tế và chính sách an sinh xã hội tử tế. Người ta sẽ không còn bình tĩnh để suy nghĩ đến điều tử tế một khi sáng ra mở mắt, bước xuồng đường là có hàng trăm khoản phí đang réo gọi, từ tiền nộp học cho con cái đến tiền bảo hiểm y tế, tiền viện phí nếu bệnh tật, tiền điện, tiền nước, tiền gởi xe, tiền chợ búa… Mọi khoản phí quấn lấy con người và người ta loay hoay trong các khoản phí này.
Bên cạnh đó, các khoản phí mà dân sài Gòn vẫn gọi là phí trời đánh khi ra đường hay kinh doanh, ví dụ như ra đường thì gặp công an giao thông xin bánh mì đểu, mở khách sạn, nhà hàng thì bị công an khu vực thăm đểu để nhận phong bì. Mà một khi văn hóa phong bì thấm nhuần trên thành phố Hồ Chí Minh thì chắc chắn một điều là người ta chạy đua để có cái mà phong bì và để lấy lại cái đã mất bởi phong bì. Giờ lại thêm một khoản phí vào trung tâm thành phố nữa thì nghe ra có vẻ quá mệt mỏi, nặng nề khi làm cư dân thành phố Hồ Chí Minh.
Vị này chia sẻ thêm : "Và những người làm những cái hành động dựng trạm thu phí này không vì cái chung. Còn rất nhiều cái khác để thay đổi cơ sở hạ tầng, thay đổi, ổn định giao thông một cách hiệu quả mà không phải tốn kém nhiều như họ đã nói. Trong lúc nền kinh tế đang lụn bại, lẽ ra phải tạo cơ hội cho người dân làm ăn, sinh sống thì họ lại bắt chẹt thêm nhân dân, làm cho nhân dân thêm gánh nặng… Điều này cho thấy thời đại hiện tại còn kinh khủng hơn của Tắt Đèn của Ngô Tất Tố nữa !".
Vị này tha thiết kêu gọi các trí thức nhà nước hãy nên nghĩ tới những điều tử tế, hãy nghĩ đến quyền lợi và nỗi khổ của người dân nhiều hơn là nghĩ đến cơ hội thăng tiến hoặc cơ hội được lòng cấp trên. Bởi hơn bao giờ hết, nhân dân đã quá khổ và cần một chính sách tử tế thực sự của nhà nước !
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
***************
Mới đây, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh vừa gửi công văn đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị cho thu thêm 1 đô la Mỹ mỗi khách qua đêm . Mục đích được nói để tạo quỹ phát triển du lịch riêng cho thành phố.
Du khách đến Sài Gòn… không biết đi đâu
Bà Anna, một du khách người Nga từng du lịch nhiều nước Á - Âu cho biết, bà sẽ không đến Thành phố Hồ Chí Minh nếu khoản thu này thực sự được áp dụng. Theo bà thì khoản thu gây nên cảm giác thành phố không có lòng hiếu khách.
Anna : Không, không. Tôi không thích bởi vì đây không phải vấn đề về tiền bạc. Đây là vấn đề về thiện chí của bạn đối với du khách. Nếu chỉ vì tôi đến đây mà tôi bị tính phí thì nó đồng nghĩa với việc thành phố này không muốn sự có mặt của tôi nữa. Biểu hiện không có tính hiếu khách.
Dù đã du lịch qua khoảng 30- 40 quốc gia, Aiden đến từ Úc cho biết anh hoàn toàn chưa từng thấy khoản phí như vậy và cho biết nhiều người sẽ thấy khoản phí này không hợp lý.
Aiden : Tôi đã đến rất nhiều quốc gia rồi và không nhớ chính xác, khoảng 30-40 quốc gia gì đó. Nhưng chưa từng có một quốc gia nào tính loại phí đó cả. Hoàn toàn không có.
Tôi nghĩ còn tùy vô mỗi quốc gia và thành phố nếu họ muốn kiếm thêm tiền. Nếu thành phố muốn thì dĩ nhiên họ nên làm. Sẽ có rất nhiều người sẽ không muốn trả khoản tiền này, nên sẽ có rắc rối trong việc bắt mọi người chi ra khoản 1 USD đó.
Trong khi đó, những ý kiến khác mà phóng viên chúng tôi có dịp ghi nhận đều xoay quanh vẫn đề nguồn quỹ thu được từ loại phí đề xuất trên liệu có được sử dụng đúng mục đích hay không.
Ông Tom Lancaster đến từ Úc bày tỏ quan điểm cho rằng, thu phí như thế sẽ không công bằng đối với những người chọn nơi đây làm địa điểm du lịch. Tuy nhiên, nếu số tiền được dùng đúng mục đích thì cũng có thể chấp nhận được.
Tom Lancaster : Tôi đến Thái Lan 2 lần và một số quốc gia khác trên thế giới và không có nơi nào tính phí tôi vì tôi ở lại đó qua đêm tại thành phố cả, những nơi khác cũng vậy.
Nhưng tôi nghĩ nếu họ bỏ tiền vào việc phát triển du lịch, đó là ý tốt. Miễn là không bỏ vào túi chính phủ để chi cho việc khác là được.
Thomas, một du khách Pháp có hơn hai tuần trải nghiệm tại Việt Nam sau chuyến đi Đông Nam Á kéo dài vài tháng, cũng nhận định rằng chi phí này sẽ không thành vấn đề nếu như chúng thật sự được dành cho việc phát triển du lịch.
Thomas : Ấn tượng đầu tiên của tôi là số tiền này không quá lớn. Chỉ là một số tiền nhỏ thôi. Theo tôi thì nó hoàn toàn phụ thuộc vào việc người ta sẽ sử dụng chúng vào việc gì.
Nếu như việc tính phí này được sử dụng cho những mục đích tốt và quan trọng với người dân tại đây thì tại sao lại không thu. Tuy nhiên thì nếu tôi ở 7 ngày và phải trả 7 USD... tôi cũng không rõ nữa. Tức là vấn đề nằm ở chỗ họ sẽ sử dụng số tiền này vào việc gì. Tôi thấy thế.
Mặc dù không phản đối, Thomas chia sẻ đây là lần đầu tiên anh nghe về loại phí này. Tại Pháp nơi anh sống, thuế du lịch sẽ được nộp vào ngân sách chung chứ không mang tính cục bộ cho từng địa phương.
Thomas : Đây là lần đầu tiên tôi nghe đến việc đề xuất ra loại phí này. Thành phố muốn đánh thuế người du lịch… Tại vì ở Pháp những hoạt động du lịch sẽ bị đánh thuế nhưng nó sẽ được nộp vào ngân sách chung của Pháp. Tôi chưa bao giờ nghe việc sẽ đánh thuế riêng cho việc du lịch đặc biệt là tại một thành phố riêng như vậy.
Thomas có trải nghiệm tương đối tốt về độ thuận tiện khi du lịch tại thành phố trên phương diện giao thông. Anh cho biết việc di chuyển từ sân bay đến trung tâm thành phố bằng xe bus 109 khá rẻ và thuận tiện, do có nhân viên hướng dẫn bằng tiếng anh.
Tuy nhiên giao thông công cộng cũng là mảng mà theo anh, thành phố nên đầu tư vào nếu khoản phí thực sự được thu và chi cho sự phát triển du lịch của thành phố.
Thomas : ...sẽ sử dụng số tiền này vào việc gì để phát triển du lịch tại đây ? Giao thông công cộng. Với tôi, đây là chìa khoá cho một thành phố hạnh phúc. Thành phố duy nhất mà bạn có thể vui vẻ hạnh phúc là thành phố mà bạn có thể đi bộ được, hoặc là đi phương tiên công cộng được.
Tôi thấy tiếng ồn từ xe cộ, tiếng bóp kèn, v.v… rất là phiền. Do đó, thành phố nên đầu tư vào một hệ thống giao thông công cộng yên tĩnh, chẳng hạn như tàu điện, xe lửa, xe bus điện là tốt nhất để đi khắp thành phố. Đây cũng là điều mà thành phố cần phải cung cấp.
Du lịch lâu nay thường được mệnh danh là ‘ngành công nghiệp không khói’. Nhiều người thừa nhận Việt Nam có nhiều lợi thế trong lĩnh vực này khi có được những cảnh quan thiên nhiên mà hiếm nơi nào có được.
Tuy nhiên cách thức khai thác đến nay vẫn thiếu hiệu quả do nhiều chính sách bị chỉ ra là bất cập. Trong khi những tồn tại chưa được giải quyết, thì cơ quan chức năng như Sở Du Lịch thành phố Hồ Chí Minh lại đưa ra đề xuất vấp phải phản ứng như biện pháp thu thêm mỗi du khách chừng 1 đô la Mỹ khi ở lại qua đêm tại thành phố này.
Nhóm phóng viên
******************
Nhiều cuộc đình công với qui mô từ hàng trăm đến hàng ngàn công nhân ở Việt Nam trong hai tháng vừa qua với mục đích đòi quyền lợi thoả đáng cho người làm việc được báo chí trong nước loan tin khá chi tiết về nguyên nhân, diễn biến và kết quả.
Công nhân Công ty cổ phần đầu tư Hồng Uy đình công đòi quyền lợi ngày 31/8/2017 - Courtesy of thanhnien.vn
Chỉ trong hai tháng 9 và 10 đã xảy ra bốn cuộc đình công của công nhân, trong đó có ba vụ diễn ra ở miền Trung và một vụ ở Bà Rịa, Vũng Tàu. Đó là công nhân của Công ty cổ phần đầu tư Hồng Uy đóng tại xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá ; công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn dệt may U World Sports Việt Nam đóng tại xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, Quảng Nam ; công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn S&H Vina Thạch Thành đóng tại xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa và công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Mei Sheng Textiles Việt Nam tại huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tường thuật của báo chí trong nước cho thấy những vụ đình công này có những điểm khá tương đồng, về mục đích, hình thức diễn ra sự việc và kết quả. Hàng trăm ngàn công nhân của các nhà máy, xí nghiệp thực hiện việc đình công với mục đích đòi hỏi quyền lợi mà theo họ là chính đáng và đã có thoả thuận giữa ban giám đốc và người làm việc. Cũng có những nơi công nhân bức xúc vì những "quy định vô lý như "trường hợp nhà có người chết, tai nạn, ốm đau phải báo trước 3 ngày mới được nghỉ" (trường hợp công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn S&H Vina Thạch Thành).
Cách thức diễn ra các vụ đình công qua ghi nhận của báo trong nước cho thấy đó là các công nhân đồng loạt ngưng tiến độ công việc và cùng tập trung ra trước hoặc sân, hoặc bãi đậu xe của nhà máy cho đến khi có những buổi đối thoại với lãnh đạo công ty.
Trả lời RFA tối thứ Ba, ngày 17 tháng 10, ông Đoàn Huy Chương, một thành viên sáng lập của Phong trào Lao Động Việt cho biết đó là những đòi hỏi quyền lợi chính đáng theo đúng pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, ông Đoàn Huy Chương cho biết những cuộc đình công này được "sự hướng dẫn của những người hiện nay còn giấu mặt".
"Chính quyền không thể đàn áp được vì thứ nhất là đình công trong 1 cách ôn hòa, không lấy đồ đạc, không gây thương tích, không làm ảnh hưởng hoặc không làm mất tài sản của công ty thì họ không có cớ gì để đánh đập hay bắt bớ những người đình công đó được".
Nói rõ thêm về vai trò những "người dấu mặt" đã "hiện diện" trong các cuộc đình công, ông Đoàn Huy Chương cho biết :
"Những anh em trong nghiệp đoàn độc lập hướng dẫn cho những người đình công về các quyền lợi và luật để họ hiểu rằng đình công như thế nào để tránh sự đàn áp của chính quyền địa phương".
Liên quan đến luật và quyền lợi, RFA đặt vấn đề với Thạc sĩ luật Hoàng Việt, từ Sài Gòn, ông cho biết Bộ luật lao động của Việt Nam đã qua rất nhiều thời kỳ thay đổi và hiện tại là Bộ Luật 2012 với những điều lệ ông cho là khá tiến bộ. Tuy nhiên chỉ có một vấn đề duy nhất liên quan đến quyền đình công và các thủ tục đình công của công nhân.
"Cho đến nay ở Việt Nam chỉ có 1 tổ chức duy nhất là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và dưới nó là các công đoàn được thành lập ở các công ty nhà máy xí nghiệp.
Trong Luật Lao động Việt Nam qui định là một cuộc đình công của công nhân phải do các công đoàn lãnh đạo thì mới được xem là hợp pháp.
Mà bắt đầu từ khi thành lập công đoàn cho đến bây giờ dường như là chưa có vụ người công nhân bị bóc lột nào mà công đoàn đứng ra để tổ chức đình công cả".
Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, có hai lý do cho điều này mà Việt Nam còn hạn chế, thứ nhất là do luật, thứ hai là do thực thi pháp luật.
Điều quan trọng hơn, theo nhận định của ông Hoàng Việt, "công đoàn không phải là đại diện cho giới lao động nhiều mà đại diện cho giới chủ nhiều hơn".
Đồng ý với nhận định của Thạc sĩ Hoàng Việt, ông Đoàn Huy Chương đưa ra ý kiến về vai trò khác nhau của công đoàn nhà nước và nghiệp đoàn độc lập.
"Công đoàn độc lập bảo vệ quyền lợi cho người lao động một cách chính đáng và dùng hết tâm huyết của mình để làm việc có lợi nhất cho người lao động.
Còn công đoàn nhà nước thì tuy rằng họ hưởng lương của công nhân, thêm vào đó họ hưởng lương của nhà nước vì công đoàn này do Đảng Cộng Sản lập ra, nên mọi việc họ đều theo sự hướng dẫn của Đảng cộng sản, không bảo vệ người lao động".
Trở lại với những cuộc đình công lớn gần đây ở các tỉnh miền Trung cho thấy, bằng hình thức ngưng việc, chính những người công nhân đã đứng lên đòi quyền lợi chính đáng như đề nghị công ty tăng lương cơ bản cho phù hợp mức sống hiện tại ; khi công nhân nghỉ ốm đau, có việc quan trọng đột xuất thì không bị trừ tiền chuyên cần ; không quá ép sản lượng đối với công nhân ; đảm bảo chế độ thai sản đầy đủ cho nữ công nhân…
Hoặc bắt buộc nhà máy, công ty phải chấm dứt những quy định như công nhân không được mang nhiều nước, thức ăn vào chỗ làm ; những phụ nữ có thai cũng không được mang sữa vào để uống dặm, các nữ công nhân không được mặc áo khoác chống nắng để vào chỗ làm…
Những đòi hỏi này, theo ông Chương, tuy không được đáp ứng hoàn toàn, nhưng các nhà máy đã chấp nhận khoảng 50%.
"Những nghiệp đoàn độc lập luôn luôn theo sát họ và luôn luôn hướng dẫn cho những người công nhân biết những gì nên đòi và những gì không nên đòi.
Đó tạm gọi là sự thành công của người công nhân".
Khi nói về những hoạt động nhằm để truyền tải cho người công nhân nhiều hơn nữa nhận thức về quyền lợi cho chính họ, ông Đoàn Huy Chương chia sẻ với RFA những kế hoạch trong tương lai.
"Sắp tới đây những công đoàn độc lập sẽ hướng dẫn cho người công nhân hiểu về cách đình công và đòi hỏi những quyền lợi của mình 1 cách hiệu quả, hướng dẫn cho họ những luật, chỉ dẫn cho họ luật quốc tế và những gì Việt Nam đã ký kết với quốc tế".
Thạc sĩ Hoàng Việt đưa ra nhận định dựa trên khái niệm khá tổng quát về tổ chức xã hội dân sự, mà theo ông là một cách hiểu khác của nghiệp đoàn độc lập.
"Ở Việt Nam hiện giờ chưa có đủ điều kiện để phát triển. Tôi hy vọng trong tương lai với sự phát triển của xã hội dân sự thì những tổ chức công đoàn độc lập hoàn toàn đúng nghĩa là xã hội dân sự bảo vệ quyền lợi của người công dân sẽ được chấp thuận và được hoạt động ở Việt Nam. Điều đó sẽ dẫn đến việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động tốt hơn. Cái này thì nhà nước Việt Nam cũng sẽ có lợi thôi".
Chia sẻ này khá tương đồng với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, trong một lần đề cập đến nghiệp đoàn độc lập với RFA, ông có ý kiến khá tích cực về tương lai của các nghiệp đoàn độc lập ở Việt Nam : "Bởi vì một nghiệp đoàn có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người lao động, đấy cũng là một điều mà Việt Nam mong muốn".
11 quốc gia còn lại của Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP họp trong hai ngày 20 và 21 tháng năm ở Hà Nội, để bàn chuyện tái lập TPP sau khi đối tác lớn nhất là nước Mỹ tuyên bố rút ra khỏi hiệp ước này vào hồi đầu năm nay.
Bộ trưởng Thương mại Trần Tuấn Anh phát biểu trong một cuộc họp bên lề Hội nghị Bộ trưởng APEC tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 5 năm 2017. AFP photo
Đồng thời một cuộc họp khác cũng được tổ chức ở Hà Nội để xúc tiến hoàn thành hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) gồm 10 quốc gia ASEAN và sáu quốc gia đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, và Ấn Độ.
TPP và nghiệp đoàn
Trước khi cuộc họp về TPP diễn ra, ngày 19 tháng năm, tờ báo chuyên về kinh tế là Nikkei có đoán rằng Việt Nam mong muốn thay đổi cam kết trước đây của mình về việc nới lỏng những qui định. Lý do được đưa ra là Việt Nam trước đây cam kết các vấn đề đó để đổi lại việc thâm nhập vào thị trường Mỹ, là nước có GDP chiếm khoảng hơn 60% GDP của cả 12 nước trong khối. Nay Mỹ không còn là thành viên của TPP nữa. Tờ báo không nói cụ thể những quy định mà Việt Nam muốn thay đổi là gì.
Từ đó dấy lên đồn đoán là Việt Nam muốn thay đổi việc cam kết cho nghiệp đoàn tự do hoạt động. Hiện nay ở Việt Nam chỉ có một công đoàn do nhà nước kiểm soát.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, nói với chúng tôi rằng tờ Nikkei đưa ra nhận định như thế cũng có thể là dựa trên những biểu hiện nào đấy, nhưng theo ông trong lời tuyên bố của đại diện thương mại New Zealand hôm 21 tháng năm thì không có đề cập đến những thay đổi.
Trong bản tin đánh đi từ Hà Nội ngày 21 tháng năm, hãng thông tấn AFP viết rằng 11 quốc gia tham gia hiệp định TPP đồng ý với nhau thúc đẩy thương mại đồng thời với những quyền về nghiệp đoàn và môi trường.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói :
"Với tinh thần như vậy thì tôi nghĩ không phải là một sự phủ quyết gì của Việt Nam, TPP thì không có nước nào có quyền phủ quyết cả. Có thể Việt Nam đặt vấn đề cho nó mềm hơn. Nhưng tôi không nghĩ rằng Việt Nam sẽ hoàn toàn bác bỏ điều này. Bởi vì một nghiệp đoàn có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người lao động, đấy cũng là một điều mà Việt Nam mong muốn".
Xin nhắc lại là hiệp định TPP được ký vào năm 2015 sau 8 năm dài thương lượng rất khó khăn.
Sau buổi ký kết, đại diện Việt Nam là cựu Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng phát biểu với báo chí rằng :
Tôi nghĩ vấn đề lao động là một trong những vấn đề khó khăn và nhạy cảm nhất cho Việt Nam trong quá trình đàm phán. Chúng tôi đã dành nhiều thời gian đàm phán với các đối tác. Tôi nghĩ, những điều kiện về lao động đưa ra trong thỏa thuận không phải chỉ của riêng Hoa Kỳ hay bất cứ nước nào mà là của ILO. Việt Nam là thành viên của ILO và chúng tôi cam kết thực hiện các quyền và nghĩa vụ với các điều kiện của ILO và tôi nghĩ đây là cam kết và sự sẵn sàng mà chúng tôi sẽ thực hiện liên quan đến các vấn đề về lao động.
ILO là tên tắt theo tiếng Anh của Tổ chức lao động quốc tế.
Trong các phiên họp diễn ra trong hai ngày 20 và 21 tháng năm 2017 tại Hà Nội, đại diện thương mại Mỹ hoàn toàn bác bỏ chuyện Washington sẽ quay trở lại TPP.
Khi được hỏi rằng những cam kết của Việt Nam trước đây về nghiệp đoàn tự do có phải là với mục đích nhượng bộ để xâm nhập thị trường Mỹ hay không, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành hiện đang làm việc ở Hà Nội nói với chúng tôi :
"Việt Nam trong những thương lượng về TPP cũng đã cân nhắc rất kỹ về tất cả những điều khoản đấy. Có Mỹ hay không có Mỹ thì Việt Nam vẫn tiếp tục những điều khoản đã ký kết thôi. Không có vấn đề gì cần sửa đổi. Ý chí của Việt Nam quyết tâm tiến tới trong hội nhập quốc tế. Đối với Việt Nam hội nhập quốc tế là quan trọng, từ từ từng bước, Việt Nam sẽ sửa đổi những cái gì cần phải sửa đổi để hội nhập quốc tế tốt thôi".
Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) phát biểu trong một cuộc họp với các nhà lãnh đạo TPP bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Manila hôm 18/11/2015. AFP photo
Khi ý tưởng thương mại gắn với quyền tự do lập nghiệp đoàn được đưa ra trong việc thương lượng hiệp định TPP, vào năm 2014, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, một nhà quan sát chính trị Việt nam từ Hawaii có nhận xét :
"Ở Việt Nam có nhiều người muốn cải cách, muốn thay đổi, thì họ hy vọng rất nhiều vào TPP để dùng áp lực từ bên ngoài để buộc Việt Nam phải thay đổi, phải cải cách thể chế".
Một trong những người như vậy là ông Nguyễn Đình Hùng, hiện là Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt, một tổ chức nghiệp đoàn lao động tư do hoạt động trong giới công nhân hợp tác lao động ở nước ngoài và công nhân trong nước, nhưng hiện không được nhà nước Việt Nam công nhận.
Sau cuộc họp ở Hà Nội ngày 21 tháng năm của 11 quốc gia đối tác còn lại của TPP, từ Australia, ông Nguyễn Đình Hùng nói với chúng tôi rằng ông cũng hy vọng TPP sẽ sống còn và điều đó giúp ích cho công nhân Việt Nam, dù ông không tin rằng chính quyền Việt Nam thực tâm cho phép nghiệp đoàn tự do hoạt động :
"Việt Nam nếu có những quyền lợi kinh tế, thì họ bắt buộc phải làm việc với thị trường quốc tế, với cộng đồng quốc tế. Mà nếu làm việc với cộng đồng quốc tế thì họ sẽ có những cơ chế kiểm soát họ. Dù sao tôi nghĩ có còn hơn không, có những cơ chế đó thì giới công nhân sẽ có những tiếng nói đưa ra ngoài, và sẽ có sự yểm trợ của bên quốc tế".
RCEP hay TPP ?
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì trong các tuyên bố của các thành viên đối tác TPP, người ta thấy có những lời mời gọi gián tiếp Trung Quốc, nước có nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương, tham gia thay chỗ cho nước Mỹ. Nhưng cho đến nay không nhận được trả lời tích cực nào từ phía Trung Quốc.
Thay vào đó Trung Quốc có vẻ tích cực đẩy mạnh Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP).
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì so với TPP, RCEP mang tính chất khu vực châu Á, chứ không mang tầm vóc quốc tế như TPP, vì TPP bao gồm cả các quốc gia châu Mỹ như Canada, Mexico.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng Trung Quốc thích RCEP hơn là TPP, vì RCEP không ràng buộc Trung Quốc phải chấp nhận cho nghiệp đoàn tự do hoạt động, cũng như một số thay đổi về thể chế mà Trung Quốc thấy không phù hợp với mình.
Hiện tại ở Trung Quốc cũng có duy nhất 1 tổ chức công đoàn của nhà nước.
Hôm 22 tháng 5, tại Hội nghị Bộ trưởng giữa kỳ lần thứ 3 RCEP khai mạc tại Hà Nội, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam ủng hộ việc kết thúc về cơ bản đàm phán hiệp định này trong năm 2017.
Nhưng theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì chuyện thúc đẩy RCEP của Trung Quốc sẽ không dễ dàng :
"Hiệp định hiệp tác khu vực RCEP, đã được đàm phán lần cuối cùng ở Nhật Bản, nhưng không đi đến thỏa thuận gì cả. Bởi vì Trung Quốc không sẳn sàng mở cửa thị trường và không sẳn sàng cam kết, về những qui định thương mại thống nhất giữa các nước. Cho đến nay, tôi thấy Trung Quốc vẫn muốn áp đặt một luật chơi riêng lên các đối tác trong quan hệ song phương. Hãy chờ xem RCEP sẽ được thúc đẩy như thế nào. Cũng cần lưu ý là trong RCEP ngoài Trung Quốc, còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, và Ấn Độ, là những nước sẽ đàm phán rất là gay gắt chứ không dễ dàng".
Ông Lê Đăng Doanh kết luận về TPP rằng trong những hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia thì TPP là hiệp định có cấu trúc hiện đại nhất, không những bao gồm thương mại mà cả những điều khoản về hành vi ứng xử của nhà nước, sự công khai minh bạch của doanh nghiệp, theo ông đó là những điều tiến bộ, và Việt Nam nên cố gắng theo đuổi.
Kính Hòa, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 22/05/2017